ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 12 tháng 7, 2021

" Khi Núi không là Núi, Sông không là Sông"...

 "KHI NÚI KHÔNG LÀ NÚI, SÔNG KHÔNG LÀ SÔNG" ...

Quí bạn từng nghe GS Stephen Hawking cho rằng không cần thiết có Thiên Chúa trong sự tạo dựng vũ trụ?

Và bạn sẽ nghĩ gì, nếu biết rằng GS Stephen Hawking là thành viên Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học (từ năm 1968), được trao "Huy chương vàng Pius XI" vào năm 1975 do Tòa thánh Vatican tặng thưởng?

&1&

"Stephen Hawking khẳng định thế giới không do Thượng đế tạo ra" - một cao tăng của "Phật giáo 81" (*) viết stt như vậy, rất hoan hỉ, trên facebook.

Thực ra một giáo sư vĩ đại như Hawking không ăn nói quàng xiên gọi là phủ nhận Thượng đế, mà là ông phủ nhận "ý niệm về Thượng đế". Xin chú ý câu nói của GS Stephen Hawking, là "không cần thiết có ý niệm Thiên Chúa (trong sự tạo ra thế giới/vũ trụ)".

Sự khác biệt tinh tế cỡ đó, liệu cao tăng của "Phật giáo 81" có hiểu nổi?

&2&

Tại sao Hàn lâm viện Giáo hoàng về Khoa học - gồm có những vị "tin vào Thiên Chúa" lẫn những vị như GS Stephen Hawking phủ nhận "ý niệm" về Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ?

Bởi vì khoa học không đứng bên ngoài ngưỡng cửa của Đức tin Công giáo. Thiên Chúa là một lời kêu gọi cùng nhau tìm kiếm. Trên hành trình tìm kiếm, không thể không xảy ra giai đoạn... "phủ nhận ý niệm về Thiên Chúa"!

Nghĩa là thế nào?

&3&

Thoạt đầu, khi thấy núi thấy sông, ta gọi "NÚI LÀ NÚI, SÔNG LÀ SÔNG".

Nhân loại luôn tra vấn về sự khởi nguồn, đó là tiến trình bình thường và lành mạnh về mặt luận lý lẫn luân lý.

Trong cách nhìn hết sức căn bản - mọi sự luôn có sự bắt nguồn, con cái phải từ cha mẹ, cha mẹ phải từ ông bà, và cứ thế lần ngược trở lên, và nhìn rộng ra mọi sinh linh vạn vật - để xác lập tiên đề: Vũ trụ phải có sự khởi đầu.

Trong Kitô giáo mệnh đề này được phát biểu: "Thiên Chúa tạo dựng ra vũ trụ".

Tâm trí được đẩy đến tận cùng của luận lý: thế thì... sự khởi đầu của khởi đầu là gì? Một vòng lẩn quẩn của con gà và quả trứng, cái nào có trước.

&4&

Trong vật lý học lượng tử, "thời gian" luôn gắn chặt với "không gian". Hay nói cách khác, "thời gian" trở thành khái niệm hoàn toàn ảo / vô nghĩa nếu không có sự hiện hữu "không gian".

Trước khi hình thành vũ trụ theo thuyết Big Bang, tức là "không gian" chưa hiện hữu, vậy làm gì có "thời gian"? Mà "sự khởi đầu" lại là một khái niệm thuộc về thời gian. Đã không hiện hữu khái niệm "thời gian" thì cũng không thể hiện hữu khái niệm về "sự khởi đầu"!

Do đó, nếu hiểu Thiên Chúa như một sự khởi đầu (tạo nên vũ trụ) THUỘC VỀ thời gian / nằm trong dòng thời gian, là hoàn toàn vô nghĩa (nonsense)! "Không cần thiết có Thiên Chúa trong sự tạo dựng vũ trụ" (Stephen Hawking) là vì vậy.

Nhà thiên văn học Guy Consolmagno, đồng thời là vị tu sĩ dòng Tên, nói rõ hơn: ngài cũng phủ nhận Thiên Chúa theo cách mà Stephen Hawking phủ nhận! Hay nói đúng hơn là phủ nhận một "ý niệm (cách hiểu) về Thiên Chúa".

Cả Stephen Hawking lẫn vị tu sĩ Guy Consolmagno đi đến giai đoạn "đảo lộn" nhận thức ban đầu, thấy NÚI KHÔNG LÀ NÚI, SÔNG KHÔNG LÀ SÔNG như trước.

&5&

Để thấy NÚI LẠI LÀ NÚI, SÔNG LẠI LÀ SÔNG thì phải cần đến "một bước nhảy" trong hành trình tâm linh!

Thiên Chúa "phi hữu" mà lại "thực hữu" hoặc "hằng hữu" - theo cách gọi trong Kitô giáo, nằm ngoài mọi khái niệm về thời gian & không gian.

TẠM THAY LỜI KẾT

"Hãy đem chân lý vào chốn lỗi lầm"

("Where there is error, let me bring truth", St Francis Assisi).

"Chốn lỗi lầm" ở đây là những nơi thiếu lương thiện, hiểu chưa tới nơi tới chốn đã vội nói xằng nói bậy. Là những kẻ không có "thiện tri thức", gieo hôn ám đối với chúng sanh.

-------------------------------------------------------

(*): "Phật giáo 81": Tổ chức "Giáo hội Phật giáo VN" thành lập vào năm 1981, tại Hà Nội, nên gọi tắt như vậy để tránh nhầm lẫn với Phật giáo VN có từ xa xưa.


Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét