HẠNH TÍCH CHA CAMILLE LAURENT (CHA BÍNH)
Cựu
chánh sở Chợ-quán
---------------------
Vừa đặng tin cha Laurent
đã li trần, thì tờ báo Nam Kỳ ngày mồng 8 tháng Février, đăng ít tiếng lược tóm
về hạnh tích người như vầy:
“Cha Laurent là một vị
linh mục thừa sai, thâm niên trong địa phận, tánh tình ngài rất đạo đức thuần hậu,
ra bề khuất tịch thanh vắng, quanh năm hằng ăn chay cầu nguyện, để kéo lòng
nhơn từ Chúa thương xót đoàn chiên. Trong vòng năm mươi bốn năm trời, ngài đã
hi sinh trót thân tâm trí chí, đổi đi nhiều chỗ, làm nhiều việc bổ ích cho địa
phận và cứu giúp linh hồn người ta giữa đất Việt Nam.,”
Kẻ đọc hạnh người sau đây
sẽ thấy những đều viết trên đó chẳng phải là nói quá đâu,..
Tại làng Sercœur, thuộc về địa sở tĩnh Vosges, bên nước
Phalangsa, có một nhà nông phu kia, chồng tên là Nicolas Laurent, vợ là
Célestine Sulfroy. Cả hai là người ngoan đạo sốt sắng, tánh tình chơn chất thật thà,
cùng ham công ăn việc làm. Bề sanh nhai gia đạo nầy, tuy không đặng chữ phú hộ,
chớ cũng dư ăn dư mặc. Mua đặng nhiều sở ruộng, nhiều đồng cỏ để nuôi dê nuôi
bò lấy sữa, hai vợ chồng sanh đặng hai người con, một trai một gái. Trai đầu lòng
sanh ra ngày 14 Mai năm 1855, chào tên thánh Camille. Từ nhỏ, nhờ cha mẹ ân cần
dạy dỗ, cùng tập luyện đàng lành, nên vừa đặng 12 tuổi, cha mẹ cho Camille theo
thầy cả bổn sở mà học tiếng Latinh, đặng sau vào trường dọn mình làm thầy cả.
Cha sở dạy dỗ trọn ba năm, rồi cho Camille vào trường Latinh địa phận
Saint-Dié, ở đó, Camile tận tâm lo bề trau giồi đức hạnh, cùng học hành kinh sử.
Khi đặng 22 tuổi, thì Bề Trên cho người chịu chức thứ năm. Lúc đó, nhờ ơn Chúa
soi sáng giục lòng, nên Camille thưa cùng cha mẹ và xin phép Đấng Bề Trên trong
địa phận, cho người nhập trường Hội giảng đạo ngoại quốc ở Paris, đặng dưng
mình đi giảng đạo trong các xứ kẻ ngoại.
Vừa đặng phép Bề Trên,
thì Camille mau mau giã từ mẹ cha cùng bà con, lên đàng thẳng qua Paris nhập
trường Hội Giảng.
Ở đó gần ba năm, Camille
cũng giữ một lòng ân cần sốt sắng cũng như hồi ở trường Saint-Dié. Qua đầu năm
1880, người đặng 25 tuổi, thì Bề Trên cho người chịu chức chánh tế, cùng định
sai người sang Nam-kỳ giảng đạo. Chịu chức rồi, người còn ở lại Paris, chờ ngày
xuống tàu trẩy đi, chẳng hay một buổi kia, có tin cho người hay, ông già người
mới qua đời... Vừa đặng tin nầy, thì lòng người bủn rủn, nhớ đến mẹ già người sẽ
bỏ lại một mình, không ai phụng dưỡng, vì lúc đó người em gái đã có đôi bạn và
có gia thế rồi... Lòng người lưỡng lự, không biết phải tính cách nào, phải trở
về chôn cất cha già cùng an ủi mẹ, hay là phải ở lại Paris dọn đồ xuống tàu...
Vậy người bèn đến viếng cha Bề Trên cai trường, lúc đó là cha Delpech, cùng bàn
tính cho biết phải làm thế nào... Cha Bề Trên nghe các đều, rồi làm thinh suy
nghĩ một hồi, đoạn day lại nói cùng cha Laurent như vầy: Con về hay không thì
việc cũng đã rồi, lại nữa về nhà, con sẽ gặp nhiều đều làm cho con phải âu lo
áy náy... Tốt hơn con phú dưng mọi sự đó như của tế lễ, mà dưng cho kẻ ngoại
giáo con sẽ đi giảng dạy... Con hãy ở lại sửa soạn công việc hành lý con cho sẵn
đặng xuống tàu trẩy đi... Nghe như vậy, dầu trong lòng xót xa đau đớn, song người
sẵn lòng vưng theo ý Đấng Bề Trên mà ở lại. Cách ít ngày trước khi người xuống
tàu, thì bà già cùng cha sở họ của người, đến tại trường Paris thăm cùng từ giả...
Vừa khi cha Laurent bước chơn vào nhà khách, thấy mẹ người mặc áo đen màu tang
chế, một bên thì thấy cha sở già lụm cụm đứng đó. Cha vừa thấy thì lòng bắt cảm
động, nhớ đến ông già mới nhắm mắt không đặng mấy ngày... Nước mắt tuôn xuống
như mưa, hai mẹ con ôm lấy nhau mà không nói đặng một tiếng nào hết !... Đến
sau khi người thuật lại chuyện nầy, thì thêm rằng: lúc đó tôi còn sốt sắng lắm,
nên mới có thể mà thắng đặng lòng tôi, chớ theo lẽ thường thì tôi phải trở về
theo mẹ tôi... Nếu không có ơn Chúa giúp cách riêng, thì chắc là tôi không qua
xứ này đặng !..
Cách ít bữa sau, người
giã từ quê xứ xuống tàu, rồi qua ngày mồng 5 Mai năm 1880, người tới bến
Saigon. Đầu hết, Đức cha Colombert sai người vô ở thế ít tuần tại Chợ-lớn, sau
cho người xuống Cái-mơng ở với cha Bề Trên Quí học tiếng annam, qua tháng
Février năm sau là năm 1881, Đức cha sai người lên ở giúp cha Hamm (cha Tài) ở
Thala. Cách ít tháng, cha Tài đổi, thì người lãnh coi họ Thala cho đến năm
1889..
Lúc cha Laurent lãnh sở
Thala, thì số bổn đạo họ nầy đặng 1.300 người, song mọi sự đều phải gầy dựng lại
hết, nhà thờ hư dột, nhà cha ở thì gần sập ngã. Thấy vậy không lẽ khoanh tay ngồi
ngó, nên cha Laurent mới khởi công cất nhà thờ. Trước nhờ Đức cha Colombert
giúp chút ít, sau trong họ đồng lòng phụ lực với cha. Nên cuối năm 1885, thì
nhà thờ cất xong xuôi. Nhà thờ cất vừa rồi, cha không chịu nghỉ, tính luôn tay
cất thêm nhà ở... Song lúc đó, bạc tiền không đặng dư giả như đời bây giờ, nên
cha phải xin chỗ nầy nơi khác, phải gởi nhiều bức thơ về bên quê nhà mà xin cứu
giúp... Nhờ đó cha cất đặng cái nhà cha ở. Nhà thờ và nhà ở còn vững chắc cho đến
ngày nay. Các cuộc xong xuôi, một bữa chiều nọ, ăn cơm tối rồi, cha xách ghế ra
ngoài sân ngồi hóng mát. Bỗng đâu một ý kiến xảy ra, cha nghĩ thầm, nhà thờ mà
không có chuông, coi cũng buồn, mà mua chuông, thì tiền ở đâu mà kiếm cho ra!...
Nội đêm đó cha nghĩ không an, nằm lăn lộn trên giường, lấy hết trí não, kiếm thế
thần cho có đủ số bạc mà mua ba cái chuông.. Vậy cha xin trong họ kẻ ít người
nhiều, và cha cũng xin bên Tây phụ giúp, kế ít lâu sau cha gởi mua ba cái
chuông. Chẳng may, trong lúc đó Đức cha đổi người xuống coi sở Cái-bè, nên chừng
chuông tới thì người đã đi rồi! Cũng là sự rủi cho cha, số là chiếc tàu chở ba
cái chuông đó, khi vô cữa Aden, thì nó đụng một chiếc tàu khác đang đậu trong bến,
nên ba cái chuông phải nằm dưới biển gần sáu tháng trời, sau trục lên đặng rồi
mới chở về Saigon!
Cha Laurent coi họ Thala
gần đặng tám năm, trong vòng mấy năm đó, cha phải lo chạy tiền mà cất nhà thờ
nhà ở, cùng tu bổ sắp đặt các việc trong họ. Lại nữa một mình cha gánh vác, chẳng
có cha nào khác ở giúp người. Nên trong sổ năm 1888, cha làm trước khi giao họ
Thala cho cha Frison (cha Hoàng) thì cha có để ít lời, tỏ lòng cha tiếc, vì một
mình phải lo các việc bề ngoài, nên không có thế mà lo cho chầu nhưng đạo mới đặng...
Tại cớ đó mà mấy năm người coi họ, thì số bổn đạo Thala không tăng lên đặng bao
nhiêu.
Đổi
về Cái-bè 1889 - 1913.
Nhà thờ, nhà cha ở cất vừa
xong, cha còn tính sắp đặt công việc, lo bề sanh nhai cho bổn đạo, vì lúc đó ở
Tha-la người ta nghèo khổ, ít có bề thế làm ăn. Chẳng may, đầu năm 1889, có lịnh
Đức cha Colombert đổi cha xuống coi sở Cái-bè thế cho cha Greset. Vừa đặng lịnh
Đức cha, thì người giã từ bổn đạo họ Tha-la rồi xuống nhận sở Cái- bè, là lối
tháng Janvier năm 1889. Khi đó sở Cái-bè tính hết thảy đặng 18 họ nhỏ, số bổn đạo
đặng 1.200. Còn tại họ Cái-bè thì số bổn đạo đặng 249 người mà thôi. Hồi cha
Laurent xuống lãnh sở, thì trúng là lúc việc đạo suy sụt nhiều: vì đời cha
Simon coi sở Cái-bè, nhơn số bổn đạo tại họ Cái-bè mà thôi thì trên 500, song lần
lần, phần thì cha Simon đổi, phần thì ông Giuse Phước qua đời, Ông nầy là đứng
khởi lập họ Cái-bè và có quyền thế lắm, ai nấy cũng mến yêu kính chuộng. Bổn đạo
lúc đó phần đông là đạo mới, thấy vậy thì sờn lòng và sau nhiều người đã bỏ đạo.
Lúc cha Laurent về coi sở, thì số người bỏ dạo tính đặng 143 người. Cũng có nhiều
gia đạo đi xứ khác cho dễ kiếm bề làm ăn. Còn số con nít học các trường trong sở
Cái-bè tính đặng 120 đứa. Song khi đó chưa có trường nhà phước dạy như bây giờ.
Trường nam thì giao cho thầy giáo dạy, còn trường nữ thì mỗi họ chọn ít người
nhi nữ, có trí và có lòng đạo đức hơn, đặng lãnh việc dạy kinh phần cho con
nít. Lại nữa, học trò không có học quanh năm như bây giờ, có trường một năm học
hai tháng, trường khác học bốn tháng, tùy chỗ và tùy số con nít.
Con phần huê lợi các họ
thì không có bao nhiêu, vì lúc đó mọi sự dều mới gầy dựng. Theo sổ năm 1889,
thì nội sở Cái-bè số thâu tính chung hết thảy 413 đồng bạc! Sánh lại với bây giờ,
thì như không vậy, song thật cũng nhờ các cha buổi trước biết lo, nên gần hết mỗi
họ nhỏ đều có chút đỉnh huê lợi, để lấy đó mà tu bổ các việc trong họ. Hồi đời
cha Launay coi sở Cái-bè, thì người xin nhà trước khẩn một sở đất ba trăm mẫu tại
làng Mỷ-lợi, mỗi năm đặng chừng bốn thiên lúa, lấy đó mà xây dụng cùng bồi bổ
các việc trong phần sở Cái-bè.
Cha Laurent vừa xuống lãnh
sở, thì người liền ra tay lo việc giảng đạo, cha xin thầy trường Latinh đến dạy
chầu nhưng đạo mới, xin nhà phước Chợ-quán đến dạy trường trong sở. Đến sau khi
có thầy giảng, thì hằng năm cha cũng xin nhiều thầy đến giúp cha mà dạy chầu
nhưng trong họ nhỏ. Đức cha cũng cho hai cha phó để phụ lực với người mà lo các
họ trong sở Cái-bè.
Khi cha Laurent xuống coi
sở Cái-bè, thì nhà thờ đã cất xong rồi. Vì năm 1885, đời cha Greset, thì ông phủ
Lộc đã xuất gần một muôn đồng mà cất nhà thờ. Song nhà cha ở thì chưa có, nên
cha Laurent xuống ở ít lâu, thì người lo cất nhà ở, nhà đó còn vững chắc đến
nay.
Cha cũng lo xin quan trên
đặng lãnh bằng khoán đất ba trăm mẫu cha Launay đã khẩn tại Mỷ-lợi. Trong việc
nầy, cha gặp nhiều đến khuất trắc, song khá nhờ ơn Chúa sau hết mọi sự đều
xuôi. Nên cha mới lo cho bổn đạo khai phá làm ruộng và nhờ đó ngày nay sở Cái-bè
có đủ mà lo các việc sở phí trong sở.
Cha cũng năng đi viếng
các họ nhỏ trong sở cùng thúc giục kẻ giúp việc với người lo mở mang nước Chúa.
Song miệt Cái-bè việc giảng đạo chậm phát lắm, gặp nhiều đều ngăn trở, lại nữa
tánh tình người xứ nầy lâu thấm việc đạo. Nên trong sổ năm 1910, cha để ít tiếng
mà rằng: số bổn đạo trong phần sở Cái-bè không tăng lên bao nhiêu, dầu lập nhiều
họ nhỏ, dầu cất thêm nhiều trường học, song coi lại thì bề tấn bộ có hơi chậm
quá, không vừa xứng với công khó đã làm... Cha cũng nói, Chúa còn để một chút sự
an ủi cho cha là, nhà mồ côi cha lập tại họ Cái-bè, hằng năm gởi về nước thiên
đàng trên 150 linh hồn con nít kẻ ngoại cho. Cha coi họ Cái-bè đặng 24 năm,
song bề an ủi không đặng bao nhiêu, gặp nhiều sự khó, lại nữa số bổn đạo cầm cự
vậy không tăng lên bao nhiêu. Hồi cha lãnh sở, số bổn đạo đặng 1.200, đến khi
cha đổi thì số bổn đạo trong sở Cái-bè tính chung đặng 1.600. Lúc đó các họ nhỏ
đâu đó công việc đã sắp đặt yên bài rồi, và nhiều họ có cha sở ở.
Đổi
về Chợ-quán năm 1913 tới năm 1934.
Năm 1913 cha Dumas già yếu,
nên xin từ chức bề trên trường Latinh. Vậy Đức cha Mossard đặt cha Bề trên Delignon
lên làm Bề trên cai trường Latinh và đem cha Laurent ở Cái-bè về coi họ và nhà
phước Chợ-quán. Ở Cái-bè tuy phần an ủi không đặng bao lăm, song ở lâu năm sao
khỏi mến, lại cha lớn tuổi cũng có nhiều chứng bịnh, sợ không sức mà gánh vác
công việc. Tuy vậy, vừa đặng lịnh Đức cha đổi, thì người không chối cãi từ an,
cúi đầu vưng lời, lo sắp đặt công việc trong phần sở, rồi giã từ bổn đạo Cái-bè
mà về Chợ-quán. Cha về Chợ-quán làm lễ tân quan, ra mắt với bổn đạo là ngày 15
tháng Août năm 1913, trúng ngày lễ Đức Bà Mông Triệu thăng thiên. Thật cha khéo
lựa ngày về nhận sở! Lúc cha Laurent về lãnh sở, thì số bổn đạo họ Chợ-quán đặng
1.300, còn số bổn đạo trong sở tính chung đặng 6.246. Nhà phước lúc đó nhơn số
đặng 90 người.
Về Chợ-quán cha thấy nhà
thờ cất đã lâu năm (cất năm 1885 đời cha Hamm, cha Tài) mối mọt ăn hư hao nhiều
chỗ, ắt chẳng chầy thì kíp phải sửa lại. Song nhà thờ không có huê lợi, lại nữa
công việc làm bạc muôn không đủ, nên cha tính mỗi tháng cho quới chức đi góp tiền
trong họ. Ý cha là lo trước cho có sẵn đồng tiền trong tay, đến sau cha nào
khác tới thì có sẵn mà sửa nhà thờ. Chớ phần cha tuổi đã cao, lại thêm bịnh hoạn
không thể lo đặng. Cha lo góp nhóp như vậy đã ngoài mười mấy năm trời, khá bổn
đạo cũng sẵn lòng, ai nấy đua nhau phụ giúp. Một ngày kia, cha cho thợ lên sửa
mái nhà thờ, thay ít tấm ngói mấy chỗ dột, song thợ thấy cái sườn nhà đã hư nhiều,
mối ăn gần rã, nếu không lo sửa lại, rủi lúc dông gió sợ mái nhà phải đổ. Việc
gấp không thể trì huởn đặng nữa, lại lúc đó cha đau yếu, song cũng rán gượng khởi
công làm liền. Đầu hết, cất một nhà thờ tạm bằng lá cho có chỗ bổn đạo đến đọc
kinh xem lễ, rồi mới lo dỡ mái nhà trở xuống làm lại hết, làm toàn cây sao chắc
chắn, không còn lo mối mọt ăn phá nữa. Còn plafond làm theo kiểu kim thời,
trong có mành sắt, mấy mươi năm cũng không sợ hư rã. Mấy cữa sổ xưa bằng cây
ván, bây giờ làm lại bằng ciment đút, đã chắc lại đẹp. Dưới thì lót gạch bông
mua bên Đại-pháp, trong cung thánh và mấy hàng cột, thì vẽ bông Sơn dầu, đâu đó
trong ngoài đều sơn phết lại, nên nhà thờ coi vển vang rực rỡ, tốt đẹp hơn xưa
bội phần. Cha cũng lo làm thêm cái tháp lầu chuông, làm toàn bằng ciment đút. Tốn
hao trên muôn, đó cũng nhờ lòng rộng rãi hai ông bà Phủ Năm, nên nay nhà thờ Chợ-quán
mới có cái tháp cao! Công việc khởi làm trong tháng Novembre năm 1927, qua năm
sau là năm 1928, tháng Octobre, thì mọi việc đều xong, và ngày lễ Đức Chúa
Giêsu là vua, thì làm lễ trong nhà thờ mới.
Cất nhà thờ xong, cha
cũng lo cất nhà trường nữ và làm vách thành, sơn ly sắt trước nhà thờ. Lúc đó
nhà nước sửa cái đường trước nhà thờ cho rộng hơn, nên khi các cuộc xong xuôi rồi,
thì hình cảnh nhà thờ Chợ-quán liền đổi ra khác, coi xinh đẹp lại oai nghi, xứng
nơi để thờ phượng Chúa. Kẻ qua người lại ngó vô đều trầm trồ khen ngợi!
Công cuộc ngày nay mà đặng
vinh vang toàn hảo như vậy, thì trước là nhờ cha sở đốc công lo lắng, sau cũng
nhờ cha phó cùng quí chức bổn đạo tận tâm hiệp lực. Cha sở thì ra công phổ quyến
xin tiền, cha phó ở nhà đứng coi công thợ, rảo ruông khắp chỗ, kiếm từ miếng
ngói, lượm từ tấm gạch, không để một món chi mà hư hao vô ích! Quới chức hằng
ngày thay phiên đứng coi trộn hồ gánh cát. Còn phần bổn đạo, thì hết thảy kẻ
giàu người khó, ai nấy cũng rộng tay phụ giúp, hễ nghe cha sở hụt tiền trả cho
công thợ, thì liền mau mau đem đến cúng dưng. Thật trong cuộc nầy, bổn đạo họ
Chợ-quán đã tỏ ra lòng rộng rãi hảo tâm đáng khen là dường nào! Chắc Chúa không
lẽ mà chẳng trả lại muôn ơn phước đời nầy và đời sau!
Cha ở trong họ bổn đạo một
ngày một hiểu tánh ý, nên ai nấy đều đem lòng mến yêu kính phục. Qua đầu năm 1930,
ngày 20 tháng Février, giáp 50 năm cha thăng quờn chánh tế, thì bổn đạo họ Chợ-quán
hiệp lực cùng cha Phó, bày ra một cuộc lễ rất rỡ ràng long trọng, để tỏ chút
lòng hiếu cùng cha sở già. Đây không cần phải thuật lại các cuộc làm chi, ai nấy
cũng còn nhớ, vì trong địa phận nầy, đôi khi cũng có lễ vàng, song ít chỗ mà
dám bì với cuộc lễ vàng làm tại họ Chợ-quán. Ngày đó chính Đức Khâm sứ Tòa
thánh dự lễ, Đức Khâm sứ là người bổn hương với cha Laurent, và quen biết nhiều
thầy cả học một lớp với cha tại trường St Dié. Cũng có Đức cha Herrgott, Giám mục
địa phận Nam - vang đến chầu lễ nữa. Khi xưa Đức cha Nam-Vang còn làm cha sở họ
Trà -lốt, còn cha Laurent coi họ Thala, thì hay qua lại viếng thăm nhau, nên vì
tình cựu ngãi xưa, Đức cha không nệ đàng sá xa xuôi, đến chung vui cùng bổn đạo
họ Chợ-quán. Còn Đức cha địa phận Saigon, thì gởi tâu bên Tòa Thánh, về công việc
cha Laurent đã giúp ích trong vòng 50 năm tại đất Nam-kỳ thì Đức Giáo Tông hạ lịnh,
dạy đánh dây thép mà chúc mừng và ban phép lành Tòa Thánh, để thưởng công khó
cha, đã bỏ quê lìa xứ qua giúp việc Chúa tại địa phận Saigon, mà chẳng có khi
nào hồi gia. Trong cuộc lễ nầy bổn đạo họ Chợ-quán đã lấy hết tâm lực cùng lòng
mến yêu mà đối đãi với đấng chăn chiên lành. Cha Laurent thấy lòng con cái rất
hảo tâm, thì người cảm động vui mừng. Rồi cuộc lễ, cha có gởi về bên quê nhà,
và cho kẻ quen biết bên Pháp, hình chụp trong cuộc lễ vàng, và những bài đã
đăng trong các báo về cuộc lễ nầy. Bên tây đọc mấy bài và thấy hình gởi qua,
thì đều khen ngợi bổn đạo Annam, tiếp đãi các đấng giảng đạo ngoại quốc một
cách rất trọng hậu. Chính tờ báo Semaine Religieuse địa phận St Dié cũng thuật
lại cuộc lễ vàng nầy, và có để ít lời khen ngợi đức tin và lòng hảo tâm con nhà
giáo hữu Annam.
Khi cha Laurent về lãnh
coi họ và coi nhà phước, thì số các Dì các chị tính chung đặng chừng 90 người
mà thôi. Lúc đó bà Maria Mai làm bà nhứt, còn bà Quế làm bà nhì. Nhà cữa còn chật
hẹp thiếu thốn nhiều bề. Song số kẻ xin vào dòng thì một ngày một đông nên
không đủ chỗ. Vậy cha mới nhứt định nối thêm hai đầu cái nhà từng cũ cho rộng
hơn, vừa có chỗ cho 150 người ở đặng. Cách ít lâu sau, Chúa mở lòng soi khiến,
chắc cũng nhờ lời cha kêu xin, nên các nơi nhiều người xin vô nhà phước. Lại nữa
lúc đó mới có luật Hội thánh ra, trong các nhà viện tu, kẻ khấn hứa rồi và người
còn ở nhà tập mình, thì phải ở riêng. Vậy cha bàn tính với bà nhứt Mai và bà
nhì Linh, rồi ra tay cất một nhà từng chắc chắn rộng rãi, kiểu coi rất đẹp, để
làm nhà tập mình cho các chị áo trắng. Lúc đó bạc tiền không có đủ, nên cha và
nhà phước phải nhín nhút, cùng xin nhiều chỗ thi ân làm phước cho có đủ số bạc,
rồi cha con trong nhà đứng ra coi làm, khỏi đốc công cũng khỏi mướn cập rằng.
Lúc đó nhờ có Bà Linh, là một người khôn ngoan lại thông thạo công việc. Bà phụ
với cha sở mà coi làm, cách qua năm sau là năm 1926, thì nhà các chị áo trắng cất
xong.
Đó rồi cha cũng lo sửa
nhà thờ nhà phước, nối thêm hai cánh hai bên, cho có chỗ cho các dì ngồi đọc
kinh xem lễ.
Cách ít năm sau, coi đi
coi lại, thì thấy nhà các Dì cũng là chật rồi, số trong nhà phước lúc đó trên
200 người. Cách nào cũng phải cất thêm một nhà nữa mới có chỗ đủ cho các dì ở.
Lúc bấy giờ Bà Linh đã quá vãng rồi, phần cha cũng yếu sức, không dám đứng ra mà coi làm như trước. Vậy cha mới giao
công việc đó cho ông Đốc công Quan ở Gia-định, và ít lâu sau thì thấy bên kia
nhà tập mình, một tòa nhà lợp ngói vách gạch, cao hai từng, dài trên 40 thước
tây, xung quanh có hàng ba mát mẻ khoản khoát.
Từng trên để làm nhà ngủ,
còn ở dưới thì để cho các Dì tựu lại hoặc làm việc, hoặc nghỉ chơi. Đâu đó đều
sạch sẽ vén khéo. Nhà áo đen cất rồi, sẵn đồ còn dư, thì cha cất một Nữ Học Đường
cũng trong rào nhà phước, và giao cho các dì lo việc dạy con nít các nơi người
ta gởi tới. Công việc làm đây tốn hao rất nhiều, lại phần nhà phước không có của
dư, nên cha phải phụ giúp, có bao nhiêu cha cũng đổ vô đó, mà làm cho thành
công việc. Phải Chúa cho cha còn sống ít lâu nữa, thì chắc cha sẽ lo các nhà thờ
nhà phước lại cho rộng lớn hơn. Ít tháng trước khi cha qua đời, thì cha đã sửa
soạn bàn tính cùng lo kiếm tiền mà sửa nhà thờ nhà phước, song Chúa rước cha đi
trước không kịp thi hành như lòng cha sở nguyện!
Cha Laurent tướng diện
coi mạnh mẽ khẳng khái, ngôn từ có hơi cứng một chút. Bề giao thiệp không đặng
niềm nở, nhứt là với kẻ cha ít quen biết. Đó là tánh tình người ở miền xứ
Vosges là như vậy. Bỡi đó kẻ không biết cha thì có hơi ngại một chút. Bề ngoài
coi như vậy, chớ thật sự bề trong thì khác xa lắm. Cha Laurent là một người có
lòng đại độ, hay thương người ta, mau động tình mủi dạ, bề ngoài coi cứng là
bao nhiêu, thì lòng cha ngọt dịu là bấy nhiêu. Cũng như thứ quả kia, ngoài vỏ
coi u nần gai gốc, song trong ruột thì rất ngọt bùi. Nên ở đời chớ xem nét mặt
mà xét tánh người, vì lắm khi có chỗ lầm. Bổn đạo các họ cha coi sóc, ban đầu
chưa rõ ý cha, thì không dám vãng lai, đến sau rõ đặng lòng cha, thì ai nấy đều
đem lòng tríu mến. Lại nữa cha Laurent là một người thật tình ngay thẳng, khẩu
tâm như nhứt, trí tưởng sao miệng nói vậy, lời nói đơn sơ, không chuốt ngót mà
cũng không giấu ý quanh co. Tánh cha đơn sơ thật thà, và dè dặt, không ưa xen dự
đến việc kẻ khác, tại đó mà mấy cha phó tùng sở cha, thì ai nấy cũng mến thương
cha.
Còn lòng đạo đức cha, thì
nói đặng cha Laurent là một vị linh mục rất từng nhã trong đàng trọn lành, nhứt
là lòng yêu mến Chúa và sự sống thiêng liêng bên trong. Cả đời cha đã tận tâm
luyện tập cùng trau giồi linh hồn về đàng ấy một cách rất tinh ròng. Coi cách
cha sống thì liền rõ đều ấy. Mỗi ngày ba giờ sáng thì cha đã xuống khỏi giường
rồi, đoạn vào nhà thờ suy gẫm đọc kinh, đi đàng thánh giá, dọn mình làm lễ. Lúc
mạnh cũng như hồi đau, cha hằng giữ luôn như vậy cho đến chết. Làm lễ rồi cha
quì cám ơn lâu giờ, còn cả ngày thì hết hai phần, cha ở trong nhà thờ, đọc
kinh, coi sách thiêng liêng, nói khó cùng Chúa. Nhiều lần thấy cha ngồi trong
nhà thờ lâu giờ, mắt sửng nhìn trên nhà tạm. Thật cha có lòng mến yêu Đức Chúa
Giêsu trong phép Thánh Thể rất tận tình, cùng lấy nhà thờ như nhà cha ở, năng
ra vào nói khó cùng Chúa. Cha biết mình già yếu không thể lo việc giảng dạy,
nên cha phú giao việc trong họ cho cha Phó, còn phần cha thì lãnh việc quì chầu
nơi cung thánh, mà nguyện cầu Chúa tuôn các ơn cho con chiên người coi sóc!
Cả đời cha ưa sự tịch mạc
thanh vắng, ít ưa ra vào với kẻ khác, cha tìm sự vắng vẻ để dễ bề nói khó và kết
hiệp cùng Chúa.
Còn phần hãm mình, thì
nói đặng cả đời cha ăn chay luôn, vì mỗi ngày cha ăn có một bữa trưa mà thôi,
còn tối thì cha ăn ít trái chuối, uống một ly nước lã rồi đi nghỉ. Đã vậy Chúa
còn gởi cho cha nhiều thứ bịnh khác, vì thánh giá là của Chúa thường ban cho kẻ
Chúa mến yêu cách riêng. Đã lâu cha bị bệnh đau ruột và vì tại đó mà sanh ra
nhiều chứng bệnh khác, cha phải chịu cả đời. Song cha vui lòng chẳng thấy cha
than phiền về đều ấy khi nào. Trong năm 1918 lúc đó có trái trời, trong nhà phước
có hai Dì mang bịnh nầy mà phải bỏ mình. Cha tận tình giúp lo, nên ít ngày sau
cha cũng phải lây bịnh đó. Đây ai nấy đều tưởng cha không qua khỏi phen nầy!
Song Chúa còn thương xót, nên cha vô nhà thương Đồng đất, điều dưỡng trọn một
tháng, thì bịnh đặng lành. Cách ít lâu sau, một bữa kia, ruột cha thắt lại, nên
mau mau đem vô nhà thương, quan thầy thấy bịnh rất hiểm nguy, vì còn một phương
mà thôi, là phải mổ, song phần cha đã lớn tuổi lại yếu sức, nếu như mổ thì mười
phần còn trong ba mà thôi. Trong cơn như vậy, cha cũng giữ mặt bình tịnh vui cười
như thường, sẵn lòng phú dưng hết mạng sống mình trong tay Chúa. Cha nằm đó đợi
quan thầy đến mổ. Chẳng hay sự cũng lạ, còn chừng nửa giờ nữa quan thầy mổ, thì
bỗng đâu ruột nhả ra, nên nội chiều đó cha trở về Chợ-quán, nhà phước cùng bổn
đạo ai nấy đều vui mừng cảm đội ơn Chúa. Song từ đó cha lại mang bịnh khác, là
ho siển, nhiều đêm ngủ chẳng đặng phải ngồi trên ghế mà chịu đến sáng. Từ ngày
cha ăn lễ Vàng, thì cha lo dọn mình, biết rồi đây chẳng còn bao lâu nữa... Nên
cha hay suy gẫm về sự chết, cùng năng nói về đều ấy. Cha cũng lo sắp đặt công
việc tư cha, và việc trong.
Lối đầu tháng Janvier năm
nay, coi cha yếu hơn nhiều, hai bàn chơn sưng lên, không còn ăn uống đặng nữa.
Song dầu vậy cha cũng cứ làm mọi việc như thường khi. Kẻ đến thăm cha, thì cha
nói chắc giờ lâm chung cha gần đến, cha sẵn lòng vưng theo thánh ý Chúa, và cha
cũng nói thêm câu nầy: “Càng mau càng tốt.” Tuy vậy, song ai nấy cũng tưởng cha
còn cầm cự một đôi tháng nữa, chẳng hay bịnh một ngày một thúc tới, nên ngày 26
tháng Janvier, thì cha không còn làm lễ đặng nữa, phải đem Mình Thánh Chúa cho
cha mà thôi. Qua sáng bữa sau, trúng ngày thứ sáu trong tuần, lối bốn giờ sáng,
cha kêu cha phó lại mà nói rằng: Tôi coi trong mình tôi một ngày một yếu nhiều,
nên xin cha lo cho tôi chịu các phép sau hết. Đoạn cha cũng đưa cho cha phó một
đồng vàng mà nói rằng: Hồi bên tây tôi qua đây, thì bà già tôi có cho một đồng
vàng, xin cha lấy của nầy làm dấu tích, để tỏ chút lòng tôi cám mến công khó
cha. Cha và nói và khóc ròng! Cả ngày đó cha mệt nhiều, song trí còn tỉnh táo.
Sáng bữa sau, lối 3 giờ khuya, cha thấy trong mình mệt nhiều, nên cha biểu kêu
cha phó dậy đặng cho cha nói ít lời. Khi cha Bênêditô Cậy lại gần ghế cha nằm,
thì cha nắm tay cha Bênêditô mà nói cách thiết ái rằng: “ớ cha rất yêu dấu, đã
gần hai mươi năm nay, cha và tôi ở với nhau, nay tới giờ tôi phải lìa cha, tôi
không biết lấy lời nào cho xứng mà cám ơn cha đã tận tâm giúp đỡ tôi. Xin Chúa
trả công cho cha đời nầy và đời sau, và cũng xin cha nhớ cầu nguyện cho tôi”.
Cha và nói và khóc ròng rã, đoạn cha nắm tay cha Bênêditô mà hôn cách rất yêu dấu
mà giã từ! Thiệt tình cảnh lúc nầy, ngòi bút không thể mà tỏa ra đặng! Trong đời
ta sống, ít có lúc mà cảm động như vậy!.. Trong vòng 19 năm trời, hai cha ở với
nhau như bát nước đầy: cha sở thì hết lòng mến thương cùng tin cậy cha phó; còn
cha phó thì tận tình giúp đỡ cha sở. Việc họ thì giao trong tay cha phó, còn việc
nhà phước thì cha sở quản coi. Cái gánh mà chia hai, dầu có nặng cho mấy thì
cũng ra nhẹ! Song đây cha phó cũng khéo ở, tuy một tay cha cầm cốt các việc
trong họ, song cha cũng biết kính nhường cha sở, không phạm quyền quá phép. Tại
đó mà cha sở lại càng kính yêu mến chuộng, nên mỗi khi nghe phong phanh, Đức
cha muốn đổi cha phó đi nơi khác, thì lập tức cha mau mau lên xe chạy ra nhà Đức
cha mà kêu nài, một hai xin cho cha phó ở lại với người cho đến cùng. Mà thật sự
người đã đặng như lòng sở nguyện, lại nữa đặng phước trước khi nhắm mắt thì đã
trối qui mô cho cha phó người !...
Vậy bịnh cho một ngày một
nặng, nên ngày Chúa nhựt 28 tháng Janvier lối bốn giờ chiều, có đủ mặt quới chức
bổn đạo nhà phước, thì cha Bề trên Sáng xức dầu và ban ơn đại xá sau hết cho
cha. Lúc đó cha còn tỉnh, nhìn đặng những kẻ đến viếng thăm. Qua sáng thứ hai
trước 5 giờ thì cha phó đem Mình Thánh Chúa cho cha chịu lần sau hết. Gần bảy
giờ, cha nói chắc nội buổi sớm mai nầy tôi sẽ đi, rồi cha xin đọc kinh dỏi cho
cha. Khi đọc tới câu: Proficiscere anima
christiana, hỡi linh hồn giáo nhơn, hãy xuất lìa thế nầy, thì kẻ giữ linh hồn
nín lại, thì cha bảo rằng: cha đọc tiếp theo đi, cha không đọc bây giờ, lát nữa
cũng phải đọc vậy, đọc trước cho tôi nghe... Khi kêu Chúa cho cha, thì mỗi câu
cha lập lại một cách rất sốt sáng. Qua 8 giờ rưỡi, cha thở ra một cái rất nhẹ rồi
linh hồn lìa xác, trước mặt các dì và bổn đạo đang quì xung quanh mà cầu nguyện
cho cha! Thật cha chết cách rất êm ái, hai tay cha chấp để trên ngực coi giống
như lúc cha đọc kinh cầu nguyện vậy!
Vừa nghe tiếng chuông trầm
thì bổn đạo liền chạy đến nhà cha. Song thương ôi! không còn thấy cha ngồi như
xưa ủi an truyện vãn, liếc vô thì thấy một xác kia gầy ốm, nằm trên một bàn dài
để giữa nhà! Đó là đấng xưa kia đã bỏ cha lìa mẹ, lưu biệt quê hương xứ sở, dày
đạp các việc vinh hoa ở thế, tình nguyện đến xứ nầy, trong vòng 50 năm tận tâm
giúp lo phần rỗi kẻ khác! Nay đến giờ phải lìa cuộc thế, hồn lui về cõi trên để
xác lại cho ta mai táng đó!
Sáng bữa sau, trúng ngày
nhà phước ra phòng và luôn dịp cũng có cho 15 chị khấn hứa mặc áo đen. Thường
khi cuộc lễ nầy, ai nấy trong nhà vui mừng phở lở, song ngày nay cuộc lễ nầy có
vẻ rất khác xa. Trong buổi lễ nhạc, các Dì các Chị, ai nấy mặt mày ủ dột thảm sầu,
vẳng vẳng nghe tiếng thút thít khóc thầm... Mãn cuộc lễ, 15 chị mới khấn hứa, đầu
đội tràng hoa hồng trắng, y phục các dì áo đen, đến quì xung quanh xác cha, hai
hàng nước mắt tuôn xuống như mưa, nguyện cầu cho linh hồn cha đặng mau lên nơi
tiêu sái! Kẻ đứng xa dòm vô thấy tình cảnh nầy, thì không thể gì cầm nước mắt lại
đặng!.
Tối đêm đó lối 7 giờ, nhà
phước và bổn đạo tựu đến nhà cha rất đông, trong ngoài đều chật hết. Trước cầu
cho cha một lễ, rồi liệm xác cha. Khi vừa để xác cha vào quan tài, thì cả nhà
nghe tiếng người ta khóc kể, vì từ đây ngàn thu kẻ chăn và đoàn chiên phải cách
biệt lìa nhau! Cả đêm đó thì bổn đạo thay phiên canh xác và cầu lễ. Qua ngày
sau, lối bốn giờ chiều, thì kiệu xác cha đi xung quanh nhà thờ, đoạn đem quàn một
đêm trong nhà thờ, là nơi xưa trong 19 năm trời, đêm ngày cha những vô ra mà
nguyện gẫm nói khó cùng Chúa!
Qua sáng thứ tư, 31
Janvier, 7 giờ thì Đức cha địa phận thân chinh đến nhà thờ Chợ-quán, làm lễ Qui
lăng. Có Đức cha Herrgott, Giám mục địa phận Nam-vang, cha Chauffot, Bề trên
trường latinh Cù-lao-gien và trên 40 vị linh mục tây nam trong địa phận Saigon
hiệp vầy chầu lễ. Có mấy thấy dòng, nhà phước trắng, Chợ-quán, Thủ-thiêm,
Cái-mơng, Cái-nhum, các viên quan tây nam, đồng đến hiệp vầy chầu lễ; còn bổn đạo
Chợ-quán và các họ xung quanh Saigon đến chầu lễ và đưa đám cha rất đông. Các
Dì các Chị nhà phước Chợ-quán và bổn đạo lớn nhỏ trong họ đều để tang cho cha!
Lễ đoạn thì Đức cha làm phép xác, rồi cha Bề trên Sáng làm chánh sự đưa xác, có
hai Đức cha, các cha tây nam nhà dòng nhà phước viên quan tây nam và bổn đạo đồng
đưa linh cửu cha lên lăng Cha Cả mà an táng tại đất thánh các cha Dòng sai.
Đức cha Dreyer, Khâm Sứ
Tòa Thánh tại Huế, vừa đặng tin cha Laurent li trần, thì liền gởi dây thép vô
mà chia phần tang chế cùng địa phận Saigon. Đức cha Gioan Baotixita Tòng ở
Phát-diệm cũng có gởi dây thép cho cha Bênêditô Cậy, xin thông phần đau đớn với
bổn đạo và nhà phước Chợ-quán. Mới đây bên địa phận Saint-Dié, cố chính có gởi
thơ nói rằng: vừa đặng tin cha Camille Laurent qua đời, thì đã đăng trong tờ
báo của địa phận, Semaine Religieuse, mà xin cầu nguyện cho linh hồn cha. Sau hết
trong thơ cố chính có thêm câu nầy: Các Bà phước và những bịnh tật ở nhà thương
Ông thánh Giuse, sẽ nhớ cầu nguyện cách riêng cho kẻ làm ơn lành cho nhà thương
nầy. Vốn cái nhà thương St Joseph nầy, xưa là nhà của cha mẹ cha Laurent, đến
sau khi cha mẹ người qua đời rồi, trối lại cái nhà đó cho cha, Một ít lâu trước
khi cha qua đời, thì cha dung để làm nhà thương nuôi bịnh, và lấy tên là nhà
thương ông thánh Giuse.
Kẻ đọc hạnh nầy khá xin
đôi khi nhớ nguyện cầu cho linh hồn cha đặng chóng mau lên nơi tiêu sái...
Lạy Đức Chúa Giêsu nhơn từ,
xin cho linh hồn thầy Camille đặng lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức
Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng Amen.
(Chung.)
P.
V.
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm
1934
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét