Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

Họp Mặt Đồng hương Họ đạo Búng Năm 2012

Trong không khí của ngày đầu xuân ấm áp. Hôm nay, lúc 9 giờ 30, ngày 27/01/2012, tức mồng 5 Tết Âm lịch. Tại Đất Thánh Họ đạo Búng, thánh lễ Kính nhớ ông bà tổ tiên và họp mặt đồng hương gốc Họ đạo Búng được tổ chức trong bầu khí trang nghiêm và thân mật, với sự tham dự của rất đông bà con đồng hương Họ Đạo Búng  từ khắp mọi miền đất nước tề tựu trong thánh lễ tại chốn thiêng liêng này.
Chủ tế thánh lễ hôm nay là Cha Micae Lê Văn Khâm, Linh mục Tổng Đại diện Giáo phận Phú Cường, đồng tế với Ngài có các Cha là Cha sở cựu Tôma Phan Minh Chánh, hiện là Cha sở Giáo xứ Lái Thiêu, Cha sở đương nhiệm Micae Nguyễn Văn Minh, các Cha là Linh mục đồng hương Họ đạo Búng như: Giacôbê Trần Công Báu, hiện đang hưu dưỡng tại nhà riêng, cha Philipphê Trần Tấn Binh, Cha sở giáo xứ Dầu Tiếng, Cha Gioan Thiên Chúa Nguyễn Thới Minh, Cha sở giáo xứ Phước Khánh thuộc GP Xuân Lộc, , Cha Titô Nguyễn Minh Nhường, Cha sở giáo xứ Mỹ Hảo, Cha Giuse Nguyễn Công Danh, Cha sở giáo xứ Lán Tranh thuộc GP Đà Lạt, Cha Phaolô Nguyễn Quốc Khánh, Cha sở giáo xứ Tích Thiện, Cha Maccô Thượng Nguyên Khôi, Cha sở giáo xứ Nha Bích, Cha Titô Trần Nguyên Lãm, hiện đang du học và Cha Vinhsơn Nguyễn Minh Tuấn, phó xứ Búng.
Trước, trong và sau buổi lễ, người ta cảm nhận được bầu không khí ấm cúng và thân thiện, bởi lẽ, đây là dịp duy nhất trong năm, những người con của họ đạo mới có dịp gặp gỡ nhau một cách đầy đủ. Những khoảng cách về địa vị và hoàn cảnh dường như không còn tồn tại trong bầu không khí này, thay vào đó, là những tình cảm chân tình của những người anh em sau bao ngày xa nhau, nay được họp mặt.
Phần kết thúc với lời nhắn nhủ của cha Titô nguyễn Minh Nhương, Trưởng ban tổ chức: “Năm nay,thấy có nhiều gương mặt lạ và  nhìn thì có đông hơn năm trước, nhưng không biết đã đủ chưa…”!.Hi vọng, mỗi năm vào dịp mồng 5 Tết Âm lịch sẽ trở thành ngày họp mặt truyền thống và được duy trì luôn mãi để lớp trẻ như con được thêm sự hiểu biết về quê hương, biết kính nhớ đến các vị tổ tiên đã bỏ bao công sức xây dựng họ đạo để lớp trẻ tuổi như con có được cuộc sống tốt đẹp như ngày hôm nay. Mong lắm trong những năm tới đây, này họp mặt truyền thống sẽ đông và đủ, sẽ thấy có nhiều gương mặt lạ trẻ tuổi.
Một nén hương thắp lên trước phần mộ tổ tiên để tỏ lòng biết ơn các vị đã gầy dựng nên Họ Đạo Búng và Làng Hưng Định này, một vùng đất quanh năm mưa thuận gió hòa, nơi mà đã gieo vào tâm hồn chúng con một đời sống biết kính Chúa yêu người và cầu nguyện cho các Ngài được lên chốn thiên đàng, cũng cầu xin các Ngài luôn phù hộ cho lớp hậu sinh chúng con, là con cháu của các Ngài, luôn có đức tin vững vàng và bình an trong cuộc sống còn nhiều thử thách này.
ĐÔI DÒNG VỀ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH HỌ ĐẠO BÚNG – LÀNG HƯNG ĐỊNH
1.LÀNG HƯNG ĐỊNH
Như chúng ta thấy ngày nay, xã Hưng Định là một vùng nhỏ, chỉ bằng một ấp của xã Bình Nhâm hay An Thạnh, khi đó là một vùng ẩm thấp mà người quanh vùng gọi là cái Búng, trong có nhiều đường nước nhỏ gọi là đường long, vùng rạch Cây Trâm vô tới vùng Đất Thánh Búng, ngày nay chỉ là một con suối, nhưng khi trước nó là một đường rạch lớn mà ghe thuyền có thể ra vào được.
Thời kỳ đó ở Quãng Ngãi, có ông Nguyễn Thới Bình, sau khi thi đậu Bảng Nhãn, được cử chức Tri châu, làm quan trong thời loạn lạc, mà lại vì tín hữu Công giáo, nên sau 12 năm ở quan trường, ông cáo bịnh từ chức, sang qua y nghiệp, lấy hiệu là Đức Trọng. Mỗi năm ông thường theo ghe Bầu vào Nam bán thuốc trị bịnh, với mộng di cư lập nghiệp.
Đến vùng Búng, ông để ý đến cái thung lũng đó, muốn đến lập cư khai khẩn, nhưng vì cha mẹ còn sống không bỏ đi được, đến khi ngoài 40, cha mẹ không còn và là người Công giáo, nên ông quyết định xa lánh mặt trời, vào miền Nam để giữ đạo.
Khi lên đường di cư vào Nam , ông với vợ và 2 con: Một gái tên là Nguyễn Thị Hưng đã có chồng là Lê Văn Quyền, và một con trai là Nguyễn Văn Định chưa vợ.
Mới đến, ông tá túc tại một nhà người quen ở Lái Thiêu, rồi từ từ 3 cha con vào Gò Cầy (bây giờ là vùng từ Bình Hòa lên ngã tư Hòa Lân) cắt tranh, chặt cây làm nhà, nhà cất ở khoảnh đất cao, cạnh (phía tây) đất thánh Búng ngày nay.
Định cư xong, ông Bình lo sắm trâu để làm ruộng, nuôi vài con ngựa để làm phương tiện di chuyển, nhứt là để đi làm thuốc ở những nơi xa.
Sau một thời gian, ông ra riêng cho người con gái và con rể ở vùng Cầu Ngang và cưới vợ cho con trai, người họ Võ ở Lái Thiêu.
Tạo được sự nghiệp, ông Bình thường cho con rể và con trai về quê miền Trung để quyến rủ bà con thân thuộc cùng vào Nam lập nghiệp, một số người ở vùng quanh thấy có cuộc qui dân lập ấp cũng đến. Thấy có số đông người đến ở, ông Bình đi thương lượng với các xã xung quanh để phân chia ranh giới và xin đăng ký với Triều đình để lập một xã mới.
Xã  mới lấy tên là HƯNG ĐỊNH, xã thứ 13 trong tổng Bình Chánh.
Ông  lấy tên 2 đứa con mà đặt cho xã, người thời đó có thói quen hay cữ nói đến tên người lớn  thì lấy làm lạ lắm, ông biết được nên mới giải thích, Hưng và Định là con của tôi, nay xã này phần lớn do bàn tay tôi tạo nên, nên nó cũng là con của tôi, con cháu sau này khi nói đến, chúng có dịp nhớ đến ông bà tổ tiên.
Xã được phân làm 3 ấp:
·     Ấp HƯNG PHƯỚC   (ở giữa)
·     Ấp HƯNG LỘC     (ở lò chén Chùm sao)
·     Ấp HƯNG THỌ     (ở Cầu Ngang)
Xã được khai sanh với:
·     Ông Lê Văn Quyền làm Hương Cả
·     Ông Nguyễn Văn Định làm Xã Trưởng
Ông Bình có đặt 2 câu liễng đối treo ở Công Sở:
XUÂN CÚC THU ĐÀO HƯNG ĐỊA VINH HUÊ VÔ HẠN LẠC
NGỌC ĐƯỜNG KIM MàĐỊNH GIA NHỰT LỆ HỮU THỜI LAI
(Liễng đối này chỉ tồn tại tới năm 1945)
Cơ sở hành chánh xã thường được gọi là Nhà Việc, Trụ sở chánh gọi là Nhà Hội, được xây cất ở ấp Hưng Thọ, đối diện Cầu Ngang. Nhà Việc ấp Hưng Phước ở tại ngã ba, góc đường nhà thờ quẹo vô lò chén Cây Sao, còn nhà Việc ấp Hưng Lộc ở gần cuối đường lò chén.(Trích gia phả ông Bình)
2.   XỨ BÚNG   
v Và khi viết về xứ Búng, cựu cha sở Martin (Nghi) đã ghi lại như sau: “Vùng đất họ đạo Búng và Bình Sơn ngày nay là vùng đất xưa kia ngập nước, không trồng trọt được. Nhưng nhờ phù sa sông Sài Gòn mà đất trở nên phì nhiêu, nên người Việt nhận ra và đến sinh sống ở đây. Những người Công giáo đầu tiên đến đây từ Huế (đúng hơn, từ Miền Trung NV ). Họ bỏ nơi đang sống vì luôn có chiến tranh và nhiều khó khăn phải chịu đựng. Xứ Búng, gần Lái Thiêu, gần như có đủ điều kiện mà họ ao ước.”
Lúc đó, vùng này là vùng ẩm thấp mà người ta gọi là cái Búng, có nhiều đường nước nhỏ  gọi là đường long (hay còn gọi là “long mạch”). Từ cầu Cây Trâm, có con rạch lớn, ghe thuyền có thể đi tới vùng đất nghĩa trang họ đạo Búng ngày nay.
B.  Cư Dân Xứ Búng
Những người đầu tiên đến cư ngụ tại vùng cái Búng được cha sở Martin ghi là các ông Hương, Tùng, Bời, Dũi, Ở. Tất cả họ là đạo gốc. “Họ tụ tập ở nhà ông Bời để đọc kinh cầu nguyện. Để sinh sống, họ chăn nuôi bò, trâu và nuôi tằm. Rồi họ khai khẩn đất đai, trồng trọt, sau một thời gian ngắn, họ có cuộc sống khá đầy đủ.
v Đặc biệt có ông Nguyễn Thới Bình , một trong những người đầu tiên có công khai hoang vùng Búng và lập ra làng Hưng Định từ đó đến nay. Ông nguyễn Thới Linh (cháu năm đời của ông Bình, là cha của các ông Nguyễn Thới Khai, Nguyễn Thới Đắc, và linh mục Nguyễn Thới Mậu) có viết về “tên” như sau: “Với tục lệ người Nam có cái thành kiến là cữ nói đến tên người lớn. Nên khi ấy dân trong làng không bao giờ dám nói tiếng gì có tên ông. Khi gặp phải thì nói trại ra là BƯỜNG hay BẰNG mà thôi, như bất bường, công bằng…”
v Vậy khi cha Martin viết “Họ tụ tập ở nhà ông Bời để đọc kinh cầu nguyện” thì người kể lại cho cha Martin viêt khảo luận này (10/02/1911) cũng né tránh tên hoặc truyền khẩu cả trăm năm là như thế, nên người ta chỉ biết là Bường, Bằng hay Bời (cha Martin ghi), chứ không biết tên đích thực là BÌNH.
v Cuối thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1800) một người quê quán ở Quảng Ngãi (Miền Trung) (có chỗ ghi: Quảng Bình (Bắc Trung Bộ) tên là Nguyễn Thới Bình. Sau khi thi đậu Bảng nhãn, ông được cử làm Tri châu. Sau 12 năm quan trường, ông cáo bệnh và xin từ quan. Ông sang làm nghề Đông y với hiệu là Đức Trọng. Hằng năm, ông thường theo ghe vào phía Nam bán thuốc trị bệnh, với mong ước di cư lập nghiệp.
v Đến vùng Búng, ông để ý đến cái Búng nước đó và muốn lập cư khai khẩn, nhưng vì cha mẹ còn sống, ông không bỏ đi được. Mãi đến khi ông ngoài 40 tuổi, cha mẹ mất, ông mới quyết định rời quê hương cũ, mang theo vợ và 2 con, con gái tên Nguyễn Thị Hưng, với chồng là Lê Văn Quyền, và con trai là Nguyễn Văn Định, còn độc thân.
v Lúc đầu, ông tá túc ở nhà người thân ở Lái Thiêu. Dần dần, cha con vào Gò Cầy (nay là vùng đất từ Bình Hòa, Lái Thiêu đến ngã tư Hòa Lân), chặt cây cắt tranh làm nhà ở khoảng đất cao, gần nghĩa trang họ đạo Búng ngày nay. Khi định cư xong, ông Bình lo sắm trâu để làm ruộng, ngựa để di chuyển. Con gái Nguyễn Thị Hưng và chồng là Lê Văn Quyền ra riêng ở Cầu Ngang. Còn Nguyễn Văn Định là con trai thì cưới con gái Họ Võ ở Lái Thiêu. Khi đã tạo nên sự nghiệp vững vàng , ông Bình cho con trai và con rể về quê miền Trung để vận động bà con thân thuộc vào xứ Búng lập nghiệp. Cư dân ở vùng lân cận cũng đến Búng để sinh sống. Và từ đó, xã Hưng Định được hình thành.
v Và cũng có một gia đình nguyên quán ở Huế vốn dòng quyền quý, đã từng phò vua giúp nước, đã di cư vào Nam , định cư ở xứ Búng. Đó là gia đình của ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anê Nguyễn Thị Thường. Không rõ vì lý do nào mà cuối đời Gia Long (1802 – 1820) hai ông bà rời quê quán, cùng các con vào Nam , định cư ở vùng Cầu Ngang. Chính tại nơi ở mới này mà đứa con út là Phêrô Đoàn Công Quí đã được sinh ra vào năm 1826.
Có thể tóm tắt như sau: Vùng đất Búng là vùng thung lũng cô nước, giống đầm lầy, có cây cối rừng rậm, chưa được khai hoang, dù Búng gần Gò Cầy với nhà thờ Họ Gò đã có từ lâu (thế kỷ 18), gần Lái Thiêu với số giáo dân là 400 vào năm 1747. Và cư dân đầu tiên khai khẩn là những người từ miền Trung vào, cộng thêm những người ở vùng lân cận đến vùng cái Búng làm ăn sinh sống, định cư lập làng và đồng thời là người công giáo, nên họ cũng qui tụ đọc kinh ở nhà.(Trích lịch sử họ đạo Búng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét