Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

Sự tích Cha Bề trên Liễu

Sự tích Cha Bề trên Liễu

-----------------

Cha Pierre-Marie Lallement

Vêrô-Maria LALLEMENT sinh ra năm 1850, trong tĩnh Loire Inferieure, tại Pouliguen, ở sát mé biển Océan Atlantique. Khi đã đến tuổi, thì người vào trường tại thành Nantes, học sử kinh, cách vật mấy năm, đua tranh cùng kẻ trang tác chẳng chịu thua ai; song lòng không tham danh vọng đời nầy; nên đã giã từ thế sự mà vào hàng Hội thánh. Người chịu chức thầy cả khi đặng 24 tuổi. Cách ít tháng sau, dầu cha mẹ anh em khóc lóc, thì người cũng bứt ra mà đi, sang kinh thành Paris, vào trường Dòng Sai, tế lễ mình mà qua rốt cõi Đông Dương, giảng truyền đạo thánh cho sáng danh Chúa và cứu linh hồn người ta.

Ở tại trường ấy một năm, đoạn bề trên sai người qua Nam Kỳ, người lên đàng mà sang đây cùng một lượt với cha Thượng (Génibrel), và cha Giáo (Ritter), là ngày 30 Juin 1875. Vừa tới nơi thì Đức Cha Mĩ cho người đi học tiếng tại Bà Rịa và Cái Mơng; qua năm 1877 thì người đổi về Nhà Trường dạy chữ nghĩa văn chương và cách vật trong vòng bốn năm. Đang khi ấy người cũng lãnh việc lo tập học trò hát xướng, cùng giúp dạy lẽ đạo trong trường thầy dòng (Collège d’Adran) cùng lo về Nhà Phước Kín.

Qua năm 1880 thì người lại đổi lên Tha La, kế trở xuống coi họ Tân Định, mà chẳng đặng bao lâu lại phải sang Biên Hòa, ở chừng bảy năm, thì người lại đổi xuống Vĩnh Long đầu năm 1887, mà ở đó cho đến khi tạ thế. Năm 1901 Đức Cha Mão đã đặt người lên là Bề trên.

Việc bổn phận thì người làm hẳn hòi kỷ lưỡng, chẳng kỳ trọng hèn, chẳng khinh, chẳng trễ việc nào sốt. Mà nhứt là người ái mộ mở mang đạo thánh. Trong hai mươi năm dư người coi sở Vĩnh Long thì ân cần lập thêm họ nhỏ, lo cho có các thầy Nhà Trường giúp người mà dạy chỗ nọ chỗ kia, kiếm thêm chầu nhưng, nên coi trong sổ chầu nhưng xưa đã in ra, thì thường thấy Vĩnh Long thắng số đạo mới chịu phép rửa tội.

Người ngay chính thẳng phép, chẳng thiên tư; kẻ không biết thì đồn rằng gắt gỏng, song biết người cho thiệt thì phải mến thương; ai ngay thật tin cậy, thì người yêu dấu và lo giúp tận tình. Bỡi vậy tuần trước, khi đặng tin cha đau nặng, thì con cái trong họ và cha phó tuôn rơi châu lụy, vì sợ phải lìa cách cha lành; và khi đặng tin người qua đời, thì có kẻ bỏ hết mọi việc, tuốt lên Sài Gòn có ý xin chở xác người về mai táng trong nhà thờ người đã cất.

Người lo giúp linh hồn kẻ khác, mà chẳng quên phận mình; chẳng khi nào ở không nhưng; rảnh việc họ thì người ở trong nhà thờ chầu Chúa, hay là lo xem sách vở ở nhà. Người siêng học những sách anh danh về bác vật, cách vật, phong hóa và phép trị linh hồn; nhứt thiết người ưa học sách các thánh sư latinh, người đọc, gẫm, dịch ra và giải nghĩa nữa.

Một sự người ước ao lắm là lo cho con nhà An Nam đặng có những sách hay trong tiếng bổn quốc, cho đặng ham coi, ham học. Khi người gặp đặng kẻ thông thuộc lịch lãm và sẵn lòng, thì người cậy giúp người mà diễn sách tây ra tiếng quốc âm cho đặng tấn phát việc ấy. Người cũng đã thử mà chép một hai truyện và làm sách phần ngày Lễ và sách Tiểu kỳ hoa ông thánh Phanxicô, cho đặng giúp bổn đạo. Khi Đức Cha lập tờ “Nam Kỳ Địa Phận”, thì người mừng rỡ lắm, và sẵn lòng giúp mà chỉ bảo thế thần, cho đặng giục lòng bổn đạo ham xem những bài khéo viết tiếng êm.

Đang lúc lo toan nhiều đều, chẳng hay Chúa lên tiếng gọi người về quê mà ban thưởng.

Người yếu tì vị hay đau. Song thường khi, đau ít lâu, rồi lại mạnh; phen nầy người tưởng thuốc cũng trị đặng như mọi khi, nên đau đã hai tháng mà chẳng lo chi mấy. Song bịnh lần lần dủ nhựt dủ tăng, quan thầy lo trị hết lòng mà vô ích. Tới ngày 19 Décembre thì có tin rằng bịnh trượng cửu tử nhứt sanh; Đức Cha bèn đi thăm, trông cậy tại Sài Gòn có quan thầy Angier cao tay, may chữa đặng; nên chở người về Sài Gòn. Chiều 22 tới nơi thì vào nhà thương lập tức, mà người đã yếu sức quá, chẳng còn nói năng đặng nữa. Qua bữa sau người chịu các phép bí tích, và ngày 24, chín giờ ban mai, linh hồn người ra khỏi xác về chầu lễ Sinh Nhựt trên trời, sống đặng 58, giảng đạo tại Nam Kỳ hơn 33 năm.

Chiều lễ cả, các cha xung quanh tựu lại tại Nhà Trường, đưa xác người vào Lăng Cha Cả, mà mai táng tại đó làm một cùng các cha Dòng Sai.

Xin cha Bề trên về chầu Chúa vinh quang an nhàn tự tại, hãy nhớ đến con cái Cha còn đang lao lực ở chốn cách đày và cầu bàu cho các con Nam Kỳ đặng trung thành kính Chúa, hầu ngày sau cũng đặng hiệp vầy cõi thọ muôn đời.

Mátthêu Đức

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1909

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét