ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2022

Sự tích Cha Philípphê Sau

SỰ TÍCH CHA PHILÍPPHÊ SAU

----------------------

Kể từng ngày lập tờ nhựt trình Nam Kỳ Địa Phận, đã hơn mười năm nay, các vị khán quang đã rõ, gần không tuần nào mà chẳng có bài ký tên Bến Gỗ. Từ rày không còn ông Bến Gỗ thủ ký nữa, vì người đã tị trần lui về bến thường sinh. Nhiều kẻ đã hẳn ông Bến Gỗ ấy là cha sở họ Bến Gỗ (Biên Hòa), là cha Philípphê Sau.

Người là em ruột cha Phaolồ Qui, đã sinh ra tại Đầu Nước, trong năm 1856. Những kẻ một bổn sở, hay là quen biết, hãy còn nhớ cha Phaolồ sinh ra năm 1855, cha Philípphê thì sinh ra năm kế đó, có khi lấy làm lạ sao thường nghe kêu cha Phaolồ là cha năm, còn cha Philípphê là cha bảy. Là tại mẹ người song thai, khi mãn nguyệt sổ ra một đứa con gái đặt tên là Trước, kế sổ thêm một con trai, kêu là Sau. Cậu người là cha Philípphê Phiên, đã đỡ đầu cho người khi chịu phép rửa tội.

Về gốc tích cha mẹ người thể nào, đã chạy giặc xuống Cái Nhum, mà cha người đã qua đời tại đó, sau mấy mẹ con đã đem nhau sang Định Tường mà lập nghiệp, thì đã có doãn lại trong “N. K. Đ. P” năm 1914, trang 693, trong sự tích cha Phaolồ Qui.

Philípphê khi nên 16 tuổi, thì đã muốn bắt chước anh mà dưng mình cho Chúa, nên cha Lũy (P. Lize) đã gởi con trẻ ấy vô Nhà trường Latinh, là năm 1872. Trong chuyện học hành và việc tập tành đức hạnh, thì người những soi gương anh mà lo cho đặng tấn tới luôn. Trong năm 1879 thì người đã đặng phước cỡi lốt thế gian mặc áo dòng cắt tóc mà bước vào cung thánh.

Nhưng mà bỡi phần xác không có đủ sức, thầy Philípphê mắc bịnh nên nhiều lần phải ngưng việc học hành mà uống thuốc và nghỉ cho bổ sức lại.

Năm 1884, thầy đặng bốn chức, tới kỳ đi dạy, thì thầy đi giúp cha Thạch, phía Hóc Môn. Qua đến năm 1885 thì bị một trận nguy hiểm, phải không ơn trên che chở, ắt đã phải bỏ mạng.

Số là lúc ấy trên Cao Miên dấy ngụy, nhà nước langsa cho binh lên tiếp viện, nên rút hết lính thành Saigon, còn lại 130 tên giữ trại mà thôi. Có tên Nguyễn văn Bường thấy sơ lậu thể ấy, quyết tùng dịp mà hãm thành cho được, bèn kéo cờ ngụy. Tối Chúa nhựt mồng 8 Février, (24 tháng chạp, năm Giáp Thân) quân ngụy đã đem nhau tới tại Hóc Môn mà giết quan đốc phủ Ca cùng đốt nha môn. Nó cũng quyết chém giết bổn đạo và đốt nhà thờ, vì nói rằng quân đàng nội theo tây. Đêm ấy cha Thạch mắc đi khỏi, chỉ một mình thầy Philípphê coi nhà. Thầy nghe thấy chuyện hỗn độn hiểm nghèo quá. Thì lo bề tháo lui mà tị nạn; bỡi bất cập quính quáng, thì xách theo mình đặng hộp calicê mà thôi.

Thầy ghé một nhà ngoại kia quen mà ẩn mình, chẳng hay chủ nhà là đàng cựu, cũng làm quan lớn, và ngụy đã có bọn lưu tại nhà ấy mà thông tin cùng mật lịnh cho nhau. Chủ nhà có nhơn không muốn cho ngụy thấy thầy đạo, và cũng không muốn cho thầy biết mình một lòng với ngụy, thì để cho người nghỉ một giây, rồi nói có tin ngụy sẽ ghé nhà mình, nên biểu người lén ra sau vườn kiếm thế lánh thân, kẻo phải khốn. Lại nó cũng nghi và sợ, thấy hộp chén calicê, tưởng là hộp súng sáu thầy xách theo mà giữ mình.

Thầy ra khỏi vườn, lần hồi tới mé rạch, thời may gặp ghe bổn đạo đang đi trốn, thì thầy quá giang, bảo chèo thẳng đến Rạch Dứa, là chính chỗ thầy dạy. Khi bớt rộn trí, thầy mới trực nhớ sợ cho nhà thờ, không biết ra thể nào, nhứt là vì có Mình Thánh Chúa giữ trong nhà tạm. Nên qua ngày sau thầy lật đật trở lại Hóc Môn cho hẳn dạ. Tới nơi thấy nhà thờ và nhà cha sở còn một đóng tro mà thôi. Nhưng vậy coi lại, thì thấy trên bàn thờ, nhà tạm hãy còn và áo nhà tạm cũng không cháy. Thầy lật đật lấy chén thánh ra mà chịu hết hình thánh hãy còn trong ấy, đoạn cầm chén thánh mà băng bộ thẳng về Saigon.

Cha Bề trên Thi, khi ấy là bề trên Nhà trường, tưởng người đã phải chết trong đêm cực dữ ấy nên khi thấy thầy về chẳng phải nao, thì mừng rỡ và cảm ơn Chúa kể chẳng xiết.

Qua năm 1890, ngày 22 tháng Mars, Đức cha Colombert đã phong chức linh mục cho thầy Philípphê, mẹ người vui mừng phỉ chí là ngằn nào, ta không nói đặng, vì thấy hai con mình đặng bước lên bàn thờ tế lễ Chúa. Bà ấy chẳng còn ước ao điều gì nơi thế trần nữa, âu là cũng đã xin Chúa đem mình ra khỏi đời nầy, như thánh Simêon xưa. Nhưng mà cũng còn để bà ấy sống đến gần cuối năm sau mới đem người về. Phước cho mẹ đặng Chúa chọn hai con mình về phần Chúa, mà phong làm kẻ giúp việc Chúa, làm tông đồ Chúa; thật người đã trở nên giàu có vô song, trúng theo tên người, trước mặt Chúa cùng trước mặt kẻ có đức tin! Phước khi còn sống, vì đã tế lễ cho Chúa trót hết của mình dấu yêu; phước khi mong sinh thì, vì hai con ở kề bên mẹ mà đưa linh hồn ra khỏi xác phàm; phước khi chết đoạn, vì linh hồn mỗi ngày đặng hưởng nhờ phần công ơn bỡi lễ misa hai con hằng dưng cho Chúa!

Lãnh chức linh mục vừa rồi, Đức cha sai Cha mới đi giúp Cha Bính (P. Laurent) trong sở Cái Bè. Người đã ở tại Trà Tân mà lo cho mấy họ nhỏ xung quanh, cho đến cuối năm 1894. Đoạn người đổi xuống Mặc Bắc giúp Cha Phụng (P. Fougerouse) cho đến năm 1896. Rồi Đức cha lại đem người qua ở tại Thanh Sơn cho đến năm 1903. Từ tháng Mai 1903, thì cha Philípphê lãnh sở Bến Gỗ mà coi sóc cho dến chết.

Dầu ở nơi nào thì người cũng hằng cử chỉ một mực ân cần làm việc bổn phận cho sáng danh Chúa và linh hồn giáo hữu đặng ích. Xác người ít sức mạnh, mà người không dong cho nó nghỉ ngơi thong thả: khi làm việc bổn phận xong mà rảnh rang, thì người chẳng hao phí giờ ngày mà ở không nhưng, một chuyên xem sách hữu ích, và lựa những truyện hay, mà dịch ra tiếng annam, hầu in trong nhựt trình mà dạy dỗ ủi an kẻ xa người gần, dầu không phải thuộc về đoàn chiên người. Trong mười năm nay biết là bao nhiêu linh hồn đã đặng phần ích bỡi những lời người thinh lặng mà giảng giải khuyên lơn thể ấy! Người không ham tìm cách cao kỳ chuốt ngót lời nói mà phô tài khôn ngoan ngôn ngữ, một dùng tiếng đơn sơ, dầu con nít và đứa ngu si cũng hiểu đặng tỏ rõ.

(Luôn dịp xin kẻ xem nhựt trình N. K. Đ. P chớ nỡ quên đấng đã dày công thể ấy, xin nhớ mà nhiều khi bố thí cho linh hồn người nhiều lời cầu nguyện, giúp cho mau khỏi chốn luyện hình, hầu về chầu Chúa mà phù hộ cho các kẻ người đã thương giúp bấy lâu dưới thế nầy.)

Cũng nên kể lại Cha Philípphê có lòng dấu yêu, kính vì, tin cậy, vưng lời, giúp đỡ anh người tận tình thể nào. Người xem anh như bề trên, như cha mẹ; không làm chuyện gì trọng một chút, mà không bàn tín cùng anh, và cứ lời anh bày biểu. Dầu xa xuôi, cách trở, dầu mắc bua việc vàng, cũng năng tới lui thăm viếng, nhứt là lúc anh người yếu liệt, có khi ở lại nhiều ngày mà giúp đỡ ủi an cho phỉ tình Huynh đệ. Khi anh người đã tới giờ lìa thế, thì người cũng lo gởi tiền xin lễ cho anh khắp cả và địa phận; và hằng năm cũng còn lo xin thêm nhiều lễ như vậy, không lấy nể nang anh tôi là người thánh, không ở luyện tội bao lâu, mà tiếc tiền bỏ việc xin lễ thể ấy đâu. Mình đã làm lễ còn xin thêm nhiều lễ khác với nữa, còn sống thì còn lo luôn, vì chẳng biết phép công bình Chúa đoán định phân xử làm sao. Biết mấy kẻ khi cha mẹ hay là người thiết nghĩa qua đời, thì lo chuyện chôn cất bề ngoài cho trọng thể rỡ ràng, mà không chịu tốn hao cho đặng giúp linh hồn trong nơi luyện tội, hết sức thì xin một lễ cùng hai, rồi thôi.

Tuổi thêm, thì những chứng bịnh yếu đuối cũng thêm, mà Cha Philípphê cứ một mực cang dõng vững chí bằng lòng chịu theo ý Chúa, chẳng hề phàn nàn than thở với ai, để một mình Chúa biết. Cuối năm 1918 thì chứng suyển hành người nặng hơn, lại thêm nóng rét nhức mỏi nhiều. Người không còn gượng dậy được, thấy giờ lâm chung mong đến, thì đã gởi ít chữ cho Cha Sidot, chánh sở Biên Hòa, đặng hay. Cha Sidot vội vàng xuống Bến Gỗ, mà làm các phép bí tích sau hết cho người. Người tỉnh táo và chịu các phép, và phú dưng mạng sống mình tế lễ Chúa. Qua sớm mai mồng hai Janvier linh hồn người ra khỏi xác bằng an. Qua ngày mồng 4 có Cha Bề trên Cao (P. Delignon) lên Bến Gỗ làm lễ, lại có ít Cha ở Saigon cũng đến mà mai táng người. Táng xác người tại đất thánh họ Bến Gỗ, cả và họ lớn nhỏ đều để tang cùng than khóc thương tiếc người, và đã hiệp nhau mà xin lễ cho linh hồn người.

Cúi xin Chúa nhơn từ cho linh hồn thầy Philípphê kíp vào nơi Tiêu sái.

Mátthêu Đức

. Báo Nam Kỳ Địa Phận năm 1919

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét