NGƯỜI VIỆT VẪN CÓ CÁCH DÙNG CHỮ HÁN KHÁC VỚI NGƯỜI TÀU!
(tiếp theo bài "Một mực Hán-Mao trong khi có sẵn
lối nói thuần Việt": https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1109413882825924)
I/ "BỨC XÚC" ?
a) Hồi sau tháng 4 năm 1975, nhiều người ở Miền Nam Việt Nam không khỏi ít nhiều bị lạ tai khi nghe hai chữ "bức xúc". Rồi, bây giờ
nghe riết thành quen sau hơn bốn mươi năm. "Bức xúc" là gì, mà tại
sao lại thấy "lạ tai"?
Trong chữ Hán có hai chữ này. Ở vào chỗ không cựa quậy
được, gọi là "bức" 逼 - là bắt buộc, buộc phải.
Một sự thể cần kíp tới nơi rồi, gọi là "xúc" 促
- mang nghĩa thúc giục nào đó.
Thành thử "bức xúc" 逼 促
là để diễn tả tâm trạng / cảm giác rơi vào tình trạng khó xử, khó chịu, không hài
lòng mà phải chịu đựng.
"Bức xúc", như vậy, được dùng trong nhiều
hoàn cảnh, từ trong gia đình, quan hệ cá nhân với nhau, rồi quan hệ xã hội - chớ
không chỉ là tâm trạng đè nén bị đối xử bất công trong môi trường xã hội (như
có ý kiến từng giải thích trên mạng).
b) "BỨC BỐI": âm Nôm (thuần Việt)
Coi bộ dễ nhầm lẫn lắm đa, một đàng là "bức"
đọc theo âm Hán-Việt của chữ 逼 nói trên (mang nghĩa cưỡng
bức, bắt buộc) với một đàng cũng "bức" nhưng lại là âm Nôm (thuần Việt),
được viết là 愊.
Chữ 愊 gốc từ Hán tự, tiền nhân
người Việt chúng ta mượn nguyên xi tự dạng này nhưng dùng để ghi một cách đọc
khác hẳn bằng âm Nôm (thuần Việt): 愊 (âm Hán-Việt là "phức"),
trong CHỮ NÔM lại đọc thành "BỨC" - nằm trong chữ "bức (bối)",
bực bội, không hài lòng.
Còn "BỐI"? Trong chữ Nôm sáng tạo ra một ký
tự (không có trong chữ Hán gốc), như ri: 𦁀
đọc là "bối" (trong "bối rối").
Trong chữ Nôm lại có một cách viết nữa, là dùng ký tự
nguyên xi chữ Hán 貝 (âm Hán-Việt là "bối", nghĩa là
vỏ sò) - nhưng dùng âm "BỐI" này để diễn tả nghĩa khác (không phải
"vỏ sò") mà là "bối rối", một sự thể nào đó khiến cho khó
chịu, khó nghĩ!
c) Nói nào ngay, hai chữ "BỨC BỐI" và
"BỨC XÚC" cũng tương đối gần gũi về nghĩa, không đến mức khác xa nhau
lắm. NHƯNG, "bức bối" là cách của người Việt dùng từ xưa, bằng âm Nôm
(thuần Việt); trong khi "bức xúc" thì người Tàu ưng dùng hơn.
Từ lúc nào xuất hiện lối dùng "bức xúc", với
mật độ ngày càng nhiều, lấn át hai chữ "bức bối"? Có lẽ xuất hiện
trong thập niên 50 ở ngoài Bắc khi cán bộ Trung quốc làm cố vấn cho cải cách ruộng
đất ở ngoải, rồi nhập nội hai chữ "bức xúc" chăng? Để rồi, tràn vô miền
Nam sau năm 1975...
II/ "Ý ĐỒ" ?
"Đồ" 圖 nghĩa là: vẽ, sắp đặt /
suy tính, mục đích / tham vọng, nắm lấy, chiếm lấy => "Ý đồ" 意 圖
mang nghĩa là: suy tính nhằm đạt tới một mục đích nào đó.
Như dẫn giải về mặt từ nguyên học (nêu trên), hai chữ
"ý đồ" KHÔNG mang lấy nghĩa là "một âm mưu xấu xa, hèn hạ"
- như có ý kiến giải thích trên mạng (?). Có lẽ "tham vọng" - là một
mạch nghĩa trong loạt nghĩa của "ý đồ" - đã tạo nên suy đoán tùy hứng
vậy chăng? Chữ "tham vọng" không mang nghĩa xấu cũng không hèn hạ, mà
nằm ở tham vọng đó thực hiện ra sao (qua đó, mới thẩm định tốt hoặc xấu, cao cả
hoặc hèn hạ).
Tuy nhiên, mời bạn đọc thử câu "ý đồ của kịch bản
phim này là gì?" / "ý đồ của chương trình giáo dục đó là gì?",
nói nào ngay, hai chữ "ý đồ" nghe nặng nề, trầm trọng hết sức. Ta có
lối nói khác, đó là "ý hướng", hoặc "dụng ý", "mục
đích" - cách diễn đạt nhẹ nhàng hơn hẳn.
Từ lâu rồi, người Việt lúc còn dùng Hán tự (chưa có chữ
Quốc ngữ) đã có cách dùng chữ như rứa đó! "Ý hướng" 意 向,
"dụng ý" 用意 , "mục đích" 目的
- chớ không phải "ý đồ" này "ý đồ" nọ mà Tàu-Mao thời nay ưng
dùng.
III/ "ĐĂNG CƠ"?
Còn nhớ hồi Thái tử Nhựt lên ngôi, nhiều tờ báo trong
nước Việt Nam bỗng dưng đua nhau dùng hai chữ "đăng cơ", nghe lạ tai hết sức.
Lập tức, trên báo Thanh niên, có một vị viết bài "lên lớp" rằng:
"đăng cơ" có trong Hán tự hẳn hoi (登 基)
chớ không phải báo chí tự chế ra cái mửng đó.
Nói một mà không chịu nói hai. Báo chí quả là không
"tự chế" (chế làm gì nổi?), nhưng ở đây phải cho tỏ tường: mấy tờ báo
đó đang BẮT CHƯỚC cách dùng chữ của người Tàu đại lục đó đa!
Tiền nhân người Việt bao đời, khi nói về sự lên ngôi,
thảy đều dùng chữ "ĐĂNG QUANG" 登 光
. Mắc gì phải từ bỏ cách nói "đăng quang" của người Việt, lại đi rước
chữ Tàu Bắc Kinh "dēng jī" ("đăng cơ") đội lên đầu?
THAY LỜI KẾT
Người Việt Nam mượn chữ Hán mà dùng theo cách riêng, độc đáo
của mình - như "BỨC BỐI", "Ý HƯỚNG", "ĐĂNG
QUANG".
Mắc gì phải đồng hóa, răm rắp dùng theo cách nói của
Tàu Bắc Kinh - "bī cù" (逼 促
"bức xúc"), "yì tú" (意 圖
"ý đồ"), "dēng jī" (登 基
"đăng cơ")? ./.
Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét