Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2010

Linh mục Stêphanô Nguyễn Văn Ri


Linh mục Stêphanô Nguyễn Văn Ri



-         Sinh ngày: 02.03.1941

-         Tại Bình Sơn, thuộc họ Búng.

-         Rửa tội ngày 07. 03. 1941 tại họ Búng

-         Vào Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn ngày 9. 9. 1953

-         Vào Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn ngày 26. 7. 1962

-         Thụ phong linh mục ngày 28.11.1970, tại Manila, Phi Luật Tân

-         Linh mục Giáo phận Phú Cường

-         Từ ngày 1. 1. 1971 – 28. 2. 1972: Phó xứ Chánh tòa Phú Cường

-         Từ ngày 28. 1. 1972 – 15. 4. 1989: Thơ ký Tòa Giám mục Phú Cường

.Cha giáo ngoại trú Tiểu Chủng Viện Thánh Giuse Phú Cường 1971 – 1973

.1970 - 1975: Phụ trách họ đạo Chánh Thiện: Năm 1970: Cha Stêphanô Nguyễn văn Ri phụ trách họ đạo,nhưng chỉ tới dâng lễ và làm mục vụ rồi trở về Toà giám mục. Năm 1974, Ngài đứng ra kiến thiết ngôi nhà thờ thứ ba tại địa điểm hiện nay.

.Năm 1984 - 1988: Đặc trách về mục vụ vùng Lộc ninh

.Năm  1987 - 1989: Phụ trách họ đạo Bà Trà. Ngài về dâng lễ vào mỗi Chúa Nhật.

-         Từ ngày 15. 4. 1989 – 28. 7. 1996: Chánh xứ Giáo xứ Bắc Hà.

-         Từ ngày 28. 7. 1996 – 28. 8. 08. 2000: Chánh xứ Giáo xứ Mỹ Khánh

-         Từ ngày 28. 8. 2000 – 29. 7. 2018: Chánh xứ Giáo xứ Phước Điền.

-         Từ ngày 29. 7.  1918 – 14. 4. 2021: Hưu dưỡng

-         Qua đời hồi 11:20 ngày 14. 4. 2021 tại tư gia.

-         Mai táng tại Đất Thánh các Linh mục Giáo phận Phú Cường (Giáo xứ Bến Sắn)

(cập nhật ngày 16. 4. 2021)


Bài viết về cha Stêphanô Nguyễn Văn Ri:


Ông cố Nam bộ ở Phước Ðiền


Bước theo tiếng Chúa gọi, cả cuộc đời 47 năm linh mục của cha Stêphanô Nguyễn Văn Ri - chánh xứ Phước Điền (GP Phú Cường) là những tháng ngày được sai đi và sống cùng nhịp thở với đoàn chiên trong niềm khát khao giúp họ thăng tiến.

Ðồng cảm với người già

Ði cùng vị mục tử ghé thăm Nhà dưỡng lão Phước Ðiền vào một buổi chiều mát mẻ, chúng tôi được nghe, được thấy và cảm nhận tình cha con ấm áp. Vừa thấy cha tiến vào, các cụ vội vã chào rồi ríu rít:“Sao cha đi lâu vậy?”; “Cha còn đi nữa không?”; “Cha đi xa, chúng con nhớ cha lắm”… Cha cười trả lời rồi hỏi lại xem họ ăn có thấy ngon, ngủ có yên giấc hay không trong suốt những ngày cha con không gặp mặt vì ngài có việc phải đi xa một thời gian. Tình cảm, sự quan tâm mộc mạc, chân thành của vị chủ chăn như ngọn lửa sưởi ấm những tâm hồn đã bị bao gió sương cuộc đời làm thương tổn.

Sự quan tâm mộc mạc, chân thành của vị chủ chăn như ngon lửa sưởi ấm những tâm hồn đã bị bao gió sương cuộc đòi làm thương tổn (ảnh: Mai Lan)

Cách đây 7 năm, ngày 8.9.2010, Nhà dưỡng lão chính thức đi vào hoạt động và hiện là chốn náu nương của 25 cụ già neo đơn, bị bỏ rơi. Mọi thứ khởi nguồn từ những trăn trở của cha khi tuổi đời đã ở bên kia sườn dốc. “Bản thân tôi cũng có lúc lo lắng về những ngày cuối đời, về nỗi cô đơn khi không có người thân bên cạnh, nên tôi hiểu được suy nghĩ của các cụ. Thế là tôi đã bắt tay vào việc thành lập một nơi để họ có chỗ che nắng mưa lúc tuổi xế chiều”, ngài nói. Trước đó, đây là một mảnh đất hoang, cây cối um tùm nằm trong khu đất của giáo xứ. Ðến năm 2007, cha cho khai phá để khởi công xây dựng nhà dưỡng lão, và mời các nữ tu dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô đến lập cộng đoàn tại đây để cùng cộng tác trong việc chăm sóc cho các cụ.

Những ngày đầu hoạt động, khó khăn bủa vây khi thiếu cái này, hụt cái nọ. Phải làm sao để có được nguồn kinh phí duy trì cơ sở luôn là nỗi thao thức trong cha. Mặc kệ tuổi cao, không quản sức yếu, ngài chạy vạy khắp nơi tìm kiếm những tấm lòng hảo tâm để xin giúp đỡ. “Các cụ ở đây được chăm lo mọi thứ, từ chi phí sinh hoạt thường ngày đến thuốc men, ma chay… Tất cả đều phải nhờ cha lo hết”, một nữ tu cho biết. Cái gánh ấy chẳng hề nhẹ nhàng nhưng ông cố vẫn ráng mang trên vai bởi “đã có Chúa giúp và nhờ Chúa mà mọi việc vẫn hoạt động trôi chảy cho đến hôm nay”, ngài đáp nhẹ tênh khi nghe chúng tôi hỏi có lúc nào cha thấy mệt hay nản chí ?

Ðối với cha, đây không phải là công trình để đời hoặc để được vinh danh, mà chỉ là việc phải làm trong vai trò là chủ chăn của đoàn chiên được trao phó. Nhưng, với những con chiên trong họ đạo Phước Ðiền, mỗi một hành động của ngài là dấu chỉ, là sự động viên giúp họ cố gắng sống tốt và biết sẻ chia. “Nhìn cha già rồi mà còn lo giúp đỡ cho mấy bà cụ, cho những người nghèo cả trong và ngoài Công giáo, tự nhiên tui thấy cảm động lắm. Rồi nghĩ dù mình không giàu có nhưng có gì thì phụ nấy cho cha đỡ mệt”, chị Nguyễn Thị Hồng, một giáo dân trong giáo xứ chia sẻ. Thế là người miếng thịt, kẻ bó rau, họ gom góp gởi ông cố và các nữ tu để làm bữa ăn cho các cụ.


Sống cùng

Khi được hỏi về con đường ơn gọi, về những ngày đầu của đời dâng hiến, ngài đáp gọn: “Chúa gọi thì đi thôi!”. Rất đơn giản, nhưng chúng tôi lại cảm nhận được sự xác quyết dấn thân của cha qua mỗi chặng đường.

Sau khi được thụ phong linh mục năm 1970, cha trở thành thư ký cho Ðức Giám mục tiên khởi của giáo phận Phú Cường Giuse Phạm Văn Thiên. Ðồng hành với vị chủ chăn của giáo phận trong giai đoạn đầu khi Phú Cường còn rất non trẻ, cha vừa làm việc, vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa chứng kiến sự chuyển biến từng ngày của giáo phận nhà. Khi được hỏi về những ngày tháng ấy, cha bảo: “Có gì đâu, Ðức cha bảo gì thì làm nấy, đi đâu thì đi đấy thôi”. “Chỉ là người được sai đi”, là điều mà cha luôn tâm niệm và mang theo qua từng ngày sống.

Rồi đến năm 1990, vị mục tử nhận bài sai về giáo xứ Bắc Hà. Ông cố dân Nam bộ đến sống cùng giáo dân toàn người Bắc nên lạ lẫm từ phong tục, tập quán, đến thói quen sinh hoạt hằng ngày. Chưa có kinh nghiệm mục vụ giáo xứ, lại có nhiều khác biệt trong nếp sống với mọi người, nhưng cha cố gắng học tập để hòa nhập với họ qua từng ngày. Lúc ấy vùng này còn nghèo, trong nội bộ xứ đạo có nhiều mâu thuẫn, cha vừa trồng khoai, đậu ở khu vườn thuộc nhà xứ để có thêm thu nhập và chia sẻ với bà con nghèo, vừa tìm cách gỡ bỏ những nút thắt trong cộng đoàn. Dẫu có lúc vấp phải ngăn trở nhưng bằng tất cả nỗ lực của mình, ngài đã làm cho bầu khí chung họ đạo được hòa hợp hơn. “Mình cứ sống cùng với họ rồi từ từ cũng vui thôi”, cha khẳng định.

Cùng với các nữ tu đang phục vụ tại nhà dưỡng lão (ảnh: Mai Lan)

Mang theo tâm tình “sống cùng” ấy về giáo xứ Mỹ Khánh (năm 1996) rồi giáo xứ Phước Ðiền (từ năm 2000 đến nay), cha cùng với mọi người dựng xây cuộc sống đạo đời sao cho tốt hơn. Mối ưu tư khôn nguôi của ngài vẫn luôn dành cho những con người đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Không rầm rộ, không ồ ạt, cha âm thầm tìm hiểu rồi giúp đỡ họ khi thực sự biết họ cần gì.

Người dân Phước Ðiền còn nghèo, có nhiều gia đình sinh sống bằng nghề đánh bắt cá. Song, khi nước sông không còn ngọt lành như xưa thì nguồn thu của họ cũng vơi dần. Từ đó, đời sống càng ngày càng bấp bênh, khốn khổ. “Không đánh được cá thì họ đâu có tiền sinh hoạt, đâu có điều kiện cho con cái học hành, nên cái nghèo lại hoàn nghèo, không biết bao giờ mới thoát khỏi”, cha nghẹn ngào. Lo cho tương lai của đám trẻ, ông cố tìm nguồn học bổng để giúp các em được đeo đuổi con chữ. Dù vậy, mối lo cơm áo, gạo tiền trong gia đình ngày càng nặng trĩu thì nhiều em đành gác lại việc học để đi làm thuê, làm công nhân…

Vì “sống cùng” nên cha hiểu và cảm được nỗi lo, sự bế tắc trong cuộc sống của giáo dân mình, nên dù đã 76 tuổi, dù không có người phụ giúp cơm nước, giặt giũ, đóng mở cửa nhà xứ…, cha vẫn tự mình làm hết. Chúng tôi hỏi ngài nhỡ may gặp phải trái gió trở trời thì sao? Cha cười bảo: “Thì đành chịu thôi”. Lời đáp bình thản vô cùng mà mang theo đó là cả sự tín thác sâu đậm.

Chia tay ông cố hiền hòa của vùng quê nghèo Phước Ðiền, dư âm trong chúng tôi là tiếng cười chân chất và bóng hình tận tụy của người mục tử đã dành cả đời mình cho đàn chiên…
MAI LAN (Báo cgvdt.vn)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét