CHA
ĐÔMINICÔ NGUYỄN TRI CƠ
Linh
mục Bổn quốc Địa phận Nam Kỳ
--------------------
Sinh
ra tại Rạch Rập (Cầu Ngang) năm 1872.
Chịu
chức chánh tế ngày 7 Mars 1903.
Qua
đời tại Trà Ôn ngày 29 Septembre 1922.
Ai dè họ Rạch Rập Thâu
Râu mà dưng cho địa phận Nam Kỳ đặng một thầy cả có danh tiếng, đã làm nhiều việc
cho danh Cha cả sáng và giúp linh hồn người ta, đó là cha Đôminicô Nguyễn tri Cơ.
Cha người là Êmanoe Nguyễn tri Quản, mẹ người là Madalenna Lê thị Học, cả hai
là đạo dòng; ông nội người là ông biện Hợp có nói đến trong hạnh á thánh
Philípphê Minh, khi chém cha rồi thì tả đao xách đầu đem quăng dưới sông, xã
Phương chạy theo chuộc lại ba quan tiền, mà bỡi không có tiền sẵn thì nó không
cho, thời may có ông biện Hợp cùng chạy theo đó thấy vậy thì cởi áo lụa nâu
mình, mà thế cho nó, thì nó mới cho. Đem đầu ráp lại cùng xác cha rồi, ông biện
Hợp và một người khác cả hai về họ Rạch Rập đã khiêng xác thánh xuống bến, để
dưới gốc me mà đợi xã Phương đi mua thọ đường đem về liệm. Nhờ đức ông bà mà
Chúa chọn con cháu..
Đôminicô sinh ra tại họ Rạch
Rập Thâu Râu, bây giờ là họ Cầu Ngang, về sở Chà Và, thuộc hạt Trà Vinh, năm
1872, năm Nhâm Thân. Đến ngày rửa tội đã chọn ông thánh Đôminicô làm Bổn mạng
người, thì rất thậm phải. Xưa bà mẹ ông thánh Đôminicô khi gần ngày sanh thai
đã chiêm bao thấy con chó cắn tha cây đuốc mà chạy cùng, âu là dấu chỉ con mình
đến sau sẽ soi sáng trong Hội thánh, vì sẽ lập dòng, cùng sai các thầy đi giảng
đạo mọi nơi. Bà mẹ Đôminicô nầy không đặng phước thấy như vậy, song ý Chúa nhiệm
mầu khiến cho chọn ông thánh Đôminicô làm Bổn mạng hài nhi nầy, vì đến sau sẽ
nên linh mục, cũng sẽ vác đuốc đức tin cùng lời giáo huấn mà soi nhiều nơi
trong Địa phận. Hai ông bà tốt phước sinh đặng 12 con: bảy trai năm gái.
Đôminicô là con đầu lòng, cho nên cha mẹ có ý dưng trái chiến đầu mùa cho Chúa;
trong em út người cũng còn nhiều người đi tu, em gái thứ ba là Ysave Nghiệp vào
nhà phước Trắng, đã khấn hứa, lấy tên là Clarise, Bề trên sai đi ngoài Bắc Kỳ
ít năm, sau trở về chết chôn tại đất thánh nhà phước Trắng bên Thị Nghè. Em gái
thứ tám là Maria Thi đi nhà phước Cái Mơng, cũng đã khấn hứa rồi, đang còn sống
mà giúp việc Chúa, có ba em trai cũng vào nhà trường Latinh một ít lâu, song số
Chúa kêu thì nhiều, mà chọn thì ít, cho nên mấy người ấy đã về thế gian, rày em
út người có đôi bạn tử tế hết.
Đến sau cha mẹ người đã dời
về ở tại họ Chà Và. Đôminicô tính nết hiền lành dịu dàng dễ thương, lại có trí
sớm, cho nên cha sở coi họ Chà Và buổi ấy là cha Vêrô Lý, chọn làm học trò giúp
cha, có ý lo lắng dạy dỗ trẻ nầy hầu sau gởi đi nhà trường Latinh, Bỡi Đôminicô
ân cần lo lắng chí thú học hành, cho nên khi vào nhà trường Cái Nhum là năm
1882 thì đã thuộc sách mẹo Latinh đặng nhiều rồi, khi ấy Đôminicô mới có mười
tuổi mà thôi.
Năm trước nhà nước mới bất
lộc các cha, thôi giúp nhà trường có đạo, cho nên tiếng thiên hạ đồn rằng: mỗi
trò đi trường Latinh phải đóng năm bảy chục một trăm đông, mà chịu tiền sở phí
cho Nhà chung, cho nên năm đó học trò mới vào ít lắm, lớp nầy tựu có 15 trò mà
thôi, mà có hai trò đem đồ lên nhà ngủ dọn dẹp vừa xong, chưa kịp học, kế cha mẹ
ra về, thì cũng về theo, còn có 13 trò, cách vài tuần về một trò nữa, còn có 12
trò. Cha Bề trên cai trường buổi ấy là cha Georgiô Giáo (R. P. Ritter), còn cha
dạy lớp đám nầy là cha Anrê Bữu, cha thấy còn có 12 mà thôi, thì cha nói chơi rằng:
Chúng con bây giờ còn 12, trúng số 12 tông đồ, chớ chi chúng con bền đỗ hết thì
sẽ đặng 12 thầy cả. Lời cha chúc nguyền ước ao như vậy, không đặng tròn như ý
cha, lần hồi cho tới trường lớn thì mất hết mười, còn lại có hai làm thầy cả mà
thôi: là cha Đôminicô và tôi đây. Trò Đôminicô tánh nết dịu dàng, lại thật thà
lắm, hay bị gạt, lần kia nhằm lễ Bổn mạng cha Bề trên cai trường, tôi có đốt
pháo bông chơi, pháo thăng thiên có trái châu xanh đỏ tốt lắm, khi rớt xuống đất,
mấy anh lớn gạt rằng: lượm châu, lượm châu, Đôminicô tin bằng lời, lật đật chạy
lại chụp một cục châu; cái thứ lửa thuốc pháo nóng hèn gì, cho nên Đôminicô phỏng
tay và rầy và la khóc nữa. Bỡi bổn tính hiền lành dịu dàng và giữ luật chín chắn,
cho nên năm ấy Đôminicô đi lãnh phần thưởng thứ nhứt về đức tánh hạnh (bonne
conduite).
Học Cái Nhum đặng hai năm
rồi lên Saigon là năm 1884. Đời đó chưa có xe lửa, mấy năm trước có một ông tây
nhơn đức tử tế là chủ hàng tàu đi Nam Vang đã cho học trò Latinh lên xuống
Saigon Mỹtho khỏi tiền, năm nay không còn nữa, cho nên mấy trò ở miệt dưới mà
lên cho tới Saigon là cam go lắm, phải đi ghe ba bốn bữa, như Đôminicô nầy thì
đi gần trót tuần lễ, lại có khi nhằm lúc cha mẹ không rảnh mà rước đưa thì phải
đi quá giang với ghe quen, có nhiều lần đi với ghe chài chở lúa nữa.
Mấy năm đầu Đôminicô học
cũng tầm thường chưa tỏ tài trí ra bao nhiêu, song từ lớp nhứt học văn chương sấp
lên, nhứt là cách vật cùng sách đoán, thì thật là phát lắm, trí khôn bày ra rõ
ràng minh mẫn, lại ưa cách vật cùng sách đoán cách riêng, cho nên những sách
người mua sắm, bây giờ hãy còn lại đó thì tinh những là cách vật cùng sách đoán
của các đấng có danh tiếng đã làm ra..
Khi xuống trường lớn học
cách vật đặng một năm rưởi. thì Đôminicô đặng chịu chức cắt tóc mặc áo dòng làm
thầy, là năm 1890. Cha mẹ bà con nở mặt nở mày vui mừng biết là chừng nào.
Các cha nhà trường thì bằng
lòng về thầy Đôminicô lắm, việc học ngày một trổi hơn chúng bạn, từ đó về sau mỗi
năm mỗi chịu chức liên tiếp bốn năm luôn. Hồi còn chức nhỏ cũng có đi dạy chầu
nhưng đạo mới một ít lần, theo phiên theo thứ như mấy thầy khác. Chức tư rồi, bỡi
chưa đủ tuổi mà chịu chức năm cho nên phải nghỉ mà đợi cho đúng tuổi, từ lúc ấy
về sau thì không còn đi dạy ngoài họ nữa, bỡi thầy thông thái giỏi giắn nên Bề
trên giữ lại nhà trường mà dạy học trò, đã dạy như vậy nhiều năm, chẳng những
là tại nhà trường Saigon mà thôi mà Bề trên cũng có sai xuống nhà trường An Đức,
đến sau cũng có đi dạy tại nhà trường Tân Định nữa.
Đời đó có luật trong địa
phận buộc phải có 30 tuổi trọn mới đặng chịu chức thầy cả, mà thầy Đôminicô còn
thiếu tuổi nhiều, cho nên chịu chức phó tế rồi phải ở vậy mà đợi hơn bốn năm.
Tôi cũng bị một số phận như thầy, đợi là gần mỏi con mắt, mà bỡi tôi lớn hơn một
tuổi, nên tôi chịu chức thầy cả trước thầy một năm, là năm 1902. Qua năm sau
ngày mồng 7 tháng Mars 1903 thầy Đôminicô mới chịu chức chánh tế. Cho nên nội lớp
vô trường Cái Nhum với nhau một lượt thì có hai anh em tôi làm thầy cả mà thôi.
Khi ấy cha mẹ cha mới còn
song toàn, bà con rân rát, em út đông, vui mừng biết là chừng nào! Ngày cha về
họ Chà Và làm lễ vinh qui, có tôi theo giúp chuyện nọ chuyên kia, tận tình
huynh đệ.
Năm ấy cha Benoit (Lựu)
làm cha sở họ Chà Và, ngài lo lắng sắp đặt dọn dẹp nhà thờ nhà thánh vển vang đẹp
đẽ, hầu rước cha mới về làm lễ nhứt trong họ, chính mình ngài giảng bữa ấy nữa.
Thuở ấy đường sá chưa được như bây giờ, lộ sỏi cán rồi mới khỏi Giồng Rùm một đỗi,
còn từ đó mà xuống cho tới Chà Và thì đang có trải sỏi ra cùng đường, cục nào cục
nấy bằng đầu gối, chưa có xe hơi như bây giờ, phải mướn xe kiến tại Trà Vinh đi
hồi ba bốn giờ chiều mà gần 11 giờ khuya mới tới Chà Và, cam go lắm!
Trong đám đó có cha Vêrô
Lý, là kẻ đã lo lắng cho cha Đôminicô đi nhà trường hồi trước, cho nên cha mới
kiến người như cha ruột vậy, có cha Vêrô Gia phần thì là bà con với cha mới, phần
thì cũng đã coi họ Chà Và xưa, cha Mátthêu Chiểu là bác bà con, có cha Gerber
(Thông) đang coi họ Tân Hưng cũng đi xem lễ, vì hồi trước có làm cha phó tại
Chà Và, thuở cha mới còn học trường nhỏ, cũng có đôi ba cha nữa..
Nghỉ ngơi vài tuần lễ
theo lệ rồi, thì Đức Cha sai cha mới đi Cái Mơng ở giúp cha Bề trên Quí. Ở đó
không đầy năm, làm việc bổn phận hẳn hòi, Bề trên yêu chuộng, bề dưới mến
thương. Bỡi Bề trên tin cậy cho nên đến đầu tháng Février năm sau là 1904 thì Đức
Cha dạy cha Đôminicô đi coi họ riêng, là họ Trà Ôn, về sở Mặc Bắc, là họ của
cha Laurent Mỹ đã lập. Cha vừa tới nơi liền bắt tay làm việc tông đồ chí thú lắm,
cũng như con gặt siêng năng cần mẫn áp vô đồng lúa chín vậy. Cha có tài chiêu
hiền đãi sĩ, rước hết mọi người, cho nên mau quen biết người ta, đạo ngoại gì
cũng năng tới lui thăm viếng, người sang quí những dân thường, thảy đều mến đức
cha; ở đó phải coi họ Ba phố nữa.
Vốn họ Trà Ôn thì nhơn số
bổn đạo không bao nhiêu song bỡi người ta đồng lòng lắm, hễ bày ra công chuyện
gì, dọn lễ lạc nào, thì người ta không tiếc của tiếc công, cho nên mấy năm cha
Đôminicô ở đó, đã bày ra nhiều cuộc lễ, đạo ngoại còn nhắc đến bây giờ.
Đang lúc ấy ông già cha
Ximong Chánh về ở trong họ cùng qua đời tại đó, ông già cha Giacôbê Quận đến
thăm con khi đó làm phó tổng bây giờ đang làm chánh tổng, quí danh là thầy cai
Lưu, chẳng may ông cũng qua đời tại đó; cha Đôminicô chí tình lo tống táng cho
hai ông ấy xứng đáng, đến sau hễ tới tháng học trò Latinh nghỉ thì hai cha mời
nhiều cha và rước mấy thầy bên Cái Mơng qua hát lễ, làm cho việc đạo rần rộ nổi
tiếng lắm. Cha coi họ Trà Ôn đặng ba năm rưởi, kế lịnh Đức Cha đổi cha về Tây
Ninh, lối cuối tháng Août năm 1907. Bổn đạo lớn bé trẻ già đều thương mến, một
hai gởi đơn xin cha ở lại, song cha can gián bổn đạo, để cho cha vưng lịnh Bề
trên là ý Chúa sở định.
Trà Ôn mà lên Tây Ninh
đàng sá xa xuôi viễn vọng, thật là ở dưới biển mà lên cho tới trên non. Tánh
cha Đôminicô ưa dọn dẹp sửa soạn cho vén khéo, nên lần hồi cha lo xin cây mà cất
thêm một cái thảo bạc cho rộng rãi, khách khứa có chỗ nơi cho xứng đáng, song
cha chẳng bỏ qua nhà Chúa. Nhà thờ cất đã lâu lắm, cho nên mối mọt ăn tuồng
trên gần hết, cha phải sửa lại như mới. Đời đó có ông chủ sự đạo đức, cùng có
lòng tôn kính Đ C Bà Lourdes lắm, cho nên xin này cha làm một cái núi Đ C Bà
sau bàn thờ chánh, ông ấy ra tay đốc công đốc sức mà làm, cũng có phụ tiền bạc
ít nhiều; nội địa phận tưởng có một mình nhà thờ Tây Ninh lạ hơn hết, vì có núi
ở trong nhà thờ. Đã nói trước, cha có tánh chiêu hiền đãi sĩ, nên về Tây Ninh
chẳng những là làm quen với annam đạo, ngoại, thông ngôn ký lục, huyện phủ, mà
lại làm quen với hết mọi người Langsa, đi đi lại lại thăm viếng nhau, nhằm lúc ấy
có ít bà đầm đạo hạnh hẳn hòi, cho nên Chúa nhựt Lễ cả, ông nào bà nấy đều rủ
nhau đi xem lễ hết thảy; khi ấy lính sơn đá còn trú Tây Ninh đông, ban đầu có một
hai tên đi xem lễ, tới lui thấy cha tử tế, nói tiếng Langsa giỏi, nên lần lần rủ
nhau đi xem lễ đông, sau tới mà tập hát xướng nữa, từ đó về sau Chúa nhựt lễ cả
lên từng hát om sòm, cho nên việc thờ phượng Chúa ra như sống lại mạnh mẽ lắm.
Sửa soạn đặng vài năm kế
cha sở Tha La là cha Du đau, mà thầy thuốc khuyên phải đi dưỡng bịnh bên Hồng
Kong hay là về Tây, thì Đức Cha lại dạy cha Đôminicô xuống Tha La quyền làm cha
sở năm sáu tháng, cho đến đầu năm 1910. Khi ấy Đức Cha Carôlô bây giờ đây, còn
đang làm cha giữ việc nhà trường Latinh, lãnh lịnh lên làm cha sở Tha La, thì
cha Đôminicô lại trở về coi họ Tây Ninh như trước, mấy tháng cha ở Tha La thì
có cha Phanxicô Binh thế tại Tây Ninh. Cha trở về họ cũ mình thì nhằm năm làm lễ
mấy á thánh Đức Giáo Tông mới tặng phong đầu tháng Mai năm 1909, trong phô Đấng
ấy có năm Đấng Annam về Địa phận nầy là: á thánh Quí, á thánh Lộc, á thánh Lựu
cả ba là Linh mục bổn quốc, á thánh Lựu là trùm họ Mặc Bắc, và á thánh Hạnh là
bổn đạo họ Chợ Quán. Năm ấy Đức Cha dạy hễ họ nào có làm lễ mấy á thánh mới tặng
phong, thì phải làm trọng thể ba ngày, kêu là Tam nhựt kinh lễ. Cha Đôminicô có
lòng ái mộ tôn kính các vì á thánh tử đạo Annam cách riêng, cho nên cha nông
công lo lắng dọn lớn hết sức, sắm cờ sắm màn treo đỏ nhà thờ, cùng trước sân và
xung quanh nhà thờ nữa, cha có ý dùng dịp nầy mà thúc giục bổn đạo cho nên sốt
sắng. Sớm mai lễ hát trọng thể ba bữa, buổi chiều phép lành cũng trọng, sớm mai
chiều mỗi bữa có giảng về các thánh tử đạo, chiều bữa thứ hai 8 giờ tối lại có
giảng tiếng tây, các quan cùng các người Langsa nội tĩnh đến đủ mặt, khi ấy cha
Thiên (P. Barré) bên Tây mới qua đặng ít lâu, đang ở học tiếng annam tại Tha
La, đã giảng tối ấy. Nội ba bữa mỗi đêm mỗi có đốt đèn trong ngoài nhà thờ cho
đến khuya; đạo ngoại gì đi coi vô số. Trên bàn thờ có bóng hình các Đấng Tử đạo,
coi tốt, nhờ các việc bề ngoài như vậy mà giục giã người ta, cho ai nấy trở nên
sốt sắng, họ nầy khi trước trễ lắm.
Qua năm 1913 Đức Giáo
Tông ban toàn xá, cha lại càng ra sức lo cho con chiên mình đặng nhờ hơn nữa,
nên đã mời các cha đến giảng cấm phòng, làm phước ngồi tòa giải tội, năm ấy tôi
giúp giảng tại Tây Ninh, chẳng những là họ nầy mà lại mấy họ nhỏ, nào là Thanh
Điền, Nàng Gình, Tà Lọt hết thảy đều tựu đến nghe giảng dạy, cùng dọn mình xưng
tội chịu lễ hầu nhờ ơn toàn xá, ấy là sự vui mừng an ủi kẻ chăn. Cho đặng để dấu
tích nhắc lại ơn toàn xá nầy lâu dài thì cha đã dọn một cây thánh Giá lớn lắm, mà
dựng ngoài đất thánh annam, có khắc chữ nhắc năm toàn xá.
Vậy chiều ngày sau rốt
thì đã đi kiệu trọng thể từ nhà thờ cho tới đất thánh cũng chừng một ngàn thước,
cha Đavid là cha sở Tha La làm phép cây thánh Giá, Đức Cha bây giờ, năm ấy mới
thọ quờn Giám mục làm Đức Cha phó, đã ban cho kẻ đọc kinh trước cây thánh Giá ấy
đặng nhờ 40 ngày tiểu xá.
Ấy là nói sơ qua về việc
linh hồn, còn việc khác cha Đôminicô cũng ân cần lo lắng giúp đỡ Địa phận đặng
nhiều, nhứt là nhà phước Chợ Quán và Thủ Thiêm, mấy năm ấy có cho nhiều người
đi thi tại Tây Ninh đặng lãnh bằng cấp giáo làng, bỡi cha quen với đốc học, với
mấy thầy giáo thanh tra việc thi, cho nên có ý dễ một chút, đậu đặng nhiều, mấy
họ gần đó cũng có gởi người đi thi, cũng nhờ cha lo giùm.
Đang khi ở Tây Ninh thì
cha còn coi họ Thanh Điền, cùng họ Nàng Gình giáp Địa phận Cao Mên, nhà thờ
tranh mà đã xơ rơ xác rác, dột nát, tư bề trống trước trống sau, cho nên cha đã
đi phổ quyến đầu nọ đầu kia cho tới Saigon mà làm lại một nhà thờ cho khá hơn.
Nhằm lúc ấy có quan Đốc
phủ Nghiêm làm việc nhà nước đã lâu năm, dày công trận, nay nhà nước mới cho
hưu trí, lên khẩn đất rừng tại Tà Lọt, thân dưới Nàng Gình, mới nài xin cha mở
thêm họ đó nữa, song họ nầy không đặng thạnh bao nhiêu. Mỗi năm cũng có xin thầy
dạy hai họ ấy, thầy nhà trường có, thầy giảng có. Họ nhỏ làm vậy chớ cũng có kiệu
ảnh Đức Mẹ đôi ba phen, khi trên bộ khi dưới thuyền, làm coi cũng trọng.
Đang khi cha ân cần lo lắng
sửa sang mấy họ ấy, thoát chúc có lịnh Đức Cha dạy cha về Cái Nhum, nghe đồn rằng
đổi cha về làm bề trên coi thầy giảng, vì cha bề trên Hay phải về nhà trường
Latinh mà dạy sách đoán; song sau đã đổi ý mà để cha coi họ Cái Nhum luôn. Cha
đến đó giữa tháng Décembre năm 1913. Tới mùa Phục Sinh cha lo cấm phòng họ, cấm
phòng quới chức, mời các cha giảng dạy ngồi tòa làm phước, mấy người nguội lạnh
trễ nải mới nhút nhít chút đỉnh, lo đi cấm phòng ăn năn trở lại. Tháng ông
thánh Giude, tháng Đ C Bà và tháng Trái Tim làm trọng thể luôn, chuông trống ìn
ìn, lễ Mình Thánh Chúa dọn kiệu lớn, lễ Đ C Bà chẳng hề mắc tội tổ tông, là
Sinh Nhựt cũng kiệu cả thể, người ta thấy vậy lo trở lại một ngày một đông, thứ
sáu đầu tháng, xưng tội rước lễ nhiều, thêm lập hội Trái Tim, hội con Đ C Bà, thúc
giục hết sức, cho nên mấy năm đầu coi mòi khá thiệt.
Đang khi phấn chấn vui vẻ,
bỗng xảy ra sự buồn nầy, cha về đây chừng đặng một năm kế ông già cha phát bệnh,
có lên ở với cha, cho cha lo thuốc men mà bịnh một ngày một tới, nên lo đem về
xứ sở cũng đã chết bằng an, cha hết lòng thương nhớ lo bề tống táng cùng làm lễ
cho cha rất dấu yêu đặng mau về chầu Chúa mà hưởng phước đời đời. Dầu lâm cơn
phiền não như vậy, song cha cũng chẳng trễ bỏ việc bổn phận, lo hồn lo xác lo
trong lo ngoài. Nhà thờ hồi trước tuồng trên bằng dầu cho nên mối ăn rui mè gần
rớt. cha phải nông công ra sức thay trót hết tuồng trên bằng sao cho chắc hơn.
Rồi lo làm nhà trường nữ lại nữa, vì đã hư cùng có ý dời lại cho gần, hồi trước
cất xa.
Lập
lại Nhà phước.
Khi cha mới về coi họ Cái
Nhum thì nhà phước còn có 13 người, là mấy bà già, bà thì đau, bà thì yếu, bà
thì ho, người thì điếc, hai nhà từng đời cha già Thu (P. Tournier) hãy còn lại
đó, mà nó là xếu mếu hết, coi buồn xo, một góc một bà có cà ràn, có om nước, một
mớ củi, ngồi một bên ho sò sò thấy mà thảm! Ban đầu còn cha Bề trên Hay coi
sóc, đến sau cũng giao cho cha Đôminicô. Cha thấy đồi tệ như vậy thì thảm não
buồn rầu, dầu vậy tới năm cũng cấm phòng đủ phép; bỡi cha sốt sắng ái mộ cho
danh Chúa cả sáng và làm ích cho linh hồn người ta, cho nên trong năm 1916 cha
đã xin phép Đức Cha mà lập nhà phước lại; ban đầu gay trở lắm, tiếng vô tiếng
ra, kẻ bàn tới người bàn lui, song cha cứ một lòng kiên cố quyết làm cho được
việc. Khi đặng phép Đức Cha rồi thì đi đến mấy nơi quen biết, hoặc viết thơ mà
xin bố thí ít nhiều, cũng có xin trong hàng linh mục tây nam, góp gió làm bão.
Đức Cha cho phép lập lại mà không cho phép mắc nợ, cho nên phải ra sức kiếm cho
có mà làm. Đoạn vời cha Vêrô Lý, là cha dấu yêu của cha, đến mà nông công giúp
sức với cha. Cha Vêrô nghe tự sự thì vui lòng, ra sức giùm giúp, đi xin xỏ đầu
này đầu kia, lại gặp giống gì dùng đặng, thì cấp ca cấp củm đem về đó để dành.
Cha Vêrô có tính tiện tặn giỏi lắm; khi có tiền vừa đủ thì khởi công làm nhà áo
trắng, phá nhà cũ mót lấy gạch lấy đá mà xây nhà mới, song bỡi sợ làm lại chỗ
cũ e mối nhiều khó giữ, cho nên day lại hướng khác, cho đỡ mối, té ra có hơi bất
tiện một chút, là sớm mai chiều cũng đều bị mặt trời xỏ vô.
Cũng may phước vừa tính lập
nhà phước lại, tức thì có ba bốn chị xin vào, sau thêm lần lên, nhờ đó mới có
người dọn dẹp sửa soạn trong nhà. Cất lại nhà trệt, nền đúc cao, mà bỡi làm
theo đồng tiền, mà tiền thì ít, làm chắc sao cho đủ, cho nên bớt chỗ nầy, ăn mót
chỗ kia mà tấp vô, nên sợ nhà đó không lên được bao lâu.
Khi làm nhà áo trắng gần
lợp, cái nền đổ đất mà chưa dện kịp cho chắc, xán xuống một đám mưa lớn lắm,
cha Đôminicô sợ lún nền, sợ nước soi xuống mà hư vách chăng, nên cha dầm trót
đám mưa mà đốc sức tát nước ra. Tàn đám mưa thì cha rét, đó gốc bịnh cha sơ
phát lên là như vậy, một ngày một thêm, nay trở chứng nầy mai trở chứng khác,
ít lâu thì lại khô đâu trong xương sống, nó bắt cứng đơ đi không đặng nữa, nằm
xuống ngồi dậy một mình cũng không đặng. Chạy đủ thứ thuốc, thầy nam, thầy chệc
cho tới thầy tây, thầy nào cũng có, thuốc hoàn, thuốc tể, thuốc rượu, thuốc nào
cũng có uống, ai bày đâu thì làm đó, ai chỉ thuốc nào thì cũng tầm cho ra, nào
thầy thích thầy châm gì cha cũng chịu hết, đến đỗi có một thầy biểu đào hầm như
cái huyệt hẹp rồi chế thuốc dưới đốt xong rồi, biểu cha xuống nằm dưới, trên nầy
che lại mà xông, cha cũng vui lòng chịu, lần đó nghe nói đem lên mệt gần chết,
cha trông một đều là cho mạnh mà làm việc Chúa, cùng giúp linh hồn người ta.
Ban đầu còn vịnh đi đặng, đến sau dỡ chơn lên không nổi nữa kéo xà lỉa sột sột
dưới đất, cho nên có muốn đi đâu thì phải khiêng, có làm cái ghế riêng tra hai
cây đòn vô để sẵn đó, muốn xuống nhà phước thì sai trẻ kêu bốn năm người lên
khiêng, dầu vậy cũng rán lo coi làm cùng sắp đặt mọi sự cho an bài. .
Nhờ cha Vêrô lo giúp coi
làm nhà áo đen, cùng lo coi sửa vườn nhà phước lại, hầu sau cho có huê lợi mà
nhờ. Cha Đôminicô đau như vậy, mà nhờ cũng còn ăn uống đặng khá, ngặt có hai
cái chơn dỡ lên không đặng mà thôi, đứng thì hai chơn chở cái mình không nổi,
cho nên sụn xuống, té rồi dậy không được. khiêng hoài nhiều khi cũng bất tiện,
vì có lúc người ta mắc làm việc nọ việc kia xa, kêu kiếm cũng lâu, cho nên mới
bày ra mua một cái xe kéo.
Hễ có muốn xuống nhà phước
thì một hai đứa học trò cũng đủ, nó vịnh đưa cha lên đặng rồi, thì một đứa kéo,
một đứa đẩy, ra vô nhà dòng cũng nhờ xe kéo, một hai khi biểu nó kéo đi vòng xung
quanh nhà thờ dạo chơi, hay là vô lộ lớn, có khi chạy xuống tới Cái Gà.
Song xe kéo cũng bất tiện
chuyện khác, là có đôi ba lần xuống dốc con nít nhỏ kềm không lại, lật xe, cha
té. Như một lần trúng là ngày làm phép hai nhà áo trắng áo đen mới cất đó, trẻ
nhỏ kéo cha xuống chầu lễ nhạc làm phép nhà, nó trợt, lật xe, cha té lấm mem, rồi
lo gượng cho nó đỡ lên xe, kéo lộn về bỏ cha Vêrô làm sao thì làm.
Bỡi cha bịnh hoạn như vậy
cho nên năm 1918, cha Tứ mới chịu chức thầy cả thì Đức Cha sai xuống làm cha
phó giúp cha.
Bề trên cùng anh em bạn
thầy cả thấy cha đau như vậy thì muốn khuyên cha xin nghỉ, song không ai dám
nói rõ, sợ cha buồn, vì kể như đồ vô dụng rồi. Cha cũng cứ thuốc nầy thuốc kia.
xông hơ bóp ngải, thuốc rượu, dầu gió đủ thứ, trông cho mau mạnh, mà không thấy
mạnh.
Cực chẳng đã lối tháng
Juin năm 1919 cha tính với Đức Cha mà xin nghỉ luôn cho đến khi mạnh, thì Đức
Cha định cho cha về nghỉ tại Chí Hòa, Đức Cha dạy cất cho cha một nhà riêng cho
dễ khỏi lên xuống, lại cho tiện bề khác, kẻo ở chung với các cha trên thì cũng
khó. Cái nhà rộng rãi khoản khoát, cao ráo, lót gạch tàu, vách gạch sơn phết tử
tế, lợp lá cho nên mát, phần thì ở ngay ngọn gió, đồng trống, thanh khí lắm.
Cha giao họ mà đi về Chí
Hòa là đầu tháng Novembre năm 1919. Cho nên cha coi họ Cái Nhum thiếu một tháng
rưởi mới đầy sáu năm..
Ra mà đi thì kẻ khóc người
than, đứt ruột đứt gan, cha đổi mà thôi thì cũng là buồn hết sức, huống chi đổi
mà liệt nhược đi đứng không đặng, thì thảm thiết thương cho biết là chừng nào nữa!
Cha về nghỉ tại Chí Hòa,
khỏi lo việc họ thì lần lần coi bộ khỏe hơn, cha cũng cứ kiếm thuốc uống hoài,
song không ra gì, bịnh cũng trơ trơ. Cha hết lòng cầu khẩn nguyện xin, thời may
gặp đặng một ông thầy thuốc nam coi bịnh cha, rồi chịu cho cha mạnh, xin cha đặt
đàng mấy chục đồng đó. Thiệt cũng lạ, trước nhờ ơn Chúa, sau tưởng cũng nhờ thuốc
nầy, cho nên cha đứng một mình đặng, ban đầu có đứa vịnh đi thử, sau chống gậy
đi một mình, rồi bỏ gậy cũng đi đặng giỏi quánh.
Bề trên thấy vậy thì mừng,
anh em chúng bạn cũng vui cho cha, khá lại như vậy cũng đặng trút năm. Bỡi nằm
một chỗ lâu thì nhàm lắm, cho nên vừa thấy khá lại thì muốn đi làm việc tông đồ
cho mau, song cũng còn lưỡng lự, muốn kiếm việc nào cho tiện hơn. Đức Cha có chỉ
một hai chỗ, song cha chưa dám lãnh cha nói chuyện với tôi một hai lần, muốn
xin về Nhà trường dạy học trò, tưởng vậy là khỏe hơn, tôi can rằng: Nhà trường
là chỗ luật mẹo có giờ có khắc, cha chưa mạnh thiệt, về đó chịu sao nổi, nên
cũng chưa tính đâu cho chắc.
Cha Phaolồ Ngãi đang coi
họ Tường Lộc, và cũng coi luôn họ Trà Ôn, đàng đi xa xuôi cách trở, nên khi vừa
nghe phong phanh như vậy, bèn đốc bổn đạo họ Trà Ôn, là họ cũ cha xưa, xin rước
cha về ở đó mà nghỉ ngơi, làm lễ, dạy sách phần cho con nít chút đỉnh, ngồi tòa
làm phước cũng không bao nhiêu, khỏe thì làm, mệt thì nghỉ, lại họ hứa sẽ nuôi
cha tử tế. Cha Phaolồ bàn tính với cha thì cha chịu, liền trình cho Đức Cha, đoạn
xuất tiền ra hỏi làm một cái nhà cho tử tế cho cha ở, vì hồi trước cha sở ở sau
nhà thờ chật hẹp, bịt bùng lắm.
Trời hạn gặp mưa mừng lắm,
họ Trà Ôn mấy năm nay mồ côi không có cha ở; nay nghe tin cha cựu đã quen biết
chịu về ở đó thì họ vui nói sao xiết, lật đật kéo cây kéo ván kêu thợ làm nhà,
nhà ba căng xông cao và rộng, khoản khoát, dưới lót gạch tàu, lại phòng cha ngủ
còn thêm ván râm nữa, xung quanh khép vách lụa, kèm thêm một cái nhà bếp phía
sau cùng rộng rãi dễ coi, Nhà cữa xong rồi tựu nhau ăn tân gia, đem so sách ra
mà tính coi hao tốn bao nhiêu. Tính hết thảy là 700 đồng, tức thì ông phó tổng
đương niên, lại mới đặng chức Huyện Hàm kỳ Quốc trái nầy, mới gắm ghé chịu giữ
đạo, chớ chưa rửa tội, quí danh là thầy phó Yên, lãnh chịu hết 700 đồng đó một
mình, còn tiền đâu đậu ăn uống bữa đó dư lại một trăm mấy, thì thầy xin để mà
mua tủ bàn để tại nhà cha. Hai vợ chồng thầy ái mộ giữ đạo lắm, song bề thế lớn
cũng còn phải tính chuyện nọ chuyện kia cho xong đã, bà vợ có đến lạy Đức Cha
xin cho chịu phép rửa tội trước, Đức Cha biểu đợi thầy đã, sau sẽ chịu một lượt.
Nguyện xin Chúa khấng ban ơn làm cho trọn việc Chúa đã khởi công trong gia thất
nầy, hầu cho ngày nào hai vợ chồng thầy đặng chịu phép rửa tội, cho sáng danh
Chúa và nên gương cho bà con cùng trong tổng làng đặng noi theo. Dầu thầy chưa
chịu phép rửa tội, chớ thầy lo lắng thúc hối sự cất nhà thờ Chúa cho xứng đáng,
thầy hứa chịu ba ngàn, vì nghĩ Chúa cho mình có dư hơn anh em trong họ, còn mấy
anh em khác thì thầy giàn chịu ba ngàn, cho nên định cất nhà thờ sáu ngàn, mà
có thiếu thì thầy bao thêm.
Khi cha Phaolồ đi cấm
phòng về mà đem tin cho họ hay, mọi việc đã tính xong xuôi, cha Đôminicô sẽ đến
tại họ lối 10 Août, thì ai nấy hớn hở vui mừng, hết lòng chờ đợi..
Cha Đôminicô chở đồ về
ghé tạm nghỉ tại nhà em cha ở tại Cái Nhum ít bữa; rủi bữa nọ xuống xuồng vô
nhà thờ làm lễ thì cha trật chơn té cấn hông nơi be xuồng, làm cho cha đau bộ
sườn và có hơi tức nữa, cho nên cha nán lại đôi ba bữa mà uống thuốc, chưa thiệt
mạnh cha lật đật đi kẻo sai lời mà tội nghiệp người ta chờ đợi.
Cha đến họ Trà Ôn nhằm
ngày thứ bảy 12 Août, sáng Chúa nhựt làm lễ nhứt trong họ, ai nấy vui mừng khôn
xiết, dọn một tiệc mọn mừng cha, cầu xin cho cha mạnh thiệt mà ở giữa họ mồ côi
cho hủ hỉ.
Ngày 15 Août lễ cả Đ C Bà
Mông Triệu, cha làm lễ Đức Mẹ theo sức cha, lại làm một việc nên dấu tích để lại
cho họ, mà nhứt là cho vợ chồng thầy phó vui mừng, là cha rửa tội cho một đứa
con trai thầy phó, mới nên sáu tuổi, mà kinh phần giỏi lắm, có ý một hai tuần
sau sẽ cho nó rước lễ vỡ lòng nữa. Nó học với hai Dì phước đã lâu, cha Phaolồ dọn
nó rồi, song có ý nhường lại cho cha Đôminicô rửa tội. Vợ chồng thầy phó vui mừng
nói sao xiết, mua mười mấy đồng bạc pháo đốt mừng, còn thêm vật bò đãi tiệc nữa.
Rồi họ mới tính với nhau
đâu đậu mà chịu tiền nuôi cha, định ba tháng góp một kỳ là 120 đồng bạc, mỗi
tháng dưng cho cha bốn chục cho cha ăn uống xây dụng, thêm mướn một người nấu đồ
tây một tháng mười đồng, vì tì vị cha ăn đồ Annam lấy làm khó tiêu.
Khá khen cho họ Trà ôn là
họ nhỏ mà thật tình với cha, ít họ mà được vậy. Song hỡi ôi! Cha con vui mừng với
nhau không đặng mấy ngày! Chúa nhựt sau cha còn rán làm lễ mà trong mình đã mê
mệt, rồi đó bịnh một ngày một thúc tới, phát chứng hay ụa hay mửa nước dãi, bèo
bọt, rồi lại qua nấc cụt. Nội họ lăng xăng cầu thầy chạy thuốc, nhứt là mấy bà,
bà cai, bà phó, bà hội đồng, bà cả, vân vân, càng xăng văng xéo véo hơn nữa, lo
rước đủ mặt danh y, nào thầy nam, thầy chệc, thầy tây nữa. Thuốc bốn năm đồng một
thang cũng hốt. Mấy thầy quyết lòng làm lấy danh, song bịnh coi một thúc tới, dầu
vậy cha cũng rán làm lễ cho tới ngày thứ sáu 26 Août, thứ bảy không nổi nữa thì
mới thôi. Cha hết lòng cầu khấn nguyện xin và ra sức uống thuốc cho mau mạnh mà
giúp người ta, lại nhiều khi cha an ủi mình rằng: “Rán mạnh cho người ta vui
mà, đau làm chi tội nghiệp, người ta buôn mà!”
Chiều thứ bảy coi bộ cha
yếu hơn, cho nên thầy cai lật đật sai đi rước cha Phaolồ, đến ban đêm, thấy cha
chưa làm sao thì đợi sáng Chúa nhựt, khi bổn đạo đọc kinh tối thì tựu xuống nhà
cha, cha Phaolồ làm phép xức dầu thánh đang khi cha còn tỉnh táo như thường,
xong rồi bổn đạo lên nhà thờ xem lễ, lễ rồi một người cầm một cây đèn hầu Mình
Thánh Chúa, cha Phaolồ đem cho cha chịu lần sau hết như của ăn đi đàng. Dầu cha
chịu các phép rồi, song cũng còn trông cậy mạnh lại, đến ngày thứ ba cha mới chịu
mình phải chết, nên nói về sự chết, trối trăng đều nọ đều kia. Mười Ngươn là em
cha có mặt đó, cha kêu hai đứa học trò là hai anh em ruột giúp cha xưa rày, hỏi
nó muốn giống gì thì cha cho, một đứa xin một cái valise bằng da mà thôi. Còn về
sự chôn cất cha đã nói với cha Phaolồ: Tôi không muốn về Chà Và, có về đặng Cái
Nhum thì về, bằng không thì nằm đây mà thôi, rồi sau lại nói quyết rằng: Thôi,
chết đây chôn đây, cậy có cha và anh em trong họ lo giùm.
Chiều thứ ba thì bịnh riết
tới, nhưng vậy cha cũng chẳng mê sảng chút nào, mất trí chừng năm ba phút, rồi
kế tắt hơi, lối 11 giờ khuya ngày thứ ba đó, là 29 Août. Việc Chúa tiên định chẳng
ai dò thấu. Mấy năm trước có hỏi ai ai cũng tưởng cha chết, mà không chết, nay
đi đứng được chững chàng, lật đật xin xuống Trà Ôn trọn 18 bữa mà ly trần !!!
Hai giờ khuya thì có ba
người em cha đi đàng bộ, xe hơi, xe ngựa lăng xăng, tới Gò Ân Nước Xoáy mướn ghe
đưa tới Trà Ôn. Mấy anh em hiệp nhau mới tính bề chở xác cha về Chà Và mà chôn
theo phần mộ ông bà.
Ban đầu thầy cai thầy phó
cùng trong họ quyết lòng lo lắng mai táng cha tại đó, song thấy em út cha năn nỉ
nài xin thì nghĩ lại rằng: việc ruột thịt thương mến, cản làm sao được; kế vừa
tảng sáng có tàu hơi đi rước cha Phaolồ, cha liền đánh dây thép cho Đức Cha và
cho cha Bữu cha Lý là hai cha cha Đôminicô đã căn dặn cách riêng.
Khi cha Phaolồ đến Trà
Ôn, nghe nói việc chở xác đi, thì cha can gián, cho nên mấy anh em cũng bằng
lòng nghe theo. Phần tôi là anh em một lớp học với cha Đôminicô, từ khi cha về
tạm nghỉ tại Cái Nhum ít bữa đặng có qua Trà Ôn, thì mỗi ngày cha cũng có rét
ít nhiều, lại thêm rủi té va sườn vào be xuồng, nên năm bữa trước khi dời qua
Trà Ôn thì cha chẳng có vô mà làm lễ đặng nữa, lóng đó tôi cũng đau, nên anh em
không gặp nhau, tôi ái ngại hoài, sao bắt hồ nghi sợ cha chết, trước khi cấm
phòng tôi cũng có can gián cha, xin đừng lật đật làm chi, việc Chúa là việc bền
bỉ lâu dài, mạnh thì làm, còn đau bề trên cho phép nghỉ thì nghỉ, Chúa không cần
gì ta mà lật đật. Cha trả lời rằng: ở đây lâu ngày không làm việc gì đặng cũng
nhàm lắm, để đi ra đổi khí và làm việc chút đỉnh thử coi có khá chăng. Ai dè chẳng
khá thì chớ mà lại bỏ xác luôn.
Chiều ngày thứ ba 29 Août
thì tôi nghe nói có dây thép ông cả Châu Trà Ôn đánh qua cho em cha hay, cha đã
chịu phép xức dầu rồi hôm ngày Chúa nhựt; vốn dây thép đó đánh ngày Chúa nhựt
và mướn đem tới nơi nữa, mà nó trắc trở làm sao không biết, trưa thứ ba mới đem
tới. Tôi nghe tin như vậy thì sáng ngày lật đặt lên Chợ Lách đi tàu qua Trà Ôn
mà thăm bạn học một lần sau hết.
Tới tại nhà dây thép đôi
ba phút thì có tin bên Trà Ôn gõ qua rằng: Cha chết chiều hôm qua! Tôi rụng rời
tay chơn, đầu đuôi có hai anh em, mà Chúa cất hết một rồi! Tàu lại tôi bước xuống
mà đi, tới ngang Hồi Xuân thấy xuồng đưa cha Giacôbê Quận ra tàu cùng qua Trà
Ôn, vì đã gởi tin cho cha hay rồi. Tới bến tàu tôi đi riết sợ liệm rồi chăng;
bước vô nhà thờ thì thấy cha nằm thim thíp đó, đèn chong hai bên, hòm rương
bông vải đã nghiêm sẵn rồi, đợi người ta tựu đủ đặng cầu lễ rồi liệm.
Ớ Đôminicô, mọi khi gặp
nhau lẹ làng chào hỏi, anh em bạn lớp mình làm sao, mạnh mẽ thể nào, sao nay nằm
đó thim thiếp chẳng hở môi!!! Ở Saigon anh em bạn hữu cũng nhiều sao trốn chi lẽ
loi một mình hiu quạnh, bạn hữu tới không đặng! Tại Cái Nhum con cái cũng đông,
nhứt là Nhà phước cha đã ra công tái lập lại, sao chẳng nằm gần gũi con cái, mà
lại lánh thân một mình xa xát làm chi lắm bây! Song nghĩ lại là tại họ nầy hết
tình mến thương cha, cha cũng tận tình thương con, cho nên Chúa định đem cha về
gởi xác tại đó!
Hỡi họ Trà Ôn, chớ nói
mình là họ mồ côi nữa làm chi! từ rày sấp lên trước khi anh em vào nhà thờ thì
phải đi ngang qua mồ mả cha yêu dấu! Ấy cha chết mà hãy còn nói! Thấy mồ mả cha
thì nhớ lại mấy lời cha dạy dỗ ủi an ba năm rưởi xưa, và những lời mới trong mười
tám bữa trước khi cha qua đời.
Tôi hết lòng khen họ Trà
Ôn, lúc cha đau cầu thầy chạy thuốc, tốn của nhọc công không tiếc, đến lúc cha
qua đời lại càng rộng rãi chí tình hơn nữa. Mấy bữa ấy thầy cả và nhà thầy cai,
ông cả, hương quản ở thường xuyên đó mà lo lắng cùng mấy bà nội họ. Thầy phó và
hội đồng ê mình tới không đặng. Trong họ tính nhắc một cái thọ đường bằng sao
tám chín chục đồng cho xứng đáng, song mấy em cha xin mua hàng nhỏ hơn, vì cũng
còn quyết liệu thể nào mà đem xác cha về Chà Và cho đặng, nên đã mua hòm vên
vên mà cũng là rôm rả lắm.
Bà phó liền đưa cho em
cha hai chục đồng mà biểu xin một lễ hát, lẽ đó cha Phaolồ đã làm ngày thứ ba
giáp tuần cha qua đời. Bày vẽ cái gì tiền bạc họ trao ra lập tức.
Khi bổn đạo tề tựu đủ mặt
rồi thì cầu lễ, đoạn ba anh em tôi đã hát Libera trước khi liệm xác vào thọ đường,
hồi đó chừng bốn giờ chiều thứ tư; đã định chôn ngày thứ sáu, nên tôi lật đật hối
đánh dây thép cho Đức Cha và cho ít cha thiết nghĩa, họa may có ai đến kịp
chăng, song rủi làm sao không biết, mà dây thép tới Saigon trễ cho nên mấy cha
đi không đặng.
Liệm rồi tôi bàn tính với
cha Phaolồ, thấy cai cùng quới chức trong họ lo xây kim tỉnh cái huyệt cho cha,
người ta mừng lắm, lo kêu thợ chệc đến đo coi, định sáng thứ năm sẽ chở đá, gạch,
vôi, cát, ciment đến mà làm, ăn mấy thì họ trả mấy, chẳng làm sao.
Té ra nửa đêm có ghe bà
già cha với mấy em đến nữa, rồi bàn tính với nhau, như xin phép được sẽ đào lên
đem về xứ sở, cho nên cản không cho xây kim tỉnh cho dễ bề đào lên bỡi thương
quá nên tính một hai đem về cho đặng.
Tôi không dè, làm lễ rồi
mới hay, thì đã hồi thợ rồi. Sáng thứ năm hai lễ mồ một lễ hát, kiến cho cha
Giacôbê Quận là bạn hữu hát ngày ấy. Chiều ba giờ tàu lại có cha sở Vĩnh Long
và cha Tôma Vàng An Hiệp, lại có Dì Thi là em cha Đôminicô đang dạy tại An Hiệp
cũng tháp tùng đi theo một lượt ấy. Dọc dàng dì nói chuyện muốn đem xác cha về
Chà Và, cậy cha sở Vĩnh Long lo giùm, liệu thế nào cho đặng, tốn hao bao nhiêu
không hề gì. Cho nên khi tới Trà Ôn thì cha đánh dây thép cho cha sở Cần Thơ,
mượn vào tòa xin giùm, lúc đó là gần tan hầu chiều. Vậy đêm đó chưa ắt mai sẽ hạ
rộng tại đó hay là chở đi.
Có ý mời cha sở Vĩnh Long
làm lễ hát ngày thứ sáu, thay mặt cho Đức Cha, song khi người rõ lại tôi là anh
em bạn học với cha Đôminicô, thì ngài chằng chịu, một nhường lại cho tôi.
Tội nghiệp! thấy bà cai tổng
thức cả và đêm với mấy người đờn bà, cùng ra tay nấu nướng, hầu năm giờ sáng mà
có đãi đạo hò, cho nó đưa cha ra phần mộ; đạo hò đã tựu lại đó hồi ba giờ
khuya. Sáng ngày bổn đạo tựu đến sớm lắm, cha Phaolồ làm lễ trước, hát lễ mồ, rồi
kế mấy cha làm lễ liên tiếp theo đó; sáu giờ cầu lễ rồi làm lễ hát, có hai vợ
chồng ông chủ sự Madame et Monsieur Guéguen, có ông Huyện chủ quận Trà Ôn, các
chức làng gần đủ mặt, kẻ ngoại tới coi cũng đông. Hát lễ mồ rồi mấy em cha xin
đình lại, đợi tin Cần Thơ trả lời cho phép hay là không thể nào. Ấy là đều làm
cho người ta buồn, họ dọn đồ về hết, giao cho mấy anh em làm sao thì làm, bãi đạo
hò nữa, mấy anh em phải mướn lại. Các cha cũng phải về, vì mai là thứ bảy; còn
cha Phaolồ và tôi nán lại cho vuông tròn ân tình bạn hữu. Để xác cha nằm trong
nhà thờ mà đợi cho đến hai giờ chiều, dây thép lại biểu phải làm đơn xin quan
Nguyên Soái, phải có giấy thầy thuốc, phải có người nhà nước coi tẩn liệm, phải
chuyện kia chuyện nọ lăng xăng. Đặng tin rồi lật đật đánh trống cho người ta
hay mà tựu lại đưa cha, chẳng mai trời chuyển mua lớn lắm, cho nên phải lật đật,
người ta tới không đặng bao nhiêu.
Đưa cha ra tới huyệt, trước
cữa nhà thờ, hạ rộng vừa rồi, lấp đất chưa xong thì trời mưa ào xuống. Phải chi
chôn sớm mai thì tốt quá! Song biết làm sao, cũng bỡi cái thương mà ta chuyện lỡ
dở làm vậy.
Vợ chồng thầy phó đã xin cho
linh hồn cha năm chục lễ Misa, làng ngoại đi điếu 15 đồng xin năm lễ, ông cả
Châu có đạo xin ba lễ cũng 15 đồng, còn ít bà già xin một đôi lễ nữa.
Thiệt rất đáng khen họ
Trà Ôn tận tình với cha, họ đó là họ đầu lòng của cha, khi cha mới ra ở riêng
mà làm việc tông đồ.
Nhà phước cùng bổn đạo họ
Cái Nhum báo hiếu đền ơn cha thể nào, thì đã có ấn hành vào nhựt trình “Nam Kỳ”
rồi, nên nay chẳng nhắc lại đây nữa.
Ớ Đôminicô, ớ bạn thiết
nghĩa, ngày cha làm lễ Vinh Qui xưa, là lễ nhứt tại họ Chà Và, thì tôi đã tận
tình giúp cha, lần nầy là lễ sau hết cho cha thì tôi cũng bảo mãn với cha, tôi
đứng làm lễ sau hết cùng đưa cha ra phần mộ, thì lòng tôi ngùi ngùi thương nhớ.
Đầu đuôi có hai anh em một lớp với nhau, chớ phải nhiều nhỏi gì, sao cha vội bỏ
đi chi mau lắm bây!
Tôi chép hạnh cha đây,
trước là có ý cho sáng danh Chúa, vì cha đã làm thầy cả Chúa dưới thế nầy đặng
19 năm, 5 tháng, 22 ngày, hết tình tôi ngay con thảo; sau là cho anh em bạn đồng
liêu đặng vui mừng vì cha là một thầy cả có danh tiếng, và xứng đáng bực mình;
sau nữa cho giáo hữu nhứt là những con chiên cựu của cha các nơi đặng nhớ công
ơn cha, mà giúp lời cầu nguyện cho cha. Ngày nào cha về chầu Chúa, xin cha nguyện
cầu cho địa phận Nam Kỳ nầy, hầu kẻ chăn cùng đoàn chiên, đặng lòng ái mộ làm
việc bổn phận mình cho sốt sắng, giữ đạo cho nên. Sau hết xin cha chớ quên anh
em bạn lớp với cha, chí tình thương nhớ!
Ớ Đôminicô, thôi! giã từ
ly biệt, cha hãy nằm an nơi đất thánh Trà Ôn, đợi ngày sau sống lại vang hiển,
nguyện cho anh em gặp nhau trên cõi thường sinh đời đời!
Chung.
Paul
Thắng.
.Báo Nam Kỳ Địa phận năm
1922
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét