HẠNH TÍCH CHA PHÊRÔ CẦN
--------------------
Cha Phêrô Nguyễn-khắc-Cần,
quê quán họ Cái mơng, sinh ra lối tháng Août, năm 1880, cách vài bữa cha mẹ đem
chịu phép Rửa tội; cha Phaolồ Nhượng ở giúp cha Bề trên Quí khi ấy, đã ban phép
Rửa tội cho Phêrô nầy.
Cha người là ông Tađêô
Nguyễn-văn-Triệu, qua đời năm 1908, khi người làm Thầy tư.
Mẹ người là bà Anê Trần-thị-Kiểng,
nay đã già cả lớn tuổi, mà hãy còn sức khỏe. Hai ông bà đạo đức, sanh đặng năm
người con: Phêrô nầy là thứ ba, em gái thứ tư, là Dì Kiệm, dưng mình cho Chúa ở
Nhà phước Cái mơng.
Năm 1893, khi Phêrô vừa
12 tuổi, thì đặng cha Bề trên Quí chọn cho đi nhà trường Latinh.
Tánh nết Phêrô nhu mì đằm
thắm và ít hay nói; luật mẹo nhà trường nắm giữ chín chắn, chẳng thấy người bị
quở phạt, như học trò nhỏ, mới vô, chưa quen, hãy còn tính lếu láo ở ngoài; người
cứ lo việc mình, chẳng động phạm tới ai, mà trót đời, người hằng giữ tánh ấy
luôn. Nói đặng: tánh hạnh Phêrô trót đời thật giấu ẩn kín nhiệm trong Chúa.
Vita abscondita cum Christo in Deo.
Còn về sự học hành, trí
người tầm thường vừa phải, mà nhờ siêng năng ân cần (rất hợp với tên người) vậy
thì hóa ra giỏi, chẳng sút kém anh em bạn học.
Phêrô vào nhà trường đời
cha Bề trên Thiriet (Thi), còn đặng hưởng mặt cha lành 3 năm rưỡi, Chúa mới cất
cha Bề trên, là ngày 2 Août 1897.
Ở trường nhỏ, trước hết
người học với cha Anrê Bửu, kế cha Phaolồ Qui, cha Mathêô Đức (cha sở Hanh
thông tây), cha Anrê Đoài. (cha sở Xóm chiếu), cha T. Dufil, cha A. Cransac.
(cha sở Thủ đức). Vào trường lớn, người học lớp cách vật với cha A. Mariette,
và học sách đoán với cha F. Humbert và cha Bề trên Dumas.
Mấy chức người đã chịu,
thì bỡi tay Đức cha Luxiano (Mossard) ban cho, hai lần đầu hết người chịu tại
nhà trường, còn mấy lần sau, thì chịu tại nhà thờ chánh Saigon: Ngày mồng 2
Mars 1912 Phêrô thăng quờn chánh tế.
Cha Phêrô nầy là thầy cả
út đời cha Bề trên Gernot (Quí), người chịu chức, về làm lễ Vinh qui, cách vài
tháng (26 Mai 1912) thì cha Bề trên tạ thế. Đầu hết khi cha Phêrô mới lãnh quyền
Linh mục. thì Đức cha sai người ở phó cha sở Thị nghè, và coi giúp nhà thương
đó chừng một năm rưỡi. Ngày 20 Novembre 1913, người đổi về Tân định hơn 3
tháng, kế tháng Mars 1914, Đức cha dạy người đi coi họ Bông bót, và một họ
ngánh nữa là Kinh Long hội, hai họ cách xa nhau, đi ghe một ngày đàng mới tới,
nhằm lúc mưa gió, thì càng gian nan hơn nữa, dầu vậy người chẳng bỏ con chiên
chịu thiệt phần thiêng liêng bao giờ. Khi người mới về Bông bót, nhà ở su sơ xịt
xạc, còn nhà thờ cũng vậy, lại lâu đời, đã gần hư. Đầu hết người lo cất nhà ở,
đoạn cất nhà thờ, hai nhà, ai thấy cũng khen, thật là chắc chắn, tốt đẹp và xứng
đáng. Hai việc ấy nói đặng là cả thể, người ở đó 9 năm, mảng lo hai mối việc ấy.
Lại có sự nầy rất đáng khen: là khi người cất nhà thờ gần xong, Đức cha sai người
đi Cái đôi, người chẳng tỏ dấu chi phiền lòng, một hăm hở vưng lời Bề trên ra
đi, bổn đạo Bông bót hết lòng tríu mến, thấy nhà thờ, nhà cha ở, thì nhắc nhở
cha Phêrô hoài.
Năm 1923 người vưng lịnh
Đức cha vô coi họ Cái đôi cho đến ngày tử định, gần đặng 5 năm.
Cha Phêrô sức lực mạnh mẽ
không thấy đau bao giờ. Mà cuối năm ngoái, lối tháng Décembre, bịnh khởi, ban đầu
tháo dạ, phát nóng lạnh như tuồng cảm, lói lói nơi ngực, và xóc xói bên hông.
Tưởng là bịnh thường, cha
Phêrô đi Trà Vinh uống thuốc sơ sơ vậy, chẳng dè trượng bịnh, Pleurésie: (tấm
da màn bao lá phổi, ban đầu nóng, rồi sưng lên, nếu không lo thuốc cho kịp, thì
nó ra nước và làm mủ.)
Cha Phêrô càng ngày càng
mỏn sức, bịnh càng thúc tới; đến tuần thánh, cha liệt, ngày thứ năm lễ Truyền
Phép, cha rán làm lễ đặng, mà đó là lễ sau hết của người. Ngày lễ Phục Sinh Cha
Phêrô cũng tính rán làm lễ, mà mệt đuối, làm chẳng nổi. Liền cho kẻ đi rước cha
sở họ Chà và xuống. Cha David lo lắng mọi nỗi, mướn xe chở cha Phêrô lên, để nằm
nhà thương nhà trường, là ngày 12 Avril.
Cho rước ông Docteur
Vielle, quan thầy khán coi, đoán bịnh nặng lắm, tại trễ quá, điều trị sợ không
kịp. Bữa sau quan thầy chít, thấy ra nước mà thôi, không có mủ máu gì, nên quan
thầy nói như vậy thì có lẽ trông, mà chưa dám chắc. Cha Phêrô khỏe lại đặng ít
ngày kế làm mệt lại, quan thầy rọi coi, thấy bịnh thêm nhiều. Chít, ra nào nước,
nào mủ máu trộn trạo. Quan thầy nói bịnh nầy rất hiểm nguy có lẽ cha chết thình
lình và kíp mau lắm. Nên cha Bề trên Delignon làm phép Xức dầu thánh cho người,
nhằm ngày 17 Avril.
Khi cha Phêrô ra đi
Saigon dưỡng bịnh, bổn đạo Cái đôi ai ai cũng đều thảm não, ở nhà hằng bữa nguyện
cầu cho cha mau mau mạnh hầu trở về cùng đoàn chiên, dầu đàng xa cách trở, mà hễ
ít bữa, thì thay phiên nhau lên thăm viếng. Từ khi đặng tin cha Phêrô qua đời,
thì sự con chiên thương khóc kẻ chăn, nói sao cho cùng.
Thảm thay! Địa phận
Saigon, mới mất hai cha, cha Henri Barré và cha Carôlô Thạnh, lòng còn ngùi
ngùi thương tiếc, bây giờ lại thêm một cha đi nữa, đoàn chiên thốn thiếu kẻ
chăn, gánh Đức cha nặng nề khó nỗi! Hằng bữa Đức cha vô ra thăm viếng cha
Phêrô. Sẵn lúc Đức cha Khâm mạng ghé Saigon, đi phong chức Đức cha phó Nam vang;
Đấng Khâm mạng chẳng nệ đi với Đức cha mình vô thăm cha Phêrô nhiều lần, và ban
phép lành. Các cha ở mấy họ xung quanh, nhứt là mấy cha nhà trường, lại bổn đạo
quen biết, và bà con thân thuộc hằng đến viếng thăm liên tiếp. Thầy thuốc thấy
thế gian vô phương cầu cứu, bèn chạy đến ơn trên: ai nấy hiệp nhau cầu nguyện,
kêu xin bà thánh Têrêxa Chúa Giêsu Hài đồng, và các thánh Tử đạo, nhứt là ông
thánh Minh, ông thánh Gẫm, xin cho cha Phêrô thuyên bịnh.
Song Thánh ý Chúa sâu nhiệm
vô cùng, Chúa ban ơn khác cho cha Phêrô, là ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
Dầu người biết ai nấy cầu
nguyện cho mình, và mình thì đeo hài cốt bà thánh Têrêxa, và các thánh Tử đạo,
mà người dọn mình chết, cả lòng tế lễ mạng sống theo ý Chúa, chẳng tỏ dấu chi
tiếc mạng sống cùng sự gì ở đời, mặt mày bằng tịnh vui vẻ, ai thăm, thấy cứ mỉn
cười, cám ơn và xin cầu nguyện cho mình. Trót lúc đau đớn, nhứt là 2 tuần sau hết,
bịnh hành càng cực lực, sưng dấy thân mình từ ngực sấp lên, làm như ngột nghẹt
đâu trong, thở tấm tức nửa hơi vậy, phải nằm một bên mà thôi, mõi mê lắm, mà
người chẳng phàn nàn, rên siết bao giờ, quan thầy lấy làm lạ lòng nhịn nhục, và
khen sự can đảm chịu khó của người lắm.
Ba Bà phước ở giúp nhà
trường, thay phiên lo lắng cho cha Phêrô mọi nỗi, nên cha Phêrô hết lòng biết
ơn, có một lần khóc. Bà Amée thấy hỏi: Sao nay cha buồn vậy? Người rằng: Tôi
đau lâu, làm cực cho bà lắm. Đoạn cha Phêrô xin bà Amée đưa lại cái bóp tiền,
đã gởi bà cất giùm bữa mới đến. Bà Amée đi lấy đưa lại cho cha, thì cha Phêrô lấy
tiền, gởi xin các cha làm lễ cho mình chết lành.
Ngày 4 Mai, nhằm thứ sáu
đầu tháng, lối 11 giờ trưa, bịnh trở, làm xung. Cha Bề trên cùng các cha nhà
trường xuống đọc kinh Đưa, cha Phêrô tỉnh táo thưa kinh rõ ràng. Tối bữa đó, 8
giờ học trò ra trước núi hát kinh làm tháng Đức Mẹ. Cha Phêrô nghe hát bài: 0
Mère chérie! place moi, un jour dans la Patrie, près de Toi. (Lạy Mẹ dấu yêu,
ngày nào Chúa định, xin Mẹ đem con về quê thật. chầu gần bên Mẹ.) Người mừng rỡ
lạ lùng, dứt bài hát, người kêu bà Amée mà nói rằng: Bài hát nầy, cho tôi thì gần
lắm, Bà! Đêm ấy bà Amée thấy bịnh êm một chút, thì bà xuống nghỉ. Sáng 4 giờ rưỡi
bà Amée lên thang, nghe kêu giựt giọng: Bà, bà! bà Amée lật đật bước lên, vô thấy
mặt cha Phêrô đổi sắc, mà còn tỉnh lắm. Bà Amée nói rằng: Nè cha, bữa nay thứ bảy,
Đức Mẹ rước cha, nghe cha? cha Phêrô gặc đầu trả lời: Có lẽ lắm, bà! Rồi nhắm mắt
tắt hơi cách êm ái, trước 5 giờ sáng ngày mồng 5 Mai 1928, trong tháng Đức Mẹ.
Bà Amée liền sai kẻ đi
thưa cha Bề trên và các cha nhà trường hay, vừa đúng giờ làm lễ, nên cha Phêrô
đặng phước hưởng mấy lễ Hối tử tức thì. Sẵn bữa đó dọn nhà thờ đặng hát lễ cho
mấy cha nhà trường đã qua đời, thì cha Bề trên dời bữa khác, để ngày ấy hát lễ
Hối tử cho cha Phêrô.
Lo mặc áo lễ cho cha, và
khi đã sắp đặt mọi sự xong, thì liệm xác để tại phòng khách lớn nhà trường, các
Thầy thay phiên canh xác, bổn đạo xung quanh Saigon, nhứt là bà con cùng kẻ
quen biết vô ra viếng xác, cho đến chiều Chúa nhựt.
Ngày 6 Mai, 4 giờ rưỡi
chiều Chúa nhựt đó, cha Bề trên và các thầy nhà trường ra rước xác cha Phêrô
vào nhà thờ, hát kinh (Vesperas Defunctorum) rồi Đức cha làm phép xác. Đoạn Đức
cha, các cha, đặng 36 đấng, có bà thân mẫu cùng bà con cha Phêrô, lại nhiều bổn
đạo đưa linh cửu cha Phêrô lên Chí Hòa, nơi đất thánh các Linh mục bổn quốc.
Cha Bề trên làm phép huyệt.
Kế có ông Đốc Tuấn thay mặt
bà thân mẫu cùng bà con cha Phêrô. ra giữa nói ít lời, tạ ơn trước là Đức cha,
cha Bề trên và các cha, sau là những kẻ có lòng thương mến, giúp đỡ, thăm viếng
cha Phêrô lúc đau ốm, nhứt là chẳng nệ khó nhọc đi đưa xác cha Phêrô mà an táng
nơi xa xuôi làm vậy. Cha Phêrô nằm kề một bên phần mộ cha Anrê Bửu, là thầy dạy
đầu hết khi cha Phêrô mới vào nhà trường, thật chẳng mấy ai mà đặng trọn ngãi
thầy trò như vậy.
Khi huờn tất, ai nấy lần
lần lui về, còn rốt lại một bà lão mão. chẳng rời nơi huyệt, nước mắt tuôn xuống
dầm dề, ấy là bà thân mẫu cha Phêrô.
Ai đặng con làm thầy cả,
mà chẳng trông con làm lễ cho mình, khi mình mãn phần? Bà thân mẫu cha Phêrô thấy
mình già cả gần miền, mà con vội vàng đi trước, âu đó là sự làm tủi lòng bà hơn
hết. Song ớ Bà! Phần cha Phêrô, người về cùng Chúa, thì cầu nguyện cho bà, mà lời
cầu nguyện ấy, nói đặng, đẹp lòng Chúa và đắt hơn lời cầu kẻ còn ở thế. Phần
bà, bà đã tế lễ cha Phêrô hai lần: lần thứ nhứt là dưng người làm thầy cả giúp
việc Chúa, và lần sau nầy. Chúa đòi cha Phêrô, bà liền vưng theo thánh ý Chúa,
mà tế lễ mạng sống người cho Chúa, vưng theo ý Chúa như vậy là phần nhứt và rất
đẹp lòng Chúa, chẳng có của lễ nào trọng cho bằng. Vậy công nghiệp rất lớn dường
ấy, Chúa chẳng để bà chịu thiệt phần sau đâu. Xin bà cả lòng trông cậy Chúa. Đức
cha và các cha làm lễ cho cha Phêrô, lại bổn đạo các họ trong cả và Địa phận đọc
kinh cầu lễ cho cha, thảy đều thương tiếc người, và chia sự ưu sầu với bà, xin
bà khấng nhậm.
Ớ cha Phêrô yêu dấu! sự
cha hết lòng ao ước ở kề một bên Đức Mẹ, trông cậy nay cha đã đặng phỉ nguyền.
Xin cha chớ quên chúng tôi là bạn thầy cả với cha đang còn lặng lội nơi biển hiểm
thế nầy, hằng bữa hằng cầu Mẹ lành hộ vực chúng tôi bây giờ, hầu ngày sau đặng
hiệp vầy cùng nhau bên Mẹ đời đời.
Lạy Đ C G nhơn từ, xin
cho linh hồn thầy Phêrô đặng nghỉ ngơi đời đời.
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm
1928
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét