ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Ngụy biện của trường phái "Cuồng phiên âm"!

 Để thêm hiểu & yêu TIẾNG VIỆT...

NGỤY BIỆN CỦA TRƯỜNG PHÁI "CUỒNG PHIÊN ÂM"!

Gọi "cuồng phiên âm" tức là đã đẩy phiên âm - một hiện tượng ngôn ngữ bình thường - đi quá xa, tới mức dị hợm khiến cho tiếng Việt hệt như tiếng "nước lạ" nào đó hoặc hệt như người "cõi trên"... Tắt một lời, "cuồng phiên âm" phá rối tiếng Việt.

&1&

Trước hết, phải nói ngay, phiên âm là một hiện tượng hết sức bình thường trong mọi ngôn ngữ. Và các dân tộc đều có những cách phát âm khác nhau tới mức ... phiên âm không tài nào chính xác được ráo trọi.

Người Tàu do dùng hệ thống ký tự biểu ý nên khi đọc những ngôn ngữ ghi bằng ký tự biểu âm Latin, họ buộc phải phiên âm: chẳng hạn tên cầu thủ "Beckham", người Tàu ghi tên cầu thủ bằng Hán tự: (đọc mài mại... "Pậy-cưa Khan-mủ).

Người Nhựt Bổn họ không có âm /v/, thành thử khi phiên âm hai chữ "Việt Nam" họ viết thành "Beto Namu" (ベトナム), đọc lên nghe không giống cho lắm, nhưng... người Nhựt phiên âm là để cho chính họ đọc kia mà, có sao đâu!

Người Việt cũng rứa, khi đụng phải nhiều ngôn ngữ bên phương Tây họ phát âm: /æ/; /∫/; /t∫/ ; /θ/... thì bó tay, phiên âm cho có cái gọi là "phiên âm" thôi, không tài nào đúng hết.

Mà ngay cả những chữ phát âm không quá khó, như "titre" phiên âm thành "tít", "chambre" phiên âm thành "săm", mấy âm này phát có "rờ" nhẹ phía sau của tiếng Pháp, phiên âm tiếng Việt bỏ hết ráo; rồi "enveloppe" khi phiên âm qua tiếng Việt bỏ luôn vần đầu "en", bỏ luôn "pờ" nhẹ phía sau, chỉ còn gọi là "lốp"! Chữ "savon" đọc thành "xà bông": /von/ với /bông/ khác nhau NHƯNG... không chết ông tây nào hết, vì cần nhớ rằng: người Việt phiên âm là để cho người Việt mình đọc xuôi miệng.

&2&

Mời quí bạn đọc đoạn sau (tôi chép lại từ trên mạng): "Nhật gọi Việt Nam là Bê tô Na mự, Trung Quốc gọi Bec-kham là Pậy-cưa Khan-mủ, thì các anh cũng bảo họ (phiên âm) là ngu si dốt nát à?", để từ đó dẫn tới lập luận khệnh khạng: "Các anh phải hiểu rằng việc phiên âm là rất cần thiết", phiên âm là "cách phát âm đã Việt hóa", "lấy tiếng Việt làm gốc đi".

Lập luận dẫn trên khá tiêu biểu của phái mà tôi gọi là "cuồng phiên âm". Như tôi đã dẫn giải ở &1&, phiên âm là một hiện tượng BÌNH THƯỜNG trong mọi ngôn ngữ, nhưng từ sự bình thường mà đồng nhứt với "rất cần thiết" là đánh tráo khái niệm! Càng trật hơn khi đánh đồng việc phiên âm là "Việt hóa".

Xin phân tích:

2.1/ Căn bản của mọi thứ phiên âm (cho người Việt đọc) là phải theo ĐÚNG với cách phát âm và phép viết chánh tả của TIẾNG VIỆT.

Xin được nhắc lại: trong phần lớn phiên âm là không tài nào đúng so với nguyên ngữ được hết; do đó không đặt vấn đề phiên âm đúng/sai so với nguyên ngữ. NHƯNG, nên nhớ phiên âm là để cho người Việt đọc, thành thử phiên âm buộc phải ĐÚNG VỚI TIẾNG VIỆT (đúng với cách phát âm và chánh tả của tiếng Việt).

2.2/ Mời đọc tỉ dụ sau (đọc trên các báo, các trang mạng):

(a) Phê-rô, Phao-lô, Mát-thêu, Gioan Bao-ti-xi-ta, Oa-sinh-tơn, Các Mác, Lê-nin, Đi-mi-tơ-rốp, ca sĩ Lây-đi Ga-ga, Ki-li-ơ Mi-nô-guy...

(b) Ô-xtrây-li-a, Mát-xcơ-va, ca sĩ Rát-xcan, nhà văn Se-rơ-nhi-áp-xki...

Dãy tỉ dụ (a), dù trong đó có những chữ đọc thấy ngồ ngộ, nhưng đều là phiên âm theo đúng chánh tả/phát âm của tiếng Việt.

Còn dãy tỉ dụ (b) là ... người "cõi trên" phiên âm tiếng Việt! Tại sao nói vậy? Chánh tả/phát âm trong TIẾNG VIỆT (nhấn mạnh: không phải chánh tả của tiếng nước ngoài) KHÔNG có sự kết hợp hai phụ âm đi liền kiểu như "xc" (trong "xcơ", "xcan"), "xk" (trong "xki"), "xt" (trong "xtrây")!

Muốn phiên âm cho đúng chánh tả tiếng Việt, coi đi, phải là: "Mát-xơ-cơ-va", "Ô-xơ-trây-li-a"; hoặc bỏ quách âm "gió" (/s/) chỉ ghi: "Mát-cơ-va", "Ô-trây-li-a". Đó, mấy vị phiên âm "Các Mác" từ Karl Marx, mấy vị đâu cần ghi âm cuốn lưỡi /l/, ghi âm gió /x/ làm gì cho nó rườm rà.

Viết sai lè lè, không khớp với cách phát âm/chánh tả của tiếng Việt, như "Mát-XCơ-va", "Ô-XTrây-li-a", mà vẫn không chịu sửa, mà đòi vỗ ngực như vậy là "Việt hóa" thì tội nghiệp cho tiếng Việt lắm!

Đòi "lấy tiếng Việt làm gốc" theo kiểu viết xcơ, xtrây, xcan, xki... thì phá gốc rồi còn gì!

&3&

Phiên âm là cố gắng đọc mài mại, hao hao so với nguyên ngữ (nhắc lại: đa phần phiên âm không thể đúng/chính xác so với cách phát âm của nguyên ngữ tiếng nước ngoài). "Săm" là phiên âm từ "chambre", "lốp" là phiên âm và đọc rút gọn từ "enveloppe" - chỉ là được ghi ra bằng chữ Việt mà thôi. Nhưng, tôi nhấn mạnh, đó không phải là "Việt hóa"!

Thay vì ghi "săm" xe, "lốp" xe (săm, lốp là phiên âm) => chúng ta ghi "ruột" xe, "vỏ" xe (theo cách của người trong Nam gọi) - những chữ như "ruột", "vỏ" thì mới thuần tiếng Việt!

Tỉ dụ khác, cho rõ. Chẳng hạn, quốc gia mang tên "Turkey", nếu PHIÊN ÂM thì có thể ghi là "Tơ-ki", "Tơ-e-rơ-ki"...; hoàn toàn KHÁC với cách gọi "Thổ Nhĩ Kỳ" - đây mới đúng là VIỆT HÓA!

Tới giờ này nhiều người vẫn còn lẫn lộn khi nói "Turkey" được phiên âm (?) thành "Thổ Nhĩ Kỳ", "Portugal" phiên âm (?) thành "Bồ Đào Nha", "Australia" (?) phiên âm thành "Úc", "Russia" (?) phiên âm thành "Nga" .. Coi đi, đọc khác nhau xa lắc xa lơ, không hao hao gần gũi, bắn đại bác còn chưa tới, làm gì có phiên âm ở đây?

Hết thảy cách gọi như "Bồ Đào Nha", "Úc", "Nga", "Thổ Nhĩ Kỳ"... mới là Việt hóa đó đa!

(Các tiền bối chúng ta đã áp dụng "nguyên tắc mượn cầu nối Hán tự" để chuyển ngữ Việt hóa. Sẵn nói luôn: nguyên tắc "mượn cầu nối từ một văn tự khác" là qui luật phổ biến trên thế giới, chẳng hạn Anh, Pháp, Đức họ mượn "cầu nối chữ gốc từ tiếng Latin" để bản địa hóa gọi là Anh hóa, Pháp hóa, Đức hóa) ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét