ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Chút ký ức về một quãng đời sau ngày 30. 4. 1975

 CHÚT KÝ ỨC VỀ MỘT QUÃNG ĐỜI SAU NGÀY 30.4.1975 (phần cuối)

(chuyện cũ kể lại nghe chơi, xin không hoan nghênh những bình luận nhằm chỉ trích hay nặng lời với bất cứ chế độ nào)

HỒ HỮU TƯỜNG – Với nhân vật này, nhiều sách báo, tư liệu đã viết khá đầy đủ về cuộc đời của cụ. Ở đây, chỉ xin được kể lại một vài điều mắt thấy tai nghe để bổ sung chút nào vào khối tư liệu về cụ.

Trong thời tuổi trẻ của mình, lần đầu tiên tôi biết tên tuổi cụ Hồ Hữu Tường qua tác phẩm Phi Lạc Sang Tàu xuất bản năm 1949. Cụ nổi tiếng với tập truyện này vì qua những câu chuyện nửa hư, nửa thực liên quan đến tình hình thế giới, trong đó có sự kiện lực lượng quân sự của Mao Trạch Đông chiếm lấy toàn bộ đại lục Trung Hoa vào năm 1949, cụ chứng tỏ một nhãn quan sắc bén.

Khoảng những năm cuối thập niên 1940, đầu thập niên 1950, cụ Hồ Hữu Tường sống ở Paris, Pháp, chủ trương nhà xuất bản Đông Phong, ấn hành một số tác phẩm, trong đó có ít nhất 3 tác phẩm của cụ là: Thu Hương, Chị Tập và Gái nước Nam làm gì. Giữa thập niên 1950, cụ đã về Việt Nam, hợp tác với các lãnh tụ tổ chức Bình Xuyên, với vai trò cố vấn (theo báo chí, tài liệu đương thời). Sau khi lực lượng Bình Xuyên bị tiêu diệt, cụ cùng một số nhân sĩ bị truy tố ra tòa khoảng năm 1957 và bị kết án tử hình, giam tại trại giam Côn Đảo.

Sau ngày lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm (1.11.1963), cụ Hồ Hữu Tường cùng những bạn tù chung vụ được trả tự do. Năm 1964, cụ đăng loạt bài “Trầm tư của một người tội tử hình” trên tạp chí Bách Khoa, và cho xuất bản nhiều tác phẩm như “Phi Lạc bỡn Nga”, “Phi Lạc náo Hoa Kỳ”, “Diễm Hồng xuất giá”, “thằng Thuộc con nhà nông” ….

Năm 1967, cụ Hồ Hữu Tường bắt đầu lại cuộc đời hoạt động chính trị qua việc ứng cử dân biểu Quốc Hội. Trong thời gian vận động tuyển cử, Đài phát thanh Sài Gòn dành cho mỗi ứng cử viên một thời lượng phát biểu ngang nhau và lời phát biểu của cụ Tường là độc đáo hơn cả. Trong lúc hầu hết ứng cử viên vẽ ra những chương trình hoạt động đao to búa lớn, cụ phát biểu khá vắn tắt, đại khái chỉ nói rằng cụ nguyện làm cục đá, đồng bào có lăn vào Quốc Hội thì lăn.

Và cử tri đã “lăn” cụ vào thật. Hoạt động của cụ tại Quốc Hội cũng không thấy có gì nổi bật, ngoại trừ sự kiện vào đầu tháng 9.1969, sau khi có tin Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời ở miền Bắc, cụ đứng giữa Hạ viện, đề nghị lập phái đoàn ra Hà Nội phúng viếng. Tất nhiên, đề nghị của cụ không được chính thức tán đồng.

Năm 1971, trong lần bầu cử Quốc Hội khóa sau (1971), cụ Hồ Hữu Tường và con trai là kỹ sư Hồ Xích Tú (được cụ dùng tên để mô tả nhân vật Xích Tử trong Phi Lạc Sang Tàu) cùng ra tái cử và ứng cử, song đều thất cử.

Về đời sống chính trị của cụ Hồ Hữu Tường, nhiều người biết cụ thuộc nhóm trí thức miền Nam theo phe Đệ Tứ quốc tế mà hai người nổi bật là Phan Văn Hùm và Tạ Thu Thâu. Trong thời gian sống ở Pháp, cụ quen biết với một số nhân vật có tiếng, và sự kiện được nhiều người nhắc lại là lá thư của văn hào Albert Camus, giải Nobel văn chương 1957, gửi cho chính quyền Ngô Đình Diệm, đề nghị trả tự do cho cụ, sau bản án tử hình tuyên cho cụ vào năm 1957.

Vào những năm 1960, một trong những đòi hỏi của chính quyền miền Bắc và nhiều thành phần chống lại chính quyền VNCH là trung lập hóa miền Nam Việt Nam. Tất nhiên, đòi hỏi này bị chính quyền Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa chống lại triệt để, với lập luận cho rằng trung lập hóa là bước khởi đầu của việc Cộng sản hóa toàn bộ miền Nam. Trong những dịp này, người ta nhắc nhiều đến chủ thuyết Trung lập của cụ Hồ Hữu Tường, song cũng nhiều lần cụ minh xác là thuyết của cụ là Trung lập chế và không giống với hình thức trung lập hóa miền Nam đang là đề tài sôi nổi trên chính trường. Thuyết của cụ như thế nào, người viết bài này chưa có dịp tìm hiểu kỹ.

Ở trại Xuyên Mộc, cụ Hồ Hữu Tường cùng thuộc nhóm văn nghệ sĩ bị bắt năm 1976, chung với nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn Duyên Anh, họa sĩ Đằng Giao …Tôi không ở chung nhà với cụ, song vì lòng ngưỡng mộ đã lâu, mỗi trưa cùng xếp hàng ngồi trên khoảng sân rộng chờ trực trại gọi tên từng đội đi ra ngoài lao động, tôi thường dõi mắt nhìn theo cụ. Hình ảnh của cụ mà tôi vẫn còn nhớ đến bây giờ là một cụ già với vẻ hiền hậu, chất phác quen thuộc, lúc đó phảng phất nét chịu đựng của một con người đã trải qua quá nhiều thăng trầm, vào những năm cuối đời trở thành một người tù bệnh hoạn.

Những ngày ấy, mỗi trưa đi lao động, cụ mặc chiếc quần đùi màu đen, chiếc áo bà ba dài tay cũng bằng vải đen, đầu đội chiếc nón cối bằng nhựa, tay xách lủng lẳng chiếc lon guigoz mà hầu hết các người tù đều sử dụng để đựng nước uống mang theo. Mỗi lần đội của cụ được gọi tên, cụ đứng dậy bước đi bằng đôi chân đã sưng vù, tôi nhìn theo cụ mà lòng trào dâng một niềm thương cảm mênh mang.

Một trưa nọ, trong lúc anh em chờ gọi đi lao động, trại loan báo một tin bất ngờ, có hai trại viên được lệnh chuyển đến trại Hàm Tân. Và chỉ có hai người, đó là Hồ Hữu Tường và Duyên Anh.

Cái kết của đời cụ nhiều người đã rõ, một thời gian sau, cụ bị bệnh nặng, được trại Hàm Tân cho đưa về nhà, và cụ đã mất tại nhà. Dù sao cụ cũng may mắn hơn cụ Nguyễn Bá Lương và nhà văn Nguyễn Mạnh Côn.

* LỜI KẾT -

Với thế hệ những người ở độ tuổi 20-40 vào thời điểm 30.4.1975, quá khứ, hiện tại và tương lai đầy rẫy những bất ngờ. Ngọn gió thời cuộc thổi họ bay tứ tán, từ những trại cải tạo đến những khu kinh tế mới, những cuộc vượt biên kinh hoàng và cuối cùng số phận đưa đẩy họ đến nhiều đất nước khác nhau. Qua thời gian, sự khác biệt về địa lý cũng tác động ít nhiều đến cách nhìn, quan điểm của họ đối với những người đồng cảnh ngộ trước đây đang ở cách xa nhau.

Điều đáng tiếc là một số người tù cải tạo sau 30.4.1975, sau khi trở về đời sống bình thường, đã trở thành tâm điểm của những cuộc phán xét và những cách hành xử “cứng rắn” nhất. Hai người nổi tiếng tiêu biểu cho trường hợp này là nhạc sĩ Vũ Thành An và nhà văn Duyên Anh. Hồi chúng tôi ở trại Long Thành, lúc đó còn cái tên “Trường 15 NV”, thì Vũ Thành An là Trưởng ban văn nghệ trường. Khoảng giữa năm 1976, tôi cùng vài bạn tù có hơn một tháng tập một vở kịch có tên “Lửa Thù Sơn Mỹ” với sự chứng kiến của anh An và hai cán bộ trại là Trưởng ban Giáo dục, trung úy Đức, và Phó ban là Thượng sĩ Mạnh. Anh An đi Bắc trong đợt “bao bố 1” nên tôi bặt tin từ đó. Nay được biết anh đã là một nhà tu tại Mỹ. Duyên Anh từ lâu đã là người thiên cổ, vợ anh vừa mới mất, ta không nhắc lại những gì anh đã trải qua và chịu đựng khi còn sống.

Đã 45 năm qua rồi, chỉ mong rằng với những ai còn tồn tại trên cõi đời này, nên nhìn những người từng cùng chia sớt nhau từng chén cơm tù với lượng bao dung, và đặt mình vào từng tình huống riêng rẽ khi cần mang nhau ra phán xét.

Cũng xin nói một sự thật là trong đời sống trại giam, một khi đã được cán bộ trại chỉ định bạn làm một “chức sắc” như đội trưởng, đội phó, nhà trưởng, nhà phó, là trong con mắt họ, bạn là người họ có thể khai thác được. Khai thác được tới mức nào là tùy ở khả năng của anh cán bộ và nhất là khả năng “xoay xở” của người tù.

Khi bạn là một tù chức sắc, bạn sẽ phải tiếp xúc thường xuyên với cán bộ trại giam để báo cáo với họ những công tác mà họ giao bạn làm và bạn cũng sẽ thường xuyên đối mặt với những câu hỏi đại loại như: tâm trạng của anh em như thế nào, có “yên tâm cải tạo” không, có anh nào tỏ ra bất mãn không, có anh nào lười lao động không , có anh nào phát ngôn bừa bãi không, vv… và vv…. Tính cách và thực tâm của người tù chức sắc thể hiện rõ trong những tình huống này. Nếu anh ta muốn che chở cho bạn tù, anh ta sẽ báo cáo cầm chừng, giấu đi những gì mà bạn mình có thể bị lưu ý, trừng phạt; còn nếu anh ta muốn “lập công chuộc tội” để được xét tha tù sớm, hoặc để thanh toán một “ân oán” đang chi phối quan hệ giữa anh ta với những ai đó, thì đó cũng là dịp tốt nhất.

Phán xét một người tù chức sắc như thế là điều không dễ. Nó đòi hỏi sự sáng suốt, công tâm và cái nhìn đượm nét bao dung đối với những người đang ở tận cùng của đáy xã hội. Đôi khi hoàn cảnh sống cùng cực, những mơ ước quá tầm thực hiện biến họ thành những con thuyền chòng chành giữa làn sóng dữ và có thể thể ngữa nghiêng bất cứ lúc nào.

Chính sự “chòng chành” đó đã khiến nhiều con người –chức sắc cũng như không chức sắc – sa ngã … Thời đó, khái niệm “ăng-ten” (antenne) rất phổ biến, dành để chỉ những người tù sa ngã, chấp nhận làm những việc có thể có hại cho bạn đồng cảnh ngộ để mưu cầu một quyền lợi riêng tư như được giao những việc nhẹ, được đề nghị cho về sớm. Thành phần này gây nhiều xáo trộn trong tâm lý cũng như cách hành xử của anh em tù với nhau và không ít chuyện đau lòng đã xảy ra.

Nhân ngày 30 tháng 4 hàng năm, nhắc chút kỷ niệm cũ, mong rằng trong cuộc sống đầy rẫy khó khăn, mỗi con người biết yêu thương nhau hơn, đùm bọc nhau và bao dung với nhau nhiều hơn nữa.

Lê Nguyễn

30.4.2020

H Hu Tường - nh trên tp chí LIFE (M)


Ảnh chụp tại trại giam tỉnh Côn Sơn, hàng đầu từ trái qua:
Ông Tỉnh trưởng, các tù nhân Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân, Nguyễn Văn Thành
(nguồn ảnh có ghi trong hình)



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét