ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 1 tháng 8, 2022

Nữ tu Agatha Đoàn Thị Đạo

 Nữ tu Agatha Đoàn Thị Đạo

-         Sinh năm 1901

-         Tại Lương Hòa

-         Con ông bà: Phêrô Đoàn Công Đăng và Luxia Trần Thị Tròn

-         Tu sĩ Dòng Kín Cát Minh Sài Gòn ( Sœur Agathe du Carmel de Saigon)

-         Qua đời ngày 17. 05. 1926, tại Lương Hòa

-----------------------------------------------------------------------------------------------------

MỘT SỰ BUỒN THẢM MÀ DỊU DÀNG

Ai tín! Cô Elisabeth-Thérèse Đoàn-thị-Điểu, ái nữ của ông bà Pierre Đoàn công Đăng, là vị khán quan N. K. Đ. P.; mới qua đời tại Lương-hòa (Cholon), đêm 17 rạng mặt 18 mai 1930.

Xin chư vị giúp lời cầu nguyện cho linh hồn Y-sa-ve đặng kíp vào nơi tiêu sái!

Cô Elisabeth-Thérèse Đoàn thị Điều xán bịnh không đầy một tháng, mà vội li trần, mới vừa đặng 18 xuân thu, để một khối sầu thảm thương tâm cho cha mẹ, anh em, bà con, xứ sở, cùng kẻ tình nghĩa xa gần hết thảy.

Hôm lễ Phục sinh này cô đang đi học tại nhà trắng Chợlớn, kế ngã bịnh chở về nhà cha mẹ ở Lương-hòa mà uống thuốc, ai cũng ngỡ rằng sẽ thuyên dũ trong ít ngày; nào hay ý Chúa nhiệm mầu tính rước cô về cùng Chúa, đang lúc tuổi xuân, đầy những sự trông cậy về sau!

Bỡi vậy khi trong Nhà trắng Chợlớn, là nơi nhi nữ nầy đi ăn học, nghe tin buồn thảm nầy, thì mọi người nhứt là bà Elisabeth là thầy dạy dỗ cũng là bạn thiết của cô (bà thuật rằng): nghe tin Elisabeth Điểu qua đời thì dường nghe sét đánh trên đầu! Sự thương tiếc là vô hạn. Thật một mình Chúa thấu rõ hai linh hồn nầy: Elisabeth thầy và Elisabeth trò trắn tríu nhau bao nhiêu mà thôi.

Hết thảy bà con quen thuộc cả họ Lương-hòa đều ưu sầu than thở; nhứt thiết tội nghiệp cho bạn đồng nhi nữ Lương-hòa-hạ châu lụy chứa chan, vì yêu dấu cô Elisabeth Điểu lắm; từ đây mất bạn chí tình ra như buồn chán sự đời. . . .

Còn dễ ai hiểu đặng sự sầu thảm của tang quyến ông bà Pierre Đoàn công Đăng, tuy không tỏ ra bề ngoài bỡi những tiếng khóc kể than van, vì là nhà đạo đức có đức tin vững vàng biết bằng lòng vưng theo thánh ý Chúa. Ôi! mà sự sầu thảm nầy ắt khó nguôi, vì cô Elisabeth Điểu là gái út, còn lại mình cô là gái, nên dễ hiểu được sự cha mẹ cùng mấy anh trân trọng yêu quí cô bao nhiêu. mà nay mất cô, thì khác nào mất một bửu vật mà Chúa đã giành lấy cho mình vậy!

Tội nghiệp nhứt là anh mười của cô! … cô đau nằm trăn trở những trông gặp anh mười yêu dấu ... anh cũng mong về cho đặng thấy em! Thương hỡi! khi anh gặp em thì em đã lạnh lẻo, nằm thíp thíp một bề, hồn đà lìa xác.

Nói tắt một lời, chẳng ai biết cô Elisabeth Điểu mà chẳng yêu chuộng cô: Mất Elisabeth Điểu, thì họ Lương-hòa chúng tôi, người người đều ngùi thảm thương tiếc; có kẻ lại nói chớ phải để mình chết thế cho cô ...

Cô Elisabeth Thérèse Đoàn thị Điểu tạ trần: ai cũng đều thương tiếc; mà nói được: ai thấy cô chết tốt lành làm vậy, thảy đều muốn chết như cô. Nhi nữ nhơn đức nầy qua đời: ấy một sự buồn thảm; nhưng buồn thảm đây không phải cách cực lực ngã lòng, bèn là đầy sự dịu dàng trông ước.

Ai cũng cho cô là có phước, vì đặng chết trước khi vương vấn sự đời, hay là phải gánh phần trách nhậm nào: ấy là một sự nhẹ nhàng cho cô trước Tòa phán xét. Cô thường nói với chị em bạn đồng nhi rằng: cô muốn ở trong đứng bực nầy cho tới chết. Hẳn cô đặng chết như lòng cô trông ước, là chết khi còn đồng nhi, đang tuổi xuân, ai ai cũng mến.

Không cần nói, thì ai cũng biết cô Elisabeth Điểu chết đặng ấm cúng phần xác bề ngoài, vì phần thì cha mẹ cùng mấy anh và bà con cô, đều hiệp vày mà lo cho con út; phần thì, quí nữa là tình liên lạc của quí hữu họ Lương-hoà với cô và gia thất cô, nên đến rất đông đắn mà cầu hồn kinh nguyện cho cô trong mấy ngày. Ai cũng phục khen cái tình ái của hai hội hát nam nữ họ Lương-hòa- hạ với cô Elisabeth Điểu từ lúc cô còn sanh tiền, nay đến lúc cô đau liệt trên giường, khi tắt hơi, và cho đến nơi phần mộ, thì tình bậu bạn ấy lại càng khắn khít hơn nữa. Ai cũng trầm trồ thầm khen cái nghĩa của bọn đồng nhi, và cho cô Elisabeth Điểu là rất có phước. Nhi nữ nầy chết có phước vì chết ở giữa những kẻ thương mến. Khi chết đoạn xác cô tuy đau ốm mà mặt lộ vẻ thanh nhàn, chẳng thấy dấu âu sầu cực lực như ai; đặt để nằm giữa nhà, trang phục toàn đồ trắng, lúp trắng, tràng hoa trắng nằm trên khăn, niệm trắng, trên mình rảy hoa trắng, như dấu chứng tuổi đồng nhi vẹn sạch; mặt trở vào bàn thờ như nằm yên đó mà nguyện cầu cho các kẻ dấu yêu còn bỏ lại nơi trần thế...

Đến giờ để xác Elisabeth vào săng, thật rất động lòng. Anh mười yêu dấu của cô lại để một cái hôn trên trán em út đã ra lạnh lẻo, mà từ biệt muôn thuở, đoạn cất lấy tràng hoa trắng đã đặt trên đầu cô, để dành làm dấu tích; có kẻ cũng cắt chút tóc, hoặc áo, hay là lượm bông đã rẩy xác cô để mà nhớ cô về sau khi khuất mặt.

Mủi dạ thay! thấy mẹ lại nựng nịu vuốt ve con một lần sau hết, mà con chẳng còn biết mẹ. Đoạn chính tay mẹ cùng năm anh (đã tựu về đủ mặt), nâng để Elisabeth vào quan tài... Từ nầy nhi nữ nầy như nghỉ em một giấc thiên niên vĩnh biệt! Ớ Elisabeth dấu yêu! thôi ta hết còn gặp nhau nơi trấn thế nữa., nhưng trông ơn Chúa nhơn từ cho ta sum hiệp đời sau mà chẳng sợ lìa nhau nữa!... Sự cảm động khôn cùng! Tiếng khóc nức nở nghe đầy nhà...

Thế là đã xong: Elisabeth Điểu chẳng còn thuộc về dương thế nửa. Có cái lạ nầy: là Chúa rước nhi nữ nầy đi cũng trong một tháng Mai và gần cũng một giờ như khi mới sinh ra. Lạ hơn nữa cô qua đời trúng cũng một đêm 17 rạng mặt 18 Mai như chị cô (Sœur Agathe, carmélite) qua đời cách bốn năm trước.

Từ khi cô tắt hơi, thì để xác cô ở ngoài khoản trên 20 giờ đồng hồ; đến nửa đêm giữa ngày 18 và 19 Mai, mới liệm vào săng, rồi còn để tại tang gia đến tối ngày thứ hai 19 Mai mới đem xuống nhà thờ Lương-hoà hạ. Trong mấy bữa, chẳng ngớt giáo hữu Lương hoà lớn nhỏ lui tới dập dều mà chia buồn cùng tang quyến và đọc kinh cầu hồn cho Elisabeth luôn đêm luôn ngày. Việc cất táng thì giao cho “Hội Tống chung” họ Lương-hoà thượng.

Khi động quan, thấy cha Phaolồ Xuân là anh hai của cô Elisabeth Điểu, mặc áo các phép và dây Stola đen, cùng với anh mười cô là thầy Pierre Charles Chánh mà đọc kinh De profundis; đoạn M. Giáp Thể than ca vịnh thứ 50 (Đavít thánh vương thống hối); kế ông Paul Đoàn-kim-Hướng là anh thứ sáu của cô xướng “Exultaburt Domino”, đoạn mấy anh cô cùng với đồng nhi nam nữ họ Lương- hoà-hạ hát đối đáp kinh Miserere mei Deus đưa linh cửu cô xuống ghe. Khi đi dưới sông, thì đọc kinh cầu lễ cho linh hồn Ysave.

Quan tài đến bến nhà thờ, thì cha sở Lương-hoà-hạ, là cha Joseph Khánh, y phục áo mão đã chực sẵn với học trò giúp lễ mà rước xác. Mấy chuông trên gác trổi tiếng vang dậy giữa đêm thanh lặng. Đồng nhi hát lại xướng tiếp ca vịnh Miserere đưa quan tài từ bến cho đến nhà thờ. Vừa vào nhà thờ, các dì và đồng nhi xướng kinh Sulvenite theo lễ phép Hội thánh. Mọi đều thảy nghiêm chỉnh và cảm động.

Sáng ngày thứ ba 20 Mai, làm lễ qui lăng rất trọng thể tại nhà thờ Lương-hoà-hạ hầu đưa Elisabeth ra nơi phần mộ. Nầy là lễ trong họ làm mà trả ơn cho một đồng nhi hát. Cha sở Lương-hoà-hạ là cha Joseph Khánh, làm chánh tế; cha Raphael Linh, phó sở Tân định làm phó tế, (cha Raphael Linh là cháu kêu Elisabeth Điểu bằng dì, lại cũng là đồng hương, đã về mà đưa đám dì út !) tiểu phó tế, thì có thầy Pierre Charles Chánh, là anh mười của Elisabeth. Có cha Phaolồ Xuân là anh hai của Elisabeth, lại cha Antôn Luật là cha sở họ Lương-hoà-thượng dự chầu. Bổn đạo xem lễ đông đắn.

Đang buổi lễ, đồng nhi hát nam nữ họ Lương-hòa-hạ hát lễ Requiem rất hay, rập ràng, cảm động, có lúc lại hát bốn phần, nghe thâm trầm oai nghi lắm: thật xứng đáng mà đưa bạn một lần chót. Lễ đoạn, cha Joseph Khánh còn tiếp làm phép xác. Đoạn cha Antôn Luật là cha sở họ Lương-hoà thượng đứng đầu đưa linh cửu ra nơi phần mộ.

Đến huyệt, cha làm phép huyệt, đoạn hát Ego sumBenedictus theo lễ phép Hội thánh, đồng nhi và hát và khóc nên cung cách nghe thêm sự đau thương sầu thảm...!

Bấy giờ cha sở Lương-hoà-thượng, là cha Antôn Luật, mới nói một bài điếu văn vắn tắt, đại ý như vầy: “Ho die mihi, cras tibi” “Bữa nay phiên tôi, ắt mai ai nấy!”.... Ngày 8 Mai 1912, chính “tay tôi đã rửa tội cho nhi nữ nầy mà đem vào sổ con cái Hội thánh, nay Chúa lại khiến tôi về đây trước, để nay đưa nhi nữ nầy đến nơi phần mộ... Sự buồn thảm nầy nên như bài gẫm cho chúng tôi về sự chết. Phải quan phòng chẳng biết giờ Chúa đến khi nào! …Ấy nhi nữ nầy mới 18 tuổi, còn đang thì xuân xanh, đang đi học, ai cũng ước còn sống lâu dài... Ai hay giờ chết đã đến, cho ta rõ biết dầu tuổi nào, bực nào thì cũng chết được, chẳng ai dè trước. Ta phải dọn mình chết luôn...

Ai ai đều sa nước mắt, vì vốn ai thấy sự chết của một gái đang xuân như vậy, thì cũng đà thầm nghĩ đến giờ chung mạng của mình, cũng một trật, lại buồn tiếc gái lành! ...

Bổn đạo trẻ già, nam nữ đưa đám rất đông; mẹ và mấy anh cô Elisabeth Điểu đều đủ mặt, tội nghiệp các cha, dầu đường ra đất thánh tháng mưa lấm láp cũng đều đi đưa nhi nữ nầy ra phần mộ.

Anh em, thân bằng, quyến thức rấy nước thánh trên quan tài mà từ giã... Hạ rộng... Theo thói quen bổn đạo annam, có kẻ lại đợi đọc kinh “Tin kính” tới chỗ “chết và táng xác” thì bỏ nắm đất trên hòm... lấp huyệt... đất khoả !... Thôi đã phủi xong một kiếp hồng nhan! Gái nầy chẳng còn dính dấp chi với trần thế nữa, chỉ gởi nắm xương gần bên mồ chị (Sœur Agathe) đây mà đợi ngày sống lại...

Đây mới trúng lời thánh kinh rằng: “Phước thật là kẻ đặng chết trong Chúa.” Tuy phần xác, cô đã mất rồi; nhưng đức tánh cô còn khắn vào lòng trí mọi người, lâu phai. Cô chết lành, bỡi vì cô đã sống lành.

Elisabeth Thérèse Đoàn thị Điểu vốn sinh bỡi dòng đạo đức, lại nhờ kẻ giáo huấn tập tành đức tánh, nên sớm trổ tài lành. Khi chưa đầy bảy tuổi, đã đặng rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng, từ ấy sự sốt sắng siêng năng xưng tội rước lễ của gái nầy thì chẳng ai chối đặng.

Ở nhà cha mẹ, nên con trọn thảo giúp đỡ mọi việc trong ngoài tùy sức, nhứt là cô càng lớn lên thì càng biết chịu khó mà làm việc, có khi là việc nặng việc hèn, cô cũng chẳng quản chi; chẳng theo tánh nhũng nhiễu, hay là ỷ mình con nhà danh giá mà khi thị ai; chòm xóm đều mến phục cô.

Trong họ, cô nên gương một đồng nhi nhơn đức, siêng năng việc nhà Chúa, chẳng nệ đi sớm về trưa mà tập hát xướng để ngợi khen Chúa và rỡ ràng trong họ. Cô rất tận tình với chị em bạn lớn nhỏ, nhứt là biết lo cho mấy em bạn nhỏ đặng đồng ý nhau mà làm việc Chúa. Elisabeth Điểu lại có lòng niềm nở mến yêu các cha các thầy. Thật cô là một nhi nữ giữ đạo rất sốt sắng đáng làm gương cho ai nấy. Ít có ngày nào nhứt là trong lúc tháng nghỉ, mà không thấy cô Elisabeth Điểu chẳng kể đường xa trắc trở cùng với anh đi xem lễ, rước lễ tại nhà thờ họ Lương-hoà-hạ. Cô tríu mến họ mình cách riêng!

Nơi trường học, thì cô rất siêng năng việc bổn phận học hành, nên cô thường đặng thứ nhứt luôn; chăm chỉ giữ luật, chẳng ham chơi nhởi hay là xài phá vô ích.Tắt một lời, thật cô nên gương một học trò lành, thầy dạy dấu yêu, chị em mến phục. Những chốn cô ăn học, và nay đương còn buồn tiếc cô, thì rõ hơn tôi về sự cô là một học trò lành là thể nào. Cô có tánh đãi buôi, vui vẻ, ăn nói bặt thiệp khôn ngoan, mà nghiêm trang nết na đúng phép. Kẻ lớn yêu mến cô như em cháu, kẻ trang bạn hoặc nhỏ hơn cô, kể cô khác thế ruột rà... ôi! bụi trần đã chôn cây ngọc!... Ấy là lời một người cật ruột thương tiếc cô Elisabeth Điểu mà nói vậy, nghĩ cho thậm phải. Song, như thấy trên, cô mất mà gương lành cô còn, nhứt là để cho bạn đồng nhi soi lấy.

Kẻ viết bài nầy có ý: trước nhớ gương một nhi nữ nhơn đức đạo công giáo, ở họ Lương-hoà-hạ, thuở sống làm lành, chết đặng an rỗi; sau cũng thông phần đau đớn cùng tang quyến. Xin các thánh Thiên thần dẫn cô về thiên đàng. In paradisum deducant te Angeli... Khi cô vừa đến cữa trời, xin các thánh Tử đạo hãy rước lấy cô mà hộ đệ đến thành thánh Jerusalem; xin hội hát các thánh Thiên thần rước lấy cô cho nhập cùng phô Đấng mà ca hát khong khen Chúa trên trời, như xưa cô đã ca ngợi Người dưới đất... thôi, rày cô hãy cùng thánh Lazarô khó khăn xưa mà nghỉ ngơi thanh nhàn đời đời!... mà xin có đừng quên các kẻ yêu dấu cô còn để lại thế gian... ớ Elisabeth dấu yêu, xin cầu cùng Chúa cho chúng tôi cùng.

“Lạy Chúa chí từ, xin cho linh hồn nầy vào sổ các Thánh Chúa đời đời Cum Sanctis tuis in æternum”.

P. T. C. T.

.Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1930


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét