ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021

Tại sao trước đây Thái Lan được gọi là Xiêm hoặc Xiêm La? Tại sao lại đổi làm Thái Lan? Các tên đó có ý nghĩa gì?

 ĐỘC GIẢ: Tại sao trước đây Thái Lan được gọi là Xiêm hoặc Xiêm La? Tại sao lại đổi làm Thái Lan? Các tên đó có ý nghĩa gì?

AN CHI: Xiêm không phải là tên tự gọi của người Thái Lan (trở xuống xin gọi là Xiêm). Đó là tên mà người Khmer và người Chàm đã dùng để gọi họ. Danh xưng Syãm (ghi theo Coedès) đã xuất hiện trên văn bia của người Chàm từ thế kỷ XI, còn hình ảnh của họ (được khẳng định là người Syãm) cũng đã hiện diện trên phù điêu của di tích văn hóa Angkor ở Campuchia từ thế kỷ XII(1). Người Việt Nam trước kia cũng theo cách gọi của người Khmer và người Chàm mà gọi họ là Xiêm. Người Trung Hoa cũng phiên âm tên gọi này thành Tiêm (âm Bắc Kinh: Xiàn), rồi ghép với tên nước La Hộc thành Tiêm La (người Việt Nam gọi là Xiêm La). Danh xưng Tiêm La đã được Từ hải giảng như sau: “Tên nước, tương truyền xưa phân làm hai nước Tiêm và La Hộc, sau hợp nhất làm một, do đó có tên (Quốc danh, tương truyền cổ phân vi Tiêm dữ La Hộc nhị quốc, hậu hợp vi nhất, cố danh). La Hộc đã được khẳng định là phiên âm từ địa danh Lvo, nay là Lopburi của Thái Lan, ở hạ lưu sông Mênam(2). Người Pháp cũng phiên âm tiên gọi trên đây thành Siam. Người Anh theo cách phiên âm của người Pháp mà ghi là Siam. Nhưng bộ Enciclopedia Italian (Bách khoa thư Italia) lại giải thích rằng tiếng Pháp và tiếng Anh Siam bắt nguồn từ tiếng Xiêm “Saiam”, “Sayam”, rằng đây là do người Xiêm đọc trại âm tiếng Miến Điện Shan, vốn là tộc danh chung cho các cư dân láng giềng phía Đông của Miến Điện(3). Lời giải thích của bộ bách khoa thư trên đây không đúng với sự thật lịch sử. Người Xiêm vốn vẫn tự gọi là Thay và gọi người Shan là Nghiệu. Còn Sayam (thực ra, trong tiếng Xiêm, âm tiết thứ hai của từ này có thanh điệu đi lên) chỉ là danh xưng mà mãi đến thời cận đại họ mới phiên âm từ tiếng Anh Siam. Người Xiêm vẫn tự gọi là Thay và gọi tên nước mình là Mương Thay (cách gọi thông tục) hoặc Prathêt Thay (cách gọi tao nhã), nghĩa là nước Thái. Đến triều vua Rama IV (1851-1868) mới chính thức lấy tên nước là Sayam, tức Xiêm. Rama IV là một vị vua có đầu óc canh tân, chủ trương học tập phương Tây và bang giao với các nước phương Tây. Ông đã lấy tên nước là Xiêm để đánh dấu cho công cuộc canh tân của mình. Tên Xiêm được dùng cho đến năm 1939; khi tướng Phibul Songgram lên làm thủ tướng, nó được thay thế bằng tên Thái. Năm 1945, lại đổi thành Xiêm rồi đến 1948 thì lại được gọi là Thái cho đến nay. Người Anh đã phiên âm Thay thành Thai và dịch mương hoặc prathêt thành land mà gọi nước Thái là Thailand. Tên này của tiếng Anh đã được phiên âm sang tiếng Pháp thành Thailande và sang tiếng việt thành Thái Lan. Có ý kiến cho rằng tên Sayam, tức Xiêm có nghĩa là người ở giáp biên giới. Còn tên Thay tức Thái, thì một số người đã giảng là “tự do”. Tuy trong tiếng Xiêm, có một từ thay có nghĩa là tự do nhưng tộc danh Thay lại có nghĩa là người. Trên thế giới, có nhiều dân tộc đã lấy từ có nghĩa là người trong ngôn ngữ của mình để làm tên dân tộc. Điều nay đã được khẳng định. Cũng vậy với người Xiêm, mà tộc danh Thay tướng ứng với Tày của người Tày (trước đây gọi là Thổ), với Táy của người Thái Tây Bắc Việt Nam, với Đioi của người Đioi ở Quý Châu (Trung Quốc), với Đày của người Lê ở đảo Hải Nam, vv.. Thay, Tày, Táy, Đioi, Đày là những từ cùng gốc và nghĩa gốc của chúng là người. Theo chúng tôi, cái gốc chung của những từ này đã được ghi nhận trong từ Đại của tiếng Hán mà chữ viết là . Đây là một chữ tượng hình. Tự hình của nó trong giáp cốt văn đời Thương là một hình người nhìn chính diện, giơ hai tay và giạng hai chân ra hai bên. Văn tự học Trung Hoa cũng khẳng định nghĩa gốc của Đại là người. Nếu điều chúng tôi nêu là đúng thì người Trung Hoa đã biết đến các tộc người Thái muộn nhất cũng là từ dời nhà Thương. Hơn thế nữa, nếu điều dó đúng thì nó sẽ là một cứ liệu ngôn ngữ, bên cạnh nhiều cứ liệu ngôn ngữ khác mà chúng tôi không thể nêu ra ở đây, buộc người ta phải nghĩ đến một nguồn gốc chung cho tiếng Hán và các ngôn ngữ Thái đã từng được một số người nói đến từ lâu.

----------------------------------

1. Xem, chẳng hạn: P. Fistié, La Thailande, Paris, 1971, p, 10, hoặc G. Coedès, Les peoples de la peninsude indochinoise, Paris, 1962, p, 99.

2. Xem G. Coedès, sđd, tr. 104.

3. Theo E. Partridge, Origins, London, 1961, p, 620- Miến Điện nay gọi là Myanmar.

Kiến thức ngày nay, số 136, ngày 15-4-1994

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét