ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

Họ Biên Hòa

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------

ĐỊA SỞ HỌ BIÊN HÒA

--------------------

Họ nầy mới có sau, trước khi nhà nước Langsa qua trị Nam Kỳ thì chưa ai có đạo dám ở tại đây, vì là nơi chánh tĩnh, có các quan annam ở, có thành binh lính đông, bây giờ còn thấy mấy hào xung quanh thành đời xưa.

Chừng binh Langsa qua đây rồi, lấy tới Biên Hòa là ngày 16 Décembre 1861; chiều bữa ấy chiếc tàu trận Oudine tới xán neo đậu giữa sông Đồng Nai, ngang thành Biên Hòa, cùng bắn vài phát súng đồng thì quan quân annam ở tại thành đều bỏ chạy hết. Kế trời tối, lên bờ không được, cho nên binh Langsa để sáng bữa sau mới kéo lên. Mà trong đêm ấy thấy trong thành lửa cháy sáng trời, vì quan quân annam đốt phá hết mà bỏ đi. Vậy sáng ngày binh Langsa kéo lên soán thành, không có gặp sự gì ngăn trở, mà vô tới thành thì thấy gớm ghê, là cái khám lớn bị đốt cháy hết, nhiều trăm bổn đạo đờn ông đờn bà phải chết thiêu trong ấy, có chừng bốn năm người chạy thoát khỏi đặng mà thôi, có một đờn bà bị cháy hết hai chơn mà còn sống, quan dạy chở về Saigon đặng chữa thuốc mà cũng không sống đặng.

Người ta tưởng những bổn đạo phải chịu chết thiêu trong khám đó, có khi là những bổn đạo trước hết ở tại Biên Hòa, và chết đây là như chịu tử vì đạo, vì bỡi cớ cựu trào ghét đạo thánh và ghét người tây, cho nên những kẻ nầy đã phải tế lễ mạng sống mình cách độc dữ thể ấy..

Xác những kẻ nầy thì đã chôn tại chỗ bị thiêu đó; và đến sau, trong ngày 7 Août 1875, cha Ngôn (P. Louvet) đã có lo xây dựng một bia mồ bằng đá, trên có một cây thánh giá, và lâu năm, bổn đạo họ Biên Hòa đã lấy nơi nầy làm đất thánh mà chôn xác kẻ đã qua đời tại họ, bây giờ còn thấy nhiều mồ mả và những cây dầu nơi ấy.

Vậy khi binh Langsa soán thành Biên Hòa rồi thì lo sắp đặt việc cai trị đâu đó cho yên hàng; nhiều người ngoại ở tại đây bỡi sợ cùng là ghét nên đã bỏ mà đi nơi khác, còn bổn đạo nhiều chỗ đã tựu hiệp tới ở đây đông, vì đặng có người bênh vực, ai nấy lo cất nhà cữa mà ở xung quanh đó, là nơi chợ bấy giờ. Nhà nước tân trào có đặt một cơ binh giữ tại thành đặng ngăn ngừa quan nghịch và lo cho cả xứ đặng an, cho nên có lập đồn lũy, và có một nhà thương cho binh lính nữa, bà Lutgarde là bà phước dòng ông thánh Phaolồ đã làm bà nhứt đầu hết nhà thương nầy; lại có một cha cai nhà thương ấy, lo làm phước làm lễ cho quân lính bịnh, tên cha đó là Barou Besombe; và đến sau có cha Nhiệm (P. Creuse) ở coi họ; khi ấy có cất một nhà thờ và một nhà cha sở tại chỗ đất gần mé sông. Đến sau nhà nước lấy miếng đất nầy đặng cất tòa bố, thì đã đổi cho nhà thờ một miếng đất khác, là nơi có nhà thờ và đất thánh tại họ Biên Hòa bây giờ.

Đến năm 1865, Đức cha đặt cha Cao (P. Legrand) làm cha sở Biên Hòa, cha nầy coi họ cho tới tháng Août năm 1870, và số bổn đạo hồi đó đặng chừng 700 linh hồn. Cách ít năm sau, nhà nước muốn lập chợ lại bằng ngói, nên dạy nhơn dân ở xung quanh phải dỡ nhà lá mà làm lại ngói hết, bỡi cớ đó cho nên có nhiều nhà bổn đạo không đủ tiền mà làm nhà lại bằng ngói, nên đã bỏ chỗ ở mà đi nơi khác, thì nhiều nhà ngoại tới soán mấy chỗ đó. Vì cớ nầy nên nhơn số bổn đạo tại họ phải sụt bớt hơn 300 người..

Qua năm 1870 cha Y (P. Errard) đổi lại Biên Hòa thế cho cha Cao. Cha đã nhờ tiền nhà nước giúp 12000 quan, đặng cất một nhà thờ nhỏ, là nhà thờ còn tại họ bây giờ, cha Bề trên Vị (P. Wibaux) đã làm phép nhà thờ nầy trong ngày 12 Novembre 1872, và đã chọn ông thánh Vêrô và ông thánh Phaolồ tông đồ làm bổn mạng nhà thờ.

Chừng cha Y đổi đi thì có cha Contable tới thế tại Biên Hòa ít tháng; qua tháng Juin 1874 thì cha Ngôn (P. Louvet) đổi lại làm cha sở coi họ.

Cha Ngôn vừa đổi lại Biên Hòa thì cha đã tính lo một việc, phải mà kham được như ý sở nguyện thì có ích lợi lắm; là người lập một nhà (ferme agricole) để nuôi những con trẻ vừa lớn lên cùng tập nghề ruộng nương.

Cách chừng 1000 thước phía đông bắc vòng thành cũ của cựu trào, thì có một cái gò kêu là “dốc sỏi”, tại nơi nầy nhiều bổn đạo đã phải bị bắt cầm tại ngục Biên Hòa, và phải dẫn lên đây mà xử trảm, trong mấy cơn bắt đạo đời Minh Mạng và Tự Đức. Vậy cha Ngôn đã xin khẩn cái gò nầy và những đất xung quanh, hết thảy chừng 10 mẫu; cùng lập nhà tại đó cho các bà phước về dòng ông thánh Phaolồ ở coi, lại cũng cất một nhà thờ và một nhà cho những con trẻ lớn nhỏ ở, mấy đứa lớn thì lo việc khai phá, vỡ đất ra làm ruộng nương. Cha Ngôn phải tốn bao nhiêu tiền bạc mà lo việc nầy, chẳng hay việc đã không thành được, mà lại phải thêm nợ nần; bỡi nhiều cớ ngăn trở cho nên mới sinh sự thiệt hại; trừ ra một hai chỗ còn làm ruộng được một ít hơi, chớ mấy nơi khác thì đất không ra gì hết, trồng trặc giống chi cũng không được.

Vậy nhà cha Ngôn (P. Louvet) đã lập tại Dốc Sỏi các bà phước ở đó được có vài năm mà thôi, vì công việc không khá, bỡi đất ruộng không thạnh mậu, thêm phải nợ nần; thì các bà đã dời về tại Biên Hòa, ở gần nhà thờ, lo việc dạy đồng nhi cùng nhà mồ côi, và lập một nhà thương cho người bổn quốc.

Bây giờ tại Dốc Sỏi thì không còn dấu tích gì về nhà đã lập trước, một phần thì đã chở về Biên Hoà, còn lại bao nhiêu thì các kẻ ngoại xung quanh đó chuyển lần đi hết, đất ruộng thì trả lại cho nhà nước, nên không còn lại dấu gì tại nơi ấy nữa. Sau tại đây, trong năm 1915, nhà nước đã xử bắn trên gò ấy, 9 tên tội nhơn, đã bị tòa binh Saigon kết án tử vì tội ngụy.

Cha Ngôn ở Biên Hòa cho tới tháng Novembre 1880 rồi đổi, kế cha Liễu (P. Lallemant) đổi lại. Cái nhà từng cha sở ở đã hư, sợ sập, nên cha Liễu đã cất lại một nhà khác chắc chắn gần nhà thờ. Cha cũng lo trau giồi sửa sang trong nhà thờ, lúc ấy nhà thờ đặng một tượng ảnh Rất Thánh Trái Tim Đ C G lớn và tốt lành, của cha Hương (P. Joubert) đã dưng.

Trong năm 1885 có quân nguỵ nổi lên tại họ Bến Gỗ, người ta đem tin cho cha hay rằng quân nghịch muốn đốt phá chợ và nhà thờ trước hết, một ít người bổn đạo cũng đã biết đặng ngày nào giờ nào quân nguỵ sẽ dấy lên mà đánh. Vậy cha sở đã nói cho quan chủ tĩnh hay, song quan nầy không tin. Kế có quan De Mérona đi ngang ghé Biên Hòa nghe nói công việc nầy, thì đã thúc quan tham biện phải lo đi tới Bến Gỗ mà xem việc ra thể nào. Vậy chiều ngày trước đêm quân ngụy đã định khởi đánh chợ và nhà thờ, thì quan tham biện và vài quan nữa đem súng ống thuốc đạn theo, xuống tàu nhỏ mà chạy qua Bến Gỗ. Còn cha Liễu với cha Quang (P. Clair) đã đi ghe trước đặng tới cứu cha Thành và nói cho bổn đạo hay có quan đến tiếp đừng sợ. Vậy tới giờ đã định là 9 giờ tối, thì có một tốp quân ăn cướp cầm giáo mác tới đánh tại chợ, chúng nó có trương cờ và đánh trống lớn như là đám giặc thiệt vậy. Khi ấy có một thầy phó tổng có đạo, là con ông phủ Điều, ẩn mình trước tại chợ với ít người nữa. Quân ngụy vừa kéo tới chợ, thì thầy phó tổng bắn súng, cùng giết được năm sáu tên và làm cho nhiều đứa nữa phải vít, cho nên mấy đứa khác đều hoảng hồn bỏ mà chạy trốn hết. Tàu quan tham biện và mấy người tây tới thì việc đã rồi, và quan tham biện hạch hỏi cùng bắt đặng nhiều tên nữa. Dẹp đám nầy rồi thì Bến Gỗ mới đặng an.

Trong tháng Mai năm 1887, thì cha Gẫm (P. Renier) đổi lại Biên Hòa thế cho cha Liễu đổi xuống Vĩnh Long. Cha Gẫm coi họ đặng 2 năm rồi đau về tây dưỡng bịnh, thì có cha Kính (P. Sidot) tới thế tại Biên IIòa là trong tháng Avril 1889. Qua năm 1900 cha Kính đổi về Saigon cai nhà thương binh, thì có cha Phi (P. Dufil) tới coi họ; song cách chừng một tháng thì cha ngã bệnh, cho nên không ở đó được nữa. Thì qua tháng Août năm ấy (1900) có cha Mẫn (P. Ackermann) đổi lại Biên Hòa, và cha coi họ nầy cho tới tháng Avril 1905 thì lại đổi đi, và có cha Kính (P. Sidot) tới thế.

Trong lúc cha Mẫn ở Biên Hòa, người muốn cho nhà thờ có chút đỉnh huê lợi, nên đã cất bốn căn phố ngói gần nhà cha sở; người bán ruộng đất ở tại Cù Lao Phố cho có bạc mà làm, cùng dỡ nhà thờ tại An Xuân, của ông Phủ Điều đã cất, lấy gạch ngói đem về Biên Hòa mà làm. Cái chùa lấy làm nhà thờ tại cù Lao Phố cha cũng đã bán, và đất thánh nữa, tại đất thánh nầy có mả cha Cypriano là cựu thầy dòng Capucinô, và có xác của cha bà Inê tử đạo cũng đã chôn tại đó.

Họ Biên Hòa nhơn số bổn đạo chừng 400, nhà thờ không có huê lợi chi, bổn đạo cũng nghèo, ít người có nhà cữa ruộng đất, phần nhiều thì ở phố, và có khi hai ba chủ ở một căn cho nhẹ tiền, bỡi vì họ nầy ở tại châu thành, ai có muốn cất nhà cữa thì phải làm bằng ngói mới được, cho nên trong bổn đạo không mấy ai làm nổi, và cũng vì cớ ấy mà nhiều kẻ đã bỏ mà đi làm ăn nơi khác. Họ ở tại chợ, cho nên có nhiều gương xấu, nhứt là cho con trẻ. Phải chi họ nầy đã lập ở ngoài thành thì tốt hơn,

(Chung về họ Biên Hoà)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét