Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

Người Bình Dương


Sử sách chép rằng thưở xa xưa trên vùng đất Bình Dương ngày nay đã từng có các tộc người Stiêng, người Chàm, rồi người Khơme đến sinh sống, người Việt ta chỉ mới bắt đầu đặt chân đến đây vào khoảng đầu thế kỷ 17. Thế nhưng khi người Việt ta đến, những tộc người này thiên cư dần lên phía Bắc ở những nơi mà người đồng tộc với họ cư trú từ lâu. Đất đai này lúc ấy dường như hoang vắng chỉ toàn là rừng rậm và thú dữ.
    Thời Chúa Nguyễn Phúc Chu, cả dinh Trấn Biên có khoảng  4 vạn hộ, tức 40.000 gia đình. Vùng đất nay là tỉnh Bình Dương thưở ấy thuộc Tổng Bình An,  dinh Trấn Biên, vốn  nhiều rừng rú và thú dữ, dân đến đây lập nghiệp chắc là không có bao nhiêu.
    Tổ tiên của những người khai hoang lập ấp trên đất Bình Dương, lúc ấy còn gọi chung là nguời Gia Định, vốn chủ yếu là dân từ các tỉnh Quảng Bình, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, thường gọi tắt là dân Nam Ngãi Bình Phú. Sách Vũ Biên Tạp Lục chép : “ Họ Nguyễn lấy được đất đai ấy rồi chiêu mộ những lưu dân ở các phủ Điện Bàn, Quảng Nam, Quảng Ngãi di cư đến khai khẩn, lập ra đất Trấn Biên ăn thông đến Giồng Ông Tố, phía Tây đến vùng Thủ Dầu Một  Lái Thiêu.”
( trích lại từ Việt Sử xứ Đàng Trong, Phan Khoang)
    Rời bỏ quê hương để trôi giạt đến những vùng đất xa xôi “ ma thiêng nước độc”, chắc phải là dân lính tráng hoặc những người cùng khổ, hay những kẻ tội nhân lánh sự truy bắt của triều đình tìm chốn ẩn thân. Về sau mới có thêm ít người giàu có do tham mối lợi lớn mà mạo hiểm đến bỏ tiền của tạo nên cơ ngơi bạt ngàn ở đây.
    Vũ Biên Tạp Lục viết :
    “ Lấy được đất ấy (Gia Định ), rồi chiêu mộ những dân có vật lực ở các phủ Điện bàn, Quảng Nghĩa, Qui Nhơn xứ Quảng Nam, di cư đến, chặt cây, khai phá, trở thành bằng phẳng, đất nước mầu mỡ, cho họ chiếm lấy, lập vườn trồng cau, làm nhà ở.”
    Sơn Nam trong “Đồng bằng sông Cửu Long” viết :
    “ Người Việt đến, qua nhiều đợt, chạy đói khi mất mùa… Đời Minh Mạng tù nhơn khắp nơi đến, người mang tội nặng co ùthể bị xiềng chân ngay trong lúc phục dịch bọn quan lại, vợ con có thể đi theo.Ngoài số thường phạm còn người bị xử oan ức vì không đủ tiền lo hối lộ, những tội phạm chính trị bị đày cùng gia đình, nhứt là sau vụ khởi binh của Lê Văn Khôi. Trước đó, người ủng hộ Tây Sơn đã bị truy nã tận gốc”.
    Trong khoảng thời gian dài từ sau đợt định cư chính thức kể trên, chắc hẳn có nhiều đợt định cư lẻ tẻ của các lưu dân từ các tỉnh miền ngoài. Chẳng hạn vào khoảng trước năm 1845 các tín đồ Thiên Chúa Giáo tại miền Bắc vì bị ngược đãi đã trốn vào sinh sống ở Lái Thiêu, lập nên làng Thiên Chúa Giáo Hưng Định. Nhà Văn Sơn Nam viết :
    “Lái Thiêu và Búng còn là nơi cư trú an toàn của người theo đạo Thiên Chúa, gốc từ miền Trung, hoặc từ Sài Gòn, lúc đầu thi hành chánh sách kỳ thị. Ban sơ giáo dân tụ ở Cây Me”( Sơn Nam ).
    Trong hồi ký của Grammont, quyển “Onze mois desous-pre’fecture on Bassecochinchine” Paris 1863, đã có các chi tiết như sau: “ Năm 1845, giáo sĩ Le fevre trở lại Sài Gòn và đến ở tại Lái Thiêu (…). Làng Thiên Chúa-giáo Hưng Định từng bị thiêu hủy vào năm 1861( …)”
    Trong quyển “ Nhà thờ Lái Thiêu” ( năm 1994, nhân kỷ niệm 100 năm xây dựng) viết : “ Theo quyển “ Lịch sử Truyền Giáo ở Đàng Trong “ của Launay xuất bản năm 1924 tại Paris thì từ năm 1747 Lái Thiêu đã nằm trong danh sách 11 họ đạo của vùng Trấn Biên,  lúc ấy Lái Thiêu đã có 400 giáo dân đứng vào hàng thứ ba của Địa phận Đàng Trong.Từ sự kiện nầy, chúng ta xác định họLái Thiêu đã được thành lập từ nhiều chục năm trước 1747”.
    Đến thời Pháp đem quân qua xâm chiếm 3 tỉnh miền Đông (1861), huyện Bình An có 9 tổng, 89 xã, với một số dân vào khoảng 100.000 người. Huyện Bình An lúc này bao gồm một diện tích rất rộng, gồm cả huyện Thủ Đức  và phần lớn đất đai thuộc hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước ngày nay.
    Đến năm 1912, khi người Pháp lập nên các đồn điền cao su ở Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bến Củi, Lộc Ninh, Hớn Quảng…họ đã thu hút thêm nhiều lao động từ miền Bắc vào đây. Đến năm 1954, với đợt định cư thứ ba của đồng bào miền Bắc tại Thủ Chánh, Rạch Bắp, Hớn Quản…thì người miền Bắc đã khá đông.
    Sau hiệp định Geneve 1954, BD còn tiếp nhận thêm một số tín đồ Công Giáo di cư từ tỉnh Phước Tuy đến tại Văn Hữu ( Chơn Thành ) và sau định cư tại làng Vinh Sơn thuộc quận Châu Thành, nay là Thủ Dầu Một…
     Khỏang những thập niên đầu thế kỷ hình thành một xóm của người Huế ở khu vực gần mộ Hiệp Trấn, đối diện trường Hùng Vương gọi là xóm Huế, còn gọi vùng nghĩa trang Đất Thánh, đa số dân nghèo, làm nghề bán thuốc dạo gia truyền hoặc nghề mộc, thủ công. Không ai buôn bán nên không phổ biến được những đặc sản địa phương. Không biết được họ định cư ở đây từ bao giờ, lý do gì.
    Ngoài số người Việt từ các tỉnh miền ngoài đến đây khai hoang như đã kể trên, rất đáng kể đến bộ phận người Hoa, thường được gọi một cách thân thiện là “các chú ba Tàu”.
Đầu tiên là nhóm bộ hạ, thân thích của Trần Thựơng Xuyên, di thần của nhà Minh, do lánh nạn Thanh triều được chúa Nguyễn thời ấy thuận cho vào đất Trấn Biên lập nghiệp. Theo sử gia Tạ Chí Đại Trường, đây chỉ là nhóm giặc biển qua đây tìm chốn dung thân, bởi nhà Minh bị diệt đã lâu trước thời điểm họ đến đây, những sự kiện biến loạn về sau ở vùng Mỹ Tho càng củng cố thêm cho lập luận này.
    Cuối thế kỷ 19, một số người Hoa ở Cù Lao Phố xuôi theo sông Đồng Nai về định cư dọc kênh Tàu Hủ và lập nên Chợ Lớn. Ta không biết có ai trong số họ trôi giạt về vùng tổng Bình An vào hồi đó hay không, nhưng chính sự có mặt của họ đã là nhân tố quan trọng thu hút ngày càng nhiều người Trung Hoa đến miền Nam, trong đó có huyện Bình An về sau này.
    “Riêng trong huyện Bình An cũ (vùngThủ Dầu Một, không kể Tân Uyên ) đời Tự Đức ghi 2 bang người Hoa. Sự có mặt của họ đáng chú ý. Những người này có lẽ làm chút ít hoa màu, nghề chánh yếu là lò đường, cưa ván, đóng ghe tải. Bấy giờ nghề gốm chưa thành hình.” ( SN )
    Lúc ấy, cả địa hạt có 47.825 người, trong đó người Hoa chỉ có 119 người. Đến khoảng đầu thế kỷ 19, họ bắt đầu phát hiện ra những ưu điểm về đất đai và địa thế rất thích hợp cho việc lập lò gốm ở địa phương nên về đây ngày càng đông. Đến năm 1931, tổng số người Hoa là 6.420, có tăng giảm đôi chút trong những năm sau do hoàn cảnh chính trị xã hội khi ấy có nhiều biến động.
    Đến tháng 04 năm 1974,  cả tỉnh Bình Dương có 260.786 người, định cư rải rác trên một khu vực ước tính chưa đầy 2000 km2, trong đó người Việt gốc Hoa có 17.977 người, chiếm 6.8% dân số. Phần lớn sinh sống ở hai quận Châu Thành ( 10.154 người ) và Lái Thiêu ( 6.741 người).
    Trên đây không phải là những con số chính xác tuyệt đối do tỉnh này thường có những thay đổi về địa giới, nhưng cũng giúp ta hình dung phần nào mật độ dân cư ngày xưa so với thời điểm hiện tại.
    Như vậy ta nhận thấy rằng thành phần tạo nên cộng đồng dân cư Bình Dương không có khác biệt chi lắm với các vùng khác ở Nam bộ. Tổ tiên họ là những người từ các tỉnh miền Trung đến đây vì nhiều lý do khác nhau, có người do bị tù đày, có người muốn tìm nơi hẻo lánh để tránh sự truy bắt của triều đình, có người tránh nạn kỳ thị tôn giáo, có người vì quá nghèo đói, hoặc hoàn cảnh khó khăn mới đành phải rời bỏ quê hương mạo hiểm đi tìm đất sống ở chốn ma thiêng nước độc. Họ đến từ những thời điểm khác nhau, kẻ trước người sau. Theo thời gian, trong điều kiện và hoàn cảnh sinh sống mới, họ học tập, trao đổi và giúp đở nhau để cùng tồn tại và phát triển, dần dà hoà nhập để tạo nên những tính cách riêng biệt của những người được gọi là người Bình Dương.
    Sau 1975, dân số Bình Dương tăng nhanh dần, đặc biệt kể từ khi chính quyền thực hiện chính sách mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài thu bút rất nhiều nhân lực để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đất đai và thời tiết hiền lành, lại dễ làm ăn, nhờ vậy BD mau chóng thu hút dân cư từ mọi miền đến đây làm ăn, sinh sống. Những yếu tố này khiến cộng đồng dân cư của BD hiện nay rất đa dạng, nhiều tính cách.Với dân số vào khoảng 800.000 ngừơi, cọâng thêm hơn 400.000 người lao động tạm cư (con số này hứa hẹn còn tăng nhiều để có thể đáp ứng kịp sự phát triển rầm rộ các khu công nghiệp hiện nay ).
    Với sự đóng góp những đặc điểm văn hóa từ những địa phương khác, cộng với tinh thần biết tôn quí giá trị truyền thống mà đồng thời cũng dễ dung nhập cái mới, tính chất con người Bình Dương hiện đại đang trên qúa trình hình thành, chúng ta chưa thể hình dung hay xác quyết được rồi nó sẽ ra sao.
    Vì lý do đó, để biết những gì là đặc trưng tạo nên tính chất của người Bình Dương, chúng ta phải tạm chấp nhận mô tả con người Bình Dương từ năm 1975 trở về trước, thời điểm mà những dòng nhập cư khác nhau chưa nhiều  hoặc đã định cư trên cộng đồng này một khoảng thời gian tương đối dài, đủ để hoà nhập vào xã hội của người Bình Dương, hình thành nên những tính chất của Bình Dương nói chung.

Tác giả:  Hoàng Anh (CHS trường THPT Trịnh Hoài Đức)

Hình ảnh về Bình Dương thời Pháp thuộc













1 nhận xét:

  1. Sang thăm anh, chúc anh tràn đầy ân sủng của Lòng Thương xót Chúa

    Trả lờiXóa