ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2010

Linh mục Micae Lê Văn Khâm

Linh mục Micae Lê Văn Khâm



-         Sinh ngày: 04. 01. 1939

-         Tại Họ Búng – Hưng Định, Thủ Dầu Một

-         Rửa tội ngày 04. 04. 1939, tại Họ Búng

-         Vào Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn ngày 01. 08. 1950

-         Vào Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn năm 1961

-         Thụ phong phó tế ngày 29. 04. 1967

-         Thụ phong linh mục ngày 14. 05. 1968, tại Trung tâm Bác ái Lái Thiêu

-         Linh mục giáo phận Phú Cường

-         Phục vụ Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Phú Cường: 14. 06. 1968 – 28. 02. 1973

-         Chánh xứ Giáo xứ Gò Dầu. Quản họ Hiệp Thạnh: 28. 01. 1973 – 10. 11. 1990

-         Quản lý giáo phận Phú Cường: 28. 10. 1990 – 1999

-         Tổng đại diện Giáo phận Phú Cường: 27. 05. 1993 – 22. 02. 1995

-         Giám quản Giáo phận Phú Cường: 23. 02. 1995 – 05. 04. 1999

-         Tổng đại diện. Chánh xứ Chánh tòa Phú Cường: 05. 04. 1999 – 20. 05. 2010

-         Tổng đại diện. Đặc trách UB Bác ái xã hội: 2010 – 2013

-         Tổng đại diện. Chánh xứ Giáo xứ Búng: 30. 04. 2013 – 23. 07. 2018

-          Hưu dưỡng tại nhà nghỉ dưỡng Giáo phận Phú Cường: 23. 07. 2018

-         Qua đời lúc 04:00 ngày 14. 08. 2022, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương

-         Hưởng thọ 83 tuổi, 54 năm Linh mục

-         Hài cốt đặt tại nhà Vượt qua của nhà thờ Chánh toà Phú Cường

.Làm mới ngày 14. 08. 2022

 

Bài viết vê Cha Micae Lê Văn Khâm

SỨ MỆNH MỘT CON ĐÒ

Liên lạc giữa hai bờ  một dòng sông là cây cầu. Cầu bị gãy, liên lạc buộc phải gián đoạn. Liên lạc bị gián đoạn, nhưng nhu cầu liên lạc thì không thể gián đoạn.
Con đò, trong trường hợp trên, trở thành một phương tiện quan yếu. Sứ mệnh của nó là nối liền hai bờ. Khách bên này, nhờ nó, sang được bên kia. Người bên kia, nhờ nó, qua được bên này. Không những đưa người sang sông, nó chuyên chở cả hàng hóa và nhu yếu phẩm cho  cư dân ở cả hai bờ.
Tự thân con đò, không thể sánh được với cây cầu. Nó không vững chải, kiên cố và an toàn bằng. Di chuyển bằng đò nhất định không nhanh chóng bằng sử dụng cầu. Trên cầu, không những người, mà còn cả xe cộ, trọng tải hàng tấn vẫn có thể qua lại dễ dàng. Con đò không thể thế. Sức tải của nó chỉ có hạn. Vào ngày nước lớn, ngược gió ngược dòng…hành trình sang sông, không những không êm ả, mà còn có những nguy cơ, trở ngại.
Dù cam go như thế, những mỗi khi cây cầu không còn, sự hiện hữu của con đò vẫn không thể thiếu.
Đức Cha Luy, tôi muốn ví, như một cây cầu. Ngày ngài nằm xuống, 22/02/1995, là ngày cây cầu bị gãy.
Cầu đã gãy, nhưng liên lạc giữa bờ Đông và bờ Tây vẫn phải liền nhịp. Nó cần được tiếp tục, để duy trì được sức sống cho cả đôi bờ. Sự cần thiết này đã là cơ sở để Hội đồng Tư Vấn bầu chọn Cha Micae Lê Văn khâm, lúc đó đang là Tổng đại diện, kiêm Quản lý, vào chức vụ Giám quản. Tư thế của Ngài, được cả Đức Cha Giuse và Đức Cha Luy tín nhiệm và được đặc tuyển từ Gò Dầu về phục vụ tại Tòa Giám Mục, đã tạo cho Ngài trở thành nhân vật thích hợp nhất đối với chức vụ trên.
Từ ngày đó, ngài như một con đò, được trao trọng trách, duy trì sinh hoạt giữa Tòa Giám Mục, là bờ phía Bắc và cộng đoàn các giáo xứ, là bờ phía Nam, để dòng sông giáo phận tiếp tục thể hiện vai trò của mình.
Bốn năm, một tháng trong sứ mệnh đưa khách qua sông, từ tháng 02/1995 tới tháng 03/1998, chắc chắn ngài đã thâm cảm được cái thực tế, vừa vinh quang, vừa nhức nhói của việc đưa khách này. Nếu có những bình minh ấm áp, với giọt nắng đùa vui trên dòng nước, thì cũng chẳng thiếu những buổi chiều vắng lặng cô lieu, với ưu tư trĩu nặng cõi lòng. Nhiều vinh quang chợt đến, nhưng lại vội đi. Có những niềm vui rạng rỡ trên vầng trán, thì cũng có những sầu khổ chìm sâu trong ánh mắt. Ánh mắt chỉ còn biết hoang mang nhìn dòng sông không êm ả, những đã nổi sóng.
Khách vẫn qua sông, những khách chỉ hững hờ. Lời chào hỏi, có đấy, những chỉ hời hợt bên ngoài, mà thiếu hẳn chất chân thật. Con đò, dù bị dập vùi vì sóng gió, vì tháng năm, nhưng những khách, nhờ đò qua sông…chẳng biết có ai đã để lại cho con đò một cảm nhớ, một tiếng phân ưu?
Bốn năm một tháng địa phận trống ngôi, mọi người chỉ biết cầu nguyện, hy vọng và đợi chờ. Con đò, vì thế, vẫn miệt mài với sứ vụ nối liền hai bờ, hai nơi. Tại sao Chúa lại muốn giáo phận nhà phải chờ và chờ lâu như thế?
Mỗi người đều có thể trả lời theo cảm nghĩ của riêng mình, nhưng tất cả đều gặp nhau ở một điểm là “ ý Chúa muốn thế”. Ý định của Ngài, bao giờ cũng vượt xa mọi toan tính của con người. Cũng như Đông Đoài xa cách nhau thế nào, thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng vượt trỗi hơn tư tưởng của con người như vậy.
Xin tán tụng sự quan phòng đầy khôn ngoan của Thiên Chúa. Xin tri ân Cha Micae, trong sứ mệnh con đò, kéo dài cả bốn mùa lá đổ. Hôm nay, cây cầu giáo phận đã được thiết lập, Cha cũng chuyển sang đảm nhận chức vụ mới: Tổng đại diện của cộng đoàn linh mục. Xin chúc Cha đạt nhiều thành quả tốt đẹp. Và cuối cùng, xin cho những gì Thiên Chúa đã khởi sự, được kiện toàn viên mãn trong giáo phận chúng ta.

Hồng Nguyên

Nguồn: Kỷ yếu giáo phận Phú Cường

MỘT LẦN TIỄN CHÂN NGƯỜI.

Từ ngày nghỉ hưu, tôi ít gặp Ngài.

Lúc trước, mỗi lần đi lễ ở đâu, thấy ngài tôi đến cúi mình chào Ngài. “Chào Cha Tổng”. Ngài có nụ cười hiền hậu, giọng nói nhẹ nhàng, chậm rãi và luôn hỏi “nay con ở đâu”. Ngài vẫn nhớ tên tôi, và luôn hỏi han mỗi khi tôi chào hỏi Ngài. Tiếp đến ngài hỏi: “ở đó thế nào” và rồi thường Ngài kể về xứ đó trước đây ra sao.

Dường như vì chức vụ và lòng trắc ẩn, xứ nào Ngài cũng biết, cũng hiểu và dành tình thương.

Tôi dành cho Ngài sự kính trọng đặc biệt, không hiểu vì sao. Trong sự kính trọng đó, có cả sự yêu mến và khâm phục. Không chỉ có tôi, mà tôi nghĩ rằng nhiều linh mục, biết Ngài, tiếp xúc với Ngài đều có sự khâm phục và kính trọng đó.

Từ khi còn bé, mới mười mấy tuổi, hình ảnh Ngài in đậm trong tâm trí tôi. Ngài hay lên vùng truyền giáo ở vùng Lộc Ninh thăm viếng và cũng quan tâm việc mở mang đất đai và làm cao su trên này để giúp cho giáo phận.

Trong tư cách giám quản và quản lý, hay sau này làm Tổng Đại diện, với sự hiền từ, mực thước, rộng lượng và nhẹ nhàng, đi tới đâu, Ngài cũng làm cho các linh mục thấy thoải mái.

Tôi nhớ có lần Ngài lên khai tâm cho các đồng bào theo Đạo, cả vài trăm người, mà bố tôi có nhận đỡ đầu cho cả trăm người trong đó, lúc đó tôi chỉ là chú giúp lễ, nhưng tôi nhìn thấy sự hân hoan vui sướng trong ánh mắt Ngài. Thời đó, đi lại khó khăn, dân chúng còn nghèo, cái gì cũng túng thiếu, thế mà Ngài đã có viễn kiến muốn làm cả hàng trăm mẫu cao su để giáo phận có ngân quỹ mà lo cho việc truyền giáo. Vì nhiều lý do, dù cho chương trình đó thất bại, lúc đó tôi chưa đủ hiểu chuyện, sau này biết rõ, tôi càng khâm phục về tầm nhìn, cũng như về sự vị tha của Ngài dành cho những người làm cho ngài phải thiệt hại.

Thế nhưng, tôi chưa bao giờ nghe Ngài nhắc đến chuyện cũ, cũng không hề trách móc một ai, tất cả đều được Ngài đón nhận cách bình thản, trong sự quan phòng kỳ diệu của Chúa; mà nếu không có ơn thánh, khó mở lòng ra chấp nhận.

Dù chức cao quyền trọng, và là cây đại thụ của giáo phận, nhưng đón tiếp ai, già trẻ, giàu nghèo hay với bất kỳ ai, Ngài cũng đều vui cười và đầy bác ái. Lòng nhân hậu và quảng đại vô bờ bến của Ngài trải dài từ công việc caritas cho tới giúp đỡ cho người nghèo hay trong cả việc quản trị.

Ngài có tài viết văn hay rất hay, cách dùng chữ sắc bén, cách liên tưởng hiện thực, văn chương của Ngài thì bay bổng lắm. Lần nào tĩnh tâm năm, cám ơn việc gì hay lễ gì trọng đại của giáo phận, Ngài đều có những bài rất hay, sâu sắc và đạt đến mức một áng văn bất hủ. Sau này, từ khi Ngài nghỉ hưu, các linh mục chẳng bao giờ được nghe những câu chữ đắt giá đó nữa.

Sau lễ Tạ ơn 50 năm Linh mục, ngài nghỉ hưu ở nhà hưu dưỡng. Sức khoẻ ngài xuống cấp nghiêm trọng, tay chân ngài phải chịu nhiều đau đớn vì bệnh parkinson. Thế nhưng Ngài vẫn kỉ cương, vẫn mực thước, vẫn dâng lễ, vẫn nhận lời làm lễ nếu còn đi được. Từ ngày đó, tôi cũng ít có dịp gặp Ngài, chỉ hỏi han qua những cha sống trong Toà giám mục cũ về Ngài.

Nhận được tin Ngài mất, tôi thấy hụt hẫng, mất mát và thương tiếc. Thương Ngài đã cống hiến và phục vụ cho giáo phận này qua nhiều đời giám mục với chức vụ và nhiều công việc trọng yếu, nhưng luôn luôn vâng phục, khiêm nhường, tận tuỵ, chu đáo và hiền hậu.

Hôm nay tiễn Ngài về nơi an nghỉ, đông đảo linh mục, tu sĩ, giáo dân đến tham dự. Dù nhiều người đã lâu không gặp ngài, nhưng trong lòng, vẫn còn những tình cảm quý trọng dành Ngài cho cách đặc biệt. Nhiều linh mục, còn đến tận Nhà Vượt Qua xứ Chánh Toà để ở lại với Ngài thêm một chút.

Cả một cuộc đời cống hiến, hy sinh, phục vụ, với bao trọng trách, giờ này Ngài an nghỉ trong nhà Chúa như là người quản lý trung tín và khôn ngoan, đã biết làm lãi cho Chúa rất nhiều các nén bạc quý giá.

Nhìn hũ tro cốt còn lại, nhìn nấm mồ đá nhỏ xíu nơi Nhà Vượt Qua, rồi cũng xong một kiếp người! Nhưng mai này, sẽ còn nhiều người nhắc về các nhân đức của Cha cố Micae Lê Văn Khâm: hiền hậu, bác ái, nhân từ, mực thước, khôn ngoan, chậm rãi, vui tươi, tận tuỵ…

Làm cha sở chính toà, làm Tổng đại diện, làm giám quản giáo phận, làm cơ quan caritas… Ngài muốn nằm lại tại nhà thờ chính toà này.

Đó là ước muốn sau cùng của Ngài. Như lời tâm sự của Ngài, “ở đây sướng hơn, vì có người nhớ, đọc kinh, cầu nguyện, có người nhang khói”. …

Một lần tiễn chân Cha, con xin cúi mình trước Cha.

Hẹn gặp cha trên quê hương nước trời.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét