ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Nếu định đô liên tục tại Thăng Long: Chỉ 8 đời là dứt vận của từng triều đại, lịch sử sang trang!

 NẾU ĐỊNH ĐÔ LIÊN TỤC TẠI THĂNG LONG: CHỈ 8 ĐỜI LÀ DỨT VẬN CỦA TỪNG TRIỀU ĐẠI, LỊCH SỬ SANG TRANG!

Được gọi là "phong thủy" hay "sấm" gì đó (không phải sấm Trạng Trình), thành thử tôi cũng không đặt vấn đề khả tín tới đâu. Nhưng, nhiều người nói "sấm rất đúng". Thôi thì, tôi nghĩ, cũng là một dịp rất tốt để chúng ta cùng nhau đọc mà thuộc sử nước nhà.

I/ NHÀ LÝ:
1 Lý Thái Tổ (vào năm 1010 bắt đầu định đô tại Thăng Long)
2 Lý Thái Tông
3 Lý Thánh Tông
4 Lý Nhân Tông
5 Lý Thần Tông
6 Lý Anh Tông
7 Lý Cao Tông
8 Lý Huệ Tông

Tại đền thờ Lý bát đế (Bắc Ninh) chỉ tính đến đời thứ 8 Lý Huệ Tông (còn công chúa Lý Chiêu Hoàng, con của vua Lý Huệ Tông, tuy được truyền ngôi nhưng chỉ thời gian ngắn ngủi thì buộc phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, chuyển sang triều đại mới: Nhà Trần)

* Luận giải:
Theo "sấm" thì một khi định đô tại THĂNG LONG, và định đô LIÊN TỤC NỐI NHAU QUA 8 ĐỜI, thì đến đời thứ 8 là cạn kiệt thời vận!
(tức là: hoặc kết thúc triều đại ngay trong đời thứ 8 để lịch sử sang trang mới; hoặc "chuyển tiếp", khá chóng vánh, trong đời kế tiếp để rồi buộc phải bước hẳn sang triều đại khác).

Xem ra, thời vận Nhà Lý quả nhiên ứng với 8 đời thì dứt thời vận!

II/ NHÀ TRẦN
Theo sử thì có cả thảy 14 người lên ngôi vua (14 vua) vào thời Trần. Ồ, vậy đâu có ứng "8 đời"?
Tìm hiểu, khái niệm "đời" (liên quan đến vận hạn của triều đại) theo sấm truyền là được diễn giải như ri:
1) Chỉ tính những đời vua đặt kinh đô tại Thăng Long (những vua nào không định đô tại Thăng Long thì không tính vào);
2) Định đô tại Thăng Long LIÊN TỤC được cả thảy 8 "đời" => lịch sử sang trang triều đại khác.
"Đời", ở đây, được lưu ý là: nếu ngôi báu được chuyển giao cho anh em ruột / anh em họ, chỉ tính là 1 đời (vì cùng thế hệ).

Thành thử xem lại phả hệ của Nhà Trần, để thấy:
1 Trần Thái Tổ
2 Trần Thái Tông
3 Trần Thánh Tông
4 Trần Nhân Tông
5 Trần Anh Tông
6 Trần Minh Tông
7 Có bốn vua là Trần Nghệ Tông – Trần Hiến Tông – Trần Dụ Tông – Trần Duệ Tông, là anh em với nhau (cùng một thế hệ), đều là con của vua Trần Minh Tông (đời thứ 6);
8 Có ba vua là Trần Phế Đế (con Trần Duệ Tông cũng đời thứ 7) - Nhật Lễ (Trần Nhật Kiên) - Trần Thuận Tông (con Trần Nghệ Tông đời thứ 7).

Trần Thuận Tông và Trần Phế Đế là anh em họ với nhau (cùng một thế hệ). Trong khi đó, Nhật Lễ gọi vua Trần Dụ Tông là chú và được chú Trần Dụ Tông (đời thứ 7) truyền ngôi, thành thử Nhật Lễ cũng cùng một thế hệ với Thuận Tông và Phế Đế.

* Thấy gì? Dưới đời vua Trần Thuận Tông (nằm trong đời thứ 8) có sự dời đô vào Thanh Hóa vào năm 1398 (do áp lực của Thái sư Hồ Quý Ly). Tức kinh đô Thăng Long chỉ dung chứa Nhà Trần đến đời thứ 8 mà thôi.
Và rồi, "chuyển tiếp" rất nhanh trong đời vua Trần Thiếu Đế (con vua Trần Thuận Tông), lúc này đóng đô ở Thanh Hóa, mới 3 tuổi đã phải nhường ngôi báu lại cho Hồ Quý Ly, chuyển sang triều đại khác hẳn!

Xem ra, Nhà Trần tuy có 14 vua nhưng kỳ thực CŨNG CHỈ 8 "ĐỜI" là cạn kiệt thời vận!

* NHÀ LÊ (Lê sơ) khởi đầu với vua Lê Thái Tổ đóng đô tại Thăng Long => chuyển qua NHÀ MẠC (đóng đô tại Thăng Long) => NHÀ LÊ (Lê Trung hưng: vua Lê / chúa Trịnh) định đô Thăng Long - mỗi triều đại này có ứng với "sấm 8 đời" hay không? ./.
----------------------------------------------------------
* Nhà Hồ (kế tiếp nhà Trần), đầu thế kỷ 15, định đô ở Thanh Hóa. Rồi, mãi sau này Chúa Nguyễn (thế kỷ 17, 18), Nhà Nguyễn (thế kỷ 19, 20) định đô tại Phú Xuân - nên không nằm trong "sấm truyền" về khí vận triều đại nơi đất Thăng Long.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt

Hình ảnh: Đền TRẦN ở Nam Định.
Đền LÝ bát đế ở Bắc Ninh.




 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét