ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

Sự tích Cha Giacôbê Trần Công Bình

 SỰ TÍCH CHA GIACÔBÊ TRẦN CÔNG BÌNH

------------------

Đang lúc cấm kín; tại họ Ba Giồng có hai ông bà nhà đạo đức; ông tên là Philipphê Trần văn Cẩn, bà tục quen kêu là bà Cầu, kêu theo tên con đầu lòng; hai ông bà sinh đặng mười người con: sáu trai, bốn gái, mạnh mẽ sởn sơ, trong nhà lúc y lúc thực, việc đạo hạnh cần mẫn chín chắn; Giacôbê là con thứ tám, người sinh ra năm 1838; Mậu Tuất niên ngày 20 tháng ba annam, Minh Mạng thập cửu niên; người sinh ra tại làng Tân Lý Đông hạt Mỹtho; khi đó cha Minh (Á thánh Minh) lâu lâu thì vãng qua họ Ba Giồng lo việc thiêng liêng cho bổn đạo; người đã rửa tội cho Giacôbê, khi đến tuổi khôn thì học vỡ lòng với một anh biện đồng nhi; cha Minh cho phép kêu anh biện nầy là thầy Yến; hễ thầy Yến dạy sự gì rồi, đến khi á thánh đến vãng họ thì người hạch hỏi lại học trò cho biết thuộc cùng chăng.

Giacôbê từ bé cho đến lớn tánh nết thật thà, hiền lành đằm thắm dễ ăn dễ dạy; khi trò Giacôbê đặng 12 tuổi á thánh Minh dạy trò nầy cùng cho chịu lễ vở lòng và ban phép xức trán luôn; á thánh Minh thấy con trẻ nầy có tánh hạnh tốt, nên cha bắt ở làm học trò giúp lễ cho ngài đặng một ít lâu; cha hay nói với trò Giacôbê rằng: cha đã cho nhiều đứa đi nhà trường Latinh mà nó không bền đỗ, bây giờ cha muốn cho con đi nữa đặng sau làm thầy cả nối quờn cho cha. Song cha thánh nầy mắc lo việc cho bổn đạo, nên không đặng rảnh rang khi nào. Vậy người đã gởi trò Giacôbê cho cha Pernot dạy giùm tiếng Latinh, song lúc ấy cũng khó nỗi việc học hành, vì cha Pernot ban ngày thì phải ẩn ánh trốn lánh ngoài vườn tược, kẻo quan cựu gặp đặng thì bắt; bổn đạo hằng ngày lén đem cơm cho ngài ăn ở ngoài vườn, tối lại thì cha mới dám vào nhà bổn đạo mà nghỉ.

Khi đó địa phận Saigon và Cao mên là chung làm một, Đức cha Ngải (Mgr. Lefèbvre) coi sóc. Trò Giacôbê và trò Lộc (Tổng đốc Trần bá Lộc, Cái Bè) cả hai có ở học trò hầu giúp Đức cha được một ít lâu. Song trò Lộc có tánh cang cường lắm, nên Đức cha không muốn dùng, trả lại cho cha mẹ.

Ở tại Cù lao Gieng có ông Lý Phụng, mạnh đạo hay chứa các cha thầy trong nhà, nên cha Pernot đem trò Giacôbê và bốn năm trò khác nữa núp trong nhà ông Lý Phụng, đặng cha lén lút tới lui trong nhà đó mà dạy mấy trò học tiếng Latinh.

Kế Đức cha gởi trò qua Phi-năng, ngài sai thầy sáu Triêm (sau kêu là cha Triêm) làm đầu mà dẫn năm đứa nhỏ đi tới Phinăng, có trò Giacôbê trong số 5 trò nầy, cũng có trò Lới (kêu là thầy Lới) con của ông trùm Lưu ở Chợ quán, Đức cha mướn một người lái ghe bầu ngoại, đưa học trò đi; thầy Triêm làm đầu lãnh thơ từ của Đức cha bỏ trong một cái ghé đường ràng rịt kín đáo, ôm xuống ghe bầu, trò Giacôbê cùng anh em đến xuống mà lui ghe.

Ra tới sông Nhà Bè có đồn canh, nên phải lừa ban đêm mà đi qua chỗ đó, đồn bên nầy sông, ghe lén đi bên kia sông, mà phải chèo nhẹ thả theo nước đặng lén đi qua, kẻo lính đồn hay bắt đặng soát ghe thì cũng vấy ổ, qua khỏi đồn rồi mới vui mừng cùng nhau. Khi ghe bầu vừa mới ra tới cữa biển Cần Giờ, liền kéo buồm chạy ra khơi biệt mù, thấy trời với nước mà thôi, khỏi hơn một ngày đàng thì thấy hòn Côn Nôn dạng dạng nằm nước; các trò chỉ chọc với nhau mà côi, chớ không có vô gần đặng, phần thì bị dại sóng mấy trò ngậc ngờ hết, ghe chạy buồm đặng hai ngày hai đêm, bỗng liền phát dông lớn, trời thì mù mù, mưa sa phẩy phẩy luôn, dông gió càng ngày càng lớn cho tới xế chiều bữa đó. Ghe bầu chịu không thấu phải chìm, vì sóng bổ vô ghe nhiều lắm.

Song nhờ ơn Chúa cùng Đức Mẹ che chở, bốn tên bạn thay đổi nhau đứng cầm gàu mà tát nước luôn, nên ghe không chìm cho thiệt, còn nổi lờ đờ. May đâu thấy dạng xa xa một cục gì trôi đen đen trên mặt sóng, ai nấy trông cậy hoặc là ghe, tàu chi đó, nên lấy khăn cột lại làm cờ, phất qua phất lại, có ý xin cứu giúp.

Thời may hình dạng trôi xa xa đó là chiếc tàu buồm của người Hồng Mao đi buôn, chủ tàu bổ ống nhòm thấy biết có ghe phải lụy, nên kéo buồm nam lại vớt giùm làm phước; vớt được lái bạn, ông thầy và 5 chú học trò, lên tàu đặng khỏi chết, còn chiếc ghe bầu khỏi một lát sóng đánh nhào lăn chỏng gọng, lui về âm ti.

Năm thầy trò lên đặng thì ai nấy còn có một quần một áo bận trong mình mà thôi, song ướt loi ngoi, nước mặn bổ vào rít chịt áo quần, ông thầy sáu sách kinh trôi đâu mất hồi nào không hay, lạnh đà chí để, phần bị đói nữa, bánh ổ cha mẹ làm bổ theo cũng cúng cho bà thủy.

Nhờ ông chủ tàu, cùng các bạn tàu cũng có nhơn, lấy các thứ áo quần cũ mà ban phát cho nội ghe, mấy thầy trò đặng mặc ấm, cùng cho ai nấy ăn một chút cho lại nghình.

Mà sự may: là khi đó thầy sáu Triêm còn sáng ý, dầu ghe phải lụy, song cứ ôm giữ cái ghé đường thơ luôn không rời, nên khi mở ghé ra cho chủ tàu xem, thì thấy những bức thơ của Đức Cha Ngải viết mà gởi gắm học trò qua Phinăng, chủ tàu coi thơ ấy liền hiểu mọi nỗi, đem lòng trợ các trò cho tới nơi.

Nhằm đường tàu đi qua Hồng Kông, cho nên ông lái chở thẳng mấy trò qua Hồng Kông, giao cho cha lo việc tại đó là cha Patriat, cha nầy hiểu rõ mọi nỗi căn do rồi, cầm Giacôbê cùng mấy trò ở lại đó hơn một tháng, còn thầy sáu Triêm thì cha việc lo gởi đi theo tàu khói qua Phinăng trước, vì người có chuyện phải đi lo việc thế cho Đức cha, song tiền tàu quá giang mắt lắm, nên cha việc Patriat tính với một ông bộ hành Hồng Mao toan đi qua Phinăng, xin cho thầy sáu theo làm bồi cho ổng, đặng nhờ tiền tàu rẻ hơn. Vậy mà từ Hồng Kông qua Phinăng, phần thầy sáu hết 30$ tiền quá gian. Khi đó cha giữ việc may cho thầy sáu một cái áo thường (laique) mà bận xuống tàu, không ai biết đặng ông thầy sáu chút nào.

Lúc đó, ở nhà Đức cha trông đợi lâu tháng, không thấy tin tức trả lời lại, thì Ngài tưởng đã chìm ghe chết hết rồi, nên Đức cha làm lễ cầu cho linh hồn mấy thầy trò, cùng cho tin cha mẹ hay để cầu lễ, xin lễ cho mấy con. Khỏi ít lâu sau, thì cha việc Hồng Kông mới lo gởi đặng trò Giacôbê và mấy anh em đi quá giang tàu buồm qua Phinăng tiền tàu rẻ hơn.

Lại nói đang lúc trò Giacôbê ăn học tại Phinăng độ chừng hơn một năm. Ở nhà cha ruột người ở tại họ Ba giồng, bị ông phủ Cậu, quen gọi là ông phủ cọp vì ổng có bịnh cùi, mà ông nầy tánh dữ tợn như cọp vậy, ghét con nhà có đạo, chém giết cùng hành hà nhiều thế.

Bữa kia ông phủ đến vây nhà bắt ông già của trò Giacôbê mà nói rằng: mi là Datô; mi theo tây, cho con đi học bên tây đặng về làm ngụy cùng trào đình phải chăng? Ông già trả lời rằng: con tôi mới 12 tuổi biết cái chi đâu mà làm giặc!

Dầu vậy mặc lòng ông phủ Cậu dạy quân lính bắt người anh của Giacôbê đem ra ngoài đồng chém đi, bắt mấy chị và em gái tẩn cấp cho vợ các quan là tì tất; còn mấy anh em kia mạnh giò lủi trốn mất, quan phủ bắt được ông già và em trai út của Giacôbê, trói lại bỏ xuống ghe bầu chèo đi tới chợ Tả Yến, khúc kinh kêu là Kiếng Vàng, nơi chỗ gọi là Cống Sâu; ông phủ dạy trói ông già và người em quăng xuống sông, song còn nổi lên đặng trên mặt nước mà kêu đi kêu lại câu nầy rằng: Giêgiu Maria Giude, vân vân.

Ông phủ dữ tợn nầy dạy lính trở guốc cây chèo mà bổ người cho chìm xuống mà chết cho rồi, quân lính thi hành y như lịnh dạy. Đến sau ông phủ nầy bị nhà nước Langsa bắt đặng xử tội treo lên trên cây da mà bắn chết tại thành Mỹtho.

Khỏi ít lâu, thơ gởi đến Phinăng cho trò Giacôbê hay, mấy chị và em gái người bị tẩn cấp đi làm tôi mọi, anh người bị chết chém, cha người và em trai út của người bị trấn nước chết. Ai nói cho xiết lòng trí Giacôbê lúc đó tán loạn bỡi tin ưu sầu là dường nào!! Phần vì đàng xá viển vọng xa xuôi, mặt biển, chưn trời, phần thì mới trãi qua nhiều nôi gian nan khốn khó vì Chúa như đã nói trên. Phần thì mới đến ăn học đất nước nầy, lạ cảnh lạ người, bơ vơ ngàn dặm. Vậy Giacôbê vì phụ mẫu tình thâm, anh chị là cốt nhục đồng bào, nên đau lòng xót dạ lưỡi nào kể xiết! Song cũng để bụng phú dâng cho Chúa, bề ngoài ăn ở cũng như thường, hằng lo bề nấu sử xôi kinh, cho kịp thì tiết với anh em chúng bạn Thất niên hòa, bảy năm đèn sách, thuộc đủ sách đoán, cùng giồi mài đức hạnh khôn ngoan. Bề trên nhà trường gởi Giacôbê theo tàu buôn của người Langsa về Saigon, cho Đức cha địa phận ban phép cắt tóc.

Lại nói Giacôbê đang khi học tại Phinăng chừng được ba năm, có thơ gởi qua cho cha nhà trường hay: á thánh Minh chịu tử vì đạo rồi, cha Bề trên vui mầng lắm, vì trong hội thầy cả Dòng sai có linh mục bổn quốc đặng đỗ máu ra làm chứng đạo thật; nên người dạy đánh chuông đánh trống một cách khởi hoàn, lại cho học trò nghỉ ba bữa đi dạo chung lên trên núi chơi cách vui vẻ lắm, cùng làm lễ tạ ơn Chúa.

Khi thầy Giacôbê về tới Saigon rồi, lối năm 1862, gặp trào Đức cha Mịch (Mgr. Miche), Ngài nói cùng thầy Giacôbê rằng: Ta muốn ban chức cắt tóc cho con, Song Giacôbê trả lời cách khiêm nhường rằng: Tuân lạy Đức cha, con còn niên ấu quá, xin Đức cha giãn ra cho con chức cắt tóc, để cho con mặc áo thường (laique), đi dạy chầu nhưng giúp việc giảng đạo đôi năm đặng con thử mình con thể nào giữa thế gian, rồi ngày sau con sẽ sẵn lòng vưng lời Đức cha, Đức cha nghe lời Giacôbê gởi thưa cách khôn ngoan, thì ngài liền nhậm lời, cùng sai thầy Giacôbê xuống Mỹtho làm thông ngôn cho quan Chánh Tham biện, ngồi tại tòa bố bên chợ cũ, phía đàng đi xuống Thủ Ngữ, thầy thông ăn lương một tháng mười đồng bạc. Lúc nầy con cháu của ông phủ Cậu, cũng còn tản lạc trong làng tổng về hạt Mỹtho, như thầy Giacôbê muốn oán thù con cháu của phủ Cậu, vì cớ sát hại gia thất của người thì dễ lắm; vì đời đó người ta quen nói rằng, quyền Tham biện, miệng thông ngôn, hễ thông ngôn nói sao thì ông Chánh nghe vậy; song thầy Giacôbê không tỏ chút chi oán hận khi nào, giữ sự bằng an với người ấy luôn, nên chúng nó có ý sợ thầy thông, cùng khen ngợi lòng nhơn lành hiền hậu của người lắm.

Khi thầy Giacôbê đứng thông ngôn tòa bố được một năm rưởi, thì Đức cha đòi người về, cùng sai lên ở họ Thala  giúp cha Y (P. Errard), khi đó cha cũng mới qua chưa thuộc tiếng annam bao nhiêu, có thầy Giacôbê giúp dạy chầu nhưng, bao đồng, xức trán cùng dạy cha sở học tiếng annam.

Buổi đó họ Thala còn rừng bụi cọp hùm nhiều lắm, chẳng phải trống trải thị tứ như bây giờ vậy đâu.

Thầy Giacôbê tánh ý đằm thắm dạn dĩ, ghe lần có bắn đặng đôi ba con cọp lớn, ra phá nhà bổn đạo, các quan tây có đến coi cọp của thầy bắn đặng, và khen thầy dạn dĩ quá.

Qua năm 1865 ngày 10 Juin thì Đức cha Mịch ban chức cắt tóc cho thầy Giacôbê tại nhà trường latinh Saigon, chỗ phòng cha giữ việc ở bây giờ, vì hồi đó trong nhà trường chưa có nhà thờ riêng. Năm 1866 ngày 17 Juin thầy chịu bốn chức dưới một lượt. Năm 1867 ngày 25 Juillet người chịu chức thứ năm, rồi Đức cha sai người đi dạy chầu nhưng chỗ 18 thôn vườn trầu tại Hóc Môn, nơi nầy lúc ấy đội quản đang dậy giặc nhộn nhàng lắm, thầy năm ở đó chẳng khác nào thịt béo đam treo trước miệng hùm, phần gian nan, sự lo sợ ghe ngày. Thầy năm thường về Saigon mà bàn tính việc kia việc nọ cùng Đức cha, thầy ngồi trên thớt tượng của ông đốc phủ Ca mà đi về Saigon thường khi.

Qua năm 1868 ngày 25 Octobre thầy chịu chức thứ sáu, rồi Đức cha lại sai thầy xuống dạy chầu nhưng tại họ Ba Giồng, chỗ nầy cũng chộn rộn đội quản dậy ngụy tứ tung; như xảy đến có một đêm kia, có một người chầu nhưng, ông nầy cũng là hương chức trong làng, tới nghe dạy với thầy Giacôbê hồi đầu hôm, qua canh ba thì có giặc nổi lên đốt phá chợ Thục Nhiêu, Mỹ Quí; ông đốc phủ Lộc ở Cái Bè xuống tầm bắt, họ khai cho tên chầu nhưng nầy, ông đốc phủ Lộc giận lắm, muốn ăn gan nó, song tên nầy nài hà nói vô tội, xin thầy sáu làm chứng, đêm ấy nó có nghe dạy với thầy hồi đầu hôm; mà nơi chợ Thục Nhiêu cách xa họ Ba Giồng hơn 20 ngàn thước tây.

Thầy sáu phải đến giữa mặt quan làm chứng quả đêm hôm đó nó có nghe dạy thật, nên người ấy khỏi tội, làm ông đốc phủ Lộc giận thầy sáu hung.

Quan năm 1871 ngày 5 Juin thầy Giacôbê chịu chức thầy cả, cả thảy mấy chức cũng tay Đức cha Mịch phong cho người, tại nhà trường Latinh Saigon nơi chỗ phòng cha giữ việc, như đã nói trên rồi; còn nhà thờ Cathédrale là một cái chùa của các chú, chật hẹp lắm, ở tại chợ cũ bến thành, gần vườn Bờ rô, quan Langsa lấy cho Đức cha làm nhà thờ.

Khi thầy Giacôbê lên chức thầy cả rồi, thì Đức cha sai cha mới nầy đến ở họ Cái Mơng giúp cha Bề trên Quí (P. Gernot).

Khi ấy có cha Trí và cha mới nầy mà thôi, cả hai cha phó lãnh coi mấy họ nhỏ xung quanh thuộc về sở Cái Mơng hết thảy là 23 họ.

Cha Giacôbê có lập một họ là Bình Nguyên và rửa tội chầu nhưng đông lắm, Đức cha ban thưởng cho cha một bộ áo lễ vàng rày cũng còn, người cho nhà thờ Giồng Keo để làm dấu tích. Trong mấy họ cha Giacôbê lập cùng coi sóc thì người phải hao tốn của riêng chẳng biết là bao nhiêu, hoặc lo việc nhà thờ, hoặc tu bổ trường học, hoặc giúp đỡ chầu nhưng, đạo mới.

Cha Giacôbê ở giúp cha Bề trên Quí trọn bốn năm, hai cha annam hễ một tháng thì ở nhà giúp cha Bề trên lo việc họ Cái Mơng, rồi một tháng thì hai cha luân phiên chia nhau mà đi làm lễ, cùng lo việc thiêng liêng cho các họ mới kể trên đó. Cứ vậy luôn luôn, đàng đi ghe cộ hồi đó là cam go lắm, vì lúc còn loạn lạc, việc cai trị trong nhà nước chưa yên, nên giặc giã tứ tung, ăn cướp, ăn trộm dọc đàng lăng xăng. Như xảy ra có một lần kia: cha Giacôbê đến ở làm lễ tại họ Ba vác, nhằm đêm ấy có tên Trần thế Điều dấy loạn tại Ba Vác; nó chém hết hai mạng mà tế cờ; rồi kéo binh gia đi rần rộ, trống phách khắc ba, giục sáu, nhộn nhàng, cha Giacôbê đếm đó chạy trốn ngoài rừng bụi cho thoát khỏi, ở nhà tin rội lên cho cha Bề trên hay việc hỗn hào như thế, cha Bề trên tưởng chắc giặc đã chém cha phó rồi, nên ngài lo sợ hết lòng; qua ngày sau cha thấy ghe cha phó đi làm lễ Ba Vác về vừa tới bến, người vụt la lên một tiếng lớn chỉ sự vui mầng cho bạn hữu mình khỏi lưởi gươm của kẻ nghịch thù chém giết.

Cha Bề trên Quí thấy cha Giacôbê thật thà, hiền lành, chơn chất nên ngài đem lòng thương mến cha Giacôbê lắm.

Khỏi bốn năm rồi, lối năm 1865 thì Đức cha dạy cha Giacôbê ra coi họ riêng, song cha Bề trên không muốn lìa bạn lành yêu dấu, nên người xin Đức cha cho cha Giacôbê đến coi họ Phú Quới và các họ xung quanh hết thảy là 8 họ, trong số 8 họ nầy, ít họ thuộc về Cái Mơng, ít họ thuộc về sở Mỹtho, ít họ thuộc về sở Cái Nhum, nên xem ra cha Giacôbê khi đó phải làm tôi ba chủ. Khi thì về bàn tính việc họ với cha Bề trên Quí, khi thì phải qua bàn tính với cha Linh (P. Moulins) ở Mỹtho, khi thì lại đến toan liệu với cha Thu (P. Tournier) tại Cái Nhum, song cả ba cha sở nầy thảy đều cám ơn, mến đức cha Giacôbê lắm.

Cha Giacôbê giúp coi 8 họ nầy độ chừng 10 năm; qua năm 1886 thì Đức cha đổi người đến coi họ Rạch Dầu cùng các họ nhỏ cả thảy là 6 họ, cũng còn trong sở Cái Mơng thuộc về cha Bề trên Quí; cho đến ngày cha Giacôbê già cả yếu đuối, Đức cha ban phép hưu trí nghỉ ngơi là 28 Septembre 1914.

Trong mấy mươi năm người làm việc Chúa cách kỷ cang, khấn giữ trọn niềm việc bổn phận cách sốt sắng kỷ lưỡng.

Khi người được phép hưu trí rồi, thì về núp mình ở với tôi là cháu nơi họ nhỏ mọn Tường Lộc, về sở Vĩnh Long, đặng 8 năm nay.

Tôi thấy đặng người lên chức thầy cả là năm 1871, đặng phép hưu trí là năm 1914, người lặn lội trong ruộng Hội thánh đặng 43 năm, gánh lo đoàn chiên Chúa, thuộc địa sở Cái Mơng rất nặng công trình, trải qua nhiều nỗi gian nan ngậm cay nuốt đắng cực khổ hết chừng.

Một tích truyện sau nầy, chỉ lòng cha Giacôbê hiền hậu, hay nhịn nhục, cùng dủ nhơn đức yêu thương là thể nào, khi người còn coi họ Rạch Dầu lối năm 1903, người khởi công sáng tạo đền thánh nơi họ nầy, khi đó người sẵn trong tủ 700$00 để cất nhà thờ, song tới kỳ phải đi làm lễ họ Tú Sang, người sợ để bạc ở nhà e có kẻ gian phá tủ mà lấy đi chăng, nên người đem theo mình có ý giữ gìn cho kỷ hơn, chẳng ngờ có đứa giúp việc cho người, liếc thấy người đem theo bạc nhiều, liền sanh lòng gian trá, lừa khi người hơ hỏng, nó liền mở hoa li lấy sạch bạc tiền, người cũng biết rõ là nó chắc không sai, song cứ dỗ dành khuyên bảo nó trả kẻo phạm tới của nhà chung mà mang tội nặng, song thằng gian trá nầy cứ chối mãi, nói mình không có lấy, người cũng ôm lòng chịu vậy, chớ không thấy tỏ mặt giận, hay là quở tiếng chi cho lung cho nó biết sợ; người trả lời một cách hiền lương với nó rằng: thôi mầy không trả thì già lần hồi già lo thường lại cho nhà chung, mà mầy mang tội khó lắm đa.

Kế có một cha kia bà con với người, nghe tin người bị ăn trộm thì đến viếng thăm, cha nầy thạo lý luật lắm, thuở nay cũng hay phân xử ý mẹo mực thì là rất tài, ai ai cũng đều phục khen là người hữu trí;  khi cha nầy nghe cha Giacôbê đọc đủ mọi duyên cớ, thì cũng đoán rằng: thằng đó lấy 700$00 chắc chắn, nên cha nầy xin cha Giacôbê biên cho người ít chữ cầm làm vi bằng; mà nói cha nghi cho thằng đó lấy, đặng người theo đó mà vấn tra thì chắc ra mối, cha Giacôbê sợ e cho thằng gian trá nầy bị vòng lao lý mà tội nghiệp, nên cha không chịu viết, làm cho cha kia tức mình lui ghe về mà rằng: ông già hiền lành như phật đúc, giúp ổng cái gì không được tức mình quá!

Khi cha Bề trên Quí biết trong mình ngài yếu liệt nhiều mà trí ngài còn tỉnh, ngài đòi cho đặng cha Giacôbê  đang coi họ Rạch Dầu về cho đặng ngài trối hứa mọi đều cặn kẻ, cùng nhiều lời thiết yếu từ giã bạn hữu đồng liêu, cho phỉ tình huynh đệ mến thương nhau. Cha Bề trên cố ngôn một câu sau hết cùng cha Giacôbê rất đáng nhớ thương thế nầy rằng: đã 43 năm nay tôi và cha hằng ở gần nhau mà lo việc Chúa nơi sở Cái Mơng nầy, rày tôi đã hết sức rồi; xin cha ở lại cứ lo việc bổn phận, trông cậy ngày sau hai ta cũng đặng ở gần nhau một chỗ là nước thiên đàng!!!

Lúc đó cha Bề trên và nói và rưng rưng nước mắt ngó nhìn cha Giacôbê, cha Giacôbê cũng nắm bàn tay ngài, trong lòng ngậm ngùi ái tuất, cả hai nhìn nhau đều nín lặng làm thinh, để cho hai hàng châu lụy làm chứng!

Đến lúc cha Giacôbê về ở với tôi nơi họ Tường Lộc, tuy là già yếu, chớ lòng thì còn sốt mến việc linh hồn bổn đạo, ưa ngồi tòa cho bổn đạo, ham ban phép rửa tội cho những trẻ ấu nhi; song Đức cha sợ e quên sót, nên không cho người làm phép rửa tội; hằng ngày làm lễ Misa luôn, không bỏ bữa nào, trừ ra một hai khi cha đi ghe đến đâu mà cha phải mệt, thì nghỉ làm lễ một bữa mà thôi, qua ngày sau cũng cứ việc như thường, đến đỗi trong tuần sau hết của ngài trước khi chết, tôi thấy có hơi mệt nhiều, hai bàn chơn thì sưng lên nhiều, ăn món chi vô thì hay mửa ra, tôi biểu thôi nghỉ làm lễ đi vì yếu mệt, thì người trả lời rằng: bữa nào khỏe thì làm được không có sao. Tôi cũng lo, nên khi người làm lễ, có tôi ở sau xem lễ có ý coi trúng sái, thì thấy trúng, nên tôi không dám ép người thôi làm lễ, cho nên người hễ khi khỏe thì làm lễ, khi mệt thì nghỉ, cứ vậy cho đến giờ chết.

Trong 8 năm nay hễ ngày Chúa nhựt nào tôi mắc đi khỏi làm lễ trong mấy họ nhỏ, thì có người ở nhà làm lễ Chúa nhựt cho bổn đạo họ Tường Lộc xem luôn; cũng còn ngồi tòa ít ít vậy được, tôi đi khỏi rủi có kẻ liệt đem ghe tới rước thì người đi được luôn, nên họ Tường lộc, cùng các họ nhỏ của tôi ai nấy đều mến thương cha già lắm, từ nầy về sau cha con ly biệt, ngày Chúa nhựt ngó lên bàn thờ không thấy cha lòng chúng tử ngùi ngùi châu lụy!

Có phước cho họ Trà Ôn, hằng năm đến lễ Sinh nhựt, cha già lãnh đi làm lễ Trà Ôn, đủ 3 lễ luôn, từ nầy về sau có đặng dư giả như vậy nữa đâu!!!

Về sự đọc sách kinh (Breviarium) thì cha Giacôbê không bỏ bữa nào, dầu lúc đau gần chết cũng xin đi hốt thuốc mà uống, cho đặng khỏe mà đọc kinh, kẻo mệt mà phải bỏ một hai bữa thì cha than rằng: buồn trong lòng lắm.

Hằng ngày tôi thấy người cầm xâu chuỗi lần hột luôn, tôi hỏi làm gì lần hột hoài, thì người trả lời rằng: Tôi cầu nguyện cùng Chúa, Đức Mẹ, và ông thánh Minh, hầu cho ngày giờ Chúa định, xin cho đặng chết mau mau kẻo đau lâu mà làm cực cho kẻ giúp đỡ mình  tội nghiệp! mà hẳn thật Chúa nhậm lời cha xin. Người chết một cách tỉnh táo lắm, sáng ngày 24 Mars 1922 cha già có ý mệt chút nên không làm lễ bữa đó, ở trong phòng biểu đứa giúp đi làm cho ông một tách café, người giúp làm rồi đem lại cho cha uống, rồi người biểu nó dẫn lại ngồi trên cái ghế trước ảnh Notre Dame de Lourdes của ngài chưng trong phòng, tay cầm xâu chuỗi lần hột, con mắt ngó Đức Mẹ, miệng nói lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, lạy Đức Mẹ xin giúp con! Kẻ giúp thấy khác cách, liền chạy lên nhà thờ kêu tôi xuống xức dầu thánh cùng ban phép đại xá lần sau hết, các việc xong rồi, cách chừng nữa giờ thì linh hồn lìa ra khỏi xác bằng an, lối sáu giờ rưởi ban mai ngày thứ sáu, nhằm ngày 24 Mars 1922.

Tôi giữ lời người đã xin khi còn khỏe mạnh, nên đã lo đem xác người về họ Cái Mây, thuộc về địa sở Cái Bè và an táng gần mồ mả ông bà; có cha sở Cái Bè là cha Keller làm phép xác và đưa xác ra huyệt, có cha Thích và cha Nhứt ở Mỹtho lên đưa xác, và nội họ Cái Mây tề tựu đủ mặt.

Cha Giacôbê cũng đã đặng phước làm lễ Chánh tế Ngũ tuần ngày 16 Juillet 1921, mọi sự an bài, rày người nghỉ ngơi bằng an trong tay Chúa.

Vậy, ớ cha rất nhơn từ, và rất đáng mến yêu, xác cha rày khuất lấp nơi phần mộ, song lòng trí những em cháu của cha và các bổn đạo trong mấy họ của cha đã an ủi dạy dỗ bấy lâu nay, cùng các họ thuộc sở Tường Lộc là nơi cha nương ngụ khi già cả, với họ Cái Mây nữa là nơi cha gởi gắm xương tàn cốt rụi; chúng con hết thảy hằng thương nhớ cùng cầu nguyện cho cha chẳng khi đừng; chóng xin dưng mấy trang thật thà vắn tắt nầy, là lễ bạc lòng thành dưng để trên phần mộ của cha, Tỏ lòng chúng con thương tiếc, cùng cảm mến ơn cha hết lòng hết sức, xưa cha còn ở với chúng con, thì hằng tỏ lòng dịu dàng hiền lành mến yêu chúng con, nay cha về cùng Mạch yêu mến vô cùng, thì xin cha nhũ lòng thương cùng cầu nguyện cho chúng con, đặng noi theo gương lành cùng lời cha dạy dỗ, hầu cho chúng con đặng hóa nên tốt lành, trọn hảo, như lòng cha sở nguyện, hầu ngày sau cha con đặng sum vầy cùng nhau đời đời chẳng cùng. Amen

Chung

Paul Ngãi

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1922

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét