NƯỚC SÔNG KHÔNG PHẠM NƯỚC GIẾNG
"Xuất cảng / nhập cảng" (Export / Import),
"Phi trường" (Airport) là cách dùng chữ của người Việt! Còn Tàu? Họ
dùng chữ "Xuất khẩu / nhập khẩu", "Cơ trường". Thấy gì từ
hai cách dùng chữ khác nhau?
&1&
* "Airplane", trong chữ Hán ghi 飛 機
: "phi cơ".
Khi chuyển ngữ thông dụng cho "airport", người
Tàu gọi là 機場
/jī chǎng/ : "cơ trường"! "Beijing airport", Tàu ghi là 北京機場
: Bắc Kinh cơ trường. Cũng rứa, "Hong Kong airport" được ghi là 香港機場
(Hương Cảng cơ trường), "Taiwan airport" ghi như ri: 台灣機場
(Đài Loan cơ trường).
Ủa, chớ không phải người Tàu gọi là "phi trường"
sao? Tưởng vậy là tưởng bở. Gọi PHI TRƯỜNG là cách dùng chữ của người Việt (còn
người Tàu, nhắc lại để đừng nhầm lẫn, họ xài chữ "Cơ trường")!
* "Port", trong chữ Hán ghi 港口
: "cảng khẩu".
Khi chuyển ngữ cho "Export; Import", người
Tàu gọi là /chū kǒu/ 出口 (xuất khẩu); /jìn kǒu/ 進口
(nhập khẩu).
Gọi "XUẤT / NHẬP CẢNG" mới là cách dùng chữ
của người Việt (còn người Tàu, chú ý, họ xài chữ /chū kǒu /jìn kǒu/, nghĩa là
"xuất / nhập khẩu").
&2&
2a) Có lẽ quí bạn vẫn nhớ luận điệu "làm trong
sáng tiếng Việt" để chỉ trích dùng chữ Hán-Việt. Nghe xúc động hết sức. Ồ,
nếu vậy, sao không dùng chữ "ra, vào" mà vẫn cứ dùng chữ "xuất,
nhập" (trong "xuất nhập khẩu")?
Chỉ là trò mèo, đóng kịch không ra cái giống gì hết
trơn.
2b) Nực cười hơn nữa ở chỗ: tuyên truyền nâng đỡ tiếng
Việt, hô hào tôn trọng cách sử dụng của người Việt trong chữ nghĩa, mà sao lại
đi vác cái chữ "xuất, nhập khẩu" theo cách dùng của người Tàu?
2c) Rất đáng chú ý về hiện tượng ngôn ngữ như sau:
Người Việt lựa chọn chữ đầu tiên ("PHI",
trong "phi cơ"; "CẢNG", trong "cảng khẩu"); trong
khi người Tàu lại dùng chữ xếp sau ("cơ", trong "phi cơ";
"khẩu", trong "cảng khẩu") - để chuyển ngữ cho
"airport" (PHI TRƯỜNG <=> Cơ trường), chuyển ngữ cho
"Export / Import (XUẤT NHẬP CẢNG <=> Xuất nhập khẩu).
Thêm một ví dụ nữa. Để nói về cái gì rất nhỏ, ta nói
"vi tế" (微 細).
Chuyển ngữ cho "bacterial", người Tàu gọi là
/xì jùn/ 細 菌
(tế khuẩn), còn người Việt dịch là "vi khuẩn".
Ở đây, lại gặp hiện tượng ngôn ngữ vừa dẫn trên: người
Việt chọn chữ đầu tiên ("vi", trong "vi tế"), người Tàu
dùng chữ đứng sau ("tế") - để chuyển ngữ cho "bacterial"
(VI KHUẨN <=> tế khuẩn).
Vì sao người Việt ưu tiên dùng chữ đầu, còn Tàu thì
dùng chữ đứng sau? Câu hỏi này kể ra khá thú vị, dành cho giới nghiên cứu ngôn
ngữ đưa ra lời giải đáp.
* Tắt một lời, trong chữ nghĩa Việt và Tàu, hệt như nước
sông và nước giếng, mỗi nơi mỗi khác.
Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét