Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

Tích Cụ sáu (Cha Triêm)

 TÍCH CỤ SÁU (PÈRE SIX)

( Cha Triêm)

Chevalier de la Légion d'honneur.

--------------

Cha Phêrô Trần Lục

Từ xưa nhẵn nay đâu đâu cũng có anh tài dõng lực, đời nào cũng có hùng dõng quảng tâm, tài năng khôn ngõ cứu thế độ dân, tự nhiên làm cho mọi người cúi đầu vâng phục; chẳng phải là đánh Nam dẹp Bắc, mới làm cho lòng người ta tùng theo, một lấy đều ái nhơn như kỷ, một dùng chữ cang thường luân lý cùng khắc kỷ tu thân mà xử với đời. - Nước Nam ta có cục ngọc nằm giữa bùn, kẻ đi ngang qua ngó thấy chẳng lẽ điềm nhiên nín lặng, mà chẳng cất tiếng khen rằng: Nầy là ngọc trân châu bữu quốc, đáng đem cho mọi người xem thấy hầu khen ngợi, là ngọc lành quân tử, để làm của báu hậu lại. Anh hùng dõng lực và ngọc bữu quốc ấy là ai? Thật là cụ Sáu người Bắc Kỳ, là đấng có danh tiếng khắp cõi Việt Nam, là thầy cả làm rạng danh phần đời phần đạo, hằng giúp dân độ thế, làm cho lưỡng quốc Tây Nam đặng nhờ; ấy là một đấng trong đời kiêm nhựt tân trào. Tôi tuy thiểu trí cạn suy, song cả dám tặng khen, vì là người một nước, tôi một Chúa nên phải tỏ bày cho ai nấy đặng rõ.

---

Tên tuổi quê quán cụ Sáu.

Cụ Sáu chẳng phải là tên Sáu, bỡi vì khi người làm thầy phó tế chức thứ sáu, thì đã nổi danh tiếng, thiên hạ chẳng dám kêu tên tộc người, cứ kêu là thầy Sáu, đến khi người chịu chức thầy cả, thì người ta cũng cứ tên sáu mà kêu cụ Sáu cho đến rày. Chính tên cha mẹ đặt cho người là Hữu, đến khi đi nhà trường latinh thì lại cải tên là Triêm.

Cụ Sáu sinh ra bỡi cha mẹ đạo đức thật thà, biết đàng kính Chúa yêu người; cha người tên là Trần văn Nhu, làm bạn cùng một người nữ đạo đức kia ở làng Quảng Công, tĩnh Ninh Bình, sinh đặng năm trai hai gái, cụ Sáu là con thứ ba. Thiên hạ không rõ cho chắc quê quán cụ Sáu là chốn nào; vì cha người là đạo theo, đến học đạo trong kỳ nhặt nhiệm, nên chẳng ai lo cho tỏ đều ấy, lại khi cụ Sáu còn sống thì cũng chẳng có nói cho con cháu biết quê quán mình ở đâu. Có kẻ nói là làng Phú Ốc, kẻ lại nói là làng Lác Môn ở Bắc Kỳ. Mọi người đều biết một điều nầy, là đời Minh Mạng cửu niên và thập niên là năm 1828 và 1829, lúc ấy có giặc Ba Vàng nổi lên, ai ai cũng tìm phương trốn lánh, nên thân phụ cụ Sáu với ít anh em bạn người đi vô tĩnh Thanh Hóa mà ẩn thân. Trước hết đến ở làng Tri Nội, huyện Tổng Sơn. Ở đó đặng ít lâu, tưởng đà yên bằng vô sự, song thế sự đa đoan, vì mấy người đi ẩn lánh với ông Nhu đó, thì sinh ra lòng gian giảo trộm cướp; ông Nhu là người thật thà, lại vì mình là con nhà có đạo chẳng dám làm đều phi pháp thể ấy, thì ông buồn vì thấy chúng bạn ở bất nhơn độc ác với thiên hạ, thì sợ liên can tới mình, nên bỏ chỗ ấy mà xuống ở dưới ghe một ít lâu làm ăn cho qua ngày tháng, rồi lại qua đất Tổng Sơn mà khấn một miếng đất gọi là Mỉ Quang, sau nhờ một Cha phụ giúp tiền thì mới cất đặng một cái nhà trên đất ấy.

Ông Nhu muốn cho con cái mình đi học chữ nho, mà bỡi nhà nghèo lắm nên không biết tính làm sao, may nhờ người dì của cụ Sáu có ăn, nên lo cho mấy đứa con ông Nhu đi học chữ nho. Đã nói ông Nhu sinh đặng năm trai, vậy anh cả tên là Khánh đã chết khi còn thơ ấu, cụ Sáu và hai người em khác một người tên là Pháp, một người tên là Túy, khi học nho đủ ba năm rồi thì cả ba đi ở nhà trường lo tu trì đàng đạo đức. Ông Pháp đã phải bị bắt vì đạo và đã phải chết trong tù, còn ông Túy cũng đã chết trong cơn cấm đạo ấy, còn lại một người tên là Nguyên thì ở thế gian, đến sau làm phó tổng xứ Kẻ Dừa. Ấy là kể qua tông tộc quê quán của cụ Sáu.

Lúc cụ Sáu còn niên ấu và đi học.

Đấng nào Đ. C. T. dùng mà giúp dân độ thế, thì thường trước hết phải trải qua các đều gian truân tiêu tứ đã; song cũng có tài năng trí huệ và lòng can đảm, dầu còn tuổi thơ bé, thì cũng tỏ lòng đành dạ chịu khó nhọc, hầu sau đặng mà cứu thế độ dân. Vậy cụ Sáu đã học đủ ba năm rồi, thì về nhà giúp đỡ cha mẹ già. Lúc ấy người mới 11, 12 tuổi mà phải cực khổ lao đao là dường nào. Bỡi nhà nghèo khổ, cha mẹ thì già yếu lại thêm hai em gái còn thơ dại, nên người phải chịu khó giữ em và làm các việc trong nhà mà tỏ ra lòng con thảo với cha mẹ. Cha mẹ người làm nghề đánh cá, thường bữa hằng đem đi bán ngoài chợ, kiếm tiền mà độ hồ khẩu. Có khi cha mẹ mắc việc đi không đặng, thì cụ Sáu phải đem đi bán và mua mớ khoai mớ bắp đem về; khi về thì phải giữ em dại, đứa đòi bồng bên nầy, đứa thì hót cổ bên kia, lại phải làm các việc khác trong nhà. Người làm các việc cực khổ thể ấy mà chẳng hề than van trách móc cùng phàn nàn đều chi, nói tắt một lời, người vui lòng mà làm hết các việc ấy.

Cụ Sáu tuy còn nhỏ song tính khí quảng huợt và hay thương yêu người ta, hễ thấy ai túng rối đều chi cũng đem bụng sầu phiền, nếu có thế mà giúp đặng thì không hề bỏ qua khi nào. Người lại thẳng trực đi đứng đàng hoàng, ai xem thấy hình dong người thì đoán là người quân tử, ngày sau sẽ làm đặng nhiều việc cả thể. Mặt mũi bằng thẳng vui vẻ, con mắt tinh thần sắc sảo, tiếng nói oai nghi, hình dong thẳng thớm, diện mạo khôi ngô, chẳng phải tầm thường. Cụ Sáu ở nhà giúp đỡ cha mẹ già đến chừng 16 tuổi, thì quyết lòng từ tạ thế sự mà đi tu hành, dưng mình làm tôi Chúa. Cha Tiếu chọn người làm học trò để giúp đỡ mình cùng lo dạy người học chữ Quốc ngữ và kinh giúp lễ. Người sáng trí lắm, học kinh giúp lễ trong năm sáu ngày thì đã biết giúp lễ đủ đều. Người siêng năng cần mẫn sự học hành lắm, đến đỗi dầu ba ngày tết là ngày thiên hạ nghỉ chơi, thì người cũng cứ lo học hành mà thôi. Nơi mấy nhà của các cha nuôi học trò đặng tập rèn trước khi vào trường, thì cũng phải lo việc nọ việc kia theo luật phép; ở đó có thầy giáo hoặc cha sở lo dạy học chữ latinh. Có kẻ nói rằng: lúc tới phiên cụ Sáu lo việc nấu nướng làm đầu bếp, thì người cũng và làm và học chứ chẳng bỏ qua bài nào. Mỗi một ngày người có thói quen học thuộc lòng ba bài latinh. Người dốc chí học hành, lại trí huệ minh mẫn lắm, hễ học sự gì thì hằng nhớ luôn. Bữa nọ có một quan lớn kia đến thăm viếng nhà trường, thấy trong các trò có một trò lo chăm chỉ học hành một cách siêng năng lạ lùng; quan ấy là người thông minh thuốc the, mạch lạc, nên quan ấy thừa dịp trò Sáu nầy đi ngủ, thì rình thăm mạch và cả tiếng khen ngợi là người trí huệ lạ thường. Cha Tiếu thấy người sáng trí, học một ngày một tấn tới, thì cha càng lo chăm chỉ dạy dỗ hơn nữa; đến chừng người đặng 18 tuổi, thì cha gởi người vào trường latinh, xin Đức cha Liễu (Retord) lo liệu cho người.

Trước khi cụ Sáu vào trường, thì cha Tiếu cho người về thăm cha mẹ, bà con quê hương, cha mẹ bà con kẻ ít người nhiều cho người đặng một quan năm tám tiền để mua đồ cần, và cho một quần một áo cụt trắng và một cái áo đen dài; ấy là gia tài của cụ Sáu sắm sửa đi nhà trường. Người nghèo khổ khó khăn, chẳng có rương trắp chi, cũng chẳng có ai đi theo đưa đón, song quân tử ưu đạo bất ưu bần, người cũng một lòng vui vẻ chẳng xét

Người ăn ở tiết kiệm khó khăn, nên mỗi năm đang lúc học tại trường, người dùng hai quần hai áo thay đổi mà thôi. Còn nhà chung phát giống gì, hoặc bà con có cho thêm áo quần nào, thì người lại cho những kẻ rách rưới thiếu thốn. Dầu người còn nhỏ mặc lòng, song cũng biết lo hãm mình, người chẳng có buộc dây lưng lụa là như các trò khác (theo tục xưa), người có một sợi dây để buộc lưng mà thôi, mà dây ấy từ khi người vào trường cho đến khi làm thầy sáu bị đi đày về mà hãy còn. – Khi vào trường thì Đức Cha Liễu cho ngồi lớp tư, vì thấy người cũng đã thuộc biết nhiều; người sáng trí nên học dư giờ nhiều song chẳng bỏ qua mấy giờ ấy đâu, người cũng lo học thêm nhiều sự khác, nên dầu người ở lớp tư mà cũng biết làm bài vở lớp ba và lớp nhì, nhiều lần người cũng giúp các trò lớp trên nữa. Khi ở nhà siêng năng ham học thể nào, thì vào trường lại càng mộ hơn nữa. Khi đến hết năm, bãi trường cho học trò về nhà, thì người chẳng ham đi dạo làng nọ xóm kia, một đi thăm mấy thầy giáo mà hỏi han chữ nọ nghĩa kia, hoặc xem sách ngâm thơ với các thầy giáo ấy.

Cụ Sáu làm thầy trong Hội Thánh.

Cụ Sáu học đã mãn khóa tại trường nhỏ thuộc đủ mọi đều thông suốt tinh tấn, thì bề trên cử người lên làm thầy giáo cai trường. – Các trường latinh ở Bắc Kỳ, hễ vào trường nhỏ, học năm sáu năm, bảy tám năm đủ đều cho đến khi lên lớp học lý đoán, thì bề trên cho ra ngoài ở giúp các cha, thử tính nết đôi ba năm tùy theo người, đoạn đòi về học lý đoán cùng cho chịu chức trong Hội Thánh. Còn Cụ Sáu thì trí huệ thông minh, nên đã đặng bề trên cho làm thầy dạy cai trường. Người ra sức dạy dỗ các học trò nhỏ cách khéo léo khôn ngoan lắm, chẳng những là dạy chữ nghĩa cho mau thông hiểu mà thôi, mà lại dạy cho biết lễ phép ăn ở với đời, tập rèn nết na đức hạnh, lại người làm gương tốt cho học trò bắt chước, mà giữ bổn phận theo tầng bực mình. Vì vậy hễ khi nào trong trường có xay lúa giã gạo, gánh đất, thì người cũng chẳng nệ ra tay làm các việc nhọc hèn thể ấy cho học trò xem thấy mà bắt chước. Người ở hiền lành dịu dàng với các học trò như cha với con, cho mọi người dễ ra vào, bỡi đó cả trường đều tríu mến người lắm. - Người làm thầy giáo ít lâu, thì Đức Cha phó, là Đức Cha Khiêm, biểu người về mà giúp mình và phú việc nhà chung cho người coi giữ; đoạn người về học lý đoán tại Kẻ Non. Người học lý đoán mau hiểu lắm, nên bề trên cho người chịu chức Hội Thánh và sau hết phong chức thánh phó tế cho người. Người đặng quyền cao phẩm trọng đáng cho người ta tôn trọng kính vì, song người có lòng khiêm nhượng lắm, chẳng nệ hạ mình xuống mà làm các việc hèn; hễ khi có khách đến nhà thì chính mình người bưng cơm, pha nước, làm việc như tôi tá vậy. Khi người nghe tin thân phụ người đã cố mạng, thì chính mình người cũng ra tay lo việc tống táng, chẳng nệ khó nhọc sang hèn.

Cụ Sáu phải bắt bớ vì đạo.

Lúc Cụ Sáu đang làm thầy phó tế, năm ấy là năm Tự Đức thập nhứt niên 1858, bổn đạo phải cơn bắt bớ nhặt nhiệm lắm, ai ai cũng phải lo ẩn thân trốn lánh; Cụ Sáu phải theo hầu Đức Cha Liễu mà đi trốn tại trại La Mát; khi ấy Đức Cha đặt người đứng đầu mà lo việc địa phận. Vừa tháng năm năm ấy, quan quân ra sức rình mò tìm kiếm bổn đạo mà bắt, có quan Trú Phòng ở gần La Mát đem quân đến vây bắt Tây dương đạo trưởng.

Cụ Sáu khôn ngoan tường lãm thế sự, người nghĩ mình là An Nam phải lo đánh liều, rủi có đều chi cũng dễ, chẳng lẽ để cho thầy mình chịu sự hiểm nghèo, vì hễ thầy trò mà bị bắt hết thì khó bề liệu gỡ; vì vậy người mới xin Đức Cha liệu thế đào thoát, vì quan quân đà kíp tới. Vậy vừa lúc quan quân đến bắt, thì người ra mặt cho quan bắt, có ý cho quan quân lo bắt người thì Đức Cha mới có bề thoát đặng. Vậy quan Trú Phòng bắt người, còn Đức Cha thì trốn khỏi rồi, mà nghe Cụ Sáu phải bị bắt, thì có ý đem bạc chuộc người lại, đặng cho người lo giúp mọi nỗi gian truân trong địa phận, nên đã tin cho người hay. Cụ Sáu nghe tin ấy, thì gởi tin lại mà xin Đức Cha hãy an lòng, để cho người chịu khốn khổ vì Chúa đôi chút, lại vì bây giờ địa phận đang đồ khổ, nên chớ liệu làm chi. - Quan bắt người và dẫn đến giam tại tĩnh Hà Nội, quan thượng là Hoàng văn Phu hiệp nghị mà tra khảo người. Trước hết hỏi quê quán người ở đâu, và có biết các ông Tây đạo trưởng ở đâu chăng?

Người thưa không biết. – Quan bỡi ghét đạo đã sẵn thì truyền giăng nọc người ra đánh đòn đau đớn lắm, đến đỗi phải xỉu đi, nên khi quan dạy nhổ nọc thôi tấn nữa, thì lính phải đỡ người dậy. – Quan hỏi người về các lẽ trong dạo, cùng gọi đạo Thiên Chúa là đạo tà. Thì người lấy các lẽ trong sách nho mà làm chứng đạo thánh Thiên Chúa là đạo chánh thật, cùng nói mình chẳng phải là mê hoặc theo đều dị đoan đâu, song cứ đàng chánh lẽ ngay mà theo mà thôi. Hễ quan hỏi đều gì, thì người đáp lại đành rành tỏ rõ cách khoa ngôn lợi ngữ và trưng chữ nho cách thông thái lắm, đến đỗi các quan lấy làm lạ mà nói với nhau rằng: Người nầy thiệt là thông Hán tự lắm mà! Khi ấy quan thượng cũng day lại mà nói với các quan rằng: Người nầy trí lạ phi thường, chẳng phải là người tầm thường đâu, mà ngặt nó là người có đạo đáng tiếc thay! Thôi không hề gì, để biểu nó bỏ đạo khoá quá đi, rồi ta liệu cho nó làm phủ huyện chi đó, đặng giúp nhà nước thì tốt lắm. Cụ Sáu nghe như vậy thì thưa lại rằng:

– Bẩm không, tôi chẳng có lẽ mà cải giáo đặng, vì nếu tôi xuất giáo, thì tôi chẳng là bất trung với Thiên Chúa lắm; mà hễ bất trung với Thiên Chúa là Vua cả, thì lẽ nào mà trung thần cùng vua chúa thế gian.

– Vậy cái chữ thập có phải là can hệ chi đâu mà thầy chẳng dám bước qua

– Người An Nam hễ học chữ nho, thì chữ nào dầu nhỏ mọn, thì cũng phải kính trọng huống chi là chữ thập; vì chữ thập là thiên địa chi chưng số, mà quan lớn lại biểu tôi bước qua làm sao đặng?

Các quan thấy mình ép người không đặng nữa, nên đến tháng tám hiệp nghị lại kết án mà lưu người lên Lạng Sơn; song còn chờ chiếu chỉ ở kinh ra; nên còn giam người lại tại Hà Nội. Đang lúc người còn bị giam cầm lại đó, thì người hằng tỏ ra lòng mạnh mẽ cang cường mà chịu vì Chúa, lại tỏ ra trí huệ khôn ngoan làm cho những kẻ ở đó kính phục người.

Lần kia có tên cữu phẩm có ý nhạo người, thì lấy cái thước mà đo đầu người và nói rằng: Để ta đo thử coi chú nầy có thật ở đồng trinh không? Nó ỷ thế đo đi đo lại và rầy rà làm sỉ nhục cho người biết là chừng nào! Song người hằng bằng lòng chịu sự sỉ nhục, chẳng có giận hờn kẻ làm khốn mình, lại sau làm ơn cho nó nữa. Nhơn lúc ấy quan quân bắt đặng ít đồ thờ đem nạp cho quan thượng, quan thượng biểu tên cữu phẩm ấy biên các đồ thờ cho rõ đặng làm giấy cho bộ hay. Tên cữu phẩm nầy, không biết viết tên các đồ thờ ấy, mà chẳng dám thưa lại với quan rằng mình không biết viết, vì sợ quan trên quy phạt, nên sợ hãi chẳng biết làm sao; may đâu quan thượng biểu nó ra hỏi Cụ Sáu thì người sẽ nói cho. Bấy giờ Cụ Sáu dùng dịp ấy mà làm cho tên cữu phẩm biết lỗi mình. Người biểu nó phải đi kiếm lông ngỗng đặng cắt làm viết mà viết chữ Latinh rồi dịch ra chữ nho mới đặng. Tên cữu phẩm đi tìm kiếm khắp mọi nơi mới có lông ngỗng, đem về cái nào, người cắt cái nấy rồi quăng xuống đất hết, rối biểu nó đi kiếm cái khác. Tên cữu phẩm thấy người uốn éo làm vậy, lại sợ quan trên quở vì trì huởn, nên nó đến năn nỉ xin người thứ tha lỗi nó và viết giùm cho nó; thì người nói với nó rằng: “Khi nãy chú cả dám đo dầu mà khinh thị ta; vậy từ nầy về sau chú phải chừa chớ có nhạo nữa nhé!” Đoạn người dùng những chữ nho khéo léo mà viết tên các đồ thờ giùm cho nó đem lên quan. Tên cữu phẩm nầy xem tờ khai ấy, thì sửng sờ, biết là người trí hóa lạ lùng, chẳng phải là người tầm thường, nên từ đó về sau nó trọng kính người lắm, và xin người giúp nó sự nầy đều kia, đến đỗi việc gia đạo của nó, nó cũng tỏ cho người và xin người cứu giúp. - Lần kia nó thưa với người rằng: Nó đã có ba đời vợ rồi, mà bị chết thắt cổ hết cả ba, xin người có thể nào mà cứu giùm cho khỏi sự tai nạn như vậy? Cụ Sáu nói với nó rằng: “Nếu tin ta thì ta sẽ chữa cho”, thì nó liền chịu tin hết, vậy người biểu nó đem người đến nhà nó. Người có lòng trông cậy phép Chúa, lại biết rằng: Đó chẳng qua là chước quỉ khuấy nó. Người lấy giấy lau dầu thánh mà giắt vào nhà nó cách kín nhiệm, chẳng cho nó hay, vì nghĩ rằng: Ma quỉ sợ các dầu phép trong đạo, người làm như vậy, rồi trở về đọc kinh cầu nguyện cho nó khỏi nạn. Ít lâu người hỏi thăm tên cữu phẩm ấy, thì nó nói đã đặng bằng an, chẳng còn đều hoạn nạn chi nữa. Bấy giờ người cám đội ơn Chúa lòng lành hay thương người ta, và tỏ bày sự cả sáng danh Chúa trong lúc mình phải gian nan.

Cụ Sáu phải đày lên Lạng Sơn và chịu chức thầy cả.

Khi ở kinh bộ đã châu phê án người xong, thì quan truyền điệu người lên Lạng Sơn. Có người kia thấy Cụ Sáu thì thương, nên đem cho người một cái áo bông. Người hằng giữ áo ấy từ khi đi lưu cho tới khi về mà chẳng hề thay đổi, người ta thấy Cụ Sáu mặc đồ rách rưới thì biểu thay ra lấy áo ấy mà mặc, thì người cũng không chịu, tưởng người có ý hãm mình mà chịu vì Chúa. Khi người đến Lạng Sơn thì gặp nhiều bổn đạo đông đắn cũng bị lưu lên đó vì cơn bắt đạo ấy. Lại các xứ xung quanh như tĩnh Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên, thì chẳng biết là bao nhiêu bổn đạo phải bị lưu cầm cố ở đó. Song cực một đều là các bổn đạc ở đó chẳng có thầy cả mà làm phước giải tội, vì các thầy cả các nơi phải lo trốn lánh chẳng ai ra mặt, đặng mà lên đó cho được, vì sợ quan hay mà bắt. Đức Cha Liễu thấy các sự nguy nghèo bổn đạo chịu về phần thiêng liêng như vậy, nhứt là giờ lâm chung sau hết, thì động lòng thương, song chẳng biết làm thể nào mà cứu chữa.

Nhơn lúc Cụ Sáu đang làm thầy sáu mà phải bị đày lên đó, thì Đức Cha lấy làm mừng, vì có người lên đó, thì chắc người sẽ cứu chữa con nhà có đạo, an ủi lời lành nẻo chánh; nên Đức Cha muốn phong người lên làm thầy cả, hầu cho đặng coi sóc giúp đỡ bổn đạo các nơi ấy về phần linh hồn. Song chẳng biết làm thế nào mà kêu người về chịu chức, nếu mình có ra mặt lên đó thì e cũng phải bị bắt nữa. Vậy Đức Cha mới lo lót nhiều tiền bạc cho quan đặng xin cho người về tại Kẻ Trừ ít ngày. Trong những ngày ấy thì Cụ Sáu chịu chức thầy cả, rồi thì sắm sửa đồ hành lý, đoạn trở lại Lạng Sơn mà coi sóc các bổn đạo trên ấy. Đức Cha cũng phú các bổn đạo các tĩnh Cao Bằng, Tuyên Quang và Thái Nguyên cho người chăn giữ nữa; nên đang lúc người bị đày như vậy, thì cũng làm việc theo đứng bậc mình và làm cho sáng danh Chúa chẳng kém gì buổi bình an thanh nhàn.

Cụ Sáu đã đặng chức thầy cả rồi, thì người càng lo lắng, việc bậc mình lại cần cáng hơn nữa; thật là ơn Chúa ban cho đứng làm thầy cả một cách lạ lùng, đặng ra giảng đạo khắp mọi nơi, chẳng kì là khám ngục, dầu phải gông cùm trăng trối thì cũng cam tâm. Cụ Sáu dầu phải đày ở tù trên Lạng Sơn, song người cũng có phép thong thả đi chỗ nọ chỗ kia; vì vậy nguời hết lòng lo lắng cho con nhà có đạo các chốn ấy chí tình, dầu phải khốn khổ trăm đàng thì người cũng chẳng nao lòng mà bỏ việc Chúa đâu, người hằng lo giảng dạy, làm lễ, ngồi tòa làm phước xứ nọ qua xứ kia, tĩnh nầy sang tĩnh khác, nắng nôi lạnh lẽo, đặng sơn lặn suối, lên đèo xuống ải cũng chẳng kể, một lo cho phần rỗi anh em trong lúc gian nan khốn khó; kẻ liệt lào dầu xa xuôi ngàn dặm hễ kêu đâu thì người lập tức đi liền. Có lần đàng đi ba bốn ngày, nên phải đem cơm gạo theo mà chi dùng, nhiều khi thiếu đồ ăn nên phải hái rau chấm muối mà ăn với cơm, người cũng đành lòng vui vẻ; lại nhiều khi phải nhịn đói trót ngày, người cũng hỉ hạ vui cười; chẳng hề năn nỉ rằng cực rằng khổ! Bỡi người chịu khó làm vậy nên Chúa thường cho người làm đặng nhiều việc trong lúc lao tù. Lạng Sơn là nơi khám đường tấn kẹp, ai đến thấy thì cũng buồn rầu, lại nhớp nhúa tanh hôi lắm vì là nơi tù nhơn trú ngụ. Song Cụ Sáu ở đó đặng ít lâu, thì người làm cho chốn ấy trở nên nhà cữa xứ sở, cùng là trường giáo huấn. Các quan thấy người thông nho cũng giảng dạy những đều ngay lành chánh trực lắm, nên kính trọng người lắm; lại các quan cũng cho con cái mình đến học chữ nho với người, và xin học toán học viết, vân vân. Các quan chẳng hề kêu người bằng tù phạm bao giờ, một kêu bằng thầy mà thôi. Thường thường hễ tối thì sai lính đến mời người vào dinh chuyện vãn cùng mình. Các quan cử người làm quan cai coi sóc các tù đạo, vì vậy người dùng thế thần đó mà sắp đặt mọi sự trong tù cho ra thứ lớp, làm cho nhà tù trở nên nhà cha sở có khuôn có phép hẳn hồi, tối sớm có kẻ đọc kinh xem sách, khi thì người giảng dạy, lúc lại đọc sách, có chế độ lắm. Các quan thấy tù mà có phép tắc nết na thể nầy,  thì lấy làm khen ngợi chẳng cùng.

Cụ Sáu có lòng kính mến Đức Chúa Bà cách riêng, hễ việc gì trắt trở bối rối, thì người hằng chạy đến kêu xin Đức Mẹ luôn; nên người cùng hằng giảng dạy cho các tù đạo phải sốt sắng kêu xin Đức Mẹ. Trong lúc người ở tại tù Lạng Sơn, người đau nặng lắm, tính thì chẳng xong các lương y đều chạy. Bây giờ có một thầy thuốc là người thanh khách đến thăm mạch người, thì nói rằng: Bịnh ông thật nặng, mười phần đặng chết cả mười, nhưng vậy xin ông hãy bằng an, tôi sẽ làm hết sức mà cứu ông, thật ông là người phi thường lắm; nếu nhờ ơn trên mà sống đặng, thì ngày sau ông sẽ nên sang trọng trong nước và làm ích cho nhơn dân. Tôi sẽ chăm chỉ lo lắng bào chế thuốc mà hốt cho ông. Còn Cụ Sáu thì cầu xin Đức Mẹ luôn lại hứa như vầy: Nếu Đức Mẹ cho mình khỏe mạnh phen nầy, thì khi nào sự đạo đặng yên, mà mình đặng trở lại địa sở mà coi họ nào, thì người sẽ lo làm nhà thờ tạ ơn Đức Mẹ, có sức làm trọng thể chừng nào thì sẽ làm chừng nấy. Vậy nhờ ơn Đức Mẹ cho người đặng khỏe mạnh lại, và lo làm việc như trước. – Cũng một năm ấy có quân ngô khách tàu ô trong mấy tĩnh trên đến khuấy phá làm hại cho nhơn dân lắm. Các quan lo sợ, nên truyền binh phòng triệt quân ấy, ở Lạng Sơn có nhiều tù có đạo đông đắn phải bị giam cầm vì đạo; vậy quan tuần là Phạm Chi Hương dạy các tù có đạo hiệp nhau làm một đội quân gọi là cơ Hương Nghĩa. Quan tuần đặt Cụ Sáu làm quan lạng nghĩa cơ, đứng đầu cầm binh, cụ Sáu vưng lời quan đem binh đi. Người chẳng phải dùng khí giái cho lắm, một dùng mưu kế mà làm cho quân nghịch sợ mình. Người kéo binh đi đánh các nơi ngó oai nghi nghiêm phép lắm; và truyền binh bồng súng rần rộ, bỡi đó quân giặc tàu ô hễ đi ngang qua đâu mà thấy có binh Cụ Sáu thì liền tháo lui vỡ chạy chẳng dám hó hé. Hễ Cụ Sáu nghe đâu có quân giặc thì đem binh đi ngữ đó, cho nên quân giặc không làm hại nhơn dân đặng. Lúc nầy thì Cụ Sáu đặng nổi danh tiếng lắm, thiên hạ càng ngày càng thêm kính trọng người. Người làm đặng việc ấy cũng bỡi người có lòng sốt sắng đọc kinh cầu nguyện luôn luôn, người chẳng hề khi nào trông cậy binh khí mình, một lấy lời cầu khẩn nguyện xin làm thuẫn đỡ khí giái mà chống kình với quân nghịch.

Khi đã yên giặc rồi thì người lo cho các lính tù đặng có lương thực hằng ngày dùng đủ, nên người làm tờ xin quan cho dân khẩn trưng các rảnh hào hố các nơi xung quanh tĩnh, để cho dân đánh cá kiếm ăn, người làm như vậy thì dân tù đủ ăn dư dật, hễ lính đánh đâu thì đặng cá nhiều lắm. Kẻ ngoại thấy vậy thì ganh gỗ làm đơn xin giành chỗ, thì người biểu lính có đạo hãy nhường cho chúng nó, đi đánh chỗ khác mà kiếm ăn. Song khi lính ngoại có thả lưới nơi nào thì cũng chẳng có gì hết, còn dân có đạo thì lo sanh phương tìm kiếm nơi khác thì lại đặng tràn trề.

Ai nấy nghĩ đó mà coi, kẻ đã vì Chúa mà chịu lao tù và đặng danh vang phần đạo phần đời, thì đáng khen dáng ngợi là dường nào. Ấy cũng bỡi có lòng kính mến Chúa và lòng tin cậy Người mà chớ.

Cụ Sáu đặng tha về Hà-Nội và coi sóc bổn đạo.

Đang lúc cụ Sáu còn ở Lạng Sơn, thì nghe phong phanh ít lâu nữa vua sẽ ban sắc tha đạo, thì lòng mầng hớn hở, trông mình sẽ đặng về quê quán. Năm ấy là năm 1860 người lại phải sự ưu phiền, vì nghe tin mẹ già đã tạ thế. Cụ Sáu có lòng trông cậy Chúa lắm, nên chẳng theo lẽ xác thịt mà buồn rầu cho thới quá; một đọc kinh làm lễ cầu nguyện cho linh hồn mẹ già rất yêu dấu, đặng mau lên nơi tiêu sái.

Kế qua năm sau là năm Tự Đức thập tứ niên là năm 1861 và 1862, bổn đạo đâu đâu đều đặng tha về, ai muốn giữ đạo mình mặc ý. Các tù đâu đâu phải giam vì đạo đều hết lòng mầng rỡ, sửa soạn mà về quê mình. Cụ Sáu cùng các lính có đạo cũng sắm sửa từ tạ các quan tĩnh mà ra về; các quan ở Lạng Sơn đều trọng tiếc người lắm; người muốn giã ơn nghĩa các quan cùng các kẻ quen biết từ đó đến rày mà tỏ ra lòng tử tế cùng người, nên đã dọn một bữa tiệc mà đãi các quan cùng những người ấy. Khi người ra về thì mọi người đều sa nước mắt, các quan tĩnh có lòng kính trọng người nên cho một đội lính đưa người về cho khỏi bẩn hạt, người cỡi trên lưng ngựa trần thiết nguy nga, và đi và hát kinh khong khen cám tạ lòng lành Chúa; hai bên thì có các bổn đạo đi theo hầu hạ, khác nào như khi lãnh chức quan mà về. Khi người về tới tĩnh Bắc là Hà Nội, thì gặp các quan đi tế Nam Giao ở kinh đô Huế mà về, lính tráng điều đỏ oai nghi lắm. Người biểu các bổn đạo đứng lại một bên thủ lễ nghiêm trang, và vái chào các quan cách khiêm nhượng. Các quan thấy, liền truyền cho quân lính rằng: Trong những kẻ đó có người lớn đáng kính, chẳng nên vô lễ. Vậy người đặng về xứ sở bằng an.

Khi người đi ngang qua địa phận Dòng, người ghé lại vào chầu Đức cha Dòng, thì Đức Cha trọng kính người lắm, dầu là người khác địa phận; song Đức Cha đã nghe tiếng người thông thái lắm, nên Đức Cha xin người ở lại địa phận Dòng mà giúp đỡ mình và dạy học trò học latinh. Thì người thưa lại rằng: Lạy Đức Cha, con chẳng dám từ chối lời Đức Cha dạy, song con phải về lãnh ý Đức Cha con đã. Khi người đã về Hà Nội gặp Đức Cha Khiêm là Đức Cha địa phận mình, thì Đức cha mầng rỡ, và tỏ lòng thương yêu người hết dạ, người cũng thưa cho Đức Cha hay về sự Đức Cha Dòng xin người, thì Đức Cha Khiêm viết thơ cho Đức Cha Dòng, mà nói mình không có thể cho người qua giúp việc địa phận Dòng đặng.

Năm 1863 tĩnh Thanh Hóa sự đạo còn nhiều đều nguy hiểm lắm, vì Văn Thân còn nổi dậy khuấy khỏa con nhà bổn đạo; tuy có sắc vua cho con nhà có đạo đặng an cư lạc nghiệp đó chúc, song các thầy cả còn phải trốn lánh, chưa làm việc bậc mình cho tỏ tường được. Đức Cha sai cụ Sáu đi coi xứ Kẻ Bừa và xứ Da Phạn, là những nơi bổn đạo đã bị tẩu tán rày mới đặng tha về. Ai nấy còn đang đồ khổ thiếu trước hụt sau, cụ Sáu cũng thông phần túng rối làm một với con chiên mình. Lúc ấy người mới đến lạ nước nên phải đau. Vậy người xin phép bề trên về ở Kẻ Khan. Người thấy dân lương giáo đang còn đổ khổ nghèo nàn, chẳng biết làm tư lợi gì mà đỡ cơn túng rối. Vậy người khuyên bảo người ta góp lúa, đậu lại kẻ ít người nhiều, làm công bổn gọi là lúa tư linh. Người có ý làm gương cho kẻ khác bắt chước, cũng đậu, sinh lợi hầu giúp đỡ thời cơ cẩn cho nhơn dân. Thiên hạ thấy vậy thì khen ngợi người chẳng cùng, kẻ ngoại thì đem lòng tin cậy người lắm. Cùng một năm ấy Đức Cha đổi người lên xứ Phát Diệm, người sẵn lòng vâng lời Đức Cha mọi đàng; song vì lúc ấy người còn đau nên phải ở lại họ Bình La mà uống thuốc. Lòng cụ Sáu hằng uớc ao cho đặng tử vì đạo, khi người đau thì có cha Dũng ở Hảo Nho đến thăm người, thì cả hai đều than thân trách phận với nhau rằng: “Ta vô phước, không đặng phước tử vì đạo như anh em ta!”

Khi cụ Sáu mạnh và đến chỗ phần sở mình coi sóc rồi, thì có cha Hưởng đến giúp người, nên người giao phú nhà của địa sở cho cha Hưởng mà lo một việc cả thể như sẽ nói sau đây.

Cụ Sáu vào kinh đô mà liệu việc đạo.

Tiếng cụ Sáu càng ngày càng nổi, công nghiệp càng lâu càng dày, chiêu hiền đãi sĩ và ăn ở khiêm nhượng với hết mọi người, quan quyền dân sự đâu đó đều nghe tiếng người và hết lòng trọng kính người.

Khi các bổn đạo đặng tha về mà an cư lập nghiệp mặc dầu, song địa phận các nơi đang còn phải rối rắm nhiều đều: vì trong lúc cấm đạo, ai nấy đều phải tầm phương trốn lánh, ruộng đất nhà cữa phải bỏ phế, thì làng kẻ ngoại chiếm đoạt, còn những kẻ có đạo thì phải tước ngạch, chẳng cho nhập vào làng nào, hoặc buộc phải làm nhiều đều dị đoan với kẻ ngoại, lại con nhà có đạo mà thông nho cho mấy đi nữa, thì cũng chẳng đặng thi cử gì sốt. Các Đức Cha nước Nam thấy vậy, thì đem lòng ưu phiền và ước ao, chớ chi nhà nước ban cho bổn đạo đặng thong dong tự tiện, cùng huờn lại mọi của cải ấy cho bổn đạo.

Đức Cha ở Vĩnh Trị thấy các đều tình tệ con chiên mình phải chịu làm vậy, thì xin Cụ Sáu phải làm thế nào đặng đến kinh đô, mà xin nhà nước định liệu việc ấy cho nhơn dân Vĩnh Trị đặng nhờ. Vậy Đức Cha mới đòi Cụ Sáu về mà bàn tính, đoạn sai người vào kinh đô làm một cùng thầy Lới mà lo liệu việc ấy; vì trông cậy người là kẻ từng trải và khéo bề ăn nói, lại thông hán tự nhiều, làm đơn từ giỏi, thì chắc nhà nước sẽ nhậm lời.

Cụ Sáu vâng lịnh Đức Cha mà vào kinh đô Huế, người ra công tận lực làm một điều trần có chín khoản, kể căn do gốc ngọn lý sự hẳn hòi, người cho thầy Lới đi theo và đứng tên trong cái điều trần dâng lên cho các quan lục bộ, sớ tâu cùng vua, luợng rộng thẩm nghĩ cho nhơn dân đặng nhờ, hầu khỏi đều tình tệ oan ương túng bức. Trong điều trần nầy, phần nhiều hơn thì nói về sự đạo, xin cho nhơn dân tùng giáo là phải tước ngạch chẳng cho nhập vào làng xã nào, đặng về chính xã mình khi trước mà nhận lấy nhà cữa, ruộng đất, vườn tược, trâu bò, ngựa voi của mình lại. Người lại xin cho dân tùng giáo trong việc quan hôn, mai táng, tế tự, đặng phép phân biệt ra, chẳng còn phải thông hiệp nhau mà làm sự dị đoan, khỏi phải góp tiền nữa, người lại xin cho các học trò nho có đạo đặng phép thi cử. Trong điều trần người cũng xin nhiều đều khác chẳng cần kể ra đây.

Các quan trên xem điều trần của cụ Sáu làm dâng lên, thì chắt lưỡi khen thay trí huệ thông minh. Khi các quan tâu với vua, thì vua cho vào mà ban cho đặng y như lời sở nguyện. Các dân đâu đó nghe tin điều trần của cụ Sáu vua đã phê rồi, thì hết thảy đều vui mầng, Vì chẳng những dân tùng giáo ở Vĩnh Trị đặng nhờ ơn rộng bỡi điều trận ấy mà thôi; song các dân đâu đó đều cùng đặng nhờ nữa. Nên ai nấy cám tạ lòng lành Chúa và khen thay chúc tụng người lắm. Cụ Sáu cũng đi theo tờ bộ tư ra Nam Định mà ban về việc điều trần ấy; khi cụ Sáu tới Bắc Kỳ thì còn liệu đòi chút nữa, xong rồi thì người trở về coi họ Phát Diệm như đã kể trước. Từ khi cụ Sáu ở Huế về, thì thiên hạ ai nấy cùng thêm mến chuộng người hơn nữa.

Cụ Sáu coi sóc bổn đạo Phát Diệm.

Cụ Sáu lo cho dân Vĩnh Trị đặng yên rồi, thì người trở lại xứ Phát Diệm mà coi sóc bổn đạo. Chốn Phát Diệm đời trước thì còn là rừng bụi, bùn lắm nhớp nhúa, đi đâu phải lội lặn cực khổ, đường xá chật hẹp hiểm nguy, nào có đặng quan ánh như bây giờ đâu. Bổn đạo thì đồ khổ nghèo nàn lắm. Cụ Sáu coi địa sở nầy thì không có ngã lòng, lại ra sức dạy dỗ bổn đạo, trước là cho biết đáng ngay lẽ chính mà lên thiên đàng, sau người cũng chỉ vẽ về cách làm ăn mà nuôi phần xác nữa; lại dư giả cho đặng lo việc kia việc nọ. Bỡi người có lòng kính mến Đức Chúa Bà lắm và trông cậy mọi đàng; nên người hằng khuyên lơn thúc giục bổn đạo phải lo trông cậy kính mến kêu xin Đức Mẹ luôn. Mà thật bổn đạo nghe lời người, thì đặng bình an thới thạnh luôn. Cụ Sáu thấy những người ngoại xung quanh, như những người ở làng Kim Sơn và làng Yên Mô còn ghét người có đạo, thì người làm cho hai bên ngoại đạo đều hòa và ăn ở tử tế với nhau luôn. Hễ có đều gì bất bình cùng nhau, thì người cứ lẽ công bình mà phán xử, chẳng tày vị ai, như người có đạo mà lỗi đều gì thì người cứ lẽ thẳng mà trừng trị cách nghiêm nhặt lắm. Người ngoại thấy vậy thì lần lần đem lòng mến yêu và tin cậy người lắm. Bổn đạo đặng ăn ở yên rồi, thì lo làm ăn và giữ đạo mình cách tỏ tường, Cụ Sáu hằng lo cho con chiên mình đặng nhờ lương thực thiêng liêng, và người siêng năng dạy dỗ và cắt nghĩa Sách Phần cho bổn đạo; giục bảo người ta ăn năn bỏ đàng tội lỗi, thêm lòng kính mến Chúa và hết lòng thành kính Đức Mẹ, và làm phước bố thí cho kẻ khó khăn, cùng cầu cho các đẳng linh hồn ở nơi lửa luyện tội đặng lên nước thiên đàng; lại người cũng hay dạy bảo con cái phải lo thảo kính vâng lời chịu lụy cũng giúp đỡ cha mẹ, còn bà con thân nhơn phải lo thương yêu hòa thuận cùng nhau. Người ân cần việc giảng dạy lắm, muốn cho bổn đạo nên sốt sắng cùng biết lẽ đạo cho thật, vì vậy đến mùa chay cả, hoặc trong tuần thánh, tuần lễ các đẳng, tháng Đức Chúa Bà, tháng Môi Khôi, thì người giảng có ngày ba lần, nhóm bổn đạo lại đọc kinh cầu nguyện cùng nghe giảng cho sốt sắng. Người làm như vậy cũng chưa lấy làm đủ, vì sợ bổn đạo hay quên, nên các bài người giảng, thì người đặt ra ca, vãn, hễ đụng lễ nào, mùa nào thì có ca, vãn ngày mùa ấy, người lại biểu mọi người phải học cho thuộc lòng. An Nam ưa vè, ca, vãn lắm, nên nhờ người làm cách ấy, thì ai nấy cũng học cho thuộc mà đọc. Những ca vãn của cụ Sáu đã đặt ra cho bổn đạo người như mới nói trước đó, thì Đức Cha Thành (Mgr. Marcou) đã gởi qua Hồng Kông in ra làm nhiều cuốn sách, cho thiên hạ ai muốn thì mua mà coi, thật là hữu ích lắm. Người ăn ở với bổn đạo và người ngoại thì cũng như cha với con vậy; hễ khi nghe động dụng nơi nào, như cháy nhà, trộm cướp thì liền ra tay cứu chữa, và đem gia nhơn đệ tử, hoặc biểu người làng tổng đem dân hộ vực, chẳng kì là đêm hôm, nắng nôi giá rét, hễ nghe đâu khua mỏ đánh trống thì liền tới mà cứu chữa tức thì; chính mình người cũng thắt lưng đứng đầu, đốc sức hộ vực nhà phải bị cơn gian nan ấy nữa. Còn ai có đều gì oan ức gia đình người là vương vấn, mà đến tỏ cùng người, thì hỏi căn do đầu đuôi gốc ngọn, như có thể cứu cho khỏi đều oan ức ấy, thì người sẵn lòng lo liệu giùm cho, chẳng hề bỏ qua, hoặc người viết tờ cho quan quyền mà xin thẩm xét. Bổn dạo và người ngoại thấy người khoan dong hay thương người làm vậy, thì hết lòng vâng phục người mọi đàng, và chẳng có tiếc sự gì cùng người nữa. Hễ người muốn làm đều gì, thì ai ai đều sẵn lòng hoặc dùng công, hoặc dâng của mà làm theo ý người mọi đàng. Mọi đều người đặng làm vậy, là bỡi người có lòng sốt sắng kính mến Chúa, và hay thương người ta phần hồn phần xác, nên Chúa chẳng để việc người làm ra không vô ích đâu.

Cụ Sáu phò giúp nhà nước Langsa

Đại pháp bảo hộ và Triều Annam,

Năm 1873 là năm quí dậu Tự Đức nhị thập lục niên, có quan tướng Đại pháp Langsa tên là An Nghiệp (Garnier), đem binh lính tàu bè rần rộ đến Bắc Kỳ, toan chiếm lấy tĩnh Hà Nội và Nam Định. Các quan bố chánh, tuần án, huyện, phủ nghe tin đều bỏ chạy trốn mất hết. Dân sự chẳng ai cai trị, ngoại đạo càng ra khó hơn nữa. Quan An Nghiệp muốn lo cho thành việc mình, song cũng chẳng muốn làm sự thiệt hại cho nhơn dân, một muốn cho nhơn dân đặng an ổn, thì quan ấy liền mời Đức Cha Phước lên Hà Nội mà bàn tính việc ấy, vì quan ấy có lòng tin cậy Đức Cha, là kẻ ở An Nam đã lâu tầng thạo công việc. Đức Cha biết có một mình cụ Sáu là kẻ thông minh, lại nhơn dân đâu đó đều mến yêu vâng phục người, nên tưởng cụ Sáu có thể mà giúp lo trong việc nầy được. Vì vậy Đức Cha Phước cho mời cụ Sáu đến đặng đi theo mình. Khi đến nơi thì Đức Cha giao cụ Sáu cho quan ấy mà xin thương nghị với người.

Quan An Nghiệp thấy cụ Sáu, thì đem lòng tin cậy, nên bàn luận mọi việc cùng cụ Sáu, đoạn giao cho người xin người vỗ an lê thứ. Cụ Sáu vâng lời quan An Nghiệp, liền trở về đi tìm kiếm các quan tĩnh. Người đi tìm kiếm khắp mọi nơi, thời may gặp đặng các quan như quan Bình Chương, quan thứ là Nguyễn tri Phương, quan thượng hà là Hoàng Diệu, lại với quan án là Tôn thất Bá, và nhiều quan khác nữa; ngtrời trình cùng các quan đầu đuôi  tự sự, việc đã xảy ra rồi, xin các quan phải tra chường mặt cùng quan tướng An Nghiệp mà lại hàng cùng coi sóc các việc trong nước, cho dân sự đặng an. Người xin các quan đừng sợ sệt ái ngại làm chi, song các quan còn bán tín bán nghi không có ông nào dám ra mặt, thì người lại nói rằng: “Lúc nầy là lúc phải ra cùng với nhà nước, nào chẳng có ai, hoặc hết người báo ơn cùng nhà nước hay sao?” Người nói như vậy, rồi thì chính mình người cũng đứng mà sắp đặt các việc trong hai tĩnh Hà Nội và Nam Định cho an bài theo ý nhà nước cùng cho dân đặng nhờ; bao nhiêu kho tàng của cải nhà nước thì người truyền phải niêm phong lại hết và cấm không ai đặng châm phạm đến. Các việc người làm mà giúp hai nhà nước Tây Nam thì thảy đều tùy ý Đức Cha, nên khi dân sự đã yên thì người xin phép Đức Cha mà về nhà. Song vừa lúc các quan Langsa đã hạ thành Ninh Bình, thì các quan Tây Nam lại mời người đến đó đặng mà lo lắng các việc, nên người phải đến Ninh Bình mà dự việc. Đang lúc có mặt các quan tĩnh thì người nói tiên tri rằng: Trong kì nầy, dầu việc thế nào mặc lòng, Triều đình cũng sẽ xin hòa chẳng sai. Mà thật, cách ít bữa có tin đức ông Hồng Phi, quan thượng lại là Trần Đình Túc và cố Chính Đặng (Dangelger) ở địa phận Huế, phụng chỉ vua Tự Đức và Triều Annam, sai ra Bắc Kỳ mà thương nghị với các quan Đại Pháp hầu xin cầu hòa. Trong lúc nầy nhà nước Nam nhờ nhà chung địa phận Huế lắm, và tỏ lòng trông cậy nhà chung sẽ giúp mình trong việc éo le nầy, nên đức vua Tự Đức xin Đức Cha Caspar lo liệu giùm; vì vậy Đức cha Caspar sai cố chính Đặng đi làm một với hai quan lớn đình thần ra Hà Nội mà lo việc. Trước hết ba ông nầy đến thăm cụ Sáu và bàn tính các việc với người, và đem tờ hòa ước trình cho người xem. Rồi cụ Sáu đưa ba ông ấy đến Hà Nội gặp quan tướng cùng những quan lớn Đại Pháp đang ở đó. Người cùng ba đấng ở kinh ra hiệp đồng cùng các quan Đại Pháp mà giao những khoản trong tờ hòa ước hẳn hòi, và ký tờ xong xuôi, cụ Sáu và ba đấng ấy ra về, thì cụ Sáu lại tin cho các quan tĩnh đang ở núi Thủy Sơn phải kíp ra cho chóng, người đứng làm một cùng các quan Đại Pháp mà giao cho các quan tĩnh An Nam phải nhận lấy các kho tàng và các phủ huyện lại y nguy, người lại bắt các quan phải đứng và ký tên trong tờ nhận lãnh. Cùng một khi ấy người xin cho các quan đã bỏ thành mà trốn trong lúc đó đặng xá tội, còn lương tổng có thiếu nhiều ít trong lúc đó thì chẳng đặng đòi nữa. Khi đó tính toán các việc xong xuôi rồi, thì người lại trở lên Kim Sơn mà vỗ an lê thứ, đang còn xôn xao hỗn độn chẳng an ở đó.

Mọi việc Tây Nam lương giáo hồi đó đã bằng an chút đỉnh, nên ít ai lo sợ cho mấy, chẳng là quan tướng An Nghiệp (Garnier) phải vong mạng, vì bị quân giặc cờ đen giết thác, nên mọi sự lại xôn xao rối rắm nữa. Quân cờ đen nầy có lòng độc dữ, thù ghét những người Langsa. Nên khi chúng nó đã giết đặng quan tướng An Nghiệp rồi, thì chúng nó tỏ lòng kiêu căng khinh thị các quan tây lắm, vì tưởng mình đã làm đặng việc cả, nên sinh lòng bạo dạn chẳng sợ đi gì sốt. Lúc ấy lại có quan bố người Bắc Kỳ là Phạm Duật quê ở Yên Mô, tĩnh Ninh Bình, cậy thế quân giặc cờ đen, cho đặng phá đạo cho tuyệt, lại dụ chúng nó đem binh về đóng tại làng mình. Văn Thân nghe vậy thì rùng rùng dấy lên, làm cho ai nấy đều kinh hồn khiếp vía hết thảy.

Cụ Sáu thấy phong ba nổi dậy lung lắm, còn phần mình thì nghe quân gia khiếm khuyết, chống kình chẳng nổi, nên người xuống một chiếc thuyền chài nhỏ, vượt biển chèo đến Hải Phòng, là nơi có tàu binh trận của Đại pháp Langsa đậu, mà tùy cơ ứng biến. Người dạy gia nhơn chèo riết tới tàu quan tây, người lên tàu rồi đến cùng các quan Đại Pháp mà tỏ mọi nỗi khốn khó xảy ra, xin các quan hay lo cứu viện thể nào, kẻo con nhà có đạo và hết thảy dân sự đang nguy hiểm lắm. Các quan tây trọng đãi người lắm, và xin người hãy an lòng chớ sợ, các quan tây lại xin người ở lại đó, chớ có về kẻo phải khốn. Song người đáp lại rằng: Xin các quan cho tôi kiếu, dẫu tôi về mà có chết với con chiên tôi, thì tôi cũng đành lòng an dạ, chớ tôi ở lại đây đặng sống, mà bỏ con chiên tôi thì lòng tôi không đành. Đoạn người từ tạ các quan mà xuống thuyền chèo ra chỗ Cát Bà; khi ấy người có đem theo mười lăm tên dân đi mà giữ mình, ra đậu tại núi Nẹ, đặng đợi thì sự ra thế nào rồi sẽ liệu. Lúc ấy người hết lòng cầu khẩn nguyện xin cùng Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêgiu, xin chữa lấy mình, vì hứa hễ Chúa cho qua khỏi sự gian nan nầy, và cho bổn đạo đặng an cư lạc nghiệp, thì người sẽ làm một nhà thờ Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêgiu cách trọng thể hết sức, mà cám tạ Chúa. Mà thật Chúa đã nhận lời người xin, vì chẳng khỏi bao lâu, quân giặc cờ đen và quan Văn Thân nghe các tàu quan Đại Pháp đã đến và dàn súng ống rất nhiều, thì chúng nó tan đi lần lần hết, nên đã bớt sự xôn xao giặc giã, chẳng còn sợ chém giết nhau nữa; song còn một đều, nhứt là tĩnh Ninh Bình lương giáo còn đem lòng nghi nan nhau lắm, nên khó bề ăn ở với nhau.

Quan tĩnh là Trần Thiện Chính, và các quan hàng tĩnh viết thơ cho cụ Sáu mà xin người đến giúp mình, đặng lo liệu các việc cho yên. Cụ Sáu thấy thế sự chưa vững là bao nhiêu, lại lời các quan nài hà lắm, nên cũng ép tình ra đi. Đang lúc còn hiểm nghèo, bổn đạo thấy cha mình toan lìa bỏ mà đi, thì sợ mình phải mồ côi và sợ mạng sống của người nữa, nên ai nấy đều khóc oà, nhiều kẻ xin bỏ xứ mà đi theo làm một với người, song người an ủi những kẻ ấy và không cho đi, cho ba người nhà đi theo mà thôi. Khi thuyền đến tĩnh thì các quan cho quân lính cầm cờ ra đón rước đông đắn, từ bến cho đến thành quan quân đóng chật hai hàng trọng thể lắm. Người thấy thiên hạ tôn trọng mình làm vậy thì chẳng bằng lòng, vì lòng người bằng giữ sự khiêm nhượng luôn nên người nói với các quan rằng: Tôi là thầy tu, có một đứa hầu bưng trắp thì đã đủ rồi, các quan làm chi trọng thể làm vậy, mà nhọc cùng các quan cùng quân lính. Người nói đoạn các quan nhìn nhau cùng khen lòng người chẳng chuộng sự vinh vang, rồi mời người vào dinh mà làm luận các việc. Khi người đã điều đình cùng các quan phải làm thể nào cho dân sự đặng yên rồi, thì người kiếu các quan mà về, và xin các quan để cho người về một mình đừng cho ai đưa hết. Người trở về thì lo an ủi khuyên lơn dân sự làng Kim Sơn và Yên Mô, cho hai bên lương giáo đem lòng tin cậy nhau, và ở với nhau cho thuận hòa, chớ có nghi nhau nữa, thì hết thảy đều vâng lời người, chẳng khác nào con cái vâng lời cha mẹ.

Cụ Sáu đặng triều An Nam ban thưởng

cùng làm quan lo việc nhà nước.

Đang lúc cụ Sáu lo giúp hai nước ở Bắc Kỳ, chẳng rõ có quan nào vào tâu vua Tự Đức, cho nên có chiếu chỉ ở Kinh ban ra cử cụ Sáu làm chức hiểu dụ bình dân. Trong sắc chỉ vua Tự Đức châu phê như vầy: “Trần Lục lục năng hiểu trấp Bắc Kỳ, lương giáo nhứt phiến trung thành, thiên hạ cọng bách, Triều đình tín chỉ, khâm thử.” Nghĩa là: Cụ Sáu là người đủ tài năng sức lực mà bảo ban cùng dẹp yên hàng hai bên lương giáo Bắc Kỳ, người chỉ có một lòng ngay thật, thiên hạ ai ai cũng đều biết; vua và các quan Triều đình đều tin thật như vậy. Phải kính vâng lời vua truyền dạy.

Trong chỉ vua khen và trọng cụ Sáu lắm, vì biết rõ người có lòng ngay thật phò vua vực nước trung thần.

Năm 1875 là năm Tự Đức nhị thập bát niên, có quan tàu ô cướp biển chẳng rõ bỡi đâu mà kéo đến các miền biển, chạy theo ngã sông Kim Sơn vô mấy rạch đi cướp phá thiên hạ, làm cho thiên hạ đồ khổ chẳng đặng ở yên. Người ta đến báo cho cụ Sáu hay, thì người cho thuyền cùng sai gia nhơn ngăn đón quân ấy, còn thuyền người thì cứ lình bình giữa biển và các ngả sông, hễ nghe đâu thì cứ đến đánh dẹp đó. Quân tàu ô đã nghe tiếng người, nên họ thấy ghe thuyền người đến liền vỡ tan chạy hết. Chẳng khỏi bao lâu, chẳng còn thấy chúng nó lấp ló cướp giật nữa. Thiên hạ nhờ người dẹp lũ ấy thì mới đặng ở an.

Cũng một năm ấy có quan tuần tĩnh Ninh Bình là Đặng Toán sớ tâu cùng vua về các việc cụ Sáu làm ở Bắc Kỳ, hết thảy thiên hạ nhờ công việc người đốc sức dạy bảo, thì đã làm cho thiên hạ đặng yên, và quan ấy cũng kể công trận của cụ Sáu ra rõ ràng cho vua xem. Khi vua hiểu rõ các đều ấy, thì chúc khen người và gởi nhiều Kim tiền, Kim khánh, Bài ngà, Long ấn bội tinh mà thưởng công, và ban nhiều vật quí khác cho người. Song cụ Sáu là thầy cả có lòng sốt sắng kính mến Chúa và làm cho sáng danh Chúa. cùng giúp đỡ anh em phần hồn phần xác mà thôi; nên người chẳng ham lấy của ấy, cùng chẳng tham sự danh vọng đời nầy. Người chịu lấy các vật ấy là vì của vua ban cho, song người đem nộp cho Đức Cha hết thảy.

Từ đó về sau bổn đạo toàn cõi An Nam mới đặng an cư cùng thơ thới hơn trước, thì cụ Sáu mới khởi công lo việc nhà thờ nhà thánh cho nguy nga trọng thể, như lời người đã khấn hứa khi trước, người cũng lo cho các bổn đạo đặng dễ tới lui với các quan Tây Nam mà lo liệu việc mình; lại nhiều lần, hễ người thấy thiên hạ bất kì là lương giáo, phải sự rối rắm đều chi, thì người cũng lo gở cho xuôi. Thiên hạ cũng nhớ đến việc xảy ra nơi tam tổng Thanh Hóa, và việc tam ấp Kim Sơn, là việc đại hệ ở Bắc Kỳ, thì cũng hết lòng mến yêu kính trọng người.

Chúa muốn dùng cụ Sáu mà giúp việc phần đạo phần đời hầu làm cho sáng danh Chúa, nên để cho người đặng danh tiếng bất kỳ là đời vua nào. Vì đến đời vua sau là năm Đồng Khánh nguyên niên năm 1885, đến tháng ba có quan Kinh lược là Nguyễn hữu Độ thấy Văn Thân nổi lên tĩnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tịnh mà nhiễu hại lương dân. Quan ấy muốn lo cho các tĩnh đặng yên hàng, nhứt là tĩnh Thanh Hóa, là quê quán bên ngoại nhà vua, và cũng là quê hương của quan ấy nữa, lại tĩnh thành Thanh Hóa nguy nga rực rỡ lắm. Quan Nguyễn hữu Độ nầy đã từng biết tiếng cụ Sáu là người dân sự mến phục, thì tưởng người có thể dẹp giặc ấy đặng mà thôi, nên quan Kinh lược ấy đến thăm cụ Sáu và hỏi người bằng lòng chịu lấy chức Tuyên phủ sứ để thương thuyết (nghị luận) làm một cùng các quan Tây Nam, hầu dẹp giặc cho yên trong nước không. Cụ Sáu chẳng chịu, thì quan Kinh lược lại đến xin Đức Cha Phước (Puginier) ép người lãnh lấy chức ấy mà lo việc cho dân. Cụ Sáu từ chối ba bốn phen không muốn gánh lấy chức phần đời. Song quan ấy cố tình nài xin Đức Cha ép người cho đặng. Vậy Đức Cha nghe lời quan ấy, mới biểu cụ Sáu hãy chịu lấy việc giúp nước, nên người phải vâng lời Đức Cha mà chịu lấy. Khi cụ Sáu đã chịu lãnh chức ấy rồi, thì quan Kinh lược tâu vua Đồng Khánh mà xin phong cho người chức Lễ bộ Tham tri hàm, sung khâm sai kiêm Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tịnh. Khi vua nhậm lời thì truyền khắc ấn khâm sai mà giao cho người. Tờ quan Kinh lược tâu vua, thì tỏ các tài năng cụ Sáu và khen ngợi người mọi đàng; xin sao dịch ra cho ai nấy rõ:

Tờ tâu cho cụ Sáu làm quan.

Đồng Khánh nguyên niên, (1885), ngày mồng ba tháng ba An Nam. Tôi là Nguyễn hữu Độ xin tâu trần tỏ việc như sau nầy:

Lâu nay tĩnh Thanh Hóa đã phải vướng rối nhiều đều đồ khổ, nay tôi lại xem thấy tĩnh Nghệ An và Hà Tịnh quân giặc lại nổi lên nhiễu hại lê dân. Các quan tĩnh cũng đã tư tờ về cho các quí quan hầu lo việc ấy cho yên, Song cũng chưa xong. Nay tôi dám luận nghĩ rằng: Đất tĩnh Thanh là cội rễ nhà nước, mà dân sự phải khốn nạn dường ấy, thì không lẽ ngồi khoanh tay mà ngó. Tôi đã có xin quan Nguyên soái Đại Pháp sai thêm binh đặng đi dẹp quân ấy, song trước cần phải có người giỏi giắn tài năng mà lo liệu việc ấy thì mới trông nên việc. Tôi có biết một linh mục tên là Trần Lục ở xứ Phát Diệm, tĩnh Ninh Bình, quê người là tĩnh Thanh, là một người thông thái rộng học biết nhiều và có danh tiếng lắm, thiên hạ ai ai đều tin cậy, mến yêu và kính phục người. Khi trước trong tĩnh Ninh Bình và Thanh Hóa có nhiều đều rối rắm loạn lạc mà đã đặng bằng an yên hàng, ấy cũng là bỡi nhờ người lo liệu cùng khuyên bảo và dạy dỗ nhơn dân nên mới đặng như vậy. Tôi đã ghe phen xin người ra lãnh chức bình dân, song người không chịu sự vinh vang chức tước đời, người chỉ lo một việc giảng đạo mà thôi, nên người đã từ chối, nhưng tôi nhắm lại việc bình dân thì chẳng ai mà qua người ấy, vì thiên hạ đâu đâu đều mộ mến người, vì vậy tôi mới ép người phải bằng lòng mà chịu lấy việc bình dân; vì có lẽ nhờ người mà khỏi đều lo sợ. Nay tôi cúi tâu xin bệ hạ cùng Triều đình, cho ông linh mục Trần Lục làm quan Lễ bộ Tham tri sung Khâm sai Tuyên phủ sứ, và cấp cho người một ấn quan phòng và một ấn kiềm cái. (Trong ấn quan phòng khác bảy chữ: Khâm sai Tuyên phủ sứ quan phòng; còn ấn tiểu kiềm thì khắc bốn chữ: Khâm sai Tuyên phủ). Phong cho người chức tước ấy đặng người đi làm một với quan quân Đại Pháp, đến trong ba tĩnh mà điều định cùng hiểu dụ dân sự, lại đặng cho người cầm quyền mà dạy bảo nhơn dân, thì chắc chẳng bao lâu dân sự đặng bằng an yên hàng. Việc nầy tôi có cậy quan Thượng thơ Đại Pháp tên là Batô bẩm lại cùng quan Đô thống sứ, thì ý các quan ấy cũng ưng thuận như vậy.

Vậy tôi cúi xin bệ hạ thẩm xét, vì đều tôi xin đó là sự hữu ích cho nhà nước; nên xin bệ hạ mở lượng hải hà mà nhậm lời kẻ hạ thần bẩm tấu.

Khi vua và lục bộ xem rồi, thì vua liền châu phê mấy chữ có nghĩa như vầy: Kẻ dâng người hiền thì đặng phần thưởng trọng, nhà ngươi giữ đặng lòng ấy thì là đều phải lắm. May mà việc xuôi mau chóng, thật là bỡi người hiền mới gặp biết lấy người hiền, nên ta có thể tin đặng. Ai ai phải lo khâm kính việc đó.

Cụ Sáu đặng tờ cử người làm Lễ Bộ Thượng thơ sung khâm sai, thì người lo sợ gánh việc nhà nước lắm, song người hết lòng trông cậy Chúa hầu làm cho sáng danh Chúa và Hội thánh, phần đạo phần đời. Vậy khi người lãnh chức quan thì ra ở Thanh Hóa được một tháng năm ngày; trước hết người làm từ yết thị hiểu dụ bình dân, và sai quân đi dán các làng các xã mà truyền cho ai nấy phải ở yên hàng vô sự. Tờ yết thị như vầy: “Ta làm gia lễ hộ thượng thơ, sung khâm sai tuyên phủ sứ, linh mục Trần làm tờ yết thị nầy cho dân sự ai nấy hay mà tuân cứ: Từ năm ngoái kinh thành đã phải sự đa đoan vừa rồi, bây giờ những kẻ thân hào lại dấy lên mà gọi là nghĩa cử, thì việc cũng là phải; song hôm nay làng xá tĩnh thành đâu đó đều được y nguyên như trước. Đức hoàng thượng là con Đức tiên đế, trên thì vưng ý bà Từ dụ thái hoàng thái hậu (là mẹ vua Tự Đức), dưới thì thuận tiên nhơn đình thần, đặt lên có đấng làm đầu làm chủ trong việc Triều đình dân sự, thật là ý bỡi trời ban cho làm nên xong việc; xét lấy việc có trên dưới yên bài như vậy, thì chẳng phải là việc cả thể lắm sao? Còn những đều trong việc giao thiệp, thì Triều đình đã sắp đặt đâu có thứ lớp đó. Vậy lúc nầy là lúc ai nấy phải lo ở yên phận mình, hầu mà vâng mạng Triều đình; lại lương giáo hai bên phải ở ăn hòa thuận cùng nhau, chẳng nên ở với nhau như thù nghịch, mà sinh đều thiệt hại cho nhau; lại phải giúp đỡ nhau trong mọi việc. Còn những kẻ nào trước đã tụ tập nhau mà làm đều phi pháp như vậy; hoặc những kẻ làm đầu hay là những kẻ tùng theo, thì hạng cho nội trong hai tháng thì phải ra hàng đầu mà thú tội, thì ta sẽ chạy tờ cho Triều đình mà xin xá tội cho, bằng ai nghịch mạng chẳng chịu ra đầu, thì ắt là ta không lẽ điềm nhiên nín nhịn, mà để cho các người làm đều hại dân mãi vậy đâu. Vậy xin hết thảy nhơn dân phải yên hàng mà lo bề an cư lạc nghiệp, bằng ai trái lịnh thì tội bất dung. Việc nầy ta đi thượng nghị cùng các quan tĩnh mà điều định, thì các quan cũng đồng ưng như vậy, nên ta làm tờ nầy cho ai nấy đặng hiểu biết mà tuân cứ.”

Đồng Khánh nguyên niên, ngày mồng ba tháng tư (1885).

Các làng các xã đâu đâu thấy yết thị cụ Sáu dán thì đều yên tâm và tỏ lòng tin cậy người. Nên có nhiều kẻ trong phe đảng phá rối ấy đến đầu mà thú tội, còn bao nhiêu thì lui lần lần hết, vì nghe oai thế người đồn ra khắp các miền các xứ. Bỡi vậy cho nên chẳng khỏi bao lâu dân sự đặng yên và an cư lập nghiệp.

Cụ Sáu quyết lo liệu việc chung nhà nước cho xong xuôi rồi đặng mà về bổn xứ. Bỗng chúc người được thơ Đức Cha thì người liền dọn dẹp đồ đạc, sắp đặt mọi việc thứ lớp giao phú đâu đó yên bài, đoạn người đi từ giã các quan Tây Nam mà trở về, cùng làm sớ tâu cho vua đặng hay tự sự. Người kể ra công cuộc quân giặc lai hàng và làng xã đâu đó đều an cư lạc nghiệp, đây chẳng có ý kể ra vì dài quá, các việc tóm tắt như đã nói trước nầy thì đã đủ, ai muốn biết thì hỏi thăm kẻ đã dịch sách nầy thì rõ. - Khi vua xem sớ rồi, thì ban khen cùng tỏ lòng biết ơn người lắm.

Khi cụ Sáu về nhà chưa đặng bao lâu, thì có tin ở Thanh Hóa giặc lại nổi lên khắp các nơi, nhứt là Phủ Hà quân giặc đóng đồn tại đình huyện Nga Sơn, nhà nước nhờ Đại pháp mà đánh giặc ấy, phải cực khổ lao đao đôi ba tháng trời mới xong; song cũng bị tổn quân hao tướng lắm. – Khi quan quân kéo đi ngang qua Phát Diệm, thì các quan ghé lại thăm cụ Sáu, cùng xin người chỉ về các việc phải làm thể nào, thì người bàn tính các việc cùng các quan một cách khôn ngoan khéo léo lắm.

Lúc ấy quân giặc khuấy phá thiên hạ một cách dữ tợn hơn nữa: Đốt phá nhà cữa bổn đạo các xứ ở tĩnh Thanh, và đánh đuổi những người ngoại hiền lành, đều chạy tán lạc; muôn muôn ngàn ngàn người chạy vô Phát Diệm, Kim Sơn, nam nữ già trẻ lớn bé chẳng biết là bao nhiêu. Người ta đến thưa cho cụ Sáu hay, thì người cho các quan hàng tĩnh hay, lại tống tờ cho quan kinh lược rõ, và xin phổ khuyến phẩm hàm các quan trên dưới phụ lực  giúp tiền mà phát cho dân lưu đồ khổ ấy, cho chúng nó độ hồ khẩu. Đến ba ngày tết thì người xin mấy nhà phú hộ kẻ ít người nhiều, và chính mình người cũng phụ giúp tiền bạc, cho đặng mua đồ cùng làm bánh chưng, bánh tét mà phát cho những kẻ trú ngụ xung quanh trong xứ mình.

Khi tướng đầu đảng quân giặc ấy đã tan đi rồi, thì có nhiều người đã theo quân giặc ấy, đến lạy lục thú tội cùng người, thì người lo cho chúng nó khỏi tội cùng được về mà an cư lạc nghiệp. Khi ấy ai ai đều cảm đội ơn người chẳng cùng, và hằng nhớ những công ơn ấy luôn.

Cụ Sáu còn làm quan một ít lâu nữa, rồi người xin từ chức về nhà mà lo việc giảng đạo. Vậy đến năm Thành Thái tam niên người xin từ chức, và trả ấn Khâm sai lại cho nhà nước.

Cụ Sáu ăn ở thương yêu người ta cách lạ.

Cụ Sáu dầu khi đã thôi làm quan, thì người cũng còn giúp người ta nhiều cách nhiều thế lắm. Bất hạng là đấng bậc nào, thì đều đặng nhờ người.

Bỡi nhà nước đã nhờ người, nên hễ người mở miệng xin đều gì cho dân sự, thì nhà nước đều nhậm lời thảy thảy. Như năm Thành Thái lục niên, nhà nước nghị định việc công điền công thổ; có nhiều khoản dân sự lấy làm phiền, nên xin cụ Sáu xin giùm. Người liền viết tờ xin quan chăm chước cho dân sự, ba bốn đều về việc ấy; nhà nước lấy làm phải và nhậm lời người xin. Ai nấy đều vui mầng cùng cám ơn người chẳng xiết. Những việc người làm mà tỏ lòng thương dân sự, bất kì là lương giáo thì chẳng biết là bao nhiêu; nói tắt một lời, là lòng người hay thương, chẳng để cho ai chạy đến người mà về không. Kẻ nào mê muội dốt nát, thì người cùng tỏ ra lòng dễ dàng với nó; kẻ nào khó khăn nghèo khổ đến người, dầu người mắc nhiều việc mặc lòng, song cũng chẳng nệ ngồi chuyện vãn; khi thì an ủi, lúc lại khuyên lơn dạy bảo chuyện nầy chuyện khác; khi lại phải giúp tiền bạc, thì người cũng liệu cho chẳng từ. Có nhiều người nghèo khổ đến xin người làm lễ, thì người chẳng lấy tiền, làm lễ cho không mà thôi. Mà khi thấy kẻ ấy túng rối quá thì người lấy tiền riêng mình mà giúp thêm nữa.

Người hay động lòng thương người ta lắm, nên hễ năm nào thiên hạ mất mùa đói khát, thì người ăn chay hãm mình, xin Chúa đoái thương dân sự đồ khổ. Người ăn thì chỉ ăn cơm không lại với một chút mắm, hay là một chút mật ong pha vào cho dễ nuốt cơm mà thôi.

Người làm như vậy là có ý thông công phần khốn khó anh em mình phải chịu. Người thương người ta cho đến đỗi lo liệu bày biểu công ăn việc làm cho mỗi nhà.

Còn việc bổn phận đấng làm thầy cả, thì người lại siêng năng cần mẫn hơn nữa bội phần. Người nghe đâu có kẻ đau ốm liệt lào, thì năng đến ngày đêm an ủi. Người hay thương kẻ già nua tuổi tác lắm, nên hễ tuần lễ nào trọng, hoặc tết nhứt chi, trong nhà có gói bánh trái hay là món ngon vật lạ, thì người cho kêu mấy kẻ ấy đến mà phân phát cho; hoặc kẻ nào có công khó với nhà thờ nhà thánh, thì người cũng cho kêu đến mà phân phát cho nữa.

Thiên hạ thấy người có lòng thương chung như vậy, bất kì đấng bực nào, sang hèn thảy đều đặng nhờ người; thì ai ai cũng đem lòng mến yêu kính phục người. Bỡi đó khi người có việc phải làm, như việc cất nhà thờ nhà thánh, xây hang đá, đắp núi Olivete, làm vườn nguyện, cùng nhiều nhà cữa đồ sộ và những việc cả thể; thì mọi người đồng lòng phụ giúp, chẳng tiếc công tiếc của với người chút nào sốt.

Việc cụ Sáu làm, xưa nay ai ai cũng đều biết rõ. Như năm 1871, người làm một cái nhà thờ lớn, tốn phí biết bao nhiêu, Mà khi cất lên, người chỉ có một quan bảy tiền mà thôi; song người trí hóa khéo biện bác, người tạm của chung hoặc của riêng trong xứ mình, ai ai cũng sẵn lòng thương giúp. Người nhận lấy mà lo kham mọi việc. Đến sau người cũng liệu mà trả cho mọi người chẳng thiếu đồng nào.

Ta tưởng cụ Sáu giàu có thiên hộ mới làm đặng việc cả thể; song thật chẳng có vậy đâu.

Đời nay cũng vậy, các thầy cả khó khăn mà làm đặng nhiều việc cả thể, là bỡi có nhơn đức hay thương người, nên Đ CT phù hộ trả phần thưởng cho, làm cho lòng kẻ khác tríu mến mà giúp sức, hầu làm cho sáng danh Chúa.

Cụ Sáu cất nhà thánh, và cách người cai trị bổn đạo là thể nào.

Cụ Sáu lúc đặng rảnh rang, người lo sắp đặt mọi việc cho yên đoạn, thì người khởi công xây dựng đền thánh, mà thờ phượng cho xứng đáng oai quyền Chúa, theo như lời người đã khấn hứa và ước ao trước.

Chốn Phát Diệm là đồng khô cỏ cháy, dân sự ít lắm, địa cảnh buồn bực; mà từ khi cụ Sáu đến ở thì người gầy dựng chỗ ấy ra vui vẻ, những người ở tứ xứ đến buôn bán làm ăn lập gia cư ở đó, thì số người càng lâu càng đông. Kẻ ngoại giáo xin trở lại đạo nhiều, nên làm cho họ Phát Diệm nầy trở nên một chốn thiềng thị vui vẻ lắm. Kẻ đi qua người đi lại hằng hà sa số.

Vậy cụ Sáu tính làm một nhà thờ trọng tốt cho xứng đáng, nên năm Thành Thái tam niên, người dựng một tòa nhà thờ rộng lớn lắm. Trước hết người lo liệu vật hạng cùng mua một sở đất rất rộng lớn, được 14 mẫu, 14 mẫu đất nầy là của người mua và của người ta vì lòng mộ mến mà cúng dưng. Chớ trước thật của nhà chung có ba mẫu mà thôi. Chính giữa người làm một nhà thờ chính, là nhà thờ Rosa, làm bằng cây to lớn và vững chắc lắm, ở dưới cuốn những cữa bán nguyệt làm bằng đá rất quí, ở trong nhà thờ thì chạm trổ rất khéo léo lộng lượt, người làm nhà thờ nầy công kỉ hẳn hòi lắm. (Đây chẳng kể ra sự khéo léo làm chi, như ai muốn biết sự khéo léo là thể nào, thì đến Phát Diệm mà xem cho tường tự sự.) Xung quanh nhà thờ lớn nầy thì có năm nhà thờ nhỏ khác. Một là nhà thờ Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Bà, xây bằng đá hết thảy, trừ ra ngói lợp mà thôi. Còn bốn nhà thờ nhỏ kia, mỗi cái thì làm bằng một thứ cây riêng rất quí và kiểu khác nhau. Một là nhà thờ Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêgiu; hai là nhà thờ kính ông thánh Giude; ba là nhà thờ ông thánh Vêrô; bốn là nhà thờ ông thánh Gioang Baotixita. Lại có cất một nhà thờ khác nữa, làm như nhà tạm để chầu Mình Thánh Chúa. Sau hết người tính xây một cái tháp, rất cao, 200 thước, và đúc một cái chuông rất lớn để treo trên tháp đặng đánh hiệu cho ai nấy biết mà cầu nguyện cho kẻ mong sinh thì. Việc nầy cũng là việc cả thể, song chẳng may, vì việc làm mới nửa chừng, thì người phải qua đời mà bỏ lỡ việc.

Tòa đền thánh nầy thật là nguy nga đẹp đẽ xinh tốt lắm. Xét theo trí người An nam thì cũng lạ lùng, thật đáng khen trong đời. Tiền tổn phí biết là muôn ngàn nào, mà chẳng biết người đặng bỡi đâu mà làm như thế. Thật phải đoán là tiền bạc của Chúa gởi mà thưởng công trọng người, có lòng sốt sắng kính mến Chúa mà thôi.

Người ta cúng dâng của mà lo việc nhà thánh; hễ ai thuộc về địa sở người, thì người chịu lấy; còn kẻ ngoài xứ, cũng có nhiều người xin dâng cúng, song người chẳng chịu. Người chỉ lo liệu các việc trong địa sở, hầu té lợi mà lo việc nhà thánh mà thôi. Hễ có thiếu thì người khuyên bảo những kẻ khá trong xứ, mỗi nhà liệu nhiều ít tùy sức mà lo cho kham.

Cụ Sáu chẳng để cho người ngoài giúp, một lo cho người thuộc địa sở mình cúng thí, là có ý cho những kẻ ấy đặng nhờ công nghiệp trước mặt Đức Chúa Trời; như người năng giảng trong nhà thờ mà rằng: “Cụ chỉ vắt mồ hôi nước mắt mọi người trong xứ nầy mà làm việc Đức Mẹ, cho anh em đặng nhờ bóng nhà thờ, Nếu cụ lấy của người ngoài mà làm thì chẳng thiếu, nhưng mà công nghiệp phước đức anh em, thì người ta giành hết.”

Cụ Sáu chẳng có tham lam ham hố của cải đời tạm nầy; bổng lộc lợi lãi của người hằng năm té ra nhiều, song người lấy mà làm phước hết, còn bao nhiêu thì người lấy mà lo việc nhà thờ, người chẳng có giữ lấy cho mình đi gì hết.

Khi người có giúp giùm việc chi cho người nào, hoặc dân sự hay là các quan mà cậy người đều nọ việc kia, hoặc trong lúc người giúp hai nước Tây Nam, thì người chỉ một lòng lo làm sáng danh Chúa, cùng mở mang việc đạo mà thôi. Người chẳng có kể đến lễ vật của ai cho bao giờ, dầu một mảy người cũng chẳng thèm đụng tới. Có nhiều người vì lòng biết ơn đến dâng của nọ của kia quí trọng, người chẳng chịu lấy; có nhiều khi lại rầy biểu đem về, và dặn đừng có đem tới vật chi nữa. Người chỉ giữ một ít đồ là của vua ban cho, phải nhận lấy mà thôi. Như nhà nước Nam thấy công trọng người; thì thưởng chức lộc cho người và ban nhiều đồ quí vật nội phủ, và những kim tiền kim khánh, để những chữ tặng khen công lao tài năng người, đặng ai nấy biết. Như có một cái kim khánh khắc chữ rằng: “Giảng tín tu mục.” Nghĩa là lời giảng giải ai cũng tin, cùng hay làm cho thiên hạ hòa thuận. Vua lại ban tiền vàng lớn nhỏ năm đồng, có khắc chữ như sau nầy: Đồng thứ nhứt: “Vạn sự như ý.” Nghĩa là mọi việc người làm thì đều đẹp ý vua hết thảy. Đồng thứ hai: “Sử dân phú thọ.” Nghĩa là người có tài dạy vẽ dân sự, làm cho dân sự đặng giàu có sống lâu. Đồng thứ ba: “Tiện dân lại chi.” Nghĩa là người làm cho hết thảy dân sự đều đặng nhờ cả. Đồng thứ tư: “Thủ chính bất a.” Nghĩa là người giữ một lòng ngay chính trung trực luôn, chẳng hề nghiêng ngả dua nịnh đàng nào. Còn đồng thứ năm coi chữ không đặng mà kể lại.

Nhà nước Langsa thương và trọng kính công nghiệp người lắm; nên hai ba phiên cho người hay muốn ban Bội tinh cho người, và cho ăn lương nhà nước, song người một lo bề tu trì đạo đức, nên người đã xin chối từ chẳng chịu.

Những ơn trọng cụ Sáu làm cho người ta thì ai kể cho xiết. Song người ở coi họ Phát Diệm, nên nói qua ít việc người đã làm trong sở người.

Cụ Sáu lo việc cho kẻ sống thể nào, thì lo cho kẻ chết cũng thể ấy. Ở Phát Diệm hồi trước chưa có đất thánh, nên ngoại đạo đều chôn xác kẻ chết lộn lạo với nhau, cụ Sáu thấy vậy thì liền chọn một chỗ đất trống cách xa làng, cắm thánh giá mà làm đất thánh, cùng biểu các bổn đạo phải lo lấy cốt mà đem chôn lại chỗ đất ấy. Khi ấy người ta lấy cốt có 2000 cái tiểu nhỏ, đem vô nhà thờ làm phép trọng thể cùng làm lễ cầu cho các đẳng linh hồn. Làm lễ xong đoạn, đem ra đất thánh ấy mà chôn, và từ đó về sau cấm chẳng cho chôn lộn với mả kẻ ngoại nữa. Các họ nhỏ khác cũng bắt chước làm đất thánh như vậy, làm cho phân biệt mồ mả lương giáo khác nhau. Người lại cho bổn đạo xứ Phát Diệm giữ phong hóa hẳn hoi lắm. Vì vậy người cấm nhặt cờ bạc, rượu trà, hút xách cùng các thói xấu khác.

Cụ Sáu có lòng sốt sắng việc đọc kinh nguyện gẫm lắm, nên chẳng những là người làm gương cho bổn đạo mình mà thôi, song lại lo cho bổn đạo, bất kì già trẻ bé lớn đến đọc kinh trong nhà thờ, hội hiệp nhau kêu xin Chúa ban xuống mọi ơn mọi phước phần hồn phần xác.

Tính khí và đức hạnh cụ Sáu.

Cụ Sáu là người hiền lành, ai ai cũng dễ ra vào tới lui với người; song người cũng có trực tánh và nóng nảy, thấy việc trái thì chẳng chịu, cứ lẽ thẳng nói ngay, nên hễ ai có lỗi thì sửa phạt tức thì.

Ai thấy người lúc ra oai quở phạt, thì cũng đều sợ hãi, dầu không phải việc mình, thì cũng lo giữ mình cho khỏi lỗi. Người có tính nóng nảy như vậy, song sự thương yêu người quá mực. Hễ hết cơn nóng nảy một lát rồi, thì chẳng chấp nhứt gì nữa, một tỏ lòng hiền lành an ủi kẻ có lỗi lo sửa mình. Người chẳng vì nể ai hết, cứ một mực mà ăn ở với hết mọi người, bất kì là đấng bực nào, thì người cũng cứ công thẳng mà ở, chẳng tày vị ai.

Như năm quí dậu lúc người ở tại Ninh Bình mà lo việc quan, thì có một người tây lo việc phát lương, chẳng biết người, nên nói chuyện với người mà tỏ ra lòng khinh thị An Nam, cùng nói phạm đến người, thì người cứ lẽ ngay thẳng mà nói với người ấy. Ông nầy chẳng biết người, nên hăm dọa đòi bắn. Người liền chỉ bụng người mà nói với ông ấy rằng: Nầy đây nè hãy bắn, tôi chẳng phải sợ đâu, ông đừng khinh thị quá vậy! Một lát ông ấy biết người là cụ Sáu và thấy người chánh trực nói phải, liền xin lỗi cùng kết nghĩa với người.

Lại có chuyện khác nữa đã tỏ ra cụ Sáu là người trực tính là lần kia quan kinh lược đến viếng Phát Diệm, khi tàu tới bến, người mặc áo thường cùng đem quân gia ra đón rước quan Kinh lược. Bấy giờ có tên đội hầu cận quan lớn, ỷ thế theo mọi khi, nó chẳng biết cụ Sáu, nên bảo người rằng: “Hãy biểu người ta gánh đồ đây nè.” Người ấy nói một cách xẳng xớm xấc xược cùng nhiều tiếng kiêu hãnh khác nữa. Tức thì cụ Sáu nói lại với nó rằng: Mầy đừng kiêu hãnh ỷ thế như vậy! Khỏi một lát tên đội nầy biết người, liền lạy lục mà xin lỗi, người liền tha và dặn từ nầy về sau chớ ỷ thế hà hiếp người ta làm chi.

Cụ Sáu tuy là có hơi nóng nảy và trực tính, song người biết cầm mình và hãm dẹp tính mình cách lạ. Hễ khi có việc gì cang hệ, thì người suy đi xét lại cho tường tận rồi mới đoán; khi người làm quan hay là khi coi họ, mà có tờ giấy gì thưa bẩm đều chi, thì người suy đi xét lại rồi mới phê tờ. Người chẳng hề chịu ai bẩm trong, hễ ai có việc chi đến người, thì cứ lệ công bình mà khai ngay giữa công đường, hầu cho người phán đoán mà thôi.

Người đặng ơn riêng mà xử đoán việc người ta rất lạ. Từ khi có đơn từ nào dưng vào, hoặc người ta đến bẩm thưa đều chi, thì người liền biết gian hay tà ngay lập tức. Các đơn từ chi, hễ người đọc qua rồi liền hiểu ý nghĩa tức thì, và thò bút phê ngay trong 1, 2 phút thì xong. Các quan thấy vậy thì khen thay tâm trí người lắm, và sánh với kẻ khoa mục, thì ít người ví đặng.

Cụ Sáu hay thương người ta lắm. Có một lần người trị tội một người kia, thì dạy đánh đòn đau quá, khỏi một lát người nghĩ lại thương nó, nên biểu người ta đem cho nó ba quan tiền mà nói rằng: “Cụ thường đòn cho” Cụ Sáu chỉ ăn ở thẳng phép với người ta trong lúc sửa trị mà thôi; hết lúc ấy thì người lại tỏ ra lòng thương yêu an ủi cùng dạy về đàng nọ nẻo kia, nên dầu ai có bị quở phạt thì cũng không giận hờn người, lại đem lòng mộ mến người hơn nữa, vì biết người dạy dỗ làm vậy là đều phải.

Cụ Sáu có tính nóng nảy như vậy, song le người cũng có nhơn đức nhịn nhục lạ lùng lắm. Lần kia, có một người ở giúp việc nhà cụ, ra ngoài làng chơi, chẳng may ham vui mà bị quá chén, đến khuya lơ mới về kêu cữa. Kêu om sòm một hồi lâu mà không thấy ai ra mở cữa, vì đã khuya nên mọi người trong nhà ngủ hết. Cụ Sáu nghe tiếng người ấy kêu, liền ra mở cữa cho nó. Người nầy bỡi say sưa mờ mệt chẳng biết ai là ai, bước vào liên choàng cánh tay qua cổ người mà nói nhựa nhựa rằng: “Cõng anh về cho khéo nhé, kẻo cụ Sáu hay đặng thì chết.” Người nghe như vậy thì tức cười, cùng dắc nó vô cho tới gường nó ngủ mà để nó nằm xuống đó, Người ấy lại bảo rằng: “Cho anh một bát nước với.” Người lại đi kiếm đồ múc nước cho nó uống. Sáng ngày người ấy tỉnh lại, liền đi thú tội cùng người, và lấy làm xấu hổ sợ hãi lắm; song cụ Sáu giữ sự hiền lành tha thứ cùng an ủi nó chừa đừng phạm đến nữa, và giữ tiếng người ấy cho đến khi nó đã qua đời, mới kể ra trong lúc dạy về sự say rượu, hầu nên gương cho kẻ khác kiêng dè.

Cụ Sáu có lòng khiêm nhượng, chẳng hề khi nào làm kiểu làm cách với ai bao giờ; bất luận đứng bực nào, Tây, Nam, giàu khó sang hèn mà đến người, thì người tiếp rước cùng thiết đãi tử tế hết mọi người. Người chẳng hề chịu ai tôn trọng mình bao giờ. Có nhiều người đến cậy người đều chi, thì vô lạy lục người, song người chẳng chịu, hoặc có kẻ đã nhờ người việc nọ đều kia, thì đến lạy người mà cám ơn, song người cũng chẳng chịu.

Đức yêu người, thì người hằng nắm giữ luôn, hễ khi nào có kẻ khó khăn đến xin, người liền bố thí tức thì. Khi nào kẻ khó khăn đến xin người, thì chẳng hề khi nào phải về không bao giờ; dầu cho người mặc lo việc gì trọng thì người cũng vội vã bố thí cho nó. Có nhiều khi kẻ khó khăn thấy người mà chẳng dám xin, mà người biết kẻ ấy khó khăn đói khát, thì người liền kêu lại mà bố thí ít nhiều, chẳng đợi nó xin mới cho.

Cụ Sáu siêng năng học hành và ưa coi sách lắm; người dầu đã từng trải và thông thái thể ấy, thì người cùng hàng chăm chỉ học thêm và siêng năng coi sách vở luôn. Dầu ngày nào có mắc nhiều việc hoặc khách khứa đông, thì người cũng kiếm năm bảy phút mà coi sách, chẳng bỏ qua ngày nào. Bỡi người mộ sự học hành làm vậy, nên người cũng hằng ân cần lo lắng cho kẻ khác nữa. Hằng năm đến tháng nghỉ bãi trường, các thầy các chú đến thăm người, thì người hay nói về sự học hành, cùng biểu các thầy các chú ở lại với người trong lúc bãi trường, hầu người chỉ cho mà học thêm; người dạy tùy trí. tùy lực mỗi người, làm cho ai nấy đều đặng vui lòng và tấn ích lắm. Trong nhà người, người cũng rước thầy nho thông thái có tiếng và thầy thuốc danh sư cho học trò học. Ai có chí ham học sự gì hơn thì cho học sự ấy; kẻ nào người xem có thể làm việc nước đặng, thì bảo học viết cùng bắt học lý luật hầu sau mà giúp nước lập công. Người cũng lập trường quốc ngữ cho học trò học nữa.

Thật sự cụ Sáu ăn ở với người ta, đáng cho ai nấy muôn đời đều khen ngợi, thật nói đặng như lời ông thánh Phaolồ rằng: Omnia omnibus factus sum. Người uốn lòng theo ý mọi người, ở với kẻ lý luật, thì người ở cách khôn ngoan khéo léo lý sự; ở với người dân thường, thì lại nên như trẻ bé thơ đơn sơ chơn chất dễ dàng.

Người thấy ai đặng sự gì may mắn thì mừng cho; còn ai phải đều khốn khó thì cũng u sầu với. Hè năm nào phải mất mùa đói khát, thì người ra sức an ủi cùng giúp bảo người ta đọc kinh cầu nguyện, xin Chúa nguôi ngoai cơn giận; còn chính mình người thì ăn chay hãm mình xin Chúa cho thiên hạ đặng mùa cùng mọi sự lành. Đến lúc đặng mùa màng, thì biểu mọi người phải cám đội ơn Chúa, và lo cho bổn đạo hết thảy phải cấm phòng chung, trước là cám đội ơn Chúa, sau là xin Chúa cho hằng ngày dùng đủ, mà giữ nghĩa Chúa cho đến trọn đời.

Nói tắt, là cụ Sáu làm đặng mọi việc cho sáng danh Chúa phần đạo phần đời, là tại người có lòng kính mến Chúa hết lòng; nên Chúa soi sáng cùng cho người làm đặng mọi việc thảy thảy. Hễ nói đâu đặng đó, thiên hạ khâm phục, nên các việc người làm trong việc đạo việc đời có thứ lớp nghiêm trang chỉnh tề lắm, chẳng ai bắt nét chê bai đặng đều chi.

Lại người có tính tốt và ngoan ngùy làm cho ai nấy đều kính chuộng mến yêu người lắm, Người có tính vui vẻ luôn, song người giảng giải cách khoa ngôn ngữ, đến lúc buồn người nói giọng thương, lúc vui thì người tỏ ra cách vui vẻ thật, lúc nghiêm trang quy phạt thì người nói ra như sấm sét ai nấy đều kinh hoàng, nên làm cho lòng thiên hạ phải uốn chìu theo người.

Cụ Sáu thọ bịnh và qua đời.

Vừa năm Thành Thái thập niên (1898), cụ Sáu đặng 73 tuổi. Người đau bịnh cổ trướng một ngày một nặng, thuốc thang điều dưỡng đã nhiều, song bịnh cầm chừng mà thôi chớ không hết, Đức Cha Đông (Gendreau) nghe tin người đau, thì sai cố chính Linh đi thăm cùng đem thuốc cho người uống, họa may có bớt chăng. Cố chính ở lại một tuần lễ mà săn sóc thuốc men cho người, thời may bịnh đặng khá khá, thì cố chính mới về.

Qua đến năm sau là năm 1899, người đặng 74 tuổi; tuy bịnh người giảm bớt, song bỡi người đã già yếu, nên khó mà chữa cho lành; bịnh mười phần bớt đặng bảy mà thôi!

Cụ Sáu bỡi siêng năng làm việc lắm, nên khi trong mình mới vừa hơi khỏe khỏe, thì gắng gượng ra nhà thờ mà giảng dạy bổn đạo; vì lúc ấy gần tới lễ Phục Sinh, nên người lo sửa soạn dọn dẹp nhà thờ hầu mừng lễ Phục Sinh. Có kẻ thấy người chưa mạnh mà lo làm việc như vậy, thì xin người hãy dưỡng an quí thể cho thiệt mạnh đã; song người đáp lại rằng: “Vắng mặt bổn đạo một ngày thì cụ lấy làm buồn lắm, lại nếu như cụ làm các việc cho sáng danh Chúa, cùng lo việc linh hồn người ta mà phải chết trước cữa nhà thờ nầy, thì cụ cũng bằng lòng.” Người lo việc lễ Phục Sinh vừa rồi thì bịnh người lại phát ra nặng hơn.

Đang lúc người đau nặng như vậy thì nhà nước không hay, nên đến tháng tư có sắc chỉ ở Kinh đô ban ra phong chức Lễ bộ Thượng thơ cho người. Người đặng tin liền than thở rằng: Tôi già rồi, mà còn trao gánh nặng, gánh làm sao cho đặng!.

Người phải yếu liệt như vậy mặc lòng, song lòng thương yêu người ta thì chẳng có yếu; nên hễ thấy ai phải sự gì khốn khó, thì người cũng gắng gượng mà lo liệu cho. Thầy thuốc thấy người đã yếu liệt mà người ta cứ đến thăm cùng nói chuyện kia chuyện nọ hoài, thì cấm không cho ai đến thăm nữa; để cho người nghỉ yên mà lo việc thuốc thang. Song người lại biểu người ta làm một cái giường bằng mây cho nhẹ, để người nằm trên giường ấy, và biểu người ta khiêng người đi thăm trong xứ, mỗi họ một ngày. Người làm như vậy đặng bốn năm ngày, thì bịnh một ngày một thêm nặng hơn, nên đi không đặng nữa.

Cụ Sáu từ đó về sau một ngày một liệt nặng hơn, chẳng còn chuyện vãn nữa đặng; lại khi có việc cần thì các thầy giúp trong nhà phải đỡ người dạy. Người mắc phải cơn bịnh ngặt nghèo như vậy, song người hằng bằng lòng chịu theo ý Chúa, chẳng than van năn nỉ đi gì sốt; cả ngày cứ nằm thíp thíp nhắm mắt lại, tay cầm tượng ảnh Chuộc tội, miệng kêu tên cực trọng Chúa mà cầu khẩn nguyện xin luôn chẳng khi dừng. Người làm lễ chẳng đặng mặc lòng, song mỗi ngày có thầy cả đem Mình Thánh Chúa cho người luôn, cùng có các thầy đọc kinh cám ơn bằng tiếng Latinh cho người lập theo.

Cụ Sáu biết giờ lâm tử đã hòng đến, nên cho đòi cha Diệm là học trò người đến (hồi đó cha Diệm còn làm thầy sáu) làm lời trối cùng sổ sách. Người lại trối phải chôn xác người ở giữa đàng đi nơi cuối nhà thờ.

Trong cả lúc người đau, hằng ngày đều có các cha các thầy và các quan lớn nhỏ trong nước đến thăm luôn; dầu quan Tây An Nam nhứt phẩm nhì phẩm cũng đều tới thăm người, vì thương người lắm, song dầu thế gian thương mến thể nào, đến giờ Đức Chúa Trời định, thì cũng chẳng cầm lại đặng.

Vậy ngày 28 tháng tư có cha Cẩn (Barbier) với một cha tây khác đến thăm người lần sau hết; người tỏ ra lòng mừng rỡ lắm, song chẳng còn nói truyện đặng, một chấp tay xá cha Cẩn cách khiêm nhượng, chỉ cám ơn cha mà thôi. Tức thì cha Cẩn nói lại với người rằng: “Đến mai tôi sẽ làm lễ tại nhà thờ ông thánh Vêrô mà cầu nguyện cho cụ.” Người gật đầu và tỏ ra lòng cám ơn; ông thánh Vêrô là quan thầy người.

Qua đến nửa đêm cụ Sáu thấy trong mình mệt, thì người xin chịu Mình Thánh Chúa lần sau hết, cùng xin chịu phép xức dầu. Đến giờ thứ sáu, rạng sáng ngày 29, người gượng gạo hết sức mà nói nhỏ nhỏ rằng: “Hãy đánh chuông cầu nguyện cho tôi.” Nầy là những tiếng sau hết, đoạn người nằm yên một bề chẳng máy động nữa. Khi ấy có hai cha tây và các cha bổn quốc đọc kinh dõi linh hồn cùng ban phép đại xá lần sau hết cho người. Mọi người đứng xung quanh và đọc kinh và rưng rưng hai hàng nước mắt. Đến giờ thứ sáu rưỡi thì người mới tắt hơi; người qua đời một cách êm ái, mặt mũi vui vẻ bằng thẳng tươi tốt. Khi ấy Đức Chúa Giêgiu, Đức Mẹ và đạo binh thiên thần xuống rước linh hồn người vô nghỉ ngơi trên cõi thường sinh đời đời. Thật người nên hát lời ca vịnh rằng: Linh hồn tôi nghĩ ngơi trong nhà tạm Chúa đời đời.

Cụ Sáu vừa tắt hơi, thì có cha Chấn lên trên nhà gác mà nói lớn tiếng cho bổn đạo hay mà rằng: “Cha ta đã tắt hơi rồi, mọi người hãy về nhà thờ xem lễ cầu nguyện cho linh hồn người.” (Vì lúc ấy có nhiều người bổn đạo ở chực đặng nghe tin tức coi thể nào). Nói đoạn cha liền đi ra nhà thờ mà làm lễ hối tử cho người.

Ôi! Các bổn đạo nghe tin, ai nấy đều kêu khóc om sòm; các chuông trống trong các họ đều đánh lên cho bổn đạo hay mà đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người. Ai nấy dầu người ngoại khi nghe tin cụ Sáu chết, khác nào như tiếng sét đánh vậy, làm cho ai nấy rụng rời sầu não, khóc than khôn kể xiết!

Làm lễ hối tử xong đoạn, các cha các thầy điệu xác người xuống nhà dưới, mặc áo lễ oai nghi, đèn thắp sáng trưng là cho bổn đạo đến viếng xác người cùng đọc kinh cầu nguyện. Bổn đạo đến viếng xác cha rất yêu dấu mình đông đắn lắm. Đến tối liệm xác người vào săng, ai nấy đều khóc than chẳng khi dừng.

Khi ấy Đức cha Đông đặng tin dây thép thì sai cố chính Linh đến mà lo việc làm một cùng Đức cha Thành (Marcou) là Đức cha sở Phát Diệm. Khi ấy Đức cha, cố chính và cha Cẩn đứng làm đầu mà lo các việc tống táng cụ Sáu.

Đến chiều mồng một các bổn đạo xin phép rước xác người ra nhà thờ cách trọng thể lắm. Khi đến nhà thờ, hạ quan tài để đó cho bổn đạo đến đọc kinh cầu hồn cho người.

Sáng ngày mồng hai có cố chính Linh làm lễ mồ cùng giảng những lời thống thiết, làm cho ai nấy ngùi ngùi thương tiếc cha rất yêu dấu mình. Người nhắc lại công trọng tài năng nhơn đức cụ Sáu một cách khéo léo, làm cho ai nấy tưởng là cụ Sáu còn ngồi trước mặt mình, càng nhớ thì càng sầu thảm thiết thương.

Đến ngày mồng ba là ngày sau hết, có Đức Cha và các cha Tây Nam, các thầy nhà trường, các bà phước tề tựu, và có các hàng viên quan đại thần hai nước Tây Nam, có quan Công Sứ Ninh Bình, quan Thượng thơ đại học sĩ Nguyễn Khắc Vĩ, quan Binh bộ thượng thơ hậu bổ Đỗ Diễn, thay mặt nhà nước, và các quan phủ quan huyện cũng đồng tựu đến, cùng các bổn đạo nam nữ già trẻ lớn bé, lại có đội quan võ và lính Đại Pháp, bồng súng đến đưa xác; ai nấy đều mặc đồ y phục tang chế, đến sắp hàng ngũ nghiêm trang chỉnh tề. Sắp hàng ngũ đâu đó xong đoạn, kiệu xác người đi xung quanh các phố Phát Diệm, xem thấy thật động tình áo não, hai hàng lụy ngọc tuôn rơi! Thiên hạ đưa xác người có ba bốn vạn, mọi người thảy thảy đều rơi lụy thương tiếc không cùng! Kiệu rồi rước vô nhà thờ làm lễ qui lăng cách trọng thể hết sức.

Lễ đoạn đưa xác người táng nơi cuối nhà thờ chánh, sau nhà Phương Đình, là chính nơi cụ Sáu đã trối hồi còn sống. Mọi việc xong đoạn, các quan chức sắc ai nấy ra về, song lòng mọi người đều nhớ thay, thương tiếc là chừng nào! Từ rày từ biệt quí nhơn, trông sau sẽ gặp tại đồng Josaphat.

Trong lúc ấy các sở nhựt báo tây nam đều đăng báo, kể công trọng người khắp xứ mọi nơi đều biết. Cả lúc ấy thấy lòng người ta còn thương mến người lắm; nên khắp xứ gởi tiền đến cúng dâng mà xây lăng đắp mả, cùng cầu hồn xin lễ cho người chẳng biết là bao nhiêu, chẳng những là người có đạo mà thôi, lại người ngoại và kẻ buôn bán cũng gởi đến mà xin lễ cho người nữa, thật là lòng người ta còn thương mến người là dường nào!

Người đã khoản có 13 năm rồi, mà ai ai cũng còn nhớ công ơn danh vọng người lắm. Người đã nên là thầy cả bổn quốc rạng danh phần đạo phần đời phò vua vực nước dưới thế nầy, ắt là Vua cả trên trời sẽ thưởng người lên ngự tòa thiên quốc chẳng sai.

Chung.

 Joseph (Huế)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1912

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét