Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2022

Sự tích Cha Felix Humberrt (Hiệu)

 SỰ TÍCH CHA FÉLIX HUBERT (HIỆU)

1850—1917

---------------

Cha FÉLIX HUMBERT đã sinh ra ngày 16 Avril 1850, tại làng Lesseux, về tổng Saint-Dié, tĩnh Vosges, trong nước Langsa. Cha mẹ người đạo đức lắm, làm nghề ruộng nương, đã ân cần dạy dỗ con, và tập luyện cho biết đàng giữ đạo, kính Chúa yêu người. Việc nhà thì tầm thường đủ ăn đủ mặc, mà có của châu báu Chúa ban, là hai con trai, hai ông bà xem là kho tàng vô giá phải gìn giữ hầu sau trả lại cho Chúa. Tuy con út là Eugène không dưng mình cho Chúa, nhưng bỡi nghe lời cha mẹ và noi gương lành, thì cũng đã đặng danh thơm tiếng tốt trọn đời, ai nấy đều yêu vì, mà bỏ thăm chọn lên làm ông xã trong làng, và sau đã sinh con, mà dưng cho Chúa, làm thầy cả như bác, lại trong cơn giặc hung dữ ba năm nay, thì đã liều thân mà giúp quê hương, trong hàng binh lính, lịch trận và bị thương tích nặng, Bấy nhiêu đều làm cho ta đã rõ gia thất nầy đáng kính vì yêu chuộng là bao nhiêu.

Khi trẻ Félix dọn mình rước lễ, thì cha sở thấy nó có tính tốt, sáng dạ, lại siêng năng cẩn quyển chuyện học hành, nên đã tính cùng cha mẹ mà lo cho nó đi nhà trường. Trong nhà có hai con mà thôi, Chúa đòi con đầu lòng, nhưng vậy cha mẹ không tiếc với Chúa, không làm như nhiều kẻ khác muốn giành với Chúa mà giữ con cái lại thế gian, lo cho đặng bề công danh lợi lộc mà đua tranh với đời. Hai ông bà nầy nhớ con mình là của Chúa hơn là của mình, và chẳng qua là Chúa đã gởi cho mình lo lắng, tập luyện, gìn giữ cho Chúa mà thôi, nên khi nghe tiếng phán đòi, liền vội vàng trả lại cho Chúa, lòng mình mến thương dính bén bao nhiêu, cũng chẳng nại, chẳng tiếc. Vì vậy đã phú cho cha sở lo dạy Félix học tiếng latinh.

Làng Lesseux thì xa nhà thờ, đi hơn trót giờ mới tới, song Félix vui mừng, mỗi ngày đi học, chẳng lo đàng sá xa xuôi, không tưởng tới sự mệt mỏi, một lo cho đặng mau thuộc biết những sự phải học hành.

Cha sở chẳng lật đật mà cho Felix nhập trường, người làm theo thói quen nhiều cha sở khác thường làm, là giữ Félix ở cùng mình lâu ngày, mà dạy latinh cho nhiều, mà tập luyện tính nết, lại nhứt là cho đặng dò xét ý tứ nó có quyết định phú mình theo Chúa trót đời chăng. Khi đã kỹ lưỡng cân lường hư thiệt, mà chắc ý, và tập luyện vừa đủ, mới gởi nó vào trường latinh, nhập lớp ba, không khỉ sự lớp tám như trẻ khác.

Dễ xét khi Félix vào bổn trường địa phận thì đã chuyên cần lo lắng chí thú là thế nào cho đặng tấn đàng thông minh, cho đặng thêm ngõ nhơn đức. Bấy lâu học một mình, chẳng hẳn sức trí tài lực ngằn nào, miễn bài vở thuộc rành, sạch lỗi thì thôi; rày đông anh em trang lứa, mới lo kình trí đấu tài. Mới tới thì bợ ngợ, chẳng quen cách thầy dạy, không thạo phép bài vở; nội tuần đầu hết làm hai cái bài thi, tới bữa rao, thì bài latinh, thứ rốt: Félix Humbert; bài phép toán, thứ nhứt: Felix Humbert. Chẳng mấy ngày mà trò mới nầy tỉnh lại, hiểu được cách thức nề nếp trong chuyện bài vở, thì chẳng thua ai, càng lo đua tranh, càng thêm mở mang trí hóa.

Hiềm vì đang lúc chuyên việc văn chương mà phải ngưng lại, vì có giặc cả nổi lên (1870), nước Langsa phải ứng lên đón ngăn đấu chiến cùng nước Prusse đang xông vào làm hỗn, cũng như giặc lúc nầy. Félix phải về nhà giúp cha mẹ trong việc canh nông, vì lúa chín đầy đồng, mà thiếu công gặt hái, bỡi chưng kẻ trai tráng phải bỏ ruộng nương mà nhập binh cơ giúp nước gỡ nạn. Mà trẻ nầy cũng vui lòng, vì thấy thánh ý Chúa đã khiến ra cho có sự tai nạn cực dữ thể ấy, nên chẳng phàn nàn sao ngưng việc trí mà chuyên việc tay chơn mệt nhọc, một phú thân xác mỏi mê cho đặng giúp đỡ cha mẹ mà đền ơn trả thảo, lòng thì chua xót vì quê vức lâm lụy chịu đầu phục kẻ thù kiêu hảnh gắt gỏng.

Đến khi mọi việc giặc giã yên đoạn, thì lại tiếp lo học hành như trước. Khi vào trường lớn, thì Félix đặng ơn riêng, nghe tiếng Chúa kêu, thôi thúc trong lòng, giục bỏ quê vức cữa nhà cha mẹ bà con thân thuộc, dưng mình làm tôi Chúa bên rốt Phương Đông, mở mang đạo thánh giữa những dân ngoại đạo. Theo lẽ thường thì có lẽ cho thầy Félix chữa mình, hoặc chẳng chịu lìa quê quán, hoặc ít nữa là giản ra một ít lâu; vì chưng mới vừa yên giặc, kế cha người tạ thế, nên khó bề cho người xa cách mẹ mới mang phận góa bụa. Song đức tin và lòng kính mến Chúa làm cho người lướt thắng lòng con hiếu mến mẹ lành, chẳng kể những tiếng xác thịt nói ra mà cản trở ơn Chúa: nên người chí quyết một bề theo Chúa, tế lễ tâm tình nhơn loài, nhớ lời Chúa đe: “Ai thương cha mến mẹ mình hơn tao, thì chẳng đáng theo tao,” mà phú mẹ lại mặc lượng lòng lân mẫn Chúa lo liệu, biết mình chẳng cao tài rộng trí hơn Chúa, và dầu cho mình lo làm cách nào, nếu Chúa không đoái lại, thì cũng chẳng ra chuyện gì đặng..

Mà mẹ đạo đức đại độ cũng chẳng kém con; đã dưng con làm tôi Chúa, thì bằng lòng cho Chúa phân định về phận số con, xa gần chẳng quản, miễn là cho mình đặng trọn lễ tế lòng thương mến, chẳng sá kể mình phải lẻ loi đơn chiếc, trông rày phân biệt còn có ngày sẽ đặng hiệp hòa, rày gieo trong nước mắt, sau gặt giữa vui mừng, rày gieo một, sau gặt trăm ngàn. Vậy mẹ con đua nhau tế lễ cho đặng sáng danh Chúa, thì của lễ đẹp lòng Chúa biết dường nào.

Khi thầy Félix đã tỏ cho cha xem sóc linh hồn đặng hẳn tiếng Chúa kêu mình đi nơi xa xác, và cân lường mọi lẽ thiệt hơn, thì cha linh hồn đã nhìn là ý Chúa phân định; Đức Cha cũng bằng lòng ban phép xuất hành. Vậy đã nhập trường Dòng Sai tại Paris, mà dọn mình và học cho rồi sách đoán cùng chịu chức. Mãn ba năm thì người đã lãnh chức linh mục, nhằm ngày 19 Décembre 1874. Và bề trên đã phân định cho người sang qua địa phận Nam Kỳ mà làm việc trong vườn nho Chúa,

Khi ấy xứ Sài Gòn bị tiếng xấu trong trường Paris, vì phần thì phong thổ chẳng hiền, phần thì mắc chuyện khó đàng khác về phần đời, bỡi gương xấu kẻ có quờn thế, nên các cha trẻ Dòng Sai chẳng mấy ai muốn sang qua đó. Song cha Humbert đã tập mình bỏ ý riêng, quen xem ý bề trên là ý Chúa, thì chẳng những không chê khen, lại hăm hở sang đến cho mau mà tra tay làm việc tông đồ tổn phí sức lực cùng sự sống mình cho sáng danh Chúa, cho linh hồn người ta đặng rỗi..

Người xuống tàu mà đi là ngày 27 Janvier 1875, làm một cùng năm cha khác (Một cha đi bên Tàu; ba cha sang nước Birmanie; và cha Hamon qua địa phận ta, mà cha nầy đi học tiếng tại Cái Mơng, chẳng hay cách mấy tháng đã phải chết trôi, là 5 Novembre 1875.)

Tới nơi là ngày 27 Février sau, thì Đức Cha Colombert đã sai người vô Chợ Quán mà học tiếng.

Bước qua năm sau, người thuộc tiếng vừa đủ dùng, thì Đức Cha sai người lên coi họ Thủ Dầu Một. Song người ở đó chẳng đặng bao lâu, vì qua đầu năm 1877 thì bề trên đem người về ở Nhà Trường Latinh, thế cho cha Favreau phải về Tây mà dạy trường chung Dòng Sai tại Paris. Từ ấy cho tới khi sinh thì, là trót bốn mươi năm, người chẳng hề rời khỏi Nhà Trường.

Đức Cha Colombert thường khi đổi cha nào vô dạy trong Nhà Trường, thì hay nói chơi mà gọi rằng: damnatus ad bestias, mà thiệt việc dạy dỗ nầy, thì ai cũng sợ, không ai tự nhiên muốn, có sự vưng lời buộc được mà thôi. Cha Humbert cứ đàng đã tập mình bấy lâu, chẳng xem sao đến ý riêng mình, đã dưng mình làm tôi Chúa theo ý Chúa, nên kẻ thay mặt Chúa chỉ bảo sự gì, thì người sẵn mà vưng nghe luôn, chẳng chữa mình, chẳng tránh trút, dầu nhằm là đều sái ý cũng vậy, người đã bỏ quê vức chẳng phải là cho đặng tìm sự sung sướng, sự vừa ý mình đâu, một lo cho đặng sáng danh Chúa và làm ích cho linh hồn người ta mà thôi.

Bỡi vậy dầu sự người ước ao chí quyết, là có ý sang qua đây mà giảng đạo cho kẻ ngoại, mà nay phải ở Nhà Trường thì không còn trông lo việc giảng đạo thể ấy nữa, nhưng mà vưng lời Chúa chẳng phải là phương thế nhứt hảo mà làm sáng danh Chúa sao? cho nên người chẳng phiền lòng; lại cũng nhớ việc lo làm trong Nhà Trường là dạy dỗ tập luyện những kẻ mai sau sẽ lãnh việc tông đồ, cho nên sẽ có bao nhiêu học trò người giảng dạy người ta ngày sau, thì ra là thêm cho người bấy nhiêu miệng lưỡi mà cao rao danh Chúa, mà chính mình người sẽ đặng thêm công ẩn ánh tịch mạc chẳng ai biết tới.

Lòng đức tin làm cho người tận tình lãnh việc khuất tịch mà lo làm trong chốn thánh trường. Người chỉ lo việc dạy dỗ là chính bổn phận. Dầu phải cực trí cực lòng bao nhiêu, cũng chẳng nại, ghe phen phải hết lòng nhịn nhục những học trò chậm lụt ít trí, phải lặp đi lặp lại những lời cắt nghĩa, cho đến khi lọt được vào trí nó: kẻ đã gánh việc dạy dỗ mới hiểu sự cực nầy, ai chưa thử thì chẳng hẳn chẳng tưởng. Mà cha Humbert chẳng phàn nàn, miễn là làm cho đủ sức, cho trọn việc bổn phận, thì người an lòng.

Người thay đổi mà dạy mấy lớp trường nhỏ, cho đến khi phải thế cho Đức cha Dépierre mà dạy sách đoán, lối năm 1894. Từ ấy thì dạy trường lớn luôn cho đến mãn đời.

Trong nhà trường thì người còn lãnh thêm bổn phận nặng nề khác, là giữ việc, lo tiền bạc xuất phát, lo ăn uống cho học trò, lo mua chác mọi món cần dùng trong nhà, sách vở, giấy mực, dầu đèn, vải sồ, chiếu liếp, vân vân; lo cất nhà, sửa nhà, mướn công, mướn thợ, mướn đứa ăn đứa ở... Người giữ việc cho đến năm 1902 mới trao gánh lại cho cha Quinton, khi ấy ở nhà trường nhỏ Tân Định mới về nhập trường lớn. Cha Humbert khi ấy đã yếu đuối mang bịnh hoạn, không còn đủ sức mà lo gánh qui mô ấy.

Đã có bua việc lo lắng mệt nhọc trong nhà trường, mà người còn bổn phận khác cũng rất trọng phải làm, là dạy dỗ dìu dắc luyện tập những linh hồn dưng mình cho Chúa nơi Nhà Phước ông thánh Phaolồ, thường kêu là Nhà Trắng. Khi gần cuối năm 1877, cha Thiriet thế cho cha Wibaux mà làm Bề trên Nhà Trường, chẳng còn lo được mà xem sóc nhà Noviciat các Chị ông thánh Phaolồ, thì cha Humbert đã lãnh tiếp lo về nhà ấy thế cho người, và đã giữ việc nầy lâu năm lắm, cho đến khi bịnh hoạn yếu đuối làm không nổi nữa. Biết là bao nhiêu con cái thiêng liêng người đã sinh ra cho Chúa thể ấy trong vòng ba mươi năm dư, hầu làm sáng danh Chúa trong việc dạy dỗ và giúp nhà thương! Từ ngày đồng nhi lìa cha mẹ mà bước vô nhà ấy, thì người tiếp rước, lo lắng, xem sóc, dạy dỗ về lẽ đạo, về đàng tập mình sửa tính trong nẻo trọn lành; mà người gìn giữ dìu dắc luôn cho đến khi mặc áo tu hành, cho đến ngày khấn hứa. Đoạn người cũng chẳng bỏ trong lúc kẻ ấy đã nên người nhà phước đi chỗ nọ chỗ kia mà lo việc bổn phận, người cứ giúp đỡ luôn cho đến mãn đời. Ai đếm được bao nhiêu linh hồn người đã giúp trong lúc liệt lào đau ốm cho đến khi ra khỏi thế nầy, cho đặng chết bằng an trong Chúa!

Người cũng còn lãnh việc ngồi tòa làm phước cho các chị ông thánh Phaolồ mà đã khấn hứa rồi, và cũng làm phước, giảng dạy cho các chị dòng Carmêlô, kêu là Nhà Kín nữa. Việc nầy tuy người không làm lâu dài trót đời, song cũng đã làm nhiều năm.

Kể dón qua vậy, cho dễ thấy trót đời người đã làm việc nhiều là thể nào, mà chẳng khi nào người phàn nàn rằng mệt mỏi, một cứ làm luôn luôn, buông chuyện nầy, liền bắt qua chuyện khác, cho tới khi phải té xuống, không còn làm gì được nữa, mới ngừng tay, mà vừa khi đặng sức lực lại một chút, liền khỉ sự lại như thường.

Ta nhắc lại một ngày người làm việc, hồi còn đang sức lực, cho đặng thấy các ngày khác trong đời người, thì cũng làm như vậy.

Sớm mai người thức dậy 4 giờ rưởi, đọc kinh suy gẫm, rồi qua Nhà Trắng làm lễ, cám ơn, rồi về nhà đọc kinh minores horas, lót lòng, dọn bài dạy. 8 giờ rưởi trả bài, dạy học trò cho đến 10 giờ, rồi đi liền qua dạy Sách Phần bên Noviciat Nhà Trắng cho đến 11 giờ. Về Nhà Trường tập hát cho học trò từ 11 giờ rưởi cho đến 12 giờ, ăn bữa trưa. Đoạn truyện vãn cùng các cha, hay là đi coi học trò đang giờ chơi trưa, rồi đọc nhựt trình hay là sửa bài, xem sách. Tưởng cả đời người không có ngủ trưa một lần nào. Kinh VesperasCompletorium thì đọc nội giờ rảnh ấy. Tới 2 giờ thì đọc MatutinumLaudes, đoạn 2 giờ rưởi dạy học trò cho đến 4 giờ. 4 giờ rưởi nhiều khi phải làm phép lành bên Nhà Trắng; có ngày làm phước cho tới tối, có ngày phải làm phước ở nhà, phải giảng cho học trò hồi 5 giờ; không thì sửa bài, dọn bài. 7 giờ ăn cơm tối rồi chuyện vãn, lối 8 giờ về phòng còn làm việc cho tới chừng 9 giờ mới đi ngủ. - Mà cả và đời người cứ theo một thứ tự ấy gần luôn, đổi một hai chút, khi lãnh thêm hay là đổi việc bổn phận nào mới mà thôi.

Trừ ra bấy nhiều sự ấy, thì còn phải lo việc trong nhà, theo phận cha việc, còn phải ra khách khi có kẻ tới thăm, còn phải viết thơ trả lời cho những kẻ bàn hỏi chuyện nọ chuyện kia, còn phải đi thăm kẻ liệt lào, nhứt là khi có ai trong các Chị ông thánh Phaolồ phải liệt nặng gần chết, hoặc bên Nhà Trắng, hoặc bên Nhà Thương Thị Nghè.

Ta xem đó thì thấy ngày giờ người no đầy (dies pleni) là thể nào, đầy việc vàn, đầy khó nhọc, đầy công nghiệp... Mà người hằng vui lòng luôn, và yêu mến sự làm việc bằng yêu sự sống mình vậy, và hơn nữa. Biết là bao nhiêu kẻ quên ý Đức Chúa Trời dựng nên người ta cho đặng làm việc: Homo nascitur ad laborem (Jos, v, 7), cho nên những mơ ước và tìm thế cho đặng nghỉ ngơi! Cũng chẳng thiếu chi người, khi đã làm việc rồi mà đặng ngừng tay lại, thì lấy làm phỉ chí vui mừng. Cha Humbert không nhập vào hạng hai thứ người ấy, vì hằng làm việc chẳng chịu hở tay, dầu xác phải mệt nhọc thể nào, người cũng vui lòng. Bỡi vậy khi người mắc bịnh hoạn yếu đuối, không còn làm việc được như xưa, thì người lấy sự ấy làm nặng nề khó chịu. Cách chẳng mấy ngày trước khi người qua đời, có thầy kia đến thăm, thì người than với thầy ấy rằng: “Cha không dạy, không trả bài được, thì buồn quá, nhàm quá!” Ngày người chịu phép xức dầu thánh, thì hãy còn ngồi tòa làm phước cho mấy con linh hồn đến xưng tội.

Dầu người mắc bua việc chồng chập, mà người chẳng hề bồn chồn bối rối lật đật: Omnia tempus habent ( Ecci, III, 1), chuyện nào có giờ theo chuyện nấy. Mỗi việc người làm đĩnh đạc kỷ lưỡng như thể không có việc gì khác mà làm nữa. Như trong khi dạy học trò, thì người lo cắt nghĩa rõ ràng cho ai nấy hiểu được, dầu kẻ chậm trí hơn hết cũng phải hiểu đã, mới dạy qua đều khác; trong bài vở có lỗi gì, dầu nhỏ mọn, người chẳng bỏ qua, một chỉ cho thấy lỗi và bắt sửa lại, hay là chỉ cho biết phải sửa làm sao cho nhằm.

Người cầm lòng nhịn nhục luôn, chẳng thấy người tỏ dấu nóng nảy khi nào, dầu khi gặp chuyện trái ý tức mình, hoặc thấy học trò lơ lảng chẳng chín chắn trong việc học, chẳng ân cần trong đều giữ luật... hoặc bị khinh dễ nhạo cười, người cũng đằm tính bằng an luôn.

Không thấy khi nào người buồn quạu, cũng không thấy người vui cười thới quá bao giờ: gặp người vui vẻ bình tịnh một mực luôn, Ghe phen người gặp đều phi ơn phi ngãi, nhiều lần phải chống báng, có khi mang chuyện phiền muộn đau lòng, như khi nghe tin mẹ hay là em qua đời, cũng là khi phải bịnh hoạn dài ngày cực lực tê mê nhức nhối, thì cũng không thấy người buồn bã, không nghe phàn nàn rên siếc. Có Chúa cầm lái thuyền người, thì người hằng vững dạ an lòng chẳng chuyển.

Khi phải sửa phạt kẻ bề dưới, thì người cứ lẽ công bình, và cứ đức yêu người tìm phần ích cho kẻ có lỗi đặng ăn năn hối cải, cho nó hiểu sự mình quấy và mất lòng Chúa. Nên người chẳng vội làm cách lật đật, một chờ thì tiện, và liệu cách cho kẻ có lỗi bằng lòng mà nghe lời khuyên bảo, nhứt là người lo cầu nguyện, xin ơn Chúa phần thì cho mình nói cách nào cho khỏi mích lòng, phần thì lo cho kẻ ấy đặng ơn soi sáng mà hiểu những lẽ phải nghe.

Đang khi lo lắng cho những linh hồn người phải xem sóc giúp đỡ, thì người chẳng hề muốn dự vào trong những chuyện không phải thuộc về bổn phận mình. Nên người chẳng ưa nghe những chuyện hành tỏi về kẻ khác, huống chi chính mình người chẳng nói đi nói lại về việc kẻ khác. Người lại càng chê ghét và lánh xa hơn nữa cho khỏi đoán xét và bắt tì ố việc người ta. Người năng nhắc lại luật đức thương yêu dạy phải xét tốt cho kẻ khác luôn, và khi phải là đều trái tỏ tường thì phải tưởng kẻ ấy chẳng có ý xấu, hoặc lầm lỡ yếu đuối, mà nhứt là phải nhớ phận mình mà sợ có lẽ nếu mình phải sa cơ hội như kẻ ấy, âu là mình phải tệ lậu hơn nữa.

Người quen suy nhớ những lẽ thể ấy mà giữ mình khiêm nhượng luôn, chẳng tưởng mình hơn ai, chỉ ghét sự phô trương bề ngoài; chẳng ham cho ai tôn kính khen ngợi mình, mà khi có gặp làm vậy thì chẳng xem sao tới; chẳng muốn cho ai biết ai tưởng tới mình; chẳng sợ ai chê bai khinh dễ: một chỉ lo bổn phận cho vừa ý Chúa tùy sức, để cho Chúa phán xử khen chê mặc lượng lòng lành và công bình Chúa, cũng như thánh Phaolồ xưa: Mihi pro minimo est ut a vobis judicer, aut ab humano die: sed neque meipsum judico. Nihil enim mihi conscius sum, sed non in hoc justificatus sum; qui auten judicat me Dominus est (I Cor., IV, 3-4).

Cũng bỡi người lo giữ mọi lẽ theo sự công bình, nên người không ưa mắc nợ, có mua chác vật gì thì người lo trả tiền cho rồi. Cũng vậy người lo cho đừng có ai mắc nợ người. Có một lần người cho một người kia mượn tiền mà gầy nghề nghiệp làm ăn. Ban đầu thì người ấy còn tới lui một ít lần, mà hẹn sẽ trả tiền khi có thể lo trả được. Đến sau khi người ấy đã khá, có lẽ lo trả được, thì chẳng còn tới lui, cũng chẳng gởi tin tức gì nữa. Cha Humbert thấy vậy thì lo sợ, không phải tiếc tiền bạc, song sợ người ấy không lo trả nợ mà bị tội trước mặt Chúa, nên người hỏi thăm, và nhắn đi nhắn lại nhiều tin cho người ấy hay, nếu khó bề lo trả, thì tỏ cho người biết, đặng người hủy nợ ấy đi. Mà tên ấy vô tình, cứ làm thinh mãi. Cách lâu ngày lâu tháng, chẳng thấy tin tức, thì người lại lo nhắn thêm tin khác mà biểu nó ở bằng an, đừng lo trả nợ nữa, vì người cho đứt nó số tiền ấy. Như vậy thì người mới được an lòng. Cách người suy xét cân lường về chuyện nợ nần thể ấy thì khác xa sự thiên hạ thường xét và làm là thế nào! Biết là bao nhiêu người mắc nợ nần, mà dửng dưng vô sự, chẳng lo chi tới, đã không lo nhín nhúc cho có đủ tiền mà gỡ lương tâm mình và cho khỏi chuyện bó buộc, mà lại bằng an cứ lo ăn lo xài, như thể mình chẳng thiếu đủ ai chút gì sốt; mà lại khi xưng tội cũng chẳng xét tới đều ấy, cũng không nói một tiếng mà cáo mình! Kẻ thế ấy thì lường gạt lương tâm mình và đành lòng an dạ để phần rỗi mình phải cheo leo biết là ngằn nào!

Nợ thật là mối hiểm nguy cho kẻ làm vậy, mà bạc tiền lại càng nguy hiểm cho nhiều kẻ khác, vì lòng dễ dính bén: bốc chai, vấy chai, Qui tetigerit picem, inquinabitur ab ea (ECCII., XIII, 1), như gương Giudà, giữ tiền cúng đức mà sinh bụng tham. Cha Humbert chẳng mắc đều chi thể ấy. Người giữ tiền bạc Nhà trường, mà lòng chẳng những là thanh liêm công chánh, lại chẳng thèm sá kể đến của phù vân. Của Chúa, của người ta làm phước bố thí, người phải giữ gìn, lo dùng tiết kiệm, theo việc phải dùng, chẳng dám xa xỉ tổn hao vô ích, mà lòng người chẳng mến của, chẳng lo thâu góp tích trử, một noi theo Quan thầy yêu ở khó khăn, chẳng muốn sắm ăn sắm mặc, có vừa no dạ kín thân thì lấy làm đủ, Habeutes alimenta et quibus legamur, his contenti sumus (I TIM., VI, 8).

Khi có dư ít nhiều, thì người lo bố thí giúp kẻ thiếu thốn. Mà trong đều nầy thì chẳng kể ra đặng các sự rộng rãi người đã làm mà giúp anh em, con cái, cùng kẻ quen biết, vì người giữ kỷ lời Chúa dạy, Nesciat sinistra tua quid facial dextera tua (MATTH., VI 3), chẳng cho tay tả hay việc tay hữu làm. Có đôi đều không giấu đặng, như người đã dưng cho Nhà trường bộ áo lễ vàng, thầy năm thầy sáu dùng khi hát lễ cả, có hơn 100$, và cây đờn lớn dùng tại Nhà trường, chừng 800$. Nhiều khi người chẳng đợi kẻ túng ngặt mở miệng xin giúp, vừa hay túng, người đã trao ra, như khi người nghe họ Hanh Thông Tây tính cất nhà thờ lại, liền rút giấy 20$ bố thí liền, chẳng chờ xin. Ta thấy mỗi năm trong số Hội ông thánh Vêrô, in tên người làm hội hữu đời đời mà giúp Nhà trường. Khi phải lo chuyện kính Chúa yêu người, thì người chẳng hề biết so đo bòn sẻn.

Người cũng chẳng biết tiếc mà sắm sách vở, những thứ làm ích về việc học hành và chuyện nhơn đức, như những thứ Sách đoán cho đặng giúp người dọn bài dạy các thầy trường lớn, những thứ sách giải nghĩa Thánh Kinh, sách bài giảng, sách các thánh sư, sách sử Hội Thánh, sách dẫn lối đàng trọn lành, dạy các nẻo về Sự sống thiêng liêng, về sự nguyện gẫm, sách hạnh các thánh. Không kể được là bao nhiêu sách người đã mua, đã dùng, đã học, đã xem. Trong mấy năm sau hết thì người ước rằng phải chi có tiền dư ba bốn trăm đồng, thì người liều mà đóng tủ sách cho lớn đủ mà trử sách vở người cho có lớp lang thứ tự để đời, kẻo để nhiều chỗ phải lạc mất thì uổng lắm; vì người có ý để nguyên vậy đủ hết mà trối lại trong Nhà trường, chẳng muốn phân phát ra, để dùng chung, ắt là làm ích cho nhiều người hơn.

Người nhờ sách vở mà làm cho những sự người học và dạy dỗ càng ngày càng thêm toàn hảo minh mẫn; cũng dùng đó mà nuôi linh hồn mình, cho đặng học cùng các thánh mà tấn tới trong sự kết hiệp cùng Chúa, theo lời các thánh dạy, theo gương các thánh làm, - mà giúp mình trong việc nguyện gẫm. Nhiều khi người nói rằng: “Tôi u mê lắm, không có sách, thì tôi không biết làm thế nào mà nguyện gẫm.” Người dùng đó cho biết dìu dắc các linh hồn người đã lãnh cho trúng đàng phải đi, cho biết nẻo khử trừ tính xấu, luyện tập nhơn đức, - dùng đó mà dọn các bài giảng dạy về việc thiêng liêng trong các nhà tu, cho nên lời người dạy dỗ rất hữu ích, khác nào mật ong đã nút trong các thứ bông mà làm ra.

Có khi người gặp sách tốt, hữu ích, thì lại xuất tiền mua, mà phân phát ra cho con linh hồn cùng kẻ quen biết đặng nhờ, mà chẳng lo hao tổn.

Vì người hằng ước ao cho những kẻ người phải lo lắng cũng làm như người, là tìm phương thế mà tấn tới luôn trong đàng kính mến Chúa, trong sự thắng trận tính xác thịt mà luyện tập về các nhơn đức. Cho nên khi người gặp đặng thế nào mà giúp mình, thì vội vàng thông ra cho kẻ khác cũng đặng nhờ như mình.

Chẳng những người lo tìm phương hiệu nghiệm trong sách vở mà thôi, lại khi có thế nào khác bề ngoài mà làm ích cho mình, hay là cho kẻ khác, thì người lo cho đặng dùng. Như thể vào họ nọ họ kia đã lập ra trong Hội thánh. Khi Đức Giáo Tông Piô thứ X đã ra sắc chỉ về sự rước lễ hằng ngày, thì đã lập ra một hội Thánh Thể cho các thầy cả vào, mà lo khuyên lơn thúc hối bổn đạo về sự năng rước lễ, ai vào hội ấy thì đặng nhiều phép riêng làm ích cho bổn đạo, thì người đã lo vào hội ấy, và lo làm hết sức cho ai nấy trong những kẻ cậy người về việc thiêng liêng, đặng thêm sốt sắng theo ý Chúa, mà cẩn quyển về sự rước Chúa, và đặng nhờ những ân tứ Hội thánh ban.

Song dầu người ái mộ về sự vào hội thể ấy, mà người không vội và vô ý; có khi biết hội nọ có ích trọng, người muốn biên tên mình vào, mà bỡi có đôi đều trong điều luật hội người không thể giữ trọn đặng, vì mắc chuyện làm theo bổn phận cản trở, nên phải bỏ qua, hay là phải xin chuẩn, thì dầu người ước ao cho lắm, cũng không xin vào. Người nghĩ rằng: nếu mình rõ biết có đều mình không thể làm đặng, thì không nên lãnh luật và hứa buộc mình làm chi, mà vừa buộc mình rồi phải bỏ qua, phải lỗi luật, hay xin chuẩn, thà đừng buộc mình thì hơn.

Như thể có một hội thầy cả người ước ao vào lắm, kêu là lội Pretres - Adorateurs; mà ngặt trong luật hội ấy buộc mỗi hội hữu, mỗi tuần một lần; phải ở chầu trước Mình Thánh Chúa trót một giờ luôn, chẳng đứt khúc; phải chi được chấp đôi ba khoản cho ra trọn một giờ, thì dễ, song phải có luôn trót một giờ không đứt khoản, thì trót tuần người kiếm không ra một khi nào mà mình rảnh đặng một giờ thẳng thét, để mà chầu Chúa như vậy. Cho nên trong mấy năm, dầu người mơ ước tận tình, mà không dám chịu tên vào hội ấy. Chẳng hẳn hồi người yếu đuối bịnh hoạn trong mấy năm sau hết, mà bớt công việc làm, thì người đã liệu đặng mà vào hội ấy như lòng sở một chăng.

Khi dòng Carmêlô lập phép Dòng thứ Ba tại Sài Gòn cho những kẻ ở giữa thế gian, dầu nam dầu nữ, đặng vào, thì người cũng muốn vào cho đặng thông công nhờ phần ích, và có kẻ đã nài nỉ thúc bồi lắm, song người không chịu, vì thấy trong luật có đều không thể tiện cho người giữ đặng, như sự chay lòng trong những ngày người mắc bua việc bổn phận phải làm, nếu lãnh luật thì sẽ phải xin chuẩn, nên người thà chẳng lãnh, để ở ngoài mà dưng lòng ước ao cho Chúa mà thôi. Mà Chúa nhơn từ công bình, ắt đã nhậm tình ước ao nầy như việc toàn công mà trọng thưởng người.

Có một hội khác, tên là Union Apostolique, cho các thầy cả lo việc họ đặng thông công cùng nhau, chẳng buộc đều gì ngoài việc phải làm theo bổn phận, chỉ phải lo việc đứng bực mình cho trọn lành mà thôi, và lo giúp đỡ chung cùng với nhau trong việc thiêng liêng, có thể cho ai nấy nhờ mà nên thánh, là hội các Đức Giáo Tông đã ưng nhận, và chính mình Đức Giáo Tông Piô thứ X đã vào hội ấy, khi còn làm Giám mục. Khi người biết hẳn đặng ý tứ và luật lệ hội ấy, thì liền lo cho đặng vào, lại lo làm hết sức cho bề trên ưng lập hội ấy trong Địa Phận, hầu cho đứng chăn chiên Chúa, đang mắc nhiều việc giặng gịt bề ngoài, dễ mà chia lòng chia trí bê trễ phần thiêng liêng, đặng thông công trong hội ấy mà chín chắn lo phận riêng mình, kẻo mắc lo giúp kẻ khác mà mình phải thiệt, Ne forte, cum aliis praedicaverim, ipse reprobus eficiar (1 Cor., IX, 27). Nhờ ơn Chúa thì việc người lo đặng thạnh sự, và các cha vào hội ấy đã đồng lòng bàu người lên làm bề trên mà lo việc trong hội. Khi người qua đời thì hội ấy đã đặng bốn mươi chín hội hữu.

Xem trong hạnh thánh thì thấy nhiều khi các thánh phàn nàn vì không đặng Chúa đến viếng thăm, là khi các thánh đặng mạnh khỏe lâu ngày, chẳng mắc bịnh hoạn, chẳng có dịp chịu khó vì Chúa. Phần cha Humbert, thì đã đặng ơn Chúa đến thăm như vậy nhiều lần. Một lần thứ nhứt là giữa năm 1881, người phải ung độc trong hàm, không ai dè là bịnh nặng, tưởng dán thuốc dán ít bửa, nó muồi rồi hết, chẳng hay càng ngày càng thêm đau đớn nhức nhối, phải đi nhà thương chịu quan thầy mổ, ra những máu độc đen bầm cả chậu; phải chi chẳng mổ kịp ắt là bỏ mạng. Khi người khá lại mà trở về nhà trường, thì học trò nhìn không đặng, vì râu đã cạo hết.

Cách mười mấy năm bình yên sức khỏe, qua lối gần cuối năm 1893, người đau lại một trận nữa cũng nặng lắm. Phen nầy người thấy chết tới, nên lo dọn mình tạ thế: sổ bộ tiền gạo nhà trường người cậy kẻ lo tính toán sắp đặt đành rành, kẻo khi người khoản rồi mà sinh chuyện gì rối rắm. Song chưa tới ngày giờ Chúa định, nên thỉnh thoảng bịnh nhẹ lần hồi, cách một đôi tháng thì đà đặng lại vừa đủ sức mà làm việc bổn phận thường ngày. Từ ấy thì người bớt sức, nên sau đã phải đi nghỉ dưỡng bịnh bên Hongkong một ít tháng.

Xem ra Chúa muốn dùng bịnh hoạn mà làm cho đầy tớ mình nên thanh sạch càng ngày càng hơn, cho nên càng lớn tuổi, càng gần mồ, thì những cơn bịnh càng kế tiếp nhau nhặt hơn. Mấy năm sau hết người đã đau đi đau lại nhiều lần, mỗi chuyến phải nằm nhà thương nhiều ngày, có khi nhiều tháng.

Thường bịnh phát ra thì làm cho người nóng rét mê man mà té xuống, có khi ban đêm người té dụi xuống đất nằm lâu giờ, mà chẳng ai hay biết. Hết cử rét thì ống chơn sưng lên mà đau nhức riết, phải bỏ mà chịu nhiều tuần, nhiều tháng. Trong những cơn thể ấy, thì thấy rõ người đã thông thuộc đàng hãm mình chịu khó thuận theo ý Chúa là thể nào. Bịnh hành người phải nhức nhối khốn cực quá lắm, phải nằm thíp thíp một bề, dầu khi ăn uống, ngủ nghê, dầu khi có chuyện cần, cũng không dời chỗ đặng, mà người cũng bằng lòng vui mặt, chẳng thở than rên siếc, không trách móc năn nỉ, một nhớ Chúa treo trên thánh giá không trở trăn co duỗi đặng, và mừng mình có phước giống Chúa chút đỉnh. Sự cực lực nặng nề hơn hết là không đặng làm lễ, có khi cũng không đặng rước lễ nữa. Khi người lành mạnh, lo giúp kẻ liệt, thì người hằng lo cho kẻ ấy đặng của nuôi linh hồn thêm sức mạnh và sự an ủi bề trong, cho kẻ ấy chịu nổi các sự đau đớn trong cơn bịnh hoạn. Có khi mỗi ngày người phải đem Mình Thánh Chúa thể ấy, tháng nầy sang tháng kia, mà chẳng những không phàn nàn, lại lấy làm vui mừng mà giúp kẻ liệt cho đặng sự an ủi cực trọng nầy. Cho nên khi người đau đớn mà chẳng đặng rước Chúa, thì dễ hiểu lòng người náo nức ước ao là thể nào. Nhưng vậy người hằng cầm lòng theo ý Chúa, mà nhịn đói thiêng liêng nầy, cho đặng thông công cùng sự Đức Chúa Giê-giu đã chịu Đức Chúa Cha bỏ người trong vườn Giếtsêmani và trên cây thánh giá. Người chẳng tỏ dấu buồn trách, chẳng nói tiếng gì cay đắng.

Khi người đặng khỏe lại khá khá, mà quan thầy chịu cho người làm lễ, thì biết lòng người hớn hở vui khoái là thể nào.

Lối năm 1914, khi người bị một trận đau thể ấy, mà mạnh lại rồi, thì thầy thuốc chỉ cho người một phép bó ống chơn, cho máu châu lưu cho đều, chẳng nghẹt lại mà làm bịnh, thì người cứ giữ phép ấy, cũng lo hằng ngày dùng thuốc nọ thuốc kia, và canh giữ trong mọi sự, dầu chút đỉnh, cho đến trong món ăn, thì đã đặng tạm yên gần trót hai năm, mà bịnh không trở lại. Song nó càng nín lâu, thì chừng trở lại nó càng làm khốn; vì năm ngoái đây, người đã bị lại, mà thêm sưng cho đến trên bắp vế, lại xung quanh mắt cá phải đau đớn cho đến đỗi để bàn chơn cho bằng thẳng đều đặng mà đạp đất thì chịu không nổi. Người phải nằm trên giường một bề lâu ngày hơn mọi chuyến khác, và nhức nhối hơn mấy phen trước.

Ông thánh Phanxicô Salesiô xưa tính rằng: phải chi được thì người muốn chịu cơn bệnh sau rốt cho dai hết sức, cho đặng ai nấy giúp người thì mòn mỏi đã thèm, đến khi người tắt hơi, thì không còn ai buồn tiếc mà cực lòng, mọi người sẽ vui, ít nữa là nhẹ lòng, vì khỏi giúp người nữa. Không biết cha Humbert có bắt chước ông thánh ấy mà ước ao như vậy chăng. Mà người chịu cơn bịnh sau hết dài ngày lắm, và khi xem ra khá lại, thôi nằm nhà thương, trở về ở phòng riêng trên lầu, thì cũng còn cần phải có kẻ giúp đỡ lo lắng cho người liên. Song những kẻ giúp người dầu lâu dài khó nhọc, thì cũng hằng vui lòng tận tình thương lo giúp đỡ, chẳng tiếc công, chẳng sờn lòng, chẳng phàn nàn năn nỉ, vì thấy gương người bằng lòng chịu sự đau đớn khốn cực trước mặt mình luôn, ra như cha con đua nhau mà lập công làm sáng danh Chúa

Bỡi quan thầy chẳng cho người xuống thang lầu mà vào nhà thờ, thì Đức cha cho dọn bàn thờ trong một phòng trên lầu, cho người đặng làm lễ misa hằng ngày. Sự ấy an ủi người lắm, song người chưa lấy làm đủ, hằng ước ao cho đặng bước vào nhà thờ mà cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa. Trong giờ làm lễ riêng trong phòng, thì người nói có những sự bề ngoài giúp người, những ảnh tượng, đèn đuốc, bàn thờ, đồ lẽ, kinh đọc trong sách lễ, có sức làm cho người cầm lòng trí mà sốt sắng được. Còn sự viếng Mình Thánh Chúa, phải ở trên lầu mà ngó nhà thờ, thấy cây cối và mặt tiền nhà thờ mà thôi, thì khó bề giục lòng sốt sắng; dầu là khi cả nhà đang hát kinh chầu phép lành, người ở đó mà ra sức hiệp cùng kẻ cầu Chúa trong nhà thờ, thì trí lòng cũng bản lảng, chẳng bằng khi đặng phước quì gối trong nhà thờ mà ngó nhìn nhà tạm, hay là Mình Thánh Chúa để ra nơi hào quang trên bàn thờ. Song dù người ước ao, mà cũng không đặng, vì quan thầy sợ người lên xuống thang lầu, thì bịnh vội trở lại, nên cứ một bề ngăn cấm sự ấy. Cha đã quen đàng bỏ ý riêng mà vưng lời chịu lụy, thì cứ bề tế lễ theo ý Chúa, mà chịu sự lòng đói khát thể ấy cho trọn bề theo chơn Chúa.

Trong lúc sau hết nầy, thì người cũng còn lãnh việc dạy dỗ được một hai chút mà giúp trong nhà trường đang hồi túng rối, các cha tây phải đi lính, thiếu giờ mà dạy dỗ. Người vui mừng mà làm việc người đã làm trót đời người. Và xem ra khá lại được, đến đỗi quan thầy ưng chịu cho người lên xuống một hai lần mỗi ngày. Chẳng hay đó là ngọn đèn nháng lên, khi dầu đã tiêu hao không còn gì mà cháy đặng nữa.

Bịnh cũ người không đáo lại làm hung, mà trong tuần thánh năm nay, thì người phải ho, nghẹt họng nói không muốn ra tiếng, và đau trong họng. Dẫu vậy người cũng cứ làm việc hằng ngày không bỏ. Ngày lễ Truyền Phép người cũng còn đi xuống, vào nhà thờ kiếm thế cho đặng ở lại mà chầu chực Chúa.

Quan thầy thấy bịnh tấn thì lo hết sức mà chặn lại, song không nổi. Họng cha trước đã đau đớn lắm, rồi kế tê bại, không còn biết đau nữa. Chúa nhựt và thứ hai lễ Phục Sinh cha cũng còn rán làm lễ đặng, mà thứ ba phải ngưng lại. Người khó nói cho ra tiếng lắm, và trong cổ khò khè theo hơi thở, trong mình cực lực lắm. Nhưng vậy người cũng cứ ngồi tòa làm phước cho mấy con linh hồn đến xưng tội, không dè mình đã gần đến giờ ra khỏi thế nầy. Cho đến ngày thứ tư, cha Artif đến thăm mà thấy người phải lao lực quá, e người phải hấp hối, mới nói cho cha Bề trên Hay và Đức Cha liệu làm các phép bí tích sau hết cho người. Đang khi chịu các phép thì người tỉnh táo lắm, mà đọc theo các kinh Hội thánh và thưa đủ hết. Người chịu viaticô cũng một lượt chiều ấy.

Qua ngày thứ năm người còn rước lễ đặng, nuốt Mình Thánh Chúa dễ; cả ngày người cũng tỉnh cùng nhìn biết hết mấy kẻ đến thăm. Đến ngày thứ sáu, người cũng còn rước lễ đặng một lần nữa, mà lần nầy khó mà nuốt Mình Thánh Chúa vào. Rước lễ rồi, người vụt chổi dậy một mình mà ngồi cho đặng cám ơn Chúa. Song không còn sức trong mình, nên cách một phút phải nằm xuống mà cám ơn cho rồi. Những ai đến thăm thì người ngó nhìn và tỏ mặt bằng an mỉm cười, mà không còn nói gì đặng nữa; tay người cùng chẳng ra dấu gì nổi nữa.

Dầu phải đau đớn nhức nhối cực lực, mà người cũng cứ theo ý kẻ giúp người trong hết mọi sự; khi cho uống thuốc men hay là chút nước thịt, thì cũng rán uống, không chối cãi; khi phải thay đồ đạc, cổi ra, mặc lại, động địa đau đớn, khi phải dời chỗ, để nằm trên ghế dài, đem sang qua trên giường, thì người cũng để làm tự ý, chẳng chút cản trở. Còn một giây nữa mà lập công thêm, mà làm cho linh hồn thêm sạch sẽ tinh tấn, thì người cứ việc từ bỏ ý mình mà làm cho xác thịt chết cho tuyệt phen nầy.

Mới an tịnh, bịnh phát làm xung, người phải hấp hối, cách chừng nửa giờ hồn lìa xác phàm trần thế, mà về cùng Chúa nghỉ ngơi hoan lạc đời đời. Hồi ấy là 10 giờ rưởi sớm mai thứ sáu, 13 Avril 1917, thiếu ba ngày thì trọn 67 tuổi.

Sớm mai thứ bảy, Nhà trường hát lễ cầu cho linh hồn người đặng mau khỏi nơi luyện hình mà về chầu Chúa, có hai Đức Cha chầu lễ. Chiều lại 4 giờ ba khắc, các cha xung quanh Sài Gòn tựu lại, hát Vesperas, đoạn Đức cha Quinton làm phép xác và đưa đến đất thánh các Cha Dòng Sai, tại Chí Hòa, kế lăng Đức cha Vêrô, có đông người đưa theo, nhiều người nhà phước, nhứt là các chị ông thánh Phaolồ.

Ớ cha yêu dấu, bao lâu cha còn ở thế, thì hằng lo lắng đêm ngày làm việc Chúa trọn bề trung nghĩa chín chắn một mực, chẳng hề nới tay, không sợ mệt mỏi, không kể đau đớn, những ra sức cho đặng thêm sáng danh Chúa, cho các linh hồn cha đã lãnh mà dìu dắc đặng thêm biết Chúa càng ngày càng hơn, đặng tỏ rõ đàng đi nước bước trong sự sống thiêng liêng, mỗi ngày ưu cần tiến thảo trừ căn những tính hư nết trái, trồng trỉa vun quén cội nhơn đức, hầu lên cây lành sinh trái tốt. Những lời cha dạy dỗ, thì cha giữ trước mà làm gương cho con cái. Nay cha chẳng còn nói năng ra vào giữa chúng con, mà lời cha đã ghi tạc trong lòng trí làm mẹo mực, đâu dám bỏ quên, một cứ thìn lòng nhắc nhớ nắm giữ, ngõ cho việc cha đã gây dựng nên toàn hảo.

Nguyện xin Chúa nhơn từ trả công và thưởng cha muôn ngàn quá hơn những việc cha đã làm; xin Chúa chóng đem cha vào sự sáng Chúa, mà hưởng vui vẻ Chúa dịu dàng quá hơn trí nhơn loài suy thấu. Cha đến nơi vĩnh an, mựa nở quên chúng con còn đang lao lực nguy hiểm giữa chốn chiến trường, dưng lời nguyện giúp cầu bàu cho chúng con vững gối, cứ theo đàng cha đã chỉ, mà làm sáng danh Chúa, cho đặng ngày kia cha con vui vầy cùng nhau trên cõi thường sinh muôn kiếp.

Tới đây, trước khi hạ bút, tôi gởi lời cùng con cái cha Fêlicê, xin miễn chấp, trước là vì dầu tôi đã cả lòng lãnh việc dẫn tích cha lành, nhưng đã chậm trễ, làm cho có kẻ phải náo nức chờ đợi lâu ngày quá; sau là vì dầu tra tay biên chép, mà không nói cho đủ đều, nhiều chuyện bỏ qua, có đều hoặc chẳng chính đính. Vốn khi người vừa tắt hơi, tôi muốn tra tay lo tức thì, song càng suy càng nhớ, thì càng lo e đã cả lòng cậy mình mà lãnh việc quá sức mình, nên hóa lưỡng lự mà ra trễ. Song nghĩ lại, cứ đợi chờ thì ra chuyện thất ngôn, mà lại thất nghĩa, nên cũng phải đánh liều. Bỡi không sức làm hạnh cha được, nên chỉ lo nhắc tích về những đều đại cái vừa đủ tạc hình cha nơi giấy mực, cho kẻ đã biết cha thì vừa đủ nhìn được đó là người ta đang thương tiếc. Vì vậy trong đoàn con cái cùng người quen lớn, có kẻ thấy chuyện nầy, có người thấy đều kia đã bỏ qua chẳng doãn lại. Xin phô kẻ ấy nhiêu dung, vì trong chút sự tích mọn nầy chẳng thể nào nói đủ đều đặng, lại tôi cũng chẳng dám hỏi han cho hết mà chép hạnh người; sự ấy xin nhượng lại cho ai đó tài sức thế thần. Phần tôi, đã ghi chép bấy nhiêu đều mà đền ơn trả thảo theo sức mọn tôi, xin kẻ xem nhớ đến cha mà giúp lời cầu nguyện, thì cũng chớ nỡ quên tôi trước mặt Chúa.

Mátthêu Đức.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét