ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

Truyện tích Cha Jean Rénier

 TRUYỆN TÍCH CHA JEAN RENIER

---------------------

Cha Jean Renier sinh ra tại Challains-la-Potherie (Maine et Loire)

ngày 29 Octobre 1853; qua Nam Kỳ 29 Décembre 1881; qua đời tại nhà thương Angier (Saigon)ngày 24 Avril năm 1922.

Từ hôm cha Renier chết đến nay đã hơn bảy tháng rồi, khi cha mới chết, tôi muốn ra tay chép lạnh cha tức thì, song tôi không dám xướng tài, có ý đợi có đấng nào biết rõ hơn mà kể tích cha, chẳng hay từ đó đến nay thấy một ngày một biệt, nên không lẽ làm thinh mà để vậy, thì ấm ức cái tấm lòng.

Đã hay rằng: hễ chết rồi thì mọi sự hết rồi. Song tục thường nói. Hùm thát để da người ta thát để tiếng, vả lại người lành, kẻ dữ khi chết xuống mồ rồi thì đều để tiếng lại đời, nhắc tới kẻ lành đặng tặng khen và bắt chước theo gương tốt người lành; nhắc tới kẻ dữ đặng ngừa tránh những gương xấu kẻ dữ làm.

Cha Jean Renier thật là người ngay lành, nếu bỏ qua chẳng nhắc tới hạnh của người thì tủi bụng, vì các nhơn đức cùng những công lao khó nhọc của người đã làm và đã chịu khi còn sống, thì nên bia tạc cho ai nấy bắt chước, mà nhắc tới thì chạnh lòng vì công nghiệp của người còn ràng ràng đó, mà người rày đâu?

Tuy vậy mặc dầu tôi rán viết bài nhỏ mọn nầy, đặng trước là tỏ tình cảm mến cha linh hồn, sau là cho kẻ mới tới trong họ Mỹ tho đặng tường những công lao khó nhọc của cha, đã làm cho cả và họ ngày nay được vĩnh viễn.

Cha Jean Renier cao lớn người, râu dài, trán cao, mũi rộng, môi son, mặt mày sáng láng, bộ đi tướng đứng coi khoan thai, cách ăn nói lịch lãm, tánh đằm không hay nóng giận, cung kính kẻ bề trên dịu dàng cùng bạn tác, vui vẻ và hậu đãi người bề dưới. Đã khôn đời lại ngoan đạo, biết mua lòng người ta. Bỡi vậy nào viên quan Langsa, Annam, nào làng xóm, nào người ngoại giáo đều thù tạc vãng lai cùng người, bất luận kẻ sang người hèn, kẻ giầu người nghèo, ai tới viếng người ra về đều an lòng phỉ dạ, hoặc được lời khuyên giáo, hoặc được an ủi, hoặc được giúp đỡ phần hồn phần xác. Thiệt cho là người siêng năng: làm lễ rồi thì dạy sách phần, ngồi tòa, đi vào đầu nầy đầu nọ coi thợ thầy làm, viếng nhà trường nam, trường nữ, nhà thương trong, nhà thương ngoài, thăm kẻ liệt lào bịnh hoạn trong họ, đi cù lao Rồng; ít lâu thì đi viếng mấy họ nhỏ xung quanh thuộc về phần sở của mình; rảnh thì coi sách, nguyện gẫm hay là lần hột, ngày ngày đều như vậy, trừ ra khi đau ốm thì mới chịu nằm mà thôi..

Cha Renier thuộc về dòng sai, qua Nam Kỳ hồi năm 1881, khi đó người 25 tuổi. Đức Cha gởi người đi Mặc Bắc đặng học tiếng Annam, sau bổ người đi coi họ Biên Hòa; lúc đó thì Biên Hòa còn hoang địa rừng rú hiểm nghèo. Cách ít lâu người đổi về làm cha sở Chợ Đũi. Qua năm 1899 thì người về Mỹ tho thế cho cha Linh (Moulins) đổi về làm nghị viện cho Đức Cha và coi họ chánh Saigon.

Khi cha Renier tới Mytho thì nhà thờ hãy còn ở giữa châu thành, tại chỗ kho rượu bây giờ; còn cha thì ở vòng xung quanh theo chái nhà thờ. Nhà phước thì ở cách xa đó chừng 200 thước phía bên kia đường Dariès. Bổn đạo khi xưa thì ở vây theo nhà thờ đông đảo, mà rày bỡi thành phố mở mang, cuộc công nghệ thương mại tấn phát, nên rút nhau lần lần về Vĩnh Tường, bỏ nhà thờ ở quạnh hiu với năm ba nhà có đạo mà thôi.

Cha Renier về nghĩ vì họ lớn ở nhằm chỗ thị tứ, các cha qua lại thường, mà nhà cha thì hẹp hòi rước khách bất tiện, nên mới cất một cái nhà ở cho khoản khoát (nhà ấy bây giờ cho quan trạng sư mướn), còn nhà thờ, kiểu thiệt tốt, song cất cũng đã lâu, cây ván tuồng trong hư hết nhiều, khó bề tu bổ lại, nếu để vậy thì sợ hiểm nghèo, nên qua năm 1903 cha định phải triệt đặng đem vô Vĩnh Tường cất lại ở giữa bổn đạo. Khi dở nhà thờ lớn rồi thì bổn đạo tựu nhau lại đọc kinh xem lễ tại nhà thờ Vĩnh Tường có cha Antôn Đường.

Qua năm sau (1904) ngày đầu tháng Đ C Bà thì một trận bão dữ tợn làm cho nhà phước mồ côi phải sập và hư hại nhiều. May phước! phải chi nhà thờ lớn chưa dở thì e phải bị tai hại rất to, vì đứng chỗ trúng nhằm luồng gió đi. Bão qua rồi thì nhà mồ côi sáp nhập về nhà thương Vĩnh Tường, bỏ cha sở ở lại một mình.

May lóng đó nhà chung mua được một miếng đất và một cái nhà, cha già Đường dọn về nhà nầy, để nhà mình lại cho cha sở, khi đó hai cha làm lễ trong nhà thờ Vĩnh Tường, nhỏ và chật hẹp cho cả và họ. Cha Renier mới lo cất nhà thờ. Cất vừa rồi thì cha lật đật dọn về ở nơi lầu chuông, giao nhà của mình lại cho thầy dòng, và cha lo dọn dẹp nhà thờ cũ lại đặng làm nhà trường nam.

Song tội nghiệp, nơi lầu chuông đã hẹp hòi lại bị nắng chiều nực nội lắm, lại rủi nhằm lóng đó cha đau con mắt, nên cha phải dọn về ở tạm nơi phòng áo, ở được một ít lâu cha thấy bất tiện, vì khi có khách thứa thì không biết rước vào đâu, nhà cha mới cất một cái nhà lá gần một bên nhà thờ, yên chỗ rồi thì cha lo sửa nhà thờ cũ ra nhà lầu cho có chỗ cho học trò ngủ, khi lo cho học trò nam xong rồi, thì cha tính cất nhà cha lại, vì ở nhà lá thì bất tiện nhiều đều, khi dông mưa thì ướt hết đồ đạc, lại một nỗi sợ hỏa hoạn phát lên thình lình, làm không kịp mà phải thiệt hại, cho nên cha cất nhà cha cũng gần đó cao ráo rộng rãi, cất nhà cha rồi thì cũng chưa nghỉ ngơi được, vì học trò nữ còn ở đậu trong nhà thương, chưa có trường riêng.

Bỡi cha khéo tính, nên cha mua đất ngang nhà thương, vừa chỗ mà lập nhà trường lắm, nội trong mấy tháng thì cuộc đất nầy khi trước là chuồng bò, hào hố, sình nẩy, rày trở nên một cảnh rất xinh đẹp, trong một vuông rào vách tường có nhà lầu, nhà trệt, đèn khí, hồ nước, bông hoa cây cối đâu đó có thứ tự lớp lang, thấy lạ con mắt cho kẻ nào lâu đi tới Mỹ Tho. Ngày nay học trò nam nữ ở Mỹ tho có chỗ ăn học tử tế, khoản khoát, thì nhờ có cha Jean Renier ra tay gầy dựng, nên các trò hãy nhớ tới người, mỗi lần các trò đọc kinh xem lễ, hay là nói khó cùng Chúa, thì xin đừng quên đấng đã làm ơn cho mình.

Cất nhà trường nữ xong rồi, thì cha cũng còn lo nữa, là nhà thờ đất thánh (kêu là nhà thờ bà thánh Annà) đã hư hết sợ sập bất tử, nên cha tính cất lại và đem sụt vô trong, vì chỗ đó gần ngoài sông cái sợ đất lở, nhà thờ cất kiểu thường song coi đẹp con măt.

Bổn đạo thấy cha lòng lành nhơn từ thì thương mến hết sức, năng tới lui thăm viếng, năng nói khó cùng người bàn tính chuyện nọ chuyện kia, thì sự tin tưởng càng ngày càng thêm, mà nhứt là khi thấy cha lo lắng cho bổn đạo và đồng nhi nam nữ lớn nhỏ phần hồn phần xác, thuận thảo cùng mấy trào cha phó đến mà giúp cha, thì bổn đạo đem lòng tin kính và mến thương cha cho đến khi chết, bỡi vậy khi hay tin cha chết thì trong họ lớn nhỏ đều châu lụy nhỏ sa, lại ấm ức vì không được thấy mặt cha mình một phen sau hết, khi được tin nầy thì kẻ đi xe lửa, người đi xe hơi, chuyến xe nào cũng có bổn đạo lên đặng có ý xin xác cha về còn kẻ ở nhà thì lo sắp đặt đặng rước xác cha, song thảm thay!!! Rủi nhằm lúc Đức Cha đi khỏi nên xin xác về không được, và cũng chôn gấp quá nên bổn đạo lên nữa không kịp, thì sự đau đớn chua xót trong họ ai kể cho cùng.

Cha Renier là người trung quân ái quốc, nên trong lúc giặc giã thì cha thúc giục lòng bổn đạo, lo cầu xin cho nước Langsa đặng thắng trận, và ra sức giúp mấy cuộc quốc trái cho thành.

Một khi kia cha đi thăm họ Kiến Vàng ở gần biển, ghe cữa lên rước cha đi nhầm lúc gió nam, chạy buồm chừng năm sáu giờ thì tới, nên ăn bữa trưa rồi, cha xuống ghe không đem đồ ăn theo, vì bạn nói về tới nhà kịp ăn buổi tối. Rủi dọc đàng bị hại trận dông và mưa lớn, phải xả bườm vô rạch đậu núp. Êm trời ra đi khi đó là chín giờ tối mà ghe con linh đinh giữa vời, hai bên bờ thì rừng bụi vắng vẻ không có nhà ai hết, cha đói mà dưới ghe không có một vật chi ăn được, có một gói cá mòi thính của người bạn ghe mua đem về nhà mà thôi, túng làm cha phải ăn hai con cá mòi mặn đó, uống nước lã mà chịu cho đến khi về tới nơi tới chốn thì đã khuya lắm, ướt hết loi ngoi lót ngót.

Tôi có ý thuật chuyện nhỏ mọn nầy, đặng cho ai nấy đem lòng thương mến cha linh hồn mình. Các viên quan thế gian bất luận lớn nhỏ khi ra khỏi nhà, hoặc việc tư, hoặc việc nước, thì đủ no mọi món, tới đâu có kẻ hầu người rước, mà cha linh hồn đi lo việc chung, phải chịu đói khát tất bạc đỗi nầy!

Bấy lâu cha mảng lo cho trong họ thủ túc không quản chi tới thân mình, lúc nầy đâu đó an bài rồi mà cha sống ở đời với con cái không đặng bao lâu kế Chúa đòi về mà thưởng công.

Trong ý cha tưởng mình chưa chết gấp vậy đâu? nên tính đi Đalat đổi gió ít tháng mà bổ sức lại hầu ở cùng con chiên mình đôi năm nữa, ai dè ý nhiệm Chúa khác ý loài người, khi cha sửa soạn đi thì bị một cơn rét nặng, bỡi vậy cha tính không đi để lên nhà thương Angier uống thuốc. Tính xong rồi qua sáng ngày thứ tư cha ra đi, khi đó có một ít người ngó thấy cha trong nhà bước ra mà đi, và ngó ngoái lại cách buồn bực, âu là khi ấy trong lòng cha tưởng thầm rằng: “Không biết mình đi mà có trở lại nữa chăng?” Cha đi chưa được năm ngày kế nghe tin cha lìa khỏi thế, thật rất nên là chua xót! Ý Chúa nhiệm mầu, trí thấp hèn ta suy sao thấu, Chúa định cha phải dời chơn khỏi họ đặng dọn mình chết lành, vì nếu khi đó mà cha chết tại Mỹ Tho, ắt là khó bề nhắm mắt lại, vì con cái người kẻ vô người ra liu chiu lít chít thì thêm cực cho phần trí cha biết là bao nhiêu!! Khi sống cha hay ở an tịnh, nên giờ chết,cha cũng muốn lặng lẽ một mình.

Nguyện xin ngày sau các con chiên của cha đặng hiệp vầy cùng cha lành trên nơi cõi thọ....

H. M.

.Báo nam Kỳ Địa Phận năm 1922

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét