Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy nhờ thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời. Tv 118

Thứ Ba, 12 tháng 9, 2023

Hạnh tích Tu sĩ Martha Nguyễn Thị Lành

 Hạnh tích Tu sĩ Martha Nguyễn Thị Lành

Dòng Mến Thánh Giá

(1825 – 1883)

Martha Nguyễn Thị Lành sinh năm 1825, tại Rạch Rập – Chà Và (xưa gọi là Cần Đưng).

Cha là Gioan Nguyễn Văn Thùy, mẹ là Maria Phan Thị Mùi.

Năm 1847, xin cha mẹ cho đi tu.

Vào Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn, nhà dòng mới lập từ 5 năm trước.

Năm 1848, chị Martha Lành tuyên hứa theo luật dòng.

Năm 1851, Đức cha Miche (Mịch) đặt làm bề trên đầu tiên của Dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn.

Bước vào cơn thử thách tôi luyện tinh thần.

Năm 1858, ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm, cha Giuse Tùng vừa dâng Thánh Lễ (Lễ Bổn mạng Nhà Dòng) xong, các chị em đang ăn sáng, chú Thân và ông Câu Đoài chạy vào cho hay lính đang bao vây, Dì Miều ngó ra cửa thì lính đã ập vào nhà, trong nhà hiện có 18 chị; lính lục soát khắp nơi, đang khi ấy Bà Lành bảo chị em trốn thoát ngay, còn lại Dì ngọ và Dì Miều nhất định ở lại với Bà Nhứt Lành. Sở dĩ họ đến đây vì có người báo cho biết có vị Đạo trưởng ở đây! Sau khi tìm kiếm khắp nơi mà không gặp vị đạo trưởng nào cả, họ quay ra bắt Bà Lành, Dì Ngọ và bốn người bổn đạo ở gần đó (Dì Miều theo ý Bà Lành phải trốn đi). Nhà Dòng bị tịch biên tất cả. Ông Huyện Ba Vát truyền trói tất cả lại bắt mang gông giải đến tỉnh Vĩnh Long.

Tại công đường tỉnh Vĩnh Long, Bà Lành và Dì Ngọ bị tra tấn khủng khiếp, quan tỉnh đặt Thánh Giá xuống đất và buộc họ phải bước qua (quá khóa), nhưng tất cả cương quyết không làm chuyện xấu xa đó và vì thế hai dì nầy liên tiếp bị tấn đòn, roi bằng dây da đầu bịt sắt mỗi roi quất vào thấu tận xương, Dì Lành có lần bị đánh đến 200 roi, máu thịt dính vào quần áo ướt đẫm hết cả! Phần Dì Ngọ chịu đòn đến ngất như đã chết. Quan tỉnh ra lệnh kéo xác Dì Ngọ qua cây Thánh Giá, lạ thay khi lính kéo vừa đến cây Thánh Giá, Dì Ngọ tỉnh lại tay ôm lấy cây Thánh Giá và la to: “Kính lạy Đức Chúa Giêsu, kính lạy Thánh Giá”. Điều làm cho người ta ngỡ ngàng là các vết thương không làm độc, mỗi khi chịu tra tấn về lại ngục hai Dì phước chỉ tha dầu dừa mà thôi. Tại nhà ngục hai dì luôn bình tĩnh cầu nguyện các bổn đạo cùng chịu lao tù vì Đạo Thánh Chúa, thấy gương đạo đức của hai tu sĩ đáng kính nầy cũng được nâng cao tinh thần. Người cai ngục tuy không Công giáo mà lòng nhân đạo cao coi thường lệnh quan, tối mở trói bỏ gông cho họ, lại để cho thân nhân đến thăm nuôi tử tế, nhờ vậy mà các linh mục đến thăm ban bí tích giải tội và Mình Thánh Chúa cho những tù nhân vì đạo ở đây. Tổng Trị tìm hết cách để làm tội người Công giáo.

Ngày giải thoát lại đến.

Quân Pháp đánh chiếm xong Sài Gòn, Biên Hòa, Bà Rịa – Vĩnh Long đang chuẩn bị chiến đấu một trận với quân Pháp (tháng 02. 1862).

Trong ngục các tù nhân có đạo bị xiềng và đóng gông! Bên ngoài Tổng đốc Trương Văn Uyển, Lãnh binh Tôn Thất Thoan, quân thứ Văn Uyển và Lê Đình Đức Bố chánh, không chống cự nổi bèn nổi lửa đốt dinh trại bỏ chạy! Quân Pháp thấy lửa cháy đổ bộ lên bờ và cứu thoát được các tù nhân Công giáo trong ngục! (x. Quốc triều chính biên, nhóm Nghiên cứu lịch sử Sài Gòn 1971 trang 319 và Hoàng Việt Giáp Tý  Niên Biểu của Nguyễn Bá Trác, Tủ sách Viện khảo cổ số IV Sài Gòn 1937 trang 343 ghi:  30.01.1862 Nhâm Tuất – Tự Đức năm 15 “Đại Pháp lấy Vĩnh Long”.)

Bề trên Cái Mơn, Cái Nhum và Chợ Quán

Ra khỏi ngục trở về nhà Dòng MTG Cái Mơn còn được 12 người do Dì Trình ở nhà săn sóc chị em, khởi sự cất nhà lại cho Tu viện Cái Mơn.

Năm 1864, Đức Giám mục cử Bà Lành sang chỉnh đốn lại Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum, hai năm sau đó, Đức Giám mục cử Bà Lành đến làm Bề trên Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, khi mọi sự ổn định vừa đi dạy giáo lý mà vừa là Bề trên Nhà Dòng Chợ Quán cho đến khi mãn nhiệm 1873.

Cha Galy (Lý) mời Bà Lành đến dạy giáo lý cho gia đình thầy Ngươn ở Bà Điểm. Tại đây có một bé gái mắc bệnh tà ma, qua nhiều thầy pháp, bùa ngãi, uống đủ thứ thuốc mà không khỏi. Bà Lành đến thăm và cầu nguyện sau đó đứa bé khỏi bệnh. Cha nó là ông Xã Thiện và cả gia đình xin học đạo.

Bà Lành cùng với nhóm truyền giáo Hóc Môn gồm có: Thầy Phong, Phiên, Quờn, Phan và Vịnh cùng với Bà Lành, gồm các địa sở Tân Hưng, Tân Đông, Mĩ Huề, Bà Điểm, Hóc Môn, Rạch Dứa, Bến Cỏ,  Bến Nẩy, Bàu Tre, Gò Ngãi, Mỹ Khánh, Suối Cụt cho tới Rạch Gốc. Bà Lành lo cho Rạch Gốc, nhóm truyền giáo nầy do Cha Gabriel Thành lãnh đạo tại Hóc Môn.

Nhờ ơn Chúa tác động nơi tôi tớ dịu hiền của ngài, kết quả đem lại nhiều giáo hữu sốt sắng và tân tòng nhiệt tâm học đạo chịu phép Rửa tội.

Xong việc ở giai đoạn truyền giáo, Bà Martha Lành về lại Cái Mơn với tư cách là một tu sĩ bình thường của Dòng, tại đây Bà Lành giúp lập họ Giồng Luông và Cái Cá. Công việc đang tiến triển khả quan, bổn đạo vùng Tân Hưng xin Đức Giám mục cử Bà Lành trở lại với vùng Hóc Môn, thật thì tại vùng đất mới hạt giống đức tin cần được chăm lo – người truyền giáo phải tận tình và đạo đức mới nêu gương sáng cho giáo hữu.

Giai đoạn cuối đời của Bà Martha Lành.

Đức Giám mục Địa phận cử Bà Lành trở lại Tân Hưng, lần nầy bà đã cao tuổi, những vết thương còn lại trên thân thể làm cho bà không thể đứng ngồi được lâu nữa, tuy vậy không khi nào Bà từ chối việc dạy giáo lý và thăm viếng bổn đạo khi họ cần đến Bà. Lòng Bà thương mến họ và đáp lại bổn đạo cũng mến thương Bà như người mẹ với con cái.

Ngày Chúa gọi Bà Martha Lành về quê thiên quốc đã đến. Bà qua đời ngày 08. 05. 1883.

Bà được bổn đạo Tân Hưng an táng đơn sơ trong tình mẹ con đậm tình thương tiếc.

Lời chúa: “Ai lớn nhứt trong các con hãy ở như người bé nhỏ và kẻ làm đầu thì hãy lo hầu hạ anh em mình” (Luca 22, 27).

Năm 1984, Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán cải táng hài cốt về Nhà Dòng Chợ Quán.

Ghi lại theo Kỷ yếu Tam Bách Chu niên từ khi Dòng Mến Thánh Giá 1670 – 1970” (Dòng MTG Cái Mơn, trang 37; Dòng MTG Chợ Quán, trang 21 và Tiểu sử Bà Nhứt Martha Lành trang 55).

Nam kỳ Địa Phận năm 1917 – Lịch sử họ Hóc Môn và Tân Hưng số 449 trang 565 và số 454 tráng 674.

“Phaolô gieo vãi, Apolo săn sóc; Thiên Chúa làm cho đồng ruộng sinh sôi nẩy nở bông trái”

Nguồn: “Sưu tập các Họ đạo cổ xưa của Gòn”, của Lêô Nguyễn Văn Quí.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét