------------------------
Ngày 17-02-1843 tại Bình Sơn, vợ ông Câu Thới là bà Phanxica Võ Thị Chi, hạ sinh một cậu con trai, đặt tên là Phêrô Đoàn Công Thanh. Vì trùng tên với thân nhân, nên sau sửa lại là Phêrô Đoàn Công Triệu.
Cha già Triệu
Gia Tộc
Tổ tiên ông Thới là người Huế, giữ đạo lâu đời.
Trào Gia Long ông Đoàn Công Tùng và hai anh em được tuyển vào cơ binh phòng vệ (?). Anh em tận lực phò vua, được tiếng trung thành.
Minh Mạng nối ngôi, không theo chánh sách tiên vương, lại hiềm khích đạo Chúa, muốn tiêu diệt tất cả giáo hữu trong đất nước Việt nam. Nhưng đối với tôi trung thành, không lẽ trực tiếp giết hại. Vua vời ông Tùng và hai anh em vào đền và phán: “Trẫm ban khen mấy em tận trung với Tiên Hoàng….nay trong nước bình yên, Trẫm cho về quê khỏi chân quân lính….”.
Cùng với lời khen, hoàng đế lại sắc tặng cho một vài danh tước và hạ chỉ vào khiến Đồng Nai, tìm nơi đất rộng lập nghiệp.
Ông Tùng cao niên lại mến tiếc làng quê, không muốn ra đi, nhưng rõ biết tâm trạng của Tân Vương, nên đành sắm một chiếc ghe bầu, chở con trai trưởng cùng 6 cháu nội đã lớn mà chưa đôi bạn, cùng với gia đình người em trai căng buồm vào Nam. Trong thuyền tất cả 15 người.
Còn những anh em khác thì đi ra Bắc hay bỏ thành nội vào những làng xa xôi ẩn nấp.
Vào tới Đồng Nai thì được một tin chấn động: Vua đã tư tờ cho các quan, dạy phải tru di tam tộc ông Đoàn Công Tùng.
Tuy nhiên, các quan thấy trung thần mắc nạn thì thương không nỡ giết hại lại tàng ẩn và làm mai cho mấy cháu ông Tùng kết bạn nữa.
Dầu vậy, gia đình không dám sống chung, chia tay mỗi người một nẻo. Kẻ ở Rạch Bàng, người lên Bình Dương, Bến Súc, cũng có nhóm ẩn miệt Gò Công, Bến Tre…..Giấy tờ, sắc tước đều thiêu hủy, lại đổi cả tên họ.
Về mặt vật chất họ vẫn ấm no, nhưng phần hồn vì xa cha ông lại sống giữa người lương, lần lần nguội lạnh,nhưng họ mong ngày thái bình về lại làng quê giữ đạo.
Ngày lụn tháng qua, lớp già lần lượt từ giã cõi đời, bọn con cháu chỉ còn nhớ mập mờ: Tiên nhân ở Huế có đạo; còn trên thực tế họ đã trở thành người lương.
Thậm chí có người còn van vái ông Tùng nữa, vì họ nghe nói ông bị vua bắt uống thuốc độc tự tử.
Bởi ông lòng ngay mà thác oan nên ông linh lắm. Do đó họ cúng hương đền hoa quả trà rượu; đặc biệt là không cúng bánh thịt, vì tin rằng: Ông là người nội y không thích, lại cúng ngoài trời vì ông không chịu ở chung với tiên nhân bên lương.
Chỉ có một mình ông Đoàn Công Miên, cháu đích tôn ông Tùng, lên Búng với người cha, ẩn tích miệt Bà Trà, vỡ rẫy trồng khoai, bền lòng giữ đạo.
Ông Miên kết bạn với bà Trường, cũng đạo dòng, sinh được 5 trai, 1 gái, Con út là Á Thánh Quí, con trưởng là ông Thới, thân phụ cha Phêrô.
Ông Thới mua một sở đất và lập vườn tại Bình Sơn và sinh cậu Phêrô Triệu ở đó. Ngoài Phêrô ông bà Thới còn có chín người con nữa, nhưng 5 chết sớm, Phêrô Triệu thứ 4 và Matta Ca, thứ 6, sau làm Bà Nhì nhà phước Thủ Thiêm.
Gia đình ông Thới được một ngôi nhà tranh giữa một miếng vườn nhỏ; ông vì thông thạo chữ nghĩa nên bận việc họ, việc làng, chỉ có một mình bà, nuôi gà vịt heo cúi, để tằm, ươm tơ dệt vãi, đủ cho gia đình chi dụng. Thừa đem ra bán ở chợ Thủ Dầu Một, nếu trễ chợ thì gửi cho ông Tính là cậu ruột bán giùm.
Con cái trong nhà đều thông đạo lý chữ nghĩa, Ông Thới giúp việc họ, từ Biện đồng nhi lên tới chức ông Câu. Trong họ, hễ có lễ lạc gì thì cha con ông lo kinh sách, trần thiết trong nhà thờ.
Đời Sống Trong Gia Đình
Cậu Triệu lớn lên như thổi, hình dáng không mấy thanh lịch, nên không được cha mẹ ưu đãi. Chỉ có cậu Dung là con trai thứ, vì Thung là con trai trưởng đã chết sớm, phần khác Dung đẹp trai, có tiếng lảnh lót, lại rất lịch thiệp, vì thế cha mẹ cưng dướng hơn, thường cho mặc lụa là. Ít bắt làm công việc, lại cho ngày giờ học tập nữa.
Còn Triệu tuy mới 10 tuổi, mà to thây lại giỏi việc, không thua chi nhưng trẻ 15, 16 tuổi. Hai ông bà thấy Triệu siêng năng, nên nói thầm với nhau: Nó ăn chịu lắm mình sẽ được nhờ.
Và thật sự, hai ông bà nhờ Triệu công tác trong việc nội trợ. Triệu đảm nhận những công việc vặt vãnh trong nhà, lại giữ mấy em dại. Con trai lam lũ không cần áo xống chi cho đẹp, tóc tai không cần chải gỡ cho tốn thời giờ. Triệu kém anh em về nhiều phương diện, chỉ trừ công việc thì Triệu gánh vác nhiều hơn cả. Hai người cậu của Triệu thấy Triệu mặt mũi u xù, thì hay chọc, hễ gặp là nói: Bắt cái thằng mập này làm thịt ăn chơi….thứ đồ chệt lai nuôi làm gì…mày chệt lai thiệt , má mầy ở nhà ông Tính (cậu của bà Chi) nuôi mày không nổi, nên ở đây mới đưa 5 quan tiền với một quày chuối cau đổi mày đem về….mày không tin bữa nào lên Thủ Dầu Một coi, má mày còn trên đó.
Chọc thì chọc mà hai ông hễ gặp Triệu thì sai đủ thứ.
Mầm Ơn Thiên Triệu
Phêrô nghe đi nghe lại mãi một câu chuyện, lại thấy mình cực khổ, thua sút anh em thì cũng bắt hồ nghi: Có khi họ nói thật.
Nhưng có ai ngờ, những câu chọc ghẹo ấy làm cho Phêrô nảy sinh một ý nghĩ: Muốn đi tu.
Ý nghĩ tiềm tàng này lại rực sáng lên, khi Á Thánh Quí, chịu chức Linh mục ở Penang xong trở về thăm mẹ.
Buổi vinh qui thời cấm đạo có khác.
Ngài mặc khăn đen áo dài như người thường, nhưng dung mạo nghiêm trang, lộ vẽ cao quí.
Khi Ngài vừa vào nhà thì mọi người đều im lặng, theo lời Phêrô Triệu kể lại, bà nội (thân mẫu Á Thánh Quí) ra như sửng sốt, kế có quới chức và bà con tới thăm đông, ai nấy đều nói thì thầm không dám to tiếng.
Lúc đó, quá đỏ đèn.
Cậu Triệu được lịnh nấu nước đãi khách, chưa thấy Cha chú lần nào bà con lại rộn rịp, lòng cậu rất ấm ức, muốn lên nhìn cho mãn nhãn: Cậu tùng dịp mang bình nước bước lên, chưa kịp nhìn rõ thì ông Thới cú cho một cái, nạt một câu: Xuống bếp cho mau, coi chừng cháo heo khét….
Cái nhìn thoáng qua ấy cũng ghi lại được nét đường bệ của vị linh mục thánh trong tâm não Phêrô cho đến chết. Và cũng nhờ đó, mầm ơn thiên triệu nảy nở thêm lên. Muốn tu và nhất quyết tu.
Mặc dầu Triệu đau điếng rút lui xuống bếp, nhưng cũng thấy được bà nội khóc, vì dưới bến có thuyền chực sẵn để đưa Cha chú xuống Lái Thiêu.
Vinh qui mà vừa về đến nhà gặp mẹ anh chưa thỏa, đã phải lẫn trốn, không ở lại làm lễ được, vì có tin làng nước sắp sửa cho lính đến vây bắt. Mà thật, sau đó hai giờ có một toán lính của thầy cai đến lục soát nhà cửa nhưng họ không gặp chi nên họ trở về. Qua được một cơn rợn người!
Của Lễ Của Gia Đình
Thời kỳ đó, tại Lái Thiêu có một cha sở tên là Quờn, kiêm cả vùng Búng, Bình Sơn, Thủ Đức. Ngoài việc coi sóc ban phép bí tích cho các giáo hữu. Ngài lại nuôi một số thanh niên, con nhà đạo đức, được tuyển chọn cho vào chủng viện. Cha buộc ông Thới phải cho Dung đến tập sự tại Lái Thiêu, nếu không Cha sẽ không cho cả gia đình xưng tội, chịu lễ.
Ông Thới rất buồn vì quá thương Dung, nhưng rất sợ Cha thầy, còn bà vợ cũng khuyên hãy vâng lời cho con đi. Nhưng khốn nỗi, Dung ở nhà sung sướng đã quen nên không chịu đi, ông Thới không biết phải giải quyết thế nào cho ổn thỏa,
May, cậu Triệu biết được câu chuyện, cậy bõ đở đầu là ông Đội Thơ, xin với cha mẹ cho mình đi thế anh Dung.
Ông Đội mở lời, thì bà Chi mẹ của cậu hứ một cái rồi nói: “Mày gọn gẽ gì mà tu với trì? Lưng bề sề quá voi…thôi ở nhà cho xong.”.
Nhưng một bữa kia, Triệu nằm đưa em, thiu thỉu ngủ thoạt nghe ông bà bèn với nhau. Ông thì thương Dung, bà thì tiếc Triệu lo liệu cho đến cùng, việc cửa nhà, không có Triệu thì mình cực ít bữa, dần dần rồi cũng quen. Dung không muốn mà mình ép nó cũng không được.
Quyết định xong, ông Thới thúc hối sắm vài quần áo, bảo Triệu lo tắm rửa sạch sẽ, và bắt một cặp vịt, còn ông thì chạy đi thuê một người chèo thuyền. Ngay tối hôm đó, ông đưa Triệu xuống Lái Thiêu.
Sợ trì hoãn, Cha sở trông, lại cũng sợ mẹ con quyến luyến, anh em trắn triếu; nếu Triệu đổi lòng thì rắc rối lắm.
Ông nhớ: Xưa kia nhiều lần mình đã an ủi mẹ già lúc em từ giã quê hương đi du học Penang, mẹ rất e ngại cho nhưng ngày xa biệt, và kinh sợ cho đời sống linh mục. Đời cấm đạo, làm linh mục là đi vào cõi chết….rồi những lần nhận được những lá thơ của em, mình kể như được vàng ngọc, đọc đi đọc lại cho mẹ vui. Thấy lời lẽ trong thơ đượm vẻ ân tình, lại lời văn chải chuốt, thì lòng cảm thấy vui tươi và vinh hạnh, mặc dầu em về qua chớp nhoáng nhưng cũng đem đến cho mình một mối khoái lạc êm đềm…..
Hôm nay Chúa gọi chính con mình đi tu, lẽ nào từ khước! Và cũng không dám ước mơ phước trọng như thế, chỉ cúi đầu vưng lịnh.
Một mình ông đem Triệu đến Lái Thiêu, không để cho mẹ tiễn đưa con, sợ bịn rịn rồi con ngã lòng.
Phần Triệu, rất toại chí, dầu mẹ và mấy em khóc lóc, níu kéo cũng cương quyết ra đi.
Cảnh Nhà Cha Sở
Hai cha con tới trình diện với cha Quờn tại Cái Me (Cây Me). Ngài không có nhà nguyện cũng không có tư thất, phải đậu bạc trong một dãy nhà để tằm, ươm tơ, dệt vải. Ngài làm lễ trong nhà đó và làm lễ ban đêm. Á Thánh Quí, có dịp ghé Lái Thiêu cũng dâng lễ trong nhà này.
Kế cận ở đó có vài ba nhà, mỗi nhà có một vài nữ tu nương ẩn, tất cả được độ 10 trinh nữ sống đời tu nhưng mặc thường phục. Dòng Mến Thánh Giá chưa thành lập ở Thủ Thiêm.
Cả khu vực này được đặt giữa những vườn cây rậm rạp để dễ bề trốn tránh.
Hễ động thì có mật hiệu: Hoặc gõ vài tiếng mõ như đuổi chồn cheo ăn thơm, hoặc giã gạo nhịp mạnh vài tiếng hay hú hí như rủ đi rừng, đi chợ….
Nghe mật hiệu thì phải lo giấu những đồ thờ phượng, đồ làm lễ, rồi chạy núp tứ tán, chỉ để vài bà già và trẻ con trong nhà thôi.
Có nhiều đêm các Dì lầm tưởng lính đến vây, lật đạt khuân đồ trốn, lâu lâu thấy êm lặng thì khiêng vô; nhưng hễ có tịch cục kịch thì nôn, các Dì không vững bụng xúm nhau khiêng ra…..thành thử cả đêm không ngủ được.
Dầu khó khăn, dầu eo hẹp. Cha Quờn và các Dì vẫn nuôi mồ côi. Trong nhà luôn luôn được chừng 4-5 em nhỏ. Các Dì lễ đẹn, đi bán thuốc…..nhờ đó liên lạc với nhiều họ đạo, an ủi cầu nhưng, gỡ rối hoặc giúp người bịnh liệt….
Thời Gian Tập Sự
Gần 4 năm, cậu Triệu theo tập sự với cha Quờn, thật đầy khổ nhọc.
Trong nhà cha vốn có nhiều cậu trai khác, như: Viễn, đóng vai hầu cận cha sở; Oai, con ông biện Nhuần ở Mỹ Hảo cũng thảnh thơi; Dưỡng và Tánh cũng được phần thong thả.
Một mình Triệu khổ thân hơn cả. Mỗi đêm gần đến giờ lễ, Triệu phải lội vô rẫy thơm vác cấp bàn thờ và đồ lễ về dọn cho cha làm lễ. Lễ xong mang đi giấu.
Mồ côi thiếu sữa, Triệu phải len lõi qua thôn này xóm khác đi xin sữa, có khi canh một, canh hai mới về đến nhà. Về nhà rồi cũng chưa được nghỉ, may em nhỏ la khóc phải lo bồng ẵm, đưa ru, chúng vung vãi đầy mình thì rán chịu. Rủi mệt, gục đôi chút, con nít ré lên. Cha Quờn lại la: “Đồ lớn lưng, nằm đâu ngủ đó, mầy chết…”
Cô nhi chết thì Triệu lại đi chôn, vai vác cuốc, tay kẹp cái quách, lần nào hai em chết một lượt, thì phải gánh đòng đưa một mình. Chờ trời tối mới đi chôn. Triệu cũng biết sợ cọp như ai, nhưng hễ cha Quờn thét lên thì cọp hùm cũng bất đếm.
Các Dì thấy siêng năng cũng lợi dụng, hễ nước lớn thì bảo Triệu đội đồ nhuộm đi xả (xổ). Triệu lại lãnh tưới hơn 50 nọc trầu, phải chi lấy gầu tát nước mương lên còn đỡ khổ, Triệu phải lấy nước hầm tiêu bỏ rơm vào lóng nước trong mà tưới, vì thế bị nước ăn lở tay lở chơn.
Thậm chí Dưỡng là anh của Tánh có bịnh lở tay, Triệu phải lấy nước nóng bưng cho Dưỡng rửa.
Khổ nhọc quá, có lúc Triệu muốn ngã lòng, nhưng Chúa giữ gìn và vun tưới cho mầm ơn thiên triệu ấy.
Thỉnh thoảng bà Chi xuống thăm con, thấy con cực quá lại không học hành gì, bà rất đau lòng và muốn đem con về, song không dám tự lịnh. Về nhà bàn với ông thì ông cản lại. Ông nói:”Mình con cả bầy đem về làm gì, để nó giúp Cha thầy, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Bề ngoài ông nói cho trôi câu chuyện, còn bên trong thì ông cầu nguyện, xin Chúa định liệu cho con; Dâng một lần, không bao giờ đòi lại.
Giai đoạn ở Lái Thiêu, Triệu được một bà tên là Văn yêu thương an ủi. Có lần Triệu có việc đến nhà bà. Trời tối quá bà không cho về, bà cũng nói: Con người ta cũng như con mình, một mình mà đi nữa đêm, nữa hôm như thế, rủi cọp ăn còn gì! Nhưng bà cầm thế nào Triệu cũng không dám ở lại, không dám cải lịnh Cha sở, bà ứa nước mắt và an ủi Triệu: “Thôi, con ráng chịu khó, Chúa trả công cho con ngày sau”. Bà lại sai con là Hương Quới (cậu cha già Thơ) đưa cậu về.
Cha Phêrô khi gần chết, còn nhắc đến bà Văn mà đôi mắt rướm lệ.
Lòng Can Đảm Tháo Vát
Cha Quờn kiêm nhiều họ. Đi làm lễ họ nào khổ nhọc thì đem Triệu theo, đem đồ lễ, có trường hợp phải ẵm cô nhi về nuôi.
Một ngày kia, Cha đi làm lễ ở Thủ Đức. Tới nơi rồi mới thấy mình quên đem theo áo trắng dài, tới gần tối mà Cha cứ sai Triệu về Lái Thiêu về.
Đường đi phải băng truông rậm lính làng canh tuần, vài nơi có để thập tự giữa chỗ người ta hay qua lại. Có một bà tên Nương thấy Triệu phải đi một mình thì rất e ngại, bà thưa với Cha xin cho người lớn đi theo, một mình Triệu, không khéo sẽ bị cọp ăn, lại nếu không lanh lợi thì có lẽ phải tử đạo. Nhưng Cha trả lời: Thằng này dạn lắm, nó nhỏ dễ tránh lính hơn, còn cọp gì mà ăn nó, nó to thây cứng ngắt, nếu muốn ăn nó thì phải hầm cho rục: nồi trách đâu có mà hầm!. Rồi Ngài day qua bảo Triệu, mày phải chạy sao cho kịp nội đêm nay, nếu ở Lái Thiêu ngủ thì chết đa”.
Triệu phú mình trong tay Chúa rồi ra đi.
Chuyến đi gặp mấy chú lính kêu hỏi: Ê, thằng nhỏ kia, đi đâu một mình đêm hôm giữa rừng vậy? không sợ cọp? sợ ma quỷ sao?
- Dạ thưa tôi đi học thầy Xuân, lâu ngày nhớ mẹ nhớ em quá, lại hết thuốc hút, quần áo cũng rách, lén trốn thầy về Cây Me, nội đêm nay phải trở lại cho kịp học ôn bài, nếu không thuộc, bị đòn chết, tôi nhớ quá nên đi liều, lại không dám vào, nhờ hai cậu dắt tôi đi tránh qua thập tự, mình vô can mắc mớ gì mà giầy đạp tội chết.
Lính thấy có vẻ ngây thơ, hiền hậu, thì dắt đi quanh cho khỏi phải đạp thánh giá.
Tới Lái Thiêu đâu đó đang ngủ im lìm, Triệu lấy áo trắng dài, thuốc hút và quần áo gói một gói cho có cớ, rồi quầy quả trở lại Thủ Đức.
Trên đường về cũng gặp lính, cũng dở thủ đoạn đầu hôm, Triệu lại mời hai chú lính vài điếu thuốc thơm, họ hút vài hơi ấm bụng rồi lại khen cậu nhỏ gan dạ….
Thế là Triệu trở lại Thủ Đức bình yên.
Cha Quờn không khen, không thưởng, mà cũng không kiếm ai giúp lễ để cho Triệu được nghỉ đôi chút. Vừa tới nơi Cha đã hối dọn đồ lễ và bắt Triệu giúp lễ. Triệu vừa qua cơn xúc động mạnh, vừa mừng, vừa sợ nên cơn ngủ chạy mất….Lễ xong Cha con vội vã rút lui về Lái Thiêu.
Ai nghe câu chuyện này cũng khen Triệu dũng cảm. Trong vài tiếng đồng hồ mà hồn vía lên mây hai lần.
Triệu dầu khổ cực, dầu ăn mặc thô sơ, học hành thua chúng bạn, chỉ học được kinh giúp lễ và chữ nghĩa đôi chút, nhưng không khi nào Triệu tính về nhà.
Trong vòng 3 năm ở với Cha Quờn tại Lái Thiêu, Triệu chỉ về Bình Sơn có ba lần, nhờ dịp Cha sở có dịp sai đi. Lần đầu hết, về nhà thăm cha mẹ anh em xúm lại níu kéo không cho đi. Triệu tìm lời an ủi: Để anh về Lái Thiêu có dịp đi Thủ Đức anh mua ná cho mấy em bắn chơi, để anh đi cho sớm, ít lâu anh về không mất đâu mà sợ”.
Chỉ có một lần ở đêm tại nhà, vì mưa trơn trợt, chơn bị lở, mẹ và anh em cầm lắm mới ở lại.
Tản Cư
Đang lúc giáo hữu âm thầm giữ đạo thì giặc Pháp tràn đến.
Một chiếc tàu trận của Pháp, ngược sông Lái Thiêu chạy lên Thủ. Lúc trở về, xáng neo tại Búng. Trên tàu có một linh mục Pháp, người ta kêu là Cố Thanh, bắt ống loa kêu gọi giáo hữu tản cư về Sài Gòn. Ngài cũng xuống tam bản chèo vô nhà thờ Búng thúc hối bổn đạo đi trốn, nếu ở lại trong giai đoạn lưng chừng này, có thể giáo hữu sẽ bị tiêu diệt.
Quang cảnh thật là hỗn độn. Dưới tàu, tiếng loa vang lên rợn người, còn trên bờ tiếng kếu réo hối thúc, trẻ bé không biết chi mà cũng nỗi nguy hiểm khóc la inh ỏi, lũ chó cũng tru tréo ôm trời. Người người đều xăng văng hấp tấp, lật đật thâu góp tiền bạc quần áo. Lòng người bối rối nhớ một quên mười, tài sản bỏ rơi bỏ rớt, cố chạy cho mau để cứu mạng.
Gia đình của ông Thới nhờ thuyền to nên chở được nội nhà và mấy anh em bà Chi, dọn theo đồ đạc, tơ lụa, ít trăm quan tiền và một mớ heo gà.
Tàu dòng ghe chạy chậm chậm tới Lái Thiêu đậu lại khá lâu.
Cố Thanh lên vùng Cây Me hối cha Quờn, bà Văn và 10 dì dọn đồ lên tàu.
Triệu lại phải một phen vùi đầu, vùi óc. Lớp khiêng gánh, lớp hộ vệ cô nhi. Một tay dắt hai đứa trộng hơn, tay kia ẵm đứa nhỏ. Vừa lên tàu giao cho các Dì, thì Cha sở hối trở lên với thầy Điền, đáp lấy 400 quan tiền đem lên tàu. May có người phụ giúp nếu không hai thầy trò phải khuân 600 ký lô cũng hụt hơi.
Tàu chở giáo hữu và dòng ghe tàu đậu tại vàm Kinh Lấp (đường Nguyễn Huệ hiện nay).
Giáo hữu lên bờ, thủy quan bảo họ tạm chiếm những nhà người ta tản cư bỏ trống, nhưng giáo hữu không ưng ý. Chín mười ngày sau cũng chưa yên nơi yên chỗ. Tối lại, cơm nước hiu hút, xúm nhau đọc kinh, rồi ngủ mồng, ngủ muỗi chịu đựng.
Tới Sài Gòn, Triệu quá bận rộn, đêm ngày lo bận rộn xếp đặt, không ló ra ngoài, qua hai ngày mới gặp được cha mẹ anh em.
Cha Quờn, ông Thới và bổn đạo tìm vật liệu cất một dãy nhà 14 căn. Cha tạm trú đó và dành một nơi làm nhà nguyện. Gia thất ông Thới cũng ở trong dãy nhà này. Còn các Dì sang ngụ Thủ Thiêm nhưng Thủ Thiêm chưa yên, phải trở lại Sài Gòn tạm trú trong dãy nhà giáo hữu cho đến khi cha Miên lập nhà phước Thủ Thiêm xong, mới sang gia nhập.
Dãy nhà cha Quờn cất ở lối cột cờ Thủ Ngữ, năm 1860 các bà Dòng Thánh Phaolồ, và năm 1861 các bà Dòng Kín mới đến Việt Nam có tạm ngụ trong dãy nhà nầy nhiều tháng. Vì có chỗ quen biết như thế, nên người ở Lái Thiêu, Búng, Bình Sơn vào hai dòng này trước nhứt.
Bổn đạo qui tụ tại Sài Gòn một ít lâu, thì bị xuông dịch chết rất nhiều. Cha Quờn và những Cha lân cận phải hết sức vất vả. Có lúc mời Cha đi giúp bịnh liệt, phải lay mạnh Cha mới dậy nổi.
Đức cha Lefebvre (Ngãi) lúc ẩn trốn nơi nhà giáo hữu thì hằng vui vẻ, mà nay gặp hoàn cảnh như thế. Ngài rất đau buồn. Nhưng cậy trông Đức Mẹ, Ngài dạy giáo hữu hợp nhau kiệu ảnh Đức Mẹ trọng thể. Bịnh dịch liền tan biến.
Được Tuyển Trạch
Triệu tiếp tục giúp Cha Quờn một năm nữa. Không ai nói đến vụ cho Triệu vào chủng viện. Năm đó Triệu được 18 tuổi, có thể sẽ là một chú nô bộc đến già đến chết.
Nhưng Thiên Chúa quan phòng bày tỏ ý định, ngày nào, giờ nào Chúa muốn.
Đức cha Lefebvre thấy số chủng sinh quá ít, lại biết Cha Quờn có nuôi nhiều cậu trai, Ngài ghé nhà Cha, và dạy đưa mấy cậu trai ra mắt để Ngài chọn lựa, như Samuel đến nhà Jesse đã thuật lại trong Cựu ước, cha Quờn rất hãnh diện, giới thiệu Viễn, Tánh và Oai.
Không biết Đức cha có mắt quan sát thâu thấm như thế nào mà Ngài nhìn Tánh và Oai và lấy tay đo đầu mặt đoạn nói: hai cậu này không được, còn Viễn, Ngài trông nhìn lâu hơn rồi cũng nói: Thằng này, nếu ơn Chúa thay lòng đổi dạ thì mới mong, nhưng không chắc bền đỗ.
Ngài lại hỏi: Còn đứa nào nữa không? Cha Quờn thưa: Còn một đứa lù khù, lớn xộn để giữ em và phụ bếp, nó ở gần đâu đây…
Đang lúc đó Triệu đang ngồi làm cá sau hè. Cha Quờn bước ra ngó mông như tuồng Triệu ở đâu xa lắm, Cha kêu lên một tiếng.
Triệu dạ lên. Tay còn dính nhớt cá lật đật bôi lia lịa hai bên bắp vế, lẹ làng bước vô khoanh tay hầu Đức Cha.
Triệu dạn như thế vì nhiều lần Đức Cha trú ẩn trong nhà ông nội của Triệu. Lúc trú ẩn, Đức Cha thường đi chơn không, mặt quần đùi đỏ, râu cạo nhẵn nhụi, lại ăn trầu nữa. Ngài thường ở trong buồng, các Cha hay Quới chức có việc mới được vào hầu chuyện. Không vì khó tánh, Ngài rất hiền từ vui vẻ, nhưng vì ở giữa thời cấm đạo nên phải cẩn mật. Ngài tới đâu giáo hữu cũng cầm ở lại, nhiều lần Ngài sợ lậu tiếng, sinh khó cho mình và gia chủ, nhưng giáo hữu không ngại dầu phải chết cũng sẵn lòng giấu ẩn Ngài trong nhà.
Đức Cha vừa thấy Triệu thì ưng ý ngay, nên bảo Cha Quờn cho Viễn và Triệu gia nhập chủng viện.
Sắm Đồ Cho Tân Chủng Sinh
Phận hẩm hiu thì lúc nào cũng hẩm hiu. Có ai ngờ một người cục mịch như thế lại vào chủng viện? Ở với Cha Quờn mang tiếng là tập sự, nhưng không ai lo nghĩ đến tương lai của Triệu.
Chàng thanh niên này không có được một cái áo dài cho ra hồn. Cha Quờn phải vội vã bảo với mấy Dì lấy áo dòng cũ của mình cắt sửa, may một áo dài cho cậu Triệu. Giặt hai bộ đồ mặc đi làm đem theo, và đặc biệt, Triệu còn có một cái quần đùi mới tinh, mẹ cho hồi ở Lái Thiêu, Triệu giữ mãi đến nay không dùng đến.
Tắm rửa xong, lấy khăn vải bộc một bộc tất cả đồ đoàn rồi quảy gói lên đường. Còn tiền túi? Lúc giúp Cha Quờn, Triệu gặp đám hôn phối một thiếu phụ (mẹ cha Tôma Vàng) Triệu giúp lễ đội sách, được thưởng năm tiền, Triệu gởi các Dì giữ hộ nay xin lại mang đi. Các Dì cho thêm 5 tiền, Cha sở cho một quan, mẹ cho thêm một quan nữa. Thế là được ba quan.
Ba quan tiền này Triệu không xài một đồng kẽm nào cả. Đến ngày chịu chức Năm mới lấy ra đặt cho Nhà Kín may một áo trắng dài. Nhà Kín biết nguồn gốc số tiền ấy, nên cũng tính giá cái áo ấy ba quan thôi.
Đời Sống Trong Chủng Viện
Chủng viện lúc đó ở Xóm Chiếu, cậu Phêrô Triệu được học ở đó một năm. Nói là học, chớ thật ra phải làm việc nặng nhọc không kém chi giai đoạn giúp cha Quờn.
Chính trong đầu năm 1861, Cha Wibaux, đấng sáng lập chủng viện Sài Gòn đặt chơn lên đất Việt Nam .
Bề trên sai Triệu đi chở đồ. Cha con vừa gặp nhau thì đã mến ngay và giúp đỡ nhau cho đến chết.
Hành lý của Ngài là một rương quần áo, một rương sách, và một rương đồ lễ, hai chai đựng rược nước và một dĩa bằng chì mạ vàng, một chén nước thánh rất đơn sơ, và hai hộp khoai khô, cải khô.
Cha là nhà phú hộ, sang Việt Nam chỉ đem bấy nhiêu đó. Gương hạnh này in sâu trong tâm não của chàng thanh niên đang chạy theo một lý tưởng.
Từ đó, chàng phục vụ và quyến luyến Cha Wibaux cho đến ngày thọ phong linh mục và từ giã chủng viện.
Đức Cha ủy thác chủng viện cho cha Wibaux. Ngài bắt đầu cải cách. Trước hết Ngài bảo cắt đầu tóc chủng sinh, rồi thay vì chích khăn điếu, Ngài đội một thứ nón mà thời đó gọi là nón mả tà.
Chàng thanh niên thịt bắp vai rộng ấy lại có mớ tóc dài đuột đuột; cắt xong chàng gói ghém gởi về cha mẹ.
Phêrô lại thạo nghề may nên chế ra một thứ áo lót có bâu bằng vải ta trắng, xưa chỉ mặt áo lót không bâu như ghe bầu. Như thế cũng là một khía cạnh tân tiến.
Có cha Wibaux ở chủng viện, cậu Phêrô lại trở thành bồi phòng vừa nội trợ, làm từ dọn đồ lễ, làm Giáo sư vì dạy cha Wibaux tiếng Việt, mà có khi cũng làm vệ sĩ nữa.
Mỗi sáng phải dọn đồ lễ, giúp lễ, xong rồi dọn đồ điểm tâm: 1 chén cà phê, 2 trứng gà, một chút cơm hoặc cháo trắng, ít khi có bánh mì.
Ngoài ra, hễ Ngài đi đâu thường đem Phêrô theo. Vì thế học hành rất ít, không được học chung với anh em, Cha Wibaux dạy riêng cho một mình.
Câu Chuyện Tranh Đấu
Thời kỳ ở Xóm Chiếu, vườn có chuối mít chút đỉnh, rào giậu sơ sài; bọn hạch đen tàu đò, tàu buôn hay vào ăn cắp.
Phêrô bắt dẫn đến Cha Wibaux, Ngài mắng rồi đánh đuổi đi. Bọn chúng cũng không chừa, Phêrô tức nhiều lần bắt được không đẫn đến Cha nữa, loi ít loi rồi thả, Phêrô ỷ mạnh, tay đôi với chúng không sợ tý nào.
Nhưng có một bữa, Phêrô đi chở lúa về đang vác bánh lái và chèo lên cất; tụi hạch nhận thấy, chúng hú hí nhau dưới tàu rùng rùng kéo lên, lối vài chục đứa, cây hèo dao tu đủ thứ. Phêrô sợ lật đật đi nhanh hơn, chúng hô lên rượt theo, còn 50 – 60 thước nữa, Phêrô thấy bề nguy, tụi này nó làm thịt mình chớ không chơi, liền quăng chèo quăng bánh lái. Sẵn có nhiều đá ông, Phêrô lượm cục nào cục nấy đích đáng, quăng thí mạng trúng đầu, trúng bụng, chúng xô đẩy nhau té đùng cục, ẩu đả 10 phút mới bỏ chạy. Phêrô kêu Chúa, giục lòng ăn năn tội, tay chơn đấm đá hết sức bình sanh mới thoát nạn.
Chúng rút lui Phêrô ráng vác đồ về, áo rách rả, mồ hôi dầm ướt, tới nhà liệng bánh lái và chèo xuống rồi thì nằm xuống sòng sượt nóng ran cả người.
Cha Wibaux tưởng bị cảm, cho uống trà nóng pha rhum. Phêrô nằm li bì. Bữa sau tỉnh lại mới thuật lại đầu đuôi câu chuyện. Cha con cám ơn đội ơn Chúa.
Từ đó, hễ Phêrô thấy bọn hạch là tránh, cho tới 5 – 6 năm bọn cũ đi chừng đó mới hết sợ. Dầu vậy khi làm linh mục rồi có dịp đi Sài Gòn thấy bọn hạch cũng lạnh mình.
Vai Trò Vệ Sĩ
Trường Xóm Chiếu chỉ lâm thời. Cha Wibaux tìm trù liệu cất chủng viện nơi khu đất ngày nay.
Mặc dầu khu đất này vua Gia Long đã ban cho Đức Thầy Phêrô (Bá Đa Lộc), và khi Pháp đến họ cũng không thay đổi. Nhưng đến việc thì họ cũng làm khó dễ, họ cho rằng: Nơi đó hẻo lánh, sợ Việt quân khởi nghĩa đến đốt phá.
Cha Wibaux bền tâm nài nỉ mãi, sau cùng Đô đốc Bonnard mới nhượng cho Hội Giảng Đạo khu đất 7 mẫu, 4 cho chủng viện còn 3 cho Dòng Thánh Phaolồ.
Mỗi lần cha Wibaux đến dinh đô đốc thì thường đem Phêrô theo hộ vệ. nơi nào ngập lụt, trơn trợt thì phải cõng Ngài qua. Ngài mặc áo rộng, đến mới tròng áo dòng vào.
Có một bữa Ngài đau mới mạnh vào dinh đô đốc, các quan hỏi:
- Cha đi cách hay quá? Sức đâu mà đi bộ mãi? Bữa nay đau mới mạnh, chắc Cha đi ngựa phải không?
Cha chúm chím cười và nói: Có khi tôi cũng đi ngựa.
- Ngựa Cha cột ở đâu? Ở đây có ngựa cái coi chừng!
Phêrô nghe chột dạ quá. Mình cõng hết hơi mà còn cho mình là ngựa, bực mình quá!
Cha Wibaux ngó Phêrô thì quan hiểu.
Ngài cũng khoe Phêrô có đặc tài nấu cà phê. Nhiều lần đô đốc muốn nếm cà phê do tay Phêrô. Phêrô ra nghề và được tán thưởng.
Biết được câu chuyện đó, có người hỏi: Anh nấu cà phê cho đô đốc có khoái hay không?
Phêrô trả lời: Khoái gì thứ đó!Nấu như vậy có khó khăn gì. Lui cui cho họ uống mà mình mệt!
Tham Dự Hành Quân
Có vài trường hợp nhà binh Pháp không đủ tuyên úy, nên khi đi hành quân, xin cha Wibaux đi theo. Cha không quên mang vệ sĩ của Cha đi hộ tống.
Về già, có người hỏi Phêrô:
- Hồi đi hành quân, Cha Wibaux và ông có bắn ai không?
- Súng đâu mà bắn.
- Vậy chớ đi theo làm gì?
Cha Phêrô đáp lại: Hồi đó mình đi theo xớ rớ chơi thôi. Cha Wibaux trăm với quan lính Tàu, tôi có hiểu quái gì đâu. Cha có biểu, có hỏi chuyện gì, hễ tôi biết thì tôi nói, không biết thì cứ ngó thôi.
- Hồi đó ông sợ Việt Nam mình bắn chết sao?
- Tôi không nghe cũng không thấy Việt Nam mình bắn chết Tây. Hồi tôi ở Lái Thiêu nghe tàu Tây lên Búng, lên Thủ không bắn chết một người Việt nào cả. Nghe súng là người Việt mình chạy mất, dễ gì mà Tây bắn được, mà mình cũng không ở gần để bắn chết Tây.Tôi không sợ gì nhưng có điều là chán quá, mình không hiểu chi cả.
- Tây có sợ Việt không ông?
- Bọn họ sợ nên mời Cha Wibaux đi theo. Rồi vì khinh thường mà họ bị đánh tơi bời ở Chí Hòa, Bà Quẹo. Bây giờ còn mộ bi, còn mả thấp thấp dọc đàng đó.
- Ông biết Việt Nam mình cũng bắn chết Tây, sao ông dám đi theo trong cuộc khôi phục Chí Hòa? Quan quân có súng, còn cha Wibaux và ông tay không, chúng bắt được chắc là mổ bụng.
- Thật nghe họ chết mình cũng ghê, nhưng đâu phải chết một mình. Mà chết như thế cũng vì phần rỗi người ta. Nếu có đụng trận chắc Cha Wibaux cũng giúp cho quan quân tử trận.
- Nghe nói trận Chí Hòa, Bà Quẹo hai bên đánh nhau kịch liệt lắm phải không ông?
- Đánh đâu lúc trước, chớ bữa tôi đi, thì Tây xả súng bắn một hồi như bắn trong rừng già, rồi nghe im lìm. Tôi định Việt Nam mình chạy hết. Tây đốt phá rồi kéo về. Hồi xưa đánh giặc như đánh đấm đánh cú chơi vậy, chớ bây giờ nghe nói có máy bay, súng ống gì bắn xa cả trăm cây số.
- Cha Wibaux và ông có công với chánh phủ Pháp, sao không xin cho ông mề đay đeo chơi?
Cha già nghe nói cười ngất.
- Thôi để chừng ông trăm tuổi già, sẽ xin cho xác ông được chôn gần mộ bi, ông chịu không?
Ngài rất đơn sơ, nghe câu nói trào phúng cũng tưởng là nói thật, nên Ngài cản lại: Làm rộn người ta làm, để tôi nằm chung với các Cha vui hơn.
Công Tác Trong Chủng Viện Thánh Giuse
Cha Wibaux xin được đất, thì thường bữa Cha con lên dọn dẹp, đào móng và coi giúp công thợ xây nền. Cha nhờ cha mẹ và người em bên Pháp gửi cho, dùng xây cất và nuôi chủng sinh cho đến khi Cha qua đời.
Công việc xây cất chủng viện thì Thầy Phêrô Đậu như đốc công còn Phêrô Triệu như tay thầu vật liệu. Phêrô với ít tên bạn qua lại Xóm Chiếu là nhà trường cũ, bè về Bến Tượng (?) hay về Bason. Các vật liệu : Vôi, Cát, gạch, đá chi đều do Phêrô chuyên chở. Biết bao phen lặn lội chèo chống, khiêng gánh…dầm mưa, dải nắng. Hể Thầy Đậu hô đâu thì có Phêrô xoay sở đủ cách cho đủ vật liệu.
Khi bè cây Xóm Chiếu về Sài Gòn. Cha Wibaux có dặn: Hể có ai hỏi: à qui? Thì trả lời: “francais”, thế là được tự do.
Thầy Đậu thấy Phêrô mạnh dạn, nên khi đi đến nhà Hộ Phương, Hộ Vấp ở Chợ Lớn đổi bạc nén ra tiền quan về xài thì cũng nhờ Phêrô đi hộ vệ để mang gánh.
Xây cất xong thì phần việc hằng ngày của Phêrô là làm từ giúp việc phòng áo, lo săn sóc cho mấy chú nhỏ mới vào, nấu nướng, trồng tỉa, nuôi gà vịt….
Phêrô làm từ một mình, sau mới được thầy Sáng tiếp tay (thầy Sáng thân phụ ba Cha Quyền, Chánh, Nhơn) Nói được Phêrô làm từ cho đến chết.
Phêrô lo giặt ủi đồ lễ, mạng vá, giữ đèn cho khỏi hao phí, lau chùi chơn đèn bóng láng….
Đối với các em mới vào Phêrô phải coi sóc, may vá, giặt ủi, tắm rửa một tuần ba lần, có khi hơn nữa. Phần nhiều mấy em không biết sạch dơ chi cả, chạy chơi lăn té, quần áo lấm láp, rách ngang rách dọc;tuông cây tuông đá, trây trét chiếu mền….Phêrô chịu khó dạy bảo, năm này sang tháng khác, không bao giờ phàn nàn, đánh rầy ai. Phêrô cũng sáng chế một bàn ủi bằng đồng có kiểu đặc biệt rất dể ủi. Lúc làm Cha sở Nha Ràm vẫn còn giữ.
Trong các chú nhỏ, Phêrô phải cực nhiều với chú Lịch sau là Cha G. Lịch vì em Lịch phù thũng, Phêrô bồng ẵm khổ cực như mẹ lo cho con. dầu vậy cũng không thuyên giảm, Phêrô phải đành gởi cho cha là ông Thới nuôi hộ. Lúc ông xuống thăm, Phêrô gởi Lịch cho ông mang về, ông cỏng xuống thuyền, chở về nhà cơm thuốc mấy tháng trời. Ông lội đi hốt thuốc ở Búng, Bà Trà hay Thủ, bất kể ngày đêm, rách hết ba cây dù giấy.
Phêrô cũng lãnh làm bếp cho chủng sinh và các Cha. Các Cha thì có một bà già đảm nhiệm, nhưng Phêrô cũng phải trông nôm, ngày thứ 6 thì phải nấu thêm đồ Việt cho các Cha dùng. Còn đối với chủng sinh thì Phêrô rất thạo, biết mua ăn vừa miệng, biết làm mắm, xẻ khô làm dưa đủ món ăn.
Bị Hiểu Lầm
Dầu khổ nhọc với chủng sinh nhưng cũng không khỏi bị hiểu lầm.
Nguyên có một bà Lái tên Sáng thường hay cho chủng viện cá mắm….Có bán thì bán với giá rất rẻ. Lần kia bà cho một mớ khô tra mới.
Dịp lễ phong chức, Phêrô lấy vài con nướng cho các thầy ăn chơi cho vui miệng, lại được hưởn thời giờ để khách ăn uống.
Cha quản lý Ximong hay được, kêu lên quở: Đồ phí của, tội lớn lắm, không đáng chịu chức.
Phêrô trình bày, thế nào Cha cũng không nghe, lại cho Phêrô là người miệng lưỡi và lảng phí của chung.
Phêrô chắc cũng bực mình nên xuống lấy hai con khô đem lên cho Cha xem. Hai Cha con đưa vô đẩy ra vài lần, Cha Ximong phát cáu la ó lên và chạy đi méc Bề trên rồi về phòng đóng cửa cứng ngắc.
Cha Bề trên hiểu rõ hai đàng nên giải hòa êm thấm.
Một lần nữa Phêrô ra thùng rược chát, còn thùng không Phêrô đổ vào vài thùng thiếc nước, lăn qua xốc lại, rồi để một vài tuần, được một mớ giấm rất ngon.
Cha Ximong tưởng Phêrô ăn cắp rượu làm giấm nên lại quở và nói Phêrô không đáng ở nhà trường. Phêrô nói rõ mình làm như thế nào, nhưng Cha không tin. Đợi đến kỳ sau ra rượu một thùng khác, Phêrô thực hiện mánh khóe mình trước mặt Cha Ximong. Vài tuần sau nước trong thùng rượu thành giấm rồi hai bên mới ngọt với nhau.
Từ đó, Cha Ximong thương thấy Phêrô, tin cậy giao phú mọi việc, lại được tự do xuất phát.
Phêrô lại hô hào cho chủng sinh xúm nhau trồng tỉa rau cải hành hẹ ăn xấp thới, mà cũng trồng những cây ăn trái như chuối, xoài, mít, bưởi, Phêrô hốt phân gà phân heo …bón cho cây tươi tốt.
Ngoài ra lại lãnh nuôi heo gà. Trong chuồng có cả 100 con heo. Mỗi tuần hạ một hai con. Trứng gà mỗi ngày lượm ngót 100 trứng. Thừa thải, có bán bớt nữa.
Sống Ngoài Lề Chủng Viện
Với những công việc bề bộn như thế, có thể nói Phêrô sống ngoài lề chủng viện. Cha Bề trên cho Phêrô ở trong cái kho như phòng riêng.
May vá, ủi đồ, sửa cuốc vá, bó chổi, đục đẽo đóng thùng xách nước đều làm tại đó.
Thời gian đó Phêrô nhiểm một tật xấu là hay uống rượu. Ban đầu vì lặn lội, bị phong thấp nên xin Bề trên cho phép uống rượu thuốc. Lần lần quen, hễ vắng rượu thì cảm thấy mệt nhọc không thức đêm nổi. Nhiều lần muốn bỏ, nhưng thấy việc phải làm cho xong nên lai rai uống. Rượu đế lúc đó có vài tiền là mua được một chai vuông cả lít rượu ngon, Phêrô chuyền chuỗi được bao nhiêu tiền thì bỏ vào rượu. Nhưng sau giựt mình, Phêrô đến sấp mình dưới chơn Cha Bề trên xưng lỗi. Bề trên dạy phải chừa. Phêrô tuân lịnh. Từ đó dùng chai vuông đựng nước và giữ mãi chai đó cho đến khi về coi họ Nha Ràm vẫn còn, để nhớ lầm lỗi của mình khi xưa. Ôi, con người có chí khí.
Trong kho có bàn ghế, nhưng học hay đứng thì thầy Phêrô cứ đứng vì cho rằng đứng viết khỏe hơn, lại khỏi mòn áo dòng. Phêrô giữ lệ thói nầy cho đến lúc già yếu. Sống bên lề như thế nên việc học hành rất kém. Không phải vì ít trí, nhưng vì giỏi việc, ai cũng thích cái dể khiến, nên không đủ thời giờ học hỏi.
Mới vào chủng viện học với Cha Triêm một năm, giờ rảnh học chữ nho hoặc đọc sách chữ nôm.
Khi còn ở nhà ông Thới có dạy chữ quốc ngữ và cho học chữ nho. Ở với cha Quờn thì học thêm vài tuồng chữ. Quốc ngữ đọc xuôi viết chạy, còn nho thì mò, nôm nhắm chừng.
Trong chủng viện, Cha Wibaux cũng có dạy riêng tiếng Pháp, nhưng Phêrô chỉ coi hiểu chút đỉnh, nói không đúng mấy.
Triết học, Thần học giảng dạy và làm các phép bí tích đều học riêng với Wibaux.
Một con người đầy thiện chí, ở trong hoàn cảnh không cho phép dùng lý trí thì lại dùng sức lực mà làm cho ơn thiên triệu phát triển.
Cha Quờn thấy Phêrô, mặc dầu cực nhọc, đa đoan, nhưng cũng học hành được và Bề trên khen ngợi thì mới biết Chúa kêu gọi Phêrô.
Năm 1869, Phêrô chịu cắt tóc, cha Quờn đem cho Phêrô ít đồ ăn và vài quan tiền. Đến lúc chịu chức năm thì Cha Quờn đến ôm Phêrô khóc ròng.
Ngày 18-09-1875 Đức Cha Colombert truyền chức linh mục cho Phêrô. Cha Quờn khi đó quì dưới chân đứa con mình bạc đãi, xin ban phép lành và có lẽ cũng xin tha thứ những đối xử ngày xưa.
Buổi vinh qui nó ngắn ngủi làm sao ấy!Lễ tạ ơn Chúa, lễ cầu cho ông bà vừa xong, nghỉ một hai ngày, chưa lại sức thì ông Thới hối tân linh mục về lại chủng viện để dọn đi họ. Ông nói: ở nhà không làm phận sự được, mất thời giờ, kẻ tới người lui rộn ràng.
Đó là đường lối ông đào luyện, ông không thích cho con tỏ vẻ quyến luyến gia đình. Trong nhà có việc chi cũng không muốn cho con hay. Rủi có hay thì ông cũng bảo con cứ an tâm, ở nhà cha mẹ tính được.
Phần khác, Phêrô mến Cha Wibaux, còn các Cha lại thích sai khiến nên tháng nghỉ it ở nhà, chỉ về vài ngày rồi trở lại chủng viện.
Từ nay chàng trai lực lưỡng trước kia gieo trong khổ nhọc, bây giờ gặp trong vui mừng. Anh em bạn linh mục và giáo hữu đều tôn trong yêu mến.
Đời Sống Linh Mục
Chịu chức xong Cha Phêrô Triệu xin Đức Cha cho ở lại chủng viện lo việc bếp núc, giúp các Cha và chủng sinh. Bề trên Wibaux nói hết lời mới chịu ra họ.
Cha Ximong làm Cha sở Tha La, trước làm quản lý chủng viện, có lần hiểu lầm về vụ cá khô với giấm rượu; nhưng sau thành thật thương Phêrô, bây giờ nài quyết Đức Cha cho Phêrô đến làm phó.
Thấy Cha phó nghèo, Ngài cho dùng tất cả đồ vật riêng của mình. Cho đến chỗ ngủ, một bộ ván lớn cũng chia hai, mỗi Cha ngủ một phía.
Thỉnh thoảng hai Cha nướng khô trộn giấm ăn chơi để nhớ chuyện lôi thôi hồi ở chủng viện.
Cha sở cũng biết Cha phó thích bắn súng nên mua súng và thuốc đạn thừa thải. Cùng nhau tập bắn, thường treo ve chai, dùi đục làm bia, bắn đạn chiếc, sao cho lọt vào miệng ve mới hài lòng.
Vì thế Cha Phêrô bắn rất tài. Ngài sắm súng và giữ mãi, khi bỏ Nha Ràm đạn dược vẫn còn nhiều.
Quyến Luyến Chủng Viện
Cách một tháng Cha Phêrô có dịp về chủng viên, Bề trên Wibaux mừng rỡ hỏi han…Bữa sau Ngài hối về Tha La nhưng cha Phêrô biện lẽ mắc việc phải ở lại. Ngài hiểu ý, nhưng làm không biết và để ở lại một ngày.
Qua ngày sau Bề trên Wibaux ra vẻ nghiêm nghị rầy quở: Hễ trẻ con lớn lên rồi phải thôi bú, phải lo phận sự, phải lo xử lấy, đừng làm như con trẻ, mỗi chuyện mỗi hỏi…..Nếu về chủng viện có việc thì được, nếu về vì muốn tránh coi họ thì Cha không cho ăn ở nữa!
Cha Phêrô khiếp vía, cúi đầu ríu rít ra đi và tự bảo: Từ xưa tới nay Bề trên luôn luôn êm dịu với mình, sao bây giờ lại nghiêm nghị thế?
Từ đó Cha Phêrô không dám bịn rịn nữa.
Mặc dầu mến chủng viện, nhưng các công việc Cha Phêrô đã làm, đúng hơn là những cây trái Ngài trồng, mỗi khi về chủng viện thì đi khảo qua nhưng cây trái đó, dầu vậy, Bề trên hay ai đó muốn đốn bỏ cây nào chỗ nào thì tùy ý không khi nào Ngài phản đối.
Hai Người Hai Con Đường
Cùng vào chủng viện với ngài là Viễn. Đức Cha Lefèbvre đoán trước rất đúng.
Viễn học đến gần mặc áo dòng thì xin hồi tục. Trước khi ra đi, từ giã anh bạn xưa: Anh rán ở lại học hành, làm linh mục sau làm phép hôn phối cho tôi. Nói chơi hay nói thiệt không biết mà lời đó hóa thành sự thật.
Cha Phêrô làm phó Tha La thường hay đến Bàu Tre làm lễ. Bàu Tre chữa có nhà, phải tạm làm lễ trong nhà ông Câu.
Bữa kia Cha Phêrô rất ngạc nhiên khi thấy Viễn quỳ chịu phép hôn phối với trưởng nữ ông Câu là Cao Thị Nhị. Xong lễ đàng ai nấy đi không ai nhắc lại lời nguyện hứa trước.
Cách vài mươi năm sau. Cha Phêrô về Bình Sơn ký tên bán đất ông cha để lại. Cha sở Búng chụp cơ hội, mượn Ngài làm lễ hôn phối tại Bình Sơn. Bất ngờ hơn nữa cũng lại là Viễn. Xong lễ Viễn ra cám ơn Cha.
Cha hỏi: Chị trước chết thế nào, để lại mấy con?. Tôi tưởng chứng hôn phối cho Thầy một lần thôi, ai dè còn bữa nay nữa. Thầy đã đặt cọc rồi nên tránh tôi cũng không được. Bây giờ làm ăn phát tài không?
Viễn đáp: Nhờ ơn Chúa cũng đủ chịu, nhưng sao bằng Cha. Hồi nhỏ Cha cực khổ với Cha Quờn, bây giờ Chúa thưởng mạnh khỏe, yên ổn, còn tôi làm đủ thứ thầy mà không yên thân, không ai kính trọng: Thầy thuốc, thầy giáo, thầy phù, thầy pháp gì đủ thứ hết; lặn lội các cách mà không ra trò trống gì. Cha hiện giờ coi trẻ bân, còn tôi bắt đầu lụm cụm rồi!... Ông thầy Viễn này có biệt tài chữa mắc xương.
Nha Ràm
Ngài làm phó Tha La 4 năm. 1879 đổi đi Mỹ Hội cho đến 11-08-1881, Đức Cha thuyên chuyển Ngài coi họ Nha Ràm. Ngài ở mãi nơi đây cho tới 21-09-1933 mới được về hưu ở Chí Hòa.
Nha Ràm xem ra bình thản nhưng Ngài hy sinh rất nhiều. Với cái vốn học có phần khuyết kém, mặc dầu hiểu mau đoán trúng, nhưng Ngài nhìn nhận anh em thông giỏi hơn mình. Hễ có chi thắc mắc, thì liền bàn hỏi Bề trên hay anh em, không e ngại.
Sách vở không được mấy quyển. Đặc biệt bộ sách thần học. Ngài giữ và đọc đi đọc lại, cho đến khi không còn chi phải tìm tra cứu nữa, tại bộ sách đã quá cũ kỹ, Ngài mới dẹp một bên.
Quyển Directoire bằng Pháp ngữ cũng là bạn đường của Ngài. Ngài xem và giữ rất đúng luật địa phận. Ngoài ra, Ngài cũng ham đọc Novum Testamentum, De imitatione, Coeleste paimetum.
Đó là những sách tối cần cho đời linh mục.
Nhờ ở lâu trong họ, Ngài thấu đáo tâm lý địa phương, tòa trong tòa ngoài gì Ngài cũng giải quyết rất đúng đắn. Việc giảng dạy, Ngài cứ sách phần Phúc Âm và Cựu Uớc, những điều nghe thấy thì truyền lại cho giáo hữu, không nói chi cao kỳ, bóng bảy.
Một Vài Đặc Điểm
Cha Phêrô hằng giữ đức khó khăn, Gương hạnh Cha Wibaux in sâu trong trí não.Cả đời, Ngài không thích sắm chi quí báu. Cho đến đồ lễ, Ngài cũng chỉ dùng những bộ áo đã lãnh khi chịu chức, và bộ áo tím Ngài giữ cho đến chết, dùng liệm xác cho khỏi tốn của chung.
Một nữ tu hiện còn sống, lúc thiếu thời đến thăm Ngài, thấy nhà cửa, vật dụng quá thô sơ phải buột miệng khen: Thật chúng con khấn hứa, mà Cha còn thanh bần hơn chúng con nhiều.
Một thói lệ ở chủng viện, Ngài là làm từ, Ngài tiếp tục giữ mãi khi làm linh mục, làm Cha sở. Dầu có các Dì giúp, Ngài cũng tự dọn, sắp bánh lễ, rót rược nước, giữ đền chầu, cất chìa khóa nhà tạm, đóng mở cửa nhà thờ. Mỗi ngày ôm hộp chén thánh xuống, làm lễ xong lại mang lên.
Vấn đề may mặc cũng thế. Chủng viện may cho kẻ khác, nay coi họ cũng tự may cho mình, may vá cho các trẻ cô nhi Ngài thường coi trong nhà, giờ rảnh cũng may hộ cho các trẻ nghèo khổ.
Có công việc Ngài ham thích, như trồng tỉa, bây giờ phải hy sinh. Nha Ràm nước mặn không trồng chi được, rau cải Ngài cũng không trồng, không nuôi heo gà cho có lợi. Ngài sợ các việc đó ràng buộc, làm thiệt thòi cho đời sống nội tâm và công việc tông đồ.
Nha Ràm nhiều họ lẽ, lắm nơi phải đi thuyền, nhiều lần chính Ngài chèo cho bạn thuyền nghỉ.
Khổ cực nhưng Ngài không bao giờ than phiền và mong đi nơi khác.
Siêu Thoát
Cha Phêrô yêu thương mọi người, nhưng không quyến luyến với ai cả
Chính nhờ thân phụ là ông Câu Thới đào luyện từ bé. Ông thường gần gũi các Cha, nhưng biết được nỗi khổ các Cha vương vấn và cũng biết những Cha khôn ngoan đã giải quyết như thế nào. Vì thế ông thường khuyên con sống sao cho xứng đáng chức vị linh mục.
Ông dặn: Đừng cho con cháu tới lui, đừng lo cho bà con. Làm như thế giáo hữu sẽ bất bình và sinh lòng ganh tị. Nhứt là cháu gái cần phải cẩn thận hơn nữa.
Đối với kẻ giúp việc ông cũng bảo: Phải ở cho công bình, đừng vì nuôi dưỡng, mến tay mến chơn, tin cậy thới quá hoặc bù xớt cho nó. Của cho như vậy không lợi mà hại, vì chúng lạm dụng của chung tất phải đền trả, thường chúng phải nghèo khó suốt đời.
Lời khuyên này ông giữ trước. Những năm ông còn khỏe ông cứ lệ đi thăm con. Hễ tới mà thấy Cha Phêrô đọc kinh, ngồi tòa hay dạy dỗ….Ông không khi nào chịu cho người ta đi trình. Như mau thì ông đợi, bằng không thì ông ở dưới ghe đợi. Ông không chịu cho người nhà Cha Phêrô hay bổn đạo trong họ lo lắng cho ông, khi không có Cha Phêrô ở nhà.
Ông không chịu ăn trên ngồi trước ai, cứ theo ngôi thứ tuổi tác. Ông cũng không dùng đồ dùng của Cha sở, ăn chung với Cha sở, vì Cha sở là bề trên
Với những lời khuyên và gương hạnh như thế, Cha Phêrô kể mình như Melchisedech, không vị thân vị kỷ.
Thân phụ của Ngài già yếu bịnh hoạn, nghèo túng phải nương dựa người con thứ ba tại Lương Hòa. Mỗi tháng Ngài đến gặp Cha Tôma Đoan về việc riêng, Ngài dùng dịp ghé thăm thân phụ. Giúp tiền bạc gạo thóc vừa đủ cha phụng dưỡng, không vì huyết mạch mà tổn phí vô ích. Ngài bàn hỏi với Cha Tôma coi thân phụ mình cần những gì, hao tốn bao nhiêu rồi Ngài giúp bấy nhiêu đó thôi.
Nhà Ngài thì có cô nhi ở thường trực, có em cháu tới thăm, Ngài hỏi ít lời rồi lo việc mình, không mấy khi mời lại ăn uống ngủ nghỉ.
Chính Ngài cũng không ăn ngủ trong nhà anh em ruột. Dầu lúc thân phụ còn sống, mỗi tháng về thăm song không dùng cơm tại nhà người anh. Còn một em út ở trên đường Ngài qua lại. Gặp cháu cũng không cho tiền bạc, bánh trái chi, cũng không nâng niu. Anh em có nghèo cũng để vậy, không giúp cho công ăn việc làm.
Có một lần em út là ông Đăng mua số đất giá 30 đồng mà không tạm mượn đâu được. Mới đánh liều chạy tới Ngài mong Ngài cho mượn rồi sau trả lại. Ngài nói: Tôi không có dư. May ra, bà bếp mới bán heo của bà nuôi riêng được một số tiền, bà cho mượn, mà Ngài nhứt định không bảo lãnh.
Đáng lý đối với bà Ca, là em ruột cũng một chí hướng đi tu, Ngài phải thương mến nhiều, nhưng Cha vẫn tỏ vẻ lạnh nhạt đến nỗi có Dì đi theo thấy thế tưởng là một Cha lạ. Nói chi người em dâu, có lần chở khoai về Nha Ràm. Lỡ con nước, ghé thăm Ngài. Ngài thấy thì hỏi: Chị nào lạ đây? Đi có việc chi? Em dâu kể lý lịch xong, Ngài hỏi trổng: Đi đâu dưới này, chừng nào về? Người em dâu thưa: Dạ thưa về bây giờ. Thưa xong xuống ghe ra về, không ai hỏi chuyện gì hơn nữa.
Những Ngày Tàn
Ngọn đèn nhân thế dầu sáng rở đến đâu rồi cũng có ngày tàn lụn. Cha Phêrô Đoàn Công Triệu phục vụ họ Nhà Ràm trên 50 năm. Ngài được 90 tuổi, sức lực đến đâu cũng phải thấy lưng mỏi gối dùng. Nên chỉ Ngài đã xin Đức Cha cho về hưu dưỡng ở Chí Hòa ngày 21-09-1933.
Cùng ở hưu dưỡng có hai Cha Gioakim Lịch và Anrê Miều. hai Cha này nhỏ tuổi hơn Cha già Phêrô nhiều. Nhớ lại những ngày nào Cha già bồng ẵm, săn sóc, đâu có ngờ ngày nay lại già một lượt.
Ba năm sau cùng ở Chí Hòa, sức khỏe Ngài kém dần, và đến ngày 28-07-1936 hồi 11 giờ trưa, Ngài tắt thở an nghỉ trong Chúa.
Xác thể Ngài được an táng trong đất thánh các linh mục tại Chí Hòa.
Tuy bên ngoài phải vùi sâu dưới ba tấc đất, nhưng đối với ai nhìn lại khoảng đời của Cha Phêrô, chắc không khỏi ngậm ngùi thương mến.
Gian lao khổ nhọc không lay chuyển được chí kiên trung. Không dùng tác dụng huy hoàng để chinh phục, mà cùng với Chúa Giêsu trên đỉnh Golgotha , nêu lên tấm gương thu hút nhân loại.
Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm, Vic.Gen, Sài Gòn, 1963
(Viết lại từ “Hạnh tích cha già Phêrô Đoàn Công Triệu” của Lm. Phaolô Đoàn Thanh Xuân, trên báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1936, 1937.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét