ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

Rắn có phủ được mèo hay không? Nếu không, tại sao ở một số nơi miền Bắc lại có lưu hành câu “Rắn phủ l. mèo”?


ĐỘC GIẢ:Rắn có phủ được mèo hay không? Nếu không, tại sao ở một số nơi miền Bắc lại có lưu hành câu “Rắn phủ l. mèo”?

AN CHI: Về chuyện “rắn phủ mèo”, trong Chân trời khoa học (của báo Khoa học phổ thông) tháng 11 – 1990, kỹ sư Nguyễn Quốc Thắng đã giải thích rõ ràng như sau: “ Rắn thuộc lớp bò sát còn mèo thuộc lớp động vật có vú, hai lớp này rất khác xa nhau về mặt tiến hóa. Theo nguyên tắc của sinh vật học, hai loài khác nhau của cùng một giống đã rất khó giao phối với nhau huống hồ ở đây rắn và mèo có cấu tạo cơ quan sinh dục hoàn toàn khác nhau, do đó khẳng định chúng không thể giao phối với nhau được” (tr.56). Tất nhiên là có nhiều người quả quyết rằng chính mắt họ đã nhìn thấy rắn phủ mèo. Nhưng sự thật thì hoặc là họ đã nhìn gà hóa cuốc hoặc là – điều này có nhiều phần chắc chắn hơn – họ đã “tung tin vịt” một cách vô tội vạ mà thôi.
Còn “rắn phủ l. mèo” chỉ là một biến dạng của thành ngữ dán bùa l. mèo , một phần hẵn là cũng có do người ta vẫn vị ám ảnh bởi cái chuyện “rắn phủ mèo”. L. mèo là cái đầu hồi nhà, tức là cái phần hình tam giác bên hông nhà mà đỉnh là nơi hai mái nhà giáp nhau. Ngày xưa khi thợ mộc cất nhà xong, họ thường dán một lá bùa vào l. mèo nhà theo tín ngưỡng, mà có khi cũng chỉ đơn giản là theo thói quen nghề nghiệp. Câu dán bùa l. mèo bắt nguồn từ thực tế này; về sau nó đã bị từ nguyên dân gian bóp méo nên mới thành rắn phủ l. mèo.

Kiến thức ngày nay, số 98, ngày 15.12.1992


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét