Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Vì sao cần chuyển ngữ là " Đức Giáo Tông"?

HIỂU CHO ĐÀNG HOÀNG, ĐỪNG GIẢI THÍCH BỪA!

* Vì sao cần chuyển ngữ là "đức Giáo tông"?

Tôi đọc thấy trên mạng có người phán như đinh đóng cột, rằng: "Công giáo được tổ chức như một nhà nước quân chủ", rồi "Nhà nước Công giáo là một vương triều với thủ đô là Vatican, đức Giáo hoàng như là vị hoàng đế (ở đây nói về mặt tổ chức) và các Hồng y là những quan chức đứng đầu đơn vị hành chính địa phương trong nhà nước Công giáo".

Những dòng trên là từ một người "đấu tranh dân chủ". Không lẽ có trình độ "dân chủ" mà vô tình hiểu trật lất, vậy đây ắt là một sự cố ý giải thích lệch lạc không hơn không kém!

&1&

1.1/ Thiết chế nào để chọn ra vị đứng đầu Giáo hội Công giáo toàn cầu? Đó là thiết chế Hồng Y đoàn, hiện nay có 213 thành viên.

(ở VN gọi "đức Giáo hoàng", thuật ngữ này dễ hiểu nhầm lẫn, bởi vì danh xưng dành cho vị lãnh đạo Giáo hội trong tiếng La-tinh & Hy Lạp đều không có thuật ngữ nào để gọi ngài là hoàng đế hết; sẽ nói rõ hơn ở mục &2&).

Các Hồng Y trên toàn cầu tụ họp tại Vatican để bầu chọn một vị lãnh đạo mới (ngoại trừ những Hồng Y quá 80 tuổi không tham gia bỏ phiếu). Thiết chế bầu chọn này, tạm mượn danh xưng chánh trị trần thế để nói, tương đồng với thiết chế dân chủ đại nghị - chớ làm gì có "quân chủ" nào ở đây!

("Dân chủ đại nghị", nghĩa là các nghị sĩ quốc hội họp lại để bầu chọn ra nguyên thủ, là Thủ tướng, để lãnh đạo quốc gia, như Đức, Ý, Gia Nã Đại, Tân Gia Ba...)

Ở VN, chẳng hạn có đức Hồng Y John-Baptist (Gioan Bao-ti-xi-ta) Phạm Minh Mẫn - sinh quán tại Cà Mau - đã có hai lần dự Mật nghị Hồng Y tại Vatican: vào năm 2005 chọn ra vị lãnh đạo Giáo hội là ngài Benedictus XVI, và năm 2013 chọn ra vị lãnh đạo là ngài Franciscus.

1.2/ Về cái câu viết như ri: "Các Hồng y là những quan chức đứng đầu đơn vị hành chính địa phương trong nhà nước Công giáo" (?).

Đây là cách giải thích quá ấu trĩ, không chịu tìm hiểu cho tử tế gì ráo.

Nói ngay ở VN cho dễ hình dung. Các vị giám mục họp lại để bầu chọn Chủ tịch Hội đồng Giám mục, nhiệm kỳ 3 năm, hết ba năm bầu lại. Hồi nhiệm kỳ 2001-2004, Chủ tịch HĐGM là đức Giám mục Nguyễn Văn Hòa, còn đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn lúc bấy giờ làm Phó Chủ tịch HĐGM. Đó, coi đi, đâu phải hễ Hồng Y là "mặc định" đứng đầu giáo hội địa phương?

Một lần nữa, cũng vẫn là thiết chế "dân chủ đại nghị" - chớ làm gì có "quân chủ", trong việc bầu chọn vị đứng đầu của Hội đồng Giám mục VN.

(Hiện nay ở VN có hai vị Hồng Y là đức H.Y Phạm Minh Mẫn và H.Y Nguyễn Văn Nhơn; trong khi đó Chủ tịch HĐGM VN đương nhiệm là đức Giám mục Nguyễn Chí Linh).

&2&

2.1/ "Pope" trong tiếng Anh xuất phát từ tiếng Hy Lạp πάππας (páppas), nghĩa là "cha" (father). Ban đầu các vị giám mục đều được gọi là "páppas", nhưng về sau để nói rõ cương vị người đứng đầu Giáo hội, ngoài danh hiệu "Pope" còn được gọi là "Holy Father", tức đức Thánh Cha.

Một thuật ngữ khác để nói về đức Thánh Cha là "Supreme Pontiff" (từ tiếng Latin "Pontifex maximus"), nghĩa là vị tư tế tối cao, đồng thời là nguyên thủ của Thành quốc Vatican (Vatican City State).

2.2/ Tức là trong nguyên ngữ Hy Lạp lẫn Latin chỉ gọi "Pope", "Holy Father", chuyển ngữ sang tiếng Việt là "đức Thánh Cha"; không có danh xưng nào dùng để gọi vị đứng đầu Giáo hội Công giáo toàn cầu là "hoàng", là "vua" hết!

Cách gọi "đức Giáo hoàng" xuất hiện... trên đất nước VN trong thuở sơ khai (thế kỷ 16, 17) khi đạo Công giáo được rao truyền tại đây. Cách gọi "Giáo hoàng"( ) có nghĩa là "vua của giáo hội", vua của một tôn giáo.

Buổi ban đầu truyền giáo vào nước Việt, bấy giờ chế độ quân chủ đang ngự trị, "vua chúa" là tột đỉnh của hệ thống giai tầng trong xã hội và chiếm lĩnh sự tôn kính trong suy nghĩ của người dân nước Việt. Thành thử bấy giờ dùng danh xưng ("hoàng"), khi nói về vị lãnh đạo Giáo hội Công giáo hoàn vũ, là dựa vào tâm thức tôn kính "vua" đã ăn thành nếp của người dân Việt.

Cũng phải thôi, nước Việt bấy giờ làm gì đã biết tới thể chế cộng hòa mà không gọi "vua" này kia?

2.3/ Còn thuật ngữ "đức Giáo tông" ( ), mang nghĩa là người đứng đầu Giáo hội.

Hiện nay tất cả những gì có liên quan tới người đứng đầu Giáo hội ("Giáo tông"), để ý mà coi, đều mang chữ "tông": như Tông thư, Tông huấn, Tông sắc, Tông toà... (không hề gọi Hoàng thư, Hoàng huấn, Hoàng sắc, Hoàng tòa).

Danh xưng "đức Giáo tông" ngoài nghĩa người đứng đầu, còn mang tính cách tông truyền nữa. Cho nên cách gọi "đức Giáo tông" thích hợp với vai trò của một vị lãnh đạo Giáo hội hơn.

Nói nào ngay, cho dù vẫn còn nhiều người trong Giáo hội Công giáo VN quen gọi "đức Giáo hoàng" đi nữa thì - như đã diễn giải ở trên - vị lãnh đạo Giáo hội cũng chẳng phải "quân chủ" gì hết trơn.

Có lẽ nên dùng cách gọi "đức Giáo tông", song hành cùng với cách gọi trang trọng là "đức Thánh Cha" (the Holy Father) ./.

(ồ, "thánh" - trong danh xưng "Holy Father" - không có nghĩa là vị thánh đâu; mời đọc stt chú thích: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1175767856190526 )

-------------------------------------------------------------

Đức Thánh Cha John Paul II (Gioan Phao-lô II);

Đức Thánh Cha đương nhiệm Francis (Phan-xi-cô);

Hội đồng Giám mục Công giáo VN đương nhiệm.



Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét