ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 9 tháng 4, 2021

Con người không nô lệ thời gian, mà phải làm chủ thời gian!

 CON NGƯỜI KHÔNG NÔ LỆ THỜI GIAN, MÀ PHẢI LÀM CHỦ THỜI GIAN!

* Bấy lâu nay vẫn từng lúc rộ lên dư luận nên bỏ ăn tết theo âm lịch, đổi sang mừng năm mới dương lịch. Có lẽ, còn lâu mới có kết quả chung cuộc, là bởi vì lối suy nghĩ giữ tết âm lịch còn ăn sâu trong não trạng số đông, gọi là "giữ truyền thống".

Tôi phát hiện ra rằng, tiếc thay, "truyền thống" đã bị diễn dịch sai!

1/ "Ngày tết", tức là những ngày mở đầu của một năm mới. Do con người đặt ra, tùy theo bộ lịch họ xài, mà ngày khởi đầu một năm mới của các dân tộc - trước đây - khác nhau, và khác nhau nhiều.

Người Việt đón mấy ngày tết âm lịch, trong khi người Khmer thấy mấy ngày "tết âm lịch" cũng bình thường như mọi ngày. Cũng vậy, khi người Khmer rộn ràng đón mừng năm mới theo lịch của họ, người Việt vẫn sinh hoạt bình thường và đương nhiên thấy "ngày năm mới của Khmer" vẫn trôi đi theo nhịp đời bình thường.

Tức là, về thời gian vật lý, "ngày tết" không khác gì ngày thường ráo trọi, cũng 24 giờ trong một ngày, chẳng phải là cái ngày ... từ trên rơi xuống do ông thần bà thánh nào ấn định.

2/ Vì là những ngày mở đầu của một năm mới nên bất luận dân tộc nào cũng mong muốn tổ chức trang trọng. Bản thân thời-gian-vật-lý của ngày mở đầu năm mới thì vẫn bình thường, NHƯNG vì có những HOẠT ĐỘNG ĐẶC BIỆT của con người trong dịp này nên những ngày đầu năm trở nên lung linh, được "thổi hồn".

2a) Giả sử trong dịp đầu năm mà hoàn toàn không có sự đoàn tụ gia đình, gặp gỡ họ hàng (tùy vào hoàn cảnh từng nhà mà có mức đoàn tụ, gặp gỡ khác nhau), thì có thành "không khí xúc động, bồi hồi trong ngày tết" không? KHÔNG.

2b) Nếu những ngày đầu năm mà không tạm gác qua những hiềm khích, không sống chan hòa với nhau (dù chỉ trong mấy ngày đầu năm), có thành "tinh thần đặc biệt trong ngày tết" không? KHÔNG.

2c) Nếu dịp đầu năm mà không có những lễ hội đa dạng sắc màu, có thành "văn hóa ngày tết" không? KHÔNG.

3/ Tức là nhờ có những hoạt động nêu trên (2a, 2b, 2c) của con người mà tạo ra "cái hồn" luyến lưu cho những ngày đầu năm! Chớ bản thân mấy ngày đầu năm tự nó không tạo ra "quyền năng tự thân" để buộc mọi người phải có các hoạt động (2a, 2b, 2c).

Hãy nhớ: thời gian (những ngày đầu năm) không phải là ông chủ sai khiến con người, mà CHÍNH CON NGƯỜI MỚI LÀ CHỦ NHÂN CỦA THỜI GIAN.

4/ Thành thử ở Nhựt Bổn, cách đây gần một thế kỷ rưỡi lận, vào năm 1873 dưới thời Thiên hoàng Minh Trị (Mei-ji) chủ động chuyển sang đón tết năm mới theo dương lịch. Là bởi vì, xin nhắc, con người là chủ nhân của thời gian!

(đọc bài: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1122254711541841)

Cả ngàn năm trước đó người Nhựt ăn tết theo âm lịch giống như ở VN. Khi chuyển sang đón tết theo dương lịch, hết thảy những hoạt động (như 2a, 2b, 2c) họ chuyển sang đầu năm dương lịch là viên mãn, chẳng trục trặc tinh thần gì hết!

Vẫn là vui vầy gia đình, thăm hỏi họ hàng / vẫn là nêu cao tinh thần sống chan hòa / vẫn tưng bừng lễ hội với trang phục, nghi thức ngày xưa. Ai nói Nhựt Bổn đánh mất truyền thống khi chuyển sang mừng năm mới theo dương lịch?

Ở đây, bạn đang chứng kiến thoạt nhìn tưởng "nghịch lý": Trong sự từ bỏ truyền thống (là truyền thống mừng tết theo âm lịch cả ngàn năm lận), người Nhựt lại thổi bùng sức sống văn hóa truyền thống ngay trong thời hiện đại!

Vì sao?

Vì trân trọng truyền thống là phải từ GỐC RỄ chớ không "tự sướng" với cành lá trên ngọn.

"Ngọn" là cái bộ lịch, do con người đặt ra để sắp xếp mọi sinh hoạt trong năm (trong đó gồm cả "mùa màng nông nghiệp", nhưng thời hiện đại với kỹ thuật tạo giống, canh tác tiên tiến đã thay đổi rất nhiều...).

Còn "GỐC RỄ" là tinh thần nhân ái, gạt bỏ hiềm khích, hết sức tưng bừng trong những lễ hội dành cho mọi người (quan, dân như nhau).

"Gốc rễ" mới là cái quan trọng, chớ giữ "ngọn" mà làm mất "gốc rễ" (không giữ đạo làm người hiếu nghĩa, tổ chức lễ hội mà hội thì ít nhưng lễ lạc nịnh bợ và chánh trị hóa thì nhiều...) thì "ngọn" trở nên còi cọc, nhợt nhạt, vô hồn là cái chắc!

5/ Tôi đọc thấy có những ý kiến trưng dẫn, chẳng hạn, người Hoa tại Đài Loan (Taiwan), Tân Gia Ba (Singapore) vẫn giữ tết âm lịch. Để chi vậy? Để thấy... người Việt xài tết âm lịch thì có bè có bạn cho rậm đám chăng?

Ở đây, về mặt phương pháp suy lý, mời quí bạn chú ý:

5a) Khi những ai lập luận "bỏ tết âm lịch là đánh mất bản sắc truyền thống", vậy thì chỉ cần minh chứng có trường hợp - ở trên tôi nêu ra Nhựt Bổn - bỏ tết âm lịch mà văn hóa truyền thống vẫn rỡ ràng. Do vậy, lập luận vừa dẫn là không thể đứng vững.

5b) Tôi tôn trọng người Hoa, họ có sự chọn lựa văn hóa cho họ (nên tôi xin miễn bình luận về việc người Hoa ăn tết âm lịch).

Nhưng mắc gì lại lấy "hệ qui chiếu của người Hoa" áp vô người Việt?

Người Hoa dùng Hoa văn (ở VN vẫn quen gọi là Hán văn), và chúng ta cũng từng có truyền thống dùng Hán văn / Hán tự cả ngàn năm, rất lâu, rất dài. NHƯNG, đâu phải vì người Hoa hiện nay họ vẫn dùng Hán tự, mà nói chúng ta nên tiếp tục dùng Hán tự?

Rất hay, rất độc đáo, các thế hệ tiền bối chúng ta đã mạnh dạn TỪ BỎ TRUYỀN THỐNG NGÀN NĂM dùng Hán tự, mà chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ!

Xin cùng nhau nghĩ về việc chúng ta đã từng có can đảm TỪ BỎ TRUYỀN THỐNG trong VĂN TỰ (dùng Hán tự => chuyển sang dùng chữ Quốc ngữ). Cả ngàn năm, mà chúng ta vẫn từ bỏ, có sao đâu?

Để, qua đó, mỗi người ngẫm nghĩ cho tỏ tường về điều gọi là "truyền thống trong ăn tết"...

Chính CON NGƯỜI MỚI LÀ CHỦ NHÂN CỦA THỜI GIAN chớ không phải làm nô lệ thời gian ./.

-----------------------------------------------------------

Một vài hình ảnh người Nhựt ăn Tết theo dương lịch.




Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét