ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

Cuối năm, thương nhớ tiếng Việt...

 CUỐI NĂM, THƯƠNG NHỚ TIẾNG VIỆT...

Phải công nhận là tôi rảnh rang thiệt, hàng ngày vẫn đang nói tiếng Việt, đâu phải nói tiếng Tàu kiểu Mao cũng đâu phải nói tiếng Anh nửa mùa. Vậy mà bỗng dưng ngồi thương ngồi nhớ tiếng Việt, là sao? Nhưng, phàm ở đời phải có “sự sinh” thì tôi mới... “sinh sự”.

Ở Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi ưa ra quán café nằm trên đường Hàn Thuyên rồi ngó băng qua công viên, để ngắm con đường đối diện mang tên Alexandre de Rhodes (và ngược lại, ngồi uống café bên Alexandre de Rhodes, để ngó qua bên đường Hàn Thuyên). Không rõ còn nơi nào trên đất nước Việt Nam như ở Sài Gòn mà hai danh nhân có công trạng trong chữ viết cho người Việt - một đàng chữ Nôm còn một đàng chữ Quốc ngữ, cùng được nằm song song bên nhau mà cùng vui hưởng trời mây.

Thiệt là duyên kỳ ngộ, hay ơi là hay!

Thấy vui vui, để rồi... buồn.

Vui một, buồn mười khi tôi nhớ tới cái lần đi chơi bên thủ đô Đại Hàn là Hán Thành (Seoul). Mắc giống gì nghĩ qua xứ người, so đo, rồi tủi chớ gì. Sao không tụng câu “dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn” cho nó khỏe? Nói thiệt, tôi cũng không muốn nghĩ lung tung chi hết, an phận cái ao phứt cho rồi, nhưng phép gìn giữ vệ sinh tinh thần không cho tôi nhắm mắt nhắm mũi ngửi hít “ao đục” mà vẫn khen (đâu ngu dữ vậy).

1) Quốc âm Việt từng lang thang ngàn năm ngay trên quê Việt...

Hồi xưa khi gọi “Mẹ ơi”, tiếng kêu “Mẹ” đáng yêu hết sức, nhưng nhìn vô hệ thống Hán tự đố tìm đâu ra cái chữ nào bật ra tiếng gọi “Mẹ”, chỉ có đọc theo âm Việt-Hán là “Mẫu” thôi. Muốn kêu “ăn cơm”, mà nhìn vô chữ Hán chỉ thấy đọc theo âm Việt-Hán là “thực phạn” thôi.

Vua quan VN trong triều, xướng chiếu chỉ, nói chung là văn bản hành chánh đủ thứ, toàn nói âm Việt-Hán nghe rổn rảng. Bãi triều, đói bụng, chạy về nhà, bực đại quan gặp mẹ già nói ngay: “Mẹ ơi, con đói bụng, cho con ăn cơm”, chớ chẳng ai đi nói “Mẫu”, chẳng ai đi nói “thực phạn” hết.

Có nhiều, rất nhiều tiếng (nói) thuần Việt - tức Quốc âm - rơi vào thân phận lang thang bên ngoài bộ chữ Hán, kiểu như “mẹ”, “ăn cơm”, “cái nhà”, “trời xanh”... chớ hề có mặt trong văn tự (bởi Hán tự đọc theo âm Việt-Hán chỉ có “mẫu”, “thực phạn”, “gia”, “thanh thiên”...).

Thành thử (xin nhắc lại, vì tôi đã từng viết đưa chủ đề này lên fb rồi) mới có chữ để phát âm rõ rành là “mẹ” (chớ không “mẫu” ), mới có chữ 𩛖 𩚵 để phát âm hẳn hoi là “ăn cơm” (chớ không “thực phạn” 食飯 ). Dựa trên chữ Hán rồi chế tác theo nhiều cách, hễ thấy phát âm bằng tiếng (nói) Việt, tức QUỐC ÂM, thì đó chính là thứ chữ gọi là “chữ Nôm” đó đa!

2) Nghĩ gì từ bộ chữ Hangul của người xứ Hàn?

Hễ quí bạn nào có dịp đi chơi Hán Thành (Seoul), ắt sẽ được đưa đến ngay trung tâm thủ đô. Nơi đó bạn sẽ chiêm ngắm một bức tượng bệ vệ, oai phong. Danh tướng nào đây? Quen với nếp nghĩ sử Việt chỉ ưng ghi nhiều, rất nhiều lời tụng ca những ai giỏi chinh chiến, tôi đã ngỡ vậy đó. Té ra bức tượng mà người Hàn tưởng nhớ không danh tướng gì ráo.

Đây là pho tượng vua Lý Thế Tông (Lee Se-jong, 1418-1450), mà thành tựu lớn nhất của vua Thế Tông là việc sáng tạo ra bộ chữ Hangul - bảng chữ cái tiếng Hàn, được ban hành chính thức vào năm 1446.

Người Hàn trong rất nhiều thế kỷ cũng chỉ xài mỗi Hán tự, đọc theo âm Hán-Hàn; tình cảnh cũng y chang người Việt xài chữ Hán mà đọc theo âm Hán-Việt (tôi ưng đổi thứ tự gọi là "Việt-Hán" để nhấn mạnh chúng ta phát âm kiểu người Việt chớ không phát âm tiếng Tàu).

Quí bạn thử đọc chiếu chỉ của Thế Tông xứ Hàn, rồi sẽ thấy rất gần gũi với hoàn cảnh của quốc âm chúng ta (tiếng nói Việt) lắm đa!

"Tiếng nói - Quốc âm - của ngôn ngữ chúng ta khác với tiếng nói của người Trung Hoa và không mấy dễ dàng được viết ra theo Hán tự. Do đó, mặc dù nhiều người trong số các thần dân ít học của chúng ta mong muốn diễn tả ý nghĩ của mình, nhưng trong nhiều trường hợp vẫn không diễn tả được.

Nghĩ tới những người dân ấy, người dân của Trẫm, với lòng cảm thông, Trẫm đã sáng chế ra cách ghi của 28 chữ cái, chỉ mong sao mọi người đều có thể học được một cách dễ dàng và sử dụng cho lợi ích của cuộc sống thường ngày của họ” (trích chiếu chỉ của vua Lý Thế Tông).

Bộ chữ Hangul, quí bạn chú ý, là văn-tự-biểu-âm KHÁC hoàn toàn với chữ Hán thuộc văn-tự-biểu-ý (nhiều người chưa hiểu nên tưởng Hangul "thoát thai" từ chữ Hán, tưởng vậy là tưởng bở, khác với chữ Nôm của người Việt lấy chữ Hán rồi xào nấu đủ kiểu vậy thôi, cũng vẫn là văn tự biểu ý).

Thấy gì? TẠO RA ĐƯỢC BỘ CHỮ để GHI QUỐC ÂM là CÔNG TRẠNG VĨ ĐẠI, RẤT VĨ ĐẠI! Bởi vì có hàng trăm, hàng ngàn danh tướng nhưng trí tuệ để tạo ra bộ chữ viết thì rất hiếm. Ngay cả hiện nay vẫn còn nhiều quốc gia, dân tộc mượn văn tự của quốc gia khác mà xài.

Thành thử người Hàn tạc tượng người ban hành bộ chữ Hangul ngay giữa lòng thủ đô! Một tầm văn hiến tuyệt vời (chớ không dám xem nhẹ công trạng văn hóa mà đem xếp dưới công trạng chinh chiến đánh nhau túi bụi).

3) Cái rồi, nghĩ lại về chữ Nôm của người Việt.

Nói nào ngay, chữ Nôm quá rắc rối và không nhứt quán, NHƯNG đó nỗ lực đáng trân trọng để ghi lại QUỐC ÂM của người Việt (trong khi chữ Hán thì chỉ ghi lại những âm Việt-Hán thôi, không chứa được quốc âm tiếng nói thuần Việt).

Nhưng, lại "nhưng" nữa, trong suốt nhiều thế kỷ dằng dặc giới vua quan nước Việt chỉ xài chữ Hán trong triều chính, coi đó là "chữ thánh hiền"! Giới quan lại, sĩ phu người Việt tạo thế độc quyền "tinh hoa" cho họ bằng học vấn Hán văn.

Chữ Nôm bị rẻ rúng dù đó là chữ ghi quốc âm (tiếng nói thuần Việt)! Chữ Nôm không được phép chen chân vào triều chính, mà chỉ trú ngụ - tỉ như trong các áng thơ văn như là nỗi khắc khoải không nguôi về QUỐC ÂM (tiếng nói Việt) NGAY TRÊN quê hương nước Việt.

Nhiều triều đại nước Việt có ý thức độc lập chống ngoại xâm bằng quân sự. Tuy nhiên, trên phương diện ý thức về văn tự ghi lại QUỐC ÂM, phải nói ngay, giới "tinh hoa" VN kém xa người Hàn đến nhói lòng!

Người Hàn, từ thế kỷ 15, đã vượt khỏi ám ảnh "chữ thánh hiền Hán tự" của nhiều thế kỷ trước đó. Trong khi đó người Việt phải qua đầu thế kỷ 20 mới dứt khỏi việc dùng Hán tự (để thay bằng CHỮ QUỐC NGỮ), vậy mà ... vẫn còn những người ráng tìm cách đội lên đầu "chữ thánh hiền (Hán tự)" cho bằng được.

Nên tỉnh táo đâu ra đó. Chữ Hán có giá trị trong phạm vi tìm hiểu / nghiên cứu di sản văn bản trong Sử Việt, bởi vì đa phần viết bằng chữ Hán.

Nhưng gào lên "gìn giữ Hán tự là gìn giữ bản sắc văn hóa", là bị bệnh cuồng Hán rồi đa! Tỉnh ngủ đi. Coi, nếu tiếp tục xài Hán tự (không dùng chữ Quốc ngữ) thì cả kho tàng QUỐC ÂM (tiếng thuần Việt) sẽ trở lại thân phận lang thang.

Phụ phàng tiếng nói Việt (quốc âm), nếu dùng Hán tự, là BÀO MÒN / ĐÁNH RƠI bản sắc chớ "gìn giữ bản sắc" cái giống gì ở đây?

4) Chữ Hán mà hàng nhiều thế kỷ người Việt xài (nhưng phát âm theo lối Việt-Hán), hỏi người Tàu nhìn vô văn bản, họ hiểu không? HIỂU.

Thành thử Hán tự không ai gọi là chữ Quốc ngữ (chữ của người VN) ráo trọi.

Còn Chữ Quốc ngữ thì sao?

Thử đưa một bản văn viết bằng chữ Quốc ngữ đưa cho ông người Pháp nào nhìn vô, đọc được không? KHÔNG. Đưa cho người Bồ đọc, hiểu không? KHÔNG. Họ muốn hiểu thì phải học, chớ chữ Quốc ngữ đâu phải là chữ Pháp, chữ Bồ mà họ không cần học.

Ta nói, CHỮ QUỐC NGỮ là văn tự ghi lại được hết thảy QUỐC ÂM (tiếng nói Việt), quí giá đến ngần nào!

Lẽ ra phải dựng tượng đài ở nơi Quảng trường hẳn hoi, đặng ghi ơn những ai có công trạng nổi bật trong việc đắp nên bộ chữ Quốc ngữ! Có một số người VN chúng ta góp tay vào, và hẳn nhiên là phải ghi công trạng tiên phong của Francisco de Pina người Bồ, Alexandre de Rhodes người Pháp .v.v...

Không ăn cháo đá bát. Một khi còn giả lơ, tức là chưa trưởng thành trong nhân cách văn hóa!

5) Lại nhấm nháp từng giọt cà phê, bên đường Hàn Thuyên, đường Alexandre de Rhodes nằm song song với nhau.

HÀN THUYÊN chẳng phải là người chế tạo ra chữ Nôm, mà là người có công phát triển và phổ biến văn Nôm. Tên thật của ông là Nguyễn Thuyên, sống dưới thời Trần Nhân Tông. Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm viết trong Việt Nam văn học sử yếu, cho rằng: "Hàn Thuyên là người đầu tiên làm thơ phú bằng quốc âm, nên có thể coi là ông tổ của văn Nôm”.

ĐẮC LỘ (Alexandre de Rhodes, 1591-1660) chẳng phải là người chế ra chữ Quốc ngữ (người có công đầu là giáo sĩ người Bồ Đào Nha Francisco de Pina), nhưng giáo sĩ Đắc Lộ đã góp phần quan trọng trên hành trình hoàn chỉnh chữ Quốc ngữ bằng công trình Tự điển Việt-Bồ-La.

--------------------------------------------------------------------

Hình 1: Từ Hội trường Thống nhất (trước kia là Dinh Độc Lập) nhìn ra, mé bên trái là đường Alexandre de Rhodes, mé bên phải là đường Hàn Thuyên.

Hình 2: Tượng Hàn Thuyên

Hình 3: Tượng giáo sĩ Đắc Lộ

Hình 4: Tượng vua Lý Thế Tông (Lee Se-jong), người ban hành bộ chữ Hangul từ thế kỷ 15 ghi lại quốc âm của người Hàn




Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét