ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

"CHỮ CÁI" / "CHỮ" ("CHỮ QUỐC NGỮ")

 "CHỮ CÁI" / "CHỮ" ("CHỮ QUỐC NGỮ")

("Letter", "Character" / "Word")

Té ra vẫn còn không ít người bị nhầm lẫn giữa "chữ cái" và "chữ". Trong bài viết THƯƠNG NHỚ TIẾNG VIỆT có ghi: "Chữ Quốc ngữ" là chữ ghi lại tiếng Việt, chữ của người VN dùng! Có bạn vội cmt rằng, ồ, a b c ... thì Anh, Pháp, Đức cũng có, sao nói là chữ dùng của người Việt Nam?

1) Hết thảy những ký tự a, b, c, d... gọi là "CHỮ CÁI" (letter), ký tự Latin mà những nước Anh, Pháp, Đức cũng đều dùng.

Ghép các CHỮ CÁI lại với nhau thì mới tạo thành "CHỮ" (Word), và chính là ở đây, ở những CHỮ (word), có sự phân định khác nhau giữa các ngôn ngữ!

Tỉ dụ: CHỮ "bóng" - gồm bốn CHỮ CÁI là b, o, n, g (ngoài ra còn có thanh điệu là dấu sắc: ') ; bốn "chữ cái" này đều có trong văn tự của Anh, Bồ Đào Nha, Pháp, VN.v.v...

Nhưng, khi ghép lại thành CHỮ "bóng" thì đây là CHỮ QUỐC NGỮ, là chữ dùng của người Việt Nam!

Người Anh, người Bồ, người Pháp nhìn vào mặt chữ "bóng" thì họ không biết đọc ra sao, không hiểu nghĩa là gì nếu họ không học chữ Quốc ngữ của chúng ta.

Thành thử mới nói rằng: CHỮ QUỐC NGỮ là chữ để ghi lại tiếng Việt, chữ của người Việt chúng ta! (chớ không phải chữ Bồ, chữ Pháp, chữ Anh gì ráo trọi).

(Mở ngoặc: ghi là "CHỮ QUỐC NGỮ" chớ không ghi "chữ cái quốc ngữ", bởi vì "chữ cái" thì dùng chung trong hệ ký tự Latin, nhưng khi ghi "CHỮ Quốc ngữ" thì hoàn toàn khác, như dẫn giải ở trên).

2) Ở CHỮ QUỐC NGỮ, mỗi ký tự được gọi là "chữ cái" (letter) để biểu thị âm thanh, ghép lại thì mới thành "chữ" (word) tạo nghĩa. Trong khi đó CHỮ HÁN, mỗi ký tự không phải là ghép âm mà là ký tự tạo nghĩa. Ký tự biểu ý, như vậy, được gọi là "character" (không phải là "letter" như trong hệ thống ký tự biểu âm).

3) Quí bạn coi hai hàng chữ sau, trong bài thơ "Nam quốc sơn hà":

如何逆虜來侵犯

汝等行看取敗虛

Đây là chữ Hán mà chúng ta là người Việt (ngoại trừ những ai nghiên cứu chữ Hán) nhìn vô, dĩ nhiên, khỏi hiểu.

Nhưng, người Tàu nhìn vô thì họ hiểu ngay! Và họ đọc là:

"Rú hé nì lǔ lái qīn fàn

Rǔ děng xíng kàn qǔ bài xū"

Nghe Tàu đọc, người Việt chúng ta càng không hiểu luôn.

Đọc hai hàng thơ trên, theo âm Việt-Hán, như ri:

"Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư"

Nói thiệt, nếu không nghe giảng giải, đa phần trong người Việt chúng ta cũng khó mà hiểu những âm Việt-Hán trên có nghĩa là gì.

Có nhiều bản dịch âm Việt-Hán thành ... tiếng Việt lắm đa. Đây là bản dịch của Trần Trọng Kim:

"Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời'.

* Tóm lại:

Ghi bằng chữ Hán, như hàng nhiều thế kỷ trước kia tiền nhân người Việt dùng, người Tàu nhìn vô là họ đọc được, hiểu ngay. Thành thử chữ Hán KHÔNG phải là chữ quốc ngữ của RIÊNG chúng ta.

Ghi bằng CHỮ Quốc Ngữ (mượn bộ "chữ cái" Latin mà thôi, thêm thanh điệu), như dẫn giải ở trên, THÌ CHỈ CÓ NGƯỜI VIỆT đọc & hiểu được (người nước ngoài muốn hiểu thì phải học Chữ Quốc ngữ).

Thành thử Chữ Quốc Ngữ trở thành hệ chữ viết ĐỘC LẬP của nước Việt Nam, người Việt Nam ./.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét