ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2021

Cần một cái nhìn mới: Lịch sử đối chiếu Đồng Đại, Đa Sắc Tộc!

 CẦN MỘT CÁI NHÌN MỚI:

LỊCH SỬ ĐỐI CHIẾU ĐỒNG ĐẠI, ĐA SẮC TỘC!

/1/ Nước Việt với cương vực địa lý như hiện tại, trong tương lai có lẽ ... cũng vẫn còn như vậy.

Nhưng lịch sử của lãnh thổ VN đã được viết chỉ như là sự biến thiên, phát triển địa bàn của mỗi sắc tộc Việt, và do đó gây ra những "chấn thương văn hóa" đối với nhiều sắc tộc khác!

Đó là chưa kể còn đánh mất / lãng quên những kinh nghiệm rất hữu ích trong phát triển kinh tế, xã hội, tín ngưỡng của những sắc tộc khác theo đặc trưng của từng vùng!

/2/ Chẳng hạn, ĐÀNG TRONG. Vì sao chúng ta cần phải nhớ đến Đàng Trong?

(2a) Sự phân ranh Đàng Trong & Đàng Ngoài, nghịch lý tuyệt diệu thay - nhờ vào sự phân ly này mà thúc đẩy sự phát triển thịnh vượng hơn trong cái nhìn toàn cục, các Chúa Nguyễn đã yên tâm mà mở rộng cương vực với tốc độ nhanh hơn hẳn so với nhiều triều đại ngoài Bắc gộp lại (Lý, Trân, Hậu Lê).

Nếu không có sự phân định ĐÀNG TRONG, lấy gì chúng ta có Nam Kỳ (các em các cháu sống chế độ đời nay quen nghe là "Nam Bộ"), có Sài Gòn?

Cương vực của Đàng Trong về phía bắc giáp với Hà Tĩnh thuộc Đàng Ngoài. Có một "thiên định" cũng kỳ lạ lắm đa! Đó cũng gần như trùng với biên cương của Vương quốc Chiêm Thành với lãnh thổ nhà Ngô năm 938 lúc dựng nền tự chủ.

Vào năm 938 xửa xưa đó, từ Quảng Bình cho đến Ninh Thuận là lãnh thổ của Vương quốc Chiêm Thành ("Kingdom of Champa").

Còn toàn bộ lãnh thổ mà chúng ta gọi "Thủy Chân Lạp" (sau này gọi Nam Kỳ, rồi Nam Bộ), vào năm 938 là thuộc về chủ quyền của Đế quốc Cao Miên ("Khmer Empire"; trước đó nữa, từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 6 là Vương quốc Phù Nam: "Kingdom of Funan").

(2b) Nói cách khác, trước khi tộc Việt xuôi nam, dải đất duyên hải dọc miền Trung từ Quảng Bình trở vô, cùng với châu thổ miền Nam - dĩ nhiên - chẳng phải là đất vô chủ, mà hiện diện những bề dày lịch sử đã được xây đắp bởi các sắc tộc khác.

ĐÀNG TRONG, như vậy, không chỉ có thành phần tiên phong trong tộc VIỆT (dám nghĩ dám làm, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, từ bỏ lề thói cổ hủ ở đàng Ngoài nên lên đường xuôi vô phương Nam...).

Mà toàn bộ lãnh thổ Đàng Trong từng được "định vị" bởi những sắc tộc chủ nhân của CHAMPA (người Cham), FUNAN (người Stieng, người Chrau... được cho từng là cư dân trong Vương quốc Phù Nam xa xưa), KHMER.

Thêm nữa, vùng cao nguyên miền Trung từng tồn tại các Tiểu quốc Jarai, Tiểu quốc Maa, có các tộc người JARAI, MAA, BAHNAR, RHADE ...

(2c) Hợp thành NỘI LỰC cho Đàng Trong, như vậy, không chỉ văn minh Việt mà còn phải kể đến đặc biệt là văn minh Champa, văn minh Funan (chẳng hạn, văn hóa Óc Eo)...

/3/ Tại sao chỉ biết có mỗi sắc tộc Việt, còn những sắc tộc từng là chủ nhân trên nhiều vùng đất (mà trước kia không thuộc sắc tộc Việt) thì không được nắn nót trân trọng ghi lại?

Để có được cái nhìn toàn diện, sâu xa, cần phải viết theo phương pháp lịch sử đối chiếu:

Tức là đối chiếu ở từng mốc thời gian, với cái nhìn lịch sử ĐỒNG ĐẠI: tộc Việt làm gì, còn ở tộc Cham có những dữ kiện lịch sử gì trong triều đình Champa (thời điểm còn tồn tại) với những phát triển kinh tế / xã hội ra sao.

Cũng vậy, trên lãnh thổ cao nguyên, các sắc tộc Rhade (Êđê), Jarai... lịch sử diễn biến như thế nào.

Và ở vùng lãnh thổ "Thủy Chân Lạp", cùng một thời điểm tương ứng, đang thuộc Vương quốc nào với những vị vua nào, phát triển lịch sử ra sao .v.v...

THAY LỜI KẾT

Viết lịch sử đối chiếu (dựa trên từng vùng lãnh thổ của một số sắc tộc tạo nên bản sắc cho từng vùng) sẽ đem lại kho tàng tri thức hết sức phong phú. Mà do vậy, trở nên hữu ích!

Một khi các sắc tộc được xác định cùng nhau chia sẻ về tương lai chung, hẳn nhiên các sắc tộc anh em cũng phải được công bằng trong nhìn nhận quá khứ, đều được GHI LẠI TRONG BỘ LỊCH SỬ CHUNG của nước Nam!

Chừng nào chưa có cách viết CỞI MỞ, ĐA DẠNG theo phương pháp lịch sử đối chiếu, ắt sẽ còn những "chấn thương văn hóa" nơi các sắc tộc khác, âm ỉ kéo dài, khó dứt ./.

--------------------------------------------------------------



Nguồn: Mattheu NChuong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét