ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Tư, 28 tháng 10, 2020

Lời nguyền: Thăng Long chỉ cho phép mỗi triều đại định đô 8 "đời" là dứt?

 LỜI NGUYỀN: THĂNG LONG CHỈ CHO PHÉP MỖI TRIỀU ĐẠI ĐỊNH ĐÔ 8 "ĐỜI" LÀ DỨT?

Stt này nói đến NHÀ LÊ TRUNG HƯNG, lịch sử chứng kiến lưỡng đầu chế: "cung Vua (vua Lê) / phủ Chúa (chúa Trịnh)". Sử ghi có cả thảy 15 người lên ngôi vua, rồi 11 người nắm ngôi chúa - vậy, "sấm 8 đời" đâu ứng nữa thì phải?
Trước đó, trên fb này tôi có ghi chú phả hệ nhà Lý (8 đời thì khí vận chấm dứt), nhà Trần có cả thảy 14 vua nhưng kỳ thực cũng gói trong 8 "đời" thì cạn kiệt, buộc phải chuyển sang triều đại khác: Nếu định đô liên tục tại Thăng Long: Chỉ 8 đời là dứt vận của từng triều đại, lịch sử sang trang!

Trong khi đó, nhà Lê sơ (từ đời vua Lê Lợi cho đến Lê Cung hoàng) có 11 người lên ngai vua nhưng, té ra, chỉ mới 6 "đời"! Thành thử không vướng "lời nguyền" (rằng: sẽ diệt vong nếu định đô tại Thăng Long tới 8 "đời") => họ Lê đã trở lại ngai vàng (Nhà Lê Trung hưng) sau khi đánh bại nhà Mạc: Người Việt hiểu sử Việt: Lời nguyền 8 đời tại Thăng Long?

NHÀ LÊ TRUNG HƯNG: "vua Lê / chúa Trịnh"
* VUA LÊ:
a) Sau khi Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê Cung Hoàng (nhà Lê sơ) để lập ra nhà Mạc (năm 1527), những quần thần ngưỡng vọng họ Lê tìm phương cách để khôi phục - họ "tản cư" qua Ai Lao, rồi sau đó dấy binh tại Thanh Hóa, tôn Lê Duy Ninh lên ngôi tức Lê Trang Tông (vào năm 1533). Lê Duy Ninh được cho là con của cựu hoàng Lê Chiêu Tông (nhà Lê sơ).

Kế tiếp là vua Lê Trung Tông (tên thật là Lê Duy Huyên). Vua Trung Tông KHÔNG có con nối dõi, thành thử dòng tộc Lê Thái Tổ (Lê Lợi) tới lúc này là tuyệt tự!

b) Sau đó, đến lượt Lê Anh Tông (Lê Duy Bang) lên ngôi. Chú ý: Lê Anh Tông thuộc dòng dõi của Lê Trừ (anh của Lê Lợi), từ đây về sau trong suốt triều đại Nhà Lê Trung hưng KHÔNG còn là dòng tộc trực hệ của Lê Thái Tổ (Lê Lợi).

Nói cách khác, Nhà Lê sơ thuộc dòng vua Lê Lợi; trong khi Nhà Lê Trung hưng thuộc dòng Lê Trừ.

c) Nối tiếp Lê Anh Tông là vua Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm). Đến đời vua Lê Thế Tông này, vào năm 1592, thì mới đánh đuổi nhà Mạc ra khỏi Thăng Long. Tức là cả 3 vua trước đó - Lê Trang Tông, Lê Trung Tông, Lê Anh Tông đều KHÔNG định đô tại Thăng Long (mà định đô tại Thanh Hóa).

d) "Lời nguyền của sấm truyền"? Chỉ được tính từ lúc ĐỊNH ĐÔ TẠI THĂNG LONG, và sau đó nếu triều đại định đô LIÊN TỤC SUỐT 8 "ĐỜI" thì diệt vong là điều không tránh khỏi.

Thành thử thời vận của NHÀ LÊ TRUNG HƯNG, theo "sấm", là được liệt kê bắt đầu từ vua Lê Thế Tông (khi định đô tại Thăng Long):
1/ Đời vua Lê Thế Tông.
2/ Lê Kính Tông (Lê Duy Tân).
3/ Lê Thần Tông (Lê Duy Kỳ).
4/ Có bốn vua: Lê Chân Tông (Lê Duy Hựu) - Lê Huyền Tông (Lê Duy Vũ) - Lê Gia Tông (Lê Duy Cối) - Lê Hy Tông (Lê Duy Hiệp) hết thảy đều là con của Lê Thần Tông (đời thứ 3). Tức cả bốn vua này đều cùng một thế hệ (cùng "đời").

5/ Lê Dụ Tông (Lê Duy Đường) là con của Lê Hy Tông.
6/ Có hai vua: Lê Thuần Tông (Lê Duy Tường) - Lê Ý Tông (Lê Duy Thận), cả hai đều là con của vua Lê Dụ Tông (đời thứ 5).

7/ Lê Hiển Tông (Lê Duy Diêu) là con Lê Thuần Tông (đời thứ 6).
8/ Lê Mẫn đế (tức Lê Chiêu Thống) là cháu của Lê Hiển Tông (đời thứ 7).
Lê Chiêu Thống rước quân Thanh, và sau đó bị Quang Trung kéo quân từ Đàng Trong ra Thăng Long dẹp tan (năm 1789). Lê Chiêu Thống bỏ chạy qua Tàu.

* Nhà Lê Trung hưng có 12 vua định đô tại Thăng Long (cả thảy 15 vua nhưng 3 vua giai đoạn đầu là ở Thanh Hóa nên không tính vào, theo "sấm truyền"): có 12 vua, kỳ thực chỉ gói trong 8 "đời", và quả nhiên nhà Lê Trung hưng diệt vong ở "đời" thứ 8 định đô tại Thăng Long!

* CHÚA TRỊNH
Sử ghi có 11 chúa, nhưng khi phân tích phả hệ thì ngỡ ngàng lắm đa!

Dòng họ Trịnh khởi đầu với Trịnh Kiểm, rồi Trịnh Cối phò nhà Lê Trung hưng lúc còn phiêu dạt ở Thanh Hóa. Đến Trịnh Tùng thì mới chính thức lập phủ Chúa, đóng tại Thăng Long (vào năm 1592).
1/ Trịnh Tùng
2/ Trịnh Tráng
3/ Trịnh Tạc
4/ Trịnh Căn
5/ Trịnh Cương
6/ Có hai Chúa: Trịnh Giang - Trịnh Doanh, cả hai đều là con của Trịnh Cương, cùng một "đời" (một thế hệ).

7/ Trịnh Sâm (con của Trịnh Doanh)
8/ Có hai Chúa: Trịnh Cán - Trịnh Khải, cả hai đều là con của Trịnh Sâm, cùng một "đời" (một thế hệ).

Khi đọc phả hệ tới đây, tới "đời" thứ 8 rồi, theo sấm truyền thì phủ Chúa (chúa Trịnh) diệt vong. Nhưng... vẫn còn tiếp một chúa nữa, là Trịnh Bồng, thì mới chấm dứt (vào năm 1787). Vậy, "sấm" đã trật lất chớ gì nữa?

Té ra Trịnh Bồng là con của Trịnh Giang (đời thứ 6), tức là anh họ của Trịnh Sâm, cùng một thế hệ với Trịnh Sâm (đời thứ 7). Trịnh Bồng, như vậy, là thuộc về đời thứ 7 trước đó!
Thành thử phả hệ "chúa Trịnh" cũng chỉ kéo dài tổng cộng 8 "đời" ĐÓNG ĐÔ TẠI THĂNG LONG là cạn kiệt.

TẠM THAY LỜI KẾT
Nói nào ngay, "sấm truyền" cũng chỉ nghĩ là chuyện để "tán" chơi chơi.

Nhưng, lạ thiệt, sấm ứng với nhà Lý từ đầu thế kỷ 11, rồi tới nhà Lê Trung hưng - Chúa Trịnh kết thúc vào cuối thế kỷ 18, cách nhau những 700 năm hơn, "sấm" vẫn đúng răm rắp!
-----------------------------------------------------------------------
(hình ảnh: tranh vẽ thời Lê Chiêu Thống, đời thứ 8 - đời cuối cùng - của nhà Lê Trung hưng định đô liên tục tại Thăng Long, đón rước giặc Thanh)



"SẤM" MÀ CHẲNG PHẢI "SẤM", KỲ THỰC LÀ ĐỂ NHẬN RA QUYỀN LỰC HỮU HẠN CỦA THẾ GIAN...
Trên fb này tôi đã lai rai trò chuyện về phả hệ Nhà Lý, nhà Trần: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1051077691992877; phả hệ Nhà Lê sơ, Nhà Mạc: https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1052794141821232 ; phả hệ Nhà Lê Trung hưng với lưỡng đầu chế "cung Vua, phủ Chúa": https://www.facebook.com/nguyenchuong158/posts/1054492831651363

Tựu trung là "lời sấm, lời nguyền 8 đời" dành cho những triều đại định đô ở Thăng Long.
Kỳ thực tôi không quan tâm đến "ứng nghiệm của sấm" cho bằng - qua cái gọi là "sấm" - để nhận ra rằng: quyền lực thế gian dù có mong muốn kéo dài sự tồn tại của thế chế này kia đi nữa, thì hết thảy cũng "mưu sự tại nhân, thành sự tại THIÊN"!

Này, tham vọng muốn soán ngôi "Tạo hóa" ư? Rốt cuộc, chỉ là ảo vọng, là sự phóng đại quyền lực trần gian một cách khốn đốn mà thôi.
---------------------------------------------------------
(hình ảnh: lăng Gia Long, vị hoàng đế đầu tiên của một nước Việt trải dài theo dáng cong chữ S) 

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét