ĐẤT VÀ NGƯỜI XỨ BÚNG

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2020

Giữa hai miền biên viễn là chặng dài sứ mệnh 800 năm

 Lai rai ghi chú...

GIỮA HAI MIỀN BIÊN VIỄN LÀ CHẶNG DÀI SỬ MỆNH 800 NĂM
&1&
Đặt chân đến xứ Nghệ, không thể không cảm nhận "hồn cổ", "hồn xưa" vang bóng của một miền biên ải thuở nào. Cách đây gần 1.100 năm, vào năm 938-939 Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán rồi xưng Vương lập nên Nhà Ngô - lúc bấy giờ biên giới cực nam xa xuôi chính là xứ Nghệ (cách gọi chung cho Nghệ An
乂安 và Hà Tĩnh 河靜), thời đó gọi chung là Hoan Châu 驩州.

Đi quá xứ Nghệ là lãnh thổ thuộc những quốc gia khác mất rồi: Lâm Ấp (sau là Champa), trong đó Quảng Bình là vùng đất thuộc chủ quyền của nước Lâm Ấp giáp với xứ Nghệ, rồi xa hơn nữa về phương Nam là nước Phù Nam (sau là Chân Lạp).

&2&
Xứ Nghệ đã mặc lấy "định mệnh" của một vùng biên.
Sao nói vậy?
Trong đăng đẳng nhiều thế kỷ dâu biển - từ thế kỷ 10 (nhà Ngô nhắc trên) cho tới lúc phân định Đàng Ngoài và Đàng Trong vào cuối thế kỷ 16 qua đầu thế kỷ 17 - lãnh thổ Việt cũng đã mở thêm vài nơi (đây dùng địa giới hiện nay cho dễ hình dung): Quảng Bình cho tới Bình Định thuộc chủ quyền của nước Lâm Ấp (sau gọi là Champa, hoặc Chiêm Thành). "Mở" bằng đôi lần vua Chiêm dâng đất, nhưng phần lớn "mở" bằng cách dùng võ lực quân sự.

Lạ thay, làm như "duyên trời định phận" không bằng, ranh giới giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong cũng gần như trùng khớp với ranh giới rõ rành giữa hai quốc gia thuở nào!
Một đàng là biên cương lãnh thổ từng hiện hữu vào đời Ngô, đời Đinh; còn một đàng có gốc tích là lãnh thổ nước Lâm Ấp.
Xứ Nghệ vào thế kỷ 17 trở lại làm miền biên viễn như hồi thế kỷ 10.

(Ghi chú: Ranh giới giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong là đèo Ngang giữa Hà Tĩnh với Quảng Bình. Nói chính xác hơn nữa là lấy sông Gianh làm ranh giới, và phần lớn Quảng Bình thuộc về nam sông Gianh, thuộc về Đàng Trong.
Trong khi đó bắc sông Gianh còn một ít của Quảng Bình, thuộc Đàng Ngoài)

&3&
Cuộc sáp nhập Thủy Chân Lạp vào Đàng Trong theo kiểu "da beo", tỉ như Hà Tiên sáp nhập năm 1708, Cà Mau nằm ở cùng trời cuối đất sáp nhập khoảng năm 1736-1739, trước cả Trà Vinh, Sóc Trăng, Sa Đéc, Châu Đốc sáp nhập năm 1757...

Đàng Trong thành hình dựa trên lãnh thổ (xét về gốc tích) của nước Chiêm Thành cộng với lãnh thổ của Chân Lạp (vùng Thủy Chân Lạp). Thành thử Đàng Trong có một phong thổ văn hóa khác biệt và đa dạng - từ sự cộng sinh của người Việt, người Chăm (Chiêm Thành), người Khmer, người Hoa (với công trạng đặc biệt của cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích khi đem vùng đất Hà Tiên, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ... thuộc quyền cai quản của họ xin nội thuộc Chúa Nguyễn, sáp nhập vào Đàng Trong).

*&*
Một chặng dài tròn trèm 800 năm trôi qua, giữa hai miền biên viễn. Cà Mau trở thành miền biên viễn cực nam của Đàng Trong. Trong khi đó, xứ Nghệ là cực nam của Đàng Ngoài, cũng là cực nam vào thời định cõi nhà Ngô, nhà Đinh.

Nguồn: Nguyễn - Chương Mt
------------------------------------------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét