ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Cha ông không thờ, lại nằng nặc đi thờ tổ mối ...

 Về tiếng Việt-Hán (dùng chữ Hán mà nói bằng tiếng Việt) & tiếng Tàu:

CHA ÔNG KHÔNG THỜ, LẠI NẰNG NẶC ĐÒI ĐI THỜ TỔ MỐI ...

1/ Khi Minh tặc (giặc Minh) đặt ách đô hộ lên nước Việt từ năm 1407 đến năm 1427, trong vòng hai mươi năm Minh tặc hủy diệt di sản văn hóa nước Việt bằng cách tịch thu rất nhiều thư tịch quí giá đem về Tàu. Và, đây là điều tôi muốn nhấn mạnh khi nhắc lại chuyện xưa, để mọi người cùng chú ý:

Thời bấy giờ giới sĩ phu nước Việt dùng chữ Hán mà đọc bằng tiếng Việt ("âm Việt-Hán"). Thế rồi, cũng vẫn dùng chữ Hán nhưng Minh tặc không cho đọc thành tiếng Việt nữa, ép buộc sĩ phu nước ta phải học & đọc bằng tiếng Tàu.

Âm Việt-Hán bị bức tử, bị ép phải chết, đồng nghĩa với di sản thư tịch văn hóa & lịch sử của nước Việt cùng chung số phận bị bức tử!

2/ Hãy cùng ngẫm nghĩ tiếp...

Nếu không có những bực trí thức am hiểu âm Việt-Hán & yêu quý di sản chữ Hán của tiền nhân, chẳng hạn sử gia Trần Trọng Kim là người đầu tiên chuyển ngữ "Bình Ngô đại cáo" qua chữ Quốc ngữ, rồi bộ "Đại Việt sử ký toàn thư"... - điều gì sẽ xảy ra? Cả một vùng u tối minh mông chụp xuống, vốn liếng tri thức trong ngàn năm lịch sử của đất nước bị đứt gãy ngay lập tức!

Bây giờ chúng ta đều nghe quen câu: "Như nước Đại Việt ta từ trước / Vốn xưng nền văn hiến đã lâu" trong Bình Ngô đại cáo. Thử nhìn vô nguyên văn chữ Hán của câu trên, như sau:

惟,我 國,

邦。

Nếu âm Việt-Hán, tức cách đọc chữ Hán bằng tiếng Việt ("Duy, ngã Đại Việt chi quốc / Thực vi văn hiến chi bang") bị ruồng rẫy, bị dẹp bỏ, bị quên béng, chúng ta sẽ đọc ra sao?

Chỉ còn cách duy nhứt là "xí xô xí xào" bằng tiếng Tàu chớ gì nữa, buộc phải đọc hai câu trong Bình Ngô đại cáo là: "Wéi, wǒ dà yuè zhī guó / Shí wèi wén xiàn zhī bāng".

3/ Tôi quý trọng những ai dành cả cuộc đời cho việc nghiên cứu di sản Việt-Hán của tiền nhân, quyết không để cho kho tàng tiếng (nói) Việt chứa đựng nơi chữ Hán bị bức tử, bị dìm chết ngộp.

Giựt mình, khi nhiều lần chúng ta đều từng nghe nói đến "làm cho tiếng Việt trong sáng" - bằng cách đả kích hàng loạt "âm Hán-Việt" (tôi gọi là "âm Việt-Hán" để nhấn mạnh mượn vỏ Hán tự mà đọc theo âm Việt) nhằm loại bỏ âm Việt-Hán ra khỏi kho tàng TIẾNG VIỆT!

Núp đàng sau bình phong "làm cho tiếng Việt trong sáng", là bức tử "âm Việt-Hán" để rồi - không còn cách nào khác - là phải dùng tiếng Tàu khi đọc di sản chữ Hán của cha ông chúng ta chớ còn gì nữa!

Nếu không còn biết đến cách đọc Việt-Hán, chỉ còn mỗi cách là phải đi nhờ Tàu nghiên cứu "giùm" chúng ta về di sản chữ Hán của chính cha ông chúng ta hay sao?

Mà người Tàu thì họ chỉ lăm le đọc bằng tiếng Tàu, chớ họ quan tâm làm quái gì đến cách đọc bằng tiếng Việt của "Đại Việt sử ký toàn thư" và nhiều bộ sử khác của tổ tiên chúng ta xưa kia viết ra!

Một khoảng trống đen ngòm đang ngoác ra chờ viễn cảnh thảm thê như vậy hay sao?

4/ Ắt nhiều người trong chúng ta từng nghe rục rịch về việc "sẽ" dạy chữ Hán trong trường phổ thông.

Tôi ráng nghĩ phải chăng là dạy chữ Hán cho học sinh cấp 3 theo hình thức nhiệm ý (tự do lựa chọn)? Tức học hỏi mô hình giáo dục rất hay của miền Nam VN trước năm 1975: ở bực Trung học Đệ nhị cấp (lớp 10, 11, 12) có phân ban, trong đó có ban Hán-Nôm để những học sinh nào yêu thích di sản lịch sử của cha ông sẽ được dạy cách đọc tiếng Việt cho toàn bộ chữ Hán ("âm Việt-Hán").

Ai dè, cái chữ Hán mà những kẻ định "phát động" là học viết & nói tiếng Tàu (chớ làm gì có đủ nhân lực biết âm Việt-Hán để dạy "đại trà" ở hệ thống các trường phổ thông)!

Tiếng Việt của cha ông (chứa đựng nơi Hán tự) không khóc, lại đi khóc, đi thờ tổ mối tiếng Tàu.

Tổ mối đó ngày càng lớn thì kèo cột rục muỗng, nhà sập ./.

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét