CHA
EMILE MOREAU
LINH
MỤC DÒNG SAI ĐỊA PHẬN NAM KỲ.
---------------------
Sinh
ra ngày 13 Juin 1844.
Qua
Nam Việt 6 Août 1869.
Qua
đời ngày 6 Mai 1912.
---------------------
EMILE MOREAU sinh ngày 13
tháng Juin, năm Chúa giáng sanh 1844, tại Andrezé, là họ nhỏ về Địa phận
Angers, trong nước Langsa. Cha mẹ người đạo đức sốt sắng, cho nên con sổ lòng đầu
hôm, thì sáng ngày vội vàng đem đi chịu phép rửa tội.
Khi Emile khôn lớn, thì
đi học tiếng Latinh tại trường Combrée, cách xa quê quán chừng 80 dặm đàng. Ở đó
người gặp một Thầy cả rất khôn ngoan nhơn đức, tên là Piou, cũng một quê quán
cùng người. Thầy cả nầy thấy trò nào có lòng ái mộ việc rỗi linh hồn thiên hạ,
cùng ham chịu cực chịu khó vì Chúa, thì người ân cần dạy răn an ủi, cho những
trẻ ấy theo ơn Chúa gọi, mà đi giảng đạo bên rốt cõi Đông Dương.
Emile, thuở học trong trường,
ăn ở thể nào, thì sau nầy đâu đâu cũng ăn ở thể ấy. Tánh nết người ít oi thật
thà, đằm thắm dè dặt, cần kiệm siêng năng, phần xác thì ăn mặc đơn sơ, sức lực mạnh
mẽ; phần trí thì có tài xét suy nhằm lý, trí sáng, học giỏi, cùng kể đặng là một
đấng thông minh.
Chẳng khỏi bao lâu, cha
Piou thấy Emile, tuy bề ngoài không bặt thiệp lịch lãm bao nhiêu, song có đủ đều,
cho đặng làm thầy cả cùng đi giảng đạo phương xa, thì cha ấy tỏ thật cho người
toan liệu. Emile suy nghĩ ít lâu, cho biết thánh ý Đ C T, cùng cứ việc học hành
cho đủ văn chương cách vật, đoạn xin phép vào trường Dòng Sai tại kinh thành
Paris.
Emile học tại Paris ba
năm, đoạn chịu chức thầy cả, rồi giã từ cha mẹ quê hương, mà trẩy sang Nam Việt
cho đến chết. Ấy là của lễ rất trọng vọng châu báu trước mặt Đ C T. Mà Đ C T
cũng hứa trả bằng trăm, cùng ban phần phước
đời đời cho kẻ tế lễ mình mạnh mẽ dường ấy: “Omnis qui reliquerit domum, aut fratres, aut sorores, aut patrem, aut matrem...,
propter nomen meum, centuplum accipiet, et vitam æternam possidebit” (Matt.
19, 29).
Cha Moreau tới Saigon
ngày mồng 6 Août 1869, Đức Cha Miche bèn sai người đi Thủ Dầu Một, cho đặng học
tiếng an nam, Khỏi ít tháng, Đức Cha lại dạy người đi nhậm sở Chà Và, Cầu Ngang
và Cái Đôi, thuở ấy kêu là Rạch Rập, Thâu
Râu và Láng Sác.
Người về Chà Và ít lâu, kế
cha Leprince cũng đổi xuống coi họ Giồng Rùm gần đó. Hai Cha đã qua Nam Kỳ một
lượt với nhau, hai cha đã thiết nghĩa cùng nhau cho đến trọn đời. Hai cha giống
nhau hai đều lắm lắm: một là ăn ở tiết kiệm khó khăn, trong nhà không biết sửa
soạn trần thiết là cái gì; hai là ham học, ham xem kinh sử nói không cùng, năm
nọ tháng kia đọc mãi, chẳng khi nhàm. Tại cách ăn ở bề ngoài đơn sơ nghèo khó,
còn trí hóa thì mê việc học hành, nên quen gọi hai cha ấy là hai ông Quân tử.
Cha Moreau ở Chà Và được
vài năm, đang sốt sắng lo cho danh Cha cả sáng, đang ái mộ việc rỗi linh hồn
thiên hạ, bỗng đâu có giặc nổi lên, hăm đốt nhà thờ cùng giết bổn đạo, vì nói tại
bổn đạo đem Langsa qua lấy Nam Kỳ.
Lúc ấy là đầu năm 1872.
Khi giặc mới dấy, thì tưởng là giặc chòm, khuấy phá sơ qua. Ai dè quân ngụy đã
âm mưu tập lập lâu ngày, quyết dấy lên một lượt trong ba hạt: Bến Tre, Vĩnh
Long và Trà Vinh.
Mà hẳn thật nó đi làm như
mưu mô đã lập: nó giết ba bốn người có đạo tại Cái Tắt (Cái Mơng), đốt nhiều
nhà thờ trong ba hạt mới kể trước nầy, chém quan tham biện Vĩnh Long cùng một
thông ngôn và chín tên lính an nam theo tham biện, phía dưới Vũng Liêm. Cha
Abonnel, là anh ruột cha Abonnel ở Gò Công bây giờ, bị giặc giết cùng một người
có đạo, trong kinh mới, gọi là kinh Luro, về hạt Trà Vinh.
Cùng một khi ấy Đề Triệu,
là tướng giặc, đem binh đốt nhà thờ Cầu Ngang, và tính kéo lên phá họ Chà Và.
Cha Moreau thấy con
chiên mình cheo leo lắm, bèn đem bổn đạo lên Giồng Rùm, hiệp cùng cha Leprince
cho đặng mạnh thế, cho gần Trà Vinh, mà xin quan trên cho binh tiếp cứu. Rủi,
ngày ấy binh mắc đi dẹp giặc bên phía Ất Ếch. Nên quan trả lời xin hai cha toan
liệu thể nào mặc ý, vì quan quân không có mà tiếp cứu.
Khi ấy giặc đóng tại Cầu
Ngang, trống giống om trời, tiếng reo dậy xứ; thiên hạ nhổm chơn. Hai cha thấy
việc hiểm nguy, phải liều mình vì đoàn chiên, bèn tuyển những người tráng lực
trong hai họ, mà lập nên một đạo binh ứng ngãi.
Đoạn sắp binh ra trận.
Hai cha cầm súng đi trước, kế một khẩu súng đồng tiếp theo. Binh kéo băng ngang
qua đồng. Tới đầu làng Mĩ Cẩm, cách binh giặc chừng ít ngàn thước, cha đặt ống
dòm, thấy bên giặc đang chạy lăng xăng. Ấy là dân chạy thám. Cha bèn dạy bắn một
phát súng đồng, tức thì thấy giặc đổ xuống phía Thâu Râu. Hai cha kéo thẳng xuống,
khỏi xóm Bùng Binh, bắn một phát súng đồng nữa. Bên giặc thấy có hai ông Tây,
và súng ống binh lính hẳn hòi, bèn chạy tuốt qua phía biển.
Binh có đạo đắc thế, đuổi
theo, bắt đặng 17 tên ngụy, dẫn về Giồng Rùm. Bữa sau trên Trà Vinh quan đem
binh xuống dẹp giặc, thì bổn đạo nạp 17 tên ngụy đã bắt đặng ngày trước cho quan
trị tội.
Giặc yên rồi, cha Moreau
đem bổn đạo về Chà Và. Cha cùng con, cữa nhà tan hoang, đồ đạc mất hết. Cha con
hui hút với nhau chẳng đặng bao lâu, kế bị một trận bão, cũng nội năm 1872 ấy:
nhà thờ, nhà cha sập ráo. Ngày ấy có cha Leprince xuống thăm, không chỗ ở, còn
có một vựa lúa khỏi sập, nên hai cha vào đụt đó ba bốn ngày.
Bão rồi, cha cất nhà thờ
lại. Đoạn đấp một lộ thẳng ra rạch, và khai một kinh cũng ra rạch ấy. Đó là
kinh Chà Và bây giờ; người ta kêu là kinh nhà thờ, hay là kinh cha Đức (là tên
an nam cha Moreau). Bổn đạo nhờ kinh ấy lắm: lòi lúa gạo, chuyên chở vật chi
cùng tiện bề thông lợi..
Qua năm 1873 người phát bệnh
nặng, phải lên Bãi Xan, ở. nhà cha Thinselin mà uống thuốc. Ở đó ít lâu không
khá, người bèn qua Mỹ Tho, ở nhà cha Moulins. Khi vừa mạnh, thì lật đật trở về
Chà Và, mà coi sóc đoàn chiên Chúa.
Thuở ấy một mình cha
Moreau coi từ Chà Và, Cầu Ngang cho tới Láng Sắc. Việc đi họ là việc rất cam
go, vì đàng sá chưa có. Đàng bộ, thì đi theo bờ ruộng, lội bàu lội bưng; phần
thì đế sậy lợp khỏi đầu, phải vạch mà đi; phần thì đĩa, vắt, cực khổ trăm bề.
Còn đàng ghe cho tới Láng
Sắc, là hai ba ngày đàng: mưa nắng, muỗi mòng, bực bội, khó đi lắm. Nhưng vậy
người hằng hớn hở liều mình, mà lo việc rỗi linh hồn giáo hữu.
Người có lòng thương bổn
đạo lắm, nhứt là chầu nhưng, đạo mới cùng con nhà nghèo. Người hay cho của ăn đồ
mặc, tiền bạc, thuốc men. Khi thì trả nợ giùm, khi lại giúp chầu nhưng lập nghiệp.
Gần nhà thờ, có một nhà nghèo cực lắm, hai vợ chồng với một đứa con. Người chồng
hay đi câu nhắp. Bổn tánh cha làm lành, thì hay giấu, giữ lời Đ C G dạy rằng: Hễ tay mặt làm phước, thì đừng cho tay trái
hay: “Nesciat sinistra tua quid faciat dextera tua”( Matt. 6,3). Vậy mỗi tuần
cha mỗi đi dạo theo bờ ruộng, kiếm người ấy, mà cho một hai đồng bạc, biểu mua
gạo mà nuôi vợ nuôi con.
Chà Và, Cầu Ngang, Cái
Đôi, nhiều kẻ mang ơn người, hãy còn sống bây giờ. Khi người đổi đi rồi, thì mới
hay bạc người giúp kẻ khó cũng hết đôi ba trăm.
Họ Chà Và được cha Moreau
làm cha sở thứ nhứt, ở tại họ mình đầu hết; cha Moreau cũng được bổn đạo Chà Và
làm con đầu lòng, khi mới qua giảng đạo. Người ta nói thương thuở ban đầu, là
thương keo sơn bền chặt lắm. Sau nầy, mỗi khi nói đến Chà Và, Cầu Ngang, Cái
Đôi, thì người tỏ hình và vui, và thương,
và nhớ, mà nhắc mấy tên xưa rằng: Rạch
Rập, Thâu Râu, Láng Sắc!
Cha Moreau ở Chà Và được
4 năm, kế Đức Cha Colombert đổi người lên Thủ Ngữ, lối đầu năm 1874. Sở Thủ Ngữ
hết thảy là ba họ: Thủ Ngữ, Tân Xuân và Gò công. Người coi họ Gò Công được 10
năm, từ năm 1874 tới năm 1884.
Thuở ấy đất Thủ Ngữ cũng
còn hoang vu lũ loạn lắm, chưa thành khoảnh như bây giờ. Bổn đạo Thủ Ngữ và Tân
Xuân, hết thảy chừng bảy tám trăm. Mấy năm cha Moreau nhậm đó, thì thêm chừng một
hai trăm, trồi sụt từ 900 tới 950.
Thủ Ngữ và Tân Xuân là
hai họ liền ranh với nhau, mà là hai họ khác nhau, mỗi họ mỗi có nhà thờ. Người
tính nhập lại họ làm một, hầu nên một ràn, cho dễ bề chăn giữ đoàn chiên, cùng
sum vầy ấm cúng trong việc thờ phượng Đ C T.
Vậy năm 1878, người mua
được một miếng đất gần mé rạch Kỳ Hôn, là nơi cân đường ở giữa hai họ, thì người
đã đem nhà thờ về chỗ ấy. Từ đó, Thủ Ngữ và Tân Xuân trở nên một họ, kêu chung
là họ Thủ Ngữ.
Chỗ nhà thờ mới nầy,
phong cảnh vui đẹp hơn chỗ cũ trong Thủ Ngữ bội phần, nhứt là từ khi khai kinh
Chợ Gạo, gọi là kinh Duperré, thì đêm ngày tàu bè lớn nhỏ cùng ghe thương hồ ra
vô không khi ngớt.
Đoạn người lo đấp một đường
từ nhà thờ mới vô tới nhà thờ cũ, là xóm bổn đạo ở đông, cho tắt đường đi nhà
thờ, cùng khỏi qua nhiều cầu, khỏi lội nhiều nơi bùn nẩy. Từ ấy đến rày bổn đạo
nhờ đường ấy lắm. .
Song cuộc đất vườn, ai ai
cũng rõ: biết là bao nhiêu mương, xẻo, rạch, ngòi; cho nên cũng biết là bao
nhiêu cầu kì mà kể! Mà thứ cầu đó là một hai cây cau, vài ba cây tre, hay là một
cây dừa bắt ngang qua đường nước, rồi không ai lo tới nữa, ai đi được thì đi,
ai té thì chịu; có khi lối xóm cũng rút cầu mà dùng việc nhà. Thứ cầu ấy kêu là
cầu khỉ; cầu khỉ mà bắt cho người ta đi, mới là ngặt nghèo! Trót mùa mưa, thì
bùn lầy trơn trợt; khi nước ròng nước lớn, ngập cầu, trôi cầu, thì rất đỗi éo
le, nhứt là khi đã có gương con nít té cầu, mà chết chìm trong mương trong rạch.
Bỡi cớ ấy, nên sinh thiệt
hại cho linh hồn giáo hữu nhiều bề. Phận cha sở, một lần đi kẻ liệt, hay là đi
viếng họ, là một lần cực khổ, thì chẳng nói chi; mà việc bổn đạo đi đọc kinh
xem lễ, nhứt là việc đồng nhi đi học cùng đi nghe dạy Sách Phần, thì rất khó là
thể nào! Vì vậy người trễ nải, hoặc ít đến nhà thờ, hoặc không khi nào đến; kẻ
tầm thường, thì rán đi xem lễ Chúa nhựt lễ cả, rồi thôi. .
Mấy năm cha Moreau ở Thủ
Ngữ, người buồn rầu năn nỉ về đều ấy không biết mấy lần. Người thấy nhiều chỗ lập
Hội nầy hội khác, bày việc lành nọ việc phước đức kia, để giúp giáo nhơn tấn tới
trong đàng lành, cùng thêm lòng kính mến Chúa, thì người buồn mà than rằng: Trong họ tôi, tôi làm hết sức mà lập hai Hội:
một là Hội bổn đạo đi xem lễ ngày Chúa nhựt lễ cả cho đông; hai là Hội đồng nhi
đi nghe dạy cho thường..
Mà thiệt, người đã làm hết sức, đến đỗi kêu sổ mỗi ngày Chúa nhựt
trong nhà thờ; chẳng những kêu tên đồng nhi nghe dạy Sách Phần, mà có lúc cũng
kêu sổ mỗi nhà bổn đạo, cho đặng biết ai đi xem lễ ai không..
Còn một việc cha Moreau hằng
lo lắng hết lòng: là cất đền thờ cho xứng đáng cho Đ C T ngự. Nhà thờ mới đem về
rạch Kỳ Hôn đã nói trước nầy, là nhà thờ nhỏ, vách ván, ban đầu lợp lá, rồi sau
lợp ngói. Song nhà thờ ấy là nhà thờ tạm mà thôi. Người có ý cất nhà thờ lớn đã
lâu, đoạn để nhà thờ tạm ấy mà làm trường học.
Song bỡi họ nghèo, vườn đất
thì nhiều, mà huê lợi thì không bao nhiêu, cho nên việc cất nhà thờ lớn giãn ra
lâu dài dường ấy. Người cần kiệm lắm; ở họ nào, dầu họ ấy mắc nợ bao nhiêu, thì
người cũng nhín nhúc mà trả cho hết, rồi lại lo cho có của dư, hầu dễ bề toan
liệu trong việc thờ phượng Chúa. Người chẳng chịu xin xỏ của ai.
Vậy người góp nhóp hơn 10
năm, mới có vừa đủ mà gầy việc. Người bèn mua gỗ súc đủ thứ, cùng mướn thợ làm
kèo cột, mấy vày nhà thờ sẵn sàng; lại lo xây nền, xong xuôi mọi sự, còn dư đôi
ba ngàn đồng, để lo mọi việc cho thành, kế được tin đổi lên Chợ Lớn, chẳng đặng
thấy việc mình ước ao sở nguyện bấy lâu.
Cha Moreau ở Thủ Ngữ lâu
năm, mà bề ngoài vắng hoe, không tiếng tăm gì, không làm chi cả thể, không ai
nói tới. Chẳng qua là vì người yêu ở khiêm nhượng khó khăn, cùng ưa tịch mạc một
mình, không cầu ai khen, không sợ ai chê, không trông ai biết tới mình. Người
giữ lời ông thánh Phaolồ khuyên bổn đạo xưa tránh cuộc vinh hoa ở đời, mà sống âm thầm khuất tịch cùng Đ C G: “Vita
vestra est abscondita cum Christo in Deo” Col. 3,3).
Người cứ việc thương giúp
kẻ khó, như khi ở Chà Và. Chẳng ai nghèo cực đói rách chạy đến cùng người, mà về
tay không bao giờ. Người ân cần mọi việc bổn phận về đấng chăn chiên lành; đoạn
bao nhiêu giờ rảnh thì cứ kinh sử, sách vở, cùng sống kín nhiệm với Đ C T.
Mà sự ở thanh vắng, và sống
Kín nhiệm cùng Chúa giúp linh hồn tấn tới trong đàng trọn lành, và lập công
nghiệp kể chẳng xiết: In silentio et
quiete proficit anima devota (Imit. lib. I, cap. 20). Vì vậy nói được về
cha Moreau rằng: Ngày người sống ở đời là
ngày đầy dẫy công nghiệp, “El dies pleni invenientur in eis” (Ps. 72, 10).
Từ khi người bước chơn
vào đất Nam Kỳ, cho đến ngày người qua đời, là 43 năm, thì chẳng khi nào người
ra khỏi đất ấy. Nói được cha Moreau hằng ở nhà, cùng có mặt tại sở mình luôn.
Dầu người đau nhiều phen,
nhứt là khi mới về Thủ Ngủ, đau một trận trót ba tháng trường, song người chẳng
hề xin đi Hong-Kong, hay là đi nơi nào khác mà nghỉ bao giờ.
Vậy cha Moreau ở họ Thủ
Ngữ, như thầy tu ẩn ánh rừng xanh, như chim nọ an thân trong ổ. Ngày qua tháng
lại, tính được 21 năm trời; càng ngày càng thêm thương chốn thấp hèn, một lâu một
thêm mến nơi sầm uất, lòng mong tưởng ngụ có cho đến mãn đời: “In nidulo meo moriar” ( Job, 29, 18). Hay đâu ý Chúa đã định cho người bỏ nơi tịch mạc, mà về chốn thị thiềng, hầu trau
chuốt linh hồn cho trọn bề đức hạnh.
Cuối năm 1895 cha Moreau
đổi về Chợ Lớn, lòng ngậm ngùi nhớ tưởng chốn thanh vắng xưa; nhưng vậy người
cúi đầu vưng theo ý Chúa, cùng siêng năng sốt sắng, bổn phận trọn niềm..
Cha Moreau là người ngay
thẳng, chẳng tày vị ai; bề ngoài chơn chất thật thà, không hay đãi đưa bom
phóp, lại coi tuồng lợt lạt khô khan. Cho nên hàng viên quan hào phú có việc tới
lui cùng người, mà chưa biết tính người, e khi phiền hà nẵn nỉ; mà khi biết người,
thì thương kính yêu vì..
Có nhiều thứ trái, bề
ngoài nhám nhúa chông gai, hình thù kịch cỡm, mà bên trong rất ngon ngọt tốt
lành. Người đời, ghe kẻ cũng chẳng khác nào: hình duông và cách ăn thói ở bề
ngoài, ví dường màn kia thô kệch, ẩn che nhiều nhơn đức trọng tốt bề trong.
Hoa thơm cũng thì hoa
thơm, mà thứ thì nở trét giữa trời, kẻ qua người lại hưởng mùi thơm nực; thứ lại
một nơi thấp hèn, giấu mình dưới cỏ, làm như thơm cho một mình mình hưởng. Người
đời, kẻ thì thông minh cho kẻ khác nặng nhờ; kẻ lại thông thái cho mình mà
thôi, chẳng tỏ cho ai, chẳng ham ai biết, hay nghe mà chẳng hay nói, làm như
người ít biết ít thông.
Khen thay Đấng Tạo hóa, khéo
dựng lòng trí con người cách nầy thế nọ; mà cách thế nào cũng đáng khen đáng ngợi
vô cùng: “Mirabilis Deus in sanctis suis”
(Ps. 67, 36 ).
Cha Moreau ở Chợ Lớn hơn
một năm, rồi đổi di Tân Định, là họ lớn hơn các họ về miệt trên nầy; nhơn số chừng
3000 bổn đạo. Người ở Tân Định hơn 4 năm, vui mừng phỉ dạ, vì gặp nhiều dịp lập
công cùng liều mình vì đoàn chiên Chúa: ngồi tòa , giảng dạy, đi kẻ liệt, việc
nầy việc khác đáp đổi liền tay. Người phấn chấn làm hết các việc, chẳng tránh
trút việc nào. Người quen nói rằng: Dầu một
linh hồn mà thôi, thì công việc mình, cũng phải làm, đường bằng làm cho cả và họ.
Lớn điền lớn đất, thì lớn việc cày bừa gieo vải; mà việc gặt hái cũng thành,
cũng vui. Người nói cùng cha kia rằng: Gánh
thiệt là nặng, mà lưng tôi cũng lớn khá, vác nặng còn nổi.
Song cha Moreau tới đâu,
cũng tỏ đức yêu người rõ ràng hơn nhiều đức khác. Khi ở Tân Định, thì người có
một cha An Nam ở giúp. Người giao hễ mỗi ngày, khi lót lòng rồi, thì hai cha
thay phiên mà đi một cha một phía trong họ, cho đặng biết trong giáo hữu có ai
đau đớn liệt lào, hay là khó khăn đói rách, hầu giúp đỡ. Khi về thì hiệp nhau,
mà thuật lại các truyện mình đã nghe thấy. Bữa kia cha phó nói mình gặp một người
đau lâu ngày, bỏ sở mần, cho nên thiếu ăn. Cha Moreau hỏi người ấy ở đường nào,
số nào, đoạn lén đi thăm, cùng cho bạc, biểu mua ăn và uống thuốc. Nhiều kẻ đã
đặng ơn người thương giúp như vậy, sau nói lại thì mới hay.
Chẳng những người giúp đỡ
kẻ khó khăn trong giáo hữu, mà lại cũng tư trợ những cha thốn thiếu. Có một lần,
nhằm buổi các cha An Nam cấm phòng, thì người hỏi trong các cha, cha nào thiếu
thốn hơn. Cha phó chỉ tên ít cha. Khi ra phòng, thì người giúp mấy cha ấy bộn bạc.
Lại cho cha kia 100 đồng. Cha ấy sửng, hỏi bạc gì? Thì cha Moreau nói: là bạc
bán chuông, cha lấy mà xài. Người ưa chuộng lắm; khi ở Thủ Ngữ, người xuất tiền
riêng của mình, mà mua sáu cái chuông. Sau đó bán lẻ, lấy tiền mà làm phước.
Vậy người ở Tân Định công
lao khó nhọc càng nhiều, thì lòng càng thương mến hoàn thiện; mà đoàn chiên lại
mến chủ chăn. Cho nên tự nhiên khi phải đổi đi, thì đau lòng xót dạ ai kể cho
cùng. Mà cha Morneau thiệt là người khiêm nhượng, nhịn nhục, và vưng lời chịu lụy
phi thường. Sau nầy người nói về đức vưng lời một câu rất đáng nhớ rằng: Chẳng có sự gì tốt lành cho bằng vưng lời chịu
lụy, Dầu ở đâu mặc lòng, hễ là vưng lời, thì đẹp lòng Chúa cùng bằng an luôn: “Vir
obediens loquetur victoriam” (Prov. 21, 28).
Qua năm 1902, cha Moreau
về coi nhà thương lính, thường kêu là nhà
thương đồn đất, vì thuở cựu trào có một cái
đồn, vách đất, ở nơi đây. Sở nầy là sở sau hết, người nhận cho đến khi qua
đời, được 10 năm chẵn.
Năm năm đầu thì người ở
luôn trong nhà thương, như các cha hồi trước. Năm năm sau thì người ở nhà trường
Latinh, vì chẳng đặng phép ở luôn trong nhà thương, cũng chẳng có nhà để cho thầy
cả ở trong ấy nữa. Mà khi người ở nhà trường, thì mỗi bữa tối mỗi đi ngủ trong
nhà thương, ngủ cực khổ tức tưởi trong phòng đồ lễ, mà người cũng cam lòng chịu
cực, ngủ nhờ nơi ấy hơn ba năm, cho đặng gần gũi với kẻ liệt khi đêm hôm gấp
rúc. Việc đi nhà thương, thì thường thường người đi bộ. Chừng hai năm sau hết,
thì người chẳng còn đi ngủ trong nhà thương nữa, một đi làm lễ ngày Chúa nhựt lễ
cả mà thôi, vì người già yếu, khó nỗi đi đi về về một ngày hai ba lần. Lại con
mắt muốn lờ, lỗ tai muốn lảng; cho nên đêm kia người bị xe cán tại đường
Lagrandière, khi đi nhà thương mà ngủ như mọi lần.
Dầu khi người ở luôn
trong nhà thương, dầu khi về ở nhà trường, thì mỗi ngày người mỗi đi viếng kẻ
liệt trong các phòng bịnh ở, làm như Đ C G xưa đi rảo các thành... mà chữa các giống bịnh hoạn tật nguyền: “Et circuibat Jesus omnes civitates... curans
omnem languorem et omnem infirmitatem” (Matt. 9, 35). Người chẳng đặng phép
chữa tật bệnh phần xác như Đ C G, song người hết lòng an ủi giúp đở phần xác,
cho đặng cứu chữa linh hồn.
Bổn tánh người nhịn nhục
hiền lành lắm. Dầu ai nói, ai làm đều gì sỉ nhục cho mấy, người cũng làm thinh
mà chịu; chẳng khi nào theo tính nóng nảy, chẳng hề nói lời gì xẳng xớm với ai.
Phương chi cách người ăn ở với kẻ liệt, thì nhịn nhục hiền lành là thế nào hơn
nữa! Ghe phen người bị nhiều đều sỉ nhục, mà người cứ một lòng nhịn nhục hiền
lành, dùng nhu nhược mà thắng cang cường:
“Vince in bomo malum” (Rom. 12, 21 ), cho đặng đem chiên lạc trở về cùng Chúa.
Việc coi nhà thương nầy
là việc rất khó, ghe phen cũng là việc rất đắng cay, chẳng gặp sự an ủi như
trong các nhà thương khác. Nhưng vậy người cam lòng ngậm cay nuốt đắng, mà
trong sự an ủi ngày sau, khi nghe lời Đấng phán xét rằng: “Infirms, et visitastis me”(Matt. 25, 36), Tao liệt lào, bay đã viếng thăm, thì bay hãy vào nước Cha Tao đã sắm sẵn
cho bay, mà hưởng phước đời đời: “Possidete paratum vobis regnum à
constitutione mundi”(Matt. ibid.).
Cha Moreau coi nhà
thương, chẳng những làm lành trong nhà thương, mà lại thi ân nơi khác. Người
giúp các cha thốn thiếu, hoặc giúp việc cất nhà thờ, hoặc giúp làm nhà cha sở
nơi nọ nơi kia.
Mấy năm ở nhà trường, thì
người giúp học trò cũng nhiều, cho học trò sắm áo quần, sách vở, cùng những vật
cần dùng. Có một trò kia đau nặng, phải ở nhà thương cho quan thầy điều trị,
thì mới trong đặng lành. Mà bỡi cha mẹ nghèo, thì cha Moreau đã chịu tiền nhà
thương cho trò ấy là 200 đồng. Nay trò ấy thuyên bịnh, và còn ở nhà trường, là
nhờ ơn người thương giúp.
Chẳng những là người làm
phước chỗ gần, mà lại cũng phân phát ơn lành nơi xa. Khi người qua đời rồi, thì
gặp trong phòng người một tấm hình, họa nhà ở và học trò nhà trường Cuénot, là
trường thầy giảng của cha Guerlach, là cố chính Địa phận Bình Định, đã lập trên
Mọi. Sau lưng tấm hình có đề chư rằng: Au
Révérend Père Moreau, bienfaiteur de l'École Cuénot: Dưng hình nầy cho cha
Moreau, là đấng làm ơn lành cho nhà trường Cuénot.
Ba ngày trước khi người
qua đời, có một cha đến thăm người, thì gặp trai kia chừng 18, 19 tuổi đang nói
chuyện với người. Cha ấy bèn hỏi trai nầy ở đâu và đi việc gì? Người nói nó là
một đứa mồ côi, người đã cầm đầu cho nó, đã chịu tiền cho nó ăn học tại Taberd
được vài năm, rồi nó bỏ học, cứ ít bữa tới xin như vậy luôn, người đã tốn cho
nó quá 500 đồng. Mà con cầm đầu của người như
vậy, không phải một đứa ấy mà thôi.
Thôi, kể chi lâu dài, việc
phước đức người nói sao cho xiết. Xem ra người biết dùng tiền bạc, mà làm phước
mà thôi, chẳng biết dùng mà làm việc gì khác, chẳng hề sắm một vật gì cho đáng.
Chúa thấy công nghiệp phước
đức người đã thậm dày, thì Chúa gọi người về mà ban thưởng. Cha Moreau quá lục
tuần đã lâu, mà coi còn sõi lắm, tưởng còn sống được nhiều năm. Song cách một
năm nay, thì người bớt sức nhiều, hay mệt, hay nhắc giờ chết.
Bịnh thình lình lắm. Trưa
ngày thứ bảy, 4 Mai, người còn mạnh khỏe như thường, kế lối 4 giờ chiều có một
thầy lên phòng người, thì thấy người nằm trên ghế dài, không còn máy động. Thầy
ấy hỏi, người không trả lời, cứng miệng cứng lưỡi, bất toại nửa thân mình, phía
tả, từ trên đầu cho tới dưới chơn.
Thầy ấy bèn chạy kêu các
cha. Các cha tựu tới giúp đỡ, cùng rước quan thầy Angier. Quan thầy khám bệnh,
thì nói người bị hémorragie cérébrale
nặng lắm,( bịnh đã làm cho máu tụ lên trên đầu nhiều quá, có khi nứt mạch máu ở
trong, mà chết). Quan thầy dạy khiêng người qua nhà thương của mình, sau nhà
phước Trắng, cùng hết lòng lo phương cứu chữa, mà không kịp.
Sáng Chúa nhựt, 5 Mai,
quan thầy thấy không dấu bớt, thì xin lo cho người được chịu các phép. Người chịu
các phép đang khi tỉnh táo lắm. Khi xức dầu, thì người chăm chỉ nghe đọc kinh
cùng làm dấu thánh giá đặng, vì bên hữu khỏi bất toại.
Sáng thứ hai, 6 Mai, người
hấp hối cho đến gần hai giờ trưa, thì linh hồn lìa xác bằng an trong tay Chúa.
Và đau và chết, không đầy hai ngày. Đoạn đem xác người về nhà trường Latinh.
Sáng thứ ba, 7 Mai, sớm
mai hát lễ trọng thể, chiều hát kinh cầu cho các đẳng (Vêpes des morts); loạn
mai táng tại Chí Hòa, một bên lăng Cha cả.
Đức Cha cùng các cha xung
quanh Saigon tề tựu đủ mặt. Thầy dòng, nhà phước cũng đông. Trong giáo hữu, nhiều
kẻ quen biết người, cũng đến chầu lễ tống táng, nhứt là bổn đạo Tân Định đông lắm.
Quan Nguyên Soái cho quan hầu đến thay mặt, chung tình thương tiếc cùng Hội
thánh Nam Kỳ. Hàng viên quan, cai, cùng lính trong nhà thương đồn đất cũng đến,
mà đưa người một phen sau hết.
Nhựt trình “Dépêche” kể
lược qua cuộc cha Moreau tạ thế, thì rằng: Cha
Emile Moreau biệt trần, làm cho những kẻ quen biết người đều thảm sầu thương tiếc.
Thuở còn sống, người ăn ở rất tốt lành, làm cho nhiều kẻ yêu vì mến đức.
Cha Moreau hưởng thọ 68
năm, làm thầy cả cùng giảng đạo trong Nam Kỳ 43 năm..
Tánh hạnh cùng nhơn đức
cha Moreau tóm lại một đức yêu người: cha ở nhỏ nhoi với hết mọi người, chẳng hề
kiểu cách với ai, chẳng giận hờn ai, chẳng hề nói động tới ai. Lại người trải dạ
thương giúp kẻ khó khăn cùng người mồ côi cô độc kể chẳng xiết; ắt nay Đ C T
cũng mến yêu và ban thưởng cân xứng công nghiệp người, như lời Kinh thánh rằng:
Người đã rộng tay phân phát cho kẻ khó khăn thì phước đức người còn bia muôn kiếp,
người sẽ đặng cao sang vinh hiển đời đời.
“Dispersit,
dedit pauperibus:
justitia
ejus manet in sæculum sæculi,
cornu
ejus exaltabitur in gloria” (Ps. 111, 9).
J.
B. TÒNG.
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm
1912
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét