Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Sáu, 10 tháng 9, 2021

Tưởng chuyện nhỏ mà không nhỏ chút nào

 TƯỞNG "CHUYỆN NHỎ" MÀ KHÔNG NHỎ CHÚT NÀO

*&*

Giả sử có câu viết như sau: "Gia Định báo là tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, ra mắt vào năm 1865 tại thành phố HCM". Khỏi nói, biết ngay là sai lè lè. Hồi năm 1865 làm gì có tên "thành phố HCM" (danh xưng này chỉ có từ năm 1976 trở lại đây thôi), viết đúng thì phải ghi (trong câu trên): "tại Sài Gòn".

Còn câu thứ nhì này thì có thiệt (không giả sử), tôi đọc thấy người ta ghi "Truyện thơ Lục Vân Tiên do Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) sáng tác, lúc ra đời đã tạo được tiếng vang toàn vùng Nam Bộ". Ở đây, viết KHÔNG ỔN ở chỗ nào? Những năm đó làm gì có vùng nào mang tên là "Nam Bộ"!

Cụ Đồ Chiểu tỉ như có sống lại, ắt ngơ ngác mà hỏi: "Nam Bộ là ở đâu vậy, bây?".

Viết đúng thì phải ghi là: NAM KỲ!

Bởi vì danh xưng "Nam Bộ" chỉ mới xuất hiện về sau này mà thôi, từ tháng 3 năm 1945 - theo một tài liệu, sau cuộc đảo chánh Pháp, Thống sứ Nhựt Bổn Nishimura đã dẹp bỏ danh xưng "Nam Kỳ" mà đổi sang tên Nhựt Bổn là "Nanbu" (viết bằng chữ Hán: ).

Danh xưng "Nanbu" , đọc theo âm Việt-Hán là "Nam Bộ".

Còn "NAM KỲ" là tên gọi do chính người VN đặt ra, dưới thời vua Minh Mạng vào năm 1832, gồm 6 tỉnh nên còn gọi "Nam Kỳ lục tỉnh". Tức tên gọi Nam Kỳ đã có từ nửa thế kỷ trước khi người Pháp đặt chế độ cai trị tại vùng đất phương Nam này (năm 1884) sau khi lần lượt chiếm 3 tỉnh miền Tây rồi 3 tỉnh miền Đông.

(Người Pháp dựa vào ranh giới hành chánh đã có sẵn từ nhà Nguyễn mà đổi thành tên tiếng Pháp ráo trọi: Nam Kỳ gọi là "Cochinchine", Trung Kỳ kêu bằng "Annam", còn Bắc Kỳ là "Tonkin")

*&*

Một số người giải thích việc dùng danh xưng "Nam Bộ" - mỗi khi trưng dẫn, triển lãm hình ảnh hoặc viết sách khảo cứu về giai đoạn khai hoang rồi mở mang vùng đất phương Nam xưa kia - là vì... Nam Kỳ ngày trước, nói cho cùng, bây giờ đã đổi tên thành Nam Bộ rồi, nên gọi "Nam Bộ" luôn cho tiện miệng tiện tay, cũng đâu có sai (?).

Xin trở lại ví dụ đầu stt, "Gia Định báo ra mắt năm 1865 tại tpHCM" là một câu viết sai lè ra. Đó, bạn đâu thể lấy lý do Sài Gòn ngày trước đã đổi tên sang "thành phố HCM", nên gọi "tpHCM" luôn cho tiện mà bất chấp thời điểm trong lịch sử!

Diễn biến, sự kiện nào xảy ra tại đô thị lớn nhứt nước VN từ trước 30/4/1975 thì chúng ta KHÔNG THỂ ghi: "xảy ra tại tpHCM".

Cũng vậy, những diễn biến, sự kiện nào xảy ra ở vùng đất phương Nam trước tháng 3/1945 thì chúng ta KHÔNG THỂ ghi: "xảy ra tại Nam Bộ".

*&*

Chừng nào mà giới "sử da" đỉnh cao trí tuệ cho rằng "Gia Định báo ra mắt vào năm 1865 tại THÀNH PHỐ HCM" là ... đúng, bấy giờ mới có thể chấp nhận câu văn ghi "Truyện thơ Lục Vân Tiên lúc ra đời giữa thế kỷ 19 đã tạo được tiếng vang toàn vùng NAM BỘ".

Tức là trợn mắt mà nhìn "đỉnh cao trí tuệ" theo kiểu quơ quào, gọi đại cho xong, bất chấp thời điểm lịch sử. Nghĩa là "bức tử" mọi sự ghi chép theo trình tự thời gian trong sử sách! ./.

----------------------------------------------------------------

Xin phép nhắc riêng cho một số em, các cháu sinh trưởng sau 1975, chịu khó tìm hiểu lịch sử để đừng nói quàng xiên - mà tôi từng nghe không ít lần - "Nam Kỳ là tên của Tây đặt ra" (?). Hãy nhớ tiền nhân người Việt của chúng ta khi định cõi phương Nam, đã gọi vùng đất yêu quý này là: NAM KỲ.


 Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét