ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

Ghi chú về các hệ thống chữ viết trên thế giới hiện nay: THÊM YÊU QUÍ, HÃNH DIỆN VỀ "CHỮ QUỐC NGỮ"

 Ghi chú về các hệ thống chữ viết trên thế giới hiện nay:

THÊM YÊU QUÍ, HÃNH DIỆN VỀ "CHỮ QUỐC NGỮ"
&1&
Thật thú vị để mời quí bạn đọc ghi chú tóm tắt về các hệ thống chữ viết trên toàn cầu. Cần hiểu toàn cục sao cho gọn gàng và "trúng khía" nhứt. Qua đây, lại càng thấy sự độc đáo của bộ chữ Quốc ngữ mà người VN đang có trong tay...
Đây xem xét chữ viết được dùng CHÍNH THỨC ở cấp quốc gia (chớ không gồm thâu hết thảy những bộ chữ viết mà các dân tộc trong từng quốc gia đang dùng, nhiều không kể xiết).

Bất luận hệ thống chữ viết (văn tự) nào cũng được dựa trên các ký tự (characters), và được xếp trong 2 loại chánh yếu: văn tự biểu âm (phonetic script), và văn tự biểu ý (ideograph).

1.1/ VĂN TỰ BIỂU ÂM
Trong hệ thống này, mỗi ký tự được dùng để biểu đạt ÂM THANH (không nên gọi "ký tự ghi âm", vì "ký" tức là "ghi" rồi, mà gọi là "ký tự biểu âm"). Ghép các ký tự với nhau mới tạo thành "chữ" (word) mang nghĩa (ý nghĩa).

Văn tự Latinh (mà chữ Quốc ngữ của chúng ta đang dùng) là văn tự biểu âm: a, b, c... Từng ký tự như x, i, n, h đều là biểu âm, chỉ khi ghép các âm x-i-n-h với nhau mới tạo thành nghĩa, là chữ "xinh".
Văn tự Cyrill (trong đó có nước Nga đang dùng) cũng biểu âm, với bộ ký tự: А, Б, В, Г, Д, Е, Ж... Hoặc bộ ký tự tiếng Hy Lạp cũng rứa, cũng thuộc biểu âm: α, β, δ, ζ …

Trong mấy văn tự biểu âm dẫn trên, ký tự (characters) còn được gọi là "chữ cái" (letters) nằm trong bảng chữ cái (alphabet).

* ĐA SỐ các hệ văn tự (chữ viết) trên toàn cầu đều thuộc hệ thống BIỂU ÂM hết trơn hết trọi! Nhiều bộ chữ mà quí bạn thấy hinh thù loăng quăng, tưởng "tượng hình", không phải vậy đâu, hết thảy ĐỀU LÀ KÝ TỰ BIỂU ÂM (nguyên âm, phụ âm) theo cách "vẽ chữ" của mỗi dân tộc.

Đây, xin đơn cử:
* Bộ chữ Hangul của người Hàn, được biết là có 24 chữ cái cơ bản với 14 ký tự cho phụ âm, 10 ký tự cho nguyên âm:
.v.v...). Là biểu âm, tức những ký tự này không mang nghĩa, mà ghép lại (ghép ra sao thì ai học chữ Hàn mới biết) để tạo thành "chữ" (word) mang nghĩa.

* Bộ chữ hiragana, katakana của người Nhựt là bộ chữ biểu âm, với các ký tự như: , ,, , , , ,, , .v.v... Chẳng hạn ký tự (wa), (ta), (shi), ghép 3 ký tự biểu âm này với nhau thành chữ "わたし" (watashi), nghĩa là "Tôi" (ngôi thứ nhứt).

* Ở Ấn Độ, có hai hệ thống chữ viết được chọn làm chính thức ở cấp liên bang (toàn Ấn) là chữ Anh (văn tự biểu âm Latin) và bộ chữ Devanagari (हिन्दी) của Hindi cũng biểu âm. Theo đó, Devanagari có 14 nguyên âm, 33 phụ âm lận - với các ký tự được "vẽ" như ri: , , , , , , , .v.v...

* Còn đây là những ký tự trong bộ chữ cái Ả Rập: ض ذ خ ث ت ش ر ق ص ف ع س ن ...
Trong khi người Do Thái hiện nay dùng bộ chữ cái Hebrew: נ ....ס ע פ צ ק ר ש ת
Vậy đó, nhiều quí bạn bấy lâu cứ tưởng người Ả Rập, người Do Thái dùng chữ "tượng hình, tượng ý" gì đó, NHƯNG hết thảy họ đều "vẽ chữ" là dùng để GHI ÂM.

Đi khắp xứ, rồi trở về gần xịt với nước VN, bộ chữ Khmer ( អក្សរខ្មែរ ), bộ chữ Thái Lan (ภาษาไทย )... cũng ký âm ráo trọi.

Tới đây, quí vị thấy rồi đó: các hệ thống VĂN TỰ BIỂU ÂM có mặt đều trời, BAO TRÙM KHẮP CÕI NHÂN SINH!
Hoặc "vẽ chữ" theo kiểu Latin, hoặc "vẽ" kiểu Cyril, rồi "vẽ chữ" kiểu Ấn Devanagari, "vẽ chữ" theo lối Ả Rập, "vẽ" theo Hangul của người Hàn.v.v... Bất luận "vẽ chữ" kiểu nào đi nữa, quí bạn chú ý: các ký tự đó đều dùng để biểu đạt ÂM THANH.

(còn cách thức ghép các ký tự ra sao, tùy vào mỗi ngôn ngữ; thậm chí kỳ quái như chữ cái Hebrew, chữ cái Ả Rập ghi các phụ âm, còn nguyên âm thì đi kèm với ký hiệu - muốn biết, chỉ... có nước phải học chữ Ả Rập, chữ Do Thái chớ làm sao nữa!)

1.2/ VĂN TỰ BIỂU Ý
Trong hệ thống này, mỗi ký tự (character) dùng để biểu đạt ý nghĩa, tức trở thành "chữ" (word) mang nghĩa luôn.
Quanh đi quẩn lại, chữ viết biểu ý là chữ Ai Cập (có người cho rằng chữ Ai Cập cũng không hẳn biểu ý, mà có kết hợp với biểu âm), và - tới đây khỏi nói chắc quí vị đoán được rồi đa - là chữ Tàu, là tiếng Hoa, hoặc còn gọi "Hán tự" (còn "tiếng Trung" thì... đây loại ra, không xài cách gọi đó làm chi cho má nó khi).

Trước đây, không ít người trong chúng ta quen gọi chữ Tàu là chữ "tượng hình". Gọi vậy không đủ và không đúng cho lắm, bởi vì "tượng hình" cũng chỉ là một trong các cách cấu tạo chữ Tàu mà thôi! Hết thảy, dù cấu tạo cách nào đi nữa, các ký tự (characters) trong tiếng Tàu đều tạo thành "chữ" (words) mang nghĩa. Tức là BIỂU Ý (ideographic symbols).

Không có ghép âm gì ráo. Thầy đồ dạy chữ nào thì biết đọc chữ đó. Gặp chữ mới mà thầy chưa dạy, chỉ có nước ngó vô mặt chữ chơi thôi, không tài nào biết đọc ra sao hết trơn.

&2&
LỢI THẾ CỦA CHỮ BIỂU ÂM
Do ghép âm nên những hệ thống chữ viết này có được khả năng mở rộng về "âm" tương đối dễ dàng, kéo theo từ vựng cũng trở nên dồi dào hơn.

Trong khi đó chữ Tàu (chữ biểu ý) có cái hay là luận giải ý nghĩa; nhưng lại kèm theo nhược điểm là do số "âm" bị giới hạn, thành thử từ vựng cũng bị giới hạn theo.
Tức là một từ / một "âm", trong tiếng Tàu, lại thường kéo theo rất nhiều nghĩa kể cả trái khoáy, tương phản nhau mới ghê! Nói cách khác, nhiều nghĩa lẫn lộn vào nhau mà chỉ có mỗi một từ (word) để xài.
Tỉ như,
"áo" có nghĩa là sự sâu sắc, uyên thâm; nhưng cũng ký tự "áo" này lại còn mang nghĩa là... cái chuồng heo (thiệt sái não, bó tay chấm cơm!).

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu tuy là người Tàu (người Hoa) nhưng, lúc sinh thời, ổng cũng phải thốt lên học chữ Tàu nhức đầu lắm, nghĩa này chung xuồng với nghĩa kia, rối còn hơn canh hẹ.

Bởi vậy, chẳng phải vô cớ mà nhân loại đa số chọn dùng văn tự biểu âm. Và trong các hệ thống biểu âm, văn tự Latin chiếm phần nổi trội nhứt!

&3&
VĂN TỰ BIỂU ÂM LATIN NGÀY CÀNG THU HÚT :
Đây, nói riêng về các nước ở châu Á biết chơi.
Trước khi chuyển sang mượn văn tự biểu âm Latin nhằm BIỂU ĐẠT TIẾNG NÓI (QUỐC ÂM) THEO SỰ SÁNG TẠO CỦA TỪNG QUỐC GIA, ở châu Á từng có văn tự biểu ý (chữ Tàu), văn tự biểu âm Ả Rập, văn tự biểu âm Cyrillic...

* Có thể nói, nước VIỆT NAM là quốc gia - ở châu Á - đi tiên phong trong việc chuyển sang văn tự biểu âm Latin! Giới giáo sĩ dòng Tên người Bồ Đào Nha, vào thế kỷ 17, đã có công lớn khi tạo ra nền tảng cho bộ chữ sau này được gọi là "chữ Quốc ngữ". Trải qua nhiều đóng góp cho hoàn chỉnh, "chữ Quốc ngữ" được phổ biến chính thức kể từ NĂM 1910, và đánh dấu sự kết thúc việc dùng chữ Tàu (Hán tự) trong ngàn năm trước kia.

* Rồi, vào NĂM 1928 ở THỔ NHĨ KỲ, Tổng thống Mustafa Kemal Atatürk ký quyết định áp dụng bảng chữ cái Latin được soạn cho tiếng Thổ, không dùng bảng chữ cái Ả Rập trước đây.

* Mã Lai (MALAYSIA), Nam Dương (INDONESIA) vào NĂM 1972 đã soạn thống nhứt qui chuẩn về Latin hóa văn tự. Mặc dù ở Mã Lai vẫn còn tồn tại văn tự Ả Rập (gọi là "Jawi"), nhưng văn tự chính thức và được thấy sử dụng thường xuyên hiện nay là văn tự Latin hóa (gọi là "Rumi") dùng cho người Mã.
Ở Nam Dương (Indonesia), rồi ở BRUNEI cũng đã chuyển sang dùng văn tự biểu âm Latin.

* Ở PHI LUẬT TÂN, dĩ nhiên, tiếng Anh-Mỹ đã là văn tự Latin, mà ngay cả tiếng bản địa Tagalog cũng mượn bộ chữ cái Latin để ghi lại tiếng nói bản địa.

* Một số nước thuộc Liên bang Soviet sau khi tách ra, họ cũng đồng thời tạo ra sự độc lập trong chữ viết, không còn dùng chữ Cyrill của người Nga (áp đặt lên hết thảy 15 nước trong Liên bang Soviet trước đây):

AZERBAIJAN vào NĂM 1991 quyết định dùng bộ chữ cái Latin.
Tiếp đó, vào NĂM 1992 UZBEKISTAN chuyển sang dùng văn tự Latin để ghi tiếng nói của người dân Uzbek.

TURKMENISTAN vào NĂM 1993 quyết định sử dụng trở lại bảng chữ cái Latin (trước đây, từ năm 1928-1940, họ đã dùng chữ Latin rồi, nhưng sau đó chế độ trung ương Moscow có nghị định buộc các ngôn ngữ của các nước thuộc Soviet phải viết bằng ký tự Cyrillic). Và đến NĂM 2011, giới trẻ ở Turkmenistan đã thực sự thành thạo văn tự biểu âm Latin thông qua hệ thống giáo dục.

Ở KAZAKHSTAN, chỉ gần đây thôi, là vào NĂM 2018 nước này áp dụng chữ viết biểu âm Latin, trở thành văn tự chính thức của quốc gia (thay thế cho Cyrillic). Việc lựa chọn văn tự Latin (dùng để ghi tiếng nói của người Kazakh), theo họ, là phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa & giao lưu với quốc tế.
-------------------------------------------------------------------------
Hình ảnh: Nhà thờ Mằng Lăng (Phú Yên), nơi lưu giữ cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên "Phép giảng tám ngày";

Bản đồ (trên cùng, bên phải): Màu xanh đậm là các quốc gia dùng văn tự Latin làm văn tự chính thức; màu xanh nhạt là những quốc gia dùng văn tự Latin bên cạnh một văn tự khác.

Tiểu chủng viện Làng Sông (Qui Nhơn), từng là một trong ba nhà xuất bản chữ Quốc ngữ sớm nhứt trong cả nước.






Nguồn:Nguyễn - Chương Mt

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét