ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Ghi chú về Kinh đô/ Thủ đô nước Việt

 GHI CHÚ VỀ KINH ĐÔ/THỦ ĐÔ NƯỚC VIỆT

Stt này liệt kê - theo trình tự lịch sử - một vài kinh đô/thủ đô mang TÍNH CHẤT CHUNG TOÀN QUỐC (trong stt này chưa đề cập những kinh đô/thủ đô mang tính chất vùng miền trong những giai đoạn đất nước phân tranh, như giai đoạn từ 1627 cho đến 1802, giai đoạn 1954-1975).

- Không vì quan điểm chánh trị mà phớt lờ coi như không có mặt trên đời, tính khoa học trong ghi chép lịch sử đòi hỏi "có, nói có". Việc phân tích, chỉ trích hoặc hậu thuẫn, thuộc về chủ đề của những stt khác.

1/ THĂNG LONG (hơn 600 năm)

Hồi năm 2010, tôi nhớ lúc ấy có sự kiện kỷ niệm "1000 năm Thăng Long". Hiểu "cách đây 1000 năm, tức vào năm 1010 Thăng Long được chọn làm kinh đô nước Việt" là đúng. Nhưng, nếu hiểu "Thăng Long có đến 1000 năm là kinh đô cả nước" thì sai hoàn toàn!

Bởi vì Thăng Long, trong tư cách là kinh đô của-cả-nước, chỉ được hơn 600 năm mà thôi, TỪ NĂM 1010 ĐẾN NĂM 1627 thì chấm dứt vai trò (chưa kể trong quãng hơn 600 năm này, còn có mấy năm dời kinh đô Thăng Long về Thanh Hóa dưới thời Nhà Hồ).

Năm 1627, lúc bấy giờ đã xảy ra sự phân chia Đàng Ngoài với Đàng Trong, và Thăng Long thu mình lại, chỉ còn là đầu não của riêng Đàng Ngoài (từ phía bắc sông Gianh trở ra); trong khi Phú Xuân là đầu não triều chính của Đàng Trong.

* Mở ngoặc: Có "sử gia" ghi Thăng Long là kinh đô cả nước từ năm 1010 đến năm 1789 (với chiến thắng Kỷ Dậu của Nguyễn Huệ, dẹp bỏ vua Lê chúa Trịnh). Trời đất, sự kiện rõ rành mà còn ghi lộn nghĩa là sao? Thăng Long giữ vai trò kinh đô cả nước từ 1010 đến 1627, và từ 1627 đến 1789 chỉ còn là kinh đô của Đàng Ngoài.

"Sử gia" mà ghi trật lất đến vậy, chỉ có thể giải thích là cố tình "xóa trắng" vai trò kinh đô Phú Xuân của Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Không có các chúa Nguyễn thì lấy đâu ra một nước Việt với lãnh thổ rộng gấp đôi so với nước Việt đời nhà Lê (khi kinh đô còn nằm ở Thăng Long)?

2/ HUẾ (hơn 140 năm)

Là kinh đô của cả nước dưới thời Nhà Nguyễn quân chủ, TỪ NĂM 1802 ĐẾN NĂM 1945, kéo dài 143 năm.

3/ SÀI GÒN (5 năm)

Là thủ đô của cả nước TỪ NĂM 1949 ĐẾN NĂM 1954, được 5 năm. Trong giai đoạn này, hiện diện thể chế "Quốc gia Việt Nam" (State of Vietnam) - theo Hiệp ước Élysée, Pháp thừa nhận nền độc lập và chủ quyền của QGVN trên cả nước (gồm ba miền Bắc, Trung, Nam).

Theo quan điểm của chánh phủ Hồ Chí Minh thì QGVN là "tay sai"; trong khi đó trên phương diện bang giao quốc tế thì Quốc Gia Việt Nam có hơn 30 nước công nhận (năm 1950) và được quốc tế mời làm đại diện duy nhứt của nước VN tham dự Hội nghị San Francisco 1951.

Một sự kiện rất đáng lưu tâm tại Hội nghị quan trọng này: phái đoàn QGVN tuyên cáo "Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền VN" - đó là lần đầu tiên hồ sơ HS/TS chính thức công bố trước quốc tế!

Hội nghị San Francisco 1951 bác bỏ việc giao HS/TS cho CHND Trung Hoa ("trung cộng").

4/ HÀ NỘI (45 năm)

Danh xưng "Hà Nội" chính thức có mặt vào năm 1831 dưới đời vua Minh Mạng (trước đó, gọi là Thăng Long). Nghĩa là vào thời điểm "chào đời" với danh xưng mới "Hà Nội", thì Hà Nội không còn là kinh đô (vai trò kinh đô thuộc về Huế).

Hà Nội trở thành thủ đô cả nước, với tên nước là "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN" (Socialist Republic of Vietnam) TỪ NĂM 1976 (theo quyết nghị trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội VN thống nhất ngày 2/7/1976) ĐẾN NAY, ngót nghét 45 năm. (*)

------------------------------------------------------------

(*): Còn sự kiện chánh phủ Hồ Chí Minh công bố "Hà Nội là thủ đô của nước VNDCCH" vào tháng 9 năm 1945 thì sao?

Khối Đồng Minh vào năm 1945 chưa công nhận VNDCCH, và do đó, chánh phủ Hồ Chí Minh đã phải thực hiện nhiều cuộc vận động ngoại giao với Pháp nhằm công nhận thực thể VNDCCH.

Nhưng bất thành.

Và đến lúc VNDCCH được CHND Trung Hoa, Liên bang Soviet công nhận & đặt quan hệ ngoại giao là vào năm 1950, bấy giờ Hà Nội không nằm trong thẩm quyền quản lý của chánh phủ HCM nữa (mà chọn Tuyên Quang làm "thủ đô kháng chiến").

... Sau chiến thắng 30/4/1975, đảng Cộng sản VN (bấy giờ gọi là đảng Lao động VN) mới có thực quyền quản lý trên toàn bộ cả nước. Nói thêm cho rõ: sau ngày 30/4/1975, Hà Nội CHƯA được mặc định về danh nghĩa là thủ đô cả nước mà vẫn còn là thủ đô của miền Bắc (nửa nước VN, với tên gọi "VNDCCH").

Đó là lý do dẫn đến tiến trình hiệp thương hai miền (giữa Cộng hòa miền Nam VN, thủ đô Sài Gòn với VNDCCH, thủ đô Hà Nội) để thảo luận về việc chọn thủ đô chung: ngày 2/7/1976 Hà Nội mới trở thành thủ đô chung cả nước.

* Hình ảnh các kinh đô / thủ đô của nước Việt theo thứ tự thời gian (bấm vào từng hình, hiện ra ghi chú)

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Hoàng thành Thăng Long

Kinh đô Huế

Kinh đô Huế (thời quân chủ Nhà Nguyễn, sau đó một thời gian ngắn là thủ đô của Đế quốc VN 3/1945-8/1945 với chánh phủ Trần Trọng Kim)

Tòa Đô chánh Sài Gòn (thủ đô Quốc gia VN 1949-1954)

Phủ Chủ tịch tại Hà Nội (thủ đô Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét