Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Hiện tượng giao thoa ngôn ngữ văn hóa rất đặc biệt.

 Nội dung bài dưới đây được tham chiếu từ một khảo luận của Nguyễn Cung Thông (Melbourne, Úc)

HIỆN TƯỢNG GIAO THOA NGÔN NGỮ VĂN HÓA RẤT ĐẶC BIỆT: (*)

* Gọi "thứ Hai", "thứ Ba", "thứ Tư"..., sao không thấy "thứ Nhứt (nhất)"?

* Gọi "CHỦ nhựt (nhật)" hay gọi "CHÚA nhựt (nhật)"?

1/ Trong ngôn ngữ phương Tây như tiếng Anh, tiếng Pháp, rồi tiếng Nhựt ở Đông Á họ gọi tên cho các ngày trong tuần như sau:

Monday (Anh) / lundi (Pháp) / Getsu-yō-bi (Nhựt Bổn) tức "Nguyệt diệu nhựt": ngày Mặt Trăng;

Tuesday / mardi / Ka-yō-bi: ngày sao Hỏa;

Wednesday / mercredi / Sui-yō-bi: ngày sao Thủy;

Thursday / jeudi / Moku-yō-bi: ngày sao Mộc;

Friday / vendredi / Kin-yō-bi: ngày sao Kim;

Saturday / samedi / Do-yō-bi: ngày sao Thổ;

Sunday / dimanche / Nichi-yō-bi: ngày Mặt Trời.

Không chỉ Anh, Pháp mà cả Ý, Tây Ban Nha, Đức...- các nước phương Tây, và kể luôn Nhựt Bổn đều dùng tên gọi của các thiên thể để đặt tên cho các ngày trong tuần (gắn liền với các sự tích thần thoại bên phương Tây; stt này không đề cập những sự tích cũng như vì sao Nhựt Bổn lại gọi y như phương Tây).

Không nước nào dùng số thứ tự để gọi các ngày trong tuần, như người Việt chúng ta.

2/ Từ đâu mà người Việt lại dùng số thứ tự để gọi - thứ Hai, thứ Ba,..., thứ Bảy?

2a) "Tuần gồm 7 ngày" là sự sắp đặt thời gian theo dương lịch. Trước kia, khi người Việt chưa biết đến dương lịch mà chỉ dùng âm lịch thì "tuần" có nghĩa là 10 ngày - trong một tháng 30 ngày chia ra "thượng tuần", "trung tuần", "hạ tuần".

Người Việt biết đến dương lịch của phương Tây, lúc nào? Đó là vào đầu thế kỷ 17, khi các tu sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong để truyền đạo Công giáo (sau đó, mở rộng địa hạt truyền giáo ra Đàng Ngoài). Ở đây, chúng ta cần hiểu cho tỏ một vài dữ kiện lịch sử, để đừng ngộ nhận ở mức sơ đẳng nữa:

* Trong suốt thời kỳ đầu của truyền giáo, nhứt là - xin nhấn mạnh - trong buổi bình minh của việc xây dựng chữ Quốc ngữ, đa số các tu sĩ là người Bồ Đào Nha, một số ít là người Ý đều thuộc Dòng Tên. Trong số đó, đặc biệt phải kể đến tu sĩ Francisco de Pina, ngài là người khởi tạo nên hệ thống ký âm tiếng Việt dựa trên bộ chữ Bồ Đào Nha (vì chữ Bồ Đào Nha có gốc từ hệ thống văn tự biểu âm Latinh, thành thử chúng ta quen nói là dựa trên bộ chữ cái Latinh).

* Linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ, 1591-1660) cũng thuộc Dòng Tên, ngài đã tiếp nhận công trình ký âm tiếng Việt của Francisco de Pina để hoàn thiện hơn. Lm Đắc Lộ biên soạn cuốn "Từ điển Việt - Bồ - La" (VBL), ủa, tại sao ngài không soạn "tự điển Việt - Pháp - La"?

Bởi vì, xin chú ý, Lm Đắc Lộ đâu phải là công dân nước Pháp mà biểu ngài viết tiếng Pháp!

Quê quán của ngài là Avignon thuộc lãnh thổ của quốc gia bấy giờ mang tên "Stato della Chiesa" ("Quốc gia Giáo hội"), đâu phải là nước Pháp mà nói ngài là công dân Pháp?

Avignon chỉ thuộc về nước Pháp vào năm 1791, tức sau khi Lm Đắc Lộ đã qua đời những 130 năm, hơn một thế kỷ về sau lận!

Thêm nữa, rất đáng chú ý, "ngôn ngữ phương Tây" thịnh nhứt ở nước Việt, trong thế kỷ 17, là tiếng Bồ Đào Nha (ngôn ngữ mẹ đẻ của đa số các giáo sĩ). Tiếng Pháp, người Pháp thì mãi về sau lận, họ mới có mặt trên nước Việt.

2b) Ngày đầu tuần "Monday" (tiếng Anh đang phổ dụng hiện nay, cho tiện đối chiếu), trong tiếng Bồ là "segunda feira". Cứ vậy nối tiếp: "terça" (Tuesday), "quarta" (Wednesday), "quinta" (Thursday), "sexta" (Friday)... Mà quí bạn biết không, "segunda", "terça", "quarta", "quinta", "sexta"... có nghĩa là "thứ hai", "thứ ba", "thứ tư", "thứ năm", "thứ sáu"... đó đa!

Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ duy nhứt ở phương Tây gọi tên ngày trong tuần THEO SỐ THỨ TỰ, không đặt tên theo các thiên thể / sự tích thần thoại (như Pháp, Tây Ban Nha, Anh...). Thành thử các giáo sĩ Dòng Tên (với sự cộng tác của những tín hữu Công giáo người Việt), vào thế kỷ 17, đã dịch nghĩa từ tiếng Bồ sang tiếng Việt mà gọi các ngày trong tuần cũng theo số thứ tự: thứ Hai (segunda), thứ Ba (terça), thứ Tư (quarta), thứ Năm (quinta), thứ Sáu (sexta), thứ Bảy (septima)!

[riêng thứ Bảy, ngoài chữ "septima" thì người Bồ còn dùng chữ "sábado" và "sábado" được dùng phổ biến hơn hẳn; "sábado" nghĩa là ngày sabbath, ngày thứ bảy theo lối nói của người Do Thái]

3/ Còn "ngày thứ nhứt (nhất)"? Cách gọi "Chúa nhựt" / "Chủ nhựt" từ đâu ra?

3a) Trong cuốn "Phép giảng tám ngày" (PGTN) và trong Tự điển VBL của Lm Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), có ghi: "ngày thứ nhứt" (dịch nghĩa "prima" trong tiếng Bồ), còn gọi là "ngày Dominh", ngày kế tiếp là "thứ Hai" (segunda)... Vào thời kỳ đầu định danh bằng tiếng Việt cho các ngày trong tuần theo dương lịch, CHƯA XUẤT HIỆN cách gọi "Chúa nhựt / Chủ nhựt".

"Ngày Dominh"? "Dominh" (có nơi ghi "Duminh") phiên âm từ tiếng Bồ "domingo", danh từ này lại có gốc từ tiếng Latinh "dominīcus" nghĩa là "ngày của Thượng đế".

"Ngày Dominh" và "ngày thứ nhứt" là một, nhưng lối gọi "ngày Dominh" phổ biến hơn.

3b) Trong cuốn Tự điển của Lm Taberd, vào thế kỷ 19, không còn xuất hiện lối gọi "ngày Dominh" nữa mà thay vào đó là "ngày Chúa nhựt". Trong cuốn "Tiểu tự điển Pháp - Việt" của học giả Trương Vĩnh Ký, thế kỷ 19, ghi "Dimanche : ngày chúa nhựt".

Như vậy, "Chúa nhựt" là lối gọi có thể xuất hiện SAU thế kỷ 17 (nhưng chính xác vào lúc nào thì không rõ) và, dĩ nhiên, là TRƯỚC khi có Từ điển của Lm Taberd & Trương Vĩnh Ký trong thế kỷ 19 (từ điển ghi lại những gì đã xuất hiện trước đó trong ngôn ngữ).

Còn "Chủ nhựt"? Theo từ điển của Trương Vĩnh Ký, năm 1886, ông vẫn còn ghi: "dimanche: ngày chúa nhựt". Vậy, lối gọi "chủ nhựt" không thể xuất hiện trước năm 1886 cuối thế kỷ 19, mà xuất hiện vào thời điểm nào đó trong thế kỷ 20.

Tóm lại, để gọi tên cho "Sunday", trong tiếng Việt đã lần lượt trải qua các lối gọi theo dòng lịch sử: "ngày thứ nhứt" => "ngày Dominh" => "Chúa nhựt" => "Chủ nhựt".

Trong thực tế hiện nay lối gọi "Chúa nhựt" vẫn còn hiện diện, bên cạnh lối gọi "Chủ nhựt".

4/ "CHÚA", trong "Chúa nhựt", đây là hiện tượng bản địa hóa ngôn ngữ (chỉ có trong tiếng Việt)!

Từ việc phiên âm "ngày Dominh" (domingo), chuyển sang dịch đúng nghĩa là "ngày của Thượng Đế". Nhưng tại sao Thượng Đế, trong tiếng Việt, lại có cách gọi là "CHÚA" / "ngày của CHÚA" (Chúa nhựt)?

Kitô giáo bên Trung Hoa lẫn bên Nhựt Bổn, họ xưng tụng Đấng Tạo hóa bằng hai chữ: 天主 - tiếng Tàu đọc /tiān zhǔ/, tiếng Nhựt đọc /ten shu/, âm Việt của hai chữ này là "Thiên Chủ".

Sao, Kitô giáo ở VN không gọi "Thiên Chủ" mà lại gọi thành "Thiên Chúa"?

Ở đây, cách gọi "Chúa" (trong "Thiên Chúa") cho thấy hiện tượng bản địa hóa ngôn ngữ hết sức đặc biệt, dựa theo dấu ấn lịch sử của nước Việt, như sau:

Thời kỳ các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến truyền giáo, nước Việt phân chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nắm giữ quyền lực cao nhứt, được gọi là: "Chúa" . Ở Đàng Trong có chúa Nguyễn, còn Đàng Ngoài là chúa Trịnh (vua Lê chỉ có hư danh, không thực quyền).

Thành thử Đấng Tạo hóa, nắm giữ quyền bính cao nhứt khắp trời đất, được diễn giải trong tiếng Việt là: "Chúa (Trời)" (Thiên Chúa).

Nhắc lại: bên Nhựt, bên Tàu họ đều gọi "Thiên Chủ" 天主; NHƯNG cũng ký tự này, ở VN, "Chủ" được chuyển thành "Chúa", và chỉ ở VN mới có cách gọi là "Thiên Chúa" mà thôi.

Phiên âm "ngày Dominh" được chuyển nghĩa sang cách gọi "ngày của Chúa" (Chúa nhựt) là vì vậy.

Nhắc lại: cùng một ký tự , ở tiếng Việt có hai cách đọc: "chúa" / "chủ". Thành thử "Chúa nhựt" hay "Chủ nhựt" thì cũng cùng một cách viết (trong Hán tự): 主日.

THAY LỜI KẾT:

Nước Việt và nước Bồ xa xôi cách trở, một đàng ở Đông Nam Á còn một đàng ở tuốt Nam Âu, nhưng trên thế giới chỉ có 2 ngôn ngữ này - TIẾNG VIỆT và TIẾNG BỒ - là có sự gặp gỡ, giống nhau trong cách gọi!

* Tên các ngày trong tuần được đặt theo số thứ tự; đầu tuần làm việc là thứ Hai ("Segunda");

* Ngày thứ nhứt được gọi là "Chúa nhựt" (tiếng Bồ "Domingo" mang nghĩa tương tự).

--------------------------------------------------------

Phụ chú: Tiếng Tàu có nhiều cách thức để gọi tên cho các ngày trong tuần; trong đó cũng có cách dùng số thứ tự để đặt tên. NHƯNG khác về cách thức đếm số: đầu tuần làm việc được gọi là "tinh kỳ nhứt" (ngày thứ nhứt), trong khi tiếng Việt & tiếng Bồ là "thứ Hai" (segunda); ngày cuối tuần gọi là "tinh kỳ lục" (ngày thứ sáu) trong khi tiếng Việt là "thứ Bảy".

Chúa nhựt (Chủ nhựt) trong tiếng Việt, bên tiếng Hoa gọi "Tinh kỳ thiên" (ngày của Trời).

------------------------------------------------

Hình ảnh một giáo đường tại Lisbon (Bồ Đào Nha), Nhà thờ Đức Bà tại Sài Gòn (Việt Nam)



Nguồn: Chương Dương

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét