LƯỢC SƠ TÍCH HẠNH CHA HENRI BARRÉ
đã
qua đời tại Phan thiết ngày mồng 9 Avril 1928
(Notice
biographique du R. P. Henri Barré)
------------------
Hôm sáng mồng 10 Avril
1928 điển tín tại Phanthiết đưa vô Saigon một tin rất buồn thảm làm cho hàng đạc
đức Nam-kỳ cùng cả trường Latinh Saigon sững sờ và cảm động vô hồi là cha Barré và cha Thạnh bị chết đuối.
Khi được tin nầy các cha
liên thông cho bổn đạo hay thì ai ai cũng đem lòng thương tiếc hai cha còn trẻ
tuổi, đang thì sức lực bị cơn rủi ro thình lình mà phải vong mạng.
Cha Henri Jules Marie
Barré (Thiên) linh mục dòng sai Paris, sinh ra tại kinh thành Paris ngày 24
Novembre 1884 cùng đã chịu phép rửa tội tại nhà thờ họ Saint Jacques du Haut
Pas. Thân phụ người là ông Marie Georges Barré, và bà sanh mẫu người là Marie
Emilie Caron, hai ông bà nay còn song toàn. Còn người em ruột thì làm quan ba tại
xứ Tunisie (Afrique). Thương thay!! Khi ông bà đặng tin rất thê thảm con dấu
yêu đã li trần, thì lòng hai ông bà đau đớn thiết tha là dường nào! Người ăn học
tại trường Latinh nhỏ Notre-Dame des Champs Paris và trổi tiếng thông minh. Người
đã ứng thí 2 phần khoa tú tài văn chương, (Deux parties du Baccalauréat ès-lettres)
mà đã chiếm được cấp bằng cả hai.
Sau người vào nhà trường
Dòng sai cùng đã chịu chức linh mục ngày mồng 6 Mars 1909, chưa đúng 25 tuổi trọn.
Chịu chức đoạn Bề trên định
cha qua địa phận Nam-kỳ, ngày 21 tháng Avril người từ giã cha mẹ, họ hàng cùng
quê hương mà sang Nam Việt. Người đến Saigon ngày 20 Mai 1900, qua tháng Juin Đức
cha sai người lên Tha la học tiếng Annam, học đặng một năm rồi, lối tháng Juin
năm sau là 1910 Đức cha đổi người xuống Cái mơng giúp cha Bề trên Gernot (Quí);
tháng Avril năm 1911 người đổi ra họ Kim ngọc, lúc coi sóc họ nầy thì người đã
gởi cha Phêrô Tiên vào trường Latinh Saigon. Qua tháng Avril 1912 thì người
lãnh họ Ma Ó và Phan Rý cho đến tháng Mai 1913 thì Đức cha đổi người về trường
Latinh Saigon làm giáo sư.
Lúc giặc Âu-châu nổi lên
thì cha phải ra tùng binh và coi sóc nhà thương binh tại Saigon. Qua tháng
Septembre 1916 thì người phải tùng binh mà sang Đại-pháp.
Khi yên giặc bên Âu-châu
rồi thì người lại trở qua Saigon lối tháng Août năm 1919 và lãnh chức Giáo sư
trường Latinh cho đến ngày nay. Năm 1920 tháng Mars thì người lãnh lại việc coi
sóc nhà thương binh cho đến ngày qua đời. Cha cũng coi sóc giúp đỡ nhà phước
Kín Saigon lâu năm..
Cha Henri Barré bổn tánh
vui vẻ, bặt thiệp cùng nhiều tài năng lại thêm sức lực mạnh mẽ. Cha ở họ nào
thì ai ai cũng ưa cùng đem lòng thương mến.
Cha trổi tiếng thông thái
vì đã giảng bài tiếng Pháp một đôi khi lễ lớn, như cha đã giảng lễ bà thánh
Jeanne d'Arc tại nhà thờ chánh Saigon cùng ít lễ khác...
Cha cũng có tài nghề khéo
vẽ; cha đã vẽ một bức họa đồ lớn các họ có đạo địa phận Saigon mà gởi đến Rôma
đấu xảo tại đền Vaticanô cách ba năm nay. Đầu năm nay cha cũng vẽ lại một tấm họa
đồ khác cho Đức cha như bức họa đồ đã gởi qua Rôma, bức họa đồ nầy nay để tại
dinh Giám mục Saigon.
Đây xin nhắc lại một tích
về đức nhịn nhục của cha Henri. Số là có kẻ kiêu căng buông lời lỗ mãng với cha
trước mặt đô hội thiên hạ, song cha bằng tịnh chẳng tỏ chút chi oán giận mà đối
đáp với kẻ đã xi mạ người, thật đáng khen lòng nhịn nhục của cha.
Cha Henri có đức ái nhơn
như kỉ. Cha thương mến hết mọi người, cùng hay làm phước bố thí, khi ai thốn thiếu
vật chi mà chạy tới xin người giúp đỡ thì người tận tình vui lòng mà giúp chẳng
mấy khi từ chối.
Nên bổn đạo mấy họ người
đã coi sóc cùng học trò Latinh các lớp người đã dạy trong mấy năm đều mến
thương người như con trìu mến cha lành vậy. Nhiều kẻ đã thọ ơn người chứng
minh đều ấy.
Cha Barré chưa đúng 44 tuổi
trọn, làm thầy cả được 19 năm chẵn, người đương phấn phát làm việc bổn phận, lại
đang khỏe mạnh cùng vui vẻ mà hỡi ôi! Bỗng liền nghe tin cha vội lìa cõi trần,
thì ai ai cũng sửng sờ dường như giấc chiêm bao vậy. Số là sáng ngày thứ ba sau
lễ Phục sinh (10 Avril) là ngày cha Phêrô Tiên làm lễ Vinh qui tại họ Kim ngọc
cách xa Phan thiết chừng 6, 7 cây số.
Cha Tiên nầy quê quán ở tại
Kim ngọc là người chính mình cha Barré đã cho đi nhà trường Latinh như đã nói
trên. Đến ngày nay chính mắt cha đã thấy kẻ yêu dấu mình bao bọc bấy lâu được
vào hàng chánh tế, thì lòng cha khấp khởi hỉ hoan là dường nào. Một mình Đ C T
thấu rõ sự ấy mà thôi, chính cha Barré đã xuất tiền bạc mà lo cuộc lễ Vinh qui
cha mới cùng mời các cha dến dự lễ, lại cha đã dọn bài sẵn hầu giảng bữa cha mới
hành lễ tại Kim ngọc như ý cha sở nguyện. Song thương ôi ! L'homme propose et
Dieu dispose. Cha tính vậy, song ý Chúa nhiệm mầu định thể khác, ai hầu thấu đặng.
Ngày lễ Phục sinh trước bữa xuất hành ra Phanthiết thì cha Barré đã ra tại nhà
gare Saigon mà căn dặn trước, ngày mai sẽ có mấy cha trên xe cùng bảo dọn cơm
nước cho tử tế cho các cha dùng bữa, vì sợ hành khách đông mà các cha phải cực
lòng. Thật cha tận tình lo hết mọi đều cho vui lòng các cha.
Qua sáng ngày thứ hai (9
Avril) khi các cha đến nhà Gare Saigon, tới giờ xe chạy, mà chẳng thấy cha
Barré, cha hụt xe nên phải tạm một ô tô đưa cha lên Gare Biên hòa cho kịp. Cha
lên xe hiệp vầy truyện vãn vui vẻ với các cha, thì cha lấy làm hân hoan mà nói
với các cha lời nầy rằng: người thế gian có con thì lo cho con, có của thì để lại
cho nó, còn phần tôi đây thì có cha Tiên là con thiêng liêng mà cũng là con một
của tôi.
Nay tôi thấy con tôi được
lên quờn linh mục thì lòng tôi khấp khởi vui mừng không biết nói làm sao cho phỉ
tình.
Khi xuống Gare Phanthiết
cha vừa thấy mặt bà già cha Tiên chực rước con tại nhà Gare thì cha mừng rỡ, liền
trao cho bà một lời thiết yếu dường như lời trối sau hết: “Nầy bà, con bà đây,
khi xưa còn nhỏ thì chính tôi đem vào tới nhà trường Latinh, nay người được lên
quờn chánh tế, thì tôi cũng đưa người về tới nơi mà giao lại cho bà.” Cách ít
giờ sau việc rủi ro xảy tới cách nào mà cha phải vong mạng thì đã thuật trong
báo N. K. Đ. P. số 990 ngày 19 Avril tuần trước.
Khi đặng tin cha qua đời
thì nhiều quan liền gởi thơ cho Đức giám mục Saigon mà thông phần thảm não cùng
Đức cha. Lại ngày 18 Avril 7 giờ ban mai, khi Đức cha làm lễ hát trọng thể cầu
cho cha Barré tại nhà thờ chánh Saigon thì có các quan cựu chiến sĩ và bàn trị
sự y khoa đến chầu lễ. Ấy là một dấu rõ ràng cha Henri là vị linh mục đặng nhiều
quan yêu trọng cùng thương tiếc nên mới đến dự lễ đông đến như vậy.
Cha Barré ưa hạp xứ
Phanthiết lắm, hễ tới bãi trường, tháng nghỉ năm nào thì cha cũng ra Phanthiết ở
đó một tháng, ít là đôi tuần nghỉ cho bổ sức.
Nay đến giờ tử định thì
cha cũng gởi xác nằm nghỉ tại Phan thiết mà chờ ngày sống lại hiển vinh đời đời.
Nay tôi vâng lịnh đấng Bề
trên dạy mà tạm đôi hàng đơn sơ doãn lại công đức cha Henri Barré cho quí vị đặng
tường tri hầu đem lòng cám mến và giúp lời cầu nguyện cho linh hồn thầy Henri
kíp vào nơi cõi thọ.
Huỳnh
Công
.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm
1928
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét