ÔNG BÌNH
LÀNG HƯNG ĐỊNH
HỌ ĐẠO BÚNG
HƠN 200 NĂM VỀ TRƯỚC
(trước năm 1800)
Ở Miền Nam có:
o Trấn
BIÊN HÒA
o Phủ
PHƯỚC LONG
o Huyện
BÌNH AN
o Tổng
BÌNH CHÁNH
Tổng BÌNH CHÁNH có 12 làng:
AN-THẠNH,BÌNH-ĐÁN,BÌNH-ĐỨC,BÌNH-GIAO,
BÌNH-NHÂM, BÌNH-SƠN,BÌNH-THUẬN, HÒA-THẠNH, PHÚ-HỘI,PHÚ-LONG, TÂN-THỚI,
VỈNH-BÌNH.
Chưa có:
LÀNG HƯNG ĐỊNH
Như chúng ta thấy ngày nay, xã Hưng Định là
một vùng nhỏ, chỉ bằng một ấp của xã Bình Nhâm hay An Thạnh, khi đó là một vùng
ẩm thấp mà người quanh vùng gọi là cái Búng, trong có nhiều đường nước nhỏ gọi
là đường long, vùng rạch Cây Trâm vô tới vùng Đất Thánh Búng, ngày nay chỉ là
một con suối, nhưng khi trước nó là một đường rạch lớn mà ghe thuyền có thể ra
vào được.
Thời kỳ đó ở Quãng Ngãi, có ông Nguyễn Thới
Bình, sau khi thi đậu Bảng Nhãn, được cử chức Tri châu, làm quan trong thời
loạn lạc, mà lại vì tín hữu Công giáo, nên sau 12 năm ở quan trường, ông cáo
bịnh từ chức, sang qua y nghiệp, lấy hiệu là Đức Trọng. Mỗi năm ông thường theo
ghe Bầu vào Nam bán thuốc trị bịnh, với mộng di cư lập nghiệp.
Đến vùng Búng, ông để ý đến cái thung lũng
đó, muốn đến lập cư khai khẩn, nhưng vì cha mẹ còn sống không bỏ đi được, đến
khi ngoài 40, cha mẹ không còn và là người Công giáo, nên ông quyết định xa
lánh mặt trời, vào miền Nam để giữ đạo.
Khi lên đường di cư vào Nam , ông với vợ và
2 con: Một gái tên là Nguyễn Thị Hưng đã có chồng là Lê Văn Quyền, và một con
trai là Nguyễn Văn Định chưa vợ.
Mới đến, ông tá túc tại một nhà người quen
ở Lái Thiêu, rồi từ từ 3 cha con vào Gò Cầy (bây giờ là vùng từ Bình Hòa lên
ngã tư Hòa Lân) cắt tranh, chặt cây làm nhà, nhà cất ở khoảnh đất cao, cạnh
(phía tây) đất thánh Búng ngày nay.
Định cư xong, ông Bình lo sắm trâu để làm
ruộng, nuôi vài con ngựa để làm phương tiện di chuyển, nhứt là để đi làm thuốc
ở những nơi xa.
Sau một thời gian, ông ra riêng cho người
con gái và con rể ở vùng Cầu Ngang và cưới vợ cho con trai, người họ Võ ở Lái
Thiêu.
Tạo được sự nghiệp, ông Bình thường cho con
rể và con trai về quê miền Trung để quyến rủ bà con thân thuộc cùng vào Nam lập
nghiệp, một số người ở vùng quanh thấy có cuộc qui dân lập ấp cũng đến. Thấy có
số đông người đến ở, ông Bình đi thương lượng với các xã xung quanh để phân
chia ranh giới và xin đăng ký với Triều đình để lập một xã mới.
Xã mới lấy tên là HƯNG ĐỊNH, xã thứ 13 trong
tổng Bình Chánh.
Ông lấy tên 2 đứa con mà đặt cho xã,
người thời đó có thói quen hay cữ nói đến tên người lớn thì lấy làm lạ
lắm, ông biết được nên mới giải thích, Hưng và Định là con của tôi, nay xã này
phần lớn do bàn tay tôi tạo nên, nên nó cũng là con của tôi, con cháu sau này
khi nói đến, chúng có dịp nhớ đến ông bà tổ tiên.
Xã được phân làm 3 ấp:
· Ấp
HƯNG PHƯỚC (ở giữa)
· Ấp
HƯNG
LỘC
(ở lò chén Chùm sao)
· Ấp
HƯNG
THỌ
(ở Cầu Ngang)
Xã được khai sanh với:
· Ông
Lê Văn Quyền làm Hương Cả
· Ông
Nguyễn Văn Định làm Xã Trưởng
Ông Bình có đặt 2 câu liễng đối treo ở Công
Sở:
XUÂN CÚC THU ĐÀO HƯNG ĐỊA VINH HUÊ VÔ
HẠN LẠC
NGỌC ĐƯỜNG KIM MÃ ĐỊNH GIA NHỰT LỆ
HỮU THỜI LAI
(Liễng đối này chỉ tồn tại tới năm 1945)
Cơ sở hành chánh xã thường được gọi là Nhà
Việc, Trụ sở chánh gọi là Nhà Hội, được xây cất ở ấp Hưng Thọ, đối diện Cầu
Ngang. Nhà Việc ấp Hưng Phước ở tại ngã ba, góc đường nhà thờ quẹo vô lò chén
Cây Sao, còn nhà Việc ấp Hưng Lộc ở gần cuối đường lò chén.
-----------------------------------------
HỌ BÚNG
Nhóm người Công giáo đến định cư tại vùng
cái Búng, đã khai sinh ra họ đạo Búng.
Ông Trùm đầu tiên là ông trùm Bình,
nối tiếp con (Định), cháu (Tín), chắt (Kính), vừa là Trùm xứ đạo vừa là Hương
Cả trong làng..
Nhà thờ đầu tiên được cất gần nhà ông
Trùm (Bình) trên đất Đất Thánh ngày nay, để tiện cho ông Trùm gìn giữ và đón
rước các Cha, Nhà thờ này là nhà tranh cột chôn, chỉ tồn tại được một cỏi
tranh.
Sau đó, nhà thờ được dời ra khu đất (nhà
chung) ở dốc Sỏi, khi đó vùng này thuộc xã Hưng Định, nhưng thời kỳ bắt đạo bỏ
phế bị An Thạnh lấn qua. Nhà thờ này bị bỏ hoang khá lâu trong thời kỳ cấm đạo.
Sau thời kỳ bắt đạo này, là thời kỳ Pháp đô
hộ. Nhà thờ này được dời ra cất ở đất ông Chư (con thứ hai của ông Tín)
gần cầu Cây Trâm. Vì là đất bưng ẩm thấp lầy lội, nên sau ít năm có ông lái bán
cá (không biết tên) ở cầu Bà Hai Mọi dưng một phần đất, bèn dời Nhà Thờ
về đó (khu đất Chùa Bà ngày nay).
Cạnh nhà thờ này có trường học, và khởi sự
từ đây có Cha Sở là Cha Antôn Võ. Nhà thờ này tồn tại cũng không lâu, vì trong
một đêm kia mưa to gió lớn thổi sập tất cả, Cha Sở bị kẹt bên trong nhưng không
sao, chờ đến sáng bổn đạo đến phá giở mang Cha ra.
Thấy nơi đây gần đường sá, chợ búa tấp nập,
không trang nghiêm nên trong họ đồng ý dời về nơi Nhà Thờ hiện nay. Nhà
thờ này được xây cất xong năm 1888, trần Nhà Thờ và tháp chuông được xây cất lên
năm 1952.
Họ đạo Búng có được nhà cha sở xứng đáng là
do cha Sở Martin Nghi (1901 – 1916) xây cất, không bằng tiền của xứ đạo, mà là
tiền của gia đình Cha (từ bên Pháp).
-----------------------------------------
ĐỨC TRỌNG QUỈ THẦN KINH
Trong thời gian ông Định làm xã, dân chúng
trong vùng đều biết cái tin đồn là: Cái miễu bà ở Phú Cường là rất linh thiêng,
ai qua đó đều phải khấn vái, nếu cưỡi ngựa cũng phải xuống, ai không vái sẽ bị
bà phạt trào máu chết, nhưng ông Xã Định đi ngựa ngang qua vẩn không xuống và
cũng không vái van chi cả, người ta biết nhiều, vì một khi kia ông đi nộp thuế
về, cùng đi có mấy ông xã mấy làng lân cận, khi qua đó họ đều xuống vái, song
ông vẩn đi qua khỏi và ngừng lại chờ, khi các ông kia vái xong rồi lại hỏi sao
ông không vái, bà phạt làm sao? Ông trả lời: “Nơi đây tôi qua lại từ lâu,
đi chữa bịnh mấy thân chủ ở vùng Chánh Thiện, nào tôi có vái van chi đâu, mà bà
có quở phạt chi”. Rồi từ đó có câu truyền tụng “Đức trọng quĩ thần kinh”
-----------------------------------------
CHA QUÍ
(Thánh Phêrô Đoàn Công Quí)
Là con cái trong Họ, Cha Quí sau khi chịu
chức linh mục, về quê nhà vinh qui, nói là vinh qui, chớ thật sự chỉ là một
Thánh Lễ được tổ chức lén lút ở Gò Cầy.
Sau đó, cha Quí còn nén lại một thời gian ở
nhà ông trùm Tín.
Thời kỳ này là thời kỳ bắt đạo gắt gao, bắt
Đạo trưởng, bắt luôn cả người oa trữ. Tin có giáo sĩ về trú ở nhà ông Trùm Tín
và cũng là ông Cả trong làng đã tới tai chánh quyền. Ông Huyện ở Lái thiêu và
Ông Tổng bàn tính đem quân đi bắt.
Hai ông bàn tính với nhau thể nào, đều lọt
vào tai của tên thư lại. Sau giờ làm việc, tên thư lại về đến nhà thì gặp bà mẹ
đang rên la đau bụng, trong nhà đang lo đâm sả bồ bồ cho uống cấp cứu, tên thư
lại liền lấy ngựa chạy ngay lên nhà ông Tín mà anh rất có cảm tình, và vì anh
là thân chủ thường xuyên của ông Thầy Đức Trọng (tên hiệu thầy thuốc được lưu
truyền từ thời ông Bình).
Sau khi nói căn bịnh, ông thầy đang hốt
thuốc thì anh thư lại cũng rỉ vào tai ông thầy mấy câu văn tắt, chỉ thấy ông
thầy gật đầu và đáp nhẹ : “Cám ơn, anh đừng lo, tôi đã chuẩn bị…..”
Chiều hôm đó, một chiếc ghe xuôi đường rạch
Cây Trâm ra phía vàm Búng, dọc bờ rạch có người quen hỏi, anh Hai đi gát cuốc ở
vùng nào?Thị được trả lời: “Anh này quen ở Bà Lụa rủ lên đó gát” (người trả lời
là ông Chư và người đồng hành là Cha Quí).
Trời vừa chập tối, ông Tổng hướng dẫn một
tốp lính trên vài mươi, bao vây quanh rào một nữa, còn phân nữa vào nhà, ông
cho chủ nhà (ông Tín) biết, ở Huyện có người báo cáo nhà ông có chứa đạo trưởng
nên sai tôi đi bắt, ông Trùm vui vẻ sẵn sàng trả lời: “Ngài cứ việc thi hành
theo lịnh”.
Sau khi lục soát khắp nơi, kết quả không có
người, vật gì khả dĩ để dùng làm tang, để chữa thẹn ông lớn tiếng mắng: “Quân
nào khốn khiếp cho tin thất thiệt làm mất công, mắng rồi kéo về với vẻ mặt hằn
hộc”.
-----------------------------------------
TỴ NẠN Ở BỐ MUA
Sau biến cố này, cảm thấy nguy, ông
Tín bàn giao nhà cửa đất điền cho con cả là ông Chư và các em trông nom, còn
nghề thấy thuốc thì giao cho học trò là ông Huy thay thế.
Ông Trùm cùng với cháu là Hay và hai
con là Kính và cô Kiếm đi lên Bố Mua tỵ nạn, ở xóm Bàu Ao.
Lên Bố Mua ở, hàng xóm láng giềng rất mộ
mến, đặc biệt là ông Trùm sở tại, ông là người giàu có trong vùng nhưng hiếm
con, ông chỉ có một trai, sau khi cưới vợ và sinh được một cháu trai thì anh
này lại bị cảm thương hàn nặng quá, bệnh và chết chỉ trong vài hôm.
Bà Trùm vì quá buồn con, sinh bịnh rồi cũng
chết theo, ông Trùm thấy mình đã cao niên mà cháu thì còn nhỏ, con dâu có thủ
tiết thờ chồng được không gia đình thật neo đơn.
Ông mới nảy ra ý kiến là xin cậu Hay
cháu ông Tín làm con nuôi để coi sóc và thừa kế sự nghiệp của ông, với điều
kiện là phải thừa kế luôn cô dâu góa của ông nữa.
Thật thực tế, nhưng trớ trêu, ông Trùm Tín
và cậu Hay hẹn một thời gian để suy nghĩ, nhưng trong hàng xóm láng giềng bao
nhiêu là ông mai không ăn đầu heo cho rằng hợp lý cứ đốc vô. Sau cùng ông Trùm
và cậu Hay đồng ý, và đám cưới được cử hành.
Người con ghẻ của ông tên là Phải, ông Phải
có con tên là Khuê, cả hai đều làm đến Hương Cả ở xã Phước Vỉnh.
Cậu Hay có vợ,
Cô Kiếm cũng lấy chồng,
Ông Tín đến Bố Mua, khi rảnh rang ông dạy
giáo lý và chữ Nho. Trong số các thanh niên theo học chữ nho có cậu Ngởi, con
ông biện ở xóm Vàm Giá là siêng năng và học giỏi, cậu lại để ý con gái của ông
thầy là cô Kiếm, cậy mai đến nói, ông Tín thấy con mình đã khôn lớn và cậu Ngởi
cũng là con nhà đạo đức tử tế nên bằng lòng gả.
-----------------------------------------
BÀ CON XA
Sau khi gả cô Kiếm xong thì cũng hết thời
kỳ khó khăn (giặc Tây đã chiếm Bến Nghé). Cha con ông Tín trở về quê. Khi đi
lên 4 người, nay về chỉ còn hai, vậy là còn để lại một số bà con thân thuộc.
Đến thời tôi, (Nguyễn Thới Linh), còn là
thanh niên thích chạy xe máy (như môtô ngày nay), có lần lên tới Bố Mua, vào
một nhà nọ, thấy trong nhà có một cô gái mà sắc đẹp khá đặc biệt, nên trong
lòng cũng….., nhưng sau được biết cô đó là cô của tôi, cô là con gái út của bà
Kiếm.
-----------------------------------------
SẮC THẦN
Mỗi làng xã đều được vua ban cho một ông
thần để phù hộ dân chúng và để được dân chúng kính bái, tượng trưng bằng cái
SẮC THẦN (một ông quan nào đó có công với vua với nước, được vua phong làm
thần).
Làng Hưng Định được thành lập thì nhà vua cũng
ban cho một sắc thần. Sắc thần được gởi đến phủ, thì ông cả có phận sự và
danh dự đến rước sắc thần về xã.
Nhưng khi Sắc Thần của xã Hưng Định về đến
phủ ,thì khi đó xã Hưng Định vắng mặt ông cả (ông Tín cả đương niên còn đang
lánh nạn ở Bố Mua ), nên ông Hương Sư Êm và ông Hương Thân (không biết tên),
thân sanh ông Hương Lánh, dọn ghe, nghi trang lên Phủ lãnh Sắc về.
Vì chưa có đình thần, nên sắc được để
tại nhà ông Hương Thân (ven rạch Cầu Ngang, bên kia cầu Bà Hai Mọi), và mỗi năm
đều có lễ cúng vái đầy đủ, mãi đến năm 1926 mới cất đình trong lò chén cây sao.
(như vậy thì vô phúc cho ông Thần này quá,
ông được kính bái ở đình khoảng được 20 năm, từ năm 1945 đến nay ông ở đâu?)
-----------------------------------------
THỜI PHÁP THUỘC
Phủ PHƯỚC LONG được đổi tên là:
Tỉnh THỦ DẦU MỘT
Huyện Bình An được đổi là:
Huyện Lái Thiêu
Tổ chức hành
chánh xã được gọi là Bàn Hội Tề với 12 vị: o Hương
Cả, Hương Chủ, Hương Sư, Hương Trưởng, Hương Chánh, Hương Giáo, Hương Quản,
Hương Bộ.
o Hương
Thân, Xã Trưởng và Hương Hào, ba vị này hợp thành một Ban gọi là Ban THỊ NIÊN,
tức văn phòng thường trực của xã, sau cùng là Chánh Lục Bộ.
(Còn tiếp tục trong thời Pháp thuộc và chấm
dứt vào năm 1945)
-----------------------------------------
ĐƯỜNG LỘ
Khi xưa di chuyển tấp nập ở đường thủy, còn
đường bộ chỉ là những đường mòn, đường đất nhỏ hẹp cho xe bò và xe trâu.
Thời Pháp thuộc thì lần lần mở mang đường
sá. Năm 1880 phóng con đường từ Lái Thiêu lên Thủ Dầu Một ngang qua Cây Me,
Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh, nhưng không biết tại sao khi tới đường lò rèn
(An Thạnh ) thì ngưng luôn.
Đường này được phóng thật ngay, không cong
queo như đường mòn, khi phóng có gặp nhà thì bồi thường cho dời đi. Trường hợp
này đúng ngay vào nhà của ông bà ngoại tôi (Linh), nằm ngay tầm nhắm, khi Trắc
địa viên mang đồ nhắm đến trước nhà, họ phải phá một lỗ vách, để ống nhắm thấy
được cây trụ phía bên kia, khi phá vách thì đường nhắm đó xuyên đúng ngay căn
buồng mà bà ngoại tôi đang nằm chổ vừa sinh người cậu thứ bảy (cha của bà út
Nhỉ) được 10 ngày. Nhà này nằm khoảng giữa nhà chị em Son, Tím và nhà Bảy Khả. Nhà
này được dời đi với tiền bồi thường là 100 quan tiền kẽm.
Đường này bị phế bỏ luôn đến năm 1966, có
tốp công binh Đại Hàn tu bổ lại.
Bỏ con đường này, nhà nước trở về con đường
mòn Từ Lái Thiêu qua Cầu Mới lên Cầu Ngang đi ven rạch Búng qua An Thạnh lên Thủ
Dầu Một, đường này được trải đá và hoàn thành vào năm 1895 với tên là quốc lộ
13.
Con đường từ Bến bụi vô lò chén Cây
sao, được mở vào năm 1910 – 1911.
Đường rầy xe lửa Sài Gòn - Lộc Ninh ngang
qua Hưng Định, xây cất từ năm 1925, chỉ sử dụng được đến năm 1945, sau đó
thường bị phá hoại và dẹp bỏ luôn.
-----------------------------------------
XE CỘ
Người Pháp đem đến hai loại xe kéo bằng
ngựa, một gọi là xe kiến dùng để đưa rước hành khách, loại thứ hai có vẻ sang
trọng hơn, thời đó trong xã chỉ có ông chủ Tại (ông nội Tư Phải) là có một
chiếc xe song mã mà thôi.
Hai loại xe này không được phổ biến, vì có
sự xuất hiện ở trong xứ loại xe thổ mộ hay xe hộp quẹt (vào lối 1910). Ngày
nay, mặc dầu nhiều nơi không nhìn thấy bóng dáng một chiếc xe thổ mộ, nhưng đặc
biệt ở xã Hưng Định con đường từ Chợ Búng vô là chén Cây Sao vẩn còn xe Thổ Mộ
chạy đều đều. Xe máy đạp đến xã Hưng Định vào lối năm 1905, cha sở Martin
Nghi có một chiếc chạy bằng sên và vỏ bơm, còn loại xe chạy bằng trái khế và vỏ
đặc có hai người có, là ông Bảy Hoành (đầu bếp cha sở) và Ba Thượng (cha của ba
Phẩm, tư Trực, năm Trung).
Năm năm sau, 1910, mới có 3 người sắm được
xe chạy bằng sên và vỏ bơm là ông Xã Qườn (Ông ngoại vợ của tư Đắt), Xã
Thiên (cha của dì Khi) và ông Câu Đồ (ông nội của cha Binh).
Lối 5 năm sau (1915) thì xe máy lần lần
lan-tràn
-----------------------------------------
THEO LUẬT
Thiếu 3 tháng, không được
Dư 3 tháng cũng không được.
Là trẻ con nhà Công giáo, từ có tuổi khôn
đến 12 tuổi trọn, phải vào học ở trường Nhà Thờ cho đến Rước lễ Bao đồng rồi
mới được ra trường.
Ở trường học, tôi (Linh) vừa học giỏi vừa
được thầy giáo cưng, thầy giáo khi đó là chú Tám của tôi (Thầy Tám Tể, cha ông
tư Nhu). Khi đó Rước Lễ vỡ lòng và Rước lễ Bao đồng một lượt, một năm tổ chức
một lần vào cuối niên học. Kỳ Bao Đồng năm 1910, theo niên học và thuộc giáo
lý, thì tôi được rước lễ và ra trường năm đó, nhưng khi Cha sở lục xem tuổi
theo sổ rửa tội, thì tôi còn thiếu 3 tháng nữa mới đủ 12 tuổi trọn, Cha
không cho và biểu phải để năm sau Rước lễ và ra trường.
Năm 1911, sau Rước lễ Bao đồng xong, tôi
xách khai sanh ra trường Nhà nước (ở Chợ Búng) xin vào học, ông Hiệu trưởng xem
qua khai sanh thì lắc đầu, không được vì đã 12 tuổi quá 3 tháng.
Luật khắt khe như thế, thì đành để cuộc đời
dốt nát hay sao?
Ông Nội tôi (ông Kính) nghe biết, ông
bảo:”Thôi, con đi học tây không được thì thôi, con đi học tàu đi, nhà mình 4,5
đời học Nho, con nên kế tiếp sự nghiệp của cha ông, có học còn hơn không học gì
cả”.
(Chép từ gia phả ông Bình của Linh Mục
Longinô Nguyễn Thới Mậu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét