Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2020

Giản dị

 Đang thời... mắc dịch, ở nhà, thủng thẳng mà hồi tưởng đủ thứ.

GIẢN DỊ

Tỉ như chuyện này, lúc đưa con gái ra thăm Huế sau khi cháu tốt nghiệp RMIT (Royal Melbourne Institute of Technology) cách đây một số năm lận. Về Kim Long cho con gái biết nơi tôi ra đời.
Rồi tôi mướn một chiếc xe gắn máy, hai cha con tha hồ phóng xe đi hết nơi này nơi kia. Nhứt là phải lặn lội tới tận Lăng Gia Long nằm xa tít, thắp hương tưởng niệm tiền nhân. Xứ Đàng Trong (kéo dài tới tận Cà Mau) là nhờ công trạng các đời Chúa Nguyễn, và Hoàng đế Gia Long là hậu duệ của chính các ngài Chúa Nguyễn.
Lăng Gia Long vắng khách nhàn du , ít hơn hẳn so với các lăng vua Minh Mạng, Khải Định. Có thể vì nơi đây xa xôi, cũng có thể vì lòng người nhạt phai chăng? Nói gì thì nói, ăn quả nên nhớ kẻ trồng cây.

Rồi tôi cũng ưng cho con lặn lội sơn khê, vào tận Huyền Không Sơn Thượng để hít thở không khí trong lành. Đây thuộc Phật giáo Nam tông. Tôi tới đây cũng một số lần rồi, thầy Viên Minh thuộc Tổ đình Bửu Long (ở quận 9, Sài Gòn) - mà tôi thi thoảng (cũng ít) tới thăm - lúc trước thầy khai phá Huyền Không nơi đây.
Nói nào ngay, tôi chuộng sự giản dị. Nào chỉ ở Phật giáo Nam Tông, mà xuôi về miền Tây còn là Bửu Sơn Kỳ Hương, là Phật giáo Hòa Hảo, rồi thầy Ba ẩn sĩ trên núi ở Châu Đốc... - hết thảy không chấp nhận thói đốt vàng mã, rồi cũng không ưng cái tập quán thả chim phóng sanh (mỗi lần vào dịp lễ thả chim phóng sanh mà tôi thấy nơi nhiều chùa Bắc tông, ấy là lúc chim bị gài bẫy, bị cướp đoạt sự tự do nhiều nhứt để đem bán).

Bắc tông ưng gọi mình là "đại thừa" và gọi Nam tông là "tiểu thừa". Mắc giống gì phân biệt cỗ xe lớn cỗ xe nhỏ. Bên Nam tông không nhận mình là "tiểu thừa", mà có người ưng gọi là "Phật giáo nguyên thủy" (Theravada) hơn.

Thôi, khỏi tranh chấp cao thấp, lớn nhỏ làm gì, kêu bằng Nam tông và Bắc tông, cho gọn gàng.
Nam tông thì mới có mặt tại VN vào thập niên 30-40 của thế kỷ 20 mà thôi, theo ngả Cambodia, Thái Lan, Miến Điện. Du nhập vô miền Nam nước Việt trước, rồi mới tỏa ngược ra miền Trung, miền Bắc (*).

Có phải các chùa Bắc tông, nhứt là ở ngoài Bắc, đều chịu ảnh hưởng Tàu mà sinh ra tập tục đốt vàng mã, thả chim phóng sanh? Lại thêm mấy tục cúng sao giải hạn, giải vong...
Kêu bằng là mê tín dị đoan hết sức!

Trong miền Nam, không nói đâu xa là Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quí thuộc phái Lâm Tế, tuy là Bắc tông nhưng Sư Ông không bao giờ cho đốt vàng mã, "chim phóng sanh" cũng không.
Mà sao tôi biết? Thì Đại lão Hòa thượng là người trong gia đình, Sư Ông là ông nội bên vợ tôi.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
-------------------------------------------------------------------------------
* Để rõ hơn, xem website http://phatgiaonguyenthuy.com/
128 chùa Phật giáo Nguyên thủy được phân bổ như sau:
Đồng Nai (28 chùa), tpHCM (22 chùa), Bà Rịa-Vũng Tàu (17), Tiền Giang (8), Vĩnh Long (7), Thừa Thiên-Huế (7), Bình Dương (5), Trà Vinh (4), Quảng Nam (4), Bình Phước (3), Cần Thơ (3), Khánh Hòa (3), Hà Nội (3), Long An (2), Bến Tre (2), Lâm Đồng (2), Daklak (2), Kiên Giang (1), Bình Thuận (1), Bình Định (1), tp Đà Nẵng (1), Thái Bình (1), Bắc Ninh (1).

Hình ảnh: Chùa Huyền Không Sơn Thượng (Huế), Phật giáo Hòa Hảo ở Chợ Mới (Long Xuyên).





 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét