ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

Phận gái mười hai bến nước.


ĐỘC GIẢ: Mục Chuyện Đông chuyện Tây trên Kiến thức ngày nay, số 95 đã không giải đáp dứt khoát thành ngữ “mười hai bến nước” mà chỉ mới xác định cách giảng của Huình-Tịnh Paulus Của “hợp lý hơn” cách hiểu do ông Triệu Văn Cẩn đã nêu, còn có thể hiểu “mười hai bến nước” là 12 nghề nghiệp trong xã hội ta ngày xưa: sĩ, nông, công, thương, nho, y, lý, bốc, ngư, tiều, canh, mục hoặc là 12 tuổi tính theo thập nhi chi: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, vv..

AN CHI: Trên Kiến thức ngày nay, số 95, chúng tôi có nói rằng đây là chuyện do từ nguyên dân gian gây ra nhưng vì vấn đề hơi phức tạp nên chúng tôi có hẹn đến một dịp khác sẽ trình bày rõ. Nay xin nói vắn tắt như sau. Hai danh từ bếnthuyền vẫn được dùng theo ẩn dụ để chỉ người con gái và người con trai trong quan hệ đính ước, hẹn hò. Từ cách dùng này, đi xa thêm một bước, bến lại được dùng để chỉ số phận của cá nhân, thường là phụ nữ, trong quan hệ nhân duyên. Chữ nhân ở đây viết nhân duyên được Mathews’ Chinese-English Dictionary giảng là “the fate or influence which brings lovers together “nghĩa là “số phận hoặc ảnh hưởng găn bó (hai) người yêu nhau”. Bến Nước trong thành ngữ mười hai bến nước chính là thức nhân duyên này. Nhưng trong tiếng Hán lại còn một thứ nhân duyên khác, với chữ nhân viết là . Đây là nhân duyên của nhà Phật mà cũng quyển từ điển trên đã giảng như sau: “the cause which produces effects in a future life” nghĩa là “cái nhân tạo ra những cái quả trong kiếp sau”. Theo điển lý nhà Phật thì có tất cả mười hai nhân duyên, tiếng Hán gọi là thập nhị nhân duyên. Do cách hiểu theo từ nguyên dân gian – mà vì khuôn khổ giới hạn, chúng tôi cũng không thể nói kỹ tại đây – nên người ta mới đánh tráo thứ nhân duyên của thần Ái tình vào chỗ thứ nhân duyên của nhà Phật mà diễn nôm thập nhị nhân duyên thành mười hai bến nước. Hóa cho nên chỉ có hai bến như Huình-Tịnh Paulus Của đã nói “hoặc gặp bến trong, hoặc gặp bến đục (…) may thì nhờ, rủi thì chịu” đó mà thôi. Từ điển gia của chúng ta đã không thấy được hiện tượng từ nguyên dân gian nên mới viết rằng “tiếng nói mười hai bến nước là nói cho có vần”. Nhưng ông vẫn rất đúng ở chỗ ông không thừa nhận rằng ở đây hai tiếng mười hai có ý nghĩa xác thực như khi chúng được phân bố cho những ngôn cảnh bình thường khác. Để cho rõ hơn, chúng tôi xin được nhắc đến lý thuyết hữu quan của nhà từ nguyên học tiên phong hiện đại người Pháp là Pierre Guiraud trong cuốn Les locutions françaises (Paris 1973). Đó là chương V mang tiêu đề “Accidents linguistiques” (Các sự cố ngôn ngữ) trong đó tác giả đã bàn đến những sự đan chéo hình thức (croisements de forms) và những sự lan truyền ý nghĩa (contaminations de sens) giữa các thành ngữ và từ ngữ với nhau. Phàm đối với các thành ngữ hóc búa kiểu mười hai bên nước mà khi nghiên cứu lại không xét đến các hiện tượng trên đây thì khó lòng tìm ra sự thật. Ở đây, nhân duyên của thần Ái tình đã lây nghĩa cho nhân duyên của nhà Phật nên mới tạo ra lối nói oái ăm đó. Mười hai thành phần đã kể ra chỉ là kết quả của một sự liệt kê trùng lặp cốt tìm cho đủ con số vì nho cũng là canh cũng là nông. Hiểu theo nghĩa rộng, nho, y, lý, bốc cũng lại là cả. Mười hai địa chi cũng không liên quan gì đến thành ngữ đang xét.

Kiến thức ngày nay, số 106, ngày 15-4-1993

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét