ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Sự tích Đức Cha Lucianô Mossard

SỰ TÍCH

ĐỨC CHA LUCIANÔ MOSSARD

GIÁM MỤC MÊĐÊA,

CÙNG THAY MẶT ĐỨC GIÁO TÔNG, MÀ CAI TRỊ

ĐỊA PHẬN ĐÀNG TRONG PHÍA TÂY.

---------------------

PHẦN THỨ NHỨT: HẠNH THẦY CẢ.

--------------------

Đức cha Lucien Emile MOSSARD

Đức Cha Lucianô Mossard sinh tại Dampierre-sur le Doubs, thuộc về Địa Phận Besançon, trong Nước Langsa, ngày 23 tháng Septembre, năm Chúa giáng sanh 1851. Cha mẹ Người cứ thói lành các nhà đạo đức bên Nước Langsa, mà lo cho Người chịu phép rửa tội nội trong 24 giờ.

Tổ phụ Người, phải kể là dòng dõi người đời xưa. Đời nay ít có gia đạo lạ lùng và đáng khen thể ấy: đức tin chơn chất vững vàng, truyền tử lưu tôn; tánh hạnh ngay lành nhơn đức, là gia tài tổ phụ lưu lại.

Xem tích sau nầy, thì đủ biết cha mẹ Người đạo đức chắc chắn là thể nào. Thuở loạn lạc bên Nước Langsa, thì đạo thánh phải gian nan kể chẳng xiết. Trong những ngày buồn bực dữ dằn thể ấy, thì nhà cha mẹ Lucianô đêm ngày mở rộng, mà chực rước các Thầy cả bị kẻ nghịch truy tầm tập nã. Đang khi dân loạn hằm hằm như sư tử, bắt bớ cùng làm khốn khổ nơi nơi, thì nhà Mossard bằng tịnh im liềm, cứ việc giấu giếm Thầy cả, và để nhà mình cho phô đấng ấy ẩn dật. Nhà Người trở nên chốn đạo thánh đỗ nhờ, cũng trở nên đền thờ cho các Cha làm lễ, ban phép bí tích, cùng an ủi giúp đỡ bổn đạo trong cơn hiểm nguy dường ấy.

Đó là gan dạ phi thường, chẳng kém gì bực anh hùng. Đó là kính Chúa yêu người, trổi hạng thường nhơn. Chứa đạo trưởng là việc rất cheo leo, cùng là tội nặng nề trong Quấc Pháp đang thì cấm kín. Mà cha mẹ Người coi chết như chơi, và làm việc lành cực trọng dường ấy như việc bổn phận tầm thường, thì thiệt là can đảm và công trọng ít ai dám ví.

Gia đạo nhơn đức dường ấy, ắt đặng ơn Chúa tuôn xuống dường nào, ai hầu kể xiết. Cho nên Lucianô thấm mùi đạo đức những thuở còn thơ; Người đặng lòng kính Chúa yêu người, và đặng ơn mạnh mẽ vững vàng trong hết mọi việc Người làm cho đến mãn đời.

Trong mọi ơn Chúa ban cho gia đạo Mossard, phải kể ơn Chúa gọi Lucianô vào hàng đạc đức là ơn vô giá. Lucianô theo ơn Chúa gọi, bèn bỏ mọi sự thế gian, mà dưng mình làm tôi Chúa. Người vào trường nhỏ - Petit Seminaire - tại thành Marnay, cho đặng học tiếng Latinh, cùng dọn mình làm thầy cả.

Lucianô ở trường Marnay 6 năm, từ 1866 tới 1872, chuyên việc học hành, cùng lo vun quén nền nhơn cội đức, Tánh nết Người hiền lành vui vẻ. Thầy dạy cùng anh em bạn học, và các kẻ quen biết Người thuở ấy, đều mến yêu cùng giữ lòng thiết nghĩa cùng Người bền chặt lâu dài.

Người đã đặng phước sinh nên con nhà ngoan đạo, như mới nói trước nầy, lại thêm doan gặp một Cha linh hồn rất khôn ngoan nhơn đức. Đ C T lòng lành vô cùng, nhứt là trong việc Chúa gọi vào đàng trọn lành cùng lên hàng đạc đức, thì mọi nơi mọi đời Chúa cũng cho gặp những Cha linh hồn thể ấy. Những đấng ấy thật là người Đ C T: Homo Dei! Một sự tới lui cùng nghe lời phô đấng ấy dạy dỗ, ghe phen cũng đủ mà làm cho ta nên lành, nên thánh.

Lucianô được phước gặp Cha Piquet, là Thầy cả thiệt là đích đáng Thầy cả! Đêm ngày Cha ấy ân cần luyện tập Lucianô, cùng tận tình vun quén cây quí trọng Chúa đã kí thác cho người săn sóc, hầu ngày sau trỗ sinh bông trái tốt lành ngon ngọt trong Hội thánh Đ C T.

Khỏi 6 năm, Lucianô vào trường lớn tại thành Vesoul, học Sách đoán, cứ việc sử kinh, cùng lo bề đức hạnh hơn nữa. Ngày qua tháng lụn, trẻ Lucianô nên người. Thỉnh thoảng việc học hành một ngày một tấn, đàng nhơn đức càng bước càng xa, thì mắt Người cũng xem xa, thấy bên rốt cõi Phương Đông lúa chín đỏ đồng Hội thánh, mà thiếu tay gặt. Người bèn động tình cám cảnh, nghe tiếng phán trong lòng, gọi Người sang Phương ấy, mà cứu muôn vàn linh hồn đang ngồi giữa chốn tối tăm, và dửng dưng trong bóng sự chết.

Tiếng ấy là tiếng kêu công, kêu tế lễ, kêu tử vì đạo! Lòng Lucianô rộng lớn hải hà, như ngày sau trong Thơ Chung thọ quờn Giám Mục, Người mượn lời thánh cả Phaolồ, mà cất tiếng khuyên khắp hết giáo nhơn trong Địa Phận rằng: “0s nostrum palet ad vos, cor nostrum dilatatum est. Non angustiamini in nobis” (2 Cor. VI, 11 et 12) Miệng thầy mở sẵn mà phân trần dạy dỗ anh em. Lòng thầy rộng lớn minh mông, chẳng thiếu chỗ cho anh em nương dựa.

Lucianô vừa nghe tiếng Chúa, tức thì tâu thưa cùng Chúa rằng: “Ecce ego, mitte me” (Isai. 6, 8). Lạy Chúa, có tôi đây, xin Chúa sai tôi đi. Người chí quyết, chẳng những là làm Thầy cả, mà lại thêm bực Tông đồ, thêm triều thiên Giảng đạo, và thời may gặp phước trọng hơn nữa, là thêm nhành lá Tử vì đạo. Vậy sang thu năm 1873, Nguời từ giả trường Vesoul, mà đi kinh thành Paris, vào gõ cữa trường DÒNG SAI, xin nhập học cùng dọn mình đi giảng đạo ngoại quốc.

Lucianô ở trường Paris ba năm; đoạn chịu chức Thầy cả tại đó, năm 1876. Người về làm lễ nhứt tại xứ sở là Dampierre, trong nhà thờ Người đã chịu phép rửa tội, đủ mặt cha mẹ thân bằng cùng bổn đạo quê hương, ai nấy đều vui mừng hớn hở chầu lễ Vinh qui. Người bổn hương muốn tỏ lòng mến yêu thiết nghĩa, thì đã hiệp nhau mà dưng cho Người đủ cuộc đồ làm lễ, các Cha thường đem theo khi đi giảng đạo bên Phương Đông.

Qua tháng sau Người đi thành Marseille, xuống tàu trẩy sang Nam Việt, qua Địa Phận Đàng Trong Phía Tây, là nơi Chúa định cho Người làm việc Tông đồ.

Vậy đều Lucianô mơ ước bấy lâu, thì rày đặng phỉ nguyền toại chí. Song lúc biệt li phân rẽ, sao cho khỏi đau lòng rơi lụy, Cha mẹ họ hàng, anh em bạn hữu, quê hương nhà cữa, từ rày li biệt! Li biệt đang buổi xuân xanh, là tuổi con người ở đời ai cũng trông mong thanh nhàn phước lộc! Li biệt cho đến trọn đời!

Sự đau đớn phân rẽ nầy, ghe kẻ cầm bằng tử vì đạo. Mà hẳn thật, Thầy cả xuất thân đi giảng đạo ngoại quốc, thì là đi chịu tử vì đạo. Nhiều đấng đã đặng phước đổ máu mình, mà xưng đạo thánh Chúa ra trước mặt thiên hạ, ấy thật là Đấng tử vì đạo. Còn các đấng khác, thì chịu tử đạo thiêng liêng: là chịu cực khổ gian nan, thốn thiếu cơ hàn, nguồn cao nước độc, nắng mưa thì tiết đất Nước nầy, cùng nhiều đều khác sát hại mạng sống người Phương Tây giảng đạo bên cõi Đông Dương. Ấy là tử vì đạo hằng ngày, ấy là tế lễ mạng sống mình bằng giây bằng phút!.

Thật sự là như vậy. Mà nhằm là sự ấy làm cho đấng giảng đạo thêm gan dạ vững vàng, cùng vui mừng khoái lạc, thí thân mà làm cho sáng danh Chúa cùng cứu linh hồn thiên hạ.

Về phần Cha Mossard, suy đi xét lại kỉ cang, thì thấy Người có ơn riêng cùng đặng đủ đều, mà làm nên đấng giảng đạo. Trí lòng, thì Người đã sẵn lòng tế lễ, cho đặng làm việc Tông đồ. Xác, thì nói được: Đ C T đã dựng nên xác Người sức lực mạnh mẽ dường ấy, cho đặng chịu cực bên cõi Phương Đông. – Thể diện cao lớn oai nghi, hình vóc tốt tươi phì mỉ; gan dạ sấn sướt vững vàng, mà rất bằng tịnh hiền lành, đằm thắm dè dặt; lòng từ bi quảng đại, kiến thức rộng xa; trí xét phân minh biện bạch; tánh rộng rãi làm lành, lại thêm đãi buôi bặt thiệp. Nói tắt một lời: Người đủ tài năng mà làm được người quyền thế – homme d'action-; Người đủ đều mà nên một đấng từng trải cuộc đời – homme pratique-, bỏ vô việc nào cũng xuôi, ở với ai cũng đặng.

Người như vậy, là người tài lực, Chúa đã dựng nên mà trị đời. Chẳng chầy thì kíp, muốn hay là không, việc Đ C T đã định thì sẽ ứng nghiệm như ý Chúa: người Đ C T đã dựng nên cho đặng cai trị, thì Đ C T sẽ trao qui mô Địa Phận cho Người.

Cha Mossard tới Saigon ngày 30 Septembre năm 1876, không ngờ tới ơn trọng Chúa dành để cho Người ngày sau chút nào. Giả như ai ra rước Người, mà nói 20 năm nữa Người sẽ làm Giám Mục Saigon, thì ắt là Người lắc đầu và mĩm cười, chớ có đem lòng tin là họa.

Cha Lucianô vừa bước chơn vào vườn nho, Chúa đã định cho Người làm việc Chúa, tức thì Người liền tra tay gầy việc, cùng dưng trót mình mà làm cho sáng danh Chúa.- Thuở ấy Đức Cha Isidorô Colombert cầm lái thuyền Hội thánh Nam Kỳ, vững vàng vinh hiển lắm. Đức Cha thấy bổn đạo Thiên Trước- Indiens – qua Saigon một ngày một nhiều, mà không có Cha nào thuộc tiếng Thiên Trước, cho đặng giúp những kẻ ấy, thì Đức Cha hằng lo lắng, chẳng khi an lòng. May ý Chúa phân định, sẵn cha Mossard mới qua, thì Đức Cha sai Người đi nước Thiên Trước, tại kinh thành Pondichéry, cho đặng học tiếng cùng xem xét phong tục thói phép người Thiên Trước, tại đất Nước chúng nó; hầu sau để lo việc rỗi linh hồn chúng nó trong Địa Phận Saigon.

Cha Lucianô ở Pondichéry bảy tám tháng, thì đã hiểu phong tục cùng thông thuộc tiếng Nước ấy. Đoạn Người trở về Nam Kỳ, ở với Cha Le Mée, tại Saigon, cho đặng lo cho bổn đạo Thiên Trước. Đầu hết, Người mở hội cấm phòng, cho bổn đạo đặng ăn năn trở lại cùng nên người sốt sắng. Bổn đạo Indiens vui mừng phở lỡ, nam nữ lão ấu đua nhau đi nghe giảng tiếng Nước mình.

Ai nấy hưng sùng toại chí, vì rày có kẻ lo cho mình dễ bề chịu ơn Chúa ban trong Hội Thánh, cùng dễ nhờ phần rỗi linh hồn.

Đoạn Đức Cha sai Người xuống Cái Mơng, ở với Cha Bề trên Quí, cho đặng học tiếng Annam. Người học mau và nói rõ lắm. Các Cha còn nhớ mấy Conferences Người giảng trong buổi cấm phòng. Chẳng nói chi về bài giảng hay, một có ý nói về cách Người đọc và nói tiếng Annam sửa lắm; lại có duyên nói làm cho động lòng cũng hay, làm cho vui cũng giỏi. Cung giọng chính đính rõ ràng, lại thêm sách hoạch sắc sảo. Thiệt là miệng có duyên, có tài mà học nhiều thứ tiếng.

Khi bổn đạo nghe tin tức Cha biệt trần, thì ai ai đều thương tiếc không cùng, và ngợi khen không xiết. Kẻ khen rằng: Khôn ngoan lịch lãm, người tặng là: oai khí phương phi; kẻ khen là: nhơn từ quảng đại, người tặng rằng: Đại nhơn trong đời ít có. - Tôi nghe một người khen rằng: Đức Cha nói tiếng Annam rõ ràng và có duyên lắm. Miệng Đức Cha giống miệng Đức Chúa Cha! Tôi mới hỏi người ấy, thấy miệng Đức Chúa Cha bao giờ, mà sánh như vậy.- Người ấy trả lời rằng: Thấy trong hình.

Đầu năm 1878, khi các Cha tựu về cấm phòng, thì Đức Cha Isiđôrô đổi Người về Nhà trường Latinh Saigon, dạy học trò cùng giúp việc trọng nhứt trong Hội thánh, là tập tành con trẻ dọn mình làm thầy cả bổn quốc. Cách Người dạy rõ ràng dễ hiểu. Tánh hạnh nhơn từ hiền hậu, trên các Cha yêu vì, dưới học trò lớn nhỏ đều cảm tình mến đức.

Thuở ấy nhầm lúc Người sức lực mạnh mẽ lắm, không biết khó nhọc mệt mỏi, không lo dưỡng sức, không sợ lao tâm tiêu tứ. Tích nầy tỏ Người can đảm dũng lực là dường nào: Ở Nhà trường, phần thì dạy học trò, phần thì Người lo học thêm tiếng Annam; nhiều bữa trời nóng nực quá lẽ, cho nên 5 giờ chiều Người đi cùng một hai cha, qua Vườn thú mà dạo chơi hóng mát. Người ưa đi coi cọp, nuôi trong chuồng sắt, Năm ấy nuôi hai con cọp lớn lắm, mạnh mẽ dữ tợn phi thường. Nó chờm lên cao để hai chơn trên song sắt, dửng gáy lên, và kêu la gầm hét vang trời, ai nghe thấy cũng ghê. Người bèn xắn tay áo, và nói cùng Cha đi với Người rằng: Tôi mà được vô với nó, nội một khắt tôi bóp cổ chết tươi!

Ai hay sức lực dường ấy, mà chẳng khỏi bao lâu Người bị đau phổi, ho, suyển, đến đỗi dạy học trò chẳng đặng nữa, nên phải đi Hong Kong dưỡng bịnh, là năm 1880. Người đi Hong Kong về, cũng chưa thiệt mạnh, cho nên Bề trên dạy đi nghỉ thêm bên Thiên Trước. Vốn bịnh Người kị phong thổ ướt át nặng nề. Mà phong thổ Nước Thiên Trước thì khô ráo, cùng thanh khí hơn trong Nam Kỳ, cho nên trông cậy Người nghỉ bên ấy, thì mau thuyên bịnh.

Mà thiệt, Người dưỡng bịnh ít tháng, bèn trở về mạnh khỏe, thì Đức Cha dạy Người coi họ Tân Định, nhằm năm 1881. Qua năm sau Người đổi vô Chợ Đũi, là nơi phải lo cất nhà thờ, trường học và nhà cha ở. Người về Chợ Đũi lại dễ lo cho bổn đạo Indiens, vì chúng nó xúm nhau ở phía đó gần hết.

Thuở ấy họ Chợ Đũi còn bẩn chật khó khăn, và chưa đặng đông đảo như bây giờ. Nhiều người trong bổn đạo làm công từ bữa, đủ ăn từ ngày. Song Cha Lucianô, chẳng những là chẳng sờn lòng, mà lại khôn ngoan khéo léo, lấy lời lành khuyên giáo đoàn chiên; lần hồi Người quyên tiền, lập đặng trường học, cất nhà ở đơn sơ mà rộng rãi khoản khoát, đoạn lo xây nền nhà thờ cho Chúa ngự.

Bổn đạo thấy Cha sở tận tình lo lắng cho trong họ, thì ai nấy đều sẵn lòng tư trợ. Kẻ giàu người khó, kẻ công người của, cả và họ đồng tâm hiệp lực, mà lo cho huờn tất mọi việc như Người sở nguyện.

Mọi sự cũng gần sẵn cho đặng sáng tạo đền thờ, hay đâu bịnh Người trở lại và một ngày một tăng. Có bữa bịnh làm xung, Người ngồi cúi đầu trên ghế mà chịu như vậy cho tới hai ba ngày, thở chẳng ra hơi, có hồi tưởng chết. Mà vừa tỉnh lại, thì người cứ công việc như thường: ngồi tòa, giảng dạy, coi làm nhà cùng mọi việc khác, cũng như chẳng có bịnh hoạn khi nào. Người cũng không năn nỉ thở than, một vui lòng làm các việc bổn phận, cùng phú mạng sống mình trong tay Chúa, chẳng biết lo sợ chút nào.

May có đấng Bề trên xem sóc, và biết lo cho Người. Vậy năm 1884, Đức Cha Isiđôrô, dạy Người về Tây dưỡng bịnh. Vốn Người thiệt là mạnh mẽ lắm, mà hay đau là tại phong thổ xứ nầy, cho nên Người về quê cảnh Langsa, khí thanh mát mẻ, phong thổ tốt lành, thì nội trong một năm Người mạnh lại như trước.

Người bèn trở qua Nam Kỳ, cứ việc đã gầy dựng, cùng làm huờn tất nhà thờ Chợ Đũi, là năm 1886, Bổn đạo vui mừng hớn hở ai kể cho cùng. Mọi việc hoàn thành trọn hảo; rày họ Chợ Đũi đủ no phần linh hồn như các họ: nhà thờ, nhà trường, nhà cha sở; mọi việc an bài, cũng nhờ Người khéo lo khéo tính.

Qua Janvier 1887, Cha Luciano đổi ra Saigon, cứ lãnh việc coi sóc bổn đạo Indiens, lại thêm làm Bề trên Nhà trường Taberd cho tới Janvier 1890. Nội ba năm Người làm hết sức, cho học trò Taberd đặng tấn phát bề đạo đức cùug việc văn chương chữ nghĩa. Người đã cất hai nhà đồ sộ nguy nga, còn vững vàng chắc chắn cho đến bây giờ: nhà giữa ba từng, nhà bên tả hai từng.

Nội Lục Châu, ai ai cũng nghe tiếng Trường Taberd. Luận về nhà cữa, thì năm ấy trường Taberd cũng kể đặng vào số hạng nhứt. - Bằng về học trò, thì gần đủ các sắc: Langsa, Annam, Lai (Tây), Thanh Nhơn, Thiên Trước, Cao mên. Phần đông hơn là học trò trong: ăn, ngủ và ở luôn trong trường. Xét về việc học hành, thì từ khi lập Trường Taberd là năm 1874 đến rày, biết là bao nhiêu đấng tài trí anh hùng, văn minh lịch lãm, bỡi trường ấy mà ra. Đủ bực quan quyền chức sắc, đủ hàng văn võ công danh, các sở các nghề, đâu đâu cũng gặp học trò cựu Taberd.

Học trò Taberd một ngày một đông, Nhà Chung không đủ Thầy cả mà cứ việc ấy, nên cuối năm 1889 Đức Cha Colombert giao Trường ấy cho Thầy Dòng “Frères des Ecoles Chrétiennes”; đang hồi nhà cữa đồ sộ yên bài, học trò đông đảo tấn phát, bề văn chương, bề đạo hạnh thới thạnh mọi đàng.

Đầu năm 1890, Cha Lucianô đổi vô Chợ Lớn. Bổn đạo họ nầy, nửa Annam nửa Thanh Nhơn, còn chung một họ và một nhà thờ; người Langsa cũng nhiều. Lại có Nhà Phước Trắng nuôi con nít mồ côi, dạy học trò Langsa và Annam, coi nhà thương cùng lo việc Hài đồng, rửa tội cho con kẻ ngoại; cho nên công việc cũng nhiều.

Cuối năm 1891, Đức Cha đổi Người về Chợ Quán, là họ lớn cũng có danh tiếng xưa nay trong Hội thánh Nam Kỳ; lại có Nhà Phước Annam đã lập tại đó đời Cha Đoan, năm 1861.

Người tận tâm tận lực lo cho Nhà Phước. Tiên vàn, Người lo dạy dỗ, cùng dẫn đàng nhơn đức cho Nhà Phước nên người trọn lành thật, hầu làm cho sáng danh Chúa, cùng giúp việc Hội Thánh cho trọn niềm. Mà Người cũng làm nhiều việc khác, Nhà Phước đặng nhờ cho đến rày, và sẽ nhớ lâu dài sau nữa. Người thối thúc việc học hành, ân cần việc đờn hát, cho các dì làu thông đạo lý văn chương, cùng giỏi nghề đờn hát, hầu giúp việc Chúa trong các họ cho rỡ ràng tấn ích. Đoạn Người bày cuộc thêu đồ lễ, Nhà Phước còn làm cho tới bây giờ, càng ngày càng thêm khéo léo tốt lành lắm.

Đang khi Người cần mẫn các việc trước nầy, thì Người cũng lo giùm việc nhà cữa: Người đã cất nhà thờ Nhà Phước rất vển vang gói gắm, vẽ vời rực rỡ, lót gạch bông cùng sắm ghế Thonet trong cả và nhà thờ. Thật là một dấu tích châu báu, Cha Lucianô để đời trong Nhà Phước Chợ Quán. Đoạn Người lại cất nhà thương trong Nhà Phước, hãy còn đó bây giờ.

Người lo cho Nhà Phước, mà không bỏ bổn đạo, cũng không để cho trong họ phải thiệt thòi khuy khuyết chút nào, lại ân cần coi sóc đoàn chiên, xứng bực đấng chăn chiên lành. Nhà thờ họ Chợ Quán bây giờ, là việc Cha Errard đã tạo lập. Cha làm chưa rồi, kế thọ bịnh mà qua đời. Cha Lucianô cứ việc cùng làm huờn tất, lại lo vẽ vời rực rỡ, cùng sắm chuông, chặng đàng thánh giá và các cuộc trau tria trần thiết. Đoạn thỉnh thoảng góp gió làm bão: lần hồi Người cất nhà ở, là nhà Cha sở Chợ Quán bây giờ.

Ấy là những việc nặng nề khó nhọc, thường sinh lao tổn tâm thần, nhứt là thuở ấy Người không có cha phó ở giúp như bây giờ. Ước chừng chẳng có sức lực như Người, ắt là khó nỗi gánh gồng cho đủ đỗi. Thật thì Người cũng mệt lắm, vì còn gốc bịnh cũ; lại phong thổ xứ nầy nóng nảy độc địa, sức mạnh thể nào cũng khó nỗi cầm lâu.

Những mảng lo trong lo ngoài, mà quên ngày lụn tháng qua. Mới đó mà Cha Lucianô ra vào đất Chợ Quán đã sáu năm: trong thì Nhà Phước, ngoài thì Họ, lớn bé trẻ già, ai ai đều thương mến nói không cùng! Đang khi chủ chăn và đoàn chiên tưởng còn lâu năm sum hiệp, bỗng đâu ý Chúa nhiệm mầu, đem Cha Lucianô lần hồi lên phẩm trọng hơn trong Hội Thánh.

Đầu năm 1898, Đức Cha Dépierre đổi Người ra Saigon, làm Cha sở Nhà thờ chánh - curé de la Cathédrale -, thường kêu là Nhà thờ Đ C Bà. Họ Saigon là họ lớn hơn hết, mà cũng là họ khó hơn hết trong Địa Phận. Vốn là họ Langsa: bổn đạo Langsa cùng trên vài ba ngàn, Mà người Annam, Thanh Nhơn và Thiên Trước ở kinh thành Saigon, thì cũng thuộc về họ Saigon; nhứt là bổn đạo Annam ở tại Saigon cũng đông lắm.

Vậy đang khi Người tận tâm tận lực, đêm ngày lo lắng cho trọn niềm phận sự làm Cha sở Saigon, chưa đầy một năm; thì tiếng Đ C T, tiếng Bề trên và tiếng các Cha chọn Người lên kế vị Tông Đồ, làm Giám Mục, nối quờn Đức Cha Gioang Maria Dépierre đã qua đời ngày 17 Octobre năm 1898.

Bổn đạo nghe tin ấy, thì hưng tâm mừng rỡ ai kể cho cùng, đã hơn 20 năm Cha Lucianô ra vào mấy họ Châu Thành: Saigon, Taberd, Trường Latinh, Tân Định, Chợ Đũi, Chợ Lớn, Chợ Quán; kẻ lớn người nhỏ, ai ai cũng đều biết Người là một Đấng đại tài, xứng quờn Giám Mục. Lại ai ai cũng đều thương mến hết lòng, vì Người nhơn từ quảng đại, hằng mở rộng tay mà làm lành cho đoàn chiên Chúa chẳng khi đừng. .

Còn người Langsa, từ quan quyền tới kẻ làm ăn buôn bán, đều kính yêu vì nể. Vì mấy năm Cha Lucianô làm Bề trên Trường Taberd, nhứt là nội năm Người làm Cha sở Saigon, thì ai cũng biết Người là một Đấng oai nghi xứng đáng, đằm thắm khôn ngoan; việc ra vào với quan quyền chức sắc cùng bổn đạo Langsa, đều bặt thiệp thiết tình. Lại Người ái mộ giúp người quê hương. Số là năm Người làm Cha sở Saigon, có một tàu trận Langsa ghé tại cù lao Côn Nôn, bị dịch khí dữ dằn lắm, quan quân và bạn tàu chết hết nhiều. Người vừa nghe tin ấy, tức thì chạy đến Giám Mục, mà xin phép đi Côn Nôn, cho đặng an ủi cùng giúp đỡ linh hồn những kẻ ấy.

Vậy ngày mồng 1 Mai năm 1899, Đức Cha Cardot, là Giám Mục Địa Phận Birmanie Méridionale, cũng là xứ sở liêu hữu với Cha Lucianô, đã truyền chức cho Người làm Giám Mục Mêđêa, cùng thay mặt Đức Giáo Tông, mà cai trị Địa Phận Đàng Trong Phía Tây; có Đức Cha Van Camelbeke là Giám Mục Qui Nhơn, và Đức Cha Grosgeorge là Giám Mục Nam Vang thị chứng: Đức Cha Caspar là Giám Mục Địa Phận Huế chầu lễ. Các Cha trong Địa Phận tựu về gần đủ mặt, nhiều Cha trong mấy Địa Phận lân cận và một quê cùng Đức Cha Lucianô cũng đến chầu lễ, còn bổn đạo Saigon cùng các họ xung quanh thì vô số; thiệt là một lễ vui mừng và trọng thể phi thường, ít khi gặp trong Sử Hội thánh Nam Kỳ.

---------------------

PHẦN THỨ HAI: HẠNH GIÁM MỤC.

---------------------

Đầu năm 1899, Đức Cha Lucianô vừa đặng sắc Tòa Thánh tặng phong Người lên nối quờn Đức Cha Dépierre, thì Người về dinh Giám Mục, cầm mối giềng Địa Phận Nam Kỳ. Người tạ thế đầu năm nay. -1920, -  cho nên trào Người cai trị tính đặng 21 năm chẳn.

Địa Phận nào đặng Giám Mục cai trị lâu năm, thì Địa Phận ấy thật là lớn phước; nhứt là khi đặng những đấng khôn ngoan tài đức, cầm lái thuyền Hội Thánh một tay mạnh mẽ vững vàng.

Từ năm 1873 tới năm 1920, Hội Thánh Nam Kỳ được phước gặp hai trào Giám Mục, tổng cọng đặng 42 năm: Đức Cha Colombert 21 năm, Đức Cha Mossard cũng 21 năm. Đã hay Đức Cha Colombert làm Giám Mục hơn 22 năm; song Người đã làm Phó Đức Cha Miche hơn một năm, và trong năm ấy Người đi dưỡng bịnh bên Hong Kong và Nhựt Bổn, cho nên cũng tính chẳn cho Người cai trị 21 năm.

Trào Đức Cha Colombert, gọi đặng là trào sửa sang tạo lập; trào Đức Cha Mossard, là trào huờn thành trọn hảo. Cuối năm 1873, Đức Cha Colombert, lên gánh qui mô, thì Hội Thánh Nam Kỳ đang còn xơ vơ xửng vững, mới khỏi cơn bắt đạo chừng 10 năm. Cha thầy chưa đặng bao nhiêu, bổn đạo tan tác đời cấm kín, mới qui về lập họ; nhà thờ cất đỡ bằng lá, trường học chưa mấy cái; nhà các Cha, phần nhiều hơn là lều trại su sơ ướt át, sinh ốm đau bịnh hoạn.

Trọn 21 năm, Đức Cha Colombert, tận tâm tận lực, lo lắng sửa sang tạo lập một cách lực lượng may mắn kể không xiết. Thuở ấy còn nhờ bổng lộc nhà nước Langsa, mới chiếm cứ Nam Kỳ; nhứt là nhờ các Cha và bổn đạo hết lòng rộng rãi vùa giúp, cho nên khi Đức cha Colombert qua đời, thì trong cả và Địa Phận đã gần đủ nhà thờ, trường học cùng nhà các Cha. - Còn việc giữ đạo, thì nơi nơi cũng phấn chấn rở ràng.

Tới trào Đức Cha Mossard lãnh mối giềng Địa Phận, thì Người cứ trớn thuyền mà đưa thẳng tới, cho một ngày một huờn thành trọn hảo.- Đây nói luôn về việc sáng tạo đền thờ. Trào Đức Cha Lucianô, thì trong Địa Phận cũng tạo lập nhiều nhà thờ mới; mà ước chừng được chín mười cái, thiệt là xứng đáng tốt lành; và một hai cái lớn, tốt, còn đang làm. Xưa nay ai ai cũng biết Đức Cha có tài cất nhà; mà sự khó hơn: Là Người có tài lo cho có tiền, cho đặng cất nhà.

Có hai nhà thờ, Đức Cha đã có công khó nhiều lắm: là nhà thờ Chợ Đũi bây giờ với nhà thờ Chí Hoà. Nói được hai nhà thờ ấy và nhà dưỡng lão trong chí Hoà, là việc của Đức Cha đã làm. Thật thì, trước là Đức Cha đã nhờ lòng rộng rãi ông Lê Phát Đạt cùng gia quyến người, sau cũng nhờ một hai Cha tài cán, giúp Đức Cha mà coi công việc; mà từ khỉ sự cho đến huờn thành, Đức Cha khó nhọc ra vào hai họ đã không biết là bao nhiêu.

Chép hạnh Đức Cha, là chép sử Địa Phận; vì các đầu giây mối nhợ đều về một tay Đức Cha, Vậy nay xem qua trong cả và Địa Phận, nhứt là nội Saigon cùng mấy họ xung quanh, tính hơn vài chục nhà thờ, thiệt là nguy nga rực rỡ. Trong số ấy, có năm bảy cái, gọi đặng là monuments, là tích để đời trong Hội Thánh Nam Kỳ; như nhà thờ Đ C Bà, Saigon, nhà thờ nhà Phước Trắng, nhà thờ Chợ Đũi, Chợ Quán, Lái Thiêu, Mỹ Tho, Mặc Bắc

Như mới nói khi nãy, các nhà thờ đã sáng tạo trong Địa Phận, là nhờ của Nhà Chung phụ giúp, nhứt là nhờ của và công bổn đạo, của và công các Cha; vì nhiều Cha thí công mà làm, hoặc coi làm, cho bớt tốn hao. Hoặc nhờ Đức Cha xin một hai nhà phú hộ bao bọc một mình, như hai ông bà Lê phát Đạt, như vợ chồng thầy Lê phát An, mới thi ân tạo lập nhà thờ Hanh Thông Tây.

Phô kẻ ấy: từ Đấng Bề trên trong Hội Thánh cho đến người bổn đạo thường, kẻ công người của, mà tạo lập đền thờ xứng đáng cho Chúa ngự dưới thế gian nầy; thì đến ngày ban thưởng, ắt Chúa sẽ rước phô kẻ ấy về đền thờ Chúa cao ngự trên trời, mà ngự trị cùng Chúa đời đời chẳng cùng.

Trước nầy cũng đã nhắc lại một đều: là từ khi hết cơn bắt đạo cho đến năm Đức Cha Colombert lên quờn, thì trong Địa Phận không mấy Cha mà có nhà cữa cho dễ ở. Bỡi vậy tính phỏng, mà lấy mực trung - la moyenne - , thì các Cha Tây đời ấy sống trong Nam Kỳ chừng 7 năm. Mãn trào Đức Cha Colombert, thì tính trội đặng 15 năm. Bỡi đâu mà thiệt hại dường ấy? - Trước là tại phong thổ khí địa xứ nầy; sau cũng tại nhà ở su sơ ướt át, ăn uống cực khổ, cho nên sống lâu chẳng đặng. Bỡi đó cho nên, trong ba bốn mươi năm trước nầy, Bề trên trong Địa Phận hằng lo việc ấy hết lòng, hầu các Đấng giảng đạo đặng sống lâu sức khỏe mà làm việc Chúa. Đức Cha Lucianô đã noi gương Tiền hiền trong việc ấy. Rày, nhà các Cha thanh khoảng dễ ở gần hết; lại nhiều nhà, thiệt là mát mẻ khỏe khoắn nữa.

Dầu vậy mặc lòng, các Cha Tây cũng còn năng đau, cho nên khi thì phải đi Hong Kong, khi thì phải về Tây mà dưỡng bịnh, là tại thì tiết phong thổ Nam Kỳ. Vì vậy Đức Cha Lucianô đã làm hết sức, tìm phương cho đỡ bớt điều bất tiện ấy; hầu các Cha có chỗ nghỉ ngơi dưỡng sức, cho đặng làm việc Chúa bền bĩ lâu dài.

Đầu hết, Đức Cha đã làm nhà dưỡng bịnh – Sanatorium - tại Vũng Tàu, là nơi khí thanh gió tốt, tắm biển cùng dạo chơi hóng mát nhiều nơi phong cảnh xinh đẹp lắm. Song đặng bề nầy, lại mất bề kia: là phong thổ xứ Vũng Tàu hay sinh rét, và thì tiết cũng như miệt trong nầy, lại mùa nắng, hồi bật gió, có khi Vũng Tàu nóng hơn trong nầy, vì là đất cát và đồng khô cỏ cháy,

Bỡi vậy Đức Cha cũng chưa an lòng. Cho nên qua năm Đức Cha Qui Nhơn giao sở Phan Thiết sáp vào Địa Phận Saigon, thì Đức Cha Lucianô ra Phan Thiết, thấy địa cảnh phải thế, nhà thờ ở một bên bãi biển, đêm ngày gió thổi luôn luôn; thì Đức Cha nhứt định lập nhà dưỡng bịnh cho các Cha tại Phan Thiết. Người bèn đem Cha Masseron về đó, cất nhà từng cao lớn rộng rãi lắm, phòng bè mát mẻ khoảng khoát, cùng sắm đủ đều cho kẻ yếu đuối mệt nhọc đặng nghỉ ngơi bổ sức; nói tắt một lời, thiệt là phải cách và tốt mọi bề.

Song cũng chưa phải là phỉ nguyền. Dầu gió tứ mùa thổi luôn mát mẽ; song phong thổ cũng còn phong thổ Annam, sánh với địa cảnh Langsa còn khác xa vô ngằn.

Sau hết, Đức Cha thiệt là bền chí, khó nhọc thể nào cũng chẳng nề. Lần hồi Người rán ra Dalat, mà dọ coi có quả như lời thiên hạ đồn thổi chăng. Khi đã rõ phong thổ Dalat chẳng kém gì bên nước Langsa, thì Người nhứt định cất nhà dưỡng bịnh tại Dalat. Đây càng ngày càng thấy Đức Cha có tài là thế nào. Việc cất nhà tại Dalat, mắt hơn trong Saigon bằng hai, bằng ba. Đức Cha tốn của nhà chung chừng một phần ba, còn hai phần, thì Người đã nhờ nơi kẻ thiết nghĩa cùng Người, là Cha Couvreur, giữ việc Hội Giảng tại Singapour.

Đàng ra Dalat, bây giờ cũng còn nhọc lắm. Mà Đức Cha đã chịu khó đi nhiều lần, và ở nhà quán, cho đặng săn sóc việc cất nhà. Nhà ấy cất rồi chừng một năm rưỡi nay: nhiều cha đi ra nghỉ tại Dalat đều biết, không cần chỉ vẽ ra đây. Nói tắt một lời: Đức Cha khôn khéo tài ngõ lạ lùng, nhà cao lớn rộng rãi, tốt, tiện, khỏe... cái gì cũng đủ. Lại thêm một phòng dài và rộng lắm, làm nhà thờ, có để Mình Thánh Chúa. Nay cha Sidot làm cha sở Dalat.

Chúa nhựt Lễ cả bổn đạo Langsa, Annam đông đảo; giảng tiếng Langsa, Annam; có các Bà Nhà Phước Trắng lập trường học, lo đờn hát... mọi việc như trong Saigon.

Từ Saigon tới Dalat, đi xe lửa và xe hơi, hết thảy là 442 kilomètres. Xe lửa chạy khỏi Phang Rang chừng 40 kilomètres, thì sang xe hơi đi vòng vo lên núi 80 kilomètres nữa, mới tới Dalat.

Dalat là một chỗ đất bằng (plateau) lớn lắm, trên chót núi Lang Bian. Nói đất bằng: mà gò mổng tứ tung (mamelons) chỗ thấp thì cỏ mọc xanh tươi mát mắt, nơi cao thì muôn vàn cây thông (pins) giăng giăng tứ phía, nhành ngọn dum da, gió rào rào im mát: thiệt là phong cảnh xinh đẹp nói không cùng.

Đất Dalat cao 1500 thước tây trên mặt biển. Khí trời tứ mùa mát mẽ, Mùa lạnh (Décembre, Janvier, Février,) mực trung ống thủy (thermomètre), ban đêm xuống lối 7 tới 10°; ban ngày lối 15° tới 20°. (Đức cha đã thấy một lần xuống tới 0) - Mùa nóng (Avril, Mai, Juin), ban đêm xê xích lối 15 - 18°; ban ngày lối 22° - 25°.

Cả năm, dầu nóng thể nào cũng không quá 27° (Trong ta tiết tháng Avril, Mai, có bữa nóng nực tới 35° - 38°).

Tội nghiệp Đức cha! Người rán tìm cho được chỗ thanh nhàn, như lòng Người sở nguyện, mà để lại cho các Cha. Nguyện cho Người lên chốn thanh nhàn tự tại vô cùng!

Trong mỗi họ có nhà thờ, nhà cha, rồi tới trường học. Việc giáo huấn, là việc xưa nay Hội Thánh mọi nơi mọi đời hằng ân cần lo lắng hết lòng. Thật thì Hội Thánh lo việc ấy, chẳng phải, như thế gian, nhứt là đời bây giờ, cầu danh lợi làm hơn, coi chức quờn làm trước, còn tánh hạnh phong hóa, đức nhơn đạo vị thì chẳng lo chi tới. Đã vậy, rồi lại có hơi trách Hội Thánh không lo văn chương cho đủ.

Đức Cha Lucianô rõ biết bấy nhiêu đều ấy, cho nên Người làm một sách nhỏ, đề hiểu là: “Mémoire pour les Ecoles de la Mission”, và ít Thơ riêng, gởi cho Nhà Nước, mà phân giải về các trường trong Địa Phận. Người nói: Chữ nghĩa, mà không đức hạnh; thông minh, mà không phong hóa, thí sinh thiệt hại trong Nước Nhà gia đạo, - Đoạn Người cũng nói: Trường có đạo ân cần việc đức hạnh trước hết, mà không bỏ việc văn chương chữ nghĩa chút nào.

Các đều sau nầy làm chứng: Trước đi tóm lại ít đều về Trường Taberd, đây nói thêm đôi đều thì đủ hiểu. Mấy lần phát phần thưởng trong trường Taberd, thiên hạ vào xem chen chơn không lọt, đủ mặt bá quan văn võ, đủ người chức sắc văn minh, thì mỗi lần mỗi trần thiết và rao bài vở công việc học trò, thì ai ai cũng thấy việc học hành dường sức thể nào. Mỗi khi học trò Taberd đi thi, thì Nhựt Trình Saigon cũng đều rao báo, cho thiên hạ đặng hay thi cử thể nào; những trò thi đậu, thì cũng bia danh bảng nhạn.

Lại cách hai năm nay, Đức Cha Lucianô đã mua nhà Musées, liền đất với Trường Taberd, mà mở Trường Taberd cho rộng hơn, vì không đủ chỗ cho học trò vào thêm. Năm nay số học trò Taberd là: 1005 trò, số ấy cao rao cả tiếng, việc văn chương dạy   tại Taberd giỏi dở thể nào. Mà còn một tiếng rõ ràng minh bạch hơn nữa, là tiếng cha mẹ ngoại, thà chịu tổn hao cho con đi học Taberd; thì chẳng qua là vì cha mẹ biết con mình học đó, thì chẳng những là nền văn minh lịch lãm, mà lại thêm đức hạnh thìn từ, là đều báu trọng hơn nữa.

Trường Thầy Dòng mở mang nhiều chỗ, và càng ngày càng thạnh. Nội 21 năm Đức Cha Lucianô cai trị Hội thánh Nam Kỳ, Thầy Dòng đã lập thêm trường Nam Vang, Sóc Trăng và Mỹ Tho. Tới đâu thì Thầy Dòng cũng tận tâm tận lực giáo huấn con nhà Nam Việt, tới đâu trường Thầy Dòng cũng tấn phát rỡ ràng.

Đây không có ý nói về Trường Latinh, vì là chỗ tu trì. Song việc giáo huấn trong Nhà ấy cao cả vô song; còn văn chương chữ nghĩa cũng không thua gì nơi khác. Ai đi Nhà trường Latinh, thì cũng quyết lòng làm thầy cả. Song kẻ bền đỗ cho đến cùng, thì ít: ấy là đều tự nhiên, không lẽ khỏi đặng. Và trong những kẻ về thế gian, thì thiếu chi người trí huệ văn minh, nhiều kẻ cũng tột đỉnh công danh. Chẳng qua là vì Nhà ấy, chẳng những là dạy đàng nhơn đức trọn lành, mà cũng dạy văn chương chữ nghĩa không kém gì nơi khác.

Sau nữa, phải nói đôi lời về các trường nam nữ trong họ. Việc nầy là việc cần kíp lắm, các Đấng Bề trên trong Địa Phận, tự cổ kim hằng lo lắng hết sức hết lòng. Vì nhờ đó mà con nhà có đạo mới biết Kinh Phần, và học hành đạo lý; nhờ đó mới lo được cho con nít xưng tội chịu lễ, cùng uốn lòng nó nên người đạo đức những thuở còn măng; hầu sau, khi ra giữa đời, nó biết giữ mình tinh tấn cùng giữ đạo trọn niềm.

Đức Cha Lucianô hằng thôi thúc việc dạy dỗ con nhà có đạo trong các trường họ; lại thúc giục kẻ làm thầy phải ra sức học hành cho giỏi, hầu giúp các trường họ cho đặng càng ngày càng thạnh. Cách chừng bảy tám năm nay, Nhà Nước buộc phải có bằng cấp mới có phép dạy học. Thì Đức Cha vội vàng khai trường Normale (là trường dạy những người để làm thầy giáo) tại Biên Hoà, và dạy mỗi Nhà Phước phải cho hai ba người đi học đó, cho đặng đi thi cùng lãnh bằng cấp theo luật Nhà Nước. Từ ấy đến rày, mỗi Nhà Phước mỗi cần mẫn việc học hành hết sức, và mỗi Nhà mỗi có nhiều người thi đậu, mà cứ việc dạy các trường trong Địa Phận cho tới bây giờ, cùng ra sức cho một ngày một tấn tới hơn nữa.

Sau hết, mới đây Nhà Nước buộc phải có bằng cấp dạy tiếng Langsa. Đức Cha Lucianô cũng lo lập tức. Người bàn tính lâu ngày, lựa chỗ mà lập trường Normale cho tiện, hầu mỗi Nhà Phước cho năm bảy người đến đó, cho đặng học tiếng Langsa. Ngày 26 Décembre năm rồi đây, Đức Cha đi Vũng Tàu, có ý xin vợ chồng thầy Lê phát An giúp Đức Cha một việc lớn, là mua giùm nhà của Nhà Nước để cho vua Thành Thái ở mấy năm trước tại Vũng Tàu, cho đặng lập trường Normale tại đó. Hai ông bà sẵn lòng rộng rãi làm lành, mà nhứt là vì lòng thương Đức Cha lắm, cho nên chịu mua nhà ấy mà dưng cho Nhà Chung, để làm trường Normale. Đức Cha lo việc ấy vừa rồi, kế xuống tàu về Tây và bỏ mình bên ấy. Cám thương Đức Cha lo cho đoàn chiên cho đến ngày sau hết!

Trong sự tích Đức Cha Lucianô, còn một đều rất đáng khen và đáng nhớ, là cách người ở với Quan quyền cùng Nhà Nước Langsa, kể lượt qua ít đều, thì đủ hiểu Đức Cha khôn ngoan lực lượng là dường nào.

Năm Đức Cha còn làm Cha sở Saigon, thì Nhà Nước lập Hội để lo việc dựng hình Đức Cha d'Adran (Đức Thầy Vêrô), thì Hội đã chọn Người làm Thơ ký. Cho nên người gặp nhiều dịp tới lui quen biết các quan cùng nhiều người Langsa. - Cùng một năm ấy, người lập Hội Thánh Thể Lầu (Euvre des Tabernacles) để nhóm các bà Langsa - vợ quan cùng người nhơn đức tử tế, – cho đặng may đồ lễ, cùng quyên tiền mà mua đồ lễ bên Tây, để giúp các họ nghèo nàn thiếu thốn.

Khi Người lên quờn Giám Mục, thì Người đã tận tâm tận lực lo việc dựng hình Đức Cha d'Adran và đã làm lễ ấy trọng thể hết sức, đời Quan Toàn Quyền Doumer. Ngày làm lễ dựng hình, có quan Toàn Quyền cùng bá quan văn võ, và thiên hạ đến xem vô số. Đức Cha Lucianô đã làm bài giảng, mà kể công trận Đức Thầy Vêrô phò Vua vực Nước, và nhắc lại chính việc Người Langsa bên cõi Đông Dương, là giáo hóa cùng giúp Nước Annam thuần thuộc sung mãn.

Từ ấy đến rày, kẻ qua người lại trước Nhà thờ Saigon, thấy hình Đức Cha d'Adran, thì hiểu đặng rằng: Các Giám Mục cùng các cha Langsa qua giảng đạo bên Nước Annam, thì có ý nầy: Trước là đem tin lành cho người ngoại giáo, biết đàng thờ phượng Đ C T, cho đặng rỗi linh hồn; sau là hết lòng giúp đời vực Nước tùy thì tùy sức: giúp nước Langsa là quê vức mình, giúp Nước Annam là đất mình bảo hộ. Gương Đức Thầy Vêrô cùng các Giám Mục cả và Nước Annam, xưa nay đều làm chứng đều ấy tỏ tường.

Song, thương ôi! Đức Cha Lucianô phải đau lòng xót dạ biết mấy phen! Nhứt là từ ngày Đạo với Đời phân rẽ, thì xảy ra nhiều chuyện buồn thảm, khó kể ra đây. Đã hay các Quan Langsa cầm giềng mối cai trị Xứ nầy, có lòng yêu vì kiêng nể Đức Cha: song Luật bên Quốc Chánh, bên nầy chẳng hề đổi đặng. Thỉnh thoảng Luật ấy thi hành trong Nam Việt, Đức Cha đã cất tiếng lên mạnh mẽ lắm, thấu về Đại Pháp, mà chẳng cãi việc thi hành ấy..

Ban đầu bãi tiền phụ giúp các trường Địa Phận, rồi tới thuế huê lợi. Mỗi lần, Đức Cha mỗi làm hết sức mà binh vực việc giảng dạo, Người đi làm nhiều đơn và thơ, dài và hay lắm, trưng nhiều lẽ mạnh mẻ hết sức, mà gởi cho Quan nhậm xứ nầy, cùng gởi về Đại Pháp, mà kêu nài chống cãi; song vô ích! Song làm như vậy Người mới an lòng, vì đã làm trọn việc Giám mục, mà binh vực Hội thánh, Chịu oan thì chịu, mà Người đi cất tiếng khẳng khái chững chàng, mà phản cớ rằng oan!.

Còn một việc khác: Số là nhà cũ Đức Cha, ở đường Colombert, là của nhà nước để cho các Giám mục Saigon ở, từ đời Đức Cha Miche. Nay Đức Cha Mossard càng ngày càng thấy chuyện bất bình, Người biết chắc chẳng còn ở đó đặng nữa, cho nên Người nhứt định ra trước. Vậy người đã lập Hội, mà xin giao hữu Nam Kỳ giúp làm nhà mới cho Đức Cha, là nhà Đức Cha ở bây giờ, đường Richaud, môn bài 108.

Tám chín năm nay, các Cha và bổn đạo ra vào Nhà mới nầy, cũng biết sánh so với nhà cũ, chẳng lựa là phải nói làm chi cho lâu dài. Xin dưng một tiếng mà thôi: Khen Đức Cha khôn ngoan trí huệ lạ lùng, khéo trả cách cao sang, khéo ra cách vinh hiển, khéo cất một tòa đồ sộ nguy nga, để đời cho các Giám mục Địa Phận Nam Kỳ!

Song cuộc đời, cho dầu bất bình thể nào mặc lòng, Đức Cha Lucianô là ĐẠI NHƠN; Người bước trên các cuộc thấp hèn thế sự! Người cứ một lòng thương Quê Hương, giúp Quê Hương và làm cho con nhà Annam biết mến Quê Hương. Mấy lần có việc éo le trong Xứ, như năm dân ngụy toan phá Khám lớn, cùng quyết làm loạn trong Lục tĩnh, thì quan văn võ biết Đức Cha từng trải mọi công cuộc đất nước nầy, cho nên tới bàn hỏi. Đức Cha dùng ơn khôn ngoan Chúa ban, mà giúp Quê hương trong giờ eo hiểm.

Tới mấy năm giặc rất hung bạo mới rồi đây, cách Đức Cha ở thể nào, ai ai cũng biết. Mấy lần làm lễ cho quan quân tử trận, mấy lần mở hội Quốc trái, mấy lần bày cuộc mừng vì binh Langsa một ngày một thắng, sau hết lễ toàn công đặng trận cả thể; thì mỗi khi ấy Đức Cha đã đồng tâm hiệp lực cùng Nhà nước, mà làm cho rỡ danh nước Langsa trong đất Nam Kỳ là thể nào. Đã có Nhựt Trình “IMPARTIAL”, ngày 23 Février 1920, rao báo trong Lục châu rằng: “... Trong đám giặc mới rồi đây, mấy kỳ Nhà Nước mở cuộc Quốc Trái, thì Người hết dạ trợ lo mua giúp. - Đức Cha Mossard hằng giữ phận sự Người Langsa truớc hết, thiết tình lòng dạ người Langsa, cùng hằng lo khai hóa mở mang cho Nước Langsa.

Vậy Đức Cha Lucianô đã gặp nhiều việc khúc mắt, mà Người khôn ngoan kiến thức phi thường, giải xuôi mọi việc một cách oai linh khẳng khái; không hạ oai quờn Giám mục, cũng không mất lòng ai. Trên thuận dưới hòa, trăm họ đều kính tài mến đức.

----------------------

Bây giờ phải nói ít đều về việc giảng đạo, cùng về sự sống thiêng liêng trong Hội thánh Nam Kỳ. Mùa giảng đạo, mà kẻ ngoại rùng rùng trở lại đông đảo cùng lập họ lớn: mùa ấy đã qua rồi, và chẳng biết bao giờ Chúa cho đặng lại như vậy nữa. Thật thì trong 21 năm Đức Cha Lucianô cầm quờn cai trị, thì số bổn đạo cũng thêm đặng nhiều; song thêm mực thường mà thôi, là mỗi năm mỗi tăng số con nít có đạo mới sinh, mỗi họ mỗi thêm ít người chầu nhưng đạo mới và con nít kẻ ngoại thuộc về việc Hài đồng.

Cho nên việc giảng đạo trong bốn năm mươi năm nay, lần hồi để nên giống như các Nước bên Phương Tây: là các việc tiền hiền đã lập, thì cứ mà làm, và ra sức cho đặng càng ngày càng thạnh, một là một huờn thành trọn hảo. Nghĩa là ra sức dạy dỗ giáo nhơn cho làu thông đạo thánh Đ C T, cho đặng thêm đức tin cùng thêm lòng sốt sắng; gắng công tập tành giáo hữu giữ đạo trọn niềm, cùng tấn tới trong đàng nhơn đức một ngày một hơn. Đó là việc các Nước đạo dòng đã làm xưa nay, mà nhằm là việc khó nhọc lâu dài lắm.

Ta muốn hiểu việc ấy lâu dài khó nhọc là chừng nào, thì hãy sánh kẻ đạo dòng cùng người đạo mới, coi khác xa nhau là thể nào. Còn trong kẻ đạo dòng, thì cũng nhiều bực khác nhau: kẻ nghe lời đấng chăn giữ linh hồn mà giữ đạo sốt sắng ân cần, với người nguội lạnh trễ nải, chẳng biết nghe tiếng chủ chăn, mà buông mình theo tính mê nết xấu, cả hai cũng đạo dòng, song khác xa nhau là dường nào nữa.

Vì vậy việc giảng đạo đời nay, là tập tành giáo hữu nên người ngoan đạo cùng nên trọn lành, Đức Cha Lucianô đã dùng mọi phương cách, mà giúp bổn đạo trong việc ấy. Mỗi năm Người mỗi gởi Thơ Chung mà an ủi nhắc nhở đoàn chiên, cùng chỉ cho giáo hữu phương pháp phải dùng, cho đặng càng ngày càng tấn tới trong đàng hơn đức.

Trong Thơ Chung năm 1917 Người trối lời nầy: “Ta tưởng Thơ Chung nầy là Thơ sau hết Ta để lại cho anh em, xin anh em khấng nhậm như lời Ta cố ngôn trối phú. Trước khi Ta giao đoàn chiên Chúa cho Đấng Đ C T đã chọn, mà kế vị Tông đồ trong Hội thánh Nam Kỳ, thì lòng Ta ước ao một đều: là Ta hết lòng sở nguyện, cho đặng thấy toàn chiên Ta chăn giữ bấy lâu, nên tốt lành trọn hảo mọi bề.”

Đó là đều Đức Cha Lucianô đã hết lòng sở nguyện, cùng đã ra sức thi hành trọn 21 năm. Nhờ các đấng giảng đạo đồng tâm hiệp lực cùng Người, thì số các Cha, các Thầy cùng Nhà phước càng ngày càng thêm đông đắn, hầu giúp Người trong việc mở mang đạo thánh, cùng làm cho giáo hữu đặng nên tốt lành trọn hảo, như lòng Người sở nguyện.

Đức Cha Lucianô đã ở và đi dạy tại Trường Latinh Saigon. Người hiểu việc ấy rất cần, rất trọng là dường nào; cho nên chẳng những là Người lo sửa sang nhà cữa bề ngoài, mà nhứt thiết Người sở nguyện lập nhà thiêng liêng cho cao trọng tốt lành, là thêm số linh mục bổn quốc, thêm kẻ giúp việc Hội Thánh mà tài năng nhơn đức, sốt sắng hẳn hòi - operarios Inconfusibiles - cho đặng làm cho sáng danh Chúa cùng cứu linh hồn thiên hạ. Từ năm 1899 tới năm 1919 tính hơn 50 linh mục bổn quốc đã chịu chức trong 20 năm Người làm Giám Mục. Gần hết thảy, là chính mình Người đã đặt tay trên đầu mà phong quờn chánh tế: ấy là con cái và triều thiên của Người.

Một việc khác, Đức Cha Lucianô đã lo lắng tận tình, là Nhà Dòng Cái Nhum. Cách hai năm nay Người đã cất tiếng lên, nài xin khắp hết giáo nhơn lấy lòng rộng rãi, mà giúp việc cất Nhà Dòng lại cho rộng lớn, hầu thêm số Thầy giảng, để mở mang bờ cõi Hội thánh Nam Kỳ, cùng giúp giáo nhơn giữ đạo trọn niềm. Đến ngày Người gần về Tây, dầu mệt nhọc hết sức, Người cũng rán xuống Cái Nhum, mà coi công cuộc nhà cữa cho hẳn, rồi mới đi an lòng.

Còn một đều giúp Đức Cha, cho đặng sự Người sở nguyện: là từ khi Đức Giáo Tông Piô thứ X đã ra Sắc chỉ, mà dạy về việc rước lễ hằng ngày, thì các họ đều ra sức vâng lời Tòa Thánh. Sổ xưng tội rước lễ đời bây giờ, tưởng bằng ba bằng bốn đời trước. Mà theo lời Đ C G đã phán: Mình Thánh Chúa là lương thực để nuôi linh hồn, cùng làm cho linh hồn đặng sống. Cho nên càng năng chịu nên, thì càng đáng sống và càng ngày càng sống trọn lành. Sự sống ấy là sống thiêng liêng, mà thấy được bề ngoài, vì tỏ ra trong tánh hạnh và cách ăn thói ở. Nhờ việc năng chịu Mình Thánh Chúa nên, mà đồng nhi nam nữ đặng giữ mình tinh tấn đang tuổi xuân xanh, cùng giữa muôn chước cám dỗ cùng dịp hiểm nghèo trong đời bây giờ; nhờ đó mà giáo hữu một ngày một thêm đức tin, thêm lòng đạo đức sốt sáng, cùng tấn tới trong đàng trọn lành.

Sau nữa, có một đều cũng giúp sự sống thiêng liêng ấy, là các việc bề ngoài bổn đạo làm mà thờ phượng Đ C T... le culle extérieur - . Vốn người ta có hai phần: linh hồn và xác, cho nên việc thờ phượng Đ C T cũng phải đủ hai phần. Mà phần đông hơn trong bổn đạo, ít hiểu việc thiêng liêng, nên phải nhờ việc bề ngoài mà giúp việc linh hồn: như cấm phòng, giảng, dạy, các Hội đã lập xưa nay, kinh nguyện, đàn hát, sắm đồ thờ cùng trau tria trần thiết; nói tắt một lời, các việc lành phước đức, các việc bề ngoài ta làm mà giữ đạo: các việc ấy thảy đều giúp ta ái mộ việc thờ phượng Đ C T, giúp ta thêm lòng đạo đức sốt sắng cùng tấn tới trong đàng trọn lành.

Đức Cha Lucianô đã làm sách “Directoire,” để làm mẹo mực cho các đấng giảng đạo đặng giữ một khuôn rập như nhau trong việc thờ phượng Đ C T, cùng việc giúp linh hồn giáo hữu. Trong sách tốt lành châu báu ấy, Đức Cha chỉ đủ các việc Thầy cả phải làm, trước là cho đặng giữ trọn bổn phận mình cùng đặng nên thánh, sau là giúp bổn đạo đặng nên nhơn đức trọn lành. Rày trong cả và Địa Phận, nhứt là trong các họ lớn cùng mấy họ có Cha ở thường, thì việc thờ phượng Chúa vui mừng an ổn, và tốt lành rực rỡ, chẳng kém gì các Nước bên Tây: ấy là trào huờn thành trọn hảo.

Ấy là ít lời tóm lại Sự Tích Đức Cha Lucianô, cùng các việc Người đã làm trong Hội thánh Nam Kỳ trọn 43 năm. Xem bấy nhiêu, thì cũng hiễu được tánh hạnh và nhơn đức Người. Song chép thêm đôi lời cho rõ ràng hơn nữa.

Đức Cha Mossard là người đức tin mạnh mẽ lắm. Nhơn đức cùng lòng sốt sắng Người, thì theo lý lẽ và bền đỗ vững vàng, chẳng hay tỏ bề ngoài, cũng chẳng hay kiếm sự bề ngoài. - Lòng trông cậy vững vàng, như đá ngoài gành, sóng đánh thể nào cũng không nao chuyển. Người biết gánh Người nặng nề lắm, mà Người cũng có Đ C T phép tắc và lòng lành vô cùng; Người chịu khó nhọc cùng làm hết mọi việc vì Chúa, thì chẳng có lẽ nào mà Đ C T bỏ Người. Bỡi vậy Người đặng lòng mạnh mẽ sấn sướt trong hết mọi việc Người làm cho đến chết.

Tánh ý Đức Cha Lucianô cần mẫn chí thú; nhứt là từ khi Người cầm lái thuyền Hội thánh Nam Kỳ, thì Người càng ân cần săn sóc việc rất trọng ấy đêm ngày: đó là “Sollicitudo omnium Ecclesiarum” (Cor. 11, 28), là lo lắng các việc trong cả và địa phận. Người lo làm việc gì, thì chí quyết làm cho được, và làm cho rồi thì mới an lòng. – Tại lòng cần mẫn như vậy, cho nên các việc Người làm, nhứt là việc thiêng liêng, đều có giờ khắt: làm lễ, đọc kinh officium, viếng Mình Thánh Chúa, Người cứ giờ đã định và cứ một giờ ấy luôn, chẳng dời đổi khi nào. Cũng vì lòng cần mẫn ấy, cho nên khi đã già cả, Người sợ lo các việc nặng nề trong Địa Phận không xiết, thì Người đã xin phép Tòa Thánh, đoạn truyền chức Giám Mục cho Đức Cha Victor Carôlô, ngày 15 Avril năm 1913, cho đặng giúp Người mà cai trị Hội thánh. Từ ấy, đã gần 7 năm, hai Đức Cha nên như một; một ý một lòng săn sóc đoàn chiên Chúa, cho đặng sống thật, và càng ngày càng sống trọn lành: “Ut vitam habeant, et abundantius habeant” (Joan-10, 10).

Đức Cha Lucianô rất đằm thắm dè dặt, và nhịn nhục hiền lành. Người hằng làm chủ tâm tình và tánh ý mình luôn: In patientia possidebat animam suam. Dầu gặp cực khổ, khúc mắt thế nào mặc lòng, Người chẳng nao, chẳng chuyển, chẳng nóng nảy; một cầm lòng nhịn nhục, mà tính êm mọi việc. Biết mấy lần mũ vàng Giám Mục trở nên mũ gai đau đớn nhức nhối không cùng, mà Người cũng cam chịu bằng lòng, chẳng hề năn nỉ thở than. - Còn sự hiền lành, thì nói sao cho xiết. Bỡi Người hiền lành, cho nên tới đâu ai ai cũng thương, ở đâu ai ai cũng mến. Tại đức hiền lành, mà Người đặng chẳng những là đất trên trời, mà lại đặng đất thế gian, là đặng lòng trăm họ, cùng đặng của cúng thì mặc thửa ý Người mà làm việc Chúa: “Beati mites, quoniam ipsi possidebunt terram”(Mat. 5, 4). Trọn 43 năm, Người không có của, mà tay Người đã xuất biết bao nhiêu tiền của, mà làm cho sáng danh Chúa cùng làm lành cho thiên hạ! .

Sau hết, Đức Cha Mossard có lòng rất tốt lành - un cœur d’or - lòng nhơn từ quảng đại, lòng lân ái thiết tha, lòng thương yêu và làm ơn cho kẻ bề dưới. Người ta lớn là tại lòng; Đức Cha Lucianô là Đại Nhơn, là tại lòng Người lớn và tốt lành hết sức. Trọn 21 năm Người chăn trót đoàn chiên Chúa, thì chiên mẹ, chiên con thảy đều mến yêu gậy Người chăn giữ. Nội 21 năm, Người đã vãng đi vãng lại các họ trong Nam Kỳ, hoặc ban phép Xức trán, hoặc vì lễ nọ, hoặc tính việc kia, thì khắp hết giáo nhơn đều biết và ngợi khen lòng nhơn từ quảng đại Người kể chẳng xiết.

Biết mấy kẻ đã nhờ lòng lân mẫn Người. Kẻ cơ bần thốn thiếu, người lâm nạn rủi ro: ai chạy đến cùng Người, đều đặng ủi an giúp đỡ. – Kẻ sa ngã cùng người xiêu lạc, thì Đức Cha nhơn từ hết chỗ nói; cách Người ở giống như Đ C G là Đấng chăn chiên nhơn từ chí thánh: “Arundinem quassatam non confringet, et linum fumigans non extinguet” (Matt. 12, 20).

Nói tắt một lời, trót hạnh và đời Người tóm lại một chữ thương yêu. Nhứt là từ khi lên quờn Giám Mục, Người đã chọn một câu trong Kinh Thánh, mà làm hiệu (devise), thì Người đã giữ trọn câu ấy mọi đàng: “Hic est fratrum amator, et populi Israel” (2 Mach. 15, 14), Nầy là Người hay thương anh em, cùng thương dân Chúa; Người thương hàng đạc đức, thương kẻ viện tu, thương bổn đạo, thương hết mọi người.

Đang khi Chủ chăn và đoàn chiên an nơi địa cuộc tốt lành, tưởng còn lâu năm vui vầy sum hiệp trong Hội thánh Nam Kỳ. Bỗng đâu ý nhiệm Chúa sâu thẳm vô cùng, khiến cho đoàn chiên cách biệt Chủ chăn. Cuộc tan lìa rất đắng cay thảm sầu thể ấy, xảy ra như sau nầy.

Đức Cha Lucianô đi nhứt định cuối tháng Février, hay là đầu tháng Mars năm nay (1920) thì Người sẽ về Tây, cho đặng sang thành Roma chầu Đức Giáo Tông, cùng dự Hội Nghị các Giám Mục Dòng Sai sẽ nhóm tại Roma trong kỳ tháng Mai, mà tính nhiều đều đại sự về Hội giảng đạo Ngoại quốc, cùng các Địa Phận bên cõi Đông Dương. Mà bỡi Đức Cha đau con mắt, cho nên Quan thầy Angier xin Người về Tây trước một tháng, cho đặng chịu mổ mà lấy vảy cá trong con mắt ra. Bên Langsa có nhiều lương y đại tài và danh tiếng trong việc chữa con mắt, lại bên ấy khí thanh mát mẻ cùng nhiều phương hiệu nghiệm cho đặng mau lành.

Vậy Đức Cha định lại đầu tháng Janvier xuống tàu. Mà trước khi đi, thì Người muốn tính một hai việc trong địa phận cho yên rồi mới đi. Ngày 26 Décembre, Người đi Vũng Tàu, tính mua nhà vua Thành Thái ở mấy năm trước tại Vũng Tàu, cho đặng làm trường Normale, như đã nói trước nầy.

Đức Cha đi xe hơi, ghé Bà Rịa thình lình lối 8 giờ sớm mai. Tôi mừng quá bội, hối đổ chuông trống, mừng rước Đức Cha, Đức Cha vào nhà, than mệt và nói chưa ăn uống chi hết. Tôi lật đật dọn cho Người điểm tâm. Song Đức Cha mệt, ăn không đặng, nghỉ chừng nửa giờ rồi lên xe ra Vũng Tàu, chí quyết lo cho xong việc Người sở nguyện. Tôi dạy đổ chuông một hiệp nữa đưa Đức Cha.

Mà hỡi ôi! Tôi có ngờ đâu gặp Đức Cha, và đưa Người lần ấy là lần sau hết! Chúa khiến cho con đặng thấy mặt Cha một phen sau hết trong chốn khách đày nầy! Viết tới đây, hai hàng nước mắt tuôn xuống ròng ròng!........ Càng nhớ tới càng châu lụy chan hòa! Nhớ 18 năm trời, hằng ngày con hằng chịu ơn Đức Cha. Tới ngày nay, con rõ lòng Đức Cha hơn nữa, thì Đức Cha đã khuất rồi! Ớ Đức Cha rất nhơn từ quảng đại, rất đáng mến yêu! Biết đời thuở nào con báo đáp cho cùng! Bút nào mà chép lòng lân mẫn nhơn lành Đức Cha cho xiết !!! . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

2 Janvier: Đức Cha xuống tàu “André Lebon”, mà về Nước Langsa. Bề ngoài coi sức lực vui vẻ như thường mà bề trong tưởng Người đã làm bịnh trượng, mà Người chẳng dè.

Tàu đi được nữa đàng, thì trong mình Đức Cha cũng chưa làm sao; mà từ Djibouti cho tới Marseille, thì Người bị ho suyễn lại như ba bốn mươi năm trước, khi ở Trường Latinh và ở Chợ Đũi.

28 Janvier: Đức Cha tới Marseille, trong mình đã mệt lắm. Cha Masseron về Tây dưỡng bịnh cách ít năm trước, biết ngày Đức Cha tới Marseille, cho nên xuống tàu mà rước Người. Cha Masseron thấy Đức Cha yếu liệt khác sắc, thì lo sợ cho Người lắm, không dám bỏ Người một mình, một theo mà giúp đỡ hết lòng hết sức. - Đức Cha ở tạm nhà giữ việc Hội Giảng tại Marseille, mỗi đêm mỗi bị cơn suyễn.

31 Janvier: Trong đêm thứ sáu, rạng mặt thứ bảy Đức Cha bị một cơn suyễn nặng lắm. Cha giữ việc, là cha Milliet, thấy hiểm nghèo, bèn rước quan thầy thuốc lập tức. Quan thầy tới nơi, thì Đức Cha bất tỉnh. Quan thầy chích bốn mũi thuốc, mà Người mê mang, không hay biết chút nào. Sáng ngày Người tỉnh lại, và qua bữa sau thì khỏe hơn một chút.

2 Février: Dầu Đức Cha còn mệt lắm, mà cũng rán về thành Dijon, là quê nhà em ruột Người, tên là Alphonse Mossard, đã qua đời cách hai năm trước. Cha Masseron đưa Người đi. Tới Lyon, có cháu Người, tên là Emma Mossard, đón rước Người mà đem về Dijon, thì cha Masseron trở về Marseille.

4 Février: Tới Dijon, Đức Cha vừa bớt mệt, thì rán viết thư cho Đức Cha Quinton, mà kể tắt mọi đều mới thuật lại trước nầy, và nói Người ở nhà em dâu, thì nhờ em và cháu lo lắng hết sức hết lòng, cho nên Người khỏe lại, và hết cơn ho suyễn. Lại Người tới Dijon, thì có quan thầy khán bịnh kỉ cang, và nói Người bị trái tim và phổi yếu lắm. Quan Thầy dạy phải nghỉ hết các việc, đừng lo, đừng làm chi hết, vì bịnh trái tim hiểm nghèo lắm. Trong thơ ấy Đức Cha cũng nói: trông cậy ít ngày khá, mạnh, thì Người sẽ đi Paris, vào nhà thương St Jean de Dieu, cho đặng chịu mổ vảy cá trong con mắt. Người cũng gởi lời thăm các Cha, và xin giúp lời cầu nguyện cho Người.

7 Février: Cháu Đức Cha gởi thơ cho cha Masseron, mà cho người hay bịnh Đức Cha đã giảm, và quan Thầy quyết chắc Đức Cha chẳng còn cơn suyễn như khi ở Marseille nữa.

9 Février: Đức Cha gởi thơ thăm cha Joubert. Ấy là dấu thương yêu thiết nghĩa lắm: Cha Joubert đã ở với Đức Cha nhiều năm tại Taberd, rồi ở luôn với Đức Cha từ ngày Người lên quờn Giám Mục cho đến đầu năm nay là 21 năm tròn.

11 Février: Đức Cha viết một bức thơ dài, gởi cho cha Masseron, mà nói mình một ngày một khỏe và đặng sức lại, cùng kể công việc Người toan làm, chừng sẽ mạnh thiệt.

Hỡi ôi! Mưu sự tại nhơn, thành sự tại thiên! Ai hay thơ đã là thơ sau hết của Đức Cha Lucianô! Ai dè sớm mai còn sống, mà tối chẳng còn! Thơ ấy chưa tới tay cha Masseron, kế sáng ngày sau, 12 Février, dây thép đã tới trước, mà đem tin rất buồn thảm rằng: Đức Cha Mossard đã biệt trần

Cuộc ai bi cấp báo như vậy, xảy ra thế nầy: Cùng 11 Février ấy: 8 giờ rưỡi tối, Đức Cha truyện vãn vui vẻ và toại chí lắm; nói về việc đi thành Roma,... lại nói trong mình khỏe và khá hơn nhiều. Song bỡi chưa thiệt mạnh, thì Đức Cha sợ thức khuya mệt, cho nên bảo phải đi nghỉ; khi ấy Người thấy trong mình nghẹt hơi, khó thở một chút. Trong nhà biết Đức Cha bị như vậy hoài, cho nên tưởng không hề gì. Vậy mọi người chào nhau cùng chúc nghỉ an, rồi ai về phòng nấy. Cháu Đức Cha xin Đức Cha khi có việc gì cần kíp, thì rung chuông để sẵn một bên giường, đoạn bà ấy lên từng trên mà nghỉ.

Cách ít phút, bà nghe rung chuông, bèn vội vàng chạy xuống, thấy Đức Cha đang ngồi trên giường, nghẹt hơi, thở chẳng đặng. Bà ấy liền la cả tiếng, xin tiếp cứu! Tức thì cả nhà chạy vào phòng Đức Cha, thấy Người còn tỉnh như thường, nói một hai tiếng mà không rõ, vì thở không ra hơi. Cách một lát, con mắt Người đứng tròng. Cháu Người bèn hối đi rước Cha, Thầy cả tới kịp, ban các Phép Bí tích sau hết cho Người. Quan thầy cũng đến lập tức, chích thuốc cho Người, song thấy đã vô phương điều trị. Cách chừng nửa giờ, Đức Cha tắt hơi! linh hồn lìa xác bằng an trong tay Chúa cùng Đức Mẹ, lối 10 giờ tối, ngày 11 Février 1920, nhằm lễ Đ C Bà hiện ra tại Lourdes.

Cám thương Đức Cha Lucianô li trần rất vội bấy! Song chết vội như vậy, mà chẳng phải là thình lình cho Người chút nào, vì Người đã đau khi đi dọc đàng, nhứt là khi tới Marseille. Lại Đức Cha đã biết, và đã nói nhiều khi, Người sẽ chết như vậy chẳng sai. Cho nên Người hằng dọn mình sẵn luôn. Anh em Đức Cha hết thảy là 10 người. Mà 10 người cũng đều chết gần như vậy: Đức Cha là người chết sau hết.

Đức Cha Mossard thật là Đại Nhơn: tác lớn, trí lòng kiến thức càng lớn hơn nữa. Trọn 21 năm Người cầm lái thuyền Hội thánh Nam Kỳ, rất vững vàng kiên cố; sóng gió bão bùng thể nào, thuyền cũng thẳng lèo lướt tới. Chuyện bằng trời, Đức Cha cũng bằng tịnh xem qua. Nay sự chết bỗng đâu giục ngựa xông tới, Người an lòng bước ra đón rước! Giờ sau hết của Người, nội có một giờ; thì cũng nội một giờ, Người đang sức lực oai linh, khác nào cây cao tận trời. bỗng liền ngã xuống! Người sống là ĐẠI NHƠN, Người chết thiệt là ĐẠI THẤN!

Đức Cha qua đời tối thứ tư, 11 Février. Xác Người mặc đủ y phục quờn chức Người, để vậy tại nhà cho tới xế ngày thứ bảy, 14 Février, mới liệm vào quan tài, đoạn đem đến nhà thờ chánh (cathédrale), để trong từng dưới, đã trần thiết theo cuộc tang trọng thể lắm, xứng đáng bực Người.

Đức Cha Landrieux, là Giám Mục thành Dijon, đã dạy rao trong các nhà thờ Châu thành cùng nơi lân cận, cho bổn đạo hay Đức Cha Mossard đã qua đời, và mời giáo hữu đi chầu lễ táng xác. Nhà Trường Dòng Sai Paris đã xin Đức Cha Cuaz và Đức Cha Demange đi dự lễ nầy, lại cho cha Sy thay mặt Nhà Trường mà đi chầu lễ.

Quan Thượng bộ kiêm các Thuộc địa, là ông Albert Sarrant, nghe tin Đức Cha Mossard tạ thế tại Dijon, thì đã đánh dây thép, tỏ tình thống thiết cùng thông phần áo não, lại cho quan thay mặt mình đi thành Dijon, mà chầu lễ mai táng.

Cả ngày Chúa nhựt, 15 Février, bổn đạo thành Dijon tuôn đến nơi để xác Đức Cha, mà đọc kinh cầu nguyện cho Người. - Qua ngày thứ hai, 16 Février, làm lễ táng xác Đức Cha trọng thể lắm, bổn đạo đi chầu lễ chật nhà thờ. Có Đức Cha Landrieux, các cha Chanoines nhà thờ chánh cùng các Cha trong thành đông lắm. Quan Tổng trấn Tĩnh Côte-d’Or ngày ấy đi khỏi, nên đã cho Quan khác đi chầu lễ thay mặt mình. Đức Cha Cuaz, là cựu Giám Mục Địa Phận Lèo, làm lễ hát trọng thể. Lễ rồi Cha Masseron lên tòa, giảng một bài kể lại tánh hạnh và công trận Đức Cha Mossard. Người thay mặt Địa Phân Nam Kỳ, mà dưng lời từ tạ cùng đưa Đức Cha về nơi cõi thọ.

Lễ xong, thì đã quá 11 giờ trưa. Bỡi đất thánh xa nhà thờ nhiều dặm đàng, cho nên Đức Cha Landrieux định để chiều mới đưa đi phần mộ. Vậy chiều ngày ấy, Đức Cha Landieux, cha Sy, cha Roy và cha Masseron đi trước thẳng ra đất thánh, còn Gia quyến và thân bằng cố hữu thì đi đưa theo quan tài. Tới nơi, bèn mai táng Đức Cha trong mộ xây sẵn cho các Giám Mục thành Dijon. Đức Cha Mossard nằm kề Đức Cha Monestès đã qua đời 4 năm trước.

Vậy Đức Cha Lucianô Mossard nghỉ an trong đất Tổ phụ, là Đất rất châu báu tốt lành, giữa quê nhà cùng bà con thân thuộc. Đang khi ấy Hội thánh Nam Kỳ chịu tang rất đau đớn thảm sầu, không lưỡi nào mà kể cho đặng. Ngày thứ ba, 17 Février, kế ngày táng xác Đức Cha Lucianô tại thành Dijon, thì Đức Cha Victor Carôlô dạy đánh dây thép trong cả và Địa Phận, mà thông tin áo não ấy. Ai nghe cũng rụng rời, nhiều kẻ khóc ròng!

Đức Cha Victor Carôlô đã làm lễ hát trọng thể cho Đức Cha Lucianô tại nhà thờ Đ C Bà. Bổn đạo Langsa, Annam tại Saigon cùng các họ xung quanh đua nhau đi chầu lễ, đủ mặt Quan quyền chức sắc Langsa và Annam, ai ai đều đến tỏ hết tình phân ưu sầu não cùng thương tiếc hết sức hết lòng. Đức Cha cũng dạy mỗi họ trong cả và Địa Phận, sức làm đặng ngằn nào thì phải làm lễ trọng thể hết sức, mà đền ơn trả thảo cho Đức Cha Lucianô. Từ ấy, bổn đạo cũng xin nhiều lễ cho Người, nhiều họ cũng làm thêm nhiều lễ trọng lắm.

Cùng ngày 17 Février ấy, Đức Cha Landrieux gởi thơ cho Đức Cha Quinton. mà kể lại việc mai táng Đức Cha Mossard bữa trước tại thành Dijon. Xin rút ít lời trong thơ ấy mà chép ra đây, cho giáo hữu xem và gẫm:

......... “Ý nhiệm Chúa khiến cho Đức Cha đã mất Cha lành yêu dấu, là Đức Cha Mossard; mà lại thảm, vì Đức Cha không được chúc an ủi, là giúp đỡ người trong giờ lâm tử cùng trong việc trợ táng phong phần. Chúng Tôi hiểu đều ấy làm cho Đức Cha và đoàn chiên Đức Cha đau lòng xót dạ biết là ngần nào!.

Phải chi cuộc tang chế nầy xảy ra tại Saigon, ắt là Thuộc Địa Nam Kỳ cùng cả và Địa Phận Đức Cha, từ Quan quyền chí nhẫn thứ dân, sẽ làm lễ mai táng trọng thể là dường nào, cho đặng tỏ lòng hiếu thảo, mến yêu cùng thương tiếc Người.

Chúng Tôi đã tận tình làm việc ấy cho xứng đáng hết sức thay vì Đức Cha. ..... và táng xác Người trong Mồ đã xây sẵn cho các Giám Mục thành Dijon.

Đó là nơi Đức Cha hiệp cùng chúng Tôi, mà thương nhớ và cầu nguyện cho Người.”

Vậy, ớ Đức Cha rất nhơn từ quảng đại và rất đáng mến yêu, xác Đức Cha xa chúng con muôn muôn dặm; song lòng trí chúng con gần Đức Cha, mà thương nhớ và cầu nguyện cho Đức Cha chẳng khi dừng. Chúng con xin dưng mấy trang thật thà vắn või nầy, là lễ bạc lòng thành, để trên phần mộ Đức Cha, tỏ tình chúng con thương tiếc và cám mến Đức Cha hết lòng hết sức. Xưa Đức Cha còn ở với chúng con, thì Đức Cha thương yêu dìu dắt chúng con; nay Đức Cha về cùng Mạch yêu mến vô cùng, thì xin Đức Cha cứ thương và cầu nguyện cho chúng con đặng tốt lành trọn hảo như lòng Đức Cha sở nguyện, hầu ngày sau Chủ chăn và đoàn chiên sum hiệp cùng nhau trên đất phước, mà yêu mến Chúa và thương yêu nhau đời đời chẳng cùng! “Hic est fratrum amator, et populi Issael; hic est qui multum orat pro populo et universa sancta civitate.” (2 Mach. 15, 14).

CHUNG.

J. B. Tòng.

Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1920

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét