Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Sáu, 11 tháng 12, 2020

Tên gọi các Giáo phận Công giáo tại Việt Nam

 Ghi chú đôi điều...

* Tổng giáo phận tpHCM (Arcidiocesi di Hôchiminh Ville), xin chú ý, là nằm trong GIÁO TỈNH SÀI GÒN (Provincia ecclesiastica di Saigon)!
* Có một số "dân chủ viên" làm ra vẻ thân thiết với Công giáo nhưng, bất chợt, lại đưa ra những "giải thích" xuyên tạc Công giáo.
Stt này ghi chú lai rai, qua đó cho thấy sự ngô nghê trong "giải thích" của dân chủ viên (VietmocRATs).

A/ Cả thảy ở Việt Nam hiện nay có 27 giáo phận. Bên Công giáo phân chia giáo phận dựa theo địa giới hành chánh hiện hành? KHÔNG PHẢI VẬY. Mà có sự phân chia khác biệt, độc lập với "bên đời".

* Xem bản đồ đính kèm, để thấy địa giới & cách gọi tên của các Giáo phận là không hẳn hoàn toàn trùng khớp với địa giới tỉnh thành hiện nay.

Chẳng hạn "Giáo phận Bùi Chu", làm gì trên đất nước này có tỉnh gọi là "Bùi Chu"? Giáo phận Bùi Chu nhỏ hơn địa giới của tỉnh Nam Định (giáo phận Bùi Chu chỉ gồm 6 huyện trong 9 huyện của tỉnh Nam Định, và thêm một phần của thành phố Nam Định). Bùi Chu là một tên gọi xưa ơi là xưa, dù vậy vẫn được dùng để định danh cho một Giáo phận hiện nay.

Hoặc, "Giáo phận Cần Thơ" đã định danh từ trước 1975. Sau "ngày tiếp quản", khoảng năm 1976 thì Cần Thơ không còn là tỉnh mình ên mà sáp nhập và đổi tên thành tỉnh Hậu Giang. Nhưng, Giáo phận Cần Thơ không đổi tên theo là "giáo phận Hậu Giang", mà vẫn giữ như trước.
(hiện nay Cần Thơ không còn nhập cục trong Hậu Giang nữa, mà đã lấy lại vị thế là "Thành phố Cần Thơ").

B/ Còn "Tổng giáo phận tpHCM" thì sao? Cũng không ăn khớp cho lắm so với địa giới hành chánh của tpHCM. Đó, huyện Củ Chi thuộc tpHCM, nhưng lại không thuộc "Tổng giáo phận tpHCM" mà thuộc về Giáo phận Phú Cường.
Ở trong nước khi giao dịch giấy tờ, ghi là "Tổng giáo phận tpHCM". Nhưng trong sinh hoạt hội đoàn, phổ biến nhứt lại là tên gọi "Tổng giáo phận Sài Gòn". Ở nước VN thời nay nó vậy, linh động, ứng biến đủ kiểu.

Quí bạn có biết, tên gọi "Tổng giáo phận tpHCM" được dùng ngay trong văn bản từ Tòa thánh Vatican? Là: "Arcidiocesi di Hôchiminh Ville". Nhưng đồng thời cũng được định danh rõ rành "Arcidiocesi di Hôchiminh Ville" là nằm trong GIÁO TỈNH SÀI GÒN (Provincia ecclesiastica di Saigon).
Nói cách khác, bao trùm lên trên "Tổng giáo phận tpHCM" là Giáo tỉnh Sài Gòn!

Đối với những tín hữu Công giáo Việt Nam, hết thảy cần biết mạch lạc như trên, để có ứng xử thích hợp trong tâm tình hiệp thông với Tòa thánh Vatican (không để cho "dân chủ viên" thọc gậy bánh xe, kích động gây chia rẽ).

C/ Có 27 Giáo phận, thuộc về 3 GIÁO TỈNH (Provincia ecclesiastica) - là Giáo tỉnh Hà Nội, Giáo tỉnh Huế, và Giáo tỉnh Sài Gòn.

GIÁO TỈNH SÀI GÒN gồm: 1/ Tổng giáo phận tpHCM, 2/ giáo phận Đà Lạt, 3/ giáo phận Phan Thiết, 4/ giáo phận Bà Rịa, 5/ giáo phận Xuân Lộc, 6/ giáo phận Phú Cường, 7/ giáo phận Mỹ Tho, 8/ giáo phận Vĩnh Long, 9/ giáo phận Cần Thơ, và 10/ giáo phận Long Xuyên.

GIÁO TỈNH HUẾ gồm: 1/ Tổng giáo phận Huế, 2/ giáo phận Đà Nẵng, 3/ giáo phận Qui Nhơn, 4/ giáo phận Nha Trang, 5/ giáo phận Kon Tum, và 6/ giáo phận Ban Mê Thuột.

GIÁO TỈNH HÀ NỘI gồm: 1/ Tổng giáo phận Hà Nội, 2/giáo phận Hưng Hóa, 3/ giáo phận Lạng Sơn - Cao Bằng, 4/ giáo phận Bắc Ninh, 5/ giáo phận Hải Phòng, 6/ giáo phận Thái Bình, 7/ giáo phận Bùi Chu, 8/ giáo phận Phát Diệm, 9/ giáo phận Thanh Hóa, 10/ giáo phận Vinh, và 11/ giáo phận Hà Tĩnh.

D/ Tôi đọc thấy một số "dân chủ viên" khen Công giáo hiện nay có hệ thống tổ chức chặt chẽ, với thiết chế quân chủ (nhà nước trung tâm là Vatican) với các Hồng Y lãnh đạo từng giáo hội mỗi quốc gia. "Khen" bề mặt mà kỳ thực là sự xuyên tạc, nhưng xuyên tạc hết sức ngớ ngẩn!

Làm gì có sự kế tục "quân chủ" ở đây? Vị lãnh đạo cao nhứt của Giáo hội Công giáo hoàn vũ là đức Giáo tông (người Công giáo thường gọi một cách trân trọng là "Papa", "Pope", "Đức Thánh Cha"): tước vị này hiện nay được bầu chọn bởi Hồng Y đoàn họp lại để bỏ phiếu - chớ làm gì có "nối ngôi" mặc định, kiểu quân chủ?

Càng ngớ ngẩn khi "dân chủ viên" khẳng định các Hồng Y được phân bổ quyền lực cầm trịch tại từng giáo hội địa phương. Đây, nói ngay về Hội đồng giám mục Việt Nam (HĐGM VN). Các ngài họp lại để bầu ra các ủy ban, bầu ra chức vị Chủ tịch & Phó Chủ tịch theo nhiệm kỳ. Việc bầu chọn này hoàn toàn tùy thuộc vào sự chọn lựa TỰ DO của các vị giám mục địa phương (làm gì có sự "cài cắm" Hồng Y nắm quyền!).

Ở Việt Nam vào lúc này có hai Hồng Y là Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, và Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - nhưng hai ngài đâu có "cầm trịch lãnh đạo" - theo lối nói bừa của dân chủ viên.

Chủ tịch HĐGMVN, qua bầu chọn trong các vị giám mục, hiện nay là Giám mục Giu-se Nguyễn Chí Linh (Tổng giáo phận Huế), Phó Chủ tịch HĐGM là Giám mục Giu-se Nguyễn Năng (Tổng giáo phận Sài Gòn).

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------
Bản đồ 27 Giáo phận tại VN (hình 1);
Các vị Hồng Y, Giám mục VN đương nhiệm (hình 2);
GM Giu-se Nguyễn Chí Linh (Tổng giáo phận Huế, được bầu làm Chủ tịch HĐGM VN), GM Giu-se Nguyễn Năng (Tổng giáo phận Sài Gòn, được bầu làm Phó Chủ tịch HĐGM VN) (hình 3).




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét