Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Địa sở Họ Bà Rịa

 KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------

ĐỊA SỞ HỌ BÀ RỊA

---------------------

PHẦN THỨ NHỨT

Nói về Địa sở Bà Rịa (Đất Đỏ) trong cơn cấm kín bắt đạo.

----------------------

ĐOẠN THỨ NHỨT

 Nói về Địa sở Bà Rịa (Đất Đỏ), hồi trước cơn bắt đạo (1861).

-----------------------

ĐIỀU THỨ NHỨT

 Nói chung về các họ trong Địa sở hồi trước cơn bắt đạo (1861)

-----------------------

Muốn cho biết rõ về địa sở Bà Rịa hồi trước năm 1861, thì phải nói ra trước cuộc thế việc đạo và địa cảnh mấy họ trong địa sở.

Đất Đỏ

Đất Đỏ là họ lớn là như họ chánh trong địa sở; họ nầy nhơn số bổn đạo hồi đó gần 1100 ở rải rác trong ba làng là làng Phước Tuy, Phước Thọ, và Thạnh Mỹ. Nhà thờ hồi thới bình thì cất tại làng Thạnh Mỹ, bây giờ cũng còn lại làng ấy.

Thôm

Bên phía bắc họ Đất Đỏ thì có họ Thôm hồi ấy nhơn số bổn đạo tới 500, ở trong hai làng là làng Long Nhung và Long Hiệp.

Dinh Bà Rịa.

Họ Dinh (Bà Rịa) ở bên phía tây họ Đất Đỏ cách xa nhau mười ngàn thước, nhơn số bổn đạo đặng 400 ở tại làng Phước Lễ, có nha môn huyện có phủ cai trị là quan nhị phẩm, họ nầy trở nên họ chánh địa sở, tục kêu là họ Dinh vì họ nầy ở dưới chơn núi Dinh.

Họ Thành.

Thành thì ở nửa đàng đi Dinh xuống Đất Đỏ ở gần bên hướng nam, gọi là họ Thành vì kêu theo tên chợ gần đó, nhơn số bổn đạo đặng 200 thuộc về làng Long Điền.

Gò Sằm

Họ Gò Sằm ở nhằm bên hướng đông họ Đất Đỏ, là họ nhỏ hơn hết trong địa sở vì nhơn số bổn đạo có 100 lại từ đó đến bây giờ không thêm đặng mà càng bớt.

Ở giữa rừng Nam Kỳ và Bình Thuận và xứ mọi. Gò Sằm là thuộc về làng Thạnh Mỹ.

Theo như sổ sách có đây thì địa sở còn có hai họ nữa, một họ ở làng Long Kiên và một họ ở làng Long Xuyên; gốc tích hai họ nầy dẫn ra sao hồi cơn bắt đạo, đó có lập cái ngục mà cầm con nhà có đạo, hai họ nầy nhỏ nên đã bỏ hồi cơn bắt đạo, tưởng bổn đạo đã trốn đi tản tác qua mấy họ lớn.

ĐIỀU THỨ HAI

Nói về gốc tích kể truyện mấy họ trước cơn bắt đạo 1861.

Gốc tích khi ban sơ lập ra mấy họ ấy, hồi năm 1879 có hỏi ra thì những người bổn đạo tuổi tác không nhớ không nghe nói gốc lập khi nào, tưởng là hồi trước hết khi mới giảng đạo bên xứ Nam Kỳ.

Dấu tích nhà thờ đời xưa hồi đó thì còn thấy tại họ Đất Đỏ, thì biểu là thuở đời đức vua Gia Long, vì xét theo mấy tấm đá còn lại đó là đá táng cột nhà thờ thật rất lớn lao, nên biết đặng thuở ấy họ Đất Đỏ là họ lớn đông nhơn số bổn đạo.

Nhớ thuở ấy họ Đất Đỏ là họ có thầy cả ở đó luôn; là sở chánh cha ở mà đi mấy họ khác trong địa sở.

Cũng tưởng họ Đất Đỏ và họ Thôm hồi đó mỗi họ có nhà trường học, người ta nói có dì phước bạn thánh giá dạy.

Người ta không biết bao nhiêu về các cha đã giúp việc họ địa sở Đất Đỏ, trong những cha ở đó thì biết có cha Giacôbê, có chỗ thì gọi là cha Điền (ta tưởng mà không dám chắc cha Giacôbê cha Điền là một cha vì cây dương nhà thờ Đất Đỏ chỗ thì nói cha Giacôbê trồng, chỗ thì nói cha Điền, không rõ có phải một cha không.), là một cha dòng ông thánh Phanxicô, giúp việc địa sở ấy đời đức vua Gia Long. Trong nhà thờ cũ thì có chôn một cha bổn quốc đó, mà nhà thờ ấy sau cũ hư hay là nhỏ không đủ cho bổn đạo đọc kinh xem lễ, thì người đã lập nhà thờ mới rộng rãi tốt xinh đẹp, theo kiểu annam, trong cơn Minh Mạng bắt đạo, thì đã ra lệnh triệt hạ nhà thờ, nhà nước annam đã lấy đem về trên đồn Dinh mà làm lẫm lúa, bây giờ hãy còn đó để làm trại lính, người ta nói nhà ấy cao lớn rộng rãi tốt hơn nhà thờ Đất Đỏ bây giờ.

Cha Điền đã trồng gần nhà thờ một cây dương, nó đã cố cựu thâm niên nên nó lớn cao hơn hết các cây trong xứ, cây dương ấy thấy đặng xa lắm, nhơn cớ ấy người ta kêu nhà thờ Đất Đỏ là nhà thờ cây dương, hồi bão ngày mồng một tháng Mai năm 1904, thì cây dương ấy trốc gốc ngã.

Trong ba đời vua là Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức, thì mấy sở họ trong địa sở phải chịu bắt bớ dữ dằn: triệt hạ nhà thờ Đất Đỏ nhà nước cướp lấy hết, nên bổn đạo phải chừng lén mà giữ đạo, rất khó bề giữ các cha, hoặc các cha Dòng sai hoặc các cha Bổn quốc, cho đặng giúp việc trong họ.

Cơn Thiệu Trị bắt đạo thì ông Lái Gẫm (Á thánh Vêrô Gẫm) bị bắt. người là gốc ở họ Gò Công (gần Thủ Đức) mà sau cưới vợ người ở Thành cho nên nhập về họ Thành. Người chở Đức cha Đôminicô (Mgr. Lefebvre) về Saigon thì bị đồn thủ bắt, phải ở tù sau làm án xử tử tại tĩnh Gia Định (Saigon).

Đức cha Gioang (Mgr. Miche) có trốn ở tại họ Đất Đỏ ít lâu, người ở đỗ tại nhà ông trùm Sĩ, nhà có hàng rào chắc chắn nên vững thế mà ẩn mình, người ta có đào một cái hầm dưới đất dọn chỗ để hòng khi động dụng thì đem Đức cha xuống đó mà trốn, nhưng làm thế thần như thế mà kẻ nghịch cũng hay đặng, nên phải điệu Đức cha ra ngoài Phước Hải thuê thuyền mà chở người đi đem ra cho khỏi nước, mà Đức cha khéo liệu nên đã khỏi cơn ấy; còn về ông trùm Sĩ thì bị bắt cầm tù tại Biên Hoà người đã chết tại đó.

Trong những cha bổn quốc đã giúp việc trong những họ trong địa sở hồi cơn bắt đạo mấy năm sau, thì còn nhớ những là cha Kiều, cha Lợi, cha Tùng, cha Hạp, cha Hiển, cha Trí; cơn bắt đạo có hơn ba mươi năm dư.

Địa sở Đất Đỏ tuy khi ấy là trong cơn cấm kín bắt bớ đạo thánh mặc lòng, chớ việc đạo thì thạnh lắm, các họ đều chịu bắt bớ lao khổ như nhau, mà có lòng với nhau lắm, dìu dắc nhau lo lắng cho nhau phần hồn phần xác. Thật thì bổn đạo lúc ấy chịu bắt bớ khốn khó lắm, mà còn sánh lại những đều gian nan bắt bớ sau nầy thì là thới quá.

---------------------

ĐOẠN THỨ HAI

Nói về Địa sở Bà Rịa trong cơn bắt đạo từ năm 1861 cho đến 1868

---------------------

ĐIỀU THỨ NHỨT

Nói về khởi sự bắt đạo, lấy sổ những người bổn đạo.

------------------------

Hồi binh Langsa và Iphanho qua lấy Saigon thì Phủ Phước Tuy (Bà Rịa) thuộc về tĩnh Biên Hòa, lúc đó thì không sao chưa có bắt đạo, cách hai năm sau người Langsa qua Nam Kỳ rồi thì mới khỉ sự bắt đạo. Các quan lo lấy lại hai tĩnh người Langsa đã bắt đặng, là tĩnh Gia Định, và Định Tường (Mỹ Tho), nên đã thâu binh nhóm hội tại tĩnh Biên Hòa, mà ngăn ngừa chống trả. Tĩnh Biên Hòa thì là nhơn số bổn đạo đông, ở rải rác theo mấy chỗ lớn, khi ấy các quan truyền bắt các bổn đạo hết mà cầm tù, nhằm trong tháng Aout năm 1861, quan ra lệnh truyền cho các làng mà có bổn đạo ở thì phải làm sổ bổn đạo nam phụ lão ấu hết cho kỷ cang.

Đoạn khi ấy thì mấy tổng lo mà làm bốn cái khám lớn để cầm các bổn đạo đã biên vào sổ và những bổn đạo còn sót chưa biên, vì có nhiều người trốn ẩn mình không biên đặng.

-----------------

ĐIỀU THỨ HAI

Nói về các bổn đạo ở tù, địa thế bốn cái tù.

-----------------

Khi lấy số rồi, thì mỗi làng nắm lấy số ấy mà đi bắt bổn đạo đem nộp cho cai tổng làng mình, đến tổng thì bắt đóng trăng lại cùng thích tự mỗi người hai bên má bổn chữ: Tả đạo Biên Hòa. Có ý hễ mấy người bổn đạo ấy có thoát đi đâu, thì biết mà bắt, như có kẻ đã trốn khỏi còn sống sau nầy, thì dấu thích tự ấy còn vậy hai bên má cho đến chết.

Thích tự đau đớn như vậy rồi thì làm gông đóng lại mà dẫn đem vô trong bốn cái ngục cầm đó.

Ngục chánh thì tại Phủ cách xa dinh quan phủ chừng hai trăm thước tây, tại làng Phước Lễ; ngục ấy thì để cầm đờn ông, số mấy người ở tù ấy gần ba trăm người.

Còn ngục khác thì lập ở tại làng Long Kiên cách xa tù kia bốn năm ngàn thước, ở đó cầm đờn bà và con nít số tới 135 người.

Còn ngục thứ ba thì ở lại làng Long Điền (Thành) bên hữu đàng đi Bà Rịa xuống Đất Đỏ, ở xa đàng đi nhà thờ Thành bây giờ một ít. Ở đó cầm đờn bà và con nít nhơn số là 140.

Sau hết ngục thứ tư thì cầm đờn bà và con nít còn dư lại, nhơn số đặng 125 người, ngục nầy ở tại làng Phước Thọ gần ở giữa họ Đất Đỏ.

Lấy sổ hết trong bốn ngục ấy, bắt cầm bổn đạo cả nhơn số là 700 người thuộc về năm họ trong địa sở. Còn những người trốn khỏi, nó không lấy sổ đặng thì ẩn mình trốn theo ở với mấy nhà kẻ ngoại quen có nhơn, có kẻ thì trốn đặng lên tới Saigon.

---------------------

ĐIỀU THỨ BA

Nói về sự gian truân tân khổ kẻ có đạo khi phải giam cầm trong tù.

---------------------

Mỗi ngục thì có lính canh nhặt nhiệm, có đội có cai, ban đầu trong bổn đạo mấy người có đem tiền theo thì còn lo lót chút đỉnh; thì nó nới tay cho, mấy người khác thì nó hành là thới quá; đến đỗi những đều cần thì nó cũng không cho, nó làm khổ khắc lắm; những người có tiền, lâu ngày không còn thì nó cũng làm khổ sở như mọi người khác, những vật thực đem vô thì nó tra xét, lính nó lấy hết phân nửa rồi mới đưa vô.

Hồi ấy thì là trúng nhằm mùa mưa, là tháng (Septembre 1861), tù thì nó bắt nằm dưới đất ướt át trong mùa mưa như vậy, nên có nhiều người mang bịnh mà bỏ mình; nó không cho đi đâu nới ra một chút, đi sự cần cũng không cho, phải mướn mấy đứa nhỏ đi đổ xức xở. Vậy trong tù thế ấy thì là hôi thúi quá, nên sinh bịnh, ước chớ chi chết thì là hơn sống mà cực thới quá.

Mà nhứt là khám Bà Rịa, là khám tù đờn ông thì quân lính nó hành hà quá lẽ, ba khám khác là khám đờn bà thì quân lính hay nới tay chút đỉnh. Cha Trí hồi ấy khéo lo liệu giả dạng đi bán nước mắm mà viếng thăm, làm phước, ban phép bí tích cho bổn đạo trong ba khám ấy. Người gánh hai đầu hai tĩnh nước mắm, như vậy quân lính không nghi nan, nên mới thăm làm phước cho bổn đạo đặng.

Hồi nhà nước Langsa lấy tĩnh Biên Hòa, khi ấy quan dạy phải chất gai chè nè bố vi bốn cái khám cho tù đạo đừng trốn đặng, và có ý sâu độc là lấy đó làm bổi mà thiêu sống tù đạo khi nguy hiểm.

-----------------------

ĐIỀU THỨ BỐN

Nói về đốt bốn cái ngục 444 người có đạo phải chết thiêu (ngày mồng 7 tháng Janvier năm 1862)

------------------------

Những người có đạo bị tù rạc gian truân tân khổ ở đó là hơn ba tháng trời, khi có kẻ đã trốn đặng khỏi thì báo tin cho nhà nước Langsa hay, nghe vậy thì nổi giận sự độc dữ kẻ nghịch làm oan ức, giết người vô tội, nên đã dốc lòng xuống lấy tĩnh Bà Rịa.

Ngày mồng 7 tháng Janvier năm 1862 có ba chiếc tàu chiếc xuống tới sông chỗ có hai ngả (cỏ may), một ngả vô Bà Rịa, một ngả vô Chợ Bến, có ý đánh cứu người có đạo bị lao tù đó, nên đã muốn đến gần nơi mấy người theo chỉ là nơi cầm bổn đạo, cái ngả vô Bà Rịa thì đã rấp ngăn lại vô không đặng nên tàu vô ngã Chợ Bến, mà bỡi nước ròng sát cất binh lên không đặng, có một toán binh lên đi dọ tới cầu Thủ Lựu là bốn giờ chiều, đó còn chừng hai ngàn thước nữa thì tới ngục tù đờn ông, mà bỡi quan cai toán binh ấy thấy có đoàn lũ annam đông lắm xông tới chống cự thì đã thối lui. Lại cũng là tối rồi phải đợi đến mai mới cất binh đem lên đủ đồ cần.

Các quan annam thấy vọi chống cự không xuôi, thì thừa dịp gián ra vậy, dạy chất lửa đốt bốn cái khám, tối đêm ấy thì thấy lửa phát cháy lên theo phía mấy cái khám: thì liền hiểu là đốt khám, biết mấy người bổn đạo đó đã bị chết thiêu rồi.

Quả thật sáng ngày thì chẳng còn thấy chi, thấy đống tro cùng những xác cháy mà thôi, nơi khám cầm tù đờn ông.

Có cha Croc đến sau làm Đức cha ngoài Bắc, đã theo tàu làm thông ngôn, và có cha Trí đi theo, cha đã ẩn ánh khỏi cho đến khi ấy, hai cha lo chôn cất hài cốt mấy đấng chịu chết vì đạo ấy cách xứng đáng, gần bên cái khám thì đã đào ba cái huyệt, cha Croc làm phép xác rồi thì hạ để mấy hài cốt những đấng ấy xuống đó, là ngày mồng 8 tháng Janvier 1862.

Nhưng vậy chớ cũng có ít người bổn đạo trong đám đốt thiêu ấy chạy qua lửa mà ra khỏi cũng là sự lạ, nhờ mấy người ấy thuật lại quân dữ làm thế nào mà đốt ngục, cũng nói tiểu vẽ ra những sự độc ác quân lính giữ ngục, chúng nó mỗi đứa có giáo mà canh giữ hễ ai chạy ra thì nó đâm mà xô vô trong lửa, nên ít người mà chạy khỏi đặng, phải chết thiêu gần hết, trong ba trăm người chạy khỏi đặng chừng lối mười hay là mười hai người, đời cha Y (P. Errard) năm 1879, còn thấy những kẻ ấy còn sống, còn dấu khắc tự bốn chữ hai bên má.

Ba cái ngục khác thì là cầm tù đờn bà và con nít nhơn số đặng 400 người, cũng đều bị đốt một lượt như khám đờn ông; mà bỡi vì mấy tên đội và quân lính giữ mấy ngục ấy có nhơn, phá cửa ngục hay là mở cữa, nên bỡi đó nhiều người đã kịp mà chạy ra khỏi, nhưng vậy chớ cũng có nhiều người đàn bà có con vì bịn rịn con mà chạy không khỏi, con mẹ đều phải lửa cháy thiêu kể đặng chừng năm mươi người. Ngục tại Long Kiên thì đờn bà chết nhiều hơn, vì có một tên đội giữ ngục nó tham của bắt nhơn, nó muốn cướp lấy vòng vàng của mấy đờn bà, nó không cho chạy ra, cho đặng nó lột đồ, nên chạy ra không kịp phải chết, kể nhơn số những đờn bà trong ba khám mà phải chết thiêu đó thì là 106 người, nếu kể hết và 50 con trẻ nói trước và 288 người đờn ông con trai nơi khám Bà Rịa thì nguyên số là 444 mạng con người.

Thuở ấy thì có một đều nầy đáng nhớ, là bổn đạo đều than trách về sự độc ác quan quân dữ tợn bất nhơn, nhưng mà khen ngợi những người ngoại đạo xứ Đất Đỏ khéo lo, những kẻ ấy không theo phe kẻ bắt đạo, có lòng thương xót giúp đỡ những người bổn đạo bị bắt bớ giấu đút che đậy, có lúc đem về nhà mình mà giấu người có đạo cho khỏi tay quan quân bắt, nuôi dưỡng cho ăn, giúp tiền bạc đều cần dùng nên dễ hiểu sao mà cha Trí ở lại trong họ đặng trong lúc cấm kín bắt bớ vậy mà quan quân chẳng hay chẳng biết.

-------------------------

ĐIỀU THỨ NĂM

Nói về một ít tháng bình an.

-------------------------

Quan quân khi ấy rút đi khỏi Bà Rịa đem nhau trú tựu tại rừng trên Thôm làm đồn lũy mà ở đó, thì may Langsa đã hay mà phá hủy tuyệt, nên đã đặng yên nhằm cuối tháng Mars năm 1862. Khi ấy bổn đạo kẻ đi xứ nầy người đi chỗ kia tản lạc, thì rủ nhau đề huề thê tử gia thất về làng chỗ mình ở xưa mà lập nghiệp lại, bỏ mà đi kể là hơn sáu tháng có dư.

Khi ấy cha Hiển ở tại Bà Rịa với cha Trí, cha Hiển thì trở xuống Đất Đổ mà gây dựng họ lại, cha Trí thì ở lại tại Bà Rịa cùng những bổn đạo họ Thành và mấy họ khác mà trở về họ mình không đặng.

Ở tại họ Đất Đỏ khi ấy không còn nhà thờ, có bà vợ ông hộ Của, ông đã chết thiêu trong ngục, bả dưng cái nhà của bả để làm nhà thờ, cho bổn đạo đọc kinh xem lễ mấy tháng bình yên đó.

Khi ấy bổn đạo nhơn số thì bớt nhiều lắm, vì hồi chạy lên trú tại Bà Rịa đó thì bị bịnh thiên thời, lớn nhỏ gì chết hết nhiều, bỡi đó bổn đạo tản tác đi chỗ nầy xứ kia; còn những đàn bà con nít ở trong ngục mà chạy ra đặng thì phải lửa cháy phải bịnh hoạn; nhiều người mồ côi chết cha chết mẹ bơ vơ không nơi nương dựa phải lên Saigon; tốp thì vào nhà thương điều trị thuốc thang, tốp thì vào nhà mồ côi bà phước; rồi đó ít người trở về xứ đặng, nên nhơn số bổn đạo sở Bà Rịa bớt hết nhiều, còn lại có 1500 người, rồi kế bắt đạo lại nữa, dầu cơn bất đạo không bao lâu mà thật là dữ tợn lắm.

---------------------

ĐIỂU THỨ SÁU

Nói về bổn đạo phải chịu chém giết lần khác nữa.

--------------------

Một đoàn quan quân không chịu thua, nó trở lại mà trả thù lần trước đó và bắt bớ bổn đạo.

Cuối năm 1862, nổi giặc một lần nữa, bổn đạo phải bỏ cữa nhà mà chạy trốn.

Ban đầu giặc tới họ Gò Sằm trước vì họ nầy ở xa Bà Rịa hơn hết, nó bắt đặng hai mươi người bổn đạo đờn ông đờn bà thình lình đang có gặt lúa; bắt rồi nó dẫn ra tại cầu suối Xích Răm, hay là Sông Rai, nó trói buộc hai người vô một mà xô xuống sông, nên phô kẻ ấy chết chìm hết, sót lại một đứa nhỏ nên mười hai tuổi, khi ấy sổ trói ra nên nó trốn đặng. (cách ít ngày bổn đạo lén đi tìm kiếm xác mấy người chết chìm ấy thì đã gặp đặng 15 cái xác và đã mai táng trong một huyệt chung, bây giờ hãy còn tại Gò Sằm, bổn đạo còn giữ tử tế). Nhờ thằng nhỏ ấy xuống họ Đất Đỏ báo tin cho bổn đạo, khi ấy đương lo làm ăn không dè cơn bắt bớ như vậy, bấy giờ mới thông tin cho nhau hay phải lo mà chạy trốn, phải mà chạy lên Bà Rịa thì khỏi chết, mà bỡi kể chắc chạy vào rừng thì khỏi nên rủ nhau chạy vào rừng, bỡi đó giặc nó theo tìm bắt như đi săn loài vật, nên phải tay quân nghịch nó bắt đặng mà giết gần hết.

Còn họ Thôm thì cũng phải chết nhiều, quân dữ nó giết bổn đạo họ Thôm mà cách dữ tợn quá, hễ nó bắt đặng bổn đạo thì nó quăng sống xuống giếng, mà phải biết giếng xứ ấy thì sâu lắm, chừng tám chín thước tây.

Có một người đờn bà chừng 21 tuổi bị bỏ xuống giếng như vậy mà khỏi chết, cũng như là phép lạ, nó ở dưới giếng như vậy ngồi trên xác mấy người chết đà thúi rồi, không ăn uống đã hơn một tuần lễ, có một người đi ngang qua gần đó, nghe tiếng than khóc thì bước lại gần và đã cứu mà đem lên khỏi giếng, người đờn bà nầy đà mỏn sức gần chết, khỏi một ít ngày đờn bà nầy bị bắt lại và phải bị bỏ xuống giếng một lần nữa, lần thứ hai nầy ở dưới giếng chịu cực khổ như vậy hết bốn ngày, rồi sau cũng nhờ người ta đem lên đặng; đàn bà nầy còn sống hồi cha Y (P. Errard) viết tích bắt đạo nầy, thì đờn bà ấy có ra mà khai chuyện mình. Cơn bất đạo lần thứ hai nầy thì không tới một tháng, bổn đạo phải chịu chết vì đạo gần hai trăm người.

Hồi đó sau lấy sổ bổn đạo lại thì nhơn số bổn đạo còn không tới 1200, mà nhơn số bổn đạo hồi trước cơn bắt đạo thì là 2300 người.

------------------------

ĐOẠN THỨ BA

Nói về Địa sở Bà Rịa hồi mới khỏi cơn bắt đạo.

------------------------

Kể từ năm 1863, Bà Rịa (họ Dinh) trở nên là họ chánh địa sở, vì hồi bắt đạo thì bổn đạo các họ xung quanh trốn tựu về Bà Rịa mà ở đông, đến sau hết cơn bắt đạo, thì bổn đạo nhát sợ hồ nghi không dám trở về xứ sở mình, nên đã lập cơ nghiệp ở đó cho gần người Langsa, cho khỏi tay kẻ nghịch bắt bớ nữa.

Trong năm 1863 có cha Huởn (P. Fontaine) đến nhậm sở Bà Rịa thế cho cha Trí, người làm việc chung với cha Hiển, sau ít lâu cha Hiển đổi thì có cha Công thế lại.

Qua năm 1863 hay là 1864 thì Đức cha Đôminicô (Mgr. Lefebvre) có làm phép Xức Trán tại nhà thờ nhỏ hồi đó ở tại chỗ có chợ bây giờ.

Qua năm 1864 cha Huởn đổi đi sở Biên Hòa còn có một mình cho Công coi cả địa sờ, người làm việc không nổi nên Đức cha Gioang (Mgr. Miche) đặt cha Y (P. Errard) coi họ Bà Rịa nhằm tháng Octobre 1865, hồi đó bổn đạo còn ở tại Bà Rịa gần hết, nên dễ làm việc, mà bỡi có nhà thương lính có người bịnh tới 40 người, có bà phước dòng ông thánh Phaolồ giúp bịnh nên thêm việc.

Khi cha Y đến thì người lo cấm phòng cho bổn đạo; qua năm sau người lấy sổ những bổn đạo đã phải chết vì đạo trong mấy ngục, những người phải chịu chém giết bỏ xuống sông chết chìm mấy năm trước như đã có kể tích trước, hài cốt những người bị thiêu sống trong ngục, thì đã chôn trong ba cái huyệt riêng nhau. Cha khi ấy lấy hài cốt mấy đấng ấy lên mà chôn vào một huyệt làm mả lại bằng gạch ở giữa nơi trước là cái ngục để cầm đờn ông đó.

Đến sau nhằm năm 1876 cha đã làm một cái nhà thờ tạm nhỏ tại chỗ ấy, ở giữa nhà thờ thì có cái mồ những đấng tử vì đạo ấy, cẩn đá cẩm thạch, có thích mấy câu chữ Latinh như sau nầy:

I.                   Phía trên đầu: Beati qui persecutionem patiuntur propterjustitiam.

II.                Phía dưới chơn: Thôm-Đất Đỏ -Thành-Phước Dinh Hội.

III.             Phía bên hữu : Hic in spe resurrectionis.

Jacent christiani circiter CCC,

Qui pro fide incacerati,

Per III menses passi,

Tandem igne perierunt,

Et in loco passionis sepulti sunt.

Die VIII Januarii MDCCCLXII

IIII. Phía bên tả : Ba trăm bổn đạo xác nằm đây.

Những trong sống lại hưởng phước đầy,

Vì Chúa tù lao dư ba tháng,

Cam lòng chịu cháy chết chỗ nầy;

Lập mồ táng chung vào một huyệt,

Giáo hữu coi đó nhớ hằng ngày

Có làm cái bàn thờ sau cái mồ mỗi tháng có làm lễ một lần.

Tại họ Dinh thì xưa có chôn hai cha, một cha thì lâu lắm là cha trước hết đã ở đó, những người bổn đạo cố cựu cũng không biết tên mà nói cho cha Y; phải là một cha dòng, vì hồi lấy cốt thì có gặp trong hòm một đồ đánh tội còn nguyên, có cái chén thánh, có cái hộp nhỏ đem Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt (custode). Kế mả đó thì có cái mả cha Thiền, khi người phải di đày vì đạo Chúa, người qua tới Bà Rịa thì người chết tại đó là năm 1856. Cha đã lấy cốt hai cái mả cả hai cha đó mà chôn lại một huyệt, làm một mà dưới chơn bàn thờ, nghĩa là trên thì là cái bàn thờ, dưới là cái mồ  tử đạo ở giữa là cái mả hai cha ấy.

Đất xung quanh nhà thờ đó xưa là cái vòng rào ngục tù đờn ông thì bây giờ lấy làm đất thánh họ Bà Rịa.

Hết phần thứ nhứt

KỂ LẠI GỐC TÍCH MỖI HỌ TRONG CÁC SỞ

ĐỊA PHẬN NAM KỲ

--------------------------

ĐỊA SỞ HỌ BÀ RỊA

--------------------------

PHẦN THỨ HAI

Nói về địa sở Bà Rịa từ hồi thới bình việc đạo trong Nam Kỳ

---------------------------

ĐOẠN THỨ NHỨT

Nói về những họ Bà Rịa, Thành, Phước Tĩnh, Thánh Thất (Châu Pha)

1866 - 1917.

---------------------------

ĐIỀU THỨ NHỨT

Nói về khởi sự lập họ Bà Rịa lại làm họ chánh trong địa sở

----------------------------

Ta nói lại đây cho có thứ lớp, vì trong phần thứ nhứt ta bỏ qua, mặc nói về cơn bắt đạo và những người chịu tử vì đạo.

Năm 1866 đem cái nhà cha sở ở về chỗ bây giờ, hồi trước nó ở tại chợ Bà Rịa.

Có thầy thông ngôn nhà nước tên là Petrus Tạo có dưng cho nhà thờ một miếng đất ruộng gần nhà thờ cũ, thì cha Y đã dời nhà cha sở về đó rồi lập cái nhà thờ nhỏ đó dưng cho Đức Mẹ, làm nhà thờ cho bổn đạo nhóm đọc kinh xem lễ ngày hàng trong tuần lễ, còn ngày Chúa nhựt thì đọc kinh xem lễ tại nhà thờ nơi chợ.

Qua năm 1867 Đức cha Gioang (Mgr. Miche) ban phép Xức trán tại Bà Rịa, rồi cho cha Lành (P. de Kerlan) là cha ở bên tây mới qua ở tùng cha Y; cha nầy lo riêng về nhà thương lính, mà học tiếng annam.

Qua tháng Avril năm 1868 Đức cha Gioang dạy cha Y xuống Đất Đỏ coi riêng họ ấy và họ Thôm để cho cha Lành coi họ Bà Rịa một mình, thay ở coi họ trong địa sở cho đến năm 1870, thì người mới đổi đi sở Biên Hòa. Lúc đó cha Lành cũng đổi, cha Thiện (P. Oscar de Noioberne) thế ở tại Bà Rịa cho đến năm 1874.

Sau cha Y lại đổi lộn về đó mà coi cả địa sở Bà Rịa thì có cha Chiêu (P. Chedal) ở phụ giúp, cha nầy phụ giúp đặng một năm, thì có cha Nhu thế, năm 1874 hay là 1875, sau cha Cao (P. Legrand) đổi đi chỗ khác thì cha Nhu ở coi họ Đất Đỏ và mấy họ khác xung quanh.

Năm 1874 có Đức cha Puginier ở Hà Nội (Tonkin occidental) đi qua ghé địa phận ta, người đã ban phép Xức trán cho bổn đạo trong địa sở Bà Rịa. Kế, năm sau cha Y phải đi qua Hồng Kông ít tháng thì có cha Liễu (P. Lallement) bên tây mới qua xuống thế là năm 1876.

Khi cha Y đi Hồng Kông về thì người đi làm cái mồ mấy đấng bị thiêu vì đạo trong cơn bắt đạo, và làm cái nhà thờ nhỏ như ta đã nói trong phần thứ nhứt.

Tháng Septembre năm 1876 có rao toàn xá Jubile thì có cha Minh (P. Montmayeur) giảng cấm phòng và cha Sâm lớn, có mấy cha ngồi tòa làm phước là cha Định (P. Delpech) cha Lành (P. de Kerlan) của Phi (P. Raimbaud) cha Báu (E. Leprince) và cha Dư. Cha Y học lại người nói khi ấy nhơn dịp toàn xá thật cũng là như cái roi đánh thức bổn đạo dậy, nhiều người nhờ dịp ấy mà trở lại lo việc phần rỗi mình.

----------------------

ĐIỂU THỨ HAI

Nói về sự lập nhà thờ (1877-1879)

----------------------

Năm 1877 có cha Thiết (P. Boutier) xuống thế cho cha Nhu, người ở địa sở cho đến năm 1879.

Năm 1877 thì đã toan định làm nhà thờ mới: nhơn dịp có mớ đá đã lấy trên núi Bà Rịa, Nhà nước tính làm nhà thương mà không dùng đá ấy, Nhà nước dưng cho Đức cha Mỹ (Mgr. Colombert), thì Đức cha lãnh, cha Y lo qui góp đá gạch súc gỗ những đồ cần.

Còn cha Thiết thì lo vẽ hoạ đồ. Cha nầy còn thanh niên mới qua thì khởi sự làm nhà thờ Bà Rịa trổ tài nghề biết cuộc làm nhà cữa, sau nầy đã giúp địa phận nhiều.

Đã đặt viên đá thứ nhứt nhà thờ mới nầy là nhằm ngày 21 Novombre, 1ễ Đ C Bà phú mình vào đền thánh.

Bổn đạo tỏ ra lòng sốt sắng lo việc nhà thờ không tiếc công không tiếc của.

Khỏi sáu tháng là nhà thờ đã lợp rồi nhằm tháng Octobre năm 1878, và khỉ sự đọc kinh làm lễ đặng trong nhà thờ mới. Phong tô mặt tiền và vách tường bề ngoài thì là nhằm tháng Mars 1879; hoàn thành rồi là nhằm tháng Mai. Vậy ngày 14 Mai năm 1879 thì Đức cha Mỹ và Đức cha địa phận Huế, là Đức cha Ponviane, xuống làm phép nhà thờ mới, là lễ trọng cả thể trong họ Bà Rịa: có các viên quan tới chầu lễ cũng có các cha dòng, là cha Linh (P. Moulins) cha Ngôn (P. Louvet) cha Liễu (P. Lallement) cha Mão (P. Mossard) cha Nhi, cha Tuyết, cha Dược, cha Y (P. Errard) cha Thiết (P. Boutier).

Làm phép nhà thờ mới rồi cũng ban phép Xức trán cho bổn đạo. Nhà thờ mới dưng cho hai thánh tông đồ là ông thánh Philipphê và ông thánh Giacôbê.

--------------------------

ĐIỂU THỨ BA

Nói về mấy năm sau hết cha Y ở Bà Rịa. Các cha tiếp theo cho

tới cha Hiền lập họ Thánh Thất

---------------------------

Làm phép nhà thờ mới rồi, khi ấy cha Thiết ở Đất Đỏ đặng một năm, rồi kế đổi đi chỗ khác, cha Sanh (P. Colson) thế ở tại Đất Đỏ, cha Nhiệm (P. Creusat) cũng đổi, còn lại có một mình cha Y coi họ Bà Rịa họ Thành và Vũng Tàu (Cap St-Jacques), khi ấy mới có ít nhà bổn đạo ở đó mà thôi.

Năm 1879 Đức thánh Pha pha Lêô XIII lên quờn thì có toàn xá Jubile, khi ấy có cha Minh (P. Montmayeur) cha Phi (P. Raimbaut) đi giảng, có cha Hòa (P. Greset) cha Thiết (P. Boutier) làm phước, thừa dịp ấy có dựng đàng thánh giá của bên nhà cha Y gởi cho họ.

Họ Bà Rịa có hai trường học, trường nam trường nữ; trường nam có thầy giáo dạy, trường nữ có dì phước Thủ Thiêm dạy, có hồi năm 1877, có lập họ Môi Khôi năm 1878 có chừng 100 người vào họ ấy.

Năm 1887 cha Y đổi về Chợ Quán, lần nầy đi dứt không trở lại Bà Rịa nữa; cha về ở Chợ Quán thì cũng lo làm nhà thờ. Cha Thọ (P. Cagnon) đổi lại ở Bà Rịa.

Đời cha Thọ ở tại Bà Rịa đặng ba năm, người có mua đặng ba cái chuông cho họ và lập lại cái nhà thờ đất thánh đã gần hư, qua năm 1890 người lâm bịnh phải về bên tây không qua lại nữa.

Đầu tháng Mars năm 1890 cha Nghi (P. Martin) đổi lại Bà Rịa thế cho cha Thọ.

Đời cha Nghi, người lo làm cho rồi nhà thờ đất thánh và làm nhà cha sở ở còn bây giờ đó, người có làm một cái nhà lá tại Phước Tĩnh, tính lập họ góp mấy nhà có đạo lại.

Qua năm 1893 cha Nghi phải bịnh nên về tây, ở lại bển hết 18 tháng, hồi ấy thì có cha Lương (P. Lambert) thế đó; bổn đạo còn nhớ cha nầy lắm.

Cha Nghi đi bên tây trở về nhằm năm 1894 tháng Décembre xuống lãnh sở Bà Rịa lại, năm 1896 nhằm tháng Mai có bà phước hội ông thánh Phaolồ xuống Bà Rịa lập nhà thương và dạy trường nữ, rồi qua năm 1910 thì bà phước lãnh dạy luôn hai trường nam nữ, kế bãi nhà thương cho tới bây giờ.

Qua năm 1896 tháng Décembre cha Nghi đổi về Saigon coi nhà mồ côi (Ste Enfa nee) thì có cha Hiền (P. Favier) xuống thế.

Cha Hiền thấy nhiều người trong bổn đạo không có công chuyện làm, phải đi làm thuê làm mướn nơi nầy nơi kia xa, rồi ra trễ nải lần lần, nên cha đã kiếm việc cho bổn đạo làm. Người có mua sở vườn trồng tiêu ở cách xa Bà Rịa một đỗi, theo đàng đi Long Kiên; song bỡi bổn đạo không muốn ở đó vì đó không có ruộng mà làm, lại với bổn đạo làm mướn thì đòi tiền mắt quá; nên khỏi ba năm thì cha liền bán sở tiêu ấy lại cho bà phước hội ông thánh Phaolồ đặng lập nhà mồ côi.

(…)

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1917 - 1918

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét