Họ Chợ Đũi
I.Gốc
lập họ
Khi binh Langsa lấy thành
Sàigon là lối năm 1859, thì nhiều bổn đạo mấy nơi khác trốn cho khỏi quan cựu bắt
bớ, nên đến ở xung quanh Saigon cho gần người Langsa hộ vực. Vậy có nhiều kẻ tới
ở phía tây nam thành Saigon cùng làm nên một xóm có đạo kêu là họ Chợ Đũi. Khi ấy
Đức cha Đôminicô (Mgr. Lefèbvre) thấy số bổn đạo ở đó khá đông, nên đã cất một
nhà thờ, cùng giao cho cha sở họ Chánh Saigon coi luôn họ Chợ Đũi. Người ta nói
hồi đó số bổn đạo quá ngàn người, ở lải rải xung quanh chỗ đất bưng kêu là
Marais Boresse.
Sau lần lần các nơi đâu
đó đặng bình an, không còn sợ bắt bớ vì đạo nữa, nên có nhiều kẻ trở về xứ sở
mình; còn những kẻ ở lại, hoặc là có xin khẩn đặng đất, hoặc là cất nhà cữa ở tạm
đó thì không được bền, vì hễ khi nhà nước làm đàng sá sửa sang thành phố lại
phía đó chỗ nào, thì đuổi mấy nhà không cho ở nữa.
Vậy những bổn đạo đã tới ở
gầy nên họ Chợ Đũi đây, khi ấy hết thảy có được đạo hạnh tử tế chăng? Chắc thật
là phần nhiều tử tế mà cũng có phần nguội lạnh trễ nải, vì nhiều kẻ nghèo nàn
phải đi làm thuê làm mướn mà độ nhựt, cùng là những kẻ rối vợ chồng, cho nên
sinh cớ trễ nải là vậy.
II.
Các Cha coi họ
Ban đầu thì cha sở họ
Chánh Saigon cai luôn họ Chợ Đũi như nói ở trên, sau nầy thì mấy cha Annam ở họ
Cầu Kho coi họ nầy, cho tới đời Đức cha Mỷ (Mgr. Comlombert) thì Đức cha mới đặt
một cha tây làm cha sở ở quyết tại họ Chợ Đũi.
Các cha tây và annam đã
coi họ Chợ Đũi là mấy cha nầy: Cha Thiện (P. Oscar de Noioberne) từ năm 1859 tới
năm 1871; Cha Lành (P. De Kerlan) từ năm 1871 tới năm 1874, hai cha nầy là cha
sở họ Chánh Saigon. Kế đó, cha Khoa từ năm 1874 tới năm 1876; cha Nhi từ năm
1876 tới năm 1882, là hai cha sở ở họ Cầu Kho. Sau đó thì có mấy cha tây làm
cha sở tại họ, là cha Mão (P. Mossard) là Đức cha bây giờ, coi họ ấy từ năm
1882 tới năm 1887; cha Quang (P. Clair) từ năm 1887 tới năm 1891; cha Gẫm (P.
Renier) từ năm 1891 tới năm 1899; cha Lương (P. Lambert) từ năm 1899 tới năm
1916.
Cha Dư, cha Nhu, cha
Hoàng (P. Frison); cha Tôn (P. Quinton) Đức cha phó bây giờ và cha Nhượng, cũng
có thế đỡ coi họ Chợ Đũi một ít lâu.
Hồi mà chưa có cha sở ở
quyết tại họ, thì có nhà thờ bằng lá mà thôi. Tới khi cha Mão làm cha sở họ nầy,
thì đã xin khẩn được ba miếng đất nhỏ, cùng cất nhà thờ lại bằng ngói, cũng cất
nhà cha sở và trường học nữa. Sau đó cha Quang cất một nhà cha sở khác xứng vừa
hơn, lấy nhà cũ làm trường học cho đồng nhi, cùng làm chỗ cho mấy dì phước
annam ở mà dạy học. Cha cũng lo lập việc thánh Hài đồng, cùng lo gở rối cho nhiều
đôi vợ chồng đạo ngoại ăn ở với nhau, cho nên hễ một đàng trở lại thì đàng nọ
phải vô đạo, nhờ vậy mà cha đặng rửa tội cho kẻ lớn nhiều.
Khi cha Gẫm làm cha sở họ
nầy, thì đã cất một nhà lá để lo về việc thánh Hài đồng, mỗi năm cha rửa tội đặng
cho nhiều con kẻ ngoại và số tăng thêm luôn. Trong đời cha nầy thì họ Chợ Đũi
đã xin khẩn đặng nhiều đất rộng lớn đặng có chỗ cho bổn đạo ở, và lấy huê lợi
những đất ấy để giúp sở phí trong việc họ và trường học. Trong năm 1902 thì nhà
thờ đặng thêm một miếng đất khác nữa, làm của chung trong họ.
Qua năm 1904, làng Tân
Hòa (Chợ Đũi) nhập về thành phố Saigon, cho nên không thể mà giữ việc thánh Hài
đồng nữa, thật là sự đáng tiếc, vì số rửa tội cho con kẻ ngoại mấy năm sau hết
đó mỗi năm đặng hơn 150 linh hồn.
Tới năm 1900, nhà thờ hư
phải lo làm lại, cha sở không biết phải lấy tiền đâu mà làm. May đâu nhờ ơn
Chúa xui khiến, cho nên cựu cha sở Chợ Đũi là Đức cha Mão đã lo lắng và nhờ
lòng rộng rãi của ông Lê Phát Đạt, nên mới xây dựng đặng một nhà thờ cao lớn tốt
lành như thấy bây giờ đó. Cha Thiết (P. Boutier) khi ấy là sở Saigon, đã đứng
lãnh lo coi các công cuộc và nói đặng nhà thờ nầy là việc nhứt hảo của người
làm.
Vậy họ Chợ Đũi cũng như mấy
họ khác ở xung quanh Saigon, là từ sơ khai tới bây giờ thì đặng sự bình an
luôn, cho nên bổn đạo đều đặng giữ đạo thong thả, khỏi lo sợ sự gì, mà về sự lo
lắng khuyên lơn cho kẻ ngoại giáo ở xung quanh noi theo đàng chánh mà trở lại đạo
thì không có mấy người giáo hữu lo tới.
Trong họ có lập hai nhà
trường cho đồng nhi nam nữ và nhà cho mấy dì phước annam ở đặng dạy học, sở phí
về hai trường, về tiền lương cấp cho thầy giáo và mấy dì thì lấy của chung nhà
thờ.
Số bổn đạo trong họ được
1200 người.
Bây giờ thì cha Phước (P.
Poitier) làm cha sở họ Chợ Đũi.
N. K. Đ. P
Nguồn:
“Sưu tập các Họ đạo cổ xưa Sài Gòn”, của Lêô Nguyễn Văn Quí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét