ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 31 tháng 5, 2021

Lại phải nhắc về sự khác nhau giữa phiên âm và Việt hóa

 Ghi chú chút đỉnh...

LẠI PHẢI NHẮC VỀ SỰ KHÁC NHAU GIỮA PHIÊN ÂM VÀ VIỆT HÓA

Không ít người vẫn còn lẫn lộn, tỉ như "Xin-ga-po" thì gọi là Việt hóa (!), "Tân Gia Ba" lại gọi là phiên âm (!) qua tiếng Việt. Té ra, ngay trên một số website, rồi "từ điển" (quái đản, viết cái giống gì cũng tự xưng là "từ điển"?) cũng ghi như rứa đã dẫn đến sự hiểu trật chìa hết trơn.

* PHIÊN ÂM ( ), nghĩa là: dùng thứ chữ nước này để ghi CÁCH ĐỌC của chữ nước khác. Quí bạn chú ý, ở đây ghi rõ rành là "ÂM" (phiên âm), chỉ thuần túy âm thanh mà thôi.

Xin lưu ý về nguyên tắc căn bản: Phiên âm cho người VN đọc thì phải theo đúng phép viết chính tả của Tiếng Việt!

Tỉ như "Singapore": dựa theo cách đọc trong tiếng Anh mà ghi ÂM gần giống, mài mại trong tiếng Việt là "Xin-ga-po".

"Moskva" (nguyên ngữ bằng chữ Cyrill: Москва): dựa theo cách đọc của người Nga mà phiên âm mài mại, là "Mát-cơ-va", "Mát-xơ-cơ-va".

(Mở ngoặc: sách báo bây giờ ghi "Mát-xcơ-va" là SAI về chính tả tiếng Việt. Theo GS Cao Xuân Hạo, trong chính tả của TIẾNG VIỆT thì KHÔNG có phụ âm ghép "xc" (xcơ) gắn với nhau).

"Jésus Cristo": dựa theo cách đọc trong tiếng Bồ Đào Nha (các giáo sĩ vào truyền đạo tại nước Việt, giai đoạn ban đầu chủ yếu là người Bồ) mà phiên âm thành "Giê-su Ki-tô".

(Mở ngoặc: phiên âm từ tiếng Bồ chớ không phải từ tiếng Anh. Người Anh đọc hai chữ "Jesus Christ" hoàn toàn khác với cách phiên âm là "Giê-su Ki-tô")

* CHUYỂN NGỮ ( ), nghĩa là: chuyển từ ngôn ngữ nước này sang ngôn ngữ nước khác / chuyển ngữ chớ không phải "chuyển âm". Chuyển ngữ qua chữ Việt (chữ Quốc ngữ), gọi là VIỆT HÓA. Mỗi nước có cách chuyển ngữ riêng. Người Việt chúng ta có cách "mượn cầu nối" để chuyển ngữ ra sao? - xin mời đọc bài: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1131998147234164).

Xin chú ý: CHUYỂN NGỮ chớ không phải "chuyển âm trực tiếp", thành thử quí bạn sẽ thấy nhiều lúc khác nhau về "âm" một trời một vực, bắn đại bác còn không tới.

Ví dụ: Đấng Christ, chuyển ngữ Việt hóa là "Đấng Cơ-đốc" - coi đi, giữa "Christ" và "Cơ-đốc" đọc khác nhau xa lắc! (do đó, xin nhắc lại, ở đây không phải là "phiên âm"). Anh em bên Tin Lành gọi họ là "Cơ đốc nhân", nghĩa là người theo đấng Christ (Cơ-đốc).

("Christ", ghi bằng chữ Hán là , đọc theo tiếng Việt là "Cơ đốc")

"Siddhārtha", chuyển ngữ Việt hóa là "Tất-đạt-đa" - coi đi, chẳng hạn, giữa âm /sid/ với âm /tất/, khác nhau hẳn. Rồi, "Shakyamuni", chuyển ngữ Việt hóa là "Thích Ca Mâu Ni" - đó, chẳng hạn, giữa âm /sha/ với âm /thích/, đọc khác nhau xa lắc.

("Siddhārtha", ghi bằng chữ Hán là , đọc theo âm Việt là "Tất-đạt-đa". Shakyamuni, ghi bằng chữ Hán là 牟尼 , đọc theo tiếng Việt là "Thích-ca Mâu-ni").

---------------------------------------------------------

 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét