CHUỖI NGÔN NGỮ: "YỊT" / "YIỆT" / "VIỆT"
Theo phép chánh tả, viết "Việt", nhưng lạ
thay rất đông cư dân Nam Kỳ và nhiều tỉnh Trung Kỳ như "xứ Nẫu" Bình
Định, Phú Yên... vẫn giữ cách phát âm là "Yiệt", hay chính xác hơn nữa
là "Byiệt" (không phải "biệt", mà là mím môi lại [b] rồi bật
ra phát âm [yiệt], nghe vội thì hao hao mà không hẳn là âm [diệt]).
"Yiệt" là cách phát âm xưa trong tiếng nói của
tổ tiên chúng ta, trước khi xuất hiện âm [v] trong "Việt"! - theo một
khảo cứu của Trần Thị Vĩnh Tường (người gốc Bắc). Mời đọc đầy đủ các luận cứ của
bài này theo đường link ghi cuối stt (*). Ở đây tôi ghi chú ngắn gọn một số điểm,
và có dẫn giải thêm đôi phần.
&1&
* THIẾU ÂM [V] KHÁ NHIỀU trong tiếng nói ngày xưa, qua
dẫn liệu về văn bản ghi chép, đặc biệt là Từ điển:
Một tài liệu viết tay của một giáo sĩ (không rõ tên) tới
truyền đạo Công giáo, vào năm 1648, có ghi câu: "Nhơn danh Cha, ùa con,
ùa...". Phát âm "ùa", nay gọi là "và".
Đặc biệt, Từ điển "Dictionarium Annamiticum
Lusitanum et Latinum" (tiếng An Nam - Bồ Đào Nha - Latin) của Alexander
Rhodius (quen... sửa thành "Alexander de Rhodes"), năm 1651, là một cứ
liệu ghi khá tỉ mỉ về cách phát âm của người Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.
Tỉ dụ:
"con yịt", hoặc "con ụit" - tức
"con vịt" theo chánh tả hiện nay;
"ông bà ông byải", hoặc "oũ bà oũ
uãi" - tức "ông bà ông vãi" theo chánh tả hiện nay.
Cách ghi "uịt", "uãi" đọc như [wịt],
[wãi];
Cách ghi "yịt", "byải" (phát âm
mím môi [b] rồi bật ra "yải") - cách đọc hệt như người Nam Kỳ hiện
nay còn giữ: "vịt" vẫn đọc là [yịt], "vãi" vẫn đọc là [byải]
hoặc [yải]...
Vậy nên, chí ít là cho đến giữa thế kỷ 17, tiếng nói của
ông bà chúng ta thiếu vắng rất nhiều âm [v].
&2&
Còn một nguồn tham khảo hết sức quan trọng, đó là:
ngôn ngữ của NGƯỜI MƯỜNG - được xem là người cùng "phả hệ" với chúng
ta, còn gìn giữ nhiều từ vựng & phát âm nguyên thủy.
Theo nghiên cứu của Jeanne Cuisinier, trong tiếng Mường
cũng HẦU NHƯ KHÔNG THẤY ÂM [V]!
Bây giờ ta gọi "Việt (Nam)", nhưng trong tiếng
Mường đọc là "YỊT (Nam)";
Thêm vài tỉ dụ: "Vài đồng" - theo phát âm hiện
nay có [v] trong "vài", nhưng trong tiếng Mường là: "Bài tồng";
"chớ cãi vô lí" - theo phát âm hiện nay có
[v] trong "vô", nhưng trong tiếng Mường là: "chở cải bô lỉ";
"con vạc mà đi ăn đêm" - theo phát âm hiện
nay có [v] trong "vạc", nhưng trong tiếng Mường: "con Wac mà ti
ăn têm;
"mày đừng có vẽ chuyện ra nữa" - theo phát
âm hiện nay có [v] trong "vẽ", nhưng qua tiếng Mường là: "Da chở
cỏ wẽ chiễn tha nưa";
(mở ngoặc để ý chút: với câu trên, người Nam Kỳ sẽ nói
là "mày đừng có yẽ chiện ra nữa", [chiện] ở đây phát âm giông giống với
phát âm [chiễn] nguyên thủy trong tiếng người Yịt xưa, tức Mường).
&3&
Đến năm 1838, trong Từ điển Taberd thấy xuất hiện nhiều
âm [v]!
Tỉ dụ: ở từ điển Alexander Rhodius ghi "muôn uật"
=> từ điển Taberd ghi "muôn vật"; từ điển A. Rhodius ghi "uiệc
Chúa" => từ điển Taberd ghi "việc Chúa" ...
Điều này chứng tỏ trong gần hai thế kỷ (Từ điển A.
Rhodius xuất hiện 1651 cho đến Từ điển Taberd 1883):
- hoặc là người [V]iệt đã có những thay đổi trong phát
âm;
- hoặc là Taberd cùng cộng sự đã loại bỏ những âm như
[b-ỳơ] rồi khoác cho âm [v] giống tiếng Latinh.
Dù luận giải kiểu nào, âm [v] cũng đã xuất hiện ít nhiều
trong lối ăn tiếng nói trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ
19.
Nhưng, âm [v] không chiếm địa vị phổ biến cả nước, bằng
chứng là người Nam Kỳ & người Trung Kỳ như "xứ Nẫu" không phát âm
[v] trong "Việt" mà họ vẫn phát âm như trước đó là [b-yiệt] hoặc
"Yiệt".
&4&
Có người nhắc tới "Bình Ngô đại cáo" do Nguyễn
Trãi soạn thảo vào năm 1428, có câu: 惟 我 大 越 之 國
"Duy ngã Đại Việt chi quốc". Để cho rằng ngay từ giữa thế kỷ 15 đã xuất
hiện âm [v], đó, trong "(Đại) Việt...", đâu phải đợi đến khoảng giữa
thế kỷ 17 trở đi!
Cái này cầm bằng "suy luận ngược" mà không
hay.
4a/ Dòng chữ: "duy ngã Đai Việt chi quốc" mà
bạn đang đọc, bạn quên mất đó là ... dòng chữ đang được viết bằng thứ chữ Quốc
ngữ (chữ abc) đó đa!
Xưa kia, chữ Hán lẫn chữ Nôm đều không phải là những
thứ chữ ghi âm/ ghép âm, hễ gặp chữ nào thì phải học thuộc lòng cách phát âm của
chữ đó, đụng phải chữ khác mà thầy chưa dạy thì... bù trất, khỏi biết đọc luôn.
4b/ Chúng ta biết được cách phát âm văn bản chữ Hán của
"Bình Ngô đại cáo" (BNĐC) là nhờ sử gia Trần Trọng Kim, ông là người
ĐẦU TIÊN dịch BNĐC ra chữ quốc ngữ, vào năm 1916 (trong sách "Sơ học An
Nam sử lược", dich một số đoạn). Đến năm 1919 ông dịch toàn văn BNĐC, công
bố trong cuốn "Việt Nam sử lược".
惟 我 大 越 之 國
實 為 文 獻 之 邦 。
Cách đọc gọi là "âm Hán-Việt" được ông Trần
Trọng Kim viết ra bằng chữ Quốc ngữ như sau:
"Duy ngã Đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang"
Và ông dịch nghĩa, cũng bằng chữ Quốc ngữ như sau:
"Như nước Việt ta từ trước
Vốn xưng văn hiến đã lâu"
Nên chú ý: sử gia Trần Trọng Kim đọc 越
thành "VIỆT" trong bối cảnh đầu thế kỷ 20 (ấn bản 1916, và 1919), mà âm
[v] trong "Việt" như đã diễn giải ở trên là xuất hiện từ giữa thế kỷ
17 trở lại đây!
Thành thử lúc sử gia Trần Trọng Kim dịch thì đương
nhiên 越
phát âm: "Việt".
Còn Bình Ngô đại cáo xuất hiện vào thế kỷ 15, văn bản
Hán tự thì vẫn chỉ một, nhưng phát âm cho chữ 越 do chưa có âm [v], nên đọc
thành "Yiệt".
&5&
Chữ 越 được phát âm theo chuỗi
sau: YỊT / YIỆT / VIỆT
Vừa là chuỗi có sự tiến triển theo dòng thời gian
"Yịt" trước, đến "Yiệt", rồi mới đến "Việt". Lại
vừa là chuỗi tiếng nói cùng đồng hiện - cả ba lối phát âm đều đang tồn tại hiện
nay, quả là độc đáo hết sức!
Ngay lúc này "Yịt" vẫn hiện diện trong cách
nói của người Mường (được xem là [V]iệt cổ), cư dân Nam Kỳ & một số tỉnh
Trung Kỳ vẫn phát âm "Yiệt", song hành với cách phát âm "Việt".
Về mặt chánh tả, khi âm [v] nay đã ngày càng nhiều,
thành thử mới phải viết: "VIỆT NAM". Nhưng mặt khác, việc giữ gìn
cách phát âm "YIỆT" ("B-yiệt") một cách bền bỉ - chính là
cách đền ơn tổ tiên đáng quí hết sức! ./.
--------------------------------------------------------------------
(*) Nguồn bài gốc: http://vietsciences.free.fr/.../vuanlichsuvietnamyiecnam...
- Một số hình ảnh trong lối sống của người Yiệt ở Nam Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét