CHÚT KÝ ỨC VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI SAU NGÀY 30.4.1975
(chuyện cũ kể lại nghe chơi, xin không hoan nghênh những
bình luận nhằm chỉ trích hay nặng lời với bất cứ chế độ nào)
PHẦN II – NHỮNG NGƯỜI ĐỒNG CẢNH NGỘ
Khoảng tháng 10.1979, 150 tù CT còn lại tại Long Thành
được chuyển lên khu B, trại Xuyên Mộc.
Vừa bước xuống những chiếc xe khổng lồ nhuộm màu đất đỏ
Bà Rịa, những con người đã sống nhiều năm ở thị thành bỗng nghe vang rền bài ca
vượn hú chim kêu. Có một loài chim hót vang đều hai tiếng mà người lạc quan
nghe ra là “tết về, tết về”, còn người bi quan thì lại nghe “hết về, hết về”.
Trong chuyến đi này, tù Long Thành có ít nhất ba cụ
già được nhiều người biết: cụ Nguyễn Bá Lương, cựu Chủ tịch Hạ viện VNCH, cụ
Nguyễn Văn Tho, cựu Trưởng khối Dân tộc Thượng Nghị Viện và cụ Cao Xuân Thiệu,
một viên chức cao cấp lâu năm của chế độ cũ, cháu trực hệ của đại thần Cao Xuân
Dục, Thượng thư bộ Học, Phụ chánh đại thần triều Duy Tân. (Từ “cựu” sử dụng
trong trường hợp người đang được nói tới không còn giữ chức vụ trong một thời
gian trước ngày 30.4.1975)
Trong số những người được chuyển đến trại trước chúng
tôi, có ít nhất bốn người thuộc thành phần văn nghệ sĩ: nhà văn Duyên Anh, đội
trưởng đội rau xanh số 17, nhà trưởng nhà 2 (tạm gọi theo thứ tự từ nhà 1, tính
từ hàng rào trở vào), họa sĩ Đằng Giao, đội trưởng đội rau xanh số 19, nhà văn
Nguyễn Mạnh Côn, tác giả những tập truyện nổi tiếng: Kỳ Hoa Tử, Truyện Ba Người
Lính Nhảy Dù Lâm Nạn… và học giả Hồ Hữu Tường.
* VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN MẠNH CÔN -
Vừa nhập trại Xuyên Mộc vào buổi chiều thì buổi tối
chúng tôi nhận được tin “nóng” đầu tiên về Nguyễn Mạnh Côn. Nghe kể rằng cách
đó mấy ngày, trong một buổi sinh hoạt có cán bộ trại tham dự, ông Côn đứng lên
dõng dạc tuyên bố là thời hạn ba năm cải tạo đã hết, ông cần được đối xử như một
công dân. Các tù CT trẻ thuộc thành phần hiện hành vốn ngưỡng mộ nhà văn, cũng
nhao nhao lên đồng tình ủng hộ.
Cuối cùng ông Côn bị kết tội xách động và bị biệt giam.
Khoảng một tuần lễ sau, có tin gia đình ông lên thăm nuôi, bị từ chối cho gặp,
vì theo qui chế trại giam, người bị kỷ luật biệt giam không được hưởng những ân
huệ hay quyền lợi như người tù bình thường, như không được ăn đúng khẩu phần,
không được thăm nuôi …
Không nhớ bao lâu sau nữa, ông Côn được thả về nhà ở
cũ (nhà 2), có lẽ do lúc đó, sức khỏe của ông đã gần suy kiệt. Buồn hơn nữa là
vào một buổi trưa đi lao động về, nhiều anh em được tin sáng hôm đó, mấy cậu trật
tự (là quân phạm của chế độ mới) dẫn giải nhà văn lên cán bộ trực trại (một người
tên Hưng, một người tên Độ) vì bắt quả tang ông Côn lục túi đựng đồ đạc của một
đồng phạm, lấy một gói mì tôm. Sự tủi nhục của một con người đến mức đó là
cùng.
Nhiều bạn tù với ông không nghĩ là ông tệ đến thế.
Trong đời sống trại giam, việc hai ba người góp gạo ăn chung với nhau là chuyện
phổ biến, việc ông Côn lấy gói mì của một người ăn chung, hay của một người thường
xuyên chia sớt cơm gạo với ông, và bị bọn trật tự muốn lập công làm nhục là điều
có thể xảy ra.
Lúc bấy giờ, nhà 1, nơi tôi ở, với nhà 2, nơi ông Côn ở
(nhà trưởng là Duyên Anh), chỉ cách nhau khoảng 8 mét, ngăn đôi bằng một hàng
rào kẽm gai. Chiều chiều, anh em mỗi nhà tập trung ngoài khoảng sân bên hông
nhà, ngồi thành hàng lối để các cán bộ trực trại đến điểm số và lùa vào nhà,
khóa cửa lại.
Một buổi chiều, tôi ngồi chờ điểm số, ngó sang sân của
nhà 2 qua hàng rào kẽm gai và nhìn thấy ông Côn ngồi ở đầu hàng. Ông gầy rộc
như một bộ xương, thần sắc ông không còn một chút tinh anh nào, và tôi linh cảm
một kết thúc đang đến rất gần với ông. Thật vậy, chỉ mấy ngày sau là ông qua đời.
Sau này, nghe đâu, sự biệt giam và cái chết của nhà
văn Nguyễn Mạnh Côn là một trong nhiều lý do khiến nhà văn Duyên Anh phải hứng
chịu những cách hành xử thô bạo ở nước ngoài. Người ta qui một phần trách nhiệm
cho anh với tư cách là nhà trưởng nơi ông Côn ở. Đây là điều mà chỉ những người
sống ở nhà 2, gần gũi, thân tình với cả 2 người có liên quan mới có thể nắm được
mọi tình tiết. Riêng người đang kể câu chuyện này chỉ có một hình dung rõ nét về
một nhà trưởng Duyên Anh mỗi chiều thường xuyên chạy ra chạy vào thét lác anh
em sớm tập họp điểm số. Phải chăng sự “năng nổ” và có phần nóng tính này là
nguyên nhân gây ra những tai tiếng về anh?
Khác với Duyên Anh là đội trưởng đội Rau xanh số 17, họa
sĩ Đằng Giao (Trần Duy Cát), đội trưởng đội Rau xanh số 19, là con rể nhà văn
Chu Tử, sống điềm đạm hơn, ít nói hơn (có lẽ do anh không làm nhà trưởng), nên
về sau này, không ai gán cho anh tai tiếng gì. Tôi chỉ có một kỷ niệm nhỏ về
anh: ngày đó, ngôi nhà chúng tôi đang ở cần tu sửa gấp, chúng tôi bị phân tán
đi nhiều nhà, tình cờ, tôi “lạc” vào nhà có Đằng Giao ở và cơ duyên đưa đẩy anh
và tôi được một lần nằm cạnh nhau, kể chuyện cho nhau nghe gần suốt một đêm
dài…
NGUYỄN BÁ LƯƠNG – Những năm 1968-1970, khi tôi về làm ở
quận Kiên Tân, tỉnh Kiên Giang thì anh Nguyễn Hảo T. làm Trưởng Chi Bưu Điện quận.
Người ta cho biết anh T. là con rể cụ Nguyễn Bá Lương, đương kim Chủ tịch Hạ
Nghị Viện.
Trước khi đắc cử dân biểu Quốc Hội, cụ Lương là Trưởng
Ty Bưu Điện Phước Long.
Vào nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của nền đệ nhị Cộng
hòa tại miền Nam, mọi hoạt động đều hướng về mục tiêu dân chủ hóa đời sống xã hội.
Dù nền dân chủ còn non trẻ, nhưng các luật gia giỏi đã xây dựng được cho miền
Nam lúc bấy giờ một tập quán dân chủ theo cách tổ chức của phương Tây. Để hoạt
động được hữu hiệu, tránh cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, phía Hành pháp
tiến hành ráo riết các cuộc vận động hành lang để lôi kéo nhiều dân biểu, nghị
sĩ nghiêng về phía thân chính quyền hầu đạt được túc số cao trong những cuộc biểu
quyết các vấn đề quan trọng.
Nhân vật được Phủ Tổng thống lúc bấy giờ sử dụng cho
công tác quan trọng này có hai người, một là dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, chủ nhân
nhà bào chế OPV, hai là ông Nguyễn Văn Ngân, thường được báo chí gọi tắt là Phụ
tá Ngân. Họ giữ cương vị Phụ tá đặc biệt tại Phủ Tổng thống, xếp ngang Bộ trưởng
về mặt hệ cấp (một phụ tá nữa là ông Huỳnh Văn Trọng, phụ tá về chính trị, dính
vào vụ án “bí mật đi đêm” với phía miền Bắc và Mặt trận DTGPMNVN).
Một trong những thành công của phía hành pháp VNCH lúc
bấy giờ là đưa được một công chức tương đối lớn tuổi (so với đa số các dân biểu
khác), hiền lành, lên làm chủ tịch Hạ viện. Đó là cụ Nguyễn Bá Lương. Có đọc kỹ
các công báo Quốc Hội VNCH được ghi lại thật đầy đủ bắng phương pháp tốc ký các
buổi thảo luận sôi nổi tại diễn đàn Quốc Hội mới thấy hết được sự lúng túng, và
trình độ vừa phải của một ông công chức làm Chủ tịch Hạ viện, hiền lành và
không có một tính chất tối thiểu nào của một chính khách. Tội nghiệp nhất là những
phiên họp quan trọng, không khí, trật tự trên diễn đàn có lúc thật căng thẳng,
rối rắm, mặc cụ chủ tịch gõ búa liên tiếp, các dân biểu trẻ cứ đăng đàn chỉ
trích cụ, thậm chí nặng lời với cụ.
Cũng xin tạ lỗi với vong linh cụ Lương để nhắc lại ba
“hỗn danh” mà giới báo chí và các dân biểu đối lập (với phía Hành pháp) đã đặt
cho cụ như một sự chế nhạo, nào là “hồi dương liệt lão” (có lẽ do cụ thường
xuyên tẩm bổ trong lúc điều khiển phiên họp), nào là “ông già xào mì”, “ông già
Bửu Hiệp” (có lẽ do ông quen thân với bà chủ xe đò Bửu Hiệp, chạy đường Phước
Long, Sài Gòn). Đó cũng là cách các giới trên phản ứng lại với “Phủ đầu rồng”
(Phủ Tổng thống) trong việc hậu thuẫn cho một người có thể làm lợi cho hoạt động
của phủ.
Sang nhiệm kỳ 2 của Quốc Hội VNCH, chức vụ Chủ tịch Hạ
viện về tay ông Nguyễn Bá Cẩn, tốt nghiệp khóa đầu tiên trường Quốc Gia Hành
Chánh (đầu thập niên 1950), từng làm Quận trưởng thời chính quyền Ngô Đình Diệm,
sau đó là Phó Tỉnh trưởng tại nhiều tỉnh. Tháng 4.1975, trong chính phủ áp chót
của chế độ VNCH, ông Cẩn là Thủ tướng Chính phủ, người viết bài này còn giữ nghị
định được ông bổ nhiệm vào một chức vụ lãnh đạo kinh tế cấp tỉnh. Nghị định ký
ngày 22.4.1975, về đến địa phương ngày 28.4, chỉ còn không đầy 2 ngày cho sự kết
thúc của một chế độ.
Tháng 6.1975, cụ Nguyễn Bá Lương cũng trình diện HTCT
tại trại CT Long Thành (tên ban đầu là Trường 15 NV). Tháng 9.1979, trong lần
chuyển trại, khoảng 150 trại viên tại trại Long Thành được đưa lên trại Xuyên Mộc
mới lập. Mỗi xe chở khoảng 30 người, chỉ có một cán bộ áp giải nên để an toàn,
cứ hai người chia nhau một chiếc còng số 8, cụ Lương cùng cụ Nguyễn Văn Tho,
Trưởng khối Dân tộc Thượng viện được miễn còng, nhưng phải ra ngồi sát ca-bin
xe.
Đến Xuyên Mộc, cụ Lương ở chung một đội với tôi. Chúng
tôi lao động rất nặng nhọc trong rừng: thu dọn cây cối ngã rạp do đội Lâm sản
đi trước cưa đổ, vỡ đất rừng cứng như xi-măng để trồng khoai lang, trồng bắp, cụ
Lương được phân công công việc nhẹ nhàng hơn: lượm lặt chà cây, chất đống. Lúc
này, tôi mới có dịp tiếp xúc nhiều với cụ, tôi hỏi cụ về anh Nguyễn Hảo T. đã
nhắc ở trên, cụ xác nhận đúng là rể cụ.
Tại Xuyên Mộc, người tù CT sau mỗi buổi lao động, được
tắm sạch trên một khúc sông Ray, từ nổng cao xuống đến bờ sông phải lên xuống một
đoạn dốc dứng hàng chục thước. Với chút dây mơ rễ má đó, tôi thường xuyên nắm
tay cụ Lương, dìu cụ đi từng bước lên khỏi đường dốc, mà nếu đi một mình, cụ
không bao giờ lên nổi.
Lần cuối cùng tôi dắt tay cụ Lương lên khỏi dốc là một
chiều thứ sáu. Tại dãy nhà 1, nơi cụ và tôi cùng ở, chỗ ngủ có 2 tầng, bọn trẻ
thích ở tầng cao, ban đêm được chút ánh sáng, khoảng khoát hẳn; người có tuổi
và những anh trẻ ngại leo trèo thì nằm tầng dưới. Tôi nằm tầng trên gần cửa ra
vào, còn cụ Tho và cụ Lương thì nằm tầng dưới, phía trong dãy nhà, hai cụ già hủ
hỉ với nhau.
Sáng chủ nhật hôm đó, chỉ sau hơn một ngày kể từ buổi
chiều tôi dắt tay cụ lên khỏi dốc ở sông Ray, cụ Tho thấy người bạn già vẫn
chưa dậy sớm như mọi khi, bèn thò tay vào mùng cụ Lương lay bạn dậy thì cơ thể
cụ đã lạnh ngắt tự bao giờ. Cụ Tho tri hô lên, người ta xúm lại thu xếp, khiêng
cụ Lương đi qua chỗ tôi nằm, tôi chỉ kịp nhìn thoáng thấy cụ lần cuối.
Những người được trưng dụng ra bìa rừng để đào hố chôn
cụ Lương là mấy cậu tù trật tự. Xong mọi việc, họ về báo một tin vui: sau khi
chôn cụ xong, một cán bộ long trọng đọc quyết định phục hồi quyền công dân cho
cụ. Tội nghiệp cụ, song cũng mừng cho cụ, với tờ quyết định phục hồi, cụ sẽ dễ
dàng di chuyển qua các cửa ngục để trình diện Diêm vương!
(còn một kỳ)
(30.4.2020)
Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn ngày còn trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét