TRUYỆN
NHÀ PHƯỚC CÁI MƠNG
Bị
bắt vì đạo năm 1858
(Nay
giáp 50 năm)
Nhà Phước Cái Mơng có từ
năm 1844, là năm Tòa Thánh đã chia Lục Tĩnh nầy, làm nên một Địa Phận riêng.
Vào năm 1851, Đức cha
Gioang đã chọn bà Mátta Lành làm Bà Nhứt Nhà Phước Cái Mơng.
Khi cha Tám chết, thì cha
Lượng về Cái Mơng chừng 4 năm; sau cha Lượng về Chợ Quán, thì đổi cha Lựu thế lại.
Cha nầy thấy các người nhà phước ở chật chội hẹp hòi, thì đã dạy lấy cột gỗ tốt
mà làm cho các chị một cái nhà rộng rãi phải thế.
Năm 1858, cha Lựu (1)
đổi đi Ba Giồng, thì cha Tùng thế cho người ở Cái Mơng, tới cuối tháng
Novembre thì cha Vêrô Quí mới chịu chức đến giúp người.
Năm 1858, đến lễ ĐC Bà chẳng
hề mắc tội tổ tông, là lễ đức cha đã chọn làm bổn mạng Nhà phước, thì các người
Nhà Phước đã dọn bàn thờ, chưng để rực rỡ lắm, lại cũng là chuyện ít có lúc ấy,
là các dì đặng xem lễ cha Tùng làm tại nhà thợ Hớn, và lễ cha Quí làm tại nhà
chú Hòa, chẳng cách xa Nhà Phước bao nhiêu.
Khi lễ rồi mà về Nhà Phước,
các chị đang hiệp lại mà lót lòng, bỗng chúc chú Thân và câu Đoài chạy tới cữa
Nhà Phước bộ sợ hãi, mà nói cùng dì giữ cữa rằng:
-
Lính tới đó, đi thưa với bà cho bà hay.
Dì Miều ngó ngoái lại,
thì thấy lính đã vô tọt rồi; dì ấy chạy vô nhà cơm, thấy đã có lính khác ở đó nữa.
Khi ấy bà nhì Trinh cầm cuốn sách mới đọc mấy hàng thì lính giựt đi, nó lại đi
soát cùng nhà, trông gặp đặng các cha, người ngoại kia ở Cái Nhum cáo báo tại
quan tĩnh.
Bà Mátta Lành là bà nhứt
ra dấu cho các chị biểu trốn đi. Bỡi khiếp quá, thì không ai động dụng gì, sau
hết thì nhiều người mới tản đi. Mà có nhiều người: là dì Mầu, dì Đã, dì Điển,
dì Ngọ, dì Miều ở đó cùng bà nhứt cho đến ba giờ chiều. Cha Tùng viết ít chữ dạy
các dì phải đi đi. Còn bà nhứt phải ở lại đó, như chủ nhà cho lính khỏi khuấy
khỏa trong họ.
Các chị vưng lời mà đi.
Song có dì Ngọ, dì Miều thưa cùng bà nhứt, theo lề luật, thì bà không nên ở lại
một mình, cho nên hai dì xin ở lại cùng bà. Dì Miều còn nhỏ quá, thì bà bề trên
biểu phải đi, còn có một mình dì Ngọ ở với bà nhứt mà thôi.
Đang khi quân lính lục soát
trong nhà, hễ gặp vật gì vừa ý, lúa gạo, lụa hàng, hoặc vải sồ, là những món
trong nhà dệt thì nó lấy hết.
Cha Quí muốn ra nộp mình
cho lính mà nói với nó cho rồi:
-
Các người kiếm đạo trưởng, thì tôi đây,
hãy tha cho mấy người nhà phước nầy đi.
Cha tính vậy, mà người ta
cản lắm, thì người mới thôi.
Sau hết thì ông huyện ở
Ba Vát mới tới ngồi, rồi day hỏi các người nhà phước rằng:
-
Hai chị có chồng không?
-
Bẩm ông, chúng tôi không có chồng; chúng
tôi ở đồng trinh cho đẹp lòng Chúa.
-
Nhà nầy rộng lại tốt, thì để làm chi? Chắc
là để mà chứa đạo trưởng bổn quốc hay là tây dương gì đây phải không?
-
Bẩm ông, nhà nầy để nuôi những đứa con gái
cha mẹ nó gởi cho ăn học.
Đó rồi ông huyện dạy làm
hai cái gông cho hai người nhà phước, và bốn cái nữa, cho thôn Trước, và hương
Liệu, hương Hòa, và chú Ngoạn là người bổn đạo ở gần Nhà Phước; hồi ấy lính gặp
mấy người nầy đương lo dọn đồ trên bàn thờ mà giấu. Khi đã đóng gông các người
rồi, thì người ta dẫn xuống ghe, chèo thẳng lên Vĩnh Long là tĩnh thành.
Khi đi ngang qua họ Cái
Nhum thì bà nhứt biểu chú Ngoạn; chú liền kêu lớn chói lói ba lần rằng:
-
Nầy Cái Nhum! Cái Mơng bị bắt rồi, họ đem
đi tòa Vĩnh Long.
Nói làm vậy là có ý kiếm
thế mà cho cố Hòa hay, cố là bề trên địa phận đang trốn trong làng.
Ghe tới Vĩnh Long hồi bảy
giờ ban mai, thì đội Trượng là người quản suất lính sai đi bắt, chạy báo cho
các quan hay mình đã bắt đặng nhiều người. Tức thì quan tổng đốc, quan án, quan bố liền hiệp nghị. Các quan mới dạy lính
đem các ảnh tượng, và ảnh chuộc tội đã lấy đặng trong nhà phước ra, cùng dẫn mấy
người bị bắt ra nữa. Quan tổng đốc tưởng đâu là với phụ nhơn thì dễ bề phân hỏi;
thấy người yếu đuối thì lòng kiêu ngạo mừng thầm, vì chắc mình đã thắng đặng rồi,
mà quan chẳng dè sự Đức Chúa Trời cho lòng người trinh nữ có đạo mạnh dạn can đảm
là bao nhiêu; chút nữa đây tới việc mới biết chừng, thì đã bị rồi.
Cho chắc đặng trận, thì
chẳng từ sự chi mà chẳng làm tới, mà ơn Đức Chúa Trời thì mạnh hơn là các hình
khổ quân dữ tợn làm.
Bà Mátta Lành là bà nhứt
Nhà phước, đã chịu tấn nhiều lần, gần hai trăm; thứ roi thấy mà ghê, có bịt sắt
ở đầu roi, đánh thì văng thịt, có hai lần người ta khiêng bà ấy về tù như chết,
mà Đức Chúa Trời giúp sức người nhãn tiền, mà cho người an lành lại. Không ai
dè nữ nhơn hào kiệt nầy, sau còn sống lâu, mới chết an trong năm 1883.
Isave Ngọ là dì đi với
bà, cũng bắt chước lòng mạnh mẽ bà; có một ngày kia, quan tổng đốc dạy đánh dì ấy
hung ác lắm, đến đỗi dì ấy nằm ngay đơ không cựa quậy gì, mà hết thảy lính thị
vệ đứng xung quanh dì ấy đều nói rằng:
-
Chết rồi.
Quan tổng đốc hết sợ cự địch
gì nữa, mới tính làm hung với thây chết cho phỉ sức. Vậy quan dạy rằng:
-
Mở nó ra, mà kéo ngang qua thập tự!
Mà đức tin khởi hoàn là
thể nào! Nữ nhơn hào kiệt ấy hay người ta khiêng mình lên hỏng đất, thì liền tỉnh
lại dường như bỡi phép lạ Chúa cho; một tay thì dì ấy đánh đeo cái gông cứng ngắc,
còn một tay thì với lấy cây thánh giá, giơ lên như của đặng trận khởi hoàn, mà
tung hô rằng:
-
Lạy Chúa Giêgiu, kính lạy rất thánh giá!
Quan tổng đốc bẩy gan mà
phải chịu thua.
Gioang Hòa là chức việc họ,
thật là bền lòng chắc dạ chẳng sờn, ông ấy chịu tấn ba lần, hết tám mươi roi;
ông ấy bất tỉnh, sức lực rã rời, trí không còn đĩnh đạc, thì ông ấy chịu khóa
quá, mà chừng người ta mở ông ấy ra, thì ông ấy phân phô rõ ràng, chẳng có sự
gì làm cho ông bỏ đạo khi nào, mà lại xin cho nghỉ một ít ngày trước khi tấn khảo
nữa. quan tổng đốc dầu giận dữ lắm, cũng không dám dạy tra tấn người lại liền nội
bây giờ nữa; phải mà đem tấn lại nữa, thì nội mấy roi đầu, ông ấy chết chắc.
Còn người bổn đạo mạnh mẽ
khác, là người nông phu ở Cái Mơng, tên là Vêrô Ngoạn, thấy bộ ông ấy chẩm bẩm
bước vào trường tra, thì các quan đã nói lén với nhau rồi:
-
Thằng nầy nó có sợ lịnh gì.
Tra ba kỳ, người chịu tấn
hết sáu mươi roi. Quan tổng đốc hỏi người rằng:
-
Mầy là đạo trưởng hay sao mà mầy cứng dữ vậy?
-
Bẩm quan lớn, tôi không phải là đạo trưởng;
vốn tôi biết làm thợ chút đỉnh, chạy ăn từ bữa, mà tôi không hề bỏ đạo.
Mà thật ông ấy giữ như lời;
người ta đỡ dậy, thì máu mủ cùng mình, mà ông ấy không chịu khiêng về tù như mấy
người khác, một muốn đi chơn mà về đó; rán bước đi, thì vít tích hở miệng ra,
máu ria cùng đàng, nên chứng người bền giữ đức tin là thể nào.
Khi các quan thấy mấy người
bị bắt có lòng mạnh mẽ, cho có tấn nữa cũng vô ích, thì mới thôi, không tra hỏi
nữa. Hai người Nhà phước, và hai người bổn đạo còn giữ lòng trung ngãi, thì phải
giam tù, ở chung cùng với 40 người bị giam vì tội thường, không phải vì đạo, cổ
đã xiềng, lại gia gông, mà ban đêm lại phải mang trăng nữa. Hai người Nhà Phước
khỏi xiềng.
Chúa cũng ban cho mấy người
xưng đạo được một điều đỡ ngặt, không dễ trông đặng. Ông đội ngoại là người
chánh đề lao, cũng ở một làng với bà Mátta Lành. Trọn mấy năm bắt đạo, thì người
đội trưởng nầy, bề ngoài thì độc hiểm, gắt gỏng, song đã lén giúp bổn đạo, lại
nhiều khi ban đêm, hễ lính tuần phòng đi vắng rồi, thì ông đội ấy dạy mở trăng
cho hai người Nhà Phước; có khi lại biểu lấy đồ của mình ăn mà đem cho hai bà.
Cha mẹ có tới lui, dầu nhà phước vô thăm, cũng bỏ qua; dẫu mấy cha bổn quốc,
như cha Hiển, cha Phiên, cha Lựu có đi thăm, là việc rất hiểm nghèo cho ông ấy,
thì ông ấy cũng làm lơ, các cha ấy đã đặng vào làm phước cho các kẻ bị bắt được
nhiều khi; lại có ba bốn lần đem Mình Thánh Chúa lén cho mấy người ấy rước lễ nữa.
Ở Cái Mơng, ít ngày sau
khi hai người Nhà Phước đi Vĩnh Long rồi, thì người ta đã dở cái nhà lớn trong
Nhà Phước, những cột gỗ và kèo, đòn tay thì nhận bùn chôn dưới lòng rạch gần
Nhà Phước.
Kế ít lâu có ghe các quan
sai tới, chở hết đá ong, đá nhà thờ cũ lưu lại có bao nhiêu đó; đá ấy người ta
chở đi bỏ trong vàm sông Mỹ Tho, đặng mà hàn sông, cản tàu tây không cho lên
sông Mê Công cho tới Mỹ Tho và Vĩnh Long. Đang lúc ghe ô mắc đi lên xuống, thì
bổn đạo đã chôn đặng bộn đá ấy mà giấu; đến sau đã dùng trong việc làm nhà thờ
bây giờ.
Còn các dì số là 12 người,
(còn mấy người tập học đã về nhà cha mẹ rồi), thì 12 người ấy chia nhau ra ở
vài người trốn một nhà bổn đạo, hai ba người khác thì ở nhà khác, mà hằng dự
phòng coi chừng, hễ mà nghe có hơi động dụng, thì liền chạy trốn sang nhà khác.
Mà biết là mấy lần động dụng như vậy!.
Thầy cai tổng tên là Trị,
ở Cái Mơng, hằng rình mà bắt các cha cùng Nhà Phước luôn, cứ lệ thâu tiền làng
đạo mãi. Một ngày kia đang khi thầy ấy đi tra soát, thì gặp đặng một miếng giấy
người nhà phước kia viết chữ quốc ngữ, hương chức phải chuộc miếng giấy ấy một
trăm quan tiền.
Cha Tùng là cha sở trong
họ, chẳng có thể nào đi ra ngoài được mà người ta không biết mặt. Còn như cha ở
giúp người là cha Quí, đầu bịt một cái khăn vải tàu nhọc nhục, mình bận một cái
áo cụt cũ, quần xăn lên tới đầu gối, đi cùng cả và họ không sợ hãi gì, và đi và
hát lâm dâm chơi một hai câu pha lững, rao mua chuối buồng, cau khô, chỗ kia chỗ
nọ. Làm như vậy, thì dầu người có đạo cũng không biết người. Người mới đi viếng
kẻ liệt lào, có khi đi thăm cũng an ủi các người Nhà Phước ở các nhà, làm phước
cũng làm lễ cho mà xem cùng cho chịu lễ đặng.
Kế ít lâu sau, cha trẻ nầy
phải sai đi Đầu Nước. Khi đi ngang qua Vĩnh Long, thì người có đi thăm mấy người
bị bắt, làm phước cho, cũng cho chịu lễ nữa.
Khi người vừa đến Đầu Nước,
trong đêm mồng 8 rạng mặt mồng 9 tháng Janvier, đang hỏi cố Định (Pernot) trốn
được khỏi lính bắt, thì cha Quí đã được phỉ nguyền, lính biết người, nó bắt làm
một cùng Lý Phụng mà đem đi. Lại ngày 31 tháng Juillet năm 1859, cả hai đã chịu
chết vì đạo Chúa. Cả hai đã đặng tặng bực “đáng kính” năm 1879.
Bà nhì Trinh lâu lâu mới
đặng qui mấy người Nhà Phước lại, mà dạy bảo nhắc nhở. Đến khi bà ấy chết rồi,
thì cố Hòa (Borelle) là cha bề trên địa phận, cũng còn ở Cái Nhum, dạy bà nhứt
Annà Sáo ở Nhà Phước Bãi Xan, về coi sóc Nhà Phước nầy đã phải tàn tệ làm vậy.
Sau hết việc đạo rộng
cùng thời bằng an đã ước trông bấy lâu, bây giờ gần tới, lại khốn khổ đã chịu
lâu dài nay đã hủng mãn.
Ngày 28 tháng Mars năm
1862, quan thủy sư Bonard đi cùng một đoàn tàu nhỏ, tới trước đồn Vĩnh Long, mà
lấy đồn ấy, không tốn một phát thuốc đạn nào. Trước khi các quan tĩnh đã troàn
phải đốt tù, mà không kịp làm đến, như đã làm ở Biên Hòa và Bà Rịa. Khi quan thủy
sư vào đồn, thì dạy tha hết các tù phạm, nhờ có ông quan cai tàu tên là Aubaret
lo lắng, thì người ta đã đem hai người Nhà Phước bị bắt ra mắt quan thủy sư.
Quan hỏi hai người tự sự, cùng coi bộ quan có lòng lo cho hai người.
Khi chiếc tàu Ondine, là
tàu quan thủy sư lui về Sài Gòn, thì quan mời hai người xuống tàu.
Cũng như lúc trước, hồi lấy
Sài Gòn (1859 – 1861) và Mỹ Tho, ngày 12 tháng Avril 1861 làm sao, thì bây giờ
cũng vậy: vừa khi hạ thành Vĩnh Long rồi, thì trong nhiều họ ở phía tây, người
ta sợ hãi lao nhao lố nhố: Cái Nhum, Bãi Xan, Sa Đéc và nhiều họ nhỏ người ta
đi hết, đi trốn nương dựa xung quanh thành.
Tại Cái Mơng cũng gần tản
loạn, may có cha Tùng đang trốn đó, ra mặt mà cản, không cho con chiên mình đi.
Cha ấy truyền phải lấy bánh lái ghe troàn hết nội láng mà đem cho người; vậy
thì ai nấy mới ở lại tại vườn nhà mình, mới cứu được họ ấy, nhơn số chừng 1800
người.
Bà Mátta Lành đặng cứu khỏi
tù, cách hai tháng, thì mới trở về Cái Mơng mà cất Nhà Phước lại, mới qui góp mấy
người nhà phước còn tứ tán trong họ, số đặng mười một người.
Qua năm 1864, Đức cha
Ngãi (Lefèbvre) tới đây, thì người đã dạy bà ấy đi lập Nhà Phước Cái Nhum lại.
Nhà Phước ấy đã phải mất đi, hồi cha Hòa (Borelle) đi Bãi Xan mà chết dủ, là
ngày 15 Juillet năm 1860. Qua năm 1867, bà làm bà nhứt Nhà Phước Chợ Quán. Năm
1867 bà ấy dưng mình cho Đức cha Gioang (Miche) mà dạy chầu nhưng ở Trảng Bàng.
Đến năm 1876 bà ấy lập họ Tân Hưng. Sau
bà nầy xin về mà làm người nhà phước thường ở Cái Mơng, rồi trở lại ở với
mấy người đạo mới đã dạy trước ở Tân Hưng mà chết ở đó, là ngày mồng 8 tháng
Mai năm 1883.
Tất
1. Đang
khi cha Lựu coi sóc họ Ba Giồng, thì bị bắt tháng Decembre năm 1860, lại bị chết chém tại tĩnh Định Tường
(Mỹ Tho) tháng Avril năm 1861.
. Báo Nam Kỳ Địa Phận năm
1908
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét